Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Góc nhỏ Phổ Quang

05/06/201112:01(Xem: 6801)
7. Góc nhỏ Phổ Quang

BÓNG ÁO NÂU
TẬP SÁCH VỀ CUỘC ĐỜI THƯỢNG TỌA THÍCH CHƠN THANH

Phần II: Truyện ký Bóng áo nâu
Đồng tác giả:
Thu Nguyệt - Đỗ Thiền Đăng - Thiện Bảo

Góc nhỏ Phổ Quang

Năm Chơn Thanh 15 tuổi, thầy cho chú và Chơn Hòa xuống học lớp Sơ Đẳng ở trường Phật học Phổ Quang.

Trường Sơ Đẳng Phật học Phổ Quang là cơ sở sinh hoạt của phái Lục Hòa Phật Tử Việt Nam, do sư ông Hải Tràng sáng lập. Mọi sinh hoạt ở đây đều được khép vào một qui củ rất nghiêm ngặt. Hôm sư phụ Thiện Thọ đưa Chơn Thanh và Chơn Hòa đến chùa, gặp thầy Thiện Thông - vị trụ trì kiêm giám viện, thầy Thiện Thông nhìn hai chú, mỉm cười, hỏi:

- Mấy chú học thuộc hai đường công phu và bốn quyển luật Trường Hàng chưa?

Chơn Thanh lí nhí đáp:

- Dạ rồi!

Thầy bắt bí:

- Vậy nhập chúng đệ mấy?

Chơn Thanh nhìn sang Chơn Hòa, thấy bạn chưa có phản ứng gì, chú đáp luôn:

- Mô Phật, đệ tứ.

Thầy nhìn vào Chơn Thanh hỏi tiếp:

-Phàm tại xứ, thụy bất tại nhân tiền, khởi bất tại nhân hậu, mấy chú hiểu không?

Chơn Thanh lễ phép:

-Mô Phật! Ở Phật học viện, ngủ không được trước người, dậy không được sau người...

Độc đáo ở chỗ chữ “phàm tại xứ” lẽ ra phải dịch là “phàm ở chốn này”, chú lại nói là “ở Phật học viện”, vừa phù hợp với bối cảnh, vừa tỏ ra hiểu ý thầy giám viện muốn răn dạy. Những điều này, khi còn ở Phước Lâm, mấy chú được sư phụ dạy rất kỹ. Nhất là trước hôm lên đường, sư phụ còn dạy nhiều kinh nghiệm ở chúng. Ở chúng không đơn giản như ở chùa một thầy vài ba trò sống với nhau. Ở chúng đòi hỏi mình phải tự ý thức nhiều hơn. Phải biết thức khuya, dậy sớm, chăm lo kinh kệ, học hành, sống sao cho vui lòng huynh đệ, phải biết học tập những cái hay, cái tốt của mọi người. Thầy còn chu đáo mời các vị thầy lớn về, tổ chức một đàn tràng thật trang nghiêm cho các chú được thọ phương trượng sa di giới trước khi rời chùa đi học để khỏi mặc cảm với huynh đệ rằng mình chỉ là một sa di đuổi quạ, và cũng để cho các chú ý thức được rằng mình đã lớn, xa thầy thì phải biết tự lực mà tu học. Bổn sư Thiện Thọ được mệnh danh là ông thầy giáo Tân Uyên nổi tiếng dạy học trò nghiêm cẩn.

Nghe Chơn Thanh trả lời suôn sẻ và thông minh, thầy giám viện mỉm cười tỏ vẻ hài lòng. Thầy với tay lấy cái linh (chuông nhỏ) để trên bàn rồi rung lên mấy cái. Hồi linh vang lên lanh lảnh, Chơn Thanh hiểu là thầy đang gọi chú thị giả vào. Lệ ở chùa, khi thầy trò chuyện, nhiều khi thị giả được phép ở lại vừa hầu nước, vừa nghe chuyện để học hỏi, nắm bắt công việc, nhưng cũng có lúc thị giả phải đi ra ngoài để giữ phép, đến khi nghe thầy rung linh thì mới chạy vào. Ở Phước Lâm, sư phụ Thiện Thọ cũng có một cái linh như thế. Mỗi khi sư phụ rung linh, thì y như rằng Chơn Hậu dù đang làm bất kỳ việc gì cũng để lại đó, ba chân bốn cẳng chạy vù lên phòng thầy.

Thị giả là một chú sa di còn khá trẻ, nhỉnh hơn Chơn Thanh độ ba, bốn tuổi, là thị giả của sư ông viện chủ, kiêm luôn việc hầu thầy giám viện, tên chú là Minh Huệ. Minh Huệ bận chiếc áo vạt hò màu lam sạch sẽ, dáng người dong dỏng cao và gương mặt trông rất lanh lợi. Chú chắp tay khẽ cúi chào khách rồi cung kính đứng sau lưng thầy giám viện. Thầy dạy:

- Đây là thầy Thiện Thọ, đến xin cho hai chú nhỏ được nhập chúng để theo học lớp Sơ Đẳng Phật học. Chú đưa thầy lên gặp sư ông, luôn tiện để hai chú đảnh lễ sư ông trước khi xuống đảnh lễ đại chúng.

Minh Huệ cúi đầu xá thầy Thiện Thọ, thỉnh thầy đi trước, rồi nhường lối luôn cho Chơn Thanh và Chơn Hòa, chú đi sau cùng. Khi đi ngang qua con đường nhỏ có bờ râm bụt bên phải chánh điện, Minh Huệ bước lẹ lên ngang với Chơn Thanh, hỏi nhỏ: “Lúc nãy thầy giám viện có nói chỗ cho mấy chú nghỉ chưa?”. Chơn Thanh ngơ ngác lắc đầu, vì chú không biết rằng như vậy là thầy giám viện đã đồng ý cho hai chú nhập chúng. “Chắc là thầy quên đó, để lát nữa tui chỉ chỗ cho” - Minh Huệ thân thiện nói.

Ngôi thất nơi sư ông Hải Tràng ở gọn nhỏ. Đồ đạc lại có vẻ cũ kỹ nhưng ngăn nắp. Một cái đơn gỗ thấp, hai chiếc tủ kinh, một cái bàn làm việc. Giữa phòng là một tấm thảm màu xanh thẫm trải ngay ngắn trước bàn Phật, nơi sư ông vẫn thường xuyên lễ lạy. Khách đến ngồi trên tấm nệm mỏng đặt phía cửa sổ, bên chiếc bàn trà thấp. Sau khi các chú đảnh lễ, sư ông dạy: “Mấy chú còn nhỏ, hãy ráng tu học, giữ gìn nội qui và phải sống cho hòa hợp chúng, nghe!”. Nói xong, sư ông đưa tay xoa đầu hai chú. Sư ông dáng người cao đậm từ hòa, gương mặt phúc hậu, bàn tay sư ông như có một sức ấm nóng lạ kỳ, lan tỏa khắp người.

Gởi chú xong, thầy ra về. Trước khi ra cổng, thầy dừng lại, đặt tay lên vai chú thị giả Minh Huệ và nói, giọng cảm động: “Chú Minh Huệ à! Chú ở đây trước, Chơn Thanh và Chơn Hòa mới đến, hai đứa có gì chưa biết, chú hoan hỷ chỉ vẽ giùm...”. Giọng thầy chân thành, xúc động. Hồi còn ở trên Tân Uyên, chú và Chơn Hòa hay sợ và tránh thầy, vậy mà lúc đó bỗng hai chú thấy lưu luyến, cứ luấn quấn bên thầy, sợ thầy đi mất! Chú theo sát chân thầy ra đến cổng, bất ngờ thầy quay qua ký lên đầu chú một cái, rồi nói:

- Thôi, ở lại ráng học nghen!

Thầy nắm hai vai quay chú trở vô, rồi vội vả bước nhanh. Chú lặng người xúc động trước cử chỉ ấy của thầy. Ngày còn bé, chưa bao giờ thầy xoa đầu chú, không có một cử chỉ thân thiện nào ngoài ánh mắt âu lo mỗi khi chú nóng sốt, bệnh yếu. Bây giờ chú lớn rồi, thầy lại ký đầu chú như một chú bé con. Dáng thầy đã đi khuất khúc quanh con đường mà chú còn đứng đó, nước mắt chảy lúc nào không hay! Chú nhớ mãi hình ảnh của thầy hôm ấy.

Phổ Quang - ngôi chùa mà chú mới đến ở không lớn lắm, nhưng khuôn viên khá rộng, ăn thông ra con đường Võ Di Nguy phía trước. Ở góc sân chùa có một cây bồ đề lớn, cành đơm chi chít những quả chín màu nâu sậm, chim chóc giành nhau kêu ríu rít suốt ngày, thỉnh thoảng lại rụng xuống một cái lá to có đuôi dài hơn những chiếc lá cây bình thường khác. Bên phải chánh điện là một con đường nhỏ với bờ râm bụt thâm thấp, được cắt xén cẩn thận. Đối diện bên kia con đường là ngôi thất có gác gỗ của sư ông viện chủ, bên này là cốc của thầy trụ trì. Dãy nhà Tăng nằm phía bên trái chánh điện. Nói là dãy nhưng kỳ thực đó chỉ là một căn phòng lớn kê mấy dãy đơn dài. Chơn Thanh và Chơn Hòa được phân ở tại căn phòng đó, nằm ngủ trên một cái bộ ngựa màu mun bóng nhẵn. Cái bộ ngựa cũng là nơi dành riêng cho hai chú để mớ đồ đạt ít ỏi của mình. Buổi tối, hai chú giăng chung một cái mùng, nhưng có riêng hai cái gối và hai cái mền. Phòng rộng, có đến mấy chục chú, gồm cả chúng thường trụ lẫn chúng học đường, tất cả cùng học chung lớp Sơ Đẳng.

Trong chúng học đường, tức những vị từ nơi khác đến học, Chơn Thanh quen được huynh Thiện Tri, gốc người Phú Yên, rất giỏi kinh, luật, luận và chữ Hán. Huynh Thiện Tri lớn hơn Chơn Thanh khoảng sáu, bảy tuổi nhưng chưa thọ Tỳ Kheo giới. Trong chúng thường trụ, Chơn Thanh thân với huynh Minh Huệ nhất. Trong thâm tâm, Minh Huệ cũng rất mến Chơn Thanh - chú sa di trắng trẻo, ốm và cao đến độ mấy huynh đệ trong chúng thường chọc là “Thanh cò”, được cái tuy mau miệng nhưng tính tình lại rất hiền hòa, không thích cãi cọ. Một lẽ nữa là sư phụ của Chơn Thanh đã có lời gửi gắm đệ tử của mình cho Minh Huệ nên mặc nhiên chú coi Chơn thanh và Chơn Hòa là hai sư đệ. Minh Huệ là học tăng giỏi nhất chúng thường trụ, được sư ông và thầy giám viện thương, thành thử Minh Huệ cũng có uy với chúng. Có một điểm chung giữa bốn huynh đệ là tất cả đều giỏi chữ Hán và viết chữ Hán rất đẹp. Chữ Thiện Tri thì cứng cáp, chữ Minh Huệ bay bướm, chữ Chơn Hòa đều đặn, riêng chữ Chơn Thanh thì ốm ốm, cao cao và hơi nghiêng nghiêng trông giống hệt hình dạng của chú, nhìn vào ai cũng nhận ra ngay chữ của Thanh cò! Bộ ba Thiện Tri, Minh Huệ và Chơn Thanh, tuy tuổi tác ba người cách biệt, nhưng cả ba lại thân thiết, coi nhau như huynh đệ.

Những tháng ngày tại Phổ Quang cứ thế lặng lẽ trôi qua. Chiều chiều, sau giờ cơm, Chơn Thanh thường hay ra sân trước đứng nhìn cây bồ đề và con đường nhỏ. Chú như vẫn còn thấy dáng áo nâu của thầy đi hút cuối con đường vào cái hôm thầy gởi hai chú ở lại đây tu học.

Buổi sáng, mấy huynh đệ cùng học nội điển tại trường, buổi chiều có khi nghe giảng, có khi tự học. Đối với Chơn Thanh, chương trình nói chung không nặng lắm, vì chú và Chơn Hòa đã được bổn sư dạy dỗ khá kỹ trong chương trình Gia giáo tại chùa. Buổi tối, sau giờ cơm chiều, hai chú được quí thầy trên cho phép đi học lớp đệ lục bổ túc văn hóa tại trường tư thục Tân Thạnh. Giờ học bắt đầu từ sáu giờ và kết thúc lúc chín giờ. Hai chú ăn chiều qua loa rồi xách cặp đi học. Tối về, bụng đói lại phải thức khuya nên thỉnh thoảng mấy chú “lai vãng” xuống bếp lục xin... cơm nguội. Nội qui nhà bếp Phổ Quang khá chặt chẽ, buổi tối các chú không được xuống bếp lục lạo đồ ăn, gây phiền hà cho những người nấu bếp. Nhưng Chơn Thanh và Minh Huệ đặc biệt được mấy cô nhà bếp thương nên hễ thấy bóng dáng mấy chú lấp ló gần khu vực bếp là các cô múc cơm lên cho, thỉnh thoảng khuấy bột bồi dưỡng các chú vì học khuya, tội nghiệp! Đời sống chư tăng tại Phổ Quang bấy giờ rất kham khổ. Giờ quả đường trưa mới có cơm pha gạo trắng, thức ăn tàm tạm, còn buổi chiều và buổi sáng thì chỉ ăn toàn gạo đỏ, hạt nào hạt nấy to bằng hạt lúa mì, cứng ngắt. Đồ ăn gồm nước tương do nhà bếp pha chế, các thứ rau quả thì xin ở chợ về. Đạm bạc vậy nhưng đời sống tu học của các chú không vì thế mà lơi lỏng.

An cư kiết hạ

nguồn sinh lực của tăng già

An cư kiết hạ là một thông lệ từ lâu của các đạo sĩ Ấn Độ khi tăng đoàn Phật giáo hãy còn chưa xuất hiện. Thời tiết Ấn Độ có vẻ khác hơn Việt Nam hay Trung Quốc cũng như các quốc gia khác: Từ tháng một đến tháng tư là mùa xuân, từ tháng chín đến tháng mười hai là mùa đông. Ấn Độ không có mùa thu. Một năm chia làm ba mùa rõ rệt như thế, nên các đạo sĩ qui định vào những tháng mưa gió nên an trú một nơi nhất định để bảo tồn sức khoẻ và tăng cường đạo lực. Giáo đoàn Phật giáo hợp thức hoá thông lệ này bắt đầu từ Lục quần Tỳ kheo (sáu thầy tỳ kheo chuyên gia khai duyên cho Phật chế giới). Suốt mấy tháng mùa mưa, nhóm sáu thầy tỳ kheo này lang thang du hoá khắp nơi không kể gì mưa gió, đạp dẫm lên hoa cỏ mùa màng mới đâm chồi hay những loài côn trùng vừa sanh nở. Cư sĩ chê trách hàng sa môn Thích tử thật quá đáng, các đạo sĩ khác vẫn có những tháng sống cố định, ngay đến loài cầm thú vẫn có mùa trú ẩn của nó, còn các vị hành đạo này thì luông tuồng không biết nghỉ chân vào mùa nào cả. Lúc ấy, đức Phật ở tại nước Xá Vệ, trong thành Cấp Cô Độc, biết được sự việc xảy ra liền ban hành quyết định cấm túc an cư cho toàn thể tăng đoàn trong các tháng đầu mùa mưa, tức từ mồng một trăng tròn của tháng A-sa-đà đến hết trăng tròn của tháng A-thấp-phược-đê-xà (Theo ngài Huyền Trang là nhằm 16 tháng 5 của Trung Quốc, sau vì muốn lấy ngày rằm tháng bảy Vu Lan làm ngày Tự tứ nên chọn ngày An cư là 16 tháng 4). Phật giáo Việt Nam cũng tuân theo nguyên tắc này nhưng thời gian có khác một chút. Nghĩa là thời tiết Việt Nam tuy thể hiện rõ rệt chỉ có hai mùa nắng và mùa mưa, nhưng vẫn qui định theo bốn mùa như Trung Quốc: xuân, hạ, thu, đông. Như vậy thời điểm để tu sĩ Phật giáo Việt Nam an cư là bắt đầu từ ngày rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 (mùa hạ), đó gọi là tiền an cư. Hậu an cư là dành cho trường hợp đặc biệt, có duyên sự khẩn thiết thì có thể bắt đầu an cư từ 17 - 4 cho đến 17 - 5, và kết thúc dĩ nhiên cũng phải đủ 90 ngày như tiền an cư (cùng làm lễ Tự tứ, nhưng phải ở lại cho đủ số ngày). Riêng hệ phái Nguyên Thuỷ chọn thời điểm kiết hạ vào ngày rằm tháng 6 cho đến ngày rằm tháng 9. Tuỳ theo quốc độ, địa phương mà có những mùa an cư không hoàn toàn giống nhau, ở Việt Nam, một vài nơi còn có thêm kiết đông bắt đầu từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 12 là dựa theo tinh thần của Luật Bồ Tát.

Vì sao lại phát sinnh thêm kiết đông thay vì chỉ có kiết hạ? Có phải an cư là thời gian để tăng già tích luỹ nguốn sinh lực hay không?

Hàng xuất gia trong giáo đoàn Phật giáo bao giờ cũng tâm niệm hai nhiệm vụ cần phải sớm thành tựu: thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sanh. Song lộ trình tiến đến quả vị Phật hay Thánh quả thật gian truân cách trở, không phải là vấn đề một sớm một chiều hay một kiếp. Vì vậy việc tự lợi là một nhu cầu cần thiết cho bất cứ một hành giả nào còn vương mang pháp hữu lậu, chưa có phần dự vào dòng Thánh. Nếu như thời gian dành cho việc đi lại bên ngoài quá nhiều, mà căn bản phiền não vẫn còn sâu kín bên trong thì kết quả hoàn toàn sai với tinh thần hóa độ của đức Phật. Người bị trói tất nhiên không bao giờ cởi trói được cho người khác. Người có thật nhiều hạnh phúc, vượt lên trên những khổ đau triền phược mới có thể đưa người ra khỏi dòng tục bến mê. Hóa độ thì xem như chia phần, bớt đi. Mặc dù một ngọn đèn có thể thắp sáng hàng trăm nghìn ngọn đèn khác. Song một khi ngọn đèn ra trước gió, thì sự an nguy cũng giống như một người hành đạo chưa liễu đạo mà phải đương đầu với ngũ dục trần lao. Thế mới biết, an cư là thời gian quý báu để người tu hành có điều kiện nhìn lại chính mình, soi thấu bệnh tật phiền não hoặc mới huân tập hoặc lâu đời mà đoạn trừ, trị liệu. Ngoài ra việc tránh ngộ sát côn trùng hay không ảnh hưởng mùa màng của người thế tục cũng là một duyên cớ để trưởng dưỡng lòng từ bi. Song lý do trước mới là tinh thần chính yếu của việc cấm túc an cư.

Bộ Luật Tư Trì Ký định nghĩa: Lập tâm một chỗ gọi là Kiết; bộ Nghiệp Sớ định nghĩa: Thu thúc thân vào chỗ tịch tĩnh gọi là An. Như vậy dù kiết hạ hay kiết đông an cư thì mục đích chính vẫn là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào không quan tâm đến việc tu tập thiền định để bồi dưỡng trí tuệ thì thật không xứng đáng là bậc mô phạm tỉnh thức. Sự khắc khe này cũng chỉ vì đức Phật muốn bảo hộ sức sống của tăng-già bằng việc triển khai năng lực tu tập của mỗi cá nhân. Nếu ai trong hàng xuất gia đệ tử Phật không tôn kính vâng giữ lời huấn thị của đức Phật, xem an cư là một điều bó buộc, một phương tiện nhỏ nhặt thì quả thật người ấy không những tự chối bỏ phần tự lợi mà gây ảnh hưởng không tốt cho tăng đoàn. Cũng như bác nông phu mỗi năm phải làm ruộng, nếu năm nào bỏ bê không chăm lo đến mùa màng thì bác sẽ bị nghèo nàn đói thiếu. Hàng Bí Sô nếu không có những ngày tháng cùng sinh hoạt cộng trú để sách tấn lẫn nhau thì làm sao có điều kiện để tạo thành năng lực hoà hợp và kiểm chứng giá trị thanh tịnh? Kết thúc khoá an cư là Tự Tứ, một hình thức tối quan trọng để tổng kết quá trình tu tập tiến triển hay lui sụt của từng cá nhân qua ba tiêu chuẩn: thấy, nghe, nghi. Những ai vượt ra khỏi phạm vi giới luật, buông lung theo ba nghiệp, hành động theo bản năng cố hữu thì sẽ bị cử tội giữa đại chúng để bổ khuyết sửa chữa.

Một lần, sau mùa an cư các thầy tỳ kheo lần lượt về vấn an đức Phật và trình bày công phu tu tập của mình. Đức Phật hỏi:

- Vừa qua các ông có được an lạc không?

- Thưa an lạc lắm ạ!

- Thế trong ba tháng ấy các ông tu tập pháp gì?

Các thầy tỳ kheo vui vẻ trả lời:

- Bạch Thế Tôn, chúng con thực hành pháp tịnh khẩu, tự mỗi người giữ im lặng tuyệt đối.

- Đức Phật quở trách:

- Các ông thật vô trí, được sống chung sao không chịu trao đổi hay nhắc nhở nhau tu tập mà lại thực hiện pháp câm như thế, vậy an cư được lợi ích gì chứ? Các ông phải luôn sinh hoạt trong niệm đoàn kết, trên dưới thuận hoà, cùng thống nhất ý kiến, cùng bàn bạc trao đổi và học hỏi lẫn nhau, lẽ nào không thấy được giá trị của thấy, nghe và nghi làm tiêu chuẩn để thanh lọc mỗi người. Các ông đã bỏ phí một mùa an cư. Các ông đã hành động phi pháp.

Năng lực của đại chúng quả thật như biển (Đức chúng như hải) sẽ nâng đỡ những con thuyền lành tốt, khôn khéo chiều theo từng đợt sóng, và sẽ đào thải tất cả những con thuyền hư thủng ra khỏi lòng đại dương. Tăng đoàn muốn hòa hợp theo đúng bản chất của nó như nước với sữa thì buộc mỗi cá nhân phải tự nỗ lực, trang nghiêm chính mình. Ngày nay, những người trí thức ở phương Tây luôn tranh thủ cho mình một khoảng thời gian một tháng hay nhiều hơn trong năm để tu nghiệp, tức là bồi dưỡng thêm nghề nghiệp. Người tu sĩ Phật giáo lấy trí tuệ làm sự nghiệp lẽ nào không đầu tư vào công phu thiền định. Không có thời gian để cùng nhau nhắc nhở giới luật. Tứ niệm xứ, Tứ thánh chủng… Một mình một cõi du hóa lơ lỏng trong nhân gian thì rất khó cho việc thành tựu tuệ giác, hóa độ viên mãn.

Cũng như những giáo hội khác, ngày nay ở Việt Nam không còn giống như thời Phật ở Ấn Độ là hàng xuất gia không phải mỗi người du hóa một phương, mang theo ba y một bình bát và ngủ dưới gốc cây, nhưng lối sống theo từng tông phái, chùa riêng, tổ đình riêng, thầy riêng đệ tử riêng thì cũng xem như rời rạc, chưa đoàn kết hoà hợp. Vì lẽ chưa dung hoà đó mà Kiết hạ an cư đã trở thành qui luật rất cần thiết để làm phương thuốc hồi sinh, làm sống lại tình Linh Sơn cốt nhục mà lắm lúc vì những nguyên do gì đó, vì bệnh nghiệp cá biệt nào đó đã làm cho anh em cùng nhà phải bút chiến, khẩu chiến phân tranh cao hạ, làm cho sư tử phải trọng thương chỉ vì loài trùng ăn gặm trong thân sư tử. Hơn nữa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hôm nay nhắm vào tinh thần thống nhất về tổ chức (thống nhất ý chí và hành động) thì Kiết hạ an cư là một phương tiện thuận lợi cho giáo hội xây dựng tăng đoàn đoàn kết hòa hợp và thống nhất mọi mặt theo phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - chủ nghĩa xã hội”.

Rõ ràng, ba tháng an cư, cửu tuần tu học đích thực là nguồn năng lực quí báu làm nóng lại và bền vững hơn tinh thần thanh tịnh hòa hợp của tăng-già. Chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy sự hưng thịnh của Phật pháp khi chốn tòng lâm ngày ngày giới luật nghiêm minh, đêm đêm toạ thiền niệm Phật, trên dưới hoà hợp, tu tập trong niệm đoàn kết an hoà.

Mùa An Cư - PL 2544

Thích Chơn Thanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com