TẬP SÁCH VỀ CUỘC ĐỜI THƯỢNG TỌA THÍCH CHƠN THANH
Đồng tác giả:
Thu Nguyệt - Đỗ Thiền Đăng - Thiện Bảo
Trường làng
Cái cặp bằng đệm, trong đó là một quyển Quốc văn giáo khoa thư lớp ba, hai cuốn tập, cây viết mực ngòi lá tre, cây thước gỗ vuông nhỏ dài ba tấc. Một bình mực tím, miệng bình có phễu, phòng khi bị lật, mực khỏi đổ hết ra ngoài. Đó là tất cả “lều chõng” của Bé để đi đến trường. Cuốn sách cũ kỹ, quăn góc là của nhà trường cho mượn, hết năm học phải trả lại cho lớp sau học tiếp, còn hai cuốn tập thì rất thẳng thớm, sạch sẽ, luôn còn đủ 100 trang (tập ngày xưa in không tính luôn cả bìa như ngày nay) không bị xé mất trang nào để biến thành chim én, tàu bay... như tập của đa số các cậu bé tiểu học. Bé luôn được cô khen vì rất ngoan và học giỏi. Bảng danh dự treo ở góc lớp bao giờ cũng có tên chú. Chú làm lớp phó nhưng lại được phân công hô khẩu hiệu cho cả lớp trước khi vào học và khi ra về. Còn nhớ mấy bữa đầu tiên vô lớp, thằng Tô là lớp trưởng, nó to con, người ô dề kệch cợm, cô giáo vừa bước vô, nó đứng dậy hét to:
- Học sinh - đứng!
Cả lớp gào theo:
- Nghiêm!
Cô giáo người nhỏ nhắn, trắng bóc, có vẽ ốm yếu. Cô bước lên bục, ngồi xuống ghế sau bàn giáo viên, vẻ mặt hơi cau có, phải đến một phút sau cô mới ra hiệu cho lớp ngồi xuống. Thằng Tô lại hô tiếp, giọng của nó vẫn không giảm khí thế hừng hực:
- Học sinh – ngồi!
Cả lớp nhìn vẻ mặt cô giáo, hơi xìu giọng:
- Xuống!
Cô giáo nhìn quanh một lượt, cất giọng hỏi:
- Ai là lớp phó?
Cả lớp nhao nhao:
- Dạ, thằng Bé, cô.
Cô giáo nghiêm mặt:
- Không nói thằng. Kêu bằng trò Bé, nhớ chưa? Lớp này năm ngoái ai dạy mà ăn nói kỳ khôi vậy? Trò Bé đâu?
Bé đứng lên khoanh tay lễ phép:
- Dạ thưa cô, con.
Cô nhìn chú bé ốm ngẳng, gương mặt sáng sủa, hiền lành, vẻ hơi hài lòng, nhưng cô bật hỏi:
- Con làm lớp phó sao không ngồi đầu bàn nhứt, lại ngồi bàn nhì?
- Dạ thưa cô, trò Út bị xếp ngồi sau lưng con, trò ấy lùn, không thấy bảng nên con nhường...
Cô giáo bảo:
- Con đứng dậy hô khẩu hiệu cho lớp, cô nghe thử.
Bé đứng lên, nhìn xuống lớp một cái rồi lấy giọng, hô chững chạc: “Học sinh - đứng!” Giọng chú rõ ràng và nghe “êm” hơn giọng thằng Tô. Cô giáo gật đầu:
- Từ nay em thay lớp trưởng hô khẩu hiệu, em xách cặp lên bàn nhứt ngồi đúng chỗ.
Cả làng có duy nhất một trường tiểu học nhưng cũng chỉ được hơn chục lớp với một dãy phòng học lợp ngói. Trường có cổng và hai cánh cửa hầu như không được mở đóng bao giờ. Bốn bức tường bao quanh khu vực trường cũng như có như không, bởi đã bị xô ngã, lổ chổ những vết đạn bắn, lâu ngày không được tu bổ sửa sang. Mấy chú học lớp nhứt có thể đi vào trường bằng cổng chính hoặc cắc cớ thì nhảy qua mấy đoạn tường ngã đổ mà vào. Đầu dãy là phòng hiệu trưởng kiêm luôn phòng giáo viên. Cái trống được treo ở đó. Cái trống tróc sơn loang lổ cũ kỹ nhưng âm thanh của nó thì luôn luôn mới tùy theo tâm trạng của người đánh và người nghe. Trường có bác bảo vệ già, quanh năm không bảo vệ được gì mà cũng chẳng có việc gì để bảo vệ ngoài việc bác tự “bảo vệ” lấy bác trước đám học trò ranh mãnh, lí lắc. Nhiệm vụ của bác là đánh trống, nhưng thường được mấy anh lớp nhứt tinh nghịch, xung phong tự nguyện giúp bác, do vậy tiếng trống rất phong phú, khi thì tùng tùng hăng hái như tất cả năng lượng của người đánh dồn vào mặt trống, khi thì thùm thụp ngắt quãng như người cầm dùi đang bị thọt lét! Chỉ có lúc bác đánh thì tiếng trống mới nghe đều đều quen thuộc. Sân trường trồng mấy cây bả đậu lâu năm, tán rộng rất mát, có vài cái tổ chim cứ bị chọi rớt xuống hoài. Cây bả đậu thân có gai nhọn nên không leo được, học trò cứ chọi tổ chim, gạch đất rớt xuống nóc trường, nằm rải rác lổn nhổn đầy trên mái ngói. Cứ mỗi lần nghe tiếng xủng xoảng trên mái, thầy hiệu trưởng bước ra, cả bọn ùa chạy trốn, cũng có khi thoát, cũng có khi không, nếu trong đám có “gian tế” mách lại với thầy. Thầy bắt quì cột cờ phơi nắng suốt giờ ra chơi. Phơi nắng nhằm nhò gì nên chẳng đứa nào sợ, sợ nhứt là bị khẻ năm đầu ngón tay thôi, khẻ năm đầu ngón tay đau dai dẵng, hậu quả kéo dài có khi đến ngày hôm sau, không móc đất nắn đạn cu li hay làm tu hú được. Có lần chọi rớt được một tổ chim se sẻ, cả bọn xúm lại giành. Tội nghiệp mấy chú sẻ non chưa đủ lông cánh, xơ xác ngất ngư vì bị chuyền hết tay này qua tay khác, ngắc ngoải sắp chết. Bé xin mãi cuối cùng cũng được chia cho một con. Trống vào lớp, chú đành bỏ con sẻ non vào hộc bàn. Tan học, con sẻ non chết ngắt. Chú cầm con sẻ trên tay vừa đi vừa khóc. Thằng Tô đi ngang thấy vậy, chụp phắt con sẻ, quăng cái nhủm xuống sông, mắng:
- Khóc khỉ gì? Đồ mít ướt! Mơi tao kiếm con khác cho.
Thằng Tô coi thô bạo vậy chớ cũng được lắm, nó rất thương Bé. Hôm sau, nó đem vô lớp cái hộp lon, gí vào tai chú:
- Tao đố mày cái gì?
Tiếng ò...i...u...u... phát ra ri rỉ từ bên trong, Bé biết ngay:
- Con ong bầu!
Thằng Tô cười:
- Ừa, cho mày đó. Con ong bự tổ chảng luôn, để xa xa lỗ tai, kẻo nó đờn điếc con ráy!
- Dóc tổ! – cả nhóm cười xì. Thằng Tô rượt đá đít từng đứa, mỗi đứa một cái. Bé đem cái lon để xuống cuối lớp, chú sợ trong giờ học mà nó nổi máu nghệ sĩ, đờn um sùm thì cô giáo nghe, phạt chết. Sau giờ học, chú đem con ong về nhà, khoe với má. Má nói: Coi chừng nó chun ra được, đánh chết. Ong bầu mà chích là thúi thịt luôn. Má biểu đem thả đi, nhưng Bé tiếc, chưa chịu thả. Chú vô bếp, bới một tô cơm ra võng ngồi ăn, vừa ăn vừa lắc lắc nghe con ong ò í. Chợt chú nghĩ: nhốt trong đây hoài, con ong đói bụng, biết ăn gì? Nó đói chết sao? Vét vội tô cơm, chú chạy qua nhà thằng Tô, hỏi:
- Lấy gì cho con ong ăn?
Thằng Tô đang ngồi vò cả đống đạn cu li, ngước lên nói:
- Ăn khỉ gì! Nó sống dai lắm, cả tuần chưa chết!
- Nhốt nó tới chết thì thôi hả?
- Hông lẽ mần mắm? Chết thì bỏ. Thằng này, khờ thấy mẹ!
Bé xách hộp lon về, đi thẳng ra sau giàn mướp, mở nắp, thả con ong. Hí hửng chạy vô khoe với má:
- Má. Con thả nó rồi.
Má đang loay hoay trong bếp hỏi:
- Thả cái gì?
- Thì con ong hồi nảy, má biểu con thả.
- Ừa, giỏi, má thương, mai mốt đừng có chơi mấy thứ đó, ớn lắm nghen.
Bé dạ thiệt ngoan, chú nhìn ra giàn mướp, chẳng thấy con ong đâu, chỉ có mấy cái đọt mướp với dây leo lắn ngoắn huơ huơ trong gió buổi trưa mát rượi thổi từ phía sông cái lớn qua cồn, thoang thoảng mùi rạ rơm phủ úm gốc dưa leo. Bé lấy quyển sách trong cặp ra, phủi chân trèo lên bộ vạt tre, nằm học bài. Hình như có tiếng con ong cứ i u bên tai, đưa chú vào giấc ngủ.