Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Thập thiện

05/06/201112:01(Xem: 6605)
6. Thập thiện

BÓNG ÁO NÂU
TẬP SÁCH VỀ CUỘC ĐỜI THƯỢNG TỌA THÍCH CHƠN THANH
Biên tập: Minh Thuận - Huệ Nghiêm - Nhuận Liên

Phần I:
Những bài giảng của thầy

Thập thiện

Thưa quí phật tử!

Hôm nay, tôi xin trình bày với quí vị một phương pháp tu tập để tự chuyển hóa nhằm thăng hoa đời sống từ xấu ác trở thành hiền thiện. Tu tập đạt được mười điều thiện, thanh tịnh ba nghiệp của thân, miệng và ý là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tu học hướng đến giải thoát của hàng phật tử.

Thập thiện nói đầy đủ là thập thiện nghiệp, tức hướng tới và đạt được sự thanh tịnh trong mỗi hành vi tạo tác. Thế nào gọi là thiện, thế nào gọi là ác? Khi làm việc gì mà có lợi cho mình cho người, lợi ích hiện tại và tương lai, lợi ích đời này và đời sau, đó là thiện. Hoặc theo tinh thần Bồ Tát tuy có tổn hại mình nhưng lợi người, lợi chúng sanh, trong đời này và đời sau cũng là thiện vì thương chúng sanh, khởi đại bi tâm, có thể hy sinh thân mình.

Ngược lại với thiện là ác, phàm làm việc gì hại mình, hại người trong đời này và đời sau hoặc lợi mình nhưng hại người, đó là ác. Còn nghiệp là gì? Nghiệp là sự tạo tác của hành vi, là kết quả của những sự tạo tác có chủ ý. Có mươi nghiệp thiện và mười nghiệp ác thông qua sự tạo tác của thân, miệng và ý. Hành động không phải là chính mà chính là ở nơi tâm mình. Chữ thiện, ác không dễ thấy rõ, ví dụ như người làm cha mẹ đánh con, như vậy đánh con là ác sao? Nói “thương con cho roi cho vọt”, hoặc có thằng nhỏ leo lên cây tiểu xuống, ông quan chẳng những không rầy mà còn cho bánh như vậy ổng ác hay thiện? Quan trọng là tâm của mình chứ không phải hành động.

Bất cứ hành động nào cũng xuất phát từ tâm. Ý suy nghĩ, miệng mới nói, tay mới làm, tức là từ nơi ba nghiệp: thân, khẩu và ý nghiệp. Khi xét đoán việc làm nào phải xét từ ba nghiệp mới khẳng định được là thiện hay ác, không thể nói mù mờ được. Hành động của nghiệp thì vô số nhưng phân chia căn bản thì có mười việc lành hoặc dữ.

* Thân nghiệp: sát sanh, trộm cắp, tà dâm.

* Khẩu nghiệp: nói dối, nói lời thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói hung ác.

* Ý nghiệp: tham sân si.

Đó là mười nghiệp ác nếu làm thì phạm, không làm là thiện; như trong bìa kệ: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo”. Nghĩa là các việc ác chớ làm, nếu làm thì phạm; các việc lành nên làm, làm thì không phạm, nếu không làm thì phạm.

Chúng ta đừng quan niệm tôi ăn hiền ở lành, không làm việc gì xấu ác với ai là đã tu rồi. Nếu quan niệm như vậy thì chỉ đứng tại chỗ không tiến lên được. Như một hạt lúa mà không gieo trồng, tưới nước bón phân thì nó có lên thành cây lúa, bụi lúa không? Chúng ta có Phật tánh mà không biết lau chùi, không tu tập thì có giải thoát không? Biết mình có Phật tánh thì phải vun bồi phát triển thì mới sáng suốt được.

Nếu gặp thời an lạc thì con người tu thiện nhiều, thời ác thì dễ làm ác. Quan trọng nhất là chúng ta còn sống được khoẻ mạnh ngày nào, còn trí tuệ thông minh sáng suốt thì gắng tu vì già chết không hẹn cùng ai, nên cần phải dừng nghỉ các hành động ác. Phải tu hết đời này và nhiều đời nhiều kiếp nữa chứ không phải chỉ một kiếp này thôi. Ba nghiệp đã tạo thì cần phải ăn năn sám hối chừa bỏ.

Ngã tích sở tạo chư ác nghiệp

Giai do vô thỉ tham sân si

Tùng thân ngữ ý chi sở sanh

Nhứt thiết ngã kim giai sám hối.

Thấy rõ do ba nghiệp tạo ra tham, sân, si. Chính nó đưa chúng ta đi lên hoặc đi xuống, nên phải tạo cho mình nền móng vững vàng như xây căn nhà vậy. Nó là yếu tố để tu hành và đưa đến kết quả. Một khi đã kết tạo thành nghiệp rồi nó ăn sâu vào chủng tử thì rất khó mà bỏ được như việc hút thuốc hay ăn trầu, đã huân tập nó thành thói quen, thành nghiệp. Khi chúng ta tu thì sẽ chuyển nghiệp được, nếu không chuyển được thì cũng như xì ke mà không cai nghiện thì nó sẽ đưa đến những hậu quả ác nhất như giết người. Nghiệp ác thì phải trừ, nghiệp thiện thì nên tạo, phải thấy được cái nghiệp nào cần thiết để tu sửa. Muốn đi theo con đường lành thì phải cải tạo các hành động việc làm ác ngay từ bây giờ, để cho ba nghiệp được thanh tịnh mới đồng Phật vãng Tây phương. Chúng ta có 84 ngàn pháp môn tu, tu pháp môn nào cũng được miễn sao thuần hóa tâm, thanh tịnh tâm, chữa bịnh tâm. Khi cái chánh tới thì cái tà không còn đất sống, như ánh sáng đến thì bóng tối tự tan đi. Nếu chúng ta làm điều thiện ở chỗ này vùi thì chỗ khác cũng vui, ở nơi nào cũng vui vì thiện nghiệp mình tạo ra thì phải sinh ra an lạc. Khi quí vị đi ra đường thấy người già mình dẫn qua đường tự nhiên cảm thấy có chút niềm vui nho nhỏ. Mỗi ngày cứ tăng thêm việc thiện từ lời nói, hành động, suy nghĩ thiện thì tam an lạc.

Nếu không có tạo nghiệp thì không cần diệt nghiệp. Như cái áo không dơ thì đâu cần giặt. Chuyện kể có vị Phật đi trên một chiếc ghe có 500 vị thương buôn, trong đó có hai tên cướp. Phật biết được ý đồ hai tên cướp muốn giết 500 người này, Phật phải giết hai người kia. Hành động đó là thiện hay ác? Hành động với nội dung tất cả đều do tâm tạo. Phật đã vì tâm từ bi sẵn sàng chịu quả báo cho chúng sanh, có thể làm mọi việc với tâm từ chứ không phải tâm độc ác. Quí vị cứ tin chắc tin sâu vào nhân quả. Cố gắng nhẫn nại làm các việc lành.

Nói thập thiện là nói về ba nghiệp, nó là căn bản của thế gian và xuất thế gian. Gieo nhân thì gặt quả, ngay trong đời hiện tại hoặc đời sau, không sai chạy. Nhân nhỏ thì nhỏ quả nhỏ, nhân lớn thì quả lớn, như người ta nói: Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì, tức là cái thiện và cái ác trước sau gì cũng có quả báo, chỉ có chậm hay mau mà thôi. Cũng như trồng cây: có cây hai hoặc ba tháng có trái, có cây một năm, hai năm và có những cây đến 10 năm hoặc 20 năm. Nếu siêng làm tất cả việc thì kết quả sẽ tốt.

Muốn được quả làm người thì phải gieo nhân lành là giữ tròn năm giới. Với nhân này ta có quả hiện tại từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội đều quý trọng, nếu tiến xa hơn một bực nữa thì phải tu thập thiện. Hiện tại đã khẳng định rằng mình đã tu nhân làm người rồi nên bây giờ mới được làm người đây. Đã gây được nhân làm người lục căn đầy đủ, được gặp Phật pháp thì phải cố gắng tiến lên thêm nữa là tu thập thiện, từ từ đi lên cao hơn để trở về với Phật quả chứ đừng có hướng xuống. Con người là giai đoạn trung gian để đi lên tứ thánh hoặc trở lại lục phàm. Mình đã khẳng định đã chọn lý tưởng rồi thì phải cố gắng theo đuổi, kiên trì nhẫn nại thì sẽ vượt qua hết tất cả, không nên chán nản. Phải thấy được cái lợi ích để mình vượt qua. Muốn lấy được gỗ quí thì phải dọn những gai góc dọc đường, đi vào sâu trong rừng mới có gỗ quí, phải chịu những nghịch cảnh chướng duyên, cực khổ. Càng lên cao càng nguy hiểm và khó khăn. Phải vượt lên chướng duyên của bản thân và của hoàn cảnh.

Chúng ta phải làm sao tự mình giữ cho ba nghiệp được thanh tịnh. Một khi ý nghĩ hay hành động nào muốn làm mình phải suy xét tường tận từ ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp. Mỗi ngày phải tập cho thân không phạm, miệng cũng không phạm, việc nào đáng nói thì nói không thì thôi. Phải tập nói năng như chánh pháp, im lặng như chánh pháp.

Chúc quí phật tử giữ gìn và trau dồi tốt thập thiện nghiệp. Tu tiến để được giải thoát.

Quảng Tánh. (lược ghi)

An cư kiết hạ

nguồn sinh lực của tăng già

An cư kiết hạ là một thông lệ từ lâu của các đạo sĩ Ấn Độ khi tăng đoàn Phật giáo hãy còn chưa xuất hiện. Thời tiết Ấn Độ có vẻ khác hơn Việt Nam hay Trung Quốc cũng như các quốc gia khác: Từ tháng một đến tháng tư là mùa xuân, từ tháng chín đến tháng mười hai là mùa đông. Ấn Độ không có mùa thu. Một năm chia làm ba mùa rõ rệt như thế, nên các đạo sĩ qui định vào những tháng mưa gió nên an trú một nơi nhất định để bảo tồn sức khoẻ và tăng cường đạo lực. Giáo đoàn Phật giáo hợp thức hoá thông lệ này bắt đầu từ Lục quần Tỳ kheo (sáu thầy tỳ kheo chuyên gia khai duyên cho Phật chế giới). Suốt mấy tháng mùa mưa, nhóm sáu thầy tỳ kheo này lang thang du hoá khắp nơi không kể gì mưa gió, đạp dẫm lên hoa cỏ mùa màng mới đâm chồi hay những loài côn trùng vừa sanh nở. Cư sĩ chê trách hàng sa môn Thích tử thật quá đáng, các đạo sĩ khác vẫn có những tháng sống cố định, ngay đến loài cầm thú vẫn có mùa trú ẩn của nó, còn các vị hành đạo này thì luông tuồng không biết nghỉ chân vào mùa nào cả. Lúc ấy, đức Phật ở tại nước Xá Vệ, trong thành Cấp Cô Độc, biết được sự việc xảy ra liền ban hành quyết định cấm túc an cư cho toàn thể tăng đoàn trong các tháng đầu mùa mưa, tức từ mồng một trăng tròn của tháng A-sa-đà đến hết trăng tròn của tháng A-thấp-phược-đê-xà (Theo ngài Huyền Trang là nhằm 16 tháng 5 của Trung Quốc, sau vì muốn lấy ngày rằm tháng bảy Vu Lan làm ngày Tự tứ nên chọn ngày An cư là 16 tháng 4). Phật giáo Việt Nam cũng tuân theo nguyên tắc này nhưng thời gian có khác một chút. Nghĩa là thời tiết Việt Nam tuy thể hiện rõ rệt chỉ có hai mùa nắng và mùa mưa, nhưng vẫn qui định theo bốn mùa như Trung Quốc: xuân, hạ, thu, đông. Như vậy thời điểm để tu sĩ Phật giáo Việt Nam an cư là bắt đầu từ ngày rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 (mùa hạ), đó gọi là tiền an cư. Hậu an cư là dành cho trường hợp đặc biệt, có duyên sự khẩn thiết thì có thể bắt đầu an cư từ 17 - 4 cho đến 17 - 5, và kết thúc dĩ nhiên cũng phải đủ 90 ngày như tiền an cư (cùng làm lễ Tự tứ, nhưng phải ở lại cho đủ số ngày). Riêng hệ phái Nguyên Thuỷ chọn thời điểm kiết hạ vào ngày rằm tháng 6 cho đến ngày rằm tháng 9. Tuỳ theo quốc độ, địa phương mà có những mùa an cư không hoàn toàn giống nhau, ở Việt Nam, một vài nơi còn có thêm kiết đông bắt đầu từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 12 là dựa theo tinh thần của Luật Bồ Tát.

Vì sao lại phát sinnh thêm kiết đông thay vì chỉ có kiết hạ? Có phải an cư là thời gian để tăng già tích luỹ nguốn sinh lực hay không?

Hàng xuất gia trong giáo đoàn Phật giáo bao giờ cũng tâm niệm hai nhiệm vụ cần phải sớm thành tựu: thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sanh. Song lộ trình tiến đến quả vị Phật hay Thánh quả thật gian truân cách trở, không phải là vấn đề một sớm một chiều hay một kiếp. Vì vậy việc tự lợi là một nhu cầu cần thiết cho bất cứ một hành giả nào còn vương mang pháp hữu lậu, chưa có phần dự vào dòng Thánh. Nếu như thời gian dành cho việc đi lại bên ngoài quá nhiều, mà căn bản phiền não vẫn còn sâu kín bên trong thì kết quả hoàn toàn sai với tinh thần hóa độ của đức Phật. Người bị trói tất nhiên không bao giờ cởi trói được cho người khác. Người có thật nhiều hạnh phúc, vượt lên trên những khổ đau triền phược mới có thể đưa người ra khỏi dòng tục bến mê. Hóa độ thì xem như chia phần, bớt đi. Mặc dù một ngọn đèn có thể thắp sáng hàng trăm nghìn ngọn đèn khác. Song một khi ngọn đèn ra trước gió, thì sự an nguy cũng giống như một người hành đạo chưa liễu đạo mà phải đương đầu với ngũ dục trần lao. Thế mới biết, an cư là thời gian quý báu để người tu hành có điều kiện nhìn lại chính mình, soi thấu bệnh tật phiền não hoặc mới huân tập hoặc lâu đời mà đoạn trừ, trị liệu. Ngoài ra việc tránh ngộ sát côn trùng hay không ảnh hưởng mùa màng của người thế tục cũng là một duyên cớ để trưởng dưỡng lòng từ bi. Song lý do trước mới là tinh thần chính yếu của việc cấm túc an cư.

Bộ Luật Tư Trì Ký định nghĩa: Lập tâm một chỗ gọi là Kiết; bộ Nghiệp Sớ định nghĩa: Thu thúc thân vào chỗ tịch tĩnh gọi là An. Như vậy dù kiết hạ hay kiết đông an cư thì mục đích chính vẫn là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào không quan tâm đến việc tu tập thiền định để bồi dưỡng trí tuệ thì thật không xứng đáng là bậc mô phạm tỉnh thức. Sự khắc khe này cũng chỉ vì đức Phật muốn bảo hộ sức sống của tăng-già bằng việc triển khai năng lực tu tập của mỗi cá nhân. Nếu ai trong hàng xuất gia đệ tử Phật không tôn kính vâng giữ lời huấn thị của đức Phật, xem an cư là một điều bó buộc, một phương tiện nhỏ nhặt thì quả thật người ấy không những tự chối bỏ phần tự lợi mà gây ảnh hưởng không tốt cho tăng đoàn. Cũng như bác nông phu mỗi năm phải làm ruộng, nếu năm nào bỏ bê không chăm lo đến mùa màng thì bác sẽ bị nghèo nàn đói thiếu. Hàng Bí Sô nếu không có những ngày tháng cùng sinh hoạt cộng trú để sách tấn lẫn nhau thì làm sao có điều kiện để tạo thành năng lực hoà hợp và kiểm chứng giá trị thanh tịnh? Kết thúc khoá an cư là Tự Tứ, một hình thức tối quan trọng để tổng kết quá trình tu tập tiến triển hay lui sụt của từng cá nhân qua ba tiêu chuẩn: thấy, nghe, nghi. Những ai vượt ra khỏi phạm vi giới luật, buông lung theo ba nghiệp, hành động theo bản năng cố hữu thì sẽ bị cử tội giữa đại chúng để bổ khuyết sửa chữa.

Một lần, sau mùa an cư các thầy tỳ kheo lần lượt về vấn an đức Phật và trình bày công phu tu tập của mình. Đức Phật hỏi:

- Vừa qua các ông có được an lạc không?

- Thưa an lạc lắm ạ!

- Thế trong ba tháng ấy các ông tu tập pháp gì?

Các thầy tỳ kheo vui vẻ trả lời:

- Bạch Thế Tôn, chúng con thực hành pháp tịnh khẩu, tự mỗi người giữ im lặng tuyệt đối.

- Đức Phật quở trách:

- Các ông thật vô trí, được sống chung sao không chịu trao đổi hay nhắc nhở nhau tu tập mà lại thực hiện pháp câm như thế, vậy an cư được lợi ích gì chứ? Các ông phải luôn sinh hoạt trong niệm đoàn kết, trên dưới thuận hoà, cùng thống nhất ý kiến, cùng bàn bạc trao đổi và học hỏi lẫn nhau, lẽ nào không thấy được giá trị của thấy, nghe và nghi làm tiêu chuẩn để thanh lọc mỗi người. Các ông đã bỏ phí một mùa an cư. Các ông đã hành động phi pháp.

Năng lực của đại chúng quả thật như biển (Đức chúng như hải) sẽ nâng đỡ những con thuyền lành tốt, khôn khéo chiều theo từng đợt sóng, và sẽ đào thải tất cả những con thuyền hư thủng ra khỏi lòng đại dương. Tăng đoàn muốn hòa hợp theo đúng bản chất của nó như nước với sữa thì buộc mỗi cá nhân phải tự nỗ lực, trang nghiêm chính mình. Ngày nay, những người trí thức ở phương Tây luôn tranh thủ cho mình một khoảng thời gian một tháng hay nhiều hơn trong năm để tu nghiệp, tức là bồi dưỡng thêm nghề nghiệp. Người tu sĩ Phật giáo lấy trí tuệ làm sự nghiệp lẽ nào không đầu tư vào công phu thiền định. Không có thời gian để cùng nhau nhắc nhở giới luật. Tứ niệm xứ, Tứ thánh chủng… Một mình một cõi du hóa lơ lỏng trong nhân gian thì rất khó cho việc thành tựu tuệ giác, hóa độ viên mãn.

Cũng như những giáo hội khác, ngày nay ở Việt Nam không còn giống như thời Phật ở Ấn Độ là hàng xuất gia không phải mỗi người du hóa một phương, mang theo ba y một bình bát và ngủ dưới gốc cây, nhưng lối sống theo từng tông phái, chùa riêng, tổ đình riêng, thầy riêng đệ tử riêng thì cũng xem như rời rạc, chưa đoàn kết hoà hợp. Vì lẽ chưa dung hoà đó mà Kiết hạ an cư đã trở thành qui luật rất cần thiết để làm phương thuốc hồi sinh, làm sống lại tình Linh Sơn cốt nhục mà lắm lúc vì những nguyên do gì đó, vì bệnh nghiệp cá biệt nào đó đã làm cho anh em cùng nhà phải bút chiến, khẩu chiến phân tranh cao hạ, làm cho sư tử phải trọng thương chỉ vì loài trùng ăn gặm trong thân sư tử. Hơn nữa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hôm nay nhắm vào tinh thần thống nhất về tổ chức (thống nhất ý chí và hành động) thì Kiết hạ an cư là một phương tiện thuận lợi cho giáo hội xây dựng tăng đoàn đoàn kết hòa hợp và thống nhất mọi mặt theo phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - chủ nghĩa xã hội”.

Rõ ràng, ba tháng an cư, cửu tuần tu học đích thực là nguồn năng lực quí báu làm nóng lại và bền vững hơn tinh thần thanh tịnh hòa hợp của tăng-già. Chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy sự hưng thịnh của Phật pháp khi chốn tòng lâm ngày ngày giới luật nghiêm minh, đêm đêm toạ thiền niệm Phật, trên dưới hoà hợp, tu tập trong niệm đoàn kết an hoà.

Mùa An Cư - PL 2544

Thích Chơn Thanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com