Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cửa thứ mười: Quán Tác Giả (Quán Tạo Hóa)

07/05/201108:45(Xem: 9067)
Cửa thứ mười: Quán Tác Giả (Quán Tạo Hóa)

THẬP NHỊ MÔN LUẬN
LUẬN VỀ MƯỜI HAI CỬA
Tác giả: Long Thọ (Nàgàrjuna)
Dịch giả Hoa Ngữ: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Dịch giả Việt Ngữ: Thích Viên Lý

CỬA THỨ MƯỜI
QUÁN TÁC GIẢ - (QUÁN TẠO HÓA)

Các pháp đều là không? Tại sao? Vì một pháp không thể tự nó làm ra, hoặc do cái khác làm ra, hoặc do cả tự nó lẫn cái khác, hoặc chẳng do bất cứ nhân nào. Như đã nói trong những câu:

Khổ không phải tự nó sanh ra
không phải cái khác sanh ra,
không phải do tự nó và cái khác sanh ra.
Vì vậy không có khổ.

Khổ không thể tự tác. Tại sao? Nếu nó tự tạo ra, tức là nó làm nên bản thể (thể tánh) của chính nó. Nhưng một vật không thể dùng chính nó để tạo chính nó. Thí dụ, ý thức không thể ý thức về chính nó, và một ngón tay không thể sờ chính nó. Vì vậy không có thứ gì có thể tự tác.

Khổ cũng chẳng do thứ khác sanh ra. Làm sao nó có thể do thứ khác sanh ra?

Hỏi: Các duyên được gọi là tha. Các duyên tạo nên khổ: điều này gọi là “tha tác.” Làm sao ngài có thể nói khổ chẳng phải do tha (một cái gì khác) làm nên?

Đáp: Nếu các duyên được gọi là tha, và khổ do các duyên tạo ra; nếu khổ sanh ra từ duyên thì bản chất (tánh) của nó là duyên. Nếu bản chất của nó là duyên, tại sao gọi duyên là tha? Thí dụ, trong một cái bình bằng đất sét, đất sét không được gọi là tha; trong một cái vòng bằng vàng, vàng không được gọi là tha. Điều này cũng áp dụng đối với trường hợp của khổ. Nếu nó do các duyên làm nên thì duyên không thể được gọi là tha.

Các duyên không có tự tánh. Chúng không tự hiện hữu. Vì vậy không thể nói rằng quả là từ duyên sanh ra. Như đã được nói trong Trung Luận:

Quả từ duyên sanh ra,
nhưng duyên không tự hiện hữu.
Nếu duyên không tự hiện hữu,
làm sao duyên có thể sanh ra quả?

Vì vậy khổ không thể do tha làm nên. Nó cũng không thể được tạo ra bởi cả chính nó và ngoài (tha), vì cả hai đều là sai. Cho nên không thể̀ nói rằng khổ do cả hai thứ tạo ra.

Cũng không đúng nếu nói rằng khổ chẳng do bất cứ nhân nào tạo ra, vì nói như vậy là sai vô cùng tận.

Như trong kinh đã dạy: Một đạo sĩ Tirthika lõa hình [“naked Tirthika” trong bản dịch Anh ngữ] hỏi Đức Phật: “Khổ tự tác chăng?” Đức Phật im lặng không trả lời. “Bạch Thế Tôn! Nếu khổ không tự tác thì có phải là tha tác chăng?” Đức Phật vẫn không trả lời. “Thế Tôn! Vậy nó chẳng do nhân nào sanh ra chăng?” Đức Phật vẫn không trả lời. Vì Đức Phật không trả lời bốn câu hỏi này cho nên chúng ta nên biết rằng khổ là không.

Hỏi: Trong kinh Đức Phật không nói khổ là không, nhưng ngài tùy theo khả năng giác ngộ của chúng sanh [trong trường hợp này là vị đạo sĩ Tirthika] mà thuyết pháp.

Đáp: Các đạo sĩ thuộc phái Tirthika cho rằng con người là nhân của khổ. Những người tin rằng cái ngã thực sự hiện hữu nói rằng thiện và ác là do cái ngã tạo ra. Họ tin rằng cái ngã thì trong sạch và không có khổ và phiền não; cái ngã có khả năng hiểu biết; nó tạo thiện, ác, khổ, sướng, và nó hiện thân trong những hình thái khác nhau. Vì họ có những quan niệm sai lầm đó nên họ hỏi Đức Phật: “Khổ tự tác chăng?” Đức Phật không trả lời. Khổ chẳng phải là do cái ngã tạo ra.

Nếu ngã là nhân của khổ thì thể vì ngã mà sanh ra. Vậy ngã là vô thường. Tại sao? Nếu các pháp là các nhân và sanh ra từ các nhân thì chúng đều là vô thường. Nếu ngã là vô thường thì những quả báo của thiện và ác đều đoạn diệt. Nếu vậy những công đức của người đạo hạnh Bà La Môn cũng là không.

Nếu ngã là nhân của khổ thì không thể có giải thoát. Tại sao? Nếu ngã tạo ra khổ: nếu không có khổ thì sẽ không có cái ngã tạo ra khổ; nếu không có cái ngã thì ai sẽ đạt được giải thoát? Nếu khổ được tạo ra mà không có cái ngã thì sẽ vẫn còn khổ dù sau khi giải thoát; và sẽ không có giải thoát thực sự. Nhưng thực ra có giải thoát. Vì vậy, không thể nói rằng khổ tự nó sanh ra.

Khổ cũng chẳng phải sanh ra từ tha. Nếu khổ tách ra từ tha, làm sao có thể có một cái ngã khác tạo ra khổ rồi truyền nó cho người khác?

Câu “khổ sanh ra từ tha” có thể hàm ý nghĩa rằng khổ do Trời (Tự tại Thiên) tạo ra. Một số người có tà kiến này hỏi Đức Phật nhưng ngài không trả lời. Thực sự nó chẳng phải do Trời sanh ra. Tại sao? Vì Trời và khổ có bản tánh mâu thuẫn. Một con bê sanh ra từ một con bò thì vẫn là một con bò. Nếu chúng sanh do Trời sanh ra thì chúng sanh phải giống như Trời. Vì chúng sanh là con của Trời.

Nếu Trời sanh ra tất cả chúng sanh thì Trời đã không khiến chúng sanh phải khổ. Vì vậy người ta không nên nói rằng Trời sanh ra khổ.

(*Tự tại thiên ở đây có nghía là Trời hoặc đấng tạo hóa tự mình có thể hiện hữu, tồn tại mà không nhờ vào những nhân duyên khác.)

Hỏi: Tất cả chúng sanh do Trời (Tự tại Thiên) sanh ra, đau khổ và hạnh phúc cũng do Trời gây ra. Vì chúng sanh không biết nguyên nhân của hạnh phúc cho nên Trời tạo ra khổ.

Đáp: Nếu chúng sanh là con của Trời thì Trời đã dùng hạnh phúc để che đậy khổ và đã không gây ra khổ cho chúng sanh. Và những người tôn thờ Trời không phải chịu khổ mà chỉ hưởng hạnh phúc. Nhưng trên thực tế không đúng như vậy. Con người tự tác động và họ có cả hạnh phúc lẫn khổ đau, và họ nhận được tưởng thưởng theo luật nhân duyên. Tất cả những điều này chẳng phải do Trời tạo ra.

Nếu Trời tự hiện hữu thì chắc hẳn Ngài chẳng cần thứ gì. Nếu ngài cần thứ gì thì Ngài không được coi là tự hiện hữu (tự tại). Nếu Ngài không cần thứ gì thì tại sao Ngài tạo biến hóa, giống như đứa trẻ con chơi đùa, để tạo ra chúng sanh?

Nếu Trời tạo ra tất cả chúng sanh thì ai đã tạo ra Ngài? Nói rằng Trời tự tạo ra chính Ngài thì không thể đúng, vì không có thứ gì có thể tự tạo chính mình. Nếu Ngài do một tạo hóa khác tạo ra thì Ngài chẳng phải là tự hiện hữu.

Nếu Trời là đấng tạo hóa toàn năng thì không thể có chướng ngại gì trong tiến trình tạo tác của Ngài; Ngài có thể tức thời tạo mọi thứ. Kinh sách viết về Trời nói: Trời muốn tạo ra vạn vật. Ngài thực hành khổ hạnh và tạo ra các loài côn trùng bò dưới đất. Rồi Ngài lại thực hành khổ hạnh và tao ra tất cả loài chim bay. Rồi Ngài lại thực hành khổ hạnh và tạo ra con người và thiên thần. Nếu như các loài trùng, chim, người và thiên thần lần lượt do những hành vi khổ hạnh sanh ra, thì chúng ta nên biết rằng chúng sanh được sanh ra từ nghiệp và nhân duyên chứ chẳng phải do Trời thực hành những hành vi khổ hạnh.

Nếu Trời là đấng tạo hóa của vạn vật thì Ngài tạo ra chúng ở đâu? Có phải chính Ngài tạo ra nơi đó không? Hay là ai khác tạo ra nơi đó? Nếu nơi đó do Trời tạo ra thì Ngài tạo ra nó ở đâu? Nếu Ngài đứng ở nơi khác để tạo ra nơi này thì ai tạo ra cái nơi khác đo? Những câu hỏi thì phải có hai Trời, nhưng điều này không thể đúng. Vì vậy vạn vật trong vũ trụ chẳng phải do Trời tạo ra.

Nếu Trời là tạo hóa thì tại sao Ngài phải thực hành khổ hạnh giống như thể Ngài thờ phụng và vầu xin một đấng nào khác để đạt được ý nguyện của Ngài? Nếu Ngài phải thực hành khổ hạnh cầu xin ân huệ của ai khác thì chúng ta nên biết rằng Trời chẳng phải là tự hiện hữu.

Nếu Trời tạo ra tất cả vạn vật thì chúng phải có định tánh ngay từ khi sanh ra chứ không biến đổi. Một con ngựa luôn luôn là một con ngựa, và một con người luôn luôn là một con người. Nhưng nay vạn vật biến đổi tùy theo nghiệp. Vì vậy, chúng ta nên biết rằng vạn vật chẳng phải do Trời sanh ra.

Nếu là Trời tạo hóa thì đã chẳng có tội lỗi và phước đức, vì thiện, ác, cái đẹp, cái xấu toàn là lo Trời tạo nên. Nhưng thực tế thì có tội lỗi và phước đức. Bởi vậy, vạn vật chẳng phải do Trời tạo ra.

Nếu tất cả chúng sanh do Trời sanh ra thì chúng phải tôn kính và yêu qúi Trời, giống như các con yêu qúi cha của chúng. Nhưng thực tế thì không đúng như vậy; một số người oán ghét Trời và một số người yêu qúi Trời. Bởi vậy, chúng ta nên biết rằng vạn vật chẳng phải do Trời sanh ra.

Nếu Trời là tạo hóa thì tại sao Ngài không khiến cho tất cả mọi người đều hạnh phúc hoặc tất cả mọi người đều khổ? Tại sao Ngài khiến một số người hạnh phúc và một số khác đau khổ. Chúng ta thấy Trời hành động do lòng yêu và ghét, vì vậy Trời không tự hiện hữu. Khi mà Trời không tự hiện hữu thì vạn vật chẳng phải do Trời sanh ra.

Nếu Trời là tạo hóa của tất cả vạn vật thì mọi sinh vật không thể tạo nên thứ gì. Nhưng trên thực tế mỗi sinh vật có thể tạo ra vật khác. Vì vậy, chúng ta nên biết rằng vạn vật chẳng phải do Trời sanh ra.

Nếu Trời là tạo hóa thì thiện, ác, khổ và hạnh phúc tự chúng sẽ tới, chứ không do con người tạo ra. Nhưng nếu vậy không còn luật của thế gian [người làm điều thiện được thưởng, người làm điều ác bị trừng phạt]. Nếu vậy đời tu hành khổ hạnh và những công đức của người đạo hạnh Bà La Môn là vô ích. Nhưng không đúng như vậy. Cho nên chúng ta biết rằng vạn vật chẳng phải do Trời sanh ra.

Nếu do nhân duyên Trời là bậc cao cả trong chúng sanh thì chúng sanh nào thực hành phước nghiệp là cũng cao cả. Tại sao chỉ có Trời được nhân duyên, thì tất cả chúng sanh cũng phải tự hiện hữu. Nhưng sự thực không phải như vậy. Nếu Trời đến từ một căn nguyên khác thì cái đó cũng đến từ một căn nguyên khác nữa; nếu vậy nguồn gốc là vô tận. Nếu nguồn gốc là vô tận thì không hể có nguyên nhân.

Vì vậy, có những nhân duyên khác nhau sanh ra vạn vật. Bạn nên nói rằng vạn vật chẳng phải do Trời tạo ra và rằng Trời không hiện hữu. Khi một người có nhãn quan sai lầm hỏi Đức Phật có phải khổ do tha sanh ra hay không, Ngài không trả lời.

Cũng không thể có trường hợp một vật được sanh ra bởi cả chính nó lẫn tha (vật khác), vì như vậy là có hai điều sai lầm [như đã nói trước đây].

Sự phối hợp của các nhân duyên sanh ra chư pháp, vì vậy chẳng có thứ gì sanh ra mà không có nhân. Cho nên Đức Phật cũng không trả lời câu hỏi đó.

Hỏi: Vậy kinh sách chỉ phản bác bốn tà kiến [của đạo sĩ Tirthaka] chứ không nói khổ là không.

Đáp: Tuy Đức Phật dạy sự phối hợp của nhân duyên sanh ra khổ, nhưng việc phản bác bốn tà kiến cũng giống như nói rằng khổ là không. Nếu khổ là không. Tại sao? Vì bất cứ cái gì sanh ra từ nhân duyên đều không có tự tánh. Bất cứ cái gì không có tự tánh đều là không.

Nếu khổ là không, bạn nên biết rằng tất cả hữu vi pháp, vô vi pháp và chúng sanh đều là không.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com