- Lời Mở Đầu của Dịch Giả bản dịch Anh Ngữ
- Cửa thứ nhất: Quán Nhân Duyên
- Cửa thứ nhì: Quán Hữu Quả và Vô Quả
- Cửa thứ ba: Quán Duyên
- Cửa thứ tư: Quán Tướng
- Cửa thứ năm: Quán Hữu Tướng hay Vô Tướng
- Cửa thứ sáu: Quán Đồng Nhất hay Dị Biệt
- Cửa thứ bảy: Quán Hữu và Vô
- Cửa thứ tám: Quán Tánh
- Cửa thứ chín: Quán Nhân Quả
- Cửa thứ mười: Quán Tác Giả (Quán Tạo Hóa)
- Cửa thứ mười một: Quán Tam Thời
- Cửa thứ mười hai: Quán Sanh
LUẬN VỀ MƯỜI HAI CỬA
Tác giả: Long Thọ (Nàgàrjuna)
Dịch giả Hoa Ngữ: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Dịch giả Việt Ngữ: Thích Viên Lý
QUÁN HỮU VÀ VÔ
Chư pháp đều là không. Tại sao? Hữu vô không thể đạt được cùng một lúc và cũng không đạt được vào những lúc khác nhau. Như đã được nói trong những câu kệ sau đây:
Không thể có hữu cùng với vô,
cũng không thể có hữu mà không có vô.
Nếu có thể có hữu cùng với vô,
thì hữu sẽ luôn luôn là vô.
Hữu và vô có bản chất tương phản. Trong một pháp không thể bao gồm cả hai. Thí dụ khi có sự sống thì không có cái chết. Khi có cái chết thì không có sự sống. Điều này đã được bàn trong Trung Luận. Có lẽ bạn cho rằng không có sự sai lầm nếu nói rằng khi hữu tồn tại thì không có vô. Nhưng không phải vậy. Tại sao? Làm sao có thể có hữu mà không có vô! Như trước đây đã nói, khi một pháp nào sanh ra thì bảy hiện tượng cũng sanh ra cùng với nó. Như đã nói trong Luận Abhidaharma (Thượng Pháp) rằng hữu và vô-thường được sanh ra cùng với nhau. Vô thường là tướng của diệt, cho nên được gọi là vô thường. Do đó, nếu không có vô (và tướng của nó, vô thường) thì hữu không thể sanh ra. Nếu hữu có thể sanh cùng với vô thường thì hữu luôn luôn là vô. Nếu hữu luôn luôn là vô thì không thể có thể có trú, bởi vì sự thường hằng bị hủy diệt. Nhưng thực ra có trú. Do đó hữu không luôn luôn là vô. Nếu nói rằng hữu có thể sanh ra mà không có vô thường thì không đúng. Tại sao? Vì nếu không có vô thường thì hữu không thể sanh ra.
Hỏi: Khi hữu sanh ra, vô thường đã có sẵn ở trong nó nhưng chưa phát tác. Khi có diệt, vô thường phát tác và hữu bị hủy diệt. Vì vậy, sanh, trú, diệt và lão phải chờ đợi thời của chúng để phát tác. Vào lúc khởi đầu, sanh có hiệu lực cho nên sanh ra hữu. Ở giai đoạn giữa sanh và diệt thì trú có hiệu lực cho nên hữu được duy trì. Vào lúc cuối cùng, vô thường có hiệu lực cho nên hữu bị hủy diệt. Lão là sự thay đổi từ sanh tới trú và từ trú tới dị diệt. Vô thường hủy diệt thường hằng và điều này khiến cho bốn hiện tượng có thể xảy ra. Cho nên, dù rằng các pháp sanh cùng với vô thường, hữu không luôn luôn là vô.
Đáp: Bạn nói rằng vô thường cũng là tướng của dịêt và sanh ra cùng với hữu. Vậy thì vào lúc hữu được sanh ra nó cũng đang bị hủy diệt; và vào lúc bị hủy diệt hữu cũng sanh được sanh ra.
Không thể có sanh cùng với diệt. Tại sao? Vào lúc đang bị hủy diệt không thể có sanh. Và vào lúc đang sanh không thể có diệt, vì sanh và diệt tương phản nhau.
Bạn nói rằng vô thường và trú được sanh ra cùng với nhau. Nhưng vào thời của diệt không thể có trú, và vào thời của trú không thể có diệt. Tại sao? Vì trú và diệt tương phản nhau. Vào thời của lão không có trú, và vào thời của của trú không có lão.
Vì vậy, lập luận của bạn rằng vô thường được sanh ra cùng với sanh, trú diệt và lão là phi lý. Tại sao? Giả thử rằng hữu được sanh ra cùng với vô thường. Vô thường là tướng của diệt. Khi một vật được sanh ra nó không có tướng của diệt, và khi sinh tồn nó cũng không có tướng của diệt. Vậy thì vào lúc nào có thể có vô thường?
Nhờ tình trạng ý thức cho nên có ý thức; nếu không có tình trạng ý thức thì không thể có tướng của ý thức. Nhờ khả năng cảm nhận cho nên có cảm giác; nếu không thể cảm nhận thì không có tướng của cảm giác. Nhờ có khả năng hồi tưởng cho nên có ký ức; nếu không có khả tăng hồi tưởng thì không có thể có tướng của ký ức. Khởi là một tướng của sanh, bất khởi không có phải là một tướng của sanh. Chịu đựng là một tướng của trú; bất chịu đựng không phải là một tướng của trú. Thay đổi là một tướng của lão, không thay đổi không phải là một tướng của lão. Sự hủy diệt của đời sống là một tướng của cái chết. Bất hủy diệt của đời sống không phải là một tướng của vô thường. Nếu không có hủy diệt thì không có tướng của vô thường.
Giả thử rằng tuy có vô thường nhưng nó không hủy diệt hữu vào thời của sanh và trú, nhưng nó sẽ hủy diệt về sau này. Tại sao chúng lại cùng sanh ra? Chỉ vào lúc hữu bị hủy diệt thì mới cần tới vô thường. Vì vậy nếu nói rằng “vô thường sanh ra cùng với hữu và sau này hủy diệt nó” là không đúng.
Vì vậy, sự hợp nhất của hữu và vô không thể thành, và sự phân li của hữu và vô cũng không thành. Do đó, hữu và vô là không.