- Lời Mở Đầu của Dịch Giả bản dịch Anh Ngữ
- Cửa thứ nhất: Quán Nhân Duyên
- Cửa thứ nhì: Quán Hữu Quả và Vô Quả
- Cửa thứ ba: Quán Duyên
- Cửa thứ tư: Quán Tướng
- Cửa thứ năm: Quán Hữu Tướng hay Vô Tướng
- Cửa thứ sáu: Quán Đồng Nhất hay Dị Biệt
- Cửa thứ bảy: Quán Hữu và Vô
- Cửa thứ tám: Quán Tánh
- Cửa thứ chín: Quán Nhân Quả
- Cửa thứ mười: Quán Tác Giả (Quán Tạo Hóa)
- Cửa thứ mười một: Quán Tam Thời
- Cửa thứ mười hai: Quán Sanh
LUẬN VỀ MƯỜI HAI CỬA
Tác giả: Long Thọ (Nàgàrjuna)
Dịch giả Hoa Ngữ: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Dịch giả Việt Ngữ: Thích Viên Lý
QUÁN HỮU TƯỚNG HAY VÔ TƯỚNG
Các pháp đều là không. Tại sao?
Nếu pháp đã có tướng,
cần gì phải tạo ra tướng?
Nếu pháp không có tướng,
không thể có sự tỏ tướng.
(Thì tướng làm sao có tướng?)
Ngoài hai điều đó, còn có điều gì có thể tỏ tướng?
Khi pháp có tướng không có sự tạo ra tướng. Tại sao? Nếu các pháp đã có tướng, chúng cần gì phải có thêm tướng nữa? Nếu còn có sự tạo ra tướng trong trường hợp pháp đã có tướng, thì sẽ có sự lầm lẫn, vì có hai loại tướng: tướng mà pháp đã có sẵn và tướng dùng để tạo ra tướng. Vì vậy, không thể có sự tạo ra tướng khi pháp đã có tướng.
Cũng chẳng có sự tỏ tướng khi pháp không có tướng. Những thứ không có tướng thì làm sao có thể tỏ tướng? Một con voi có hai ngà, một cái vòi dài, một cái đầu lớn, tai như cái quạt, xương sống cong như cây cung, một cái bụng lớn, cuối đuôi có cụm lông, bốn chân vững chắc và tròn; những điểm này là những tướng của một con voi. Nếu không có những tướng này thì chẳng có voi để mà làm ra tướng. Một con ngựa có đôi tai vểnh, một cái bờm ở cổ, bốn chân có móng và đuôi có cụm lông. Nếu không có những tướng này thì chẳng có con ngựa để làm ra tướng. Như vậy là không có sự tạo ra tướng khi pháp có tướng cũng như khi chúng không có tướng. Ngoài hai trường hợp có tướng và không có tướng, không thể có trường hợp thứ ba nào mà sự tỏ tướng có thể xảy ra. Cho nên “tướng vô sở tướng.”
Bởi vì không có sự tỏ tướng, cho nên không có “cái gì có thể tạo ra tướng” (không có “khả tướng” pháp). Tại sao? Bởi vì nhờ có tướng cho nên một vật nào đó mới được coi là “khả tướng” có thể tỏ tướng. Nhưng vì nhân duyên, các tướng và các “khả tướng” đều là không. Khi mà các tướng và khả tướng là không, thì vạn vật đều là không. Tại sao? Bởi vì không thể có thứ gì không có tướng và khả tướng. Khi mà vạn vật là không thì không thể có “phi vật.” Sự hủy diệt của một vật được gọi là “vô vật.” Nhưng nếu vật không hiện hữu thì lấy cái gì để hủy diệt? Lấy cái cái gì để gọi là vô-vật? Cả vật lẫn vô-vật đều là không. Vì vậy, tất cả hữu vi pháp đều là không. Khi mà hữu vi pháp là không thì vô vi pháp cũng là không. Khi mà hữu vi pháp và vô vi pháp đều là không thì cái ngã cũng là không.