- Phẩm Thứ Nhất: Thần Thông Trên Cung Trời Ðao Lợi
- Phẩm Thứ Hai: Phân Thân Tập Hội
- Phẩm Thứ Ba: Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên
- Phẩm Thứ Tư: Nghiệp Cảm Của Chúng Sanh Ở Cõi Diêm Phù
- Phẩm Thứ Năm: Danh Hiệu Của Ðịa Ngục
- Phẩm Thứ Sáu: Như Lai Tán Thán
- Phẩm Thứ Bảy: Lợi Ích Cho Cả Kẻ Còn Người Mất
- Phẩm Thứ Tám: Các Vua Diêm La và Quyến Thuộc Khen Ngợi
- Phẩm Thứ Chín: Xưng Danh Hiệu Chư Phật
- Phẩm Thứ Mười: Nhân Duyên và So sánh Công Đức Bố Thí
- Phẩm Thứ Mười Một: Địa Thần Hộ Pháp
- Phẩm Thứ Mười Hai: Thấy, Nghe Đều Được Lợi Ích
- Phẩm Thứ Mười Ba: Giao Phó Cho Trời Người
Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng thuật
Vạn Phật Thánh Thành
XƯNG DANH HIỆU CHƯ PHẬT
"Xưng" tức là xưng niệm, có nghĩa là đọc lên và tưởng nhớ đến; "danh hiệu" có nghĩa là tên. Vậy, "Xưng Danh Hiệu Chư Phật" tức là đọc tên của các đức Phật và nhớ tưởng tới các ngài. Trước kia tôi đã từng giảng rồi, lúc tối sơ mỗi một đức Phật đều có một vạn danh hiệu khác nhau. Về sau, vì người ta không thể nào nhớ được nhiều như thế, cho nên mới giảm bớt, chỉ còn một ngàn danh hiệu. Song, một ngàn danh hiệu thì người bình thường cũng không thể nhớ một cách mạch lạc được (như tôi chẳng hạn, một kẻ không có năng lực nhớ dai cho lắm—bắt đầu niệm từ danh hiệu thứ nhất trở đi, khi niệm đến danh hiệu thứ một ngàn thì tôi quên mất danh hiệu thứ nhất!); do đó, về sau giảm xuống còn một trăm danh hiệu. Tuy rằng mỗi một đức Phật chỉ còn một trăm tên gọi nhưng người ta cũng không thể nhớ hết được và cảm thấy như thế vẫn còn quá nhiều, quá phức tạp; cho nên sau này lại giản lược chỉ còn mười tên gọi—mỗi đức Phật chỉ còn vỏn vẹn mười danh hiệu mà thôi.
Mười danh hiệu của mỗi đức Phật là: 1) Như Lai, 2) Ứng Cúng, 3) Chánh Biến Tri, 4) Minh Hạnh Túc, 5) Thiện Thệ Thế Gian Giải, 6) Vô Thượng Sĩ, 7) Điều Ngự Trượng Phu, 8) Thiên Nhân Sư, 9) Phật, 10) Thế Tôn.
Vậy, đây là phẩm thứ chín, "Xưng Danh Hiệu Chư Phật." Trong phẩm này, Địa Tạng Vương Bồ Tát nói về công đức có được do sự xưng niệm danh hiệu của chư Phật.
Kinh văn:
Lúc đó, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng Đức Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Nay con vì chúng sanh đời sau mà diễn nói về sự lợi ích, làm cho họ trong lúc sanh cùng lúc tử đều được những lợi ích lớn lao. Cúi xin Đức Thế Tôn lắng nghe điều con nói."
Đức Phật bảo Bồ Tát Địa Tạng rằng: "Nay ông muốn khởi lòng từ bi, cứu vớt tất cả chúng sanh tội khổ trong Lục Đạo mà diễn nói sự chẳng thể nghĩ bàn. Bây giờ chính đã phải lúc, ông nên nói ngay đi, Ta sắp sửa vào Niết Bàn rồi! Ông hãy sớm hoàn tất lời nguyện đó, thì Ta cũng không còn phải lo nghĩ gì đến tất cả chúng sanh ở hiện tại và vị lai nữa."
Bồ Tát Địa Tạng bạch cùng Đức Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Vô lượng a-tăng-kỳ kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Vô Biên Thân Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này mà tạm thời sanh lòng cung kính, thì liền được vượt thoát tội nặng sanh tử trong bốn mươi kiếp; huống là vẽ đắp hình tượng, cúng dường, tán thán! Người này sẽ được vô lượng vô biên phước báo."
Lược giảng:
Lúc đó, sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói dứt lời trong phẩm thứ tám, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng Đức Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Nay con vì chúng sanh đời sau mà diễn nói về sự lợi ích, làm cho họ trong lúc sanh cùng lúc tử đều được những lợi ích lớn lao. Cúi xin Đức Thế Tôn lắng nghe điều con nói. Con thỉnh cầu Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy nghe con nói về nguyện lực của chính con."
"Chúng sanh đời sau" tức là trong đó bao gồm cả quý vị và tôi hiện nay. Quý vị chớ cho rằng mình không ở trong số đó—hiện tại quý vị và tôi, chúng ta đều nằm trong số các "chúng sanh đời sau" mà Địa Tạng Vương Bồ Tát đang nhắc tới này!
Đức Phật bảo Bồ Tát Địa Tạng rằng: "Nay ông muốn khởi lòng từ bi, cứu vớt tất cả chúng sanh tội khổ trong Lục Đạo—độ thoát những kẻ trót tạo nghiệp tội và phải chịu khổ sở trong sáu đường là trời, người, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh—mà diễn nói sự chẳng thể nghĩ bàn, trình bày những sự về thứ nguyện lực không thể nghĩ bàn. Bây giờ chính đã phải lúc, ông nên nói ngay đi! Nay đúng là thời điểm thích hợp để nói về việc đó, vậy ông hãy mau mau nói ra đi; vả lại, Ta sắp sửa vào Niết Bàn rồi! Ông hãy sớm hoàn tất lời nguyện đó, thì Ta cũng không còn phải lo nghĩ gì đến tất cả chúng sanh ở hiện tại và vị lai nữa. Ta nay sắp sửa nhập Niết Bàn, cho nên Ta muốn ông sớm hoàn thành viên mãn hạnh nguyện đó. Ta bây giờ cũng chẳng còn phải ưu tư lo lắng cho các chúng sanh trong đời này và đời sau nữa!"
Trong phần kinh văn này, Đức Phật nói rằng Ngài "sắp sửa vào Niết Bàn"; như thế có nghĩa là Phật thuyết Kinh Địa Tạng sau khi nói xong Kinh Pháp Hoa, và trước khi nói Kinh Niết Bàn.
Bồ Tát Địa Tạng bạch cùng Đức Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Vô lượng a-tăng-kỳ kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Vô Biên Thân Như Lai." Thân tướng của Đức Phật này thì to lớn vô biên, choán đến tận cùng của cõi hư không và trùm khắp cả Pháp Giới. "A-tăng-kỳ" là tiếng Phạn; "a-tăng-kỳ kiếp" có nghĩa là số kiếp nhiều đến vô lượng vô biên.
Ở cõi Nam Diêm Phù Đề, giả sử "như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này—Đức Vô Biên Thân Như Lai—mà tạm thời sanh lòng cung kính, thì liền được vượt thoát tội nặng sanh tử trong bốn mươi kiếp; huống là vẽ đắp hình tượng, cúng dường, tán thán! Người này—kẻ vẽ đắp hình tượng của Đức Phật Vô Biên Thân để cúng dường, lễ bái, khen ngợi—sẽ được vô lượng vô biên phước báo, nhiều đến nỗi không thể nào tính đếm được!"
Bây giờ tôi kể cho quý vị nghe một công án. Vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn trụ thế, có một cụ già nọ muốn xuất gia tu hành. Hôm ấy, cụ đến Kỳ Hoàn Tinh Xá để xin gặp Phật thì lại nhằm lúc Phật đi vắng. Bấy giờ, các đệ tử của Phật thấy ông cụ già nua tuổi tác thì có vẻ không thích lắm—tuổi đã cao, vừa già lại vừa nghèo, đã vậy còn lôi thôi lếch thếch nữa, như thế mà còn muốn xuất gia để làm gì chứ? Khi ấy, các vị đệ tử đã chứng quả A La Hán nhập Định quán sát thì thấy cụ già này chẳng có một chút căn lành nào cả, trong suốt tám vạn đại kiếp cụ chưa hề trồng được một mảy may thiện căn; mà như thế thì cụ không thể nào xuất gia, vì muốn xuất gia thì nhất định phải có thiện căn mới được! Có câu:
Chớ bảo xuất gia là chuyện dễ,
Ấy do nhiều kiếp trồng Bồ Đề!
(Mạc đạo xuất gia dung dị đắc,
Giai nhân lũy thế chủng Bồ Đề.)
Quývị thấy đó, xuất gia không phải là chuyện đơn giản! Phải là người mà đời đời kiếp kiếp đều gieo trồng rất nhiều thiện căn, thì mới có thể được xuất gia. Những người không có thiện căn mà muốn xuất gia tu hành, thì cũng khó thành công. Có người, niệm trước mới hăng hái muốn xuất gia tu tập, thì niệm sau lại do dự phân vân: "Đi tu sao thấy khó khăn, vất vả quá! Thôi, thôi, tôi không muốn xuất gia tu hành nữa!" Rồi chính mình lại thuyết phục mình bỏ cuộc: "Thôi, đừng! Đừng đi tu nữa!"
Lại nói về cụ già nọ, bởi các đệ tử A La Hán của Phật đều thấy cụ không có thiện căn, cho nên không nhận cho cụ xuất gia. Cụ già này vốn nghèo đến nỗi không đủ cơm ăn áo mặc và đã ngoài chín mươi hoặc xấp xỉ một trăm tuổi rồi, đi đứng cũng rất khó khăn, chậm chạp. Bấy giờ, cụ bị khước từ, không được xuất gia, nên buồn rầu than thở: "Tôi già nua tuổi tác như vầy rồi, chỉ muốn xuất gia để được an lạc thanh thản đôi chút lúc tuổi già sức yếu, nào ngờ đệ tử của Phật lại khăng khăng chẳng chịu thâu nhận!" Rồi cụ bật khóc, vừa đi vừa khóc lóc sụt sùi rất thảm thiết. Bất chợt, trong lòng cụ nảy ra một ý định; ý định gì? Cụ thở dài tự nhủ: "Thôi thì mình đi tự vẫn cho rồi! Chỉ việc nhảy xuống sông Hằng là xong chuyện!" Và thế là cụ thất thểu lê gót về phía sông Hằng.
Khi cụ còn cách sông Hằng không bao xa, sắp sửa lao mình xuống dòng nước xiết, thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đi đến và hỏi rằng: "Ôi! Này ông lão, ông đang làm gì thế ? Ông định nhảy xuống sông ư? Tuổi cao như thế mà vẫn còn muốn bơi lội sao? Ôi! Tuổi tác của ông đã quá cao rồi, tay chân đều vụng về chậm chạp, đâu còn nhanh nhẹn để có thể bơi lội được nữa!"
Cụ già đau khổ đáp: "Không phải như thế! Tôi chỉ muốn chết, tôi muốn kết liễu đời mình cho rồi. Tôi không còn muốn sống nữa. Sự sống bây giờ đối với tôi không có ý nghĩa gì cả!"
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ôn tồn gặng hỏi: "Tại sao ông lại bảo rằng cuộc sống của ông không có ý nghĩa? Ông có thể nói cho Ta rõ nguyên nhân được chăng?"
Cụ già bèn kể lể: "Tôi vì cảm thấy cuộc đời này không có ý nghĩa, cho nên muốn xuất gia, theo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu hành. Hôm nay tôi đến Tinh Xá để xin được xuất gia đi tu, nhưng các đệ tử của Phật nói rằng tôi không có thiện căn, cho nên họ không thể thâu nhận tôi được. Tâm trí tôi tha thiết muốn xuất gia, song lại xuất gia không được, thế thì tôi còn sống làm gì nữa? Tôi thà chết đi còn hơn! Do đó, tôi muốn nhảy xuống sông Hằng, uống no một bụng nước mà chết, rồi kiếp sau đầu thai làm người trai trẻ để xuất gia tu hành. Chứ bây giờ các đệ tử của Phật đều không thích người già nua, lại thấy mặt mày tôi có lẽ cũng xấu xí cằn cỗi, nên không ai thích tôi cả!"
Nghe qua tự sự, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dịu dàng bảo: "Ồ! Ông lão muốn xuất gia ư? Thế thì ông khỏi cần nhảy xuống sông nữa! Ta sẽ thâu nhận ông làm đệ tử, vậy ông hãy theo Ta trở về Tinh Xá!"
Cụ già lấy làm ngạc nhiên vội hỏi: "Thật ư? Thế ... chẳng hay Ngài là ai vậy?"
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đáp: "Ta là Phật Thích Ca Mâu Ni đây!"
Cụ già mừng rỡ hỏi lại: "Ôi! Ngài là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ư? Ngài bằng lòng thâu nhận con làm đệ tử sao?"
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni gật đầu: "Phải, Ta thấy ông than khóc rất đáng thương, thôi thì Ta nhận ông làm ‘lão đệ tử’ vậy!"
Sau đó, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dẫn cụ già về Kỳ Hoàn Tinh Xá và thuyết pháp cho nghe; vừa nghe Phật thuyết pháp cụ lập tức chứng được quả vị A La Hán. (Lúc Phật còn trụ thế, có rất nhiều người chứng được A La Hán quả. Bởi Đức Phật xem xét nhân duyên của họ mà thuyết pháp, cho nên Phật vừa giảng là họ liền tỉnh ngộ và chứng đắc quả vị.)
Bấy giờ, có một số đệ tử của Phật thầm nghĩ rằng: "Thật là kỳ lạ! Ông cụ này đã già như vậy, lại không có thiện căn gì cả, thì làm thế nào lại chứng quả vị được?" Do đó, họ sanh lòng hoài nghi đối với Phật Pháp, và tức tốc đến thỉnh vấn Phật: "Bạch Đức Thế Tôn! Ông lão này lẽ ra không thể xuất gia được; nay ông ta được Đức Thế Tôn cho phép xuất gia, rồi lại chứng được quả vị nữa. Thật là vô cùng kỳ lạ! Việc này khiến chúng con sanh lòng hoài nghi đối với Phật Pháp."
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng giải: "Hàng A La Hán các ông chỉ biết được những việc nhân quả, thiện ác, nội trong tám vạn đại kiếp trở lại mà thôi; còn nếu lâu xa hơn nữa, tức là ở ngoài tám vạn đại kiếp, thì các ông không thể thấy được. Cũng như các ông ở trong căn phòng này, thì những việc xảy ra trong phòng các ông đều rõ biết, còn việc ở ngoài phòng thì các ông không thể nào biết được. Các ông phải biết, hơn tám vạn đại kiếp về trước, ông lão này vốn là một tiều phu thường lên núi đốn củi. Một hôm, ông tiều phu gặp phải một con cọp chực vồ lấy ông để ăn thịt. Ngay chính lúc tánh mạng đang bị đe dọa đó, ông tiều phu buột miệng niệm lên một tiếng ‘Nam mô Phật.’ Một tiếng niệm ‘Nam mô Phật’ trong khoảnh khắc đó cho đến hôm nay thì vừa chín muồi, do đó ông ấy được xuất gia và có thể chứng được quả vị."
Vì thế, những người hiện tại được xuất gia thì không phải là việc ngẫu nhiên hay tình cờ, mà là nhờ trong quá khứ họ đã từng niệm rất nhiều tiếng "Nam mô Phật"; bằng không, tôi cũng chẳng thể thâu nhận họ làm đệ tử!
Kinh văn:
"Lại vô số kiếp nhiều như cát sông Hằng về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tánh Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này và trong khoảnh khắc bằng khảy móng tay liền phát tâm quy y, người đó sẽ vĩnh viễn không còn thối chuyển nơi Đạo Vô Thượng.
Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Ba Đầu Ma Thắng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này thoáng qua lỗ tai, người đó sẽ được một ngàn lần sanh trong Lục Dục Thiên, huống chi là chí tâm xưng niệm!"
Lược giảng:
Địa Tạng Vương Bồ Tát bạch tiếp: "Lại vô số kiếp nhiều như cát sông Hằng về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tánh Như Lai." "Bảo" là quý báu; "tánh" nghĩa là tự tánh—"bảo tánh" ngụ ý là tự tánh rất quý báu.
"Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này—Đức Bảo Tánh Như Lai—và trong khoảnh khắc bằng khảy móng tay liền phát tâm quy y, nguyện quay về nương tựa Đức Bảo Tánh Như Lai, người đó sẽ vĩnh viễn không còn thối chuyển nơi Đạo Vô Thượng, mà sẽ mãi mãi an trụ nơi Vô Thượng Bồ Đề Giác Đạo."
"Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Ba Đầu Ma Thắng Như Lai." Có ai biết "ba-đầu-ma thắng" nghĩa là gì không? "Ba-đầu-ma" là "hồng liên hoa," tức là hoa sen màu đỏ; "thắng" nghĩa là trội hơn, vượt bực. Vậy, hoa sen màu đỏ thì nổi bật, hơn hẳn các hoa sen khác—trội hơn cả hoa sen màu vàng, hoa sen màu trắng, hoa sen màu xanh. Màu đỏ là màu "tối thắng," nổi bật nhất trong các màu sắc, cho nên gọi là "ba-đầu-ma thắng."
"Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này—Đức Ba Đầu Ma Thắng Như Lai—thoáng qua lỗ tai, người đó sẽ được một ngàn lần sanh trong Lục Dục Thiên, huống chi là chí tâm xưng niệm!"
"Lục Dục Thiên" là gì? Đó là sáu tầng trời ở cõi Dục Giới—trời Tứ Thiên Vương, trời Đao Lợi, trời Dạ Ma, trời Đâu Suất, trời Hóa Lạc, và trời Tha Hóa Tự Tại. Thiên ma thì cư ngụ ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại.
Chỉ nghe danh hiệu của Đức Ba Đầu Ma Thắng Như Lai "thoáng qua lỗ tai" mà đã có được công đức lớn lao dường ấy, thì huống chi là chính mình chí tâm xưng niệm danh hiệu của Ngài! Công đức này hẳn càng to lớn hơn nữa! Hôm nay giảng đến danh hiệu của Đức Ba Đầu Ma Thắng Như Lai, như vậy là mọi người trong giảng đường này ai nấy đều được nghe danh hiệu của Ngài "thoáng qua lỗ tai" cả rồi!
Thuở xưa, có một người nọ đến chùa Ba La Đề Mộc Xoa thấy cây am-ma-la trổ hoa màu vàng kim rất đẹp, bèn hái một đóa mang về. Khi đi ngang qua tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhận thấy pho tượng Phật vô cùng vi diệu, viên mãn, người ấy liền đem đóa hoa vừa hái đến cúng dường trước tượng. Sau đó, người ấy đi hỏi một cụ già: "Thưa cụ, tôi đem đóa hoa am-ma-la cúng dường cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thế thì tôi có được bao nhiêu công đức?"
Cụ già trả lời: "Ồ! Điều này thì tôi không biết, ông nên đi hỏi các người xuất gia thì hơn!"
Người ấy bèn đi hỏi một thầy Tỳ Kheo rằng: "Bạch Thầy, con đem đóa hoa am-ma-la đến cúng Phật, công đức ấy như thế nào?"
Thầy Tỳ Kheo nọ đáp: "Ồ! Điều này tôi không được rõ, ông phải đi hỏi những vị tu Thiền Định mà đã chứng đắc quả vị A La Hán, những vị ấy mới có thể trả lời cho ông được."
Thế là người ấy lại đi tìm gặp một vị đã chứng quả A La Hán và hỏi rằng: "Bạch Ngài, con đem đóa hoa am-ma-la đến cúng Phật, công đức ấy rộng lớn như thế nào? Ngài có thể nói cho con rõ chăng?"
Vị A La Hán đáp: "Hãy chờ Ta quán sát xem! Ờ, với công đức này, suốt trong tám vạn đại kiếp ông sẽ được hưởng vô tận phước báo, không thể nào tính đếm rõ ràng được. Còn ngoài tám vạn đại kiếp như thế nào, tôi đây cũng không thể rõ biết, ông phải thỉnh vấn Đức Phật mới được!"
Người ấy bèn đi hỏi Phật, Phật bảo rằng: "Công đức này nhiều đến vô cùng vô tận, có thể choán đầy cả hư không và bao trùm khắp cả Pháp Giới."
Người ấy đem một đóa hoa cúng dường cho Phật thì được hưởng phước báo to lớn như thế; còn chúng ta được nghe danh hiệu của Phật "thoáng qua lỗ tai" mà thôi, thì cũng có thể được một ngàn lần sanh về sáu tầng trời cõi Dục—công đức này thật không thể nghĩ bàn!
Kinh văn:
"Lại không thể nói hết, không thể nói hết a-tăng-kỳ kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Sư Tử Hống Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này mà nhất niệm quy y, người ấy sẽ được gặp vô lượng chư đức Phật xoa đảnh thọ ký cho.
Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Câu Lưu Tôn Phật. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này mà chí tâm chiêm lễ hoặc lại tán thán, người ấy nơi pháp hội của một ngàn đức Phật trong thời Hiền Kiếp sẽ làm vị Đại Phạm Vương, được thọ thượng ký.
Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi Phật. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này, thì vĩnh viễn không đọa vào ác đạo, thường được sanh vào chốn trời, người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.
Lại vô lượng vô số kiếp nhiều như cát sông Hằng về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Thắng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này, thì sẽ không bao giờ bị đọa vào ác đạo, mà thường ở trên cõi trời, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.
Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tướng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này bèn sanh lòng cung kính, thì người ấy không bao lâu sẽ đắc quả A La Hán.
Lại vô lượng vô số kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Ca Sa Tràng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này, thì sẽ siêu thoát tội sanh tử trong một trăm đại kiếp."
Lược giảng:
Địa Tạng Vương Bồ Tát bạch tiếp: "Lại không thể nói hết, không thể nói hết a-tăng-kỳ kiếp về thuở quá khứ ..." Các đức Phật được kể ra ở đây đều là những đức Phật trong quá khứ. "A-tăng-kỳ kiếp" là số kiếp nhiều đến vô lượng vô biên, không thể nào tính đếm được. "Bất khả thuyết" tức là nói không xuể, kể không xiết được.
Vô số kiếp về trước, thời gian lâu xa đến nỗi không thể nói được là bao lâu, "có đức Phật ra đời hiệu là Sư Tử Hống Như Lai." Thuở ấy, có Đức Phật Sư Tử Hống xuất thế—khi Đức Phật này thuyết pháp thì âm thanh giống như tiếng rống của sư tử vậy.
"Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này—Đức Sư Tử Hống Như Lai—mà nhất niệm quy y, có thể trong một niệm mà dốc lòng quay về nương tựa, tín thọ, người ấy sẽ được gặp vô lượng chư Phật xoa đảnh thọ ký cho."
"Lại về thuở quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Câu Lưu Tôn Phật." "Câu-lưu-tôn" là Phạn ngữ; Trung Hoa dịch là "sở ưng đoạn" (đáng đoạn dứt), lại cũng dịch là "trang tạng" (hàm chứa sự trang nghiêm.
"Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này—Đức Phật Câu Lưu Tôn—mà chí tâm chiêm lễ hoặc lại tán thán, người ấy nơi pháp hội của một ngàn đức Phật trong thời Hiền Kiếp sẽ làm vị Đại Phạm Vương, được thọ thượng ký." Giả sử có kẻ nam người nữ nào nghe được danh hiệu của Đức Phật Câu Lưu Tôn, liền toàn tâm toàn ý, dốc lòng chiêm ngưỡng lễ bái hoặc dùng kệ tụng để khen ngợi Đức Phật này, thì người đó sẽ được làm Đại Phạm Thiên Vương trong pháp hội của một ngàn đức Phật ở thời Hiền Kiếp (Thiên Phật Hội), và được thọ ký ở trên hàng Đại Phạm Thiên Vương.
"Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi Phật." Tôi biết quý vị ở đây cũng không có ai biết "tỳ-bà thi" nghĩa là gì, bây giờ tôi sẽ nói cho quý vị nghe, và sau đó quý vị phải ráng ghi nhớ vì từ ngữ này rất khó tìm tòi tra cứu, ngay cả các từ điển Phật Học cũng rất ít cuốn có ghi chép.
"Tỳ-bà," Trung Hoa dịch là thắng, "thi" dịch là quán; vậy "tỳ-bà-thi" có nghĩa là "thắng quán" (sự quán tưởng thù thắng), và cũng là "chủng chủng quán" (vô số quán tưởng).
"Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này—Đức Phật Tỳ Bà Thi—thì vĩnh viễn không đọa vào ác đạo, mãi mãi không còn phải đọa lạc trong các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, mà thường được sanh vào chốn trời, người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu."
Hiện nay chúng ta nghe giảng Kinh Địa Tạng, được nghe đến danh hiệu của Đức Phật Tỳ Bà Thi rồi, như vậy thì chúng ta sẽ vĩnh viễn không còn bị đọa vào ác đạo. Tuy nhiên, quý vị phải vĩnh viễn không bao giờ làm việc ác nữa mới được; bằng không, nếu sau khi được nghe tới danh hiệu của Đức Phật này rồi mà vẫn cứ làm điều ác như trước, thì quý vị vẫn bị đọa lạc như thường! Vì sao ư? Bởi vì quý vị chẳng thể bỏ ác theo thiện, chẳng chịu sửa đổi sai lầm!
Do đó, quý vị chớ nên nghĩ rằng: "Tôi đã được nghe đến danh hiệu của Đức Phật Tỳ Bà Thi rồi, như thế tôi sẽ không bao giờ bị đọa vào ba đường ác"; rồi bèn ung dung đi đốt nhà cướp của, giết chóc hãm hại người khác, phạm đủ thứ tội ác chẳng chút e dè! Quý vị không nên suy nghĩ như vậy, bởi suy nghĩ như vậy là quá si mê, ngu xuẩn! Phải biết rằng cho dù được nghe danh hiệu Phật, song nếu vẫn còn làm điều ác thì quý vị vẫn phải đọa vào ba ác đạo như thường. Vậy, nếu sau khi nghe được danh hiệu Phật, quý vị phải không làm điều ác nữa, thì mới có thể không bị đọa lạc vào ba đường ác, thường được sanh trong cõi người, cõi trời, an hưởng sự vui thù thắng vi diệu.
"Lại vô lượng vô số kiếp nhiều như cát sông Hằng về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Thắng Như Lai." Theo tiếng Phạn, "bảo" là "la-đạt-nam"; và "thắng" là "tỳ-bà."
"Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này—Đức Bảo Thắng Như Lai—thì sẽ không bao giờ bị đọa vào ác đạo, mà thường ở trên cõi trời, hưởng sự vui thù thắng vi diệu." Người ấy rốt ráo sẽ không bị đọa lạc trong đường ác, thường được ở tại cõi trời, thọ hưởng sự vui thù thắng vi diệu nhất.
"Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tướng Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này—Đức Bảo Tướng Như Lai—bèn sanh lòng cung kính, thì người ấy không bao lâu sẽ đắc quả A La Hán."
"Lại vô lượng a-tăng-kỳ kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Ca Sa Tràng Như Lai." "Ca sa tràng" tức là dùng áo cà-sa để làm tràng phan, cờ hiệu.
"Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này thì sẽ siêu thoát tội sanh tử trong một trăm đại kiếp." Nếu có người nào được nghe tới tên của Đức Ca Sa Tràng Như Lai, thì người ấy sẽ được thoát khỏi tội nặng sanh tử suốt trong một trăm đại kiếp.
Kinh văn:
"Lại về thuở quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Đại Thông Sơn Vương Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này, thì người ấy sẽ được gặp chư Phật nhiều như cát sông Hằng quảng thuyết giáo pháp cho và tất thành Đạo Bồ Đề.
Lại về thuở quá khứ có Đức Tịnh Nguyệt Phật, Đức Sơn Vương Phật, Đức Trí Thắng Phật, Đức Tịnh Danh Vương Phật, Đức Trí Thành Tựu Phật, Đức Vô Thượng Phật, Đức Diệu Thanh Phật, Đức Mãn Nguyệt Phật, Đức Nguyệt Diện Phật, và các đức Phật như thế không thể nói hết đươc. .
Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh trong thời hiện tại cùng vị lai, hoặc trời hoặc người, hoặc nam hoặc nữ, chỉ niệm được danh hiệu của một đức Phật thôi, thì sẽ được vô lượng công đức, huống là niệm được nhiều danh hiệu! Những chúng sanh đó lúc sanh lúc tử đều được lợi ích lớn lao, cuối cùng không phải đọa vào ác đạo.
Như có người nào sắp mạng chung, hàng quyến thuộc trong nhà dù chỉ một người, vì người bệnh đó mà cất cao tiếng niệm một danh hiệu Phật, thì người sắp chết đó, trừ năm tội Vô Gián, còn các nghiệp báo khác đều được tiêu tan.
Năm tội Vô Gián kia dầu rất nặng nề, trải qua ức kiếp không được ra khỏi, nhưng nhờ lúc lâm chung được người khác vì mình mà xưng niệm danh hiệu của Phật, cho nên những tội đó cũng lần lần tiêu sạch; huống hồ chúng sanh tự xưng tự niệm, tất sẽ được vô lượng phước báo, trừ diệt vô lượng nghiệp tội."
Lược giảng:
Địa Tạng Vương Bồ Tát bạch tiếp: "Lại về thuở quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Đại Thông Sơn Vương Như Lai. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật này, thì người ấy sẽ được gặp chư Phật nhiều như cát sông Hằng quảng thuyết giáo pháp cho và tất thành Đạo Bồ Đề."
Giả sử có người nam người nữ nào nghe được danh hiệu của Đức Đại Thông Sơn Vương Như Lai, thì người ấy sẽ được gặp rất nhiều đức Phật—nhiều như số cát sông Hằng—và các ngài sẽ rộng vì người ấy mà giảng nói vô số Pháp tướng, trong tương lai người ấy nhất định sẽ thành tựu được quả vị giác ngộ Bồ Đề vô thượng.
"Lại về thuở quá khứ có Đức Tịnh Nguyệt Phật, Đức Sơn Vương Phật, Đức Trí Thắng Phật, Đức Tịnh Danh Vương Phật, Đức Trí Thành Tựu Phật, Đức Vô Thượng Phật, Đức Diệu Thanh Phật, Đức Mãn Nguyệt Phật, Đức Nguyệt Diện Phật, và các đức Phật như thế không thể nói hết đươc." Trên đây chỉ nêu ra danh hiệu của vài đức Phật mà thôi, chứ kỳ thật thì có tới rất nhiều đức Phật đến nỗi không thể kể xiết.
Địa Tạng Vương Bồ Tát lại bạch cùng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: "Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh trong thời hiện tại cùng vị lai, hoặc trời hoặc người, hoặc nam hoặc nữ, chỉ niệm được danh hiệu của một đức Phật thôi, thì sẽ được vô lượng công đức, huống là niệm được nhiều danh hiệu!" Trong đời này hay đời sau, nếu có bất cứ chúng sanh nào ở cõi trời hoặc cõi người, không cần phải niệm toàn bộ danh hiệu của các đức Phật mà chỉ cần niệm danh hiệu của một đức Phật mà thôi, thì công đức tạo được đã là vô lượng vô biên rồi, huống chi là chúng sanh đó còn niệm được danh hiệu của nhiều đức Phật khác nữa!
"Những chúng sanh đó lúc sanh lúc tử đều được lợi ích lớn lao, cuối cùng không phải đọa vào ác đạo—không bị đọa vào địa ngục, không bị đọa làm ngạ quỷ, và cũng không bị đọa làm súc sanh."
Địa Tạng Vương Bồ Tát bạch tiếp: "Như có người nào sắp mạng chung, hàng quyến thuộc trong nhà dù chỉ một người, vì người bệnh đó mà cất cao tiếng niệm một danh hiệu Phật, thì người sắp chết đó, trừ năm tội Vô Gián, còn các nghiệp báo khác đều được tiêu tan. Năm tội Vô Gián kia dầu rất nặng nề, trải qua ức kiếp không được ra khỏi, nhưng nhờ lúc lâm chung được người khác vì mình mà xưng niệm danh hiệu của Phật, cho nên những tội đó cũng lần lần tiêu sạch; huống hồ chúng sanh tự xưng tự niệm, tất sẽ được vô lượng phước báo, trừ diệt vô lượng nghiệp tội."
Dù trong gia quyến chỉ có một người thay cho người bệnh đang hấp hối kia mà lớn tiếng niệm một danh hiệu Phật, thì ngay cả năm tội Vô Gián mà kẻ sắp chết đó trót tạo lúc sinh thời cũng đều được tiêu trừ.
"Năm tội Vô Gián" là những tội nặng nhất, đáng phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong vô lượng kiếp, không ngừng chịu thống khổ, không bao giờ được thoát ra. Tuy nhiên, nhờ lúc người đó sắp mạng chung được người khác thay mặt mà xưng niệm danh hiệu Phật và tụng kinh giúp cho, nên tất cả những nghiệp tội của người đó đều dần dần được tiêu diệt. Vì thế, những chúng sanh có thể tự mình xưng niệm danh hiệu Phật, tự mình đọc tụng kinh điển, thì nhất định sẽ được vô lượng vô biên phước báo, và tiêu trừ được vô lượng vô biên nghiệp tội.
Hết phẩm thứ chín
-Hết quyển trung-