Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chi 2: Các loại Trí và Định

03/05/201115:33(Xem: 9450)
Chi 2: Các loại Trí và Định
 
GIẢI THOÁT ĐẠO LUẬN
VIMUTTI MAGGA
Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt

Phần 2:PHẦN TÌM HIỂU

Phần Tìm hiểuPhẩm 12: Phân biệt Đế

Chi 2: Các loại Trí và Định

 

Chuyển tiếp: Phẩm 12: Phân biệt Đế, nơi Chi 1 đã phân tách các khả năng của Trí Huệ Bát-nhã ra Phân biệt trí, Khởi Diệt trí Quán Diệt trí để phân biệt rõ ràng về bốn Thánh đế, nhứt là sự khởi sanh và sự tiêu diệt của Khổ ấm.

Nay trong Chi 2 nầy, là phần chót của Luận văn, các hình thức khác còn lại của Trí Huệ Bát-nhã được nêu rõ, kèm theo các loại Định mà tâm trí ấy đã đắc được khi chứng được đạo và quả. Sau cùng, Luận văn giải thích thêm các vấn đề linh tinh về Thiền, rồi kết thúc bộ Luận bằng một bài Kệkhuyến khích hành giả nên tinh tấn tiến tu để sớm đạt được mục tiêu giải thoát.

092. Dàn bài chi tiết của Chi 2, Phẩm 12:

I. Nhập đề:Người toạ thiền một khi đã thấy rõ được sự khởi sanh và tiêu diệt của Khổ ấm nơi thân tâm, mới khởi lên Trí muốn giải thoát và nỗ lực tu tập các loại Trí khác, hầu chứng được đạo và quả, trên con đường tiến đến Niết-bàn.

II. Thân bài:Chi 2 bàn đến nhiều vấn đề: trước hết, tiếp tục nói về các loại Trí khác của Trí huệ Bát-nhã, kế đến các đạo và quả của hàng Thanh văn, sau đến các vấn đề linh tinh về Thiền, quan trọng nhứt là chánh thọ và Diệt tận định. Một bài Kệ ngắn kết thúc bộ Luận văn nầy.

A. Trí biết lo sợ: Khi đã quán rõ ràng về sự tận diệt của Khổ ấm, Trí biết lo sợ khởi lên:

1. Lo sợ những gì:

11. về sự tái phát khởi của các ấm;
12. về sự tái sanh vào các nẻo dữ;

2. An trú Ý tưởng lo sợ cách nào:

21. quán vô thườngđể khởi lên vô tướng
22. quán khổ vô ngã
để khởi lên tướng vô sanh

3. Trí biếtlo sợ đưa đến sự yếm ly (= xa lìa).Khổ ấm và nguyên nhân của nó.

B.Trí muốn được giải thoát: Khi Trí biết lo sợ đã an trú rồi, Trí muốn được giải thoát khởi lên, qua:

1. Ba cửa giải thoát:

11. cửa Vô tướng: hằng quán lẽ vô thường
12. cửa Khổ: hằng quán lẽ khổ của các ấm
13. cửa vô nguyện: hằng quán và tu tập tâm chẳng mong cầu.

2. Do haicách, trí muốn được giải thoát:

21. Dẫn tâm đến nơi hoan hỉ;
22. Vượt qua ưu não, làm trở ngại
Đạo.

C. Tương tự trí: Khi Trí muốn được giải thoát đã khởi, tu tập tiếp Tương tự trí để vượt qua khỏi sự kết tụ của các ấm để đắc Niết-bàn.

1. Tương tự trí thông đạt 37 Phẩm Trợ Đạo

11. Nhắc lại 37 Phẩm Trợ Đạo gồm có gì?
12. Tâm trí phù hợp, giống với các Phẩm;

2.Dùng Tương tự trí ấyhiện quán các ấm đều vô thường, khổ vô ngã để thấy rõ:

21. sự kết tụ và sự tận diệt của năm ấm;
22. vượt qua sự kết tụ và tận diệt
đó
23. chứng đắc Niết-bàn.

D. Tánh trừ Trí: Khi Tương tự trí theo thứ lớp, chẳng gián đoạn, hướng về đối tượng Niết-bàn, Tánh trừ trí khởi lên, là bước đầu đi tới Niết-bàn.

1. Định nghiã Tánh trong A-tỳ-đàm (Luận tạng):

11. trừ được sự sanh gọi là Tánh;
12.
đến được cõi vô sanh gọi là Tánh;
13. trừ nguyên nhân của sự sanh gọi tánh trừ
14.
đến được cõi vô tướng, gọi là tánh trừ.

2. Vượt các pháp phàm phu, cũng gọi tánh trừ.

3. Nơi chẳng còn pháp phàm phu nữa, cũng gọi là tánh trừ; Tánh lại có nghiã là Niết-bàn.

4. Tánh trừ trí khi hiện biết rõ, chẳng gián đoạn, bốn Thánh đế, khởi lên Thánh trí:

41. Khổ đế:biết rõ sự khởi sanh của Khổ ấm
42.Tập đế:tận trừ các nguyên nhân của Khổ
43. Diệt đế:chứng thấy sự tận diệt của Khổ
44.
Đạo đế:tu tập theo Bát Chánh Đạo, để giải thoát khỏi Khổ và chứng đắc Niết-bàn.

5. Thánh trí được bài Kệ ví với con thuyền đưa sang bờ giải thoát, đắc Đạo trí Quả trí của bốn quả vị Thánh (xem mục E kế sau).

E. Đạo và Quả của các bậc Hiền Thánh:

1. Tu-đà-huờn: Sơ quả hay quả vị thứ nhứt

11. Diệt trừ tam kết và các phiền não tương ứng

Thân kết:diệt bỏ thân kiến và ngã kiến;
Nghi kết:
dứt mối nghi nan về bốn Đế
Giới cấm thủ:dứt các giới cấm mê tín
Phiền não:
dũa mòn tham, sân và si

12. Tu-đà-hườn hướng, Tu-đà-hườn trú, Tu-đà-hườn quả:

Thất sanh:còn bảy lần tái sanh;
Gia gia:
còn hai hay ba lần tái sanh;
Nhứt sanh:
chỉ tái sanh làm người một lần.

13. Bài Kệ tán thán sự cao qúi của quả vị Tu-đà-huờn

2. Tư-đà-hàm: quả vị thứ hai của bực Hiền.

21.Thấy rõ sự sanh diệt từ buổi ban sơ và hiện quán;
22. Nương theo n
ăm căn, năm lực, bảy giác chi, quán phân biệt Bốn Thánh đế, hướng về Diệt;
23.
Đoạn trừ các dục thô, sân hận phiền não khác
24. Trên con
đường Đạo, chẳng gián đoạn, chẳng bao lâu chứng được quả vị Tư-đà-hàm.

3. A-na-hàm: quả vị thứ ba của bực Hiền.

31.Thấy sự sanh diệt; lấy chỗ sơ kiến đó hiện quán;
32. Cũng nương năm căn, n
ăm lực, bảy giác chi, quán phân biệt Bốn Thánh đế, hướng về Diệt;
33.
Đoạn trừ các dục vi tế phiền não còn dư sót;
34. Trên con
đường Đạo, chẳng gián đoạn, chẳng bao lâu chứng được quả A-na-hàm.
35. Tùy c
ăn cơ mà chứng được năm hạng A-na-hàm.

4. A-la-hán: quả vị thứ tư, vào hàng Thánh.

41. Đến giai đoạn nầy, khởi tinh tấn dõng mãnh, thấy rõ sự sanh diệt buổi ban sơ, lấy đó làm hiện quán;
42. Cũng nương n
ăm căn, năm lực, bảy giác chi,quán phân biệt Bốn Thánh đế,
43.
Đoạn trừ sắc dục, vô sắc dục, các triền cái và phiền não còn dư sót;
44. Quán
Đạo Quả của Niết-bàn;
45. Trên con
đường Đạo, chẳng bao lâu, chẳng gián đoạn, giải thoát Tâm Tuệ, làm tròn Phạm hạnh, đặt gánh nặng xuống, đến bờ giác bên kia, chứng đắc Quả vị Niết-bàn của hàng Thánh.
46. Hai bài Kệ tán thán sự viên mãn của con
đường giải thoát, khi chứng đắc đạo quả A-la-hán và quả vị Niết-bàn.

(Kế đến, Luận văn nêu ra các trường hợp mà hành giả khi tu tập chẳng biết được lúc nào Đạo và Quả tương hợp với nhau, nơi bốn cấp quả vị từ Tu-đà-huờn đến A-la-hán. Phần giải thích của Luận văn ở đây quá thâm sâu, tôi còn chưa hiểu rõ nổi, xin miễn ghi vào Dàn bài nầy).

F. Các vấn đề linh tinh về Thiền: Sau đây Luận văn phân biệt thêm về ý nghiã các danh từ chuyên môn về Thiền học mà sự thông đạt chỉ có thể có được nơi người đã thật sự chứng đắc Đạo Quả, và vượt quá xa sự hiểu biết của kẻ đang viết các dòng nầy. Vì lẽ đó, nơi đây chỉ xin ghi lại thật vắn tắt, người đọc muốn tìm hiểu cặn kẽ hơn, xin vui lòng chịu khó đọc kỹ lại Luân văn:

1. Hai loại Quán: Thiền quán và Táo quán

11. Thiền quán đã đắc Định rồi lấy định lực để hàng phục các triền cái;
12. Thiền quán phân biệt so sánh Danh với Sắc, và các thiền chi;
13. Thiền quán lấy
Định làm bước đầu để tu Huệ
14. Táo quán lấy Trí lực
để hàng phục triền cái
15. Táo quán lấy Sắc
để phân biệt với Danh
16. Táo quán lấy Huệ làm bước
đầu để tu Định.

2. Giác: Nơi Sơ thiền, quán Đạo và Quả, nên thành ra có giác. Nơi Tam thiền, giác được trừ bỏ.

3. Hỉ: Nơi Sơ thiền, Nhị thiền, nhờ tương tự trí thấy dứt Khổ, quán Đạo và Quả khiến Hỉ khởi. Nơi Tam và Tứ thiền, nhờ huệ lực quán Đạo và Quả khiến Hỉ chẳng khởi.

4. Thọ: Nơi Tam thiền, nhờ huệ lực quán Đạo và Quả khiến niệm xả khởi, nên dứt được hỉ thọ lạc thọ.

5. Điạ: là phạm vi, lãnh vực hay địa hạt; có hai loại:

51. Kiến điạ Tư duy điạ:

- Tu-đà-huờn đạo thuộc về kiến điạ (= thấy được các điều chưa từng thấy);
- ba đạo kia thuộc về tư duy điạ,
đã thấy rõ rồi, nay đang tu tập các điều đó.

52. Học điạ Vô học điạ:

- Học điạ: ba đạo trước, từ Tu-đà-huờn, vì còn phải học để dứt phiền não, kết sử.
- Vô học điạ: quả A-la-hán, Sa-môn, vì
đã học xong, tận diệt phiền não rồi.

6. Căn: có ba hạng, thuộc về xuất thế gian (đã vượt khỏi các phiền não của người thế tục):

61. Căn biết điều chưa từng biết: Tu-đà-huờn đạo
62. Căn
đã biết rốt ráo: ba đạo và ba quả còn lại
63. Căn biết
đã biết rốt ráo, chẳng còn sót pháp nào nữa: quả A-la-hán.

7. Giải Thoát: có ba cửa giải thoát:

71. cửa Vô tướng: nhờ tương tự trí nên chẳng khởi lên các hình tướng nữa;
72. cửa Vô nguyện (= vô tác): tu tập mà chẳng có lòng mong cầu nữa;
73. cửa Không: tu tập xả bỏ, chẳng còn dính mắc, chẳng còn chấp thủ vào
đâu nữa.

Do quán tưởng về ba đặc tướng của muôn pháp: vô thường, Khổ, vô ngã, mà bước vào ba cửa giải thoát. Vào được một cửa, tức hai cửa kia cũng đồng đắc được.

8. Phiền não: có 134 phiền não được Luận văn liệt kê đầy đủ và giải thích rõ ràng.

9. Chánh thọ: hai quả chánh thọ:

91. Phàm phu ngồi Thiền khi tâm an trú bất động, gọi tình trạng đó là Định.
92.
Đối với bực Thánh, tình trạng Định nầy được gọi là Chánh thọ, vì tâm đang an trú trong trong cảnh giới viên tịch của Niết-bàn.
93. Khởi lên
được Chánh thọ, chỉ có các bực đã đắc được từ đạo quả A-na-hàm trở lên, vì tất cả phiền não đều đã tận diệt.
94. Muốn khởi quả Chánh thọ, quán sự sanh diệt của chư hành, lần lượt
đến tánh trừ trí, trí nầy khiến tâm an trú vào cõi Niết-bàn.

10. Diệt Thọ Tưởng Định: cấp bực Định thứ chín, cao nhứt, khi tâm và tâm sở chẳng sanh khởi, thọ ấm tưởng ấm được diệt trừ.

10.1. Chỉ bực A-la-hán, đã đoạn tận phiền não mới nhập được Diệt thọ tưởng định.
10.2. Từ
Định ở Sơ thiền đi lần đến Định ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ, rồi diệt tư tưởng;
10.3. Khác với kẻ chết, thiền giả nhập Diệt thọ tưởng định vẫn còn thọ mạng, hơi nóng, tuy thân, miệng, ý
đều dứt hoạt động.
10.4. Diệt thọ tưởng định là nhập vào Niết-bàn ngay trong hiện tại, vui hưởng cảnh an tịch.

G. Bài Kệ kết thúc Luận văn:Bài Kệ gồm có sáu câu, tán thán công đức của Luận văn, chỉ rõ con đường giải thoát theo Chánh pháp, khuyên nên thọ trìbằng cách siêng năng ngồi Thiền, để dứt cho xong lậu hoặc và lià hẳn vô minh.

093. Tìm hiểu nghiã chữ khó trong Chi 2, Ph.12

Bảy Thức trú: bảy nơi của Thức ấm, gồm có: (1) nhãn thức và mắt, (2) nhĩ thức và tai, (3) tị thức và mũi, (4) thiệt thức và lưỡi, (6) thân thức và da trên thân, (7) ý thức và tâm.

Yếm ly: Yếm = chán ghét; Ly = lìa xa; Yếm ly là sự nhàm chán nên lìa xa, chẳng còn ham muốn, chẳng ưa nên bỏ.

Lạc giải thoát trí: Lạc = vui; Giải thoát = ra khỏi; Trí = trí huệ; Lạc giải thoát trí là trí huệ mong muốn sớm được giải thoát.

Kham nhẫn: Xem lại trang 416, Ph. 8.

Tương tự trí: Tương tự = giống với; Trí = trí huệ. Tương tự trí có nghiã là Trí có khả năng tương tự với... Ở đây, đó là Trí có khả năng giống với Trí huệ hiểu biết và thực hành theo đúng 37 Phẩm Trợ Đạo.

Đạo trí: Đạo = con đường; Đạo ở đây là đường lối tu tập; như Tu-đà-huờn đạo trí có nghiã là Trí huệ tu tập theo con đường dẫn đến việc chứng đắc đạo quả Tu-đà-huờn. Xem lại trang 326, Phẩm 1.

Tánh trừ trí: Tánh = theo nghiã trong Luận văn, tánh có nghiã liên quan đến Niết-bàn; Tánh trừ có nghiã là trừ bỏ các pháp phàm phu, để tu theo các pháp Niết-bàn, tức là tu theo các pháp xuất thế gian, vượt khỏi các sự ràng buộc của đời sống thế tục.

Vô hành: Vô = chẳng có; Hành = Xin xem lại chữ Chư Hành, trang 569, Phẩm 12, Chi 1. Hành đây chẳng có nghiã về Hành ấm, mà lại chỉ sự tập hợp, kết thành một thực thể; có thể hiểu cùng nghiã với chữ pháp là sự sự vật vật trong trời đất. Ở đây, nơi trang 297, chữ vô hành phản nghiã với chữ chư hành; vô hành là các hành đã bị tiêu diệt hết.

Thừa = chiếc xe; chữ Thừa đây được dùng với ý nghiã chuyên chở.

Tam kết: Tam = ba; Kết = ràng buộc. Chữ tam kết đây chỉ ba mối ràng buộc mà người tu theo Đạo Tu-đà-huờn phải gở ra cho xong. Tam kết là thân kiến, nghi, giới cấm thủ.

Ngã sở: Ngã = tôi, ta; Sở = chỗ, nơi; Ngã sở là danh từ chuyên môn trong Phật học, để chỉ những gì thuộc quyền sở hữu của ta, những gì mà ta có, những gì do ta làm chủ.

Phạm hạnh: Xem lại trang 341, Phẩm 2.

Si ngã: Si = ngu si, si mê; Ngã = ta. Si ngã là sự si mê gây ra vì chấp thủ vào cái Ta.

Tu-đà-huờn hướng,Tu-đà-huờn quả: Hướng = hướng về, sẽ đưa đến; Quả = quả vị; Tu-đà-huờn hướng là chứng đắc tình trạng hướng về quả vị Tu-đà-huờn; nói cách khác, khi tu theo Đạo Tu-đà-huờn, thực hành đúng theo đạo đó thì sẽ chứng được cấp Tu-đà-huờn hướng, trước khi đắc được Tu-đà-huờn quả một cách viên mãn. Lại nói cách khác, Tu-đà-huờn có hai cấp, một cấp là Tu-đà-huờn hướngvà một cấp cao hơn là Tu-đà-huờn quả.

Giác trí: Giác = biết rõ; Trí = trí huệ;Giác trí là trí hiểu rõ tường tận

Giác minh: Giác = biết rõ; Minh = sáng; Giác minh là sự thông hiểu sáng suốt.

Sơ kiến: Sơ = ban sơ, buổi đầu; Kiến = thấy;Sơ kiếnlà cái thấy ban đầu, khác với hiện kiến là cái đang thấy.

Sắc dục và vô sắc dục:Sắc = vật chất; Dục = ham muốn. Sắc dục, nghiã thông thường là sự tham đắm về sắc đẹp phụ nữ; nhưng ở đây chữ sắc dục lại có nghiã khác, đặc biệt, trong Phật học, để chỉ sự ham muốn được sanh vào cõi sắc giới (Có ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới; dục giới là cõi chúng ta đang sống, còn nhiều dục vọng; cõi sắc giới còn dựa trên vật chất; cõi vô sắc giới chỉ có tư tưởng, chẳng còn vật chất). Như thế, trong đoạn nầy, trang 301, sắc dục là sự ham muốn được tái sanh vào cõi sắc giới.

Thủ hộ: Thủ = giữ gìn, nắm giữ; Hộ = bảo vệ, phòng vệ, bảo bộ. Thủ hộ là người lo bảo vệ kẻ khác, hay giữ gìn vật hay việc gì qúi báu.

Tà đế: Tà = xiêng xéo; chẳng chơn chánh; Đế = chơn lý Tà đế là những sự tin tưởng sai lầm mà lấy đó làm Chơn lý.

Tác chứng: Tác = làm; chứng = chứng cớ, chứng đắc. Tác chứng, ở đây, trang 304, có nghiã là chứng đắc, thấy rõ với đầy đủ bằng cớ xác thật.

Vô giác địa: Vô = chẳng có; Giác = biết rõ; đây là một thiền chi của Sơ thiền, khi tâm nhận biết đối tượng; Điạ = đất; ở đây có nghiã là phạm vi hay lãnh vực. Vô giác địa là những lãnh vực mà tâm chẳng khởi lên sự giác, chẳng màng biết đến đối tượng của tâm nữa.

Vô hỉ địa: Vô = chẳng có; Hỉ = mừng; Điạ = lãnh vực; Vô hỉ điạ là lãnh vực mà tâm chẳng còn khởi lên sự mừng nữa; vì Hỉ đây là một thiền chi của Sơ thiền và Nhị thiền.

Kiến địa: Kiến = thấy rõ, nói về tâm; Điạ = điạ hạt, lãnh vực, phạm vi; Kiến điạ là những lãnh vực mà tâm nhìn thấy; ở đây là tâm nhìn thấy rõ, chứng kiến sự sanh và sự diệt của khổ ấm. Tu-đà-huờn thuộc về Kiến địa.

Tư duy địa: Tư duy = suy nghĩ, trầm tư; Điạ = điạ hạt, phạm vi. Tư duy điạ là những điạ hạt mà tâm sau klhi đã thấy rõ nơi Kiến địa, bắt đầu quán tưởng, tư duy, để tu tập. Ba đạo về Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán thuộc về Tư duy điạ.

Vị tri trí: Vị = chưa; Tri = biết; Trí = trí huệ; Vị tri trí là Trí huệ biết được điều trước đây chưa từng biết. Trí của bực Tu-đà-huờn thuộc về Trí nầy

Dĩ tri trí: Dĩ = đã qua; Tri = biết; Trí = trí huệ; Dĩ tri trí là Trí đã hiểu biết các pháp một cách rốt ráo. Trí của các bực từ Tư-đà-hàm đến A-la-hán thuộc về loại Trí nầy.

Tri dĩ trí: Tri = biết; Dĩ = đã qua; Trí = Trí huệ; Tri dĩ trí là Trí đã biết rõ rằng mình đã thông hiểu rốt ráo mọi pháp, chẳng còn sót một pháp nào. Chỉ riêng Trí của bực A-la-hán mới thuộc về loại Trí nầy.

Quán kiến: Quán = xem xét bằng tâm; Kiến = thấy. Cùng một nghiã với các chữ: Quán tưởng, quán chiếu.

Tứ lưu: Tứ = bốn; Lưu = chảy, tràn ngập. Tứ lưu, theo Luận văn, trang 310, gồm có: (1) dục lưu, sự tràn ngập của các ham muốn, dục vọng; (2) hữu lưu, sự tràn ngập của cuộc sống, hiện hữu; (3) kiến lưu, sự tràn ngập của các tà kiến; (4) vô minh lưu, sự tràn ngập của sự si mê.

Tứ thủ: Tứ = bốn; Thủ = chấp thủ, bám níu vào điều sai lầm chẳng chịu nới lỏng ra. Tứ thủ được Luận văn kể ra: (1) dục thủ, bám níu vào sự ham muốn, đam mê; (2) kiến thủ, bám níu vào các vọng kiến, tà thuyết; (3) giới cấm thủ, bám níu vào các nghi thức mê tín, cúng tế dị đoan của ngoại đạo; (4) ngã ngữ thủ, bám chặt vào lời tôi nói, cứ cho rằng tôi nói là đúng, còn kẻ nào nói khác là sai.

Ỷ ngữ: Ỷ = nương tựa, ở đây có nghiã là nói trau chuốt để dựa vào ai hay vật gì; Ngữ = lời nói. Ý ngữ là lời nói chẳng được thật tình, cố trau chuốt nói ra cốt để chiều theo ý của ai hay sự vật gì mà mình muốn.

Ngoại duyên: Ngoại = ngoài; Duyên = nhân duyên, duyên cớ. Ngoại duyên đây, trang 312, chỉ đến các điều kiện bên ngoài gây ảnh hưởng đến.

Sa-môn quả: Sa-môn = tu sĩ theo Phật giáo, sống ẩn cư; phiên âm từ chữ Pàli Samana. Quả = quả vị. Sa-môn quả là bốn quả: Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Phái Bắc tông thường gọi bốn quả vị đó là tứ quả, hay là bốn quả vị hàng Thanh văn.

An tường: An = yên ổn; Tường = tốt đẹp. Nơi trang 316, Luận văn viết: "...theo thứ lớp nhập vào và xuất ra an tường", có nghiã là: lần lượt nhập vào Định của các bực Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền, ... và xuất ra khỏi các cơn Định ấy một cách yên ổn và tốt đẹp.

094. Suy gẫm về Chi 2, Ph. 12: Phân biệt Đế.

1) Chỉ có một Trí Huệ nhưng với nhiều khả năng khác nhau:

11) Câu chuyện ngụ ngôn ở Quốc văn giáo khoa thư:

Ngày còn nhỏ đi học, đọc Quốc văn giáo khoa thư về chuyện con cọp và người nông phu, ta chẳng khỏi buồn cười. Một người nông phu đang cày ruộng, có con cọp đi đến, hỏi:

- Nghe nói loài người các anh thông minh lắm, vậy trí khôn anh để ở đâu?

- Trí khôn tôi để ở nhà, anh muốn xem, phải chịu cho tôi trói lại, vì nếu không, khi tôi về nhà lấy trí khôn đem lại; ở đây anh ăn thịt mất con trâu của tôi.

Cọp ưng thuận, chịu cho người nông phu trói lại. Trói xong, người ấy vác cày đập cọp, vừa đập vừa nói:

- Trí khôn của ta đây nầy!

Câu chuyện ngụ ngôn vừa kể nêu cao trí khôn của người nông phu và ngầm chê bai sự ngu mê của con cọp. Trí thông minhcủa người nông phu là trí thông thường giúp người dành lấy chỗ hơn đối với kẻ khác. Trí ấy thể hiện qua ba hình thức:(1) trước, do ý nghĩ sắp đặt mưu kếđể hại cọp; (2) kế đến nói ra lời lẽ để gạt gẫm cọp, và (3) bằng hành động vác càyđập cọp tơi bời. Sự ngu mê của cọp thể hiện ra bằng ý nghĩchẳng hiểu trí khôn là gì, ở đâu, và bằng hành độngchịu cho người trói lại. Sự ngu mê đó chứng tỏ sự vắng mặt của trí khôn nơi loài súc sanh.

Trí Huệ Bát-nhã khác hơn trí thông minh thông thường ở chỗ Trí ấy chẳng nghĩ đến việc lợi mình hại người, mà lại có khả năng đưa con người đến nơi giác ngộ và giải thoát; đấy mới là việc lợi to tát nhứt, bền vững nhứt, cao qúi hơn tất cả các mối lợi ở đời. Tại sao? Vì một khi đã giác ngộ và được giải thoát rồi, thì cuộc sống sẽ tự tại, dứt khoát ra khỏi vòng ràng buộc của mọi sự khổ đau, thân tâm an ổn trong cảnh vắng lặng thanh nhàn của Niết-bàn.

12) Phẩm 12: "Phân biệt Đế" mô tả các khả năng của Trí Huệ Bát-nhã hướng về bốn Thánh đế.

Nơi Chi 1, Phẩm 12, Trí huệ Bát-nhã được phân tách thành ra ba Trí: (1) Phân biệt Trí, (2) Khởi Diệt trí, (3) Quán Diệt trí. Tuy gọi là ba Trí, chớ thật ra chỉ một Trí Huệ Bát-nhã với ba khả năng:

- Thứnhứt, khả năng phân biệtrành rẽ bốn Thánh đế:

(a) Khổ đế, cần thông suốt các nỗi Khổ ở đời;
(b) Tập đế, cần diệt trừ các nguyên nhân gây ra Khổ;
(c) Diệt đế, cần chứng
đắc sự tận diệt các nỗi Khổ;
(d) Đạo đế, cần tu tập theo con
đường Bát Chánh để được giác ngộ và giải thoát.

- Thứ hai, khả năng chứng thấyrõ sự phát khởi của các nỗi Khổ và sự tiêu diệtcủa chúng;

- Thứ ba, khả năng quánthấyrõ sự tận diệt của các nỗi Khổ trong toàn bộ Khổ ấm.

Khi Trí huệ Bát-nhã đã thi triển được ba khả năng đó, vừa phân biệt rõ bốn Thánh đế, vừa quán chiếurõ sự Khởi Diệt của các nỗi khổ, vừa chứng thấy rõ sự tận Diệt của Khổ ấm, thì Trí huệ ấy khởi lên tiếp bốn khả năng mới, dẫn đến ngưỡng cửa Niết-bàn. Bốn khả năng mới nầy được Chi 2 kể tiếp.

Nơi Chi 2, Phẩm 12, Luận văn mô tả Trí huệ Bát-nhã ra thành bốn Trí: (1) Trí biết lo sợ, (2) Trí muốn giải thoát, (3) Trí tương tự, (4) Trí tánh trừ. Tuy gọi là bốn Trí, chớ thật ra chỉ có một Trí huệ Bát-nhã với bốn khả năng mới:

- Thứ nhứt, khả năng biết lo sợ về nguyên nhâncủa Khổ ấm khiến trôi lăn vào sáu nẻo Luân hồi;

- Thứ hai,khả năng muốn được giải thoát để ra khỏi vòng Luân hồi;

- Thứ ba, khả năng quán Vô thường,Khổ,Vô ngã, vượt khỏi sự kết tụ của Khổ ấm, đến ba cửa giải thoát: vô tướng, vô nguyện và Không, (giống với hiệu năng của 37 Phẩm Trợ đạo, nên được gọi là Trí tương tự.)

- Thứ tư, khả năng vượt qua các pháp phàm phu để tiến tới cõi vô sanh của pháp Niết-bàn. (Vô sanh đã trừ xong sự sanh, nên gọi làTánhvà khả năng nầy được gọi là Tánh trừ trí.)

13) Vấn đề quan trọng chính là việc tu tập tinh cần, còn Trí huệ tự nó phát triển theo thời gian hành trì:

Khi Trí huệ Bát-nhã đã hội đủ bảy khả năng vừa kể, ba ở Chi 1, và bốn ở Chi 2, hành giả đã đến ngưỡng cửa Niết-bàn. Vấn đề quan trọng chẳng phải là cố tìm cách phân biệt mỗi khả năng, bàn cãi về công năng của mỗi Trí, mà thiết yếu là việc cần phải tu tập. Luận văn kể rõ bảy giai đoạnmà Trí huệ Bát-nhã lần lượt trải qua, chẳng cần phải hiểu cho cặn kẽ sự khác biệt của chúng, mà việc cần thiết là tu tập, tu tập thật tinh cần, tu tập với nhiệt tâm, rồi cùng với thời gian, khi Trí Huệ ấy hiển lộ ra, hành giả sẽ tự biết lấy, đâu cần chi phải quan ngại Trí nào sẽ đến sớm, Trí nào còn chưa đến, v.v.

2) Trí Huệ Bát-nhã là Trí Huệ thông suốt bốn Thánh đế và đưa hành giả đến bờ giác

21) Thế nào là Trí Huệ Bát-nhã Ba-la-mật?

Theo định nghiã thông thường trong Kinh sách Phật giáo, thì chữ Bát-nhã có nghiã là trí năng thông hiểu và phân biệt rõ ràng giữa điều thiện điều ác; chữ Ba-la-mật chỉ sự toàn thiện, rốt ráo, chẳng còn chi hoàn mỹ hơn nữa.

Nói đến Trí Huệ Bát-nhã Ba-la-mật để phân biệt với trí thông minh ở đời, giành lấy mối lợi cho mình, cho dầu có gây tổn hại cho kẻ khác. Trí Hưệ Bát-nhã vượt lên trên đời sống thế tục, cũng đem lại một mối lợi cho người, nhưng chẳng gây tổn hại cho bất cứ chúng sanh nào, mối lợi ấy, như đã biết, chính là sự giải thoát khỏi mọi ràng buộc của khổ đau do cuộc sống trong vòng Luân hồi gây nên, tạo thành nguồn an lạc thật vĩnh cửu. Vì lẽ đó, nên mới gọi Trí Huệ Bát-nhã Ba-la-mật, chẳng còn sự toàn thiện nào tranh nổi sức chiếu sáng của nó, chẳng còn phương tiện nào hữu hiệu hơn để đưa chúng sanh đến bờ giải thoát.

Khác với các tôn giáo hữu thần khác, Phật giáo chẳng hề chủ trương phải nhờ vào ân điển, hoặc phải dựa vào sự cứu rỗi mới được giải thoát. Sự giải thoát phải tự mình cứu lấy mình; và phương tiện hữu hiệu nhứt để đạt được sự giải thoát lại chính là Trí Huệ Bát-nhã, dùng trí lực của mình mà vượt qua mọi khổ đau ách nạn của cuộc đời.

22)Trí Huệ Bát-nhã hướng về Bốn Thánh đế để làm phương tiện đưa hành giả đến bờ giác.

Đế có nghiã là Chơn lý, cái chơn lý tuyệt đối, luôn luôn đúng với sự thật, khắp mọi nơi, vào mọi thời. Nhưng ở đây nói đến Bốn Thánh đế là bốn Chơn lý nhiệm mầu, do bực Thánh giảng, chỉ rõ con đường tu tập cho phàm phu trở thành bực Thánh, nghiã là bực đã tận trừ được tất cả phiền não và chứng được cõi vô sanh. Bốn Thánh đế chẳng bàn luận đến không gian vô biên, hoặc đến thời gian vô tận, mà đề cập tới một vấn đề thiết thân, huyết mạch của chúng sanh: khổ đaudính chặt vào cuộc sống hiện tại và phương cách giải thoát ra khỏi gánh nặng đó.

Bốn Thánh đế đã trả lời chính xác cho các câu hỏi vừa giản dị, vừa thực tiễn, mà lại vừa trọng yếu nhứt:

Thế nào là khổ?Ai chịu khổ đây?
Nguyên nhân nào gây ra khổ?

Diệt tận
hết khổ sẽ được gì?
Làm cách nào
để tận diệt khổ?

Nội dung của bốn Thánh đế chẳng có chút gì bí ẩn, chẳng có chút gì huyền ảo vượt quá sự hiểu biết thông thường của người phàm, thế mà bốn Thánh đế lại mang đến được một hiệu quả vô cùng siêu thoát: đưa hành giả đến cảnh an lạc Niết-bàn,ngay trong hiện tại: ở đây và bây giờ.

Nội dung của bốn Thánh đế, rất ư là giản dị, rõ ràng, chẳng ai là người chẳng hiểu được, thế mà cứ mãi trôi lăn trong vòng khổ đau mãi, cũng chỉ vì chẳng có quyết tâm dấn bước lên con đường giải thoát.

Thử tóm tắt nội dung ấy:

1. Ai chịu Khổ đây? Chính là Danh Sắc nơi thân tâm, chớ chẳng phải là Ta,chẳng phảichúng sanh nào cả.

2. Cái gì gây ra Khổ?Chính là sự bám niú, sự tham ái; vì cố đeo chặt vào nên phải mãi chịu khổ đau.

3.Tận diệt gốc Khổ sẽ được gì? Hết Khổ thì được an lạc, đó là cảnh Niết-bàn.

4. Làm sao để diệt Khổ? Tu tập theo Bát Chánh Đạo, con đường đưa đến sự giải thoát hoàn toàn.

Trí Huệ Bát-nhã giúp ta phân biệt rõ bốn Thánh đế, hướng dẫn ta tu tập theo bốn Thánh đế, giúp ta vượt qua các chông gai dọc đường, và đưa ta đến nơi an lành của bờ giác.

Ai ai cũng có Trí, được phú sẵn từ lúc ra đời. Trí đó phát triển được là nhờ biết xử dụng đến. Xử dụng đúng cách là theo con đường Chánh Đạo. Càng bước theo con đường Chánh Đạo, Trí Huệ càng khai triển, thấy rõ mục tiêu giải thoát và cứu cánh an lạc đang chờ mình ở cuối đoạn đường.

Vấn đề cấp bách vẫn là: Bao giờ mới dấn bước?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com