Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chi 1: Ấm, Nhập, Giới, Nhân duyên Phương tiện

03/05/201115:33(Xem: 9571)
Chi 1: Ấm, Nhập, Giới, Nhân duyên Phương tiện
 
GIẢI THOÁT ĐẠO LUẬN
VIMUTTI MAGGA
Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt

Phần 2:PHẦN TÌM HIỂU

Phần Tìm Hiểu Phẩm 11: Năm Phương tiện

Chi 1: Ấm,Nhập,Giới, Nhân duyên Phương tiện

 

Chuyển tiếp: Trong Phẩm 10: Phân biệt Huệ, Luận văn trình bày các hình thức của Trí Huệ Bát-nhã. Đến Phẩm 11 nầy, Luận văn nêu ra Năm Phương tiện để khởi lên Trí Huệ Bát-nhã đó. Năm Phương tiện gồm có: Ấm phương tiện, Nhập phương tiện, Giới phương tiện, Nhân duyên phương tiện và Thánh đế phương tiện.

Trong Chi 1 của Phẩm 11, Luận văn bàn đến bốn phương tiện đầu: ấm, nhập, giới, và nhân duyên phương tiện.Chi 2 sẽ nói nốt về Thánh đế phương tiện.

083. Dàn bài chi tiết của Chi 1, Phẩm 11.

I. Nhập đề: Muốn thoát sự mê mờ che lấp các nguyên nhân gây ra cảnh sanh, già, bịnh, chết, người toạ thiền cần khởi lên năm phương tiện: ấm, nhập, giới, nhân duyên và Thánh đế phương tiện.

II. Thân bài:Chi 1 của Phẩm 11 có bốn phần rõ rệt: (1) Ấm phương tiện, (2) Nhập phương tiện, (3) Giới phương tiện, (4) Nhân duyên phương tiện.

21. Ấm Phương tiện:Năm ấm (= uẩn): (a) sắc ấm, (b) thọ ấm, (c) tưởng ấm, (d) hành ấm và (e) thức ấm.

A. Sắc ấm: bốn đại và sắc chất (=sắc vật chất do bốn đại tạo thành)

1) Điạ giới, thủy giới, hoả giới và phong giới.
2) Quán sát sơ lược và rộng rãi (Xem lại Chi 5, Ph.8 về Hành môn, các trang 197, 198)

3) Ba mươi loại sắc chất: 26 sắc chất và 4 đại:

31. Năm nhập:

Nhãn nhập:mắt, nhãn thức, và sắc chất thanh tịnh
Nhĩ nhập:
tai, nhĩ thức và sắc chấtthanh tịnh;
Tị nhập:
mũi, tị thức, và sắc chấtthanh tịnh;
Thiệt nhập:
lưỡi, thiệt thức và sắc chất thanh tịnh;
Thân nhập:
thân, thân thức và sắc chất thanh tịnh

32. Sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp;
33. Mạng căn, nam c
ăn, nữ căn;
34. Thân tác và khẩu tác;
35. Sắc khinh, sắc nhuyễn, sắc kham;
36. Sắc tụ, sắc tương tục, sắc sanh, sắc lão, sắc vô thường;
37.
Đoàn thực, giới và xứ sắc.

4) Bốn đại và các sắc chất khác nhau thế nào?

5) Năm cách tìm biết rõ ràng về sắc chất:

51. Do khởi lên
52. Do hội tụ
53. Do sanh ra
54. Do chủng loại
55. Do
đồng nhứt.

B. Thọ ấm:Cảm thọ là những tình cảm mà tâm đang thể nghiệm. Nếu phân biệt theo:

1. tướng:thì chỉ có một loại cảm thọ.
2. xứ: hai loại cảm thọ: thân thọ và ý thọ;
3. tự tánh: ba loại: cảm thọ vui, cảm thọ khổ, và cảm thọ chẳng vui chẳng khổ (=cảm thọ vô ký)
4. pháp: có bốn loại: cảm thọ thiện, chẳng thiện, cảm thọ báo
đáp và cảm thọ về sự việc.
5. căn: năm loại: lạc c
ăn, khổ căn, hỉ căn, ưu căn và xả căn;
6. trắng đen: sáu loại: cảm thọ vui hữu lậu và vui vô lậu, cảm thọ khổ hữu lậu và vô lậu, và cảm thọ chẳng khổ chẳng vui hữu lậu và vô lậu;
7. cửa vào: bảy loại: cảm thọ tại các môn (= cửa) như là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý giới và ý thức giới;

8. Còn nếu phân biệt thật rộng rãi, có 108 cảm thọ:

- sáu cảm thọ theo sự ái
-
sáu cảm thọ theo sự xuất ly;
-
sáu cảm thọ theo sự ái ưu;
-
sáu cảm thọ theo sự ly ái;
-
sáu cảm thọ theo sự xả;
-
sáu cảm thọ theo sự xả ly;

Như thế, 6 lần 6 là 36 cảm thọ, nhơn lên ba thời, hiện tại, quá khứ và vị lai, tổng cộng 108 cảm thọ.

C. Tưởng ấm: Phân biệt theo tướng thì chỉ có một tưởng thôi, do đó mà tâm biết được nội dung sự việc. Nếu phân biệt theo:

1. sự trắng đen thì có hai tưởng: tưởng điên đảo và tưởng chẳng điên đảo;
2. sự thiện, bất thiện, ba tưởng:

- tưởng tham muốn; t. giận hờn, t. gây tổn hại;
- tưởng xuất ly, t. chẳng giận, t.chẳng tổn hại;

3. sự chẳng hiểu rõ tự tánh, bốn tưởng:

- tưởng vui trước việc khổ, tưởng tịnh trước vật bất tịnh;
- có thường tưởng trước sự vật vô thường; và có ngã tưởng trước sư vật vô ngã.

4. sự chẳng hiểu rõ nơi chốn, cũng có bốn tưởng: các tưởng bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã;

5. phân biệt theo Luật tạng, thì có năm tưởng:

- nơi bất tịnh, có tưởng tịnh, và tưởng bất tịnh;
- nơi tịnh, có tưởng bất tịnh, tưởng tịnh, và tưởng nghi;

6. theo sự việc, có sáu tưởng: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng (pháp = sự vật)

7. theo cửa các giác quan, bảy tưởng: các tư tưởng sanh ra do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ý thức giới.

D. Hành ấm: Ngoại trừ các cảm thọ và các tư tưởng ra, tất cả các tâm sở (= các tâm trạng) đều thuộc về hành ấm.

Có các loại hành, hay tâm hành, hoặc tâm sở sau đây:

1. Tâm sở Xúc: khi tâm tiếp xúc với đối tượng;
2. Tâm sở Tư:khi tâm bắt
đầu chuyển động, suy tư;
3. Tâm sở Quán:khi tâm bắt
đầu quán sát đối tượng
4. Tâm sở Hỉ:khi tâm mừng rỡ, nhảy nhót;
5. Tâm sở Tâm:khi tâm trong sạch như lúc
đọc chú
6. Tâm sở Tinh tấn:khi tâm dõng mãnh
đeo đuổi theo đối tượng;
7. Tâm sở Niệm:khi tâm giữ gìn cẩn thận
đối tượng
8. Tâm sở Định: khi tâm chuyên nhứt;
9. Tâm sở Huệ:khi tâm chiếu sáng, thấy rõ ràng;
10. Tâm sở Mạng căn: khi tâm nhìn vào sức sống;
11. Tâm sở Cái:khi tâm lià sự ác;
12. Tâm sở Bất tham: khi tâm lià sự tham dục;
13. Tâm sở Bất sân: khi tâm lià sự sân hận;
14. Tâm sở Tàm:khi tâm biết ghê tởm sự làm ác;
15. Tâm sở Qúi:khi tâm biết hổ thẹn vì sự làm ác;
16. Tâm sở Ỷ hay là Khinh an:khi tâm cảm thấy mát mẻ, dứt sự xao
động;
17. Tâm sở Dục:khi tâm vui lòng làm việc lành;
18. Tâm sở Giải Thoát: khi tâm thoát khỏi các ác niệm trôi chảy êm
đềm như dòng nước chảy xuống
19. Tâm sở Xả:khi tâm bình
đẳng, chẳng nghiêng về bên nào, như người cầm cân;
20. Tâm sở Tác ý:khi tâm khởi ý về pháp tắc, như người cầm bánh lái;
21. Tâm sở Tham:khi tâm bám níu như con ngỗng
22. Tâm sở Sân:khi tâm kích
động như rắn độc mổ;
23. Tâm sở Vô minh: khi tâm bị che mờ chẳng thấy rõ
24. Tâm sở Mạn: khi tâm ngạo mạn, phách lối;
25. Tâm sở Kiến thủ:khi tâm cố chấp như người mù sờ voi;
26. Tâm sở Trạo:khi tâm xao
động, nói làm vụt chạc;
27. Tâm sở Hối: khi tâm thoái lùi, tiếc rẻ;
28. Tâm sở Nghi:khi tâm phân vân, vì cố chấp vào nhiều việc trái ngược;
29. Tâm sở Giải Đãi:khi tâm lười nhác;
30. Tâm sở Vô tàm:khi tâm chẳng biết hổ thẹn lúc làm việc ác;
31. Tâm sở Vô qúi:khi tâm chẳng biết sợ hãi việc ác.

E. Thức ấm: Tất cả sự hiểu biết (kiến thức) bên trong tâm về đối tượng bên ngoài.

1. Có bảy thức: (1) nhãn thức, (2) nhĩ thức, (3) tị thức, (4) thiệt thức, (5) thân thức, (6) ý giới, (7) ý thức giới.

Nhãn thức: mắt duyên theo sắc, sanh ra nhãn thức;
Nhĩ thức:
tai duyên theo âm thanh, sanh nhĩ thức;
Tị thức:
mũi duyên theo mùi, sanh ra tị thức;
Thiệt thức:
lưỡi duyên theo vị, sanh ra thiệt thức;
Thân thức:
thân duyêntheo va chạm, sanh thân thức
Ý giới
duyên theo năm đối tượng của năm thức trước, khởi lên trong tâm ý thức gọi là ý giới;
Ý thức gìới:
ngoại trừ sáu thức vừa kể, phần còn lại của tâm, gọi là ý thức giới.

2. Có ba cách để biết rõ thêm về bảy thức kể trên:

21. Do xứ sự tức là do nơi sự việc xảy ra tại các nơi:

- Năm thức trước (từ nhãn thức đến thân thức) có đối tượng và sự việc được hiểu biết xảy ra ở các nơi chốn (ở các căn) khác nhau;

- Ý giới và ý thức giới có chung một xứ bên trong; ý giới có năm đối tượng bên ngoài, còn ý thức giới có sáu đối tượng bên ngoài;

- Năm thức trước và ý giới cùng có đối tượng bên ngoài, nhưng sự việc được hiểu biết của năm thức đó và Ý giới đều xảy ra bên trong.

- Ý thức giới có sự việc được hiểu biết xảy ra bên trong; đối tượng có thể bên ngoài hoặc bên trong;

- Sáu thức (trừ ý thức giới) có xứ và đối tượng xảy ra từ thời quá khứ, riêng ý thức gới, xứ và đối tượng xảy ra kể từ lúc ra đời.

-Ở cõi vô sắc giới, chẳng có xứ và sự của Thức.

22. Do đối tượng mà biết rõ thêm về các thức:

- Năm thức trước có cảnh giới riêng, chẳng sanh lẫn nhau, chỉ biết rõ thức nào đến trước nơi tâm

- Nơi ý giới, chẳng biết rõ hết mọi sự việc, trừ phi có ý nào được chuyển vào tâm trước;

- Qua sáu thức, nhờ có sự tấn tốc mà có sự an định, thọ trì về thân, khẩu và ý nghiệp; chỉ có hậu phần của thức mới ngủ hay nằm mộng.

23. Do các thiền chi mà biết rõ thêm về các thức:

- Năm thức trước và ý giới có giác, quán; Ý thức giới khi có giác quán, khi chẳng giác mà có quán, khi dứt luôn cả giác và quán.

- Năm thức trước cùng đi với xả; riêng thân thức đi chung với khổhay lạc, còn ý thức giới thì đi chung hoặc với hỉ, ưu,hay với xả

- Cả sáu thức (trừ ý thức giới) đều là pháp thế gian vẫn còn phiền não; còn ý thức giới thì hủy hoại được tất cả.

F. Bốn cách để phân biệt Năm Ấm:

1. Do phân biệt nghiã chữ:

11. Sắc có nghiã là hiển hiện rõ ra, dễ nhận thức;
12. Thọ có nghiã là cảm nhận, thể nghiệm
được;
13. Tưởng có nghiã biết
đến, chú ý đến;
14. Thức có nghiã là hiểu biết rõ ràng;
15. Ấm có nghiã là tập hợp chung lại các loại trên.

2. Do phân biệt về tướng:

21. Tướng của Sắc lộ ra như gai nhọn;
22. Tướng của Thọ khởi khi xúc chạm
đối tượng;
23. Tướng của Tưởng là tướng giữ gìn và làm;
24. Tướng của Hànhlà tướng hoà hiệp do xúc;
25.Tướng của Thức là tướng hiểu biết, do Danh-Sắc làm khởi lên.

3. Do xếp các ấm thành ra ba loại:

31. Năm Pháp ấm:giới ấm, định ấm, huệ ấm, giải thoát ấm và giải thoát tri kiến ấm.
32. N
ăm Thọ ấm: về những sự vật hữu lậu, vẫn còn phiền não rỉ chảy;
33. N
ăm Ấm: về những sự vật hữu vi (biến đổi theo các duyên, các điều kiện).

4. Do sự thâu nhiếp thành ra ba loại:

41. Được thâu nhiếp vào nhập nhiếp có sắc ấm, ba pháp ấm và thức ấm;
42.
Được thâu nhiếp vào giới nhiếp, có năm pháp ấm, pháp nhập, pháp giới, ý nhập và ý giới;
43.
Được thâu nhiếp vào đế nhiếp, có:

- năm ấm thâu nhiếp vào Khổ đế, Tập đế;
-
n
ăm pháp ấm thâu nhiếp vào Đạo đế;
-
pháp Niết-bàn thâu nhiếp vào Diệt đế.

22. Nhập Phương tiện:

A. Mười hai Nhập: gồm có sáu trần và sáu căn như

(1, 2) sắc nhập, nhãn nhập,
(3, 4) thanh nhập, nhĩ nhập
(5, 6) hương nhập, tị nhập,
(7, 8) vị nhập, thiệt nhập,
(9, 10) xúc nhập, thân nhập,
(11, 12) pháp nhập,ý nhập

Nhập là phạm vi cảnh giới thanh tịnh xuyên vào căn.

B. Năm cách phân biệt rõ các Nhập:

1. Do nghiã chữ:

11. Nhãn = thấy; Sắc = hiện ra rõ;
12. Nhĩ = nghe; Thanh = tiếng, âm thanh;
13. Tị = ngữi; Hương = mùi;
14. Thiệt = lưỡi nếm; Vị = khí vị, mùi vị (nếm)
15. Thân= chánh trí nơi thân tâm; xúc = kề cận
16. Ý = hiểu biết; Pháp = sự vật chẳng sanh mạng

2. Do cảnh giới:

21. Mắt chẳng thể tới được cảnh giới của sắc;
22. Cảnh giới âm thanh, vị
đến tận tai lưỡi;
23. Ý pháp cùng chung một cảnh giới.

3. Do nhân duyên:

31. Mắt, ánh sáng, tác ý là nhân duyên để thấy;
32.Tai, Hư-không giới, tác ý: nhân duyên
để nghe
33. Mũi, mùi hương, gió, tác ý: nhân duyên ngữi;
34. Lưỡi, vị, nước, tác ý: nhân duyên
để nếm;
35. Thân, xúc, tác ý: nhân duyên
để sờ mó;
36. Ý, pháp, giải thoát, tác ý: nh.duyên
để biết.

4. Do đối tượng tiếp xúc với tâm:

41. Ba mức độ của sự tiếp xúc: mạnh, vừa, yếu;
42. Biến chuyển của tâm khi tiếp xúc
đối tượng:

- Bảy động tác của Tâm, khi tiếp xúc mạnh: (1) hữu phần tâm, (2) chuyển kiến tâm, (3) sở thọ tâm, (4) phân biệt tâm; (5) linh khởi tâm,(6) tốc hành tâm; và (7) bỉ sự tâm.

- Thí dụ về trái xoài Tâm của Nhà Vua;

- Đối tượng tiếp xúc vừa vào các giác quan: tốc hành tâm đưa thẳng vàohữu phần tâm

- Đối tượng tiếp xúc yếu vào các giác quan: linh khởi tâm đưa thẳng vào hữu phần tâm.

- Về cửa ý, chẳng có sự xúc chạm, nên do chú ý làm nhân duyên khởi lên hiểu biết.

5. Do sự thâu nhiếp:giống với các ấm, có ba: (1) ấm nhiếp; (2) giới nhiếp và (3) đế nhiếp.

23. Giới Phương tiện:

A. Mười tám giới:

(1 đến 3): nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới;
(4
đến 6): nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới;
(7
đến 9): tị giới, hương giới, tị thức giới;
(10
đến 12): thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới;
(13
đến 15): thân giới,xúc giới, thân thức giới;
(16
đến 18): ý giới, pháp giới, ý thức giới.

B. Cảnh giới của sự thuyết giảng:

1. Ấm, nhập là hai phương tiện dùng để giảng về thân phận con người và giới,về hoàn cảnh chung quanh.

2. Lối thuyết giảng của Thế tôn, về Khổ đế:

- với kẻ lợi căn, Ngài dùng đường lối Ấm;
-
với kẻ trung căn, Ngài dùng lối Nhập;
-
với kẻ
độn căn, Ngài dùng đường lối Giới.
-
với kẻ cố chấp về danh, tướng, Ngài giảng tóm lược về sắc, và giảng rộng về ấm;

- với kẻ cố chấp về sắc, tướng, Ngài giảng tóm lược về danh, và giảng rộng về nhập;
-
với kẻ chấp cả danh, sắc, tướng, Ngài giảng rộng về giới
để phân biệt về Danh-Sắc.

24. Nhân duyên Phương tiện:

A. Mười hai Nhân duyên:

1. Thập nhị Nhân duyên gồm có những gì?

11. Vô minh là chẳng thông hiểu bốn Chơn lý
12. Hành là hành
động đã qua của thân, miệng ý, tạo nên Nghiệp, còn gọi là hành nghiệp;
13. Thức là một niệm lúc nhập vào bào thai;
14. Danh-Sắc tâmvà các tâm sởcùng khởi lên với sắc ca la la (= bào thai);
15. Lục nhập là sáu nội nhập (= mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý);
16.Xúc:sáu loại va chạm lục nhập vào thân;
17. Thọ là sáu loại cảm thọ của thân;
18. Ái là sáu
điều tham ái(ở các căn) của thân
19. Thủ là bốn sự chấp thủ, bám níu vào ái;
20. Hữu là nơi hiện hữu (= cuộc sống)
21. Sanh là các ấm khởi lên;
22. Lão tử là các ấm
đã già, chín muồi và tan hoại đi.

2. Hai chiềulưu chuyển hoàn diệt:

(a) Lưu chuyển mãi trong cảnh Luân hồi: Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh-Sắc, Danh-Sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyênXúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái,Ái duyên Thủ, Thủ duyênHữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão, Lão duyên Tử...toàn bộ Khổ ấm.

(b)Hoàn diệt phá vòng sanh tử Luân hồi: Vô minh diệt, Hành diệt; Hành diệt, Thức diệt; Thức diệt, Danh-Sắc diệt; Danh-Sắc diệt, Lục nhập diệt; Lục nhập diệt, Xúc diệt; Xúc diệt, Thọ diệt; Thọ diệt, Ái diệt; Ái diệt, Thủ diệt; Thủ diệt, Hữu diệt; Hữu diệt, Sanh diệt; Sanh diệt, Tử diệt và Khổ ấm diệt.

Chiều lưu chuyển quay mãi, nên chúng sanh vướng vòng lẩn quẩn của Luân hồi, phải chịu Khổ mãi;
Chiều hoàn diệt bẻ gãy vòng sanh tử Luân hồi, mà chấm dứt Khổ ấm và
được giải thoát.

3. Tại sao Vô minh duyên Hành, ... đến ... Sanh duyên Lão Tử?

(a) Vì cái nầy có nên cái kia cũng có; hễ cái nầy diệt, cái kia cũng diệt theo.

(b) Do lẽ nhân duyên tương tục đó, hễ còn vô minh thì các duyên lần lượt khởi lên; vòng Luân hồi cứ quay mãi; hễ vô minh diệt,thì vòng sanh tử Luân hồi bị bẻ gãy và được giải thoát.

4. 12 nhân duyên chia ra ba thời:

(a) quá khứ: Vô minh và Hành;
(b) hiện tại: tám nhân duyên kế tiếp: Thức, Danh-Sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu
(c) vị lai: Sanh và Lão tử.

5. 12Nhân duyên khác Pháp nhân duyên:

- Trong chuỗi 12 nhân duyên, yếu tố này liên quan chặt chẽ với yếu tố kia, chưa được hoàn mãn, nên chẳng thể tách ra từng nhân duyênđể giảng giải rõ được;

- Trong lúc chuyển hành, chẳng thể xác định mỗi nhân duyên là pháp hữu vi, hay vô vi được;

- Một khi khởi lên hoàn mãn xong, yếu tố trở thành pháp nhân duyên, mới được xác địnhthuộc về pháp hữu vi.

- Sự chuyển hành các yếu tố nhân duyên rất thâm sâu, chỉ có huệ căn của bực Thánh mới hiểu rõ tường tận.

6. Bảy cách quán sát 12 Nhân duyên:

61. Do ba tiết (= ba lóng, ba khoảng cách):

- tiết1: về quả báo hiện tại: từ hành đến thức; nơi quá khứ, nghiệp và phiền não gây ra quả báo hiện tại;

- tiết 2: về phiền não hiện tại: từ thọ đến ái; nơi hiện tại, do quả báo hiện tại làm duyên cho phiền não hiện tại;

- tiết 3: về quả báo tương lai: có hữu sanh; nơi hiện tại phiền não hiện tại làm duyên cho quả báo tương lai.

62. Do bốn điều giản lược: (= bốn điều tóm tắt):

- Phiền não lược quá khứ: vô minh và hành, nơi nghiệp quá khứ;
- Quả báo lược hiện tại: thức, Danh-Sắc, lục nhập, xúc, thọ, nơi quả báo hiện tại;
- Phiền não lược hiện tại: ái, thủ, hữu, nơi nghiệp hiện tại;
- Quả báo lược vị lai: sanh, lão tử, nơi quả báo vị lai.

63. Do sự luân chuyển:

- Lần lượt từ vô minh duyên hành, cho đến lão tử, toàn bộ khổ ấmnổi lên;

- Nơi khổ ấm, sự chẳng hiểu biết bốn Chơn lý làm thành vô minh lại duyên hành nữa, cứ luân chuyển mãi như thế chẳng dứt.

64. Do sự liên kết dắt giây:

- Theo chiều xuôi từ vô minh kể xuống đến lão tử, thấy được hướng ven bờ vị lai;

- Theo chiều ngược, kể từ Lão tử lộn trở lên đến vô minh, thấy hướng ven bờ quá khứ.

65. Do phân biệt nhân duyên thế gian, xuất thế gian:

- Mười hai nhân duyên từ vô minh đến Lão tử đều là nhân duyên thế gian;

- Khổ, niềm tin, hỉ, lạc, định, tri kiến như thật nhàm chán, ly dục, giải thoát là những nhân duyên xuất thế gian.

66 và 67. Do 20 hành, và do sự tương nhiếp: Luận văn nêu các điểm quá thâm sâu, khó hiểu, nên chẳng dám ghi chi tiết vào Dàn bài nầy.

III. Kết Luận:Chẳng thấy Phần Kết luận trong Luận văn, có lẽ đến hết Chi 2, mới có đoạn kết chăng?

084. Tìm hiểu nghiã chữ khó trong Chi 1, Ph.11

Phương tiện: Phương phương pháp; Tiện tiện dụng; Phương pháp thì tổng quát, còn phương tiện thì riêng biệt. Thí dụ: muốn cho người nghe hiểu một sự việc, ta dùng phương pháp giải thích, để cắt nghiã; nhưng có nhiều cách cắt nghiã, hoặc dùng lời nói, hoặc dùng hành động, cử chỉ, việc làm mà chỉ cho người nghe thấy và hiểu, đó là dùng các phương tiện lời nói, hay hành động để dạy cho người kia hiểu.

đây, Luận văn nêu ra Năm Phương tiện: Ấm, Nhập, Giới, để giảng cho người nghe biết về thân phận con người, nơi thân tâm gồm có những gì, các yếu tố phối hợp nhau cách nào, liên hệ với nhau ra sao, v.v. Và dùng phương tiện Nhân duyên để chỉ cho thấy mọi sự việc đều do nhân duyên mà có, chớ chẳng phải do ngẫu nhiên hay số mạng mà có, cũng chẳng phải do một đấng Toàn năng nào sắp đặt trước buộc ta phải tuân theo. Nếu hiểu rõ được cả Năm Phương tiện Chi 2 sẽ nói nốt đến Phương tiện các Thánh đế con người mới cảm thấy mình có sẵn tự do, tự mình cởi bỏ mọi ràng buộc mà sống được tư tại và an lạc. Đó là các Phương tiện giúp ta theo đúng con đường giải thoát vậy.

Ấm: nghiã gốc của chữ Ấm là tụ họp nhau thành một một nhóm. Còn được gọi là uẩn, có thêm nghiã là che mờ. Vậy ấm hay uẩn là những tập hợp của nhiều thứ hoặc cùng loại, hoặc khác loại, hợp chung với nhau, tác động lẫn nhau, vì thế khó thấy được rõ các thành phần, các yếu tố bên trong.

Nơi thân tâm con người có năm ấm: sắc ấm thuộc phần vật chất, tức là phần thân thể; còn bốn ấm kia, thọ ấm, tưởng ấn, hành ấm và thức ấm thuộc về phần tinh thần, tức là tâm.

Trong Luận văn, phần giải thích về các ấm rất đầy đủ.

Nhập: nghiã gốclà vào, nhập vào trong; Luận văn ghi có 12 nhập, gồm có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, cùng với sáu trần: sắc (= màu sắc), thanh, hương, vị, xúc pháp (= sự vật). Sao gọi chúng là nhập? Vì chúng xuyên vào tâm, khiến ta cảm thọ, suy nghĩ, hành động, hiểu biết đến hình ảnh, bóng dáng của chúng đang rọi lên màn ảnh tâm.

Giới: nghiã gốclà phạm vi, ranh giới, lãnh vực. Thí dụ như nhãn giớicó nghiã là lãnh vực mà mắt ta có thể thấy được, tức là vật đối tượng phải ở phiá trước, chẳng xa quá; còn nếu ở phía sau, hay cách tường, hoặc ở xa, thì vật đối tượngđó nằm ngoài nhãn giới của ta.

Nhân duyên: Xin xem lại các trang 446 và 516. Ở đây, Nhân duyên Phương tiện có nghiã là dùng các nhân và duyên để giải thích sự sống, sự tái sanh, sự luân chuyển trong vòng Luân hồi. Cuộc sống của con người do Nhân duyên mà có, chớ chẳng phải do mạng số, hay do một bực Toàn năng nào tạo ra và ban cho con người. Hiểu được Phương tiện Nhân duyên nầy, tránh được sự mê tín, dị đoan, biết rõ vận mạng mình nằm trong tay mình, bởi hành nghiệp của mình mà phải sống như thế nầy, thế kia, chớ chẳng phải do bất cứ lý do nào khác cả. Lại cũng hiểu thấu và thông đạt được rằng thân tâm nầy do bốn đại, năm uẩn hợp nhau mà thành, sẽ có lúc sẽ tan rả, nên chẳng cố chấp vào thân, phá được ngã kiến.

Sắc chất: Vật chất; những chất do bốn đại cấu thành.

Nhãn nhập: Nhãn = mắt, thấy; Nhập = vào. Nhãn nhập là những gì tâm nhìn thấy, xuyên qua mắt.

Nhĩ nhập: Nhĩ = tai, nghe; Nhập = vào. Nhĩ nhập là những gì tâm nghe được xuyên qua lỗ tai.

Tị nhập: Tị = mũi, ngữi; Nhập = vào. Tị nhập là những gì tâm cảm được về mùi, xuyên qua mũi.

Thiệt nhập: Thiệt = lưỡi, nếm; Nhập = vào. Thiệt nhập là những gì tâm cảm được về vị nếm, xuyên qua lưỡi.

Thân nhập: Thân = thân thể, sờ chạm; Nhập = vào. Thân nhập là những gì mà tâm cảm nhận được về cảm xúc trên da, xuyên qua thân thể.

Nữ căn: Nữ = phái nữ, giống cái; Căn = gốc. Nữ căn là vác bộ phận sanh dục của phái nữ.

Nam căn: Nam = phái nam, giống đực. Căn = gốc. Nam căn là những bộ phận sanh dục của phái nam.

Mạng căn: Mạng = cuộc sống; Căn = gốc. Mạng căn là nguồn sống.

Thân tác: Thân = thân thể; Tác = làm, động tác, hành động. Thân tác là những việc làm của Thân.

Khẩu tác: Khẩu = miệng; Tác = làm. Khẩu tác là lời nói

Hư-không giới = Hư-không, không gian, khoảng trống không bao trùm muôn vật. (Giới = phạm vi, lãnh vực)

Sắc nhẹ, nhuyễn, kham:tánh chất của các sắc chất nầy khi nhẹ, khi mềm dẽo, mịn màng, khi chịu đựng (= kham) được sự nóng, lạnh, hay phân tán.

Nhãn châu: Nhãn = mắt; Châu = trái châu, hình tròn, lóng lánh. Nhãn châu tức là thuỷ tinh thể, con ngươi.

Huyết thanh = chất máu loãng, nhiều nước hơn máu.

Phái tính: Phái = giống cái, giống đực; Tính = đặc tánh. Phái tính là các bộ phận đặc biệt riêng của phái nam, hay phái nữ.

Đoàn thực: Xem lại trang 344, Ph. 2

Xứ sắc: theo Luận văn, đó là các chất ngủ yên hay bất động, còn gọi là sắc thùy miên (thùy miên là ngủ).

Nhãn thập: Nhãn = mắt thấy; Thập = mười. Nhãn thập là mười yếu tố vi tế có mặt trong việc thâu nhận màu sắc vào tâm để biết được bằng nhãn thức. Cùng cách nầy mà hiểu nghiã của các danh từ chuyên môn: nhĩ thập, tị thập, v.v.

Sát-na: đơn vị thời gian rất ngắn, bằng i phần ngàn của giây; phiên âm chữ Phạn Ksana.

Nhứt= một; Nhị = hai; Tam = ba;Tứ = bốn; Ngũ= năm

Lục= sáu; Thất= bảy; Bát= tám; Cửu= chín; Thập= mười.

Bán nam bán nữ: Bán = phân nửa; Nam= giống đực; Nữ = giống cái. Người bán nam bán nữ chẳng thuộc một phái tính nào, các bộ phận sanh dục chẳng rõ rệt là nam hay nữ.

Nghiã rốt ráo:nguyên văn trong Bộ Luận là tất cánh nghiã, tức là nghiã xong xuôi, hoàn mãn.

Hữu vi: Hữu = có; vi = làm, tạo tác. Hữu vi là những sự vật do tạo tác mà có, phải chịu sự biến đổi theo các điều kiện thời gian, thời tiết, v.v.; thí dụ như cái nhà, bàn ghế.

Trái nghiã với Vô vilà những sự vật chẳng phải do sự tạo tác mới có, luôn luôn có sẵn đấy, và chẳng hề biến đổi, như Chơn lý, Niết-bàn...

Bất định: Bất = chẳng; Định = xác định, cố định. Bất định có nghiã là chẳng xác định rõ, hoặc có thể dời đổi được.

Hữu lậu: Hữu = có; Lậu = rỉ chảy. Hữu lậu là còn các phiền não từ bên trong rỉ chảy, bộc lộ ra ngoài. Trái nghiã với Vô lậu, là chẳng còn phiền não nữa. Giới, Định, Huệ được gọi là ba môn học vô lậu, vì nhờ đó mà tận diệt được các phiền não, các lậu hoặc. Xem lại trang 371, Ph. 4.

Xuất ly, Xả ly: Xem lại trang 416, Ph. 8.

Ly ái: Ly = lià xa; ái = tham ái, đam mê. Ly ái là lià sự đam mê. Chữ ái đây có nghiã chẳng đặng tốt, vì ham mê.

Điên đảo: Xem lại trang 446, Ph. 8.

Tịnh = sạch sẽ. Trái nghiã với Bất tịnh, chẳng sạch.

Bốn phần của đạo Tu-đà-huờn: đó là (1) diệt tham; (2) bỏ thân kiến, (3) bỏ giới cấm thủ, tức là bỏ các tục lệ dị đoan; (4) bỏ sự nghi ngờ về Chánh pháp.

Cái = che đậy, cái nấp úp lên trên. Ở đây, trang 243, chữ cái chỉ các sự ác dữ che mờ tâm trí, đẩy ta theo đường xấu

Sân khuể = Sân hận = giận hờn.

Kiến thủ: Kiến = ý kiến, tư tưởng; ở đây, trang 244, là tà kiến, ý tưởng sái quấy; Thủ = chấp thủ, giữ chặt điều quấy

Điệu = Trạo = giao động, vụt chạc, chẳng tề chỉnh.

Chiên-đà-la: phiên âm chữ Pàli Candàla, giai cấp hạ tiện ở xả hội Ấn độ cũ.

Tấn tốc: Tấn = tiến tới; Tốc = nhanh chóng. Tấn tốc là sự việc xảy ra nhanh chóng.

Hậu phần: Hậu = sau; Hậu phần là phần sau.

Sa-môn: Xem lại trang 343, Ph. 2.

Mô dạng: hình dáng.

Nghiã câu: Nguyên văn là cú nghiã, cú là câu. Đúng ra là nghiã chữ, nghiã của danh từ.

Chánh trì: Chánh = chánh yếu, quan trọng nhứt; Trì = gìn giữ. Câu "Thân có nghiã là chánh trì" ý muốn nói, thân là nơi chánh yếu để giữ gìn và kham chịu, làm nơi nương tựa.

Chú thuật = bùa chú.

Hữu phần tâm: Hữu = hiện hữu, dòng đời, cuộc sống. Về nghiã của hữu phần tâm, cũng như các biến chuyển khác của Tâm, Luận văn giải thích và cho thí dụ rất rõ ràng.

Chuyển kiến tâm: Chuyển = truyền đi; Kiến = thấy.

Sở thọ tâm: Sở = nơi; Thọ = cảm nhận.

Linh khởi tâm: Linh = khiến, sai, dục; Khởi = nổi lên.

Tốc hành tâm: Tốc = mau chóng; Hành = đi

Bỉ sự tâm: Bỉ = kia, đó; sự = việc.

Thuyết hoá: Thuyết = nói, giảng; Hoá = hoá độ, chuyển hoá, làm cho có sự thay đổi tốt.

Duyên: Trong danh từ Nhân duyên, chữ duyên có nghiã là các điều kiện phụ thuộc làm thay đổi; còn chữ Nhân là nguyên nhân chánh yếu; nếu chẳng có đủ Nhân Duyên thì kết quả chẳng thể xảy ra được.

Dùng như một động từ, duyên theo có nghiã là tùy vào việc trước mà thay đổi theo. Như nói Vô minh duyên Hành, có nghiã là vì có Vô minh đó, nên Hành khởi lên. Xin lưu ý, chẳng phải Vô minh làm sanh ra Hành, nhưng vì có Vô minh ở sẵn đó, cho nên Hành mới phát khởi lên; như thế đó, mới gọi là Vô minh duyên Hành.

Danh-Sắc: Xem lại trang 496, Ph.8

Sáu cõi: Nguyên văn là chư thú, có nghiã là các nẻo, các hướng, tức là sáu cõi Luân hồi: điạ ngục, ngạ qủi, súc sanh, người, A-tu-la, Trời.

Mặc duyên: Mặc = im lặng, trầm lặng. Mặc duyên là duyên ngầm, ẩn kín bên trong.

Lậu hoặc: tên khác của chữ phiền não. Lậu = rỉ chảy; Hoặc = điều sai lầm.

Lá ta la: lá cây ta la bên Ấn độ, lá màu xanh đọt chuối, nhỏ cỡ bàn tay. Đức Phật Thích-ca nhập Niết-bàn ở rừng Ta la (Ta la song thọ).

Thú tướng: Thú = hướng, nẻo; Tướng = điềm báo trước. Thú tướng điềm báo trước sẽ tái sanh vào nẻo nào.

Hậu hữu: Hậu = sau; hữu = cuộc sống. Hậu hữu là kiếp tái sanh về sau.

Khiên = dắt giây, lôi kéo theo sau.

Cộng nghiệp: Nghiệp chung, như các công dân trong một quốc gia chịu chung cảnh hưng phế của cả nước.

Hoá sanh: sanh chẳng qua trung gian bào thai, sanh thẳng vào một cảnh giới khác.

Tương nhiếp: Tương = chung; Nhiếp = bao gồm vào.

085. Suy gẫm về Chi 1,Ph. 11: Năm Phương tiện:

1)Quan niệm sai lầm về con người: thân kiến.

Thân kiến là sựcố chấp vào thân tâm nầy, xem đó chính là Ta. Đây là một tà kiến, vì bị vô minh che lấp mà tâm trí vướng phải, kể từ ngày biết ăn biết nói cho đến nay, rất khó mà dẹp bỏ hẳn.

Vì tâm trí còn mê mờ, nên con người cứ tưởng rằng thân nầy, tâm nầy chính là Ta, chẳng biết rằng khi phân tách rõ ràng ra thì thấy thân tâm đó chẳng qua là sự tập hợp của năm ấm: sắc ấmlà phần vật chất thuộc về thân; còn các ấm:thọ, tưởng, hành, thức ấm là phần tinh thần thuộc về tâm. Phân tách như thế, chẳng thấy có yếu tố nào Ta, Ngã cả; thế mà phàm phu lại cho rằng chính Ngã, chính Ta đang hoàn toàn làm chủ, ngự trị trong thân tâm đó. Chủ à? Thân thấp lùn, "chủ" nó muốn nó cao hơn lên một chút có được không? Ngự trị à? Khi đau ốm nặng sắp lià đời, cái Ta, cái Ngã còn có ngự trị được nơi thân tâm năm ấm nầy nữa không, hay là bị các nhân duyên phân tán đến làm tan rả sự kết hợp của thân tâm năm ấm?

Luận văn đã phân tách rất tỉ mỉ năm ấm, sự phối hợp, cùng sự tan hoại của chúng, chính là nhằm vào mục đích chỉ rõ trong thân tâm nầy chẳng có một chúng sanhsố phần, thọ mạng nào nào cả, cũng chẳng hề có đã kéo dài mãi cuộc sống sướng ít mà khổ thật nhiều nầy đây.

Bảo rằng giữ thân kiến điều sai lầm, vẫn còn chưa đủ để khiến hành giả ra công tu tập để loại bỏ tà kiến đó. Phải chỉ cho thấy, và chính hành giả nhìn thấy, bằng tai, bằng mắt, bằng tâm rằng thân tâm nầy chẳng phải là Ta, rõ ràng chẳng chẳng còn chút nghi ngờ nào, bấy giờ mới có cơ mà mong bỏ được sự chấp thủ cố hữu vào thân kiến, hay ngã kiến. Đã thấy rồi, đã thể nghiệm rồi, cũng vẫn phải còn năng quán tới, quán lui về năm ấm, cho đến khi nào, thân tâm nầy đang chịu khổ, chẳng còn mở miệng than thở: Ta đây khổ quá! Thân tâm nó khổ, chớ có Ta nào vô đó mà chịu khổ thế cho thân tâm đâu?

2)Vì bám níu mà chịu Khổ mãi ở cảnh Luân hồi:

Ai ai cũng thíchđược sung sướng, an lạc, có ai đâu lại đi ham sự đau khổ, đầy đoạ tấm thân? Nhưng thích được sướng là một lẽ, còn bám níu mãi vào sự đam mê lại là một lẽ khác. Ai cũng muốn mắt nhìn sắc đẹp, tai nghe lời dịu dàng, mũi ngữi hương thơm, lưỡi nếm vị ngọt, thân sờ vật trơn láng. Đồng ý! Nhưng cố chạy theo sắc đẹp, vượt núi trèo non để tìm món ngon vật lạ, mà sự hưởng thụ chỉ có được trong chốc lát, sao chẳng biết đang khổ công tốn thì giờ theo đuổi, cái sướng có đến cũng đâu bù vào nỗi nhọc tâm lao trí đi tìm.

Sự bám níu có nhiều hình thức, từ sự bám níu nhỏ nhặt, như ăn bát phở đòi có cho được miếng ớt cay, qua sự đòi hởi các tiện nghi vật chất phù phiếm như mặc áo quần tơ lụa, đến các xa hoa loà lẹt như nước hoa đắt tiền, phấn son trang điểm, vô tình đã kết buộc khiến cho thân phải hùng hục lo "đi cày" để có đủ phương tiện tiền bạc mà cung phụng, tâm phải lo lắng, đua đòi chạy theo cho kịp thời trang để hãnh diện. Sao chẳng tự hỏi, nếu đem tấm lòng bám chặt vào các điều hào nhoáng đó mà ích lợi chỉ có trong nhứt thời, để nghĩ đến tấm lòng kiên trì, bền chí theo đưổi một mục tiêu chánh đáng hơn: giải thoát thân tâm mình ra khỏi các ràng buộc của thói đời còn tranh hơn thua nhau từng chút.

Bắt nguồn từ lòng tham không đáy, sự bám níu thể hiện dưới muôn hình vạn trạng trong cuộc tranh danh, đoạt lợi nơi cuộc sống xô bồ ở thế tục. Có một lại muốn thêm được mười cho chẵn chục, leo lên được bực thang danh vọng đầu tiên rồi, còn muốn vươn tới tột đỉnh, rồi vẫn chẳng chịu cho là đủ, cứ muốn thêm, thêm mãi, vô cùng. Sao chẳng biết rằng, dầu danh cao đến bậc nào rồi cũng có lúc tàn phai, sao chẳng hiểu cho dầu tiền rừng bạcbiển rồi cũng có ngày sụp đổ, cháy túi cạn khô! Các thú vui còn mang nhiều phiền não, loé lên một chốc, rồi tàn lụn theo thời gian. Chỉ có niềm vui an lạc, tâm trạng thơ thới, xem mọi cám dỗ của cuộc đời như mồi như lưới, mới đưa tới nơi giải thoát: đặt gánh nặng bám níu trên vai xuống.

Trong khi phân tách các Phương tiện Ấm, Nhập, Giới, Luận văn đã nêu rõ các mối ràng buộc thân tâm, từ bên ngoài hay sẵn có bên trong, đều do sự bám níu cố hữu hữu lậu, và con của con người vào các thú vui đường giải thoát chính là sự tự mình cởi bỏ lấy mình: thôi, chẳng bám níu vào đâu nữa, để kiên trì giữ vững Bồ-đề tâm.

3)Phương tiện Nhân duyên chỉ rõ thân phận con người tùy thuộc vào chính mình.

Trong khi giáo lý các tôn giáo khác đã vấp phải chỗ tắc tị khi cố tìm cách để giải thích sự tạo thành thế giới, với một vị Thượng đế toàn năng, thì Luận văn dựa theo giáo lý nhà Phật đã giải thích thân phận con người sanh hoạt trong thế giới, bằng những lý lẽ cụ thể, rõ ràng, có thể kiểm chứng được theo các tiêu chuẩn khoa học. Đó là Lý thuyết Mười Hai Nhân Duyên, một lý thuyết đặt căn bản trên sự quán sát khách quan, chẳng dựa vào các lập luận mơ hồ, vu vơ, đầy tánh cách võ đoán. Thuyết Mười hai Nhân Duyên có một tầm quan trọng bực nhứt vì đã vạch rõ thân phận con người, do đâu mà có, vì sao phải chịu cảnh Khổ triền miên trong vòng sanh tử Luân hồi, và làm cách nào để thoát ra khỏi, để được giải thoát và an lạc vĩnh viễn. Vì lý do đó, người học giáo lý nhà Phật phải đặt hết sự chú tâm và lòng bền chí để tìm hiểu, để thông suốt, để thực hành, và để đạt cho được mục tiêu cuối cùng là con đường giải thoát.

Lý Mười hai Nhân Duyên được trình bày trong Luận văn, từ dễ đến khó, từ giản dị rõ ràng, có thể nghiệm thấy được, kiếm chứng được, cho đến chỗ vi diệu, siêu thoát, vượt khỏi xa sự hiểu biết thông thường của phàm phu. Và để cho người thường có thể vươn lên từ từ đến chỗ rốt ráo, Luận văn đã nêu ra các bước tìm hiểu, tuy khó khăn, nhưng với nỗ lực, bền chí và với Trí Huệ từ từ được khai sáng trên con đường tu tập, hành giả, hoặc trong đời nầy, hoặc vào các đời sau, tùy theo căn cơ chậm lụt hay bén nhạy của mình mà học tập, mà thấm nhập vào và rồi sẽ hưởng dụng được con đường thênh thang giái thoát đang mở rộng.

Lý thuyết Mười hai Nhân Duyên rất giản dị, có thể tóm tắt thành hai câu ngắn gọn như sau:

Vì cái nầy có, nên cái kia có theo;
Vì cái nầy diệt, nên cái kia diệt theo.

Lý Mười hai Nhân duyên, dùng các danh từ chuyên môn hơi khó hiểu, nhưng Luận văn đã giải thích vừa rõ ràng, vừa tỉ mỉ, để vạch rõ sự liên hệ tương tục giữa các Nhân Duyên.

Nhưng Lý Mười hai Nhân Duyên rất cao siêu, nên Luận văn đã giải thích chỗ cao siêu ấy bằng sự vận hành của mỗi nhân duyên, mà chỉ có bực Thánh mới thông hiểu rõ được; phàm phu chúng ta chỉ nên học qua sự vận hành đó, rồi với thời gian tu tập, Trí Huệ càng khai sáng, mới mong tự mình thấy rõ, thông suốt được và kiểm chứng lại được. Nếu tạm gát qua các chỗ cao siêu, sự liên hệ tương tục giữa các Nhân duyên vẫn có thể nắm giữ để hiểu được ít nhiều, hay nếu căn cơ bén nhạy, thấy được sâu xa hơn. Điều quan trọng, khiến cho vòng tròn Mười hai Nhân Duyên cứ xoay vần mãi chẳng dứt là cả mười hai nhân duyên cứ tiếp tục nhau vận chuyển, khép kín lại, chẳng còn có ngõ nào thoát ra khỏi. Điều quan trọng thứ nhì là phải tìm cách phá vỡ một hay hai nhân duyên, để cho vòng tròn bị gãy đứt, khiến cuộc Luân hồi phải ngừng quay, và đưa ta ra khỏi vòng sanh tử, tử sanh chẳng dứt.

Có ba nhân duyên, một khi được bỏ dứt khoát, khiến chấm dứt được nỗi khổ đau triền miên của Luân hồi. Đó là: vô minh, ái thủ. Sự vô minh là sự ngu tối, nhất đán trong một thời kỳ chẳng thể xoá bỏ ngay, vì còn cần được Trí Huệ từ từ khởi lên trong khi tu tập soi sáng thêm. Ái là sự tham ái, sự đam mê, vì thích vì ham mà có tham ái; tuy tham ái tuỳ thuộc vào lòng mình, do mình muốn hay hết muốn mà ra, nhưng rất khó mà dẹp ngay được. Tại sao? Vì có năm giác quan đòi hỏi được thoả mãn, như đã có xét qua, mắt đòi nhìn sắc đẹp, tai muốn nghe lời nói dịu dàng, êm ái, v.v. Chỉ có thủ là bám níu chặt chẽ vào điều ưa thích là ta có thể gở ngay ra được. Thấy sắc đẹp, ưa nhìn thì cứ nhìn, nhưng đừng có quá ham mê. Hễ chỉ nhìn mà chẳng say đắm, thì thủ bị gạt ra ngoài. Do đó, chẳng cần phải dài dòng, cứ nhằm ngay chỗ thủ, chỗ bám níu đánh vào, đánh mạnh buổi đầu, về sau, chỉ cần một chút nhẹ tay cũng thoát được sự bám níu. Thủ mà bị phá, vòng Luân hồi quay theo Mười hai Nhân Duyên bị đứt khúc, có kẽ hở để thoát rồi; bấy giờ còn chút nghiệp dư phải trả xong nợ, là thênh thang bước vào con đường giải thoát của Niết-bàn.

Việc tu hành, tóm gọn lại, chỉ có thế, nhưng chẳng biết khoảng đời còn lại của mình có đủ thời giờ để thực hiện cho hoàn mãn chăng?...

4)Việc học tập Lý thuyết Mười Hai Nhân Duyên ngày nay là để gieo duyên cho đời sau giải thoát.

Lý thuyết Mười Hai Nhân Duyên đã được Luận văn trình bày tỉ mỉ và cặn kẽ, thế mà việc tìn hiểu và suy gẫm như đã viết trong những dòng trên đây, quả thực là vừa thiếu sót, vừa non nớt. Điều đó chỉ có thể trách cứ nơi căn cơ còn quá chậm lụt của người viết mà tâm trí vẫn còn bị che mờ, khi Trí huệ chưa được sự học tập khai sáng rõ thêm. Nhưng người viết chẳng vì sự ngu tối của mình mà ngưng hẳn ngang đây việc tìm hiểu, học tập và suy gẫm, cứ nghĩ rằng mỗi một cố gắng nho nhỏ của mình cũng đóng góp vào việc thành công rực rỡ cho đời sau. Vì thế, chỉ mong người đọc thương tình, nghĩ đến thiện chí của kẻ viết mà xí xoá cho tội liều lĩnh, dám luận bàn đến một áng văn sở dĩ được sáng tác là để dành riêng cho các bực tu hành đã đi xa trên đường Đạo. Nếu cơ duyên may mắn ở đời sau được thuận tiện để góp phần vào, người viết xin thiết tha tâm nguyện một điều: nguyện sẽ để trọn đời học tậpthực hành đúng theo lời dạycủa Đức Thế tôn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com