VIMUTTI MAGGA
Phần 2:PHẦN TÌM HIỂU
Phần Tìm hiểu Phẩm 8: Hành môn
Chi 2: Nhị Thiền đếnPhi tưởng định.
Các Nhứt thiết nhập khác.
Chuyển tiếp: Trong Phẩm 8 bàn về các Hành môn, riêng Chi 1 đã xét qua Nhứt thiết nhập Địa và Sơ Thiền cùng các Thiền Chi của cấp Thiền đầu tiên nầy. Nơi Chi 2 đây, Luận văn trình bày tiếp các cấp Thiền và Định, cách làm thế nào để vượt qua từ cấp thấp để tiến đến bực cao nhứt. Sau đó, Luận văn lại giảng tiếp về mười Nhứt thiết nhập.
051. Nhận xét tổng quát về bố cục của Chi 2:
Như đã biết, Phẩm 8: Hành môn rất dài, trình bày các chi tiết về đường lối thực hành qua 40 môn hành xứ tất cả:
- 10 nhứt thiết nhập,
- 10 tưởng bất tịnh,
- 10 niệm,
- 4 tâm vô lượng,
- 4 đại,
- Vô sở hữu xứ, Phi tưởng xứ và
- Thức ăn bất tịnh.
Riêng Chi 1 vừa qua đã trình bày Nhứt thiết nhập Địachưa xong đã bước sang qua Thiền ngoại hành và Sơ thiền, cùng với năm Thiền chicủa cấp Thiền nầy. Đến Chi 2, Luận văn tiếp tục nói đến ba cấp Thiền còn lại và bốn cấp Định. Phần còn lại của Chi 2 nói nốt về Nhứt thiết nhập Điạ và các nhứt thiết nhập khác, cũng chưa hết, phải lấn sang đến ba trang đầu của Chi 3 mới dứt về mười Nhứt thiết nhập.
Lẽ ra, Luận văn nên nói cho hết cả 10 Nhứt thiết nhập trong một Chi, xong rồi sẽ bàn đến bốn cấp Thiền: từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền, và bốn cấp Định: Không định, Thức Định, Vô sở hữu xứ Định, và Phi tưỏng phi phi tưởng xứ Định, trong một Chi khác, chắc sẽ được dễ hiểu, dễ nhớ hơn.
Tôn trọng sự sắp xếp trong Luận văn, Phần Tìm hiểu sau đây về Chi 2 nầy, gồm có:
(1) Tóm lược các ý tưởng trong Chi 2, theo thứ tự đã trình bày trong Luận văn;
(2) Dàn bài sơ lược của Chi 2, rút từ bản tóm lược trên
(3) Tìm hiểu nghiã các chữ khó;
(4) Khai triển thêm vài ý tưởng trong Luận văn, chú trọng đến sự thực hành các cấp Thiền và Định;
(5) Suy gẫm về Chi 2.
052. Thử tóm tắt các ý tưởng nêu trong Chi 2:
Sau khi xét qua năm Thiền chi của Sơ Thiền ở Chi 1của Phẩm 8: Hành môn, Luận văn lần lượt trình bày các giai đoạn, từ thấp đến cao, của ba cấp Thiền còn lại, và bước sang bốn cấp Định, Hư-không Định, Thức Định, Vô sở hữu xứ Định và Phi tưởng phi phi tưởng Định. Phần còn lại của Chi 2 quay về với các Nhứt thiết nhập, nhưng hai Nhứt thiết nhập chót là Nhứt thiết nhập về Hư-không, và về Thức lại được nói lấn sang ba trang đầu của Chi 3.
Mở đầu phần trình bày về Nhị Thiền, Luận văn kể lại thí dụ con bê núi, còn chưa rành đường đi nước bước mà muốn đi đến đồng cỏ lạ, giếng nước mới, nên phải quay về chốn cũ, nhưng chẳng thành công được. Thí dụ khuyên ta, cần phải thực hành cho thật thuần thục một giai đoạn xong rồi mới bước sang giai đoạn kế; nếu không, dầu có trở lại bước cũ cũng chẳng được kết quả tốt như trước.
Với mỗi cấp Thiền, cần phải thực hành cho đến lúc được "tự tại", nghiã là tập cho đến mức tuỳ tâm mình muốn nhập vào Định và xuất Định ra được an tường, rồimới tính chuyện tập sang cấp Thiền kế tiếp. Khi đã tập thật thuần thục ở cấp Sơ Thiền rồi, nhận thấy các thiếu sót cuả Sơ Thiền và các công đức của Nhị thiền, bấy giờ hành giả mới nỗ lực lần lượt nương theo các Thiền chi của Nhị Thiền mà đắc Định của Nhị Thiền. Và cứ như thế, với thời gian công phu khổ tập mà lần lượt chứng đắc Tam Thiền và Tứ Thiền. Luận văn có nêu rõ các thiếu sót và các công đức của mỗi cấp Thiền, cùng với các Thiền chi liên hệ.
Đến cấp Định, từ Hư-không Định, qua Thức Định, Vô sở hữu xứ Định đến Phi tưởng phi phi tưởng Định, Luận văn vẫn theo lối trỉnh bày nầy, ở mỗi cấp có những thiếu sót và những công đức, cùng cách tác ý thế nào để vượt thẳng lên cấp trên.
Sở dĩ đang nói về Nhứt thiết nhập Địa, Luận văn quay sang bàn đến bốn cấp Thiền và bốn cấp Định, là vì hành giả nhờ nương theo một Nhứt thiết nhập mà tu tập lần lượt sẽ chứng đắc được các cấp Thiền định, vì thế Luận văn cần có những lời giải thích rõ ràng về Thiền định trước khi duyệt qua các Nhứt thiết nhập khác còn lại.
Chín Nhứt thiết nhập, tiếp theo Nhứt thiết nhập Diạ là cácNhứt thiết nhậpThủy, Hoả, Phong, Xanh, Vàng, Đỏ, Trắng, Ánh sáng, Hư-không và Thức.Cách thức trình bày các Nhứt thiết nhập nầy rất vắn tắt, chỉ nêu racách tạora Nhứt thiết nhập, cáchgiữ tướng bỉ phần, cùng các công đứckhi đắc Định. Về các chi tiết khác, Luận văn mời người đọc quay lại xem ởNhứt thiết nhập Điạ, đã biết qua rồi. Như thế, chỉ cần đọc kỹ và thực tập chu đáo Nhứt thiết nhập Địa, còn các Nhứt thiết nhập khác chỉ nên đọc qua cho biết mà thôi. Nếu thấy thích và phù hợp với căn cơ của mình, thì có thể theo một Nhứt thiết nhập nào đó mà tu tập, tuy nhiên nên đọc kỹ trước các chi tiết nơi Nhứt thiết nhập Điạ, đầy đủ hơn.
053. Dàn bài của Chi 2:
I. Nhập đề: Thí dụ con bê núi, còn chưa biết đường đi, muốn đến đồng cỏ lạ, tới nơi chẳng được mà quay về chốn cũ cũng chẳng xong.
II. Thân bài:
A. Các cấp Thiền:
1. Nhị Thiền:
11. Thiếu sót của Sơ Thiền: tánh động của giác và quán khiến cho Định thành thô;
12. Bốn Thiền chi cấp Nhị thiền: nội tín, hỉ, lạc và nhứt tâm.
2. Tam Thiền:
21. Thiếu sót của Nhị Thiền: hỉ còn động khiến cho Định thành thô;
22. Năm Thiền Chi của Tam Thiền: xả, chánh niệm, chánh trí, lạc, và nhứt tâm.
3. Tứ Thiền:
31. Thiếu sót của Tam Thiền: lạc quá gần với hỉ là kẻ thù gây trở ngại cho Định.
32. Thế nào là xả niệm thanh tịnh?
33. Ba Thiền chi của Tứ Thiền: xả, niệm và nhứt tâm (= xả niệm thanh tịnh).
B. Bốn cấp Định:
1. Hư-không Định:
11. Thiếu sót của Tứ thiền: còn dựa trên sự vật về sắc chất khiến cho Định thô
12. Diệt đối tưởng của sắc, tác ý vô biên
13. Thế nào là Không-xứ?
2. Thức Định:
21. Thiếu sót của Hư-không Định: còn gần với sắc tưởng nên Định vẫn còn thô;
22. Nơi Không-xứ, tác ý vô biên lên khiến thành ra vô biên thức xứ.
3. Vô sở hữu xứ Định:
31. Thiếu sót của Thức Định: còn gần với Hư-không, kẹt vào tưởng vô biên, khiến Định vẫn còn thô;
32. Tánh vô phân biệt và rỗng rang của Vô sở hữu xứ.
4. Phi tưởng phi phi tưởng Định:
41. Thiếu sót của Vô sở hữu xứ Định: còn gần với tưởng phân biệt khiến Địnhthô
42. Nơi vô tưởng, dứt tưởng, khiến còn chút ít tưởng tế nhị.
C. Các Nhứt thiết nhập còn lại:
1. Nhứt thiết nhập Thủy:
11. Năm công đức của Nhứt thiết nhập Thủy khác với nhứt thiết nhập Địa.
12. Cách tạo một NTN Thuỷ để quán tưởng
13. Cách giữ tướng Nước.
2. Nhứt thiết nhập Hoả:
21. Năm công đức của NTN Hoả.
22. Cách tạo ra NTN Hoả
23. Cách giữ tướng Lửa.
3. Nhứt thiết nhập Phong:
31. Ba công đức của NTN Phong
32. Cách tạo ra NTN Phong
33. Cách giữ tướng Gió.
4. Nhứt thiết nhập Xanh:
41. Bốn công đức của NTN Xanh
42. Cách tạo và giữ tướng Xanh
5. Nhứt thiết nhập Vàng:
51. Ba công đức của NTN Vàng
52. Cách tạo và giữ tướng Vàng.
6. Nhứt thiết nhập Đỏ:
61. Bốn công đức của NTN Đỏ
62. Cách tạo và giữ tướng Đỏ.
7. Nhứt thiết nhập Trắng:
71. Tám công đức của NTN Trắng,
72. Cách tạo và giữ tướng Trắng.
8. Nhứt thiết nhập Ánh sáng:
81. Có 8 công đức như NTN Trắng,
82. Cách tạo và giữ tướng Ánh sáng.
9. Nhứt thiết nhập Hư-không.
91. Hai công đức riêng của NTN Hư-không
92. Cách tạo và giữ tướng Hư-không
10. Nhứt thiết nhập Thức.
054. Tìm hiểu nghiã các chữ khó:
Thoái thất: Thoái = lùi lại; thất = bị mất đi. Bị sự thoái thất có nghiã là gặp phải khó khăn tiến lên chẳng được phải lùi lại và bị mất đi kết quả trước.
Tự tại: Xem lại Tìm hiểu Phẩm 2, tr. 344; Ph.8, tr. 418
Thắng diệu: Xem lại Ph.8. tr. 415.
Hoà hiệp: Hoà = hợp nhau mà chẳng chống đối nhau; Hiệp = hợp = gom chung lại, tụ lại. Chẳng tác ý hoà hiệp với Sơ Thiền, có nghiã là chẳng khởi ý tưởng nào có liên quan đến hay phù hợp với Sơ Thiền nữa.
Thuyết minh: Thuyết = nói; Minh = sáng; Thuyết minh = giảng rõ thêm.
Nội tín: Nội = bên trong; Tín = tin tưởng. Gần nghiã với chữ tự tín, tin ở sức mình. Nội tín là niềm tin ở bên trong lòng phát ra; có khác với sự tin tưởng do nghe theo kẻ khác.
Nhứt tánh: Nhứt = một; tánh = bản tánh, tánh đặc thù. Tâm trở thành nhứt tánh, có nghiã là tâm trở nên thuần nhứt, chẳng bị các việc khác làm thay đổi tánh chất đi. Trong khi nhứt tâm chuyên chú đến một đề mục duy nhứt, còn tâm nhứt tánh tngưng sự giác quán, giữ yên bản tánh của mình, chẳng phóng đi, an tịnh trong thế bất động. Sự phân biệt giữa nhứt tâm và nhứt tánh được ghi rõ tại câu: "Nhứt tâm nơi Nhị Thiền có khả năng diệt cả giác và quán, khiến cho nhứt tánh khởi lên nơi tâm và tâm thành nhứt tánh."
Kẻ thù: Trong câu: "Vì gần với giác quán là kẻ thù, cùng với nỗi mừng (hỉ) tràn đầy vướng vít, cho nên Nhị Thiền thành thô.", chữ kẻ thù được dùng với nghiã bóng, tức là việc gây trở ngại cho ta, như kẻ thù của ta vậy.
Thắng phần: Thắng = hơn, hay giỏi hơn. Chẳng đắc được thắng phần, có nghiã là chẳng đắc được chỗ hay hơn chỗ vừa được.
Xả: Đoạn Luận văn Thế nào là Xả? ở hai trang 105 và 106 giải thích chữ Xả rất tỉ mỉ, với quá nhiều chi tiết, có thể gây ra rối rắm. Xin nhớ nghiã gốc của Xả là buông bỏ, chẳng để vướng mắc; trái ngược với chấp thủ, cố chấp... Nắm vững nghiã gốc nầy xong, sẽ xét đến các loại xả: tám loại và ba loại v.v. mới chẳng bị tràn ngập.
1. Luận văn viết: "Xả có nghiã là giữ sao cho chẳng lui mà chẳng tới, tâm được bình đẳng", câu nầy có nghiã là khi Xả, thì tâm giữ mực trung dung, chẳng nghiêng về bên nào cả.
2. Luận văn kể tám loại Xả, thật ra đó là chữ Xả được dùng trong tám việc khác nhau:
21. Xả nơi năm căn: tức là giữ sự thăng bằng giữa năm căn (tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn), ví như quá vội tin (tín căn) mà quên sự suy xét của huệ căn.
22. Tinh tấn xả là chẳng cố gắng, tinh tấn thêm nữa.
23. Kiến xả: (kiến = thấy) là vì thấy biết rõ nguyên nhân gây ra khổ,nên mới xả bỏ chẳng theo.
24. Bồ-đề xả là một trong bảy yếu tố của sự giác ngộ, gọi là thất giác chi;
25. Vô lượng xả là tâm vô lượng thứ tư: từ, bi, hỉ, xả.
26. Lục phần xả là sự buông bỏ của các giác quan, chẳng bám níu chặt vào đối tượng;(lục phần = sáu giác quan)
27. Thiền chi Xả: Xả là tên một thiền chi ở Tam thiền
28. Xả niệm thanh tịnh: tên Thiền chi ở Tứ Thiền.
3. Ba loại Xả: tên đặt cho ba loại Xả nầy rất khó nhớ, chẳng qua đó là sự xả bỏ dưới ba hình thức nhiều ít khác nhau:
31. Xả tương ưng thừa (thừa = chiếc xe, ở đây, đưa ta đến Định): là sự xả bỏ vửa phải, chẳng quá gấp cũng chẳng quá huởn, đủ để nhập vào Định;
32. Xả thiểu kinh doanh: tâm xả bỏ vẫn còn lo tạo dựng, còn nghĩ đến việc khác chút ít;(kinh doanh = tạo dựng)
33. Xả vô kinh doanh: tâm xả bỏ đến mức bất động
Tứ niệm xứ = Bốn lãnh vực quán niệm: Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy cách nương theo hơi thở để quán tưởng bốn lãnh vực: (1) thân bất tịnh, (2) thọ là khổ, (3) tâm là vô thường và (4) pháp (sự vật) là vô ngã. Chi 4 của Phẩm 8 nầy sẽ chỉ rõ thêm.
Chánh trí: Chánh = chơn chánh; Trí = trí huệ; Chánh trí đối ngược với tà trí. Ở cuối trang 106 đưa ra bốn loại chánh trí, mới đọc qua rất khó hiểu.
1. Hữu nghiã trí là giữ sao cho bốn oai nghi được tề chỉnh, khi đi, đứng, nằm, ngồi (Sao lại gọi là hữu nghiã?)
2. Tự tướng trí là trí nhập vào Không-xứ, có lẽ đây là trí chẳng còn sự phân biệt nữa?
3. Bất ngu si trí là trí hiểu biết tám pháp ở thế gian. Tám pháp nào? Đó là tám ngọn gió thổi đến mà ta phải ứng phó cho thích nghi: lợi, suy(bị thiệt hại),hủy (nói xấu), dự (khen), xưng (tán dương), cơ (chê), khổ, lạc.
4. Hành xứ trí là nơi hành động, biết xử sự sao cho có trí suy xét. Có lẽ trí nầy dễ hiểu nhứt, vì thực tế nhứt và cần thiết nhứt trong đời sống hằng ngày.
Khai thông: Khai = mở ra; Thông = thông suốt, chẳng trở ngại. Khai thông là mở ra để chỉ dạy cho kẻ khác.
Ưu căn: Ưu = lo âu; căn = nguồn gốc. Ưu căn là gốc lo
Xả lạc = đây là niềm vui do xảgây nên, tức là một niềm vui vì chẳng khổ chẳng lạc, lâng lâng, nhẹ nhàng.
Thắng quả: Thắng = tốt, hơn; Quả = kết quả, quả vị. Đắc thắng quả là được kết quả tốt lắm, hoặc quả vị cao hơn.
Vô biên: Vô = chẳng có; Biên = bià, ranh giới, giới hạn. Vô biên là chẳng có giới hạn, chẳng có bờ bến nào.
Đối tưởng: Đối = hiện trước mặt, tương đối; Tưởng = tư tưởng. Đối tưởng là tư tưởng nhân có một sự vật nào trước mặt mà khởi lên. Thí dụ: khi mắt thấy đất, thì tâm liền nghĩ đến cục đất chẳng hạn; ý nghĩ về cục đất đó là đối tưởng.
Hư-không: Hư = chẳng có thật trên thực tế; Không = rỗng rang vàvắng lặng. Hư-không thông thường được hiểu là Không gian, khoảng trống bao trùm tất cả mọi vật mà chẳng chứa đựng bất cứ sự vật nào. Hư-Không-xứ là nơi hoàn toàn rỗng vắng, chẳng có bờ bến, chẳng biết có tự bao giờ và chẳng hề tiêu diệt đi. Luận văn nơi hai trang 114, 115 mô tả đầy đủ về đặc tánh của Hư-không.
Sắc pháp và Vô sắc pháp: Xem lại trang 420.
Vô sở hữu xứ: Vô= chẳng có; Sở= nơi, chốn;Hữu = có;Xứ = vùng, cõi. Vô sở hữu xứ nghiã là cõi chẳng còn có sự vật nào cả. Vô sở hữu xứ khác với Hư-Không-xứ vì Hư-Không-xứ vẫn còn có cái không; cõi Vô sở hữu xứ hoàn toàn vắng bặt.
Phi tưởng phi phi tưởng xứ: Phi = chẳng phải; Tưởng = tư tưởng. Cõi Phi tưởng phi phi tưởng là cõi mà chỉ còn chút ít tư tưởng, gọi đó là tư tưởng cũng chẳng phải, mà bảo đó đâu phải là tư tưởng thì cũng sai. Tại sao? Cõi Hư-không chẳng có sự vật, làm sao biết, phải nhờ có ý thức để biết; tức là còn có thức ở cõi Hư-không. Đến cõi Thức xứ rỗng rang, nhưng biết được sự rỗng rang đó là nhờ có sự phân biệtra được tánh cách vô biên của cõi ấy. Cái gì đã làm cho có sự phân biệt, đó là vẫn còn có tư tưởng nơi thức. Chấm dứt sự phân biệt đó, chính là công việc của phi tưởng phi phi tưởng, tức là phần tư tưởng ít oi còn sót lại nơi cõi Định cao cấp nầy. Sự rỗng vắng gia tăng từ cõi Hư-không, qua Thức xứ, đến Vô sở hữu xứ rồi tới cõi Phi tưởng xứ, vẫn chưa vắng trọn vẹn.
An tường: An = yên ổn; Tường = tốt lành. Xuất khỏi Định được an tường nghiã là chấm dứt buổi toạ thiền trong sự an lành, thoải mái.
Lậu tận: Lậu = rỉ chảy, nghiã bóng là các phiền não từ bên trong tâm lộ ra ngoài; Tận = dứt hẳn. Tu hành đắc lậu tận là tự mình chứng thấy tất cả các phiền não nơi mình đều chấm dứt, chẳng còn dư sót lại chút nào. Đó là nói đến bực A-la-hán.
Kiến Đạo: Kiến = thấy; Đạo = con đường; đường tu giác ngộ và giải thoát. Đường lối tu hành thường chia ra bốn giai đoạn: (1) Kiến Đạo, (2) Tu Dạo, (3) Vô học Đạo, (4) Phật Đạo. Theo Phật học Từ điển Đoàn Trung Còn, do sự tỉnh ngộ mà kiến Đạo; do sự thấy Đạo mà tu Đạo; do tu theo Đạo mà đắc được bực Vô học Đạo, tức là bực đã học xong về Đạo, chẳng cần học thêm nữa; đấy là cấp A-la-hán; từ Vô học Đạotiến tu thêm để đắc được Phật Đạo.
Sắc định: Sắc = cõi sắc giới; Định = tình trạng an định tâm quy về nhứt tâm. Chữ sắc định là nói đến bốn cấp Thiền từ Sơ thiền (đã lià được cõi dục giới, nhờ sự ly dục), Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền, vì bốn cấp nầy còn dựa theo sắc chất. Từ cõi Hư-không, qua Thức xứ, Vô sở hữu xứ, đến Phi tưởng xứ, vượt qua được sắc giới, nên các cấp Định nầy thuộc về định vô sắc.
Điên đảo = nghiêng ngã, lộn ngược xuôi, đảo trên xuống dưới, dưới lên trên. Ý nói: nhận lầm sự vật nầy với sự vật khác, trái ngược hẳn. Thí dụ trong Luận văn rất khó hiểu.
Theo kinh Pháp bảo đàn, có bốn điên đảo của hạng phàm phu: (1) vô thường cho là thường; (2) Khổ mà thấy ra Lạc, (3) vô ngã mà cho là ngã, (4) bất tịnh mà cho là tịnh. Nhưng hàng Nhị thừa (Thanh văn) vì cố chấp mà mắc phải bốn điên đảo khác: (1) chơn thường mà cho là vô thường; (2) chơn lạc mà cho là khổ; (3) chơn ngã mà cho là vô ngã; (4) chơn tịnh mà cho là bất tịnh.
Ngũ nghịch: Ngũ = năm; Nghịch = tội nghịch, tội nặng. Năm tội ngũ nghịch phải sa điạ ngục là giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm chảy máu Phật và phá hoại Tăng đoàn.
Duyên theo = dựa theo đó mà thay đổi theo. Câu: "Tâm duyên theo tướng Nước", có nghiã là tâm bám chặt vào tướng nước, giữ gìn tướng nước đó mãi trong khi quán tưởng, chẳng nghĩ đến việc nào khác.
Phong tưởng: Phong = gió; Tưởng = tư tưởng. Phong tưởng là tư tưởng về gió (ý nghĩ về gió), khác với phong tướng là tướng gió, (khi gió chạm vào thân cảm thấy mát).
Hoàng tưởng: Hoàng = màu vàng; Tưởng = tư tưởng. Hoàng tưởng là tư tưởng về màu vàng.
Thanh tịnh giải thoát: Thanh tịnh = trong sạch; giải thoát = thoát khỏi sự ràng buộc. Khi quán tưởng về Nhứt thiết nhập Xanh thành công thì đắc được thanh tịnh giải thoát; điều nầy có nghiã là trong tâm giữ được đặc tánh của màu xanh, chẳng còn xen lộn với các màu khác, đắc được sự thuần nhứt, tinh khiết của màu xanh. Đối với các màu khác, khi quán tưởng Nhứt thiết nhập liên hệ, cũng đắc thanh tịnh giải thoát tương đương như thế.
Chế ngự: Chế = đặt ra qui tắc bắt kẻ khác phải theo; Ngự = ngự trị, đàn áp, bức bách phải tuân theo. Câu:"Màu đỏ chế ngự các màu khác" có nghiã là màu đỏ đậm hơn, rõ hơn, lấn hơn, các màu khác.
Nhứt thiết nhập Ánh sáng = Quang minh Nhứt thiết nhập = Chữ Ánh sáng được dùng để dịch chữ Quang minh.
Tán cú: Tán = phân tán, rời rạc, chẳng tụ họp lại; Cú = câu. Phần Tán cútrong Luận văn là phần sau cùng mỗi Chi, hay mỗi Phẩm, gồm có các câu bàn về các vấn đề linh tinh, rời rạc nhưng có liên quan ít nhiều đến chủ đề.
Tam-muội: phiên âm tiếng Pàli Samàdhi, Tam-ma-đề, có nghiã là chánh định, tâm gom lại nhứt điểm.
055. Tìm hiểu ý nghiã vài tư tưởng nơi Chi 2, P8
1)Từ giác,quán tới vô giácvô quán, qua nội tín rồi tới tâm nhứt tánh ở Nhị thiền.
Sơ Thiền còn thô vì còn giác, còn quán, chưa rời hẳn cõi dục giới, vì sự ly dục chưa được trọn vẹn. Trong khi tu tập nhận thấy các thiếu sót của việc giác quán, khiến tâm còn lăng xăng, dễ nghiêng về loạn động, nên khởi ý muốn tiến lên Nhị Thiền tế nhị hơn. Tế nhị hơn vì giác quán ngưng, tâm trở nên bớt loạn động, dễ an trụ lại. Tiến tới tình trạng nầy tâm đắc được vô giác, vô quán, một tâm trạng ngừng nghỉ, đưa đến sự tin tưởng bên trong, gọi là nội tín, làm khởi sanh lên hỉ và lạc. Nhờ có sự khinh an, nhẹ nhàng của niềm vui trong tâm (lạc), nên tâm dễ đắc Định, gọi là tâm nhứt tánh, nghiã là đã mất đi sự giác quán lăng xăng, tâm an trụ lại, chỉ có một tánh: tánh của tâm biết mình trụ lại nơi chính mình. (Có khác với nhứt tâm ở Sơ Thiền, vì khi nhứt tâm, thì tâm trú vào điểm duy nhứt của đối tượng, còn khi tâm nhứt tánh ở Nhị thiền, thì tâm dừng lại và an trụ nơi chính tâm).
Vấn đề quan trong trong giai đoạn nầy là cách chấm dứt giác quán, điều mà ta chẳng thấy Luận văn chỉ rõ từng bước một cho kẻ sơ cơ mới tập Thiền.
2)Từ hỉ lạc qua xả đến xả niệm thanh tịnh.
Từ Nhị thiền, qua Tam Thiền đến Tứ thiền, Hỉ và Lạc chẳng còn đóng vai trò quan trọng như ở cấp Sơ thiền nữa, tức là giúp tâm cảm được sự khinh an, sảng khoái mà dễ đi vào Định. Hỉ vốn tánh động, như Luận văn nói:(trang 105), khiến chẳng thể khởi lên các thiền chi khác Nếu dính mắc lâu vào Hỉ, ắt phải thất bại...chẳng đắc được các thắng phần." Hỉ và Lạc khắn khít nhau, rất khó phân biệt, đúng như thí dụ trong Luận văn, "cũng tựa như bê con đi theo sát bên bò mẹ, nếu chẳng bị ai nắm hai vành tai mà giữ lại." Đây là giai đoạn dùng Trí mà phán đoán bằng chánh niệm để đưa tới niệm xả. Xảđây chẳng phải là bỏ đi, mà chính là xem nhẹ Hỉ và Lạc; đối với chúng, tâm chẳng còn quá âu yếm, ôm níu nữa mà buông lỏng ra, để giữ thế bình thản, vui thì biết có vui, nhưng chẳng để lòng mình quá vui, cứ để cho niềm vui từ từ tràn ngập mà chẳng làm xao xuyến, chẳng làm rung động như buổi ban đầu nữa. Xả đến mức cao nhứt là vô khổ vô lạc, một tâm trạng kéo dài trong thế quân bình, tĩnh lặng, an nhiên, bất động; rất gần với xả niệm thanh tịnh. Đến xả niệm thanh tịnh, tâm đang trong trạng thái thanh tịnh hoàn toàn, chẳng còn vướng bận điều chi nữa cả: thành tựu được bốn cấp Thiền.
Vấn đề quan trọng ở giai đoạn nầy là sự phân biệt một mặt giữa Hỉ và Lạc, và mặt khác giữa Lạc và Xả. Luận văn có chỉ rõ cách dùng chánh niệm, chánh trí để phân biệt và đạt đến tâm trạng vô khổ vô lạc cùng xả niệm thanh tịnh.
3)Vượt Tứ Thiền qua Không Định,Thức Định, Vô sở hữu xứ Định đến Phi tưởng Định
Từ Thiềnngoại hành bước vào Sơ thiền, là tâm lià cõi dục giới, đi đến cõisắc giới. Tại sao biết? Vì nhờ sự lià xa các dục vọng mà đắc được Sơ Thiền. Từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền, là tâm đang trú trong cõi sắc giới. Tại sao biết? Vì các đề mục quán tưởng đều thuộc về sắc pháp, hai khả năng giác quán chuyên cứu xét đến đối tượng, hai cảm thọ hỉ lạc thấm nhuần vào thân tâm, nên tâm còn trú nơi cõi sắc giới. Từ Hư-không Định, qua Thức Định, Vô sở hữu xứ Định, đến Phi tưởng Định vai trò của Tưởng càng nỗi bật, lấn cả Thọ, Hành, để rồi sau cùng mờ nhạt dần trong cõi vô sắc giới. Tại sao biết? Tâm vượt qua cõi sắc giới, trải qua Hư-không giới, Thức xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng xứ, nhờ vận dụng Tưởng mà tác ý: từ tác ý Hư-không, tác ý vô biên, đến tác ý vô sở hữu, để sau cùng nhận thấy, như trong Luận văn có nói ở trang 118, ... còn "chẳng có tưởng" mới là chơn chánh, an tịch, vi diệu... Đấy là nhờ Tưởng, rồi lại lià Tưởng, để an trú trong cõi vô sắc giới.
4)Nhận xét về các Thiền chi ở mỗi cấp Thiền
Ở Sơ Thiền có 5 Thiền chi: giác, quán, hỉ, lạc, nhứt tâm.
Ở Nhị thiền có 4 Thiền chi: hì, lạc, nội tín, nhứt tâm.Bỏ giác quán, thêm nội tín.
Ở Tam Thiền có 5 Thiền chi: xả, chánh niệm, chánh trí, lạc, nhứt tâm. Bỏ hỉ, thêm niệm, trí.
Ở Tứ Thiền có 3 Thiền chi: xả, niệm, nhứt tâm. Bỏ lạc.
Theo sự nhận xét trên, thì tâm quán tưởng từ từ bỏ hành ưẩn: giác và quán, bỏ thọ uẩn: hỉ và lạc; đồng thời phát triển thêm (nội tín, chánh niệm, chánh trí và xả niệm thanh tịnh) về Trí huệ, để thanh tịnh hoá Tâm. Đấy rõ ràng và đầy đủ: con đường giải thoát tâm, qua bốn giai đoạn Thiền.
5)Nhận xét về nhiệm vụ và công đức của mười Nhứt thiết nhập.
Nhứt thiết nhập Điạ được mô tả đầy đủ chi tiết ở Chi 1, Phẩm 8 nầy. Còn các Nhứt thiết nhập khác chỉ được nói sơ qua, khiến người đọc phải nên xem lại Nhứt thiết nhập Điạ mỗi khi muốn tu tập về một Nhứt thiết nhập nào khác.
Như đã biết qua, nhiệm vụ chánh của Nhứt thiết nhập là làm nơi nương tưạ, hoặc nhiều nhứt về mắt, hoặc về tai, hoặc về xúc chạm, để tâm gom sự chú ý trên đối tượng quán sát, hầu dễ tiến vào Định. Nhưng khi tu tập đến các cấp Định về vô sắc giới, thì nhiệm vụ đó của Tưởng chấm dứt.
Mỗi khi trình bày chi tiết về Nhứt thiết nhập, Luận văn có nêu ra nhiều công đức, có công đức thiết thực trước mắt, cũng như có công đức liên quan đến các thần thông. Đọc Luận văn với tinh thần học hỏi thì sự chú trọng chắc sẽ hướng về các công đức thứ nhứt nhiều hơn, vì lẽ có thể kiểm chứng lại bằng kinh nghiệm bản thân.
Luận văn có nói bốn Nhứt thiết nhập về màu sắc là thù thắng hơn cả, vì đắc được sự thanh tịnh, giải thoát. Ta có thể hiểu thêm rằng sự thanh tịnh đó liên quan đến tánh cách thuần chất của màu sắc, hơn là sự thanh tịnh của chính tâm.
056. Suy gẫm về Thiền Định:
1)Đường lối tu tập tiệm tiến.
Luận văn chỉ rõ cách tu tập, dựa theo một Nhứt thiết nhập, để thanh lọc thân tâm, nhứt là tâm, qua bốn cấp Thiền và bốn cấp Định. Đây là đường lối tiệm tiến, tu từ từ từng bước một, chứng một cấp cho được thuần thục mới bước sang cấp kế đó. Ở đây chẳng thấy có việc tu tắt theo đường chim bay, cũng chẳng thấy việc gánh nước, bửa củi cũng là Thiền.Phải có những buổi ngồi Thiền đúng phép, phải tuân theo lối suy tưởng, quán chiếu đúng cách, chớ không thể tùy nghi chế biến theo ý mình muốn mà được.
Đường lối tiệm tu nầy tuy cứng rắn nhưng nếu có nỗ lực, bền chí, thì chắc thế nào cũng thâu hoạch được ít nhiều kết quả. Nếu được sự hướng dẫn tận tình của một thiền sư, việc đắc quả chẳng phải là chẳng có được.
Điều kiện tiên quyết: lòng tin nơi phương pháp đã được Đức Phật chỉ dạy và được Luận văn bực A-la-hán khai triển.
2)Đừng nôn nóng cũng đừng sợ hãi:
Theo đường lối tiệm tu cần nhứt là bền chí và vững tin. Hội đủ hai yếu tố đó, sự thành công cầm chắc trong tay, trừ phi đã để cho tâm quá nôn nóng, mong sớm thấy kết quả. Về Thiền định, sự mong cầu rất có tai hại, vì ý mong cầu bên trong, phóng ra, tạo thành các ảo tưởng, ảo ảnh, v.v. rồi lại tự mình làm hại lấy mình.
Mỗi khi thấy ngồi Thiền thấy một cảnh giới lạ, nên giữ tâm bình thản. Ma chăng? Mình chọc ghẹo gì Ma mà Ma đến phá? Phải chăng óc tưởng tượng của mình đã "mời" Ma tới?
Trong khi tu tập một cấp Thiền, chẳng thấy có một thiền chi nào đó khởi lên, đúng như theo sách vở, thì cũng đừng quá lo lắng. Tại sao? Vì cứ nghĩ đến mục tiêu cuối cùng của mỗi cấp là nhứt tâm, nghiã là tâm ý gom lại, chẳng tán loạn; đó là đã đủ rồi, đòi thêm Thiền chi nào nữa, cho rắc rối!