Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chi 2: Các Nhứt thiết nhập (tiếp) và các Thiền chi

03/05/201115:33(Xem: 16203)
Chi 2: Các Nhứt thiết nhập (tiếp) và các Thiền chi
 
GIẢI THOÁT ĐẠO LUẬN
VIMUTTI MAGGA
Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt

Quyển Năm

Phẩm 8: Hành môn (tiếp)
Chi 2: Các Nhứt thiết nhập (tiếp) và các Thiền chi

Sau đây giảng về Đệ nhị Thiền, suy nghĩ về các lỗi lầm của Sơ thiền và hai loại công đức.

Vào thời đó, người toạ thiền muốn khởi lên Nhị Thiền, khi đã đắc được tự tại về Sơ thiền. Tại sao vậy? Vì nếu nơi Sơ thiền còn chưa được tự tại, (thuần thục) dầu đã điều phục được sự suy nghĩ, muốn trừ bỏ giác, quán, mong đắc được Nhị thiền, vẫn còn bị thoái thất, chẳng kham nổi việc khởi lên Nhị thiền, lại chẳng thể vào trở lại nhập Sơ thiền nữa.

Như Thế tôn có dạy các vị Tỳ-kheo rằng, có một con bê núi con, ngu si chẳng biết nơi đồng cỏ, chẳng biết lối đi, mà lại muốn tới một nơi xa và nguy hiểm, tự nghĩ như vầy: "Ta nay muốn tới một nơi chưa từng đến, ăn thứ cỏ chưa từng gậm, uống thứ nước chưa từng nếm." Chơn trước chưa đứng vững, đã giở chơn sau lên, nghiêng ngã khiến thân nó chẳng yên, chẳng thế nào bước đi tới được. Và vì chẳng tới được nơi chưa từng đến, cũng chẳng gậm được cỏ nào chưa từng ăn qua, lại cũng chẳng uống được nước nào chưa từng nếm, nó liền suy nghĩ: "Mình chẳng đi tới được nữa, thì nay phải trở lại nơi mình ăn uống cũ trước kia vậy."

Cũng như thế, Tỳ-kheo ngu si nào, việc tu hành còn chưa thành đạt, chẳng hiểu sự lià xa các ham muốn, chẳng thực tập việc nhập vào Sơ thiền, chẳng học tập nhiều, thường lại có ý muốn nhập vào Nhị thiền, muốn lìa bỏ giác, quán, lòng chẳng được an nên sau mới nghĩ: 'Ta chẳng đủ sức để nhập vào Nhị thiền mà rời bỏ giác, quán, thôi hãy cứ quay về với Sơ thiền và lià xa các ham muốn." Tỳ-kheo ấy ngu si như con bê núi conchẳng biết đường đi đến đồng cỏ. Vì thế, phải nên tu Sơ thiền (cho thật thuần thục) khiến tâm được tự tại.

Vào khi trước giờ ăn và thời gian sau khi ăn, vào lúc đầu hôm và khi hừng sáng, tùy theo tâm vui thích, tùy lòng vẫn còn gần với sự ham muốn, tùy ý chẳng ngại ngùng, mà liền khởi lên nhập vào sự quán. Nếu trong một lúc, cho đến cả nhiều lúc, có lắm khi nhập vào, có lắm khi xuất ra, nơi Sơ thiền cũng đắc thành được sự tự tại. Khi đã được tự tại rồi, liền vui mà thấy Nhị thiền khởi lên, vượt qua được Sơ thiền. Bấy giờ mới suy nghĩ rằng, Sơ thiền còn thô sơ, Nhị thiền tế nhị hơn, và do đó mà nhìn thấy được các lỗi lầm của Sơ thiền cùng với các công đức của Nhị thiền.

Hỏi: Thế nào là các lỗi lầm của Sơ thiền?

Đáp: Gần với năm triền cái là kẻ thù, ham giác quánlàm khuấy động, khiến thân thành giãi đãi (lười), tâm thành tán loạn (lăng xăng), nên tất cả pháp đắc được đều là định thôchẳng đủ chứng trú thần thông, đấy là vừa lòng với Sơ thiền nên còn chưa được phần thắng diệu, lại vướng phải các lỗi lầm của Sơ thiền. Nhị thiền đối trị được các điều đó, nhờ quán các lỗi lầm của Sơ thiền mà thấy ra công đức của Nhị thiền.

Lấy tướng của Nhứt thiết nhập mà khởi ý tu hành theo Nhị thiền: chẳng tác ý hoà hiệp với Sơ thiền, chẳng tác ý về giác, chẳng tác ý về quán, do theo định mà hỉ, lạc và tự tại sanh ra, liền khiến tâm thọ trì. Người toạ thiền tác ý như thế, chẳng bao lâu giác, quán tiêu diệt mất, giữ lấy chỗ định khởi sanh lên hỉ, lạc và tự tại, khiến tâm được an trú vào đấy.

Sau đây thuyết minh về bốn thiền chi của Nhị thiền.

Người toạ thiền đó, khi giác, quán đã diệt, muốn có sự tin tưởng bên trong (= nội tín) rằng, tâm thành một tánh (= nhứt tánh): chẳng giác chẳng quán, liền theo định khởi lên hỉ, lạc, mà nhập vào Nhị thiền. Đó là công đức của Nhứt thiết nhập Điạ. Giác và quán diệt, có nghiã là tâm khéo phân biệt được sự tiêu diệt củagiác và quán, còn gọi là đoạn (= cắt đứt).

Hỏi: Thế nào là giác,quán diệt?

Đáp: Đó là sự tiêu diệt các lỗi lầm về giác quán của Sơ thiền, bao gồm cả giác và quán lẫn nguồn gốc của giác và quán. Lại nữa, đó là lià nơi thiền thô còn thấp để vươn lên thắng thiền cao hơn, khiến cho thiền thô lần lượt diệt mất đi.

Về nội tín, nội là bên trong hiện chứng thấy được. Nội có ba loại: (1) nội nội, (2) nội định, (3) nội hành xứ.

Thế nào là nội nội?Đó là sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), còn gọi là sáu nhập. Nội định là sự tự mình quán thân tâm mình. Nội hành xứ là ý tưởng bên trong chẳng hướng ra ngoài, hiểu rõ được ý nghiã bản tánh của đối tượng quán sát. Tại bộ Kinh luận nầy, chữ nội nội dùng với nghiã là khá vui.

Tín là niềm tin chơn chánh; suy nghĩ làm tăng trưởng niềm tin. Đó là niềm tin nơi nội tâm, nên gọi là nội tín.

Nội tín:tướng, vị,khởi,xứ của Nội tín là gì?

Tướng của nội tín là chẳng loạn. An tịnh là vị, công năng của nội tín. Chẳng nhiễm dơ là khởi của nội tín, sự khởi sanh ra nội tín. Giác và quán là xứ của nội tín, là phạm vi hoạt động của nội tín.Tâm trở thành một tánh có nghiã là tâm trú trong chánh định. Tâmthành nhứt tánh, nghiã là sao? Tâm là ý nghĩ. Nhứt đây là nhứt niệm, tức là chánh niệm. Tánh là bản tánh tự nhiên. Nhứt tâm nơi Nhị thiền có khả năng diệt cả giác và quán khiến nhứt tánh khởi lên nơi tâm và tâm thành nhứt tánh.

Tâm thành nhứt tánh: tướng,vị,khởi,xứ của nó là gì? Tướng của nó là sự tinh chuyên chơn chánh. An tịnh là vị, tức là công năng của nó.Chẳng phóng túng, lãng bạt, là sự khởi sanh của nó. Giác quán đã ngưng và diệt đi, là xứ, tức làphạm vi hoạt động của nó.

Hỏi: Tại sao nơi Sơ Thiền chẳng nói về Tín Tâm trởthànhnhứt tánh?

Đáp: Sơ thiền với giác quán khuấy động nên làm nhiễm dơ nội tín khiến cho tâm nhứt tánh mất sự thanh tịnh, cũng như nước có gió khởi động, gợn sóng, khiến cho hình ảnh phản chiếu chẳng rõ ràng. Như thế, nơi Sơ thiền, giác quán làm sóng khởi động khiến cho nội tín và tâm nhứt tánh trở nên chẳng thanh tịnh. Vì vậy Sơ thiền chẳng nhiếp thiền chi nầy. Chẳng giác, chẳng quán có nghiã là đoạn dứt giác thành ra vô giác, lià quán nên thành ra vô quán.

Hỏi: Giác diệt thì vô giác, vô quán. Có hai cách đoạn trừ giác quán chăng? Tại sao lại nói đến hai cách?

Đáp: Giác và quán đã diệt, liền hiện lên nội tín, tâm thành nhứt tánh. Khi vô giác và vô quán hiện lên khiến sanh ra diệu tướng, thành được sự an tịnh.

Lại nữa, diệt giác và quán là dùng giác quán đó mà thấy được sự lỗi lầm của riêng giác quán; theo pháp đoạn trừ giác và quán đưa đến vô giác và vô quán, đó là lìa xa sự giác quán về cõi sắc giới.

Lại nữa, vô giác vô quán có hai loại: (1) chẳng lấy giác quán diệt mà thành vô giác vô quán; (2) lấy giác quán diệt mà thành vô giác vô quán. Nơi năm thức và Tam thiền chẳng lấy giác quán diệt mà thành vô giác vô quán. Nơi Nhị thiền, dùng phương tiện an tịnh, lấy giác quán diệt mà thành vô giác vô quán. Đấy là nói đến hai nghiã.

Theo định mà khởi sanh lên, gọi làđịnh. Sơ thiền theo trí mà sanh khởi. Nhị thiền thành tựu được, nhờ theo định ở Sơ thiền mà sanh ra.

Lại nữa, nơi Nhị thiền, địnhđược cùng sanh ra một lượt với nhứt tâm; định làm khởi sanh lên hỉ và lạc. Hỉ lạc,trước đã có giải thích rồi. Nhị thiền được gọi như thế, vì Nhị thiền tiếp theo sau Sơ thiền.Nhập Chánh thọ có nghiã là nhập vào Nhị thiền. Thiền:nội tín, hỉ, lạc, nhứt tâm, gọi là Thiền.

Nhập chánh thọ và an trú là thành đắc Nhị thiền: lià được hai chi (giác và quán), thành tựu được hai chi (hỉ và lạc), ba điều lành, mười tướng đầy đủ, hai mươi ba công đức tương ưng. Đó là công đức được sanh lên cõi Trời Diệu Quang Thiên.

Như trước đã có nói, sanh lên cõi Trời là, do theo định sanh ra hỉ lạc, vượt khỏi được cõi nhơn gian, nên gọi là sanh lên cõi Trời.

Như Thế tôn có dạy chư Tỳ-kheo, nước trong hồ, chẳng phải do từ bốn phương lại, cũng chẳng phải do nước mưa rơi xuống, mà từ nguồn suối đến, trong và lạnh tẩm ướt cả hồ và tràn đi xa. Cũng như thế, thân vị tì kheo, do theo định mà sanh ra hỉ lạc, khiến được mát mẻ, chẳng chỗ nào chẳng thấm nhuần. Do theo định mà sanh ra hỉ khắp cả thân tâm, cũng như nước suối. Khi nhập vào Nhị thiền, thân của người ấy như thế nào, cũng có thể biết được. Như chẳng do theo nước từ bốn phương chảy lại, chẳng do nước mưa rơi xuống, giác và quán nơi người tọa thiền diệt mất như thế nào, cũng có thể biết được. Cũng như nước do từ nguồn suối chảy đến, chẳng khởi lên gợn sóng, người toạ thiền do từ định khởi sanh ra hỉ, lạc, khiến thân tràn đầy niềm vui, mà chẳng khiến tâm loạn động, như lấy nước lạnh rưới lên khắp mọi chỗ trên thân cho được mát mẻ. Như thế, do định mà sanh ra hỉ lạc, khiến trọn cả thân tâm thành ra có được đầy đủ hỉ lạc.

Công đức tu định được quả báosanh lên cõi TrờiQuang Diệu Thiên. Nhị thiền tu có ba cấp: thấp, vừa và cao. Người tu thiền thấp, khi thọ mạng hết, sẽ sanh lên cõi Thiểu Quang Thiên, sống lâu hai kiếp. Tu thiền vừa, được sanh Vô Lượng Quang Thiên, thọ mạng được bốn kiếp. Tu thiền cao sanh Quang DiệuThiên, sống được tám kiếp.

Sau đây suy gẫm về các lỗi lầm của Nhị thiền.

Vào thời đó, người toạ thiền đã thuần thục về Nhị thiên, thân được tự tại rồi, nhận thấy Nhị thiền còn thô sơ, còn Tam thiền thì an tịnh hơn, thấy rõ được các lỗi lầm của Nhị thiền và các công đức của Tam thiền, mới liền khởi tu Tam thiền.

Thế nào là các lỗi lầm của Nhị thiền? Vì gần với giác quán là kẻ thù, cùng với nỗi mừng (hỉ) tràn đầy vướng vít, cho nên Nhị thiền thành thô. Vì nỗi mừng tràn đầy, tâm quá nhảy nhót (loạn động), khiến chẳng thể khởi lên các thiền chi khác. Nếu dính mắc lâu vào hỉ, ắt phải thất bại. Nếu biết đó là thất, ắt chẳng còn thất nữa. Nếu chẳng kham đắc được thiền thông chứng và nếu vui theo Nhị thiền, thì chẳng đắc được thắng phần. Vì vậy, phải nên biết các lỗi lầm của Nhị thiền và thấy các công đức của Tam thiền. Để đối trị lại, phải quán các lỗi lầm của Nhị thiền, kế thấy các công đức của Tam thiền, rồi y theo tướng của Nhứt thiết nhập mà tác ý khiến tâm hỉ diệt đi. Bỏ hỉ lạc mà sanh tâm thọ trì, chẳng bao lâu thì hỉ lạc mất đi, khiến tâm được an.

Giải thích các thiền chi của Tam thiền.

Người tọa thiền chẳng nhiễm nỗi mừng (hỉ), đắc được xả(-niệm),(chánh-) niệm, trí (-huệ); như bực Thánh có nói, đắc được xả, niệm, trí thì vui trú trong chánh thọ của Đệ tam thiền. Đấy là công đức của Nhứt thiết nhập về Điạ, chẳng vướng nhiễm hỉ (nỗi mừng) vậy. Hỉ là gì, trước đã có nói rõ, chẳng nhiễm hỉ, dứt đoạn hỉ, tức đắc được an trú vào xả.

Thế nào là XẢ?Xả có nghiã là giữ sao cho chẳng lui mà chẳng tới, tâm được bình đẳng. Xả có tám thứ: thọ xả, tinh tấn xả, kiến xả, Bồ-đề xả, vô lượng xả, lục phần xả, thiền chi xả, thanh tịnh xả.

Xả nơi năm căn là thọ xả. Vào lúcchẳng tác ý, liền khởi lên tướng xả là tinh tấn xả. Nơi tập đế (chơn lý về nguyên nhân của khổ), nghĩ biết rằng, ta nên đoạn tận, đó là kiến xả. Tu theo Bồ-đề giác là Bồ-đề xả. Tu bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỉ, xả, là vô lượng xả. Lấy mắt nhìn hình sắc chẳng khởi lên khổ, chẳng khởi lên mừng, đó là một trong lục phần xả (năm phần kia thuộc về năm giác quan còn lại). Có hỉ mà chẳng bị nhiễm, lại trú nơi xả, đó là thiền chi xả. Niệm Xả thanh tịnh là thanh tịnh xả. Về tám món xả đó, trừ thọ xả ra, còn bảy pháp xả kia, đó gọi là bình đẳng xả.

Lại nữa, có ba loại xả: (1) tương ưng thừa(= có liên hệ, như xe đưa tới Định; thừa = xe); (2) thiểu kinh doanh(= tâm ít tạo dựng); (3) vô kinh doanh(= tâm chẳng tạo dựng). Nơi tất cả các loại thiền, sự khéo léo giữ cho bình đẳng, chẳng quá gấp, chẳng quá huỡn, đó gọi là xả tương ưng thừa. Xả nầy gần với Nhị thiền. Có khả năng đoạn trừ được tâm quá nhảy nhót (loạn động), chẳng lo tạo dựng nhiều, đó gọi là xảthiểu kinh doanh. Xả nầy gần với Tam thiền. Cái khả năng đoạn trừ loạn tâm trước đó đã khiến cho thân tâm chẳng động nữa, tâm chẳng còn lo tạo dựng sự việc gì nữa, đó gọi là xả vô kinh doanh, còn gọi là xảvô sự.Xả nầy gần với Tứ thiền.

Thế nào là tướng,vị,khởi,xứ của XẢ?

Bình đẳng là tướng của xả; chẳng dính mắc là vị (công năng) của xả; chẳng lo tạo dựng thêm là khởi (sự sanh khởi lên) của xả; chẳng bị nhiễm ô là xứ (phạm vi hoạt động) của xả.

Hỏi: Tại sao nói đến xả ở Tam thiền, mà chẳng nói đến Xả ở Sơ thiền và Nhị thiền?

Đáp: Nơi Sơ thiền và Nhị thiền, hỉ tràn đầy còn chưa diệt mất, tâm dính mắc vì chạy theo hỉ lạc, quá nhảy nhót đầy cả thân tâm, cho nên chẳng thể nói đến xả. Nơi Tam thiền, hỉ chẳng đầy đủ, nên chẳng bị hỉ nhiễm, chẳng vướng mắc vào cho nên thiền chi khởi lên; khi thiền chi nầy được tự tại, nên mới nói đến xả (-niệm), (chánh-) niệm chánh trí.

Thế nào là niệm tùy niệm? Niệm ấy biết rõ, nhớ lại, giữ gìn chẳng quên niệm. Niệm căn, niệm lực và chánh niệm, đó là nói về niệm.

Hỏi: Tướng,vị,khởi,xứ của NIỆM là gì?

Đáp: Tùy niệm (= niệm đi theo niệm) là tướng của niệm; chẳng quên là vị (= công năng) của niệm; giữ gìn, bảo vệ là khởi (= sư sanh khởi lên) của niệm; bốn lãnh vực quán niệm (= thân, thọ, tâm và pháp) là xứ (= phạm vi hoạt động) của niệm.

Thế nào là TRÍ?Lấy trí hiểu rõ để làm huệ, là có chánh trí, đó gọi là Trí. Chánh trí có bốn loại: hữu nghiã trí, tự tướng trí, bất ngu si trí, và hành xứ trí. Nơi Trí hữu nghiã, có bốn uy nghi (đi, đứng, nằm, ngồi). Trí tự tướng là trí nhập vào Không-xứ. Trí chẳng ngu si là trí hiểu biết tám pháp ở thế gian. Trí hành xứ là có trí nơi sự việc. Tại bộ Kinh luận nầy, trí hành xứ được nói đến để giữ lại.

Hỏi: Tướng,vị,khởi,xứ của TRÍ là gì?

Đáp: Chẳng ngu si là tướng của trí; theo nhơn duyên mà liên hệ với, là vị (= công năng) của trí; lựa chọn các pháp và giữ lấy, là khởi (= sự khởi lên) của trí; tác ý chơn chánh là xứ (= phạm vi hoạt động) của trí.

Hỏi: Tại sao chánh niệm và chánh trí phải có mặt ở tất cả mọi nơi, chẳng chỗ nào là chẳng diệu khéo?

Đáp: Nếu người mất chánh niệm, chẳng khởi lên chánh trí, thì chẳng kham vào được thiền ngoại hành.

Hỏi: Tại sao chỉ nói ở Tam thiền, mà chẳng thấy nói ở Sơ thiền và Nhị thiền?

Đáp: Nơi Tam thiền nầy, đứng đầu là hỉ và các thiền chi thô khác đều diệt, chánh định lại vi tế nên đi sâu vào chỗ tế nhị, khiến cho chánh trí khởi lên được Tam thiền và do đó, các thiền chi được tự tại.

Lại nữa, Tam thiền nầy dễ đi đến niềm vui (= lạc) đầy khí vị (ngọt ngào) mà tâm đang hướng về để nắm lấy. Do đó, các thiền chi đắc được tự tại mà diệt bỏ nỗi mừng (=hỉ) đi.

Hơn nữa, nỗi mừng (hỉ) và niềm vui (lạc) cùng làm bạn bè khắn khít nhau, nhờ có chánh niệm và chánh trí mới phân biệt ra được "có vui mà chẳng có mừng", và an trú vào lạc (= vui).Cũng tựa như bê con cứ đi theo sát bên bò mẹ, nếu chẳng bị ai nắm hai vành tai mà giữ lại.

Như thế, chẳng mừng mà có vui, (vô hỉ hữu lạc) nhờ chánh niệm, chánh trí phân biệt rõ ra được niềm vui (lạc) mà an trú được vào đấy. Nếu chẳng phân biệt ra được như thế, thì thành ra thoái phần, có sự thất bại lùi lại. Khi các thiền chi nầy được tự tại, nên mới nói đến xả niệm, chánh niệm chánh trí được thành tựu; vì lẽ đó, mới nói đến xả, niệm, trí khi thân đã cảm thọ được niềm vui (thân thọ lạc).

Hỏi: Thế nào là Tâm vui? (Tâm lạc).

Đáp: Tâm cảm thọ được niềm vui, được gọi là tâm vui, tâm lạc. Niềm vui tiếp xúc với tâm, tâm cảm thọ được, đó là niềm vui, hay là lạc.

Hỏi: Thế nào là thân (vui)?

Đáp: Tưởng ấm, hành ấm, thức ấm, đó gọi là thân, dùng thân đó cảm thọ được niềm vui, nên gọi là thân thọ lạc.

Hỏi: Tại sao niềm vui chẳng có mừng đó chẳng do thân cảm thọ được?

Đáp: Nơi Tam thiền, lạc căn được diệt đi. Tại sao vậy? Thế tôn có nói, nơi Tam thiền, lạc căn diệt. Đó là niềm vui được các bực Thánh nói đến. Bực Thánh là Đức Phật và các đệ tử của Ngài, đã khai thông, răn dạy, phân biệt và chỉ rõ.

Hỏi: Tại sao bực Thánh chỉ nói đến ở thân mà chẳng nói đến các nơi khác?

Đáp: NơiTam thiền nầy, người toạ thiền dễ đi đến niềm vui chẳng có nỗi mừng, nhưng lại chẳng nắm giữ lấy niềm vui đó. Còn bực Thánh thì an trú nơi niềm vui nên được thành tựu. Cho nên, các bực Thánh bảo, Tam thiền nầy thành tựu thắng phần có xả. Xả, niệm, lạc đã được phân biệt rõ rồi, thì thành tựu và an trú trong Tam thiền.

Nói Tam thiền là vì thiền nầy tiếp theo Nhị thiền. Tam thiền có xả, chánh niệm, chánh trí, lạc và nhứt tâm. Đó là thành tựu (năm thiền chi) của Tam thiền, khi đã lìa được hỉở Nhị thiền, chứng được năm phần (= năm thiền chi) ba điều lành, mười tướng đầy đủ, hai mươi hai công đức tương ưng, được sanh lên cõi Trời ở cảnh Biến Tịnh Thiên. Như đã được nói qua trước đây, sanh lên cõi Trời tức là an trú vào niềm vui chẳng có nỗi mừng (vô hỉlạc), vượt được cõi nhơn gian.

Cho nên Thế tôn có dạy các Tỳ-kheo rằng, trong đầm có hoauất-ba-la(sen xanh) chen với hoa phân-đà-lợi(sen trắng), từ trong nước khởi sanh lên, lớn lên trong nước, trú trong nước, từ dưới gốc cho đến ngọn, cả bên trong, đều thấm nhuần nước. Cùng thế ấy, thân tâm của vị Tỳ-kheo đượm nhuần khắp mọi chỗ niềm vui chẳng có nỗi mừng (vô hỉ lạc) giống như hoa uất-ba-la chen với hoa phân-đà-lợi từ trong nước mà khởi sanh lên. Như thế, khi nhập vào Tam thiền, thân người ấy như ngó sen dưới nước, từ rễ chí ngọn, tất cả mọi chỗ đều tràn đầy nước, thân tâm được niềm vui chẳng có nỗi mừng thấm nhuần khắp cả.

Quả báo của công đức tu nhập Định ở Tam thiềnlà sanh lên cõi Biến Tịnh Thiên. Tu Tam thiền có ba cấp: cao, vừa và thấp. Người tọa thiền tu Tam thiền thấp, khi hết mạng sống, sẽ sanh lên cõi Diệu Tịnh Thiên, thọ mạng được sáu kiếp. Tu hạng vừa, sanh lên cõi Vô Lượng Tịnh Thiên, thọ mạng được ba mươi hai kiếp. Tu hạng cao được sanh lên cõi Biến Tịnh Thiên, sống sáu mươi bốn kiếp.

Suy gẫm về các lỗi lầm của Tam thiền.

Vào thời đó, người toạ thiền sau khi đã thuần thục Tam thiền, được tự tại rồi, liền khởi ý vượt khỏi Tam thiền. Tam thiền thì thô, Tứ thiền thì diệu hơn; biết được các lỗi lầm của Tam thiền, và thấy ra được các công đức của Tứ thiền.

Thế nào là các lỗi lầm của Tam thiền? Vì gần với nỗi mừng (hỉ) vốn là kẻ thù của chánh định, do niềm vui (lạc) còn thô sơ nên chưa kham đắc các thiền thông nơi Tam thiền, khiến thắng phần chẳng thành được. Như vậy, nếu thấy được các lỗi lầm của Tam thiền, và các công đức của Tứ thiền để đối trị lại, người tọa thiền chỉ theo tướng của Nhứt thiết nhập về Điạ mà tác ý khiến cho lạc diệt đi, khi lạc đã diệt mất thì tâm theo niệm xả mà thọ trì. Như thế, tác ý chẳng bao lâu, tâm được yên ổn, hiểu rõ bốn thiền chi. Người toạ thiền ấy nhờ đoạn trừ được niềm vui (lạc), nên diệt được các nỗi khổ trước đó, nay nỗi mừng, nỗi lo đều đã diệt hết, khiến tâm chẳng khởi niềm vui nữa, đắc được xả chánh niệm thanh tịnh, thành tựu được Tứ thiền. Đó là công đức của Nhứt thiết nhập về Điạ.

Đoạn trừ niềm vui là cắt bỏ các vui thú về thân thể. Đoạn trừ khổ là dẹp bỏ các sự khổ trên thân thể. Dẹp bỏ các thú vui trước, và các nỗi lo đã diệt xong, có nghiã là, khi có hỉ thì tâm vui, khi có lo thì tâm khổ, cả hai đều được lià bỏ hết.

Hỏi: đâu mà niềm vui (lạc), nỗi khổ, lo âu (ưu) được đoạn diệt?

Đáp: Các điều đó được lìa bỏ, bắt đầu từ Sơ thiền. Nơi Tứ thiền, Phật nói, khổ diệt.

Hỏi: đâu mà nguồn gốc Khổ khi khởi lên, được diệt hết chẳng sót?

Đáp: Phật có dạy các Tỳ-kheo rằng, ở Sơ thiền thành tựu được sự ly dục (= lià xa các ham muốn); khổ bắt nguồn từ các sự ham muốn, diệt chúng xong thì khổ chẳng còn sót lại nữa.

Hỏi: Tại sao nơi Sơ thiền, nguồn gốc khổ bị diệt?

Đáp: Vì nỗi mừng tràn đầy, thân được vui; vì thân vui nên khổ căn (= nguồn gốc khổ) diệt; lấy diệt mà đối trị. Thế nên, ở Sơ thiền, khổ căn bị diệt. Nơi Nhị thiền, ưu căn (nguồn gốc của sự lo âu) diệt, thành ra chặt đứt ưu căn. Như Đức Phật có nói, nơi nào khổ căn đã diệt, thời khổ chẳng còn sót lại. Như thế, Tỳ-kheo đã lià bỏ giác quán, an trú vào chánh thọ của Tam thiền, nơi đó ưu căn khởi lên đã bị diệt chẳng còn sót lại. Tại sao vậy? Vì giác quán lâu ngày, theo giác quán mà thân trở nên giãi đãi, tâm trở nên lười nhác, do đó ưu căn liền khởi lên. Nơi Nhị thiền, giác quán được diệt bỏ, do đó mới nói ưu căn cũng diệt. Nơi Tam thiền, niềm vui (lạc) được xóa bỏ. Như Thế tôn có nói, nơi nào lạc căn đã khởi thì nơi ấy lại diệt đi chẳng còn sót lại. Cho nên, vị Tỳ-kheo chán ghét sự vui, nên nhập vào chánh thọ của Tam thiền, an trú ở đó, thì lạc căn đã khởi trước đó sẽ bị diệt đi chẳng còn dư sót lại.

Hỏi: Tại sao nơi Tam thiền, lạc căn bị diệt?

Đáp: Vì hỉ đã diệt; mà hỉ là nguyên nhân của lạc; cho nên ở Tam thiền, lạc căn được diệt bỏ.

Hỏi: Nếu khổ, lạc, ưu nơi Tam thiền đã được diệt xong, tại sao lại còn nói diệt ở Tứ thiền nữa?

Đáp: Tam thiền là con đường dẫn tới Tứ thiền; nơi Tam thiền, chúng (= khổ, lạc, ưu) chẳng được cảm thọ, nên đến Tứ thiền mới nói chúng diệt.

Lại nữa, lấy sự chẳng khổ chẳng lạc để đối trị lại với khổ và lạc, cho nên mới nói đắc được sự chẳng khổ chẳng lạc là diệt được khổ và lạc. Lại nữa, nơi Tứ thiền, sự đối trị và sự chứng đắc cùng xảy ra. Lại nữa, xả niệm đoạn bỏ tất cả phiền não chẳng còn dư sót lại. Chẳng khổ chẳng lạc có nghiã là ý thì chẳng nhiếp cảm thọ, tâm thì chẳng vứt bỏ, đó gọi là chẳng khổ chẳng lạc.

Thế nào làtướng,vị,khởi,xứ của CHẲNG KHỔ CHẲNG LAC?

Ở ngay khoảng giữa, là tướng của chẳng khổ chẳng lạc; an trú vào khoảng giữa, là vị (= cơ năng) của chẳng khổ chẳng lạc; diệt trừ là khởi (= sự sanh khởi) của chẳng khổ chẳng lạc; hỉ diệt là xứ (= phạm vi hoạt động) của nó.

Thế nào là xả niệm thanh tịnh?

Xả là có trung tính (= tánh trung hoà, chẳng nghiêng theo bên nào).Niệm là niệm theo sát chánh niệm. Nhờ có xảniệmtrở thành rõ ràng, trong trắng, đó gọi là xả niệm thanh tịnh.

Hỏi: Tại sao niệmđó được rõ ràng trong trắng nhờ xả?

Đáp: Xả nầy lìa tất cả phiền não, giống như và gần với sự thọ đắc, nên trở thành bất động, chẳng lo tạo dựng gì. Sự chẳng tạo dựng cùng với xảgần nhau, khiến cho niệm vươn tới chỗ chẳng động mà thành sự chẳng tạo dựng. Do đó, niệm nầy nhờ xả mà trở thành rõ ràng và trong trắng.

Tứ thiền vì theo sau Tam thiền, nên gọi là Tứ thiền. Nhập định Tứ thiền là xả, niệm, nhứt tâm, đó gọi là thành tựu Tứ thiền. Nhập trú là thành đắc được Tứ thiền, lià một phần (= lạc), thành tựu được ba phần (= xả, niệm, nhứt tâm), ba điều lành, mười tướng đầy đủ, hai mươi hai công đức tương ưng, quả báo sanh lên cõi Trời Quả Thực Thiên. Như có nói trước đây, sanh lên Trời là, vui trú nơi xả, vượt khỏi cảnh nhơn gian.

Cho nên, Thế tôn có dạy các Tỳ-kheo: "Có người ngồi, dùngkhăn lông trắng quấn che khắp thân mìnhtừ đầu xuống đến chơn, chẳng chỗ nào chẳng quấn che. Cùng thế ấy, Tỳ-kheo khiến tâm trong trắng tràn đầy khắp châu thân, chẳng có chỗ nào chẳng được tâm trong trắng ngập đến". Cũng như người tự quấn che khăn lông trắng, người toạ thiền lìa được hết tất cả phiền não tại Tứ thiền, điều ấy cũng có thể biết. Cũng như dùng khăn lông trắng quấn từ đầu đến chơn khiến cho chẳng lạnh, chẳng nóng, thời tiết điều hòa, thân tâm tì kheo được thanh tịnh, lại cũng như vậy. Như thế, nhập vào Tứ thiền thì đượcchẳng khổ chẳng vui, đấy là khiến cho xả lạctràn đầy khắp thân ( tâm).

Quả báo công đức của Tứ thiềnđược sanh lên cõi Quả Thực Thiên. Tu Tứ thiền khi chết, thì phàm phu sanh lên cõi Quả Thực Thiên, nếu tâm chán ghét lỗi lầm thì sanh cõi Vô Tưởng Thiên, thọ được năm mươi kiếp; nếu Sa-môn thì hoặc sanh lên Quả Thực Thiên hoặc sanh lên Ngũ Tịnh Cư Xứ.

Hỏi: Tại sao ở Tam thiền phân biệt ba cấp cao, vừa, thấp, còn ở Tứ thiền chẳng thấy nói đến?

Đáp: Theo chỗ chứng đắc được nơi Tam thiền, thì có thô, có diệu, cho nên thắng quả có khác nhau. Còn ở Tứ thiền đã đến được bờ bên kia vi diệu rồi, chẳng có chỗ nào hơn nữa, thành ra chẳng cần phân biệt thắng quả chi nữa.

Suy gẫm về các lỗi lầm của Tứ thiền.

Vào thời đó, người toạ thiền đã thuần thục và được tự tại nơi Tứ thiền rồi, vui thấy khởi lên định về Hư-không, lại suy nghĩ về các loại định thuộc về sắc giới thì thô, còn Hư-không định thì tế nhị hơn. Người ấy thấy được các lỗi lầm của sắc và nhận ra được công đức của Hư-không định.

Thế nào là các lỗi lầm thuộc sắc giới?Như dùng khí giới, gậy gộc tranh đấu, nói lưỡi hai chiều, nói dối, tay đấm chơn đá, đau mắt, bịnh tật, lạnh, nóng, đói khát,... các loại khổ đó là những lỗi lầm của sắc giới do tham dục tạo ra.

Thế nào là các lỗi lầm của Tứ thiền?Tứ thiền gần với hỉ là kẻ thù, dựa nương theo các sự vật về sắc, thành ra được gọi là thô, lại vui thích dính mắc vào đó, khiến chẳng thành tựu được phần thắng diệu. Y theo Hư-không an tịch mà được giải thoát khiến cho các loại định về sắc hết thô. Nơi sắc, thấy được các lỗi lầm của Tứ thiền, nhận ra được các công đức của Hư-không đã đối trị được các lỗi lầm đó. Người toạ thiền khi đã thấy các lỗi lầm của sắc như thế, nhận ra được công đức của Hư-không định, thì nhập vào Vô biên Hư-không Định. Từ nơi định ấy, khởi lên trừ tướng của Nhứt thiết nhập Điạ, tu theo tướng Hư-không định về Điạ, thành mất đi được sự tạo thêm việc nơi Hư-không, đó là tác ý vô biên. Nếu tác ý được như thế chẳng bao lâu thì tướng của Nhứt thiết nhập Điạ sẽ mất đi. Từ nơi tướng Điạ (đã mất được rồi), tâm khởi vươn lên Hư-không, đến khi vào được tự tại trong tướng Hư-không, thì tâm trở nên an ổn. Người toạ thiền ấy khi thấy khởi lên tất cả sắc tướng có đối tưởng (= tư tưởng liên quan về sắc) liền diệt đi; nơi mọi loại tư tưởng đó chẳng hề khởi lên sự tác ý, nhờ đó mà nhập vào chánh thọ và an trú ở đấy.

Nói Vô biên Không-xứ là nói chẳng khởi lên sắc tướng ở bất cứ nơi nào còn sót lại.

Thế nào là sắc tướng nhập?Về sắc giới, khởi lên định, tưởng, trí, chánh trí, đó gọi nhập vào sắc tướng.

Thế nào là việt, là vượt qua, là vươn lên? Nơi các sắc tướng đó nếu có khởi lên tư tưởng liên quan đến sắc (= đối tưởng) thì liền diệt đi, đó gọi là vượt qua khỏi đối tưởng.

Thế nào là đối tưởng? Tư tưởng về hình sắc (= sắc tưởng), về âm thanh (thanh tưởng), về mùi (hương tưởng), về vị (vị tưởng), về xúc chạm (xúc tưởng), đó gọi là đối tưởng. Diệt đi là chẳng hề tác ý đến tất cả các loại tư tưởng vừa kể.

Thế nào là tất cả các loại tưởng? Người còn chưa nhập vào định thì hoặc ý giới hoặc ý thức giới hoà hiệp với tưởng; khi các đối tưởng khởi lên thì diệt đi, chẳng tác ý đến chúng.

Hỏi: Tại sao chỉ nói đến sự vượt khỏi tưởng, mà chẳng nói đến thọ, hành, thức?

Đáp: Nếu vượt khỏi được tưởng, thì tất cả đều vượt qua được hết. Tại sao vậy? Nếu chẳng lià được tưởng, thì tâm chẳng khởi đắc được. Lại nữa, Thế tôn khi muốn nói đến sự vượt khỏi các sự việc về sắc, thì Ngài nói đến sắc tưởng, tất cả các sự Định đều do nơi tưởngcả.

Hỏi: Nếu chẳng vượt qua được, thì có hay chẳng có các đối tưởng và các loại tưởng khác?

Đáp: Có người nhập vào định về sắc giới mà vẫn có đối tưởng, và các tưởng khác, vì chúng sẽ được diệt đi sau.

Hỏi: Tại sao người ấy chẳng tu tiếp tục theo đạo?

Đáp: Vì chán ghét sắc, nên còn chưa diệt. Vì chưa tận diệt hết các đối tưởng, nên nhập Sơ thiền, âm thanh như gai nhọn (= chướng ngại). Như Đức Phật có nói, nơi các đối tưởng vì chán ghét sắc, nên tu hành theo đạo, đoạn trừ các đối tưởng xong, nhập vào vô sắc định bất động,hànhtưởngđược an tịnh, nên tưởng được giải thoát. Như Ca-lan (Alàra Kàlàma) và Uất-đầu-lam-phất (Uddaka Ràmaputta) nhập vào Vô tưởng định, có năm trăm xe phiá trước đi qua lại mà chẳng thấy, chẳng nghe. Đấy là cách diệt tưởng xứ.

Như thế, khi tất cả các sắc tưởng khởi, liền diệt, đó là pháp đoạn sắc giới. Khi có đối tưởng, liền diệt; các loại tưởng khác, chẳng tác ý theo, đó là pháp đoạn dục giới. Lại nữa, diệt được tất cả các sắc tưởng gọi là đắc cõi vô sắc giới. Khi có đối tưởng mà diệt được xong, đó là đoạn trừ sự loạn động từ bên ngoài vào, khiến cho sự vô động được hiển hiện lên. Các loại tưởng khác, cũng chẳng tác ý theo, đó là định được sự loạn động từ bên trong, khiến an tịnh hiển hiện lên mà giải thoát khỏi được tưởng.

Hỏi: Nói Vô biên Hư-không, thế nào là Không?

Đáp: Cái Không nầy nhập vào Không gian (= không giới; giới = cõi), rỗng rang (= không huyệt; huyệt = lỗ hổng), bốn đại (= đất, nước, gió, lửa) chẳng tiếp xúc được; đó gọi là Không.

Nơi cái Không đó, chính là khiến tâm an ổn tràn đi khắp chốn đến nơi chẳng có bờ bến nào (= vô biên); đấy gọi là vô biên vô biên Không. Tâm và các tâm sở nhập vào Không vô biên nầy, đó gọi là nhập vào Hư-Không-xứ.

Nhập vào Hư-không, nghiã như thế nào? Bản tánh của Hư-không là vô biên; tánh vô biên nầy là Không-xứ;đó là nói đến nghiã của Hư-không. Cũng như sanh lên cõi Trời được gọi là đến Thiên xứ, đắc được định nơi Hư-Không-xứ được gọi là nhập vào Hư-Không-xứ và an trú ở đấy.

Khi đắc vào định Hư-Không-xứ, thì vượt lên trên các sự việc về sắc, thành tựu được ba phần, ba loại thiện, mười tướng đầy đủ, hai mươi hai công đức tương ưng, an trú trong an tịnh.

Quả báo của công đứctu định Hư-Không-xứ được sanh lên cõi Hư-không Thiên. Như đã có nói trước đây, công đức của tu Hư-Không-xứ là khi chết được sanh lên cõi Hư-không Thiên, thọ mạng được hai ngàn kiếp.

Suy gẫm về các lỗi lầm của Định Hư-không.

Vào thời đó, người toạ thiền ấy nơi Hư-Không-xứ đã được tự tại, liền khởi định Nhứt thiết nhập về Thức. Vượt qua khỏi Nhứt thiết nhập về Hư-không, suy nghĩ rằng Định Hư-không còn thô, thấy thức xứtế nhị hơn, lại thấy được các lỗi lầm của Hư-không và nhận ra các công đức của Thức xứ.

Thế nào là các lỗi lầm của Hư-Không Định? Định nầy gần với sắclà kẻ thù, thành ra thô, lại có đối tưởng, cùng các loại tưởng khác còn chưa lià xa được, khiến cho niệm bị vướng mắc, mà chẳng đạt tới thắng phần. Như thế, thấy được các lỗi lầm của Hư-không, nhận ra được công đức của Nhứt thiết nhập về Thức, là để đối trị lại.

Giảng rõ về Vô biên Thức Định.

Người toạ thiền ấy đã thấy các lỗi lầm của Hư-không định, lại nhận rõ ràng các công đức của thức xứ, liền khởi niệm tu Hư-không thức, tác ý đầy đủ khiến cho thức trở nên vô biên, tâm thọ trì, giữ tư tưởng hướng theo thức xứ. Cứ như thế mà tác ý, chẳng bao lâu theo từ tưởng Hư-Không-xứ mà tâm khởi lên vượt qua khỏi, tới được thức xứ. Nhờ có tưởng về thức xứ mà tâm được an. Người toạ thiền ấy vượt khỏi tất cả Hư-Không-xứ, suy nghĩ hướng về thức vô biên, đến khi thành tựu thì nhập vào chánh thọ và an trú vào tất cả thức xứ. "Tất cả"có nghiã là chẳng sót chỗ nào cả. "Vượt khỏi Hư-Không-xứ"có nghiã là băng qua Không-xứ thẳng tới thức xứ. "Vô biên thức"có nghiã là nơi Hư-Không-xứ, khởi tác ý vô biên lên khiến thành ra vô biên thức xứ.

Hỏi: Sắc pháp và phi sắc pháp, thứ nào là vô biên?

Đáp: Chỉ có vô sắc pháp mới là vô biên thôi. Tại sao vậy? Các pháp vô sắc chẳng có biên bià, bờ bến gì cả, chẳng thể nắm giữ được.

Lại nữa, Hư-không chẳng bờ bến, nên nói vô biên. Vô biên là, khi tác ý vô biên thì thành vô biên, vì vậy chẳng có chi trở ngại. Thức nhập xứlà tâm và các tâm sở nhập vào thức xứ, đó gọi là thức xứ. Thức xứ, nghiã là gì? Thức xứ chẳng có bờ bến, nên gọi là thức vô biên.

Thức xứ, cũng như ở cõi Trời thì gọi là Thiên xứ; thọ trì thức đó, nhập vào định, nên gọi là thức xứ định. Nhập vào chánh thọ, đắc được thức xứ định, thì vượt qua được Hư-không, thành tựu được ba phần, ba điều thiện, mười tướng đầy đủ, hai mươi hai công đức tương ưng, trú được an tịnh.

Quả báo tu định thức xứlà công đức được sanh lên cõi thức xứ. Như trước có nói rõ, tu hành thức xứ định khi chết, thì sanh lên cõi Thức Xứ Thiên, thọ mạng được bốn ngàn kiếp.

Đến đây Thức nhập chấm dứt.

Suy gẫm về lỗi lầm của Vô Biên Thức Định.

Vào lúc đó, người toạ thiền đã đắc được tự tại về Thức xứ, muốn khởi lên Vô sở hữu xứ Định, vượt qua khỏi thức xứ, lại suy nghĩ rằng thức xứ thì thô, còn vô sở hữu xứ thì tế nhị hơn, rồi thấy các lỗi lầm của thức xứ, và nhận ra được các công đức của vô sở hữu xứ định.

Thế nào là các lỗi lầm của thức xứ? Định về Thức xứ còn gần với Hư-không là kẻ thù, khiến cho sự việc nơi thức trở thành thô, vì suy tưởng đến vô biên khiến cho tưởng bị dính mắc, chẳng đắc được thắng phần, nên lấy các công đức của vô sở hữu xứ mà đối trị lại. Người tọa thiền ấy, như thế, nhờ thấy các lỗi lầm của thức xứ, lại nhận ra được các công đức của vô sở hữu xứ, liền từ thức xứ định khởi lên ý thức một cách an tường chẳng tiếp tục tu theo đó nữa, chẳng tiếp tục phân biệt nữa, khiến cho thức ấy mất đi, rồi tu theo tướng vô sở hữu xứ cho đến khi được tự tại và tâm nguyện thọ trì. Tác ý như thế chẳng lâu, lià được thức xứ, tâm an trú vào tưởng vô sở hữu xứ

Giảng rõ về Vô biên thức định.

Người toạ thiền khởi lìa tất cả thức xứ, thấy được vô sở hữu, nhập vào chánh thọ và an trú ở đấy. Nói lià "tất cả" là lià thức xứ trọn vẹn chẳng còn sót chỗ nào dư lại, thành ra vượt được thức ấy, siêu nhập thẳng vào chánh định vô sở hữu xứ. Vô sở hữu xứ là chẳng tiếp tục hành theo đó, chẳng tiếp tục phân biệt nữa, chỉ thấy vô sở hữu (= chẳng đâu là có cả), đó gọi là vô sở hữu xứ.Khi nhập vào vô sở hữu xứ, tâm và các tâm sở được gọi là vô sở hữu xứ.

Vô sở hữu xứ, nghiã là gì? Đó là rỗng rang, chẳng còn bản tánh của thức. Vô sở hữu xứ là thọ trì sự rỗng rang nơi lời nói, nơi chánh định, đó gọi là vô sở hữu định. Nhập vào chánh thọ là đắc được vô sở hữu định, vượt qua khỏi ba phần thức sự, thành tựu được ba điều thiện, mười tướng đầy đủ, hai mươi hai công đức tương ưng, trú vào nơi an tịnh.

Quả báo tu vô sở hữu địnhlà công đức được sanh lên cõi Vô sở hữu Thiên. Như trước có nói rõ, công đức tu hành định, về vô sở hữu xứ, khi chết, được sanh lên cõi Trời Vô Sở Hữu Thiên, sống lâu đến sáu ngàn kiếp.

Đến đây xong phần nói về Vô sở hữu Định.

Suy gẫm về các lỗi lầm của Vô sở hữu xứ.

Vào thời đó, người tọa thiền khi đã được tự tại (= thuần thục) nơi vô sở hữu xứ, liền muốn khởi lên Phi tưởng phi phi tưởng Định, vượt qua khỏi vô sở hữu xứ.Lại nghĩ đến vô sở hữu xứ còn thô, thấy Phi tưởng phi phi tưởng xứ tế nhị hơn, nhận ra được các lỗi lầm của vô sở hữu xứ cùng các công đức của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Thế nào là các lỗi lầm của Vô sở hữu xứ? Định vô sở hữư xứ còn gần với thức xứ là kẻ thù, cùng với sự phân biệt khởi lên tướng thô, khiến cho niệm bị vướng mắc, chẳng đắc được thắng phần cao hơn. Như thế là thấy được các lỗi lầm của Vô sở hữu xứ và nhờ lấy công đức của Phi tưởng phi phi tưởng xứ mà đối trị lại.

Lại nữa, thấy tướng thô đó như bịnh hoạn, như ung nhọt, như gai nhọn, còn "chẳng có tưởng"mới là chơn chánh, mới là an tịch, vi diệu, đó là nói đến Phi tưởng phi phi tưởng vậy. Người toạ thiền ấy do thấy niệm yên ổn nhập vào trong Vô sở hữu xứ, liền từ sự an tịch ấy, tác ý khởi lên để tu theo một thứ Định khác. Tác ý như thế chẳng bao lâu thì tư tưởng nơi tâm lià được Vô sở hữu xứ mà vươn lên được Phi tưởng phi phi tưởng, và tâm an trú vào đó.

Giảng rõ về Định phi tưởng phi phi tưởng.

Người toạ thiền đãvượt được tất cả vô sở hữu xứ mànhập trú vào chánh định phi tưởng phi phi tưởng xứ. "Tất cả"nghiã là nói chẳng còn dư sót lại chỗ nào. "Vượt được vô sở hữu xứ"nghiã là qua khỏi vô sở hữu xứ, siêu nhập thẳng vào chánh định, đó gọi là vượt được tất cả vô sở hữũ xứ. "Phi tưởng phi phi tưởng"nghiã là từ nơi vô sở hữu xứ kia đã an tường, tác ý tu hành theo một định khác, đó gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ. "Phi tưởng phi phi tưởng xứ"nghiã là tâm và các tâm sở vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Phi tưởng phi phi tưởng xứ nghiã là gì? Dứt bỏ tư tưởng phân biệt khiến cho nơi vô tưởng, còn chút ít tư tưởng tế nhị sót lại, mà thành ra phi tưởng phi phi tưởng, đó là xứ của phi phi tưởng. "Nhập trú vào chánh định phi tưởng phi phi tưởng xứ" là thành đắc được chánh định nơi phi tưởng phi phi tưởng xứ, vượt qua được vô sở hữu xứ, thành tựu được ba phần, ba loại thiện, mười tướng đầy đủ, hai mươi hai công đức tương ưng, trú vào nơi an tịnh.

Quả báo tu theo ĐịnhPhi tưởng phi phi tưởnglà công đức được sanh lên cõi Phi tưởng phi phi tưởng. Như đã có nói rõ trước, công đức tu hành Định Phi tưởng phi phi tưởng là khi chết được sanh lên cõi Trời Phi tưởng phi phi tưởng Thiên, thọ mạng được tám vạn bốn ngàn kiếp.

Hỏi: Tại sao nói đến Phi phi tưởng xứ mà chẳng nói đến Thức xứ?

Đáp: Lià được sự chấp giữ vào vô biên, khởi lên được tưởng tế nhị, khiến cho Thức xứ chẳng thành được.

Lại hỏi: Tại sao tu theo Định nầy chẳng thành được lậu tận (= sự tận diệt hết các phiền não)?

Đáp: Lià được tư tưởng phân biệt còn chưa kham được sự thấy Đạo (= Kiến Đạo). Lại nữa, Định nầy thật hết sức vi tế, phi tưởng phi phi tưởng chẳng thể phân biệt được, cho nên chẳng thành tựu được sự lậu tận.

Phi tưởng phi phi tưởng Định đến đây chấm dứt.

Giảng rõ thêm các đìều trên đây.

Hỏi:Liên quan đến Định, có các lời giảng linh tinh nào?

Đáp: Giảng thêm về: diệt âm thanh, điên đảo, khởi, vượt qua, ngoại hành, giác, thọ, và nghi.

Diệt âm thanh: nhập vào Sơ thiền thì ngưng nói năng; nhập vào Tứ thiền thì hơi thở ra, vào đều ngưng; tuần tự mà diệt được thanh và hương. Người nhập định nghe âm thanh mà chẳng nói lên được. Tại sao vậy? Vì nơi người nhập định đó, nhĩ thức chẳng hoà hiệp, nên chẳng biết có âm thanh. Lại nữa, khi nhập vào sắc định, âm thanh khởi lên sự loạn động. Như Thế tôn có nói, đối với người nhập thiền, âm thanh là gai nhọn (= chướng ngại).

Điên đảo là, khi quán Nhứt thiết nhập về Điạ, nơi chẳng phải Đất mà lại tác ý theo tướng Đất.

Hỏi: Nếu đã như thế, tại sao lại chẳng thành điên đảo?

Đáp: Bốn tưởng điên đảo đó chẳng khác nhau, nên phải biết Tưởng về đất đó lại chính là tướng ấy, vì thế mà điên đảo chẳng thành.

Khởi là khởi ra khỏi Định, do năm nhơn duyên: do đau đớn trong tư thế, do vướng quá nhiều cảnh giới, do chướng ngại, do thiếu quân bình trong sự khéo léo, do tùy ý muốn. Nếu nhập vào Định vô sắc, các cảnh giới quá nhiều cũng chẳng khiến khởi ra khỏi Định vì đang trú trong cảnh bất động. Nếu nhập vào Diệt Định và Quả Định, thì có thể khởi ra khỏi do hành động trước, mà chẳng do các nguỳên nhân khác còn lại.

Vượt qua có hai loại: vượt về phần và vượt về sự. Từ sắc thiền vượt qua đến sắc định, đó là vượt về phần. Từ sắc thiền vượt qua đến sắc định, rồi từ sắc định vượt qua đến vô sắc định, đó gọi là vượt về sự.

Ngoại hành đến gần với tất cả các định, ngoại hành có năm phần (= năm yếu tố).

Giác thì từ Nhị Thiền trở lên, được dứt trừ xong, chẳng gián đoạn, trở thành chẳng cógiác quán(= vô giắc quán)

Thọ thì từ Tứ thiền trở lên, được trừ dứt chẳng gián đoạn, vượt qua đến với xả.

Nghi là vì chưa đoạn trừ hết tất cả tham dục, mãi cả đến khi trú vào cõi phi tưởng phi phi tưởng, đó được gọi là còn dư sót lại, cũng tựa như sợ con rắn độc mà leo trốn lên trên cây cao.

Có bốn hạng người chẳng thể đắc được định, và ắt sẽ rơi vào các đường dữ: chẳng có nguyên nhơn mà phạm tội ngũ nghịch và có tà kiến.

Chấm dứt phần Linh tinh và Nhứt thiết nhập Điạ.

-ooOoo-

Phẩm 8, Chi 2 (tiếp):Các Nhứt thiết nhập khác

Hỏi: Thế nào là Nhứt thiết nhập Thủy?Thế nào là tu, tướng, vị, khởi, công đức của Nhứt thiết nhập Thủy?Giữ tướng của Nhứt thiết nhập Thủy như thế nào?

Đáp: Tâm duyên theo tướng của Nước (= Thủy) đó là Nhứt thiết nhập Thủy. Tâm trú nơi đó chẳng loạn, đó là tu hành theo Nhứt thiết nhập Thủy. Ý chuyên nghĩ tưởng đến Nhứt thiết nhập Thủy là tướng. Chẳng dứt nghĩ tưởng đến Nước là vị (= công năng) của Nhứt thiết nhập Thủy. Tâm chẳng khởi ý nào khác với tướng nước, là xứ (= phạm vi hoạt động).

Có năm công đức nơi Nhứt thiết nhập Thủy khác với các công đức của Nhứt thiết nhập Điạ: (1) nhập vào và ra khỏi nước một cách đễ dàng; (2) khiến cho đất, núi, cung điện bị lay động; (3) khiến mưa xuống; (4) khiến thân tạo ra nước; (5) qua sông, qua biển được. Còn các công đức khác của Nhứt thiết nhập Thủy cũng giống với các công đức của Nhứt thiết nhập Điạ. Tu hành theo Nhứt thiết nhập Thủy, thì nơi nơi đều thấy ra nước cả.

Thế nào là giữ tướng của Nhứt thiết nhập Thủy? Đang quán Nhứt thiết nhập Thủy là đang giữ tướng của Nhứt thiết nhập ấy, hoặc là nước tự nhiên, hoặc là nước tạo tác nên. Người đã toạ thiền lâu ngay cả những nơi chẳng có nước, cũng giữ được tướng nước, người ấy thấy nước ở giếng, ở bình, ở đầm, ở ao, ở sông, ở hồ, ở đại giang (= sông lớn), ở biển cả, liền quán khiến tướng nước khởi lên; khác với người mới toạ thiền còn chưa đủ khéo léo để giữ được tướng nước ở những nơi chẳng có nước.

Người mới tập toạ thiền quán Nhứt thiết nhập Thủy, nên tìm một nơi thanh tịnh, hoặc nơi chùa nhà, hoặc nơi hang đá, nơi chẳng tối tăm, chẳng nắng chói, chẳng có gió bụi, chẳng có muỗi mòng, chẳng bị mọi chướng ngại. Tại nơi ấy, lựa mặt đất bằng phẳng đào một lỗ để chôn một cái chén hay một cái chậu, rót vào nước mưa thật trong sạch, chẳng tạp màu khác, đầy cao lên đến vành chậu hay miệng chén và ngang với mặt đất. Châu vi khoảng một tầm. Rồi ngồi tác ý tưởng đến nước.

Có ba hành động khiến cho tướng nước khởi lên để tâm nắm giữ lấy: (1) nên quán sát một cách đều đặn; (2) khéo léo quán sát; (3) lià xa sự loạn động. Còn các việc khác cần làm cũng giống như khi đã nói rộng về Nhứt thiết nhập Địa cho đến cảnh Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Chấm dứt Nhứt thiết nhập Thủy.

Hỏi: Thế nào là Nhứt thiết nhập Hoả? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công đức?Giữ tướng lưảcách nào?

Đáp: Tâm luôn luôn ở nơi tướng lửa (Hoả = lửa), đó là Nhứt thiết nhập Hoả. Tâm trú vào tướng lửa chẳng loạn, đó là tu hànhtheo Nhứt thiết nhập Hoả. Tâm khéo theo tướng lửa phóng ý đi, là tướng của Nhứt thiết nhập Hoả. Chẳng ngừng tưởng đến lửa là vị (= công năng). Chẳng khởi ý tưởng nào khác ngoài lửa ra, đó là xứ (phạm vi hoạt động).

Có năm công đức của Nhứt thiết nhập Hoả: (1) có thể khởi lên khói lửa nóng; (2) có thể nhìn qua lửa thấy các vật khác; (3) có thể khởi lên lửa đốt cháy vật; (4) tùy ý muốn đốt cháy các vật khác; (5) hiểu biết được lửa qua sức sáng chói lên. Còn các công đức khác cũng giống như Nhứt thiết nhập Điạ. Tu Nhứt thiết nhập Hoả, ở mọi nơi, đều thấy ra lửa cả. Làm cách sao mà giữ tướng lửa? Nếu hiện đang quán Nhứt thiết nhập Hoả, đó là đang giữ tướng lửa, hoặc nơi lửa do mình tạo nên, hoặc nơi lửa thiên nhiên. Người đã toạ thiền lâu, tại nơi nơi, khi nhìn thấy lửa cỏ, lửa củi, lửa rừng, lửa cháy nhà, bùng bùng bốc cháy, theo đó mà quán và thấy được tướng bỉ phần của lửa khởi lên trong tâm, khác với người mới toạ thiền. Người nầy chỉ thấy được tướng lửa ở nơi đã chuẩn bị, còn ở những nơi thiên nhiên thì chẳng có đủ khéo léo để giữ được tướng lửa.

Người ấy trước nhứt phải gom các chà củi khô chất thành đống nơi chỗ thanh vắng, rồi đốt lên vào lúc mặt trời mọc, hay lúc mặt trời lặn. Lúc đốt, bắt đầu từ phiá dưới; khi nhìn vào lửa ngọn và khói thì chẳng tác ý; chỉ tác ý để khởi lên tướng lửa vào ngay chỗ chính giữa ngọn lửa.

Có ba cách để khởi và giữ tướng tướng Nhứt thiết nhập Hoả: (1) phải quán sát bình đẳng, đều đặn; (2) phải khéo léo; (3) phải lià nơi loạn động, như đã nói qua trước đây.

Chấm dứt Nhứt thiết nhập Hoả.

Hỏi: Thế nào là Nhứt thiết nhập Phong? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công đức?Giữ tướng gió cách nào?

Đáp: Tâm luôn luôn ở nơi tướng gió (= Phong), đó là Nhứt thiết nhập Phong . Tâm an trú chẳng loạn nơi tướng gió, đó là tu hành theo Nhứt thiết nhập Phong. Từ Nhứt thiết nhập Phong, phóng ý đi, là tướng của Nhứt thiết nhập Phong. Tư tưởng về gió chẳng ngưng dứt, là vị (= công năng. Chẳng hề tác ý đến tư tưởng nào khác, đó là xứ (= phạm vi hoạt động).

Có ba công đức riêng cuả Nhứt thiết nhập Phong chẳng đồng với các Nhứt thiết nhập khác: (1) đi theo gió một cách tự tại; (2) có thể khiến gió khởi lên; (3) tác ý để được sự mát mẻ. Các công đức khác và phương tiện khéo tu, cũng giống với Nhứt thiết nhập Điạ.

Giữ tướng gió như thế nào? Người mới bắt đầu toạ thiền hiện tu theo Nhứt thiết nhập Phong, do hai cách mà giữ được tướng gió:hoặc do thấy, hoặc do xúc chạm.

Làm cách nào nhờ thấy mà giữ tướng gió? Người tọa thiền, hoặc nơi vườn mía, hoặc nơi rừng trúc, hoặc nơi có cây cối xum xuê, theo gió lay động mà khởi lên ý tưởng về gió, đó là phong tưởng. Có ba cách giữ tướng gió: (1) quán bình đẳng, đều đặn; (2) phải khéo léo; (3) tránh sự loạn động.

Làm cách nào nhờ xúc chạm mà giữ tướng gió? Người mới toạ thiền đến nơi thanh vắng, khoét một lỗ nhỏ ở tường, đặt một ống trúc rỗng xuyên qua, ngồi kề gần, để gió thổi lọt lên thân và tác ý giữ tướng gió. Còn người toạ thiền đã lâu thì ở mọi nơi, trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, lúc gió thổi đến xúc chạm vào thân, thì khởi lên quán tướng gió theo đó, khiến cho tướng bỉ phần của gió khởi lên trong tâm, chẳng giống với người mới bắt đầu toạ thiền.

Chấm dứt Nhứt thiết nhập Phong.

Hỏi: Thế nào là Nhứt thiết nhập Xanh?Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công đức? Giữ tướng xanh cách nào?

Đáp: Tâm luôn luôn ở nơi tướng xanh, đó là Nhứt thiết nhập Xanh. Tâm ấy an trú chẳng loạn nơi tướng xanh, đó là tu hành theo Nhứt thiết nhập Xanh. Từ Nhứt thiết nhập Xanh, phóng ý đi, đó là tướng xanh. Tư tưởng Xanh chẳng dứt, đó là vị (= công năng). Chẳng hề có ý tưởng nào khác hơn tưởng Xanh, đó là xứ (= phạm vi hoạt động).

Có bốn công đức riêng cho Nhứt thiết nhập Xanh: (1) tâm duyên theo Nhứt thiết nhập Xanh mà đắc được thanh tịnh giải thoát; (2) chế ngự được màu xanh như bông hoa xanh; (3) có thể hoá mọi thứ ra màu xanh; (4) ở nơi nơi đều nhìn thấy ra màu xanh.

Làm cách nào để giữ tướngxanh? Giữ tướng Nhứt thiết nhập Xanh hoặc tại các nơi thiên nhiên, hoặc tại các nơi đã tạo tác. Khác với người mới tu tập, người toạ thiền lân năm chẳng giữ tướng xanh tại các nơi có tạo tác, (có chuẩn bị sẵn) mà giữ tướng ấy ở khắp nơi, hoặc tại bông hoa xanh, hoặc nơi áo xanh, hay bất cứ màu xanh nào nhìn thấy trước mắt, dầu có thuận theo ý hay không, cũng thấy được tướng bỉ phần của tướng xanh hiện khởi trong tâm. Còn người mớí tu tập, nơi thiên nhiên chẳng giữ được tướng xanh, nhưng ở nơi có chuẩn bị, tạo tác sẵn, thì mới giữ được. Nhờ khéo léo quán sát nơi áo, nơi gỗ, nơi tường, lấy hoa A đa tư (Asita) màu xanh mà tạo nên được hoa mạn-đà-la hình ba góc hay bốn góc, dùng màu sắc khác viền vòng quanh bên ngoài, để tạo nên màu xanh.

Do ba cách mà giữ được tướng xanh: do quán sát bình đẳng, đều đặn, do khéo léo, do tránh sự loạn động. Phần còn lại đã được nói qua trước đây (ở các Nhứt thiết nhập khác).

Chấm dứt Nhứt thiết nhập Xanh.

Hỏi: Thế nào là Nhứt thiết nhập Vàng? Thế nào làtu, tướng, vị, xứ, công đức?Giữ tướng vàng cách nào?

Đáp: Tâm luôn luôn ở nơi tướng vàng, đó là Nhứt thiết nhập Vàng. Tâm ấy an trú chẳng loạn nơi tướng vàng, đó là tu theo Nhứt thiết nhập Vàng. Từ Nhứt thiết nhập Vàng, phóng ý đi, là tướng. Tư tưởng về màu vàng chẳng hề ngừng nghỉ, đó là vị (= công năng). Chẳng nghĩ đến ý tưởng nào khác, đó là xứ (phạm vi hoạt động) của Nhứt thiết nhập Vàng.

Có ba công đức riêng của Nhứt thiết nhập Vàng, chẳng đồng với các Nhứt thiết nhập khác: (1) tâm duyên theo Nhứt thiết nhập Vàng mà đắc được thanh tịnh giải thoát; (2) chế ngự được màu vàng của các loại hoa vàng khác; (3) tu Nhứt thiết nhập Vàng, nơi nơi đều thấy ra màu vàng.

Giữ tướng vàngnhư thế nào? Hiện nơi Nhứt thiết nhập Vàng, giữ tư tưởng màu vàng, hoặc nơi thiên nhiên, hoặc nơi có chuẩn bị tạo tác khác, đều giữ tướng vàng ấy. Người toạ thiền đã lâu thì ở bất cứ nơi nào, thường thấy hoặc hoa vàng, áo vàng, hay màu vàng nào khác, đều do theo đó mà khởi lên trong tâm tướng bỉ phần của tướng vàng, dầu có thuận ý hay chẳng thuận ý, khác với người mới tập toạ thiền. Người nầy cần quán sát ở nơi đã chuẩn bị tạo tác trước, mới khởi lên được tướng vàng trong tâm. Khéo léo tu theo Nhứt thiết nhập vàng, người nầy hoặc nơi áo, nơi gỗ, nơi tường, lấy hoa Ca ni ca la (Kanikàra) sắc vàng làm thành hoa mạn-đà-la hình ba góc hay bốn góc, rồi dùng màu khác viền chung quanh, để tác ý khởi lên tư tưởng về màu vàng (hoàng tưởng).

Do ba cách để giữ tướng ấy: (1) do quán sát bình đẳng, đều đặn; (2) do khéo léo; (3) do tránh xa sự loạn động. Về phần còn lại, cũng như đã được nói trước đây.

Chấm dứt Nhứt thiết nhập Vàng.

Hỏi: Thế nào là Nhứt thiết nhập Đỏ? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công đức?Giữ tướng đỏ cách nào?

Đáp: Tâm luôn luôn theo tướng đỏ, đó là Nhứt thiết nhập Đỏ. Tâm ấy an trú chẳng loạn nơi tướng đỏ, đó là tu hành theo Nhứt thiết nhập Đỏ. Từ nơi tướng đỏ phóng ý tưởng đi, là tướng của Nhứt thiết nhập Đỏ. Ý tưởng chẳng lià khỏi tư tưởng đỏ, đó là vị (= công năng) của Nhứt thiết nhập Đỏ. Chẳng hề tác ý nào khác hơn tư tưởng đỏ, đó là xứ (= phạm vi hoạt động) của Nhứt thiết nhập Đỏ.

Có bốn công đứcriêng cho Nhứt thiết nhập Đỏ, chẳng đồng với các Nhứt thiết nhập khác: (1) tâm duyên theo Nhứt thiết nhập Đỏ, đắc được thanh tịnh giải thoát; (2) tâm nhập vào màu đỏ chế ngự được các màu khác; (3) hoá các thứ khác thành màu đỏ; (4) nơi nơi đều thấy ra màu đỏ. Các công đức còn lại cũng giống với công đức của Nhứt thiết nhập Điạ.

Giữ tướng Đỏ cách nào? Giữ tướng đỏ đó là hiện đang quán sát Nhứt thiết nhập Đỏ, hoặc ở nơi thiên nhiên, hoặc tại nơi có chuẩn bị, tạo tác. Người toạ thiền đã lâu có thể tại nơi thiên nhiên, nắm giữ lấy tướng đỏ khi nhìn thấy hoa đỏ, áo đỏ, hoặc màu sắc đỏ, theo từ tướng ấy mà khởi lên trong tâm tướng bỉ phần của tướng đỏ, cho dầu có thuận ý hay chẳng thuận ý đi nữa, khác với người mới tập toạ thiền. Người nầy chỉ khởi tướng đỏ ở những nơi được tạo tác, chớ nơi thiên nhiên thì chẳng khởi được. Khéo tu theo Nhứt thiết nhập Đỏ, người ấy ở nơi nào có áo, có gỗ, có tường, dùng màu hay son sắc đỏ như hoa Bàn thâu thời bà (Bandhujivaka) làm thành hoa mạn-đà-lahình ba góc hay bốn góc, rồi dùng màu khác viền chung quanh, để theo đó mà khởi lên ý tưởng về màu đỏ.

Có ba cách để giữ tướng: do quán sát bình đẳng, đều đặn; do sự khéo léo; do tránh sự loạn động; như đã có nói rõ ở phần trước.

Chấm dứt Nhứt thiết nhập Đỏ.

Hoi: Thế nào là Nhứt thiết nhập Trắng? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công đức?Giữ tướng trắng cách nào?

Đáp: Tâm luôn luôn theo tướng trắng, đó là Nhứt thiết nhập Trắng. Tâm ấy an trú nơi tướng trắng chẳng loạn, đó là tu hành theo Nhứt thiết nhập Trắng. Phóng ý đi từ nơi tướng trắng, đó là tướng của Nhứt thiết nhập Trắng. Tư tưởng chẳng hề lìa ý tưởng trắng, đó là vị (= công năng) của Nhứt thiết nhập Trắng. Chẳng hề tác ý nào khác với tướng trắng, đó là xứ (= phạm vi hoạt động) của Nhứt thiết nhập Trắng.

Có tám công đức riêng cho Nhứt thiết nhập Trắng: (1) Tâm duyên theo Nhứt thiết nhập Trắng đắc được thanh tịnh giải thoát; (2) đắc được trắng, (3) trừ các màu khác nhập vào; (4) chế phục được sự giãi đãi; (5) được thiên nhãn; (6) trừ được sự tối tăm; (7) khởi lên sức sáng chói; (8) nơi nơi thấy ra được màu trắng. Còn các công đức khác, cũng giống như ở Nhứt thiết nhập Địa.

Giữ tướng trắngcách nào? Giữ tướng trắng là hiện đang quán sát Nhứt thiết nhập Trắng, khởi lên tướng trắng, hoặc ở nơi thiên nhiên, hoặc tại chỗ có chuẩn bị tạo tác. Người tọa thiền đã lâu có thể tại nơi thiên nhiên khởi lên tướng trắng, khi thấy hoa trắng, áo trắng, hay màu sắc trắng, hoặc bóng trăng sáng, hay ánh nắng chói, hoặc các vì tinh tú, hay nơi các kiếng soi hình tròn, nương theo chỗ thấy ban đầu mà khởi lên trong tâm tướng bỉ phần của tướng trắng, cho dầu có thuận ý cùng không, chẳng giống như người mới tập toạ thiền. Người nầy chẳng thể từ nơi thiên nhiên khởi lên tướng trắng được, mà phải khéo nương nơi áo, nơi gỗ, nơi tường, nơi ánh mặt trời hoặc các ngôi sao, lấy sắc đó mà làm một hoa mạn-đà-lahình ba góc hay bốn góc, rồi lấy màu khác viền chung quanh, để từ nơi ấy mà làm khởi lên tướng trắng.

Có ba cách để giữ tướng trắng: (1) do quán sát bình đẳng, đều đặn; (2) do khéo léo; (3) do tránh sự loạn động; như đã được nói qua trước đây.

Chấm dứt Nhứt thiết nhập Trắng.

Hỏi: Thế nào là Nhứt thiết nhập Ánh sáng?

Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công đức?

Giữ tướng Ánh sángcách nào?

Đáp: Tâm luôn luôn khởi tướng ánh sáng, đó là Nhứt thiết nhập Ánh sáng. Tâm ấy trú nơi tướng sáng chẳng loạn, đó là tu hành theo Nhứt thiết nhập Ánh sáng. Từ tướng sáng phóng ý ra, đó là tướng của Nhứt thiết nhập Ánh sáng. Chẳng hề lià tướng sáng, đó là vị (= công năng) của Nhứt thiết nhập Ánh sáng. Chẳng tác ý nào khác hơn tư tưởng về ánh sáng, đó là xứ (= phạm vi hoạt động) của Nhứt thiết nhập Ánh sáng.

Công đức của Nhứt thiết nhập Ánh sáng cũng đồng với công đức của Nhứt thiết nhập Trắng. Tu Nhứt thiết nhập Ánh sáng thì nơi nơi đều thấy ra ánh sáng.

Giữ tướng sáng cách nào? Hiện đang quan sát Nhứt thiết nhập Ánh sáng, tướng sáng khởi lên, đó là giữ tướng sáng, hoặc nơi thiên nhiên, hoặc nơi có chuẩn bi, tạo tác. Người tọa thiền đã lâu giữ được tướng sáng nơi nơi trong thiên nhiên, khi nhìn thấy bóng trăng sáng, ánh nắng chói, hoặc đèn soi, hay châu ngọc, do tướng sơ khởi đó khởi lên trong tâm tướng bỉ phần của tướng Ánh sáng, cho dầu có thuận ý hay không thuận ý đi nữa, chẳng giống với người mới tập toạ thiền. Người nầy giữ tướng được chẳng loạn, chỉ ở nơi tạo tác, chớ nơi thiên nhiên thì chẳng được. Khéo tu Nhứt thiết nhập Ánh sáng thì đến gần một bức tường hướng về phương Đông hay phương Tây, lấy một cái bát rót đầy nước vào và đem để chỗ có ánh nắng chiếu, ánh sáng rọi lên từ đó thành một hoa mạn-đà-la, rồi theo mạn-đà-la đó mà khởi lên tướng sáng.

Có ba cách để giữ lấy tướng sáng: (1) do quán sát đều đặn, bình đẳng; (2) do khéo léo; (3) do lià xa sự loạn động, như đã được nói qua trước đây.

Chấm dứt Nhứt thiết nhập Ánh sáng.

Xong Quyển thứ Năm của bộ Luận Giải Thoát Đạo.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com