KINH BỐN MƯƠI HAI BÀI
HT. Thích Trí Quang dịch
4
Dịch Nghĩa Bản Chữa
Kinh Bốn Mươi Hai Bài
(bản chữa lại)
(Tiểu Dẫn)
Đức Thế tôn thành đạt toàn giác rồi, đến vườn Lộc uyển chuyển đẩy bánh xe chánh pháp tứ đế, hóa độ nhóm 5 người cùng thành tựu đạo quả. Sau đó lại có các vị tỷ kheo trình bày hoài nghi, đức Thế tôn đã huấn dụ, và ai cũng khai ngộ. (Bốn mươi hai bài sau đây là sao chép một ít lời đức Thế tôn đã nói).
Lời tiểu dẫn này lấy của bản B, cho thấy 42 bài kinh này là trích yếu hoặc trích diễm lời Phật từ khi mới chuyển pháp luân cho đến sau này. Trích yếu trích diễm mà "toát yếu để hướng dẫn quần chúng".
(1) Đạo Quả
Phật nói, từ biệt cha mẹ, thoát ly gia đình, nên gọi là sa môn. Thường giữ 250 giới, làm theo tứ đế, thành A la hán. Kế đó là A na hàm, mạng chung thì sinh lên trên tầng trời mười chín, ở đó thành A la hán. Kế đó nữa là Tư đà hàm, (mạng chung) thì một lần lên xuống là thành A la hán. Sau hết là Tu đà hoàn, (mạng chung) thì bảy lần lên xuống là thành A la hán. Ái dục mà (các bậc thánh giả này) cắt đứt thì như tay chân đứt rồi không dùng được nữa.
Bài này nói về 4 đạo quả của người xuất gia, rất quan trọng, chứng tỏ xuất gia không vô hiệu quả. Để giải thích tương đối rõ ràng, trước hết nói chi tiết của 4 đạo quả, sau đó nói hành tướng của 4 đạo quả.
Chi tiết của 4 đạo quả là một, 4 đạo quả, đặc biệt đạo quả A la hán, lấy sự xuất gia và giữ Tỷ kheo giới làm cơ sở. Về Tỷ kheo giới có 250 điều, nhưng nói tổng quát là "từ bỏ tất cả hành vi và cử chỉ đáng từ bỏ ở nơi thân và nơi miệng".
Hai, 4 đạo quả là làm theo tứ đế. Làm theo tứ đế là biết khổ (ý thức con người và thế giới con người là khổ não, lại ý thức khổ não ấy có thể diệt được) ; là đoạn tập (hủy diệt nguyên nhân của khổ não ấy, nguyên nhân mà có 2 cách nói : 1. nguyên nhân ấy đại loại là kiến hoặc tu hoặc, 2. 2 hoặc này tổng quát lại là ái dục); là chứng diệt (thực hiện sự hủy diệt của nguyên nhân đau khổ, sự ấy gọi là niết bàn); là tu đạo (thực hành phương pháp hủy diệt nguyên nhân đau khổ, phương pháp ấy chủ yếu là 8 thánh đạo). Ở đây phải nói thêm về ái dục và 2 hoặc. Ái dục nói đích thị là tình ái với tình dục, nói rộng ra là ưa thích và ham muốn. Ái dục, như vậy, thật ra chỉ là ái. Nói ái không là bao quát đủ cả. Còn 2 hoặc là kiến hoặc (chủ yếu do thấy biết tứ đế thì hủy diệt) và tu hoặc (phải tu tập tiếp theo nữa mới hủy diệt). Kiến hoặc gồm có 10 sử của 3 cõi, chia ra 2 nhóm, nhóm tham, sân, nghi là những tính xấu bẩm sinh và nhóm thân kiến, biên kiến, giới thủ, kiến thủ, tà kiến là những kiến thức sai lầm. Tu hoặc cũng có 2 nhóm, nhóm tham, sân, si, mạn của cõi Dục, nhóm tham, si, mạn của 2 cõi Sắc và Vô sắc. Như vậy, cả 2 nhóm tu hoặc chính là tham, sân, si, mạn hay tham, si, mạn của kiến hoặc còn lại. Cả 2 nhóm đều có 9 bậc; 9 bậc là nặng, vừa, nhẹ, mà còn thêm nặng, vừa, nhẹ cho cả 3 bậc ấy nữa. Tất cả kiến hoặc và tu hoặc như vậy tổng quát lại là ái dục, ái dục là căn bản.
Ba, 4 đạo quả chủ yếu là hủy diệt ái dục (mà gọi là ái cũng đủ).
Bốn, 4 đạo quả lấy niết bàn làm cứu cánh. Niết bàn ấy là diệt đế mà nói rõ là"ái tận niết bàn" : cái niết bàn hủy diệt ái dục. Chứng niết bàn ấy là A la hán.
Năm, 4 đạo quả đều do thân người tu chứng. Thân người, mà quan trọng là thân người ở châu Diêm phù này. Thân người là nhân loại của cõi Dục. Do vậy, nói 1 lần hay 7 lần lên xuống là sinh chư thiên của cõi Dục hay sinh nhân loại của cõi Dục, nhưng thật ra chỉ sinh nhân loại, và bằng thân nhân loại, là tu chứng được niết bàn. Cũng phải biết rằng, đời này, và thân này, phải xuất gia, giữ Tỷ kheo giới và tu theo tứ đế, mới thành A la hán. A na hàm và Tư đà hàm thì phần nhiều cũng là xuất gia mà tu chứng. Chỉ đạo quả Tu đà hoàn là tại gia (giữ 5 giới) xuất gia (giữ 250 giới) đều tu chứng được cả.
Sáu, thì gian của 4 đạo quả. Thì gian này có 2 mặt. Một, nếu chỉ nói tu chứng 4 đạo quả, là nói một đời này đạo quả nào cũng được tu chứng. Nhưng sự tu chứng của mỗi đạo quả, ngay trong đời này, vẫn có 2 trường hợp là tiệm chứng (tu chứng tuần tự) và đốn chứng (tu chứng vượt bậc). Trường hợp đốn chứng của đạo quả A la hán là như ngài Xá lợi phất, và kỳ hơn nữa là như ngài Ương quật ma la. Đạo quả A na hàm và đạo quả Tư đà hàm dĩ nhiên cũng có như vậy. Đặc biệt đạo quả Tu đà hoàn, trong kinh tả không ít có những người nghe Phật thuyết pháp, chưa rời chỗ mà đã viễn ly trần cấu. Hai, nếu nói tu chứng niết bàn (thành A la hán) là nói các đời sau. Trừ A la hán đã chứng niết bàn thì không còn đời nào nữa. Còn A na hàm chết rồi còn sinh Bất hoàn thiên mới chứng niết bàn; Tư đà hàm chết rồi còn một đời lên xuống trong chư thiên nhân loại cõi Dục, sau đó sinh Bất hoàn thiên mới chứng niết bàn. Đặc biệt Tu đà hoàn, chết rồi còn 7 đời lên xuống trong chư thiên nhân loại cõi Dục, sau đó sinh Bất hoàn thiên mới chứng niết bàn. Nhưng cái thì gian 7 đời vẫn có tiệm có đốn. Tiệm thì tuần tự 7 đời mới diệt hết 9 bậc tu hoặc cõi Dục, nhưng 7 đời là tối đa, không có sự quá 7 đời. Đốn thì có thể một vài đời đã hết 9 bậc tu hoặc cõi Dục. Như vậy, thì gian tu chứng niết bàn của tiểu thừa, tối đa, cũng chỉ có 7 đời mà thôi.
Bảy, chỗ ở của 4 đạo quả, thì đó là 5 Bất hoàn thiên: Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện hiện, Thiện kiến, Sắc cứu cánh. Năm Bất hoàn thiên này thuộc cõi Sắc, trên đệ tứ thiền, trên cả Vô tưởng thiên (tầng trời thứ 19, mà ngoại đạo cho là niết bàn). Tuy vậy, Bất hoàn thiên vẫn như biệt lập 3 cõi. A na hàm (Bất hoàn) sinh và ở đó. Tư đà hàm sau 1 lần lên xuống chư thiên và nhân loại cõi Dục, Tu đà hoàn sau 7 lần lên xuống chư thiên và nhân loại cõi Dục, đều thành A na hàm, cũng sinh và ở Bất hoàn thiên. Chỉ có A la hán siêu xuất 3 cõi, ái tận niết bàn, thì không còn nói sinh và ở đâu nữa.
Hành tướng của 4 đạo quả. Đạo quả thứ tư là A la hán (??? cúng : thích ứng hiến cúng). Đạo quả ấy, đời này, tu tứ đế (nói cách khác là đoạn ái dục, là đoạn kiến hoặc tu hoặc) mà thành. Đạo quả ấy có các phẩm chất tam minh và lục thông. Nhưng đạo quả ấy chưa phải là Phật quả, là như Phật quả. Vì Phật quả, ngoài tam minh lục thông, còn có 10 lực, 4 vô úy, 18 bất cọng, v/v, là những phẩm chất được nói cả trong tiểu thừa, còn có 3 thân, 4 trí, v/v, là những phẩm chất được nói trong đại thừa.
Đạo quả thứ ba là A na hàm (Bất lai: không còn trở lại). Đạo quả ấy, đời này, đoạn kiến hoặc của 3 cõi và đoạn 9 bậc tu hoặc của cõi Dục, nên chết rồi không sinh lại cõi Dục nữa; nhưng còn 9 bậc tu hoặc của 2 cõi Sắc và Vô sắc, nên sinh lên Bất hoàn thiên, ở đó đoạn 9 bậc tu hoặc ấy mới thành A la hán.
Đạo quả thứ hai là Tư đà hàm (Nhất lai: một lần trở lại). Đạo quả ấy, đời này, đoạn kiến hoặc của 3 cõi và 6 bậc tu hoặc của cõi Dục ; nhưng còn lại 3 bậc tu hoặc của cõi Dục và 9 bậc tu hoặc của 2 cõi Sắc và Vô sắc, nên chết rồi phải một lần sinh lại trong chư thiên hay nhân loại của cõi Dục, để đoạn 3 bậc tu hoặc còn lại của cõi ấy, thành A na hàm, sinh Bất hoàn thiên, ở đó đoạn 9 bậc tu hoặc của 2 cõi Sắc và Vô sắc, mới thành A la hán.
Đạo quả thứ nhất là Tu đà hoàn (Dự lưu: dự vào dòng thánh). Đạo quả ấy, đời này, đoạn kiến hoặc của 3 cõi, còn lại tu hoặc của 3 cõi, nên chết rồi, 7 lần là tối đa, sinh lại trong chư thiên hay nhân loại của cõi Dục mà đoạn 9 bậc tu hoặc của cõi ấy, thành A na hàm, sinh Bất hoàn thiên, ở đó đoạn 9 bậc tu hoặc của 2 cõi Sắc và Vô sắc, mới thành A la hán.
Đạo quả thứ nhất khá quan trọng, nên phải nói thêm vài điều. Một, đạo quả ấy, như đã nói, xuất gia tại gia đều có thể tu chứng, chỉ trừ những người phạm tội ngũ nghịch mà thôi. Hai, đạo quả ấy đã không còn đọa lạc ác đạo nữa. Ba, kiến hoặc của 3 cõi mà đạo quả ấy đoạn là 10 sử. Trong 10 sử, tham, sân, si, mạn, 4 thứ ấy bị"làm cho mỏng" đi, không đủ sức tạo ra ác nghiệp đọa lạc ác đạo nữa (nhưng sẽ thành tu hoặc của 3 cõi). Đặc biệt phải tận diệt là nghi. Nghi đây là đối với tứ đế. Đạo quả này chủ yếu là tín tâm vững chắc, xác nhận và xác tín tứ đế, không còn hoài nghi nào nữa. Điều này quan trọng đến nỗi làm cho đạo quả này được gọi là kiến đạo vị (của tiểu thừa). Khi nghi bị đoạn, nghĩa là khi đã xác nhận và xác tín tứ đế, thì không còn nữa 5 kiến chấp sau đây, toàn là tùy thuộc vào nghi: thân kiến (cho thân là ngã, hoặc cho có cái ngã biệt lập mà chủ đạo thân), biên kiến (cho thân chết rồi còn mãi hay mất hẳn), giới thủ (cố chấp những cách nói là diệt khổ mà thật ra không diệt được), kiến thủ (cố thủ kiến thức sai lầm trên đây, cho là kiến thức đúng đắn), tà kiến (phủ nhận nguyên lý nhân quả tội phước, vô tín ngưỡng).
Nói tóm, 4 đạo quả trên đây là mục đích của Phật giáo tiểu thừa, nên bài 1 rất quan trọng. Từ đây sắp đi, có thể nói hầu hết, bằng cách nói đa dạng, cho thấy những gì liên hệ đến sự đoạn trừ ái dục ẫ đến sự tu chứng 4 đạo quả.
(2) Biết Vừa Đủ
Phật nói, cạo bỏ râu tóc, làm bậc sa môn, thì hãy rời bỏ tài sản thế gian, khất thực vừa đủ. Mỗi ngày đứng bóng ăn một bữa, mỗi đêm dưới cây ngủ một lần, thận trọng đừng thêm. Làm cho người u mê tồi tệ chính là ái dục.
Chủ yếu trong sự tu chứng 4 đạo quả, đầu tiên, là thiểu dục (ít ham muốn những gì chưa có) và tri túc (biết vừa đủ những gì đang có). Bài này nói về thiểu dục tri túc đối với những nhu cầu cần thiết của đời sống xuất gia. Bởi vì ái dục, trước hết, là không thiểu dục tri túc đối với những nhu cầu ấy.
Khất thực, chính văn là khất cầu (cầu xin), nói rộng cho cả 5 thứ nhu cầu của đời sống xuất gia, là đồ ăn, đồ uống, đồ nằm, đồ mặc, dược phẩm. Nhưng ở đây nói hẹp là khất thực: khất cầu đồ ăn. Đừng thêm, có 2: một, mỗi ngày không ăn thêm một bữa nữa, mỗi đêm không ngủ thêm 1 lần nữa; hai, ngay trong 1 bữa và 1 lần mà không ngồi ăn 2 lần, không nằm ngủ 2 giấc. Riêng việc ngủ mỗi đêm 1 lần dưới đại thọ là hạnh đầu đà, không phải như ăn mỗi ngày 1 bữa là thường sự của mọi người xuất gia.
(3) Nghiệp
Phật nói, chúng sinh do 10 sự mà ác, cũng do 10 sự mà lành. Mười sự là thân có 3, miệng có 4, ý có 3. Thân có 3 là sát sinh, trộm cướp, dâm dục. Miệng có 4 là ly gián, mắng chưởi, dối trá, thêu dệt. Ý có 3 là tham lam, tức giận, u mê. (Mười sự này là mười ác, bỏ mười ác là mười lành). Tại gia giữ 5 giới, không biếng nhác, không lùi bước, giữ đến 10 lành thì chắc chắn đắc đạo.
Căn bản của ý thức tu hành là nhận thức chính bản thân. Bản thân tạo ra nghiệp (hành vi, động tác). Nghiệp có 3 thành 10: thân 3, miệng 4, ý 3. Mười nghiệp như vậy dữ ở đó mà lành cũng ở đó. Dữ là thập ác. Bỏ thập ác là thập thiện. Mọi cuộc đời (quả báo) khổ vui đều do ác và thiện (nghiệp nhân) ấy. Nhận định này cho thấy có 2 nguyên tắc. Một, cuộc đời con người do chính hành vi con người định đoạt. Hai, hành vi ấy, và cuộc đời ấy, cần phải và có thể thay đổi. Ý thức tu hành bài này nói là như vậy.
Về thập ác, tất cả ái dục (tất cả kiến hoặc tu hoặc) đều bao gồm trong đó, nhất là trong tham, đặc biệt là trong si. Như vậy tất cả đạo quả đều do thập thiện mà thành. Và thập thiện là do ngũ giới bước tới. Như vậy ngũ giới là căn bản, thập thiện là hoàn thành, đối với các đạo quả. Chữ đắc đạo có nghĩa là chứng 4 đạo quả, là chứng ái tận niết bàn.
(4) Sám Hối
Phật nói, con người có lỗi mà không tự hối, ngưng liền, thì lỗi dồn lại nơi thân mình như nước đổ về biển cả, thành ra càng sâu càng rộng. Có lỗi mà biết là trái, đổi ác làm lành, thì mỗi ngày lỗi hết dần đi, sau đó thế nào cũng đắc đạo.
Sám hối tuy không phải chính âm mà lại quá thông dụng, nên ở đây vẫn dùng chữ ấy, với nghĩa chính là có lỗi thì "xin người chịu đựng mà tha thứ cho" , "xin dung thứ cho". Nói thật dễ hiểu, và sát nhất, sám hối là "hối hận mà xin lỗi, xin chừa".
Về hình thức thì sám hối có 2. Một, đối diện người sống, như luật tạng chỉ. Hai, đối trước chư Phật, như nghi thức làm. Cả 2 hình thức đều có ý nghĩa xin hộ trì cho tội hết phước sinh. Về nội dung thì sám hối như bài này nói: tự hối, ngưng liền, biết là trái, đổi ác làm lành, mỗi ngày lỗi hết dần đi.
(5) Nhẫn Điều Ác; hoặc: Đừng Ác Với Người
Phật nói, có người xúc phạm Như lai bằng điều ác, Như lai đem lòng đại từ mà nâng đỡ, cứu độ cho họ. Bởi vì khí lực phước đức là ở đó, còn khí lực tội ác chỉ tự hại. Lại có người cố đến mắng Như lai. Như lai không trả lời, thương họ làm thế là vì si cuồng. Mắng rồi, Như lai hỏi, ông đem lễ vật biếu người, người không nhận thì lễ ấy đem về đâu ? Đem về cho tôi. Vậy ông mắng Như lai, Như lai không nhận thì ông cũng tự đem tai họa về cho mình. Nên, hãy thận trọng, đừng làm ác.
Bài này văn khí là răn phải bỏ điều ác, nhưng rõ ràng Phật còn lấy mình làm gương mà răn phải nhẫn điều ác. Nhẫn mà còn hiểu và thương cho điều ác của người. Sức mạnh của phước đức là như vậy, không như sức mạnh của tội ác chỉ tự hại mình. Thêm nữa, chính sự nhẫn điều ác là răn dạy, cảm hóa cho điều ác được bỏ.
(6) Hại Hiền Chỉ Tự Hại
Phật nói, người ác hại người hiền thì như ngửa mặt lên trời mà nhổ nước dãi, nước dãi không thấu trời mà lại rơi xuống nhằm mình ; lại như ngược gió tung bụi, bụi không đến người mà lại làm dơ bản thân. Người hiền không thể hại được, mà bản thân tất bị tai hại vì lỗi lầm của mình.
Học tập theo Phật, bị hại thì thương mà không giận, tự chủ thì cao, tâm trí thì rỗng, ác mấy cũng không làm bẩn họ được.
(7) Phước To Lớn
Phật nói, hành đạo thì bác ái, bác ái thì không gì hơn bố thí. Phụng hành đạo như vậy thì phước rất lớn.
Bác ái là mượn chữ Trung hoa. Chữ chính xác là đại bi. Đại bi thì bố thí. Bố thí đứng trước trong sự lợi tha, nên phước rất lớn. Bản B diễn dịch chữ bác ái thành bác văn ái đạo thì đi thật quá xa.
(8) Phước Tùy Hỷ
Phật nói, thấy người bố thí, hãy giúp một cách vui vẻ, thì cũng được phước ấy. Hỏi, phước ấy có giảm bớt đi không? Phật nói, như lửa nơi một cây đuốc, hàng ngàn hàng trăm người đem đuốc đến lấy lửa ấy mà nấu ăn, soi sáng, lửa ấy vẫn như cũ. Phước ấy cũng như vậy.
Không những lửa một cây đuốc lấy mãi không hết, mà người này còn chuyền cho người kia, chuyền mãi không cùng. Cái phước tùy hỷ là như vậy. Tùy hỷ là mừng theo, là tán thành, tán trợ. Phước, cũng như tội, tự làm, bảo người làm, thấy người làm mà tùy hỷ, cả 3 đều như nhau. Như nhau mà có khi còn hơn, vì trong lòng tùy hỷ thì vui vẻ, chân thành.
(9) So Sánh Về Phước
Phật nói, đãi cơm người thường không bằng người tốt, đãi cơm người tốt không bằng người giữ 5 giới. Đãi cơm người giữ 5 giới không bằng Tu đà hoàn, (cho đến) hiến cơm A la hán không bằng Bích chi phật. Hiến cơm Bích chi phật không bằng đem giáo huấn của Tam bảo hóa độ cha mẹ -- nên thờ trời đất quỉ thần không bằng hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là thần linh bậc nhất. Hóa độ cha mẹ không bằng hiến cơm người học tập đức Phật mà nguyện cứu độ chúng sinh.
Phước lớn hơn, ngoài lý do vì đối tượng hiến cúng, còn vì lý do tâm lý bình đẳng. Lý do sau thì không kể đối tượng thế nào, mà chân thành thì phước vẫn như nhau.
Đoạn chót của bài này, bản B chữa bằng cách bỏ có thêm có. Thêm thì đem Phật ra mà so sánh. Nhưng Phật thì ngoài tầm so sánh. So sánh như bản B không hợp tình lý chút nào hết. Đó là thêm, còn bỏ thì bỏ cái hiếu với cha mẹ mà đoạn này đề cao. Bỏ như vậy thật sai quấy.
(10) Khó Mới Quí
Phật nói, người có 5 sự khó: nghèo nàn mà bố thí mới khó, giàu sang mà học đạo mới khó, liều mình mà chắc chết mới khó, được nhìn thấy kinh Phật mới khó, sinh ra gặp đời Phật mới khó.
Những sự khó mới quí được nói ở đây rất sát với người hành đạo, nhất là hành đạo ở cấp độ bình thường. Bản B thêm đến 20 sự, tựu trung có 2 điều đáng nói, ấy là"nhịn sắc đẹp ái dục mới khó" và "gặp được thiện tri thức mới khó". Tu hành thì thiện tri thức là yếu tố rất quan trọng. Thiện tri thức là bạn tốt, là thầy bạn tốt, thương mà khéo trong sự giúp ta.
Trong 5 sự khó mới quí, sự sinh ra gặp đời Phật phải nói rõ thêm. Gặp đời Phật thì trên 25 bách kỷ rồi có ai gặp được. Nhưng không gặp sinh thân của Phật mà vẫn gặp được di thân của ngài, hơn nữa, gặp được giới thân và pháp thân của ngài, có điều gặp mà biết tôn thờ, thuận tùng, mới khó với quí.
(11) Thấy Đạo, Biết Đời Trước
Sa môn hỏi Phật: nhờ gì mà thấy đạo? mà biết đời trước? Phật nói, đạo siêu việt tất cả sắc thái. Chỉ muốn thấy đạo thì không bao giờ thấy được. Chính yếu là phải cố thủ chí nguyện mà tu hành, thì như lau kính, dơ hết sáng lộ, thấy được hình ảnh: diệt sự ái dục, giữ sự thanh tịnh, thì thấy đạo, thì biết đời trước.
Đạo ở đây là diệt đế (niết bàn, nói theo tiểu thừa), là chân như (nói theo đại thừa). Đạo ấy siêu việt mọi khái niệm. Đối với đạo ấy, đòi biết không ích gì. Cốt yếu là phải hành đạo, như lau kính, dơ hết, sáng lộ, thì thấy hình ảnh: ái dục hết, thanh tịnh hiện, là biết đạo, biết đời trước.
Thường cái biết của Phật giáo được ví dụ như đèn sáng soi đồ. Nhưng ví dụ như vậy ít chính xác, vì nếu vậy thì đèn tắt là hết soi. Ví dụ như kính hiện hình có phần rõ hơn. Kính sáng vì bản chất vốn sáng, lại được lau sạch, hình ảnh có thì hiện ra, không thì kính vẫn sáng.
(12) Lành, Lớn, Mạnh, Sáng
Phật nói, lành là gì, là hành đạo. Lớn là gì, là chí hợp với đạo. Mạnh là gì, là nhẫn nhục. Sáng là gì, là dơ bẩn của tâm trí được trừ hết, hành vi của tội ác được diệt sạch, được nhất thế trí mới gọi là sáng.
Tuệ giác, nói theo Trí độ luận, cuốn 27, thì có 3: 1. nhất thế trí (biết bản thể), của Nhị thừa; 2. đạo chủng trí (biết đạo pháp), của Bồ tát; 3. nhất thế chủng trí (biết toàn bộ: bản thể, hiện tượng, đạo pháp). Bài này nói nhất thế trí thì có 2 cách hiểu : một, hiểu là riêng thì trí ấy là trí thứ 1, dịch tuệ giác biết bản thể; hai, hiểu là chung thì trí ấy là cả 3 trí, cũng dịch tuệ giác biết toàn bộ. Bài này nói tuy có thể có cả 2 nghĩa, nhưng nghĩa thứ 1 nhiều hơn, vì ở đây nói cả Nhị thừa.
(13) Lý Do Không Thấy Được Đạo
Phật nói, có ái dục thì không thấy đạo. Như nước đã đục mà còn bỏ màu vào, ra sức quấy lên, thì ai đến trên nước ấy cũng không thấy hình ảnh. Ái dục giao xen, làm bẩn tâm trí nên không thấy đạo. Lại nữa, dưới chão là lửa dữ, trong chão nước sôi lên, trên chão đậy bằng vải, thì ai đến soi vào cũng không thấy hình ảnh: tâm trí vốn có 3 độc sôi sục bên trong, 5 cái che đậy ở ngoài, thì không bao giờ thấy đạo. Phải hết cả dơ bẩn của tâm trí, thì biết xuất xứ của nghiệp thức, biết sống chết về đâu, biết thế giới chư Phật ở đâu.
Ba độc là tham sân si (hay dâm nộ si, tật nhuế si). Năm cái: 5 sự che đậy tâm trí, đó là tham dục (ham muốn) sân nhuế (tức giận) thùy miên (ngủ nghỉ) trạo cử (háo động) nghi pháp (hoài nghi). Nghiệp thức, chính văn bản A là hồn linh, chữ cổ. Lý do vì sao không thấy đạo, bài này nói thật rõ.
(14) Học Đạo
Phật nói, học đạo thì như cầm đuốc vào trong nhà tối, tối hết mà sáng còn: học đạo mà thấy thánh đế thì ngu si diệt hết, được sự thấy toàn thể.
Thánh đế, chính văn là đế, tức 4 thánh đế, tứ đế; chính văn bài 1 còn nói là tứ chân đạo hạnh. Đế là chắc chắn, chân lý. Thánh đế là chân lý được nhìn thấy bởi các bậc thánh giả. Đạo trong bài này là chỉ cho tứ đế, đặc biệt là diệt đế (niết bàn) trong tứ đế ấy.
(15) Nhớ Đạo
Phật nói, Như lai nhớ gì, nhớ đạo. Như lai làm gì, làm đạo. Như lai nói gì, nói đạo. Như lai nhớ đến thánh đế thì không bỏ qua phút chốc nào cả.
Chữ đạo của bài này cũng là chữ đạo của bài 14 ở trên. Đặc biệt chính văn bài này còn nói tứ đế là đế đạo (đạo lý chắc chắn).
Bài 18 bản B là chữa bài này, mà đi quá xa, nói như cao mà kém thấy rõ, nhất là kém cho sự tu niệm.
(16) Quán Vô Thường
Phật nói, nhìn trời đất hãy nhớ vô thường, nhìn núi sông hãy nhớ vô thường, nhìn vạn hữu hãy nhớ vô thường. Giữ tâm trí như vậy thì đắc đạo mau chóng.
Vô thường là diễn biến liên tục. Vô thường mới có các pháp và các pháp liên tục. Vô thường là vô cái ảo tưởng thường còn, không phải có cái thường còn để mà vô. Quán vô thường, đổi bỏ cái nhìn, cái hy vọng còn mãi, cái sự quên đi diễn biến liên tục, là nền móng của cả quan niệm và ý niệm, không phải chỉ khái niệm, của người hành đạo. Vô thường dễ nhận thức nhất, dầu tạo được cái nhìn vô thường cho quen thì không phải một sớm một chiều. Nên phải cố mà tập.
Cũng nên biết vô thường có sát na, có nhất kỳ. Sát na vô thường là diễn biến trong từng đơn vị thì gian ngắn nhất (như sự thoạt hiện hay thoạt biến của một ý nghĩ). Nhất kỳ vô thường là diễn biến trong từng giai đoạn (thay đổi hình thức này thành hình thức khác). Vô thường nhất kỳ là kết quả của sát na vô thường. Chết là nhất kỳ vô thường của con người.
(17) Đức Tin
Phật nói, việc làm mỗi ngày là thường nhớ đạo, hành đạo, thì thành đạt đức tin, phước được vô lượng.
Tín căn (đức tin) là 1 trong 5 cái gọi là 5 thiện căn: tín (đức tin) tiến (nỗ lực) niệm (chánh niệm) định (chuyên chú) tuệ (minh sát). Năm thiện căn này là phước của người hành đạo, như những cái rễ mà từ đó có ra bao nhiêu thiện căn và phước đức khác. Nhưng đức tin mà nói thành đạt do nhớ đạo hành đạo hằng ngày, thì đức tin ấy không phải chỉ là sự tin tưởng của tín ngưỡng. Nói thật đúng và xác, đức tin ở đây là không còn hoài nghi gì nữa về tứ đế.
(18) Nhớ Vô Ngã
Phật nói, một cách chín chắn và thuần thục, hãy tự nghĩ nhớ, trong cơ thể, 4 đại đều có tên riêng, không có gì là ngã, sự thể chỉ như ảo thuật.
Bài này nói vấn đề quan trọng, vấn đề ngã. Ý thức tu chứng đặt trên khái niệm vô ngã. Vậy ngã là gì, tại sao vô ngã, học đạo cần phải biết, ở bất cứ cấp độ nào.
Ngã là khái niệm phát sinh và diễn tiến như sau. Mở đầu là cho con người có một đấng chủ tể. Đấng ấy tự hữu, chủ động và chỉ huy. Con người có và sống do sự chủ động và chỉ huy ấy. Sự tái sinh của con người cũng vậy. Đấng ấy là ngã. Khái niệm này gọi là nhất thần luận. Kế đó, thấy chỗ hớ và ấu trĩ của vấn đề, vấn đề bèn được suy luận đấng ấy là bản thể. Mỗi con người là một phần của bản thể ấy. Bản thể ấy là ngã. Khái niệm này gọi là phiếm thần luận. Cả 2 khái niệm này là cái ngã ly uẩn (ngã ở ngoài con người).
Rồi suy luận con người là diễn biến. Diễn biến thì phải có cái gì ở trong con người mà chủ động và chỉ huy. Cái gì ấy có 3 thuyết: nguyên tử, tinh thể, linh hồn. Ba cái ấy là ngã. Khái niệm này là thắng ngã hay thần ngã. Lại suy luận thân thể là cái ta = cái tổng thể thống nhất và bất biến. Diễn biến chỉ là sự phản ứng, không thể chi phối cái ta. Cái ta ấy là ngã. Khái niệm này gọi là bản ngã. Tất cả 3 khái niệm này là cái ngã tức uẩn (ngã ở trong con người).
Phật giáo thì không chấp nhận như vậy. Phật giáo nói phải như thật tri kiến. Trước hết, thấy con người là một tổ hợp mà nói đại thể là danh sắc (tâm lý vật lý). Sắc có 4 đại, gọi là sắc uẩn. Danh là 4 uẩn tiếp theo.
Nên hiểu tứ đại đã. Tứ đại là kiên (cố thể) thấp (dịch thể) noãn (nhiệt lực) động (động lực) -- Tứ đại không phải đất nước gió lửa; 4 thứ này là tứ đại giả danh, chỉ do tứ đại tùy tăng. Tứ đại là vật lý của thân thể và vũ trụ của thân thể. Gồm lại là sắc uẩn (cảm giác được khách quan hóa).
Nay nói thân thể con người. Thì thân thể ấy là 5 uẩn nếu phân tích ra, là danh sắc nếu tổng hợp lại. Thân thể như vậy là một hợp thể diễn biến liên tục. Sự diễn biến chính là động tác của hợp thể ấy. Động tác ấy vừa là động lực, vừa là phản ứng. Động tác ấy là Nghiệp. Chính Nghiệp diễn biến mà liên tục vì nhân quả -- Nhân quả là các yếu tố và các giai đoạn tự tương quan và tác động lẫn nhau, và được gọi là sự liên tục. Sự liên tục này tạo ra ấn tượng và khái niệm gọi là ngã. Sự thực, nghiệp tự nó là động lực, không có gì chủ động và chỉ huy. Như vậy gọi là khái niệm vô ngã. Từ khái niệm này mà thấy khái niệm ngã chỉ là ảo tưởng. Nhưng ảo tưởng mà thành sự tự ý thức. Cái ảo tưởng tự ý thức ấy chính là cái ngã của ta. Vô ngã là vô cái ảo tưởng ngã ấy, không phải có cái ngã để mà vô. Phật giáo còn cho thấy ảo tưởng về ngã là ý thức, tự ý thức về ngã là mạt na, cái được ảo tưởng và tự ý thức là ngã là a lại da. Tất cả đều là nghiệp, liên hệ đến nghiệp, không có cái ngã nào biệt lập, độc lập, duy nhất và bất biến. Nghiệp như vậy, tức thân thể (danh sắc) diễn biến liên tục như vậy, lưu chuyển là luân hồi, hoàn diệt là giải thoát. Nói dễ hiểu, nghiệp như cánh tay : chỉ xuống gọi là ngược, chỉ lên gọi là xuôi. Đại thừa không cho niết bàn không còn động tác gì hết, mà động tác ấy, bấy giờ, gọi là"bất tư nghị nghiệp". Đức ngã trong 4 đức niết bàn của đại thừa không phải là ngã, mà là cái phẩm chất tự tại của niết bàn.
Trong cấp độ sơ khởi của sự học đạo và hành đạo, bài này nói thân là danh sắc ẫ Nói danh sắc là nói ngũ uẩn, chỉnh hơn chỉ nói tứ đại. Danh sắc tự nó là sự sống, là cuộc sống; là tự thể không biệt lập, đối lập. Biết như vậy thì khái niệm cái ngã, cái ta ích kỷ và cố định, khái niệm ấy sẽ không còn: không còn cái gốc của ái dục nữa.
Chữ ảo thuật nói trong bài này là như vật liệu được ảo thuật ra bồ câu. Vậy vật liệu là có, ảo thuật cũng vẫn có, cái có do yếu tố, cái có giả. Từ cái có giả ấy mà, không thấy vật liệu, không biết ảo thuật, cho bồ câu là có thật. Cái có này mới không có. Thân thể là có, có giả. Cái có không có chính là ngã.
(19) Danh Tiếng Hoa Hòe
Phật nói, vì ái dục mà cầu danh tiếng hoa hòe thì cúng như đốt hương, người ta nghe được hơi thơm thì hương đã tự đốt rồi. Người thiếu trí tuệ mới ham danh tiếng tầm thường, không cố giữ sự chân thật của đạo hạnh. Cái họa danh tiếng là đem lại sự ân hận tiếp theo sau đó.
Danh với lợi là tai họa cho sự hành đạo. Trong 2 thứ, danh có vẻ dễ bị mắc vào hơn, nhất là mắc vào dưới nhiều dạng trá hình. Người hành đạo, tuổi càng cao có vẻ càng lụy không ít vì danh. Vì danh mà bán cả đạo, vất cả đời mình đi, ngày nay vẫn có kẻ như vậy.
(20) Tiền Tài và Sắc Đẹp
Phật nói, con người đối với tiền tài và sắc đẹp thì y như trẻ con ham mật ngọt trên lưỡi dao. Mật ấy không đủ một bữa ăn, mà trẻ con liếm vào tất có cái họa đứt lưỡi.
Người xuất gia đừng coi mình như trẻ con. Người xuất gia ý thức đạo hạnh thật cao trọng. Đối với bao kẻ coi tiền và tình, kể cả cái lụy vì tiền và tình, là hạnh phúc, thì người xuất gia là kẻ nghịch lưu: bơi ngược dòng. Dầu vậy, bài này vẫn là lời cảnh cáo cho cái hạnh phúc vì tiền và tình. Riêng đối với tiền, ở kinh khác, như Thiện sinh và Ưu bà tắc, Phật dạy hãy học nghề, kiếm tiền và dùng tiền hợp lý.
(21) Vợ Con, Bảo Vật, Nhà Cửa
Phật dạy, con người ràng buộc vào vợ con bảo vật nhà cửa thì còn hơn lao ngục. Lao ngục còn có ngày được phóng thích, vợ con ái dục thì cái họa miệng cọp cũng cam tâm nhảy vào, đâu có cái ngày phóng thích.
Có ý thức giải thoát mới thấy vợ con tài sản là tù đày. Không thì thấy vợ con tài sản là thảm xanh của hạnh phúc.
(22) Sức Mạnh Của Sắc Dục
Phật nói, ái dục không gì hơn sắc dục. Sắc dục tạo ra ái dục thì không gì lớn bằng. Nhờ chỉ có một cái như vậy, giả sử có cái thứ hai thì thiên hạ không còn ai hành đạo được nữa.
Có những trường hợp mà cổ đức nói là đạo cao một thước ma cao một trượng. "Giả sử đạo niệm cũng bằng tình niệm thì Phật cũng đắc đạo chậm hơn".
(23) Ái Dục Tự Hại
Phật nói, con người đối với ái dục thì như cầm đuốc lửa mà đi ngược gió, ngu mà không bỏ đuốc xuống thì tất bị cháy tay. Độc tố tham sân si ở ngay trong thân tâm, y như đuốc lửa ở nơi tay mình. Không sớm đem đạo hạnh mà trừ bỏ, thì như ham cầm đuốc lửa, tất có cái họa cháy tay.
Con người tự mình là đuốc lửa cho mình. Có 3 độc thì đuốc lửa cháy tay. Có đạo hạnh thì đuốc lửa soi đường.
(24) Ngọc Nữ
Thiên thần hiến ngọc nữ cho Phật để thử nghiệm ý ngài, quan sát đạo ngài. Ngài nói, ngọc nữ có thể vừa ý thế tục, không thể kích động Như lai. Hãy đi đi, Như lai không cần dùng. Thiên thần rất kính trọng, nhân đó hỏi Phật về ý đạo. Ngài giảng giải cho, liền thành đạt đạo quả Tu đà hoàn.
Thiên thần (devata) là gọi chung chư thiên, kể cả Phạn vương, Đế thích. Nhưng ở đây không phải ma vương, vì ma vương không thành sơ quả. Còn ngọc nữ chỉ có nghĩa là gái đẹp, và ở đây là gái đẹp chư thiên. Ấy vậy mà có kẻ thượng lên làm Ngọc nữ bồ tát mà lạy !
(25) Cây Trôi Theo Dòng Nước
Phật nói, hành đạo thì như cái cây ở trong dòng nước, hãy theo dòng nước mà trôi đi, không mắc vào bờ hai bên, không bị người vớt lấy, không bị phi nhân ngăn chận, không bị nước xoáy làm đứng lại, không bị thối rã, thì cây ấy tất vào được biển cả. Hành đạo cũng vậy, không bị ái dục mê hoặc, không bị tà ngụy quấy phá, tinh tiến mà không do dự, thì Như lai bảo đảm người ấy đắc đạo.
Những sự ví dụ trong đây, được giải thích không phải chỉ có một ý, vì giải thích sao cũng có lý cả. Nay, căn cứ vào chính văn ý của bài này, và của kinh này, tạm giải thích như sau. Không mắc hai bên bờ là không thái quá hay bất cập. Không thối rã là không bị ái dục mê hoặc. Không bị nước xoáy làm đứng lại là không bị do dự. Ngoài ra, bị người vớt, bị thần chận, thì nói chung bằng chữ tà ngụy. Tà ngụy ở đây là ngoại đạo, là phi mục đích. Ngoại đạo thì dễ hiểu. Phi mục đích là mong cầu hạnh phúc trong nhân loại hay trong chư thiên. Không bị những điều trên đây thì thế nào cũng đắc đạo.
(26) Ý Không Thể Tin
Phật bảo các vị sa môn, thận trọng, đừng tin ý của các người, ý của các người không bao giờ tin được. Thận trọng, đừng tiếp xúc sắc đẹp, tiếp xúc thì tai họa có liền. Được tuệ giác La hán rồi mới nên tin ý của các người.
Tuệ giác La hán có 2: tuệ giác diệt tận (tận trí) và tuệ giác không sinh (vô sinh trí). Diệt tận là diệt tận ái dục đã có. Không sinh là không sinh ái dục sẽ có. Chỉ khi nào được 2 tuệ giác ấy, tâm ý mới có thể tin được khi tiếp xúc với sắc dục.
(27) Nẽo Chánh
Phật bảo các vị sa môn, thận trọng, đừng nhìn phụ nữ. Phải nhìn thì thận trọng, đừng nói chuyện. Phải nói chuyện thì sắc lịnh cho tâm trí đi theo nẻo chánh. Rằng ta là sa môn, ở trong cuộc đời này ta phải như đóa sen không dính bùn lầy. Già thì coi như mẹ, lớn thì coi như chị, trẻ thì coi như em, nhỏ thì coi như con. Cẩn trọng mà giữ uy nghi, ý thức càng phải xét kyլ thân hông thật, chứa toàn dơ bẩn; (sinh cái tâm độ thoát) để giải cái ý bất chính.
Bài này chỉ cho người xuất gia cách đối xử với phụ nữ. Một, tránh tiếp xúc. Hai, tiếp xúc thì phải chánh niệm, rằng mình phải như hoa sen, không được lấm bùn. Ba, coi phụ nữ mọi lứa tuổi đều như thân nhân. Bốn, phải giữ uy nghi đúng giới luật (nói năng và cử động thật nghiêm chỉnh, không tiếp xúc lâu, ở chỗ khuất). Năm, quán bất tịnh. Sáu, sinh tâm độ thoát cho họ. Điều tôi lấy bản B mà bổ túc, vì văn ý bài này là ở đây.
Tuy nhiên, cái lối coi phụ nữ như thân nhân không hẳn không có hậu quả trái ngược, nhất là không hẳn không bị lợi dụng với tà ý. Luật còn cấm kết làm thân nhân. Nên phải thận trọng. Trong cấp độ sơ cơ, sự tránh tiếp xúc, và giữ uy nghi khi tiếp xúc, mới thật đáng nói.
(28) Tránh Cho Xa
Phật nói, hành đạo thì phải từ bỏ tình dục. Hãy như cỏ gặp lửa, lửa đến thì phải tránh: người hành đạo gặp tình dục thì phải tránh cho xa.
Cỏ mà gặp lửa thì đang tươi cũng cháy, nói chi đã khô. Tình dục thì đạo lực có mà còn phải tránh, huống chi chưa có.
(29) Hãy Đoạn Tâm
Có người bực vì tình dục không ngừng, dùng dao búa mà đoạn âm. Phật nói, đoạn âm đâu bằng đoạn tâm. Tâm tà không ngừng thì đoạn âm ích gì, chỉ đem lại cái chết mà thôi. Thế nhân nhận thức đảo ngược là như người khờ trên đây.
Đoạn âm ở đây là trừ bỏ bộ phận sinh thực nam. Đoạn âm không ích gì cả trong sự làm sạch tâm trí đối với ái dục.
(30) Gốc Của Tình Dục
Có một dâm nữ hẹn với nam nhân. Đến hẹn, nam nhân không đến. Dâm nữ tự hối, rằng
Dục tình, ta biết ngươi,
gốc của ngươi là ý
ý sinh vì tư tưởng.
Ngày nay ta không còn
tư tưởng nữa đến ngươi,
thì ngươi hết sinh ra.
Phật đang đi, nghe vậy, bảo các vị sa môn, nhớ lấy, đấy là lời chỉnh cú của đức Phật Ca diếp, được lưu hành trong dân gian.
Dục tình do tư tưởng, tư tưởng do ý. Gốc của dục tình là như vậy. Nên không tư tưởng đến dục tình, dục tình mới không được thực hiện cho đến không còn.
(31) Yêu, Lo, Sợ
Phật nói, con người do ái dục mà lo buồn, do lo buồn mà sợ hãi. Không ái dục thì không lo buồn, không lo buồn thì không sợ hãi.
Ái dục tạo ra lo buồn, sợ hãi, là nói đơn giản. Ái dục mà tranh thủ, hưởng thụ và hậu họa thì không gì đa dạng cho bằng. Trong 12 chi duyên khởi, ái quan trọng nhất: ái tận là niết bàn, ái thủ thì sinh tử.
(32) Tinh Nhuệ Bước Tới
Phật nói, hành đạo là như một người chiến đấu với muôn người. Mặc áo giáp, cầm vũ khí, tiến ra chiến trường, hoặc quyết chiến mà chết, hoặc đại thắng mà về. Ấy vậy, những ai kiên trì tâm chí, tinh nhuệ bước tới, không mê hoặc vì lời tiếng tầm thường, cuồng dại, thì chiến thắng ái dục, đánh bại xấu ác, đắc đạo chắc chắn.
Hành đạo thì phải có cái mà Thiền tông gọi là "khẳng tâm": dứt khoát, quyết chí, không do dự, không dao động. Cảnh sách nói khá rõ: Nổi dậy cái chí khí quyết liệt, mở ra cái hoài bão cao xa, hết thảy mọi sự động tĩnh đều nhìn lên các bậc thượng thặng, đừng tự ý sống theo những thói hư hèn. Nội một đời này mà thôi, phải giải quyết bản thân cho xong, và việc đó là tự mình liệu lấy cho mình, không phải do ai đâu khác.
(33) Vừa Phải
Có vị sa môn ban đêm tụng kinh tiếng nghe rất buồn, có vẻ hối tiếc, lưỡng lự, muốn trở về thế tục. Phật gọi mà hỏi, khi ông ở nhà thì đã làm gì? Thưa, thường đánh đàn. Giây đàn dùi thì thế nào? Thưa, không kêu. Giây đàn căng thì thế nào? Thưa, mất tiếng. Căng dùi vừa phải thì thế nào? Thưa, âm điệu phát ra đủ cả. Phật nói, học đạo cũng phải như vậy, giữ cho tâm trí chừng mực thì đạo phải được.
Đây chính là trung đạo. Trung đạo là chính yếu của Phật giáo. Trung đạo là linh động, thích đáng, không phải nước đôi, hỗn hợp.
(34) Từ Từ
Phật nói, hành đạo cũng như luyện sắt, tuần tự mà luyện, càng luyện càng loại hết quặng đi, thì làm đồ rất tốt. Học đạo mà từ từ, trừ khử một cách sâu xa dơ bẩn trong tâm, thì tinh tiến đắc đạo. Thái quá thì cơ thể mệt mỏi, cơ thể mệt mỏi thì tâm ý bực bội, tâm ý bực bội thì tu hành lùi bước, tu hành lùi bước thì tội lỗi xuất hiện.
Từ từ nhưng tinh luyện, tinh tiến, mới tránh được thái quá, bất cập. Thái quá hay bất cập chỉ làm cho đạo nghiệp hư hỏng.
(35) Khổ Mà Hết Khổ
Phật nói, hành đạo cũng thấy khổ, không hành đạo cũng thấy khổ. Nhưng con người từ sinh đến già, từ già đến bịnh, từ bịnh đến chết, khổ biết bao nhiêu. Tâm ý bực bội, tích lũy tội lỗi, thì sinh tử không ngừng, cái khổ này mới khó nói cho hết. (Cái khổ của sự hành đạo có thể làm cho cái khổ này chấm dứt).
Đối với con người, cái gì cũng cho là khổ. Nhưng có cái khổ để rồi khổ vô cùng, có cái khổ để rồi hết cái khổ ấy. Hành đạo là khổ để hết khổ, không cam tâm khổ để khổ mãi.
(36) Mừng Được Khó Được
Phật nói, thoát đường ác mà được làm người là khó, được làm người mà làm đàn ông là khó, làm đàn ông mà đủ giác quan là khó, đủ giác quan mà sinh xứ trung tâm là khó, sinh xứ trung tâm mà được thờ Phật pháp là khó, được thờ Phật pháp mà gặp quân vương đạo đức là khó, gặp quân vương đạo đức mà sống trong gia đình bồ tát là khó, sống trong gia đình bồ tát mà gặp đời Phật là khó.
Xứ trung tâm (trung quốc) là những nơi có Phật giáo, ít nhất cũng có văn hóa tốt. Quân vương đạo đức là lãnh tụ quốc gia mà có đạo đức. Có đạo đức thì có chính sách tốt. Chính sách ấy mới lợi cho dân, nhất là cái lợi tín ngưỡng Phật pháp không bị phá hoại. Gia đình bồ bát là gia đình mà gia phong có truyền thống vị tha.
Đã được những điều trên đây, dầu chỉ được một cách tương đối, nhất là đã được làm thân người, mà không hành đạo thì thật tự phụ bạc lấy mình nhiều lắm, phí mất một đời một cách oan uổng.
(37) Đời Sống
Phật hỏi một vị sa môn, sinh mạng con người tồn tại trong bao lâu, thưa, trong vài ngày, Phật nói, ông chưa hành đạo. Phật hỏi một vị sa môn khác, sinh mạng con người tồn tại trong bao lâu, thưa, trong một bữa ăn, Phật nói, ông cũng chưa hành đạo. Phật hỏi một vị sa môn khác nữa, sinh mạng con người tồn tại trong bao lâu, thưa, trong hơi thở ra hay vào, Phật nói, hay thay, ông đáng được gọi là người hành đạo.
Chữ hành đạo trong bài này là quán vô thường. Sinh mạng ở trong sát na vô thường để rồi đi đến nhất kỳ vô thường. Sát na là đơn vị ngắn nhất của thì gian, chỉ bằng sự thoạt hiện hay sự thoạt biến của cái biết, và đó chỉ nói theo tầm nhận thức của người thường. Sinh mạng thực ra chỉ tồn tại trong từng sát na như vậy. Nói tồn tại trong hơi thở (ra mà không vào, hay ngược lại) còn là lâu. Tuy nhiên, quán vô thường mà xét thấy đến như thế cũng đã đáng gọi là quán vô thường. Và từ đó mà sự tranh thủ thì gian với sinh mạng để hành đạo sẽ đắc lực hơn lên.
(38) Gần Phật Xa Phật
Phật nói, đệ tử của Như lai sống cách Như lai mấy ngàn dặm mà lòng nhớ giới luật của Như lai, thì đắc đạo chắc chắn; còn sống bên cạnh Như lai mà lòng mang tà ý, thì không bao giờ đắc đạo. Sự thực là ở nơi sự hành đạo, gần mà không hành đạo thì đâu có được muôn một trong sự lợi ích.
Giới luật là bậc đại sư của người hành đạo. Chính Phật đã nói như vậy trong di huấn tối hậu của ngài. Nên cách Phật mà giữ giới thì vẫn đắc đạo, gần Phật mà không quan tâm giới luật cũng vẫn mất mát rất lớn.
(39) Kinh Pháp Như Lai Cũng Vậy
Phật nói, như ăn đường phèn thì trong ngoài đều ngọt. Kinh pháp của Như lai cũng vậy, mọi ý nghĩa đều thích thú, làm theo là đắc đạo.
Phật pháp là bất định pháp -- là trung đạo, thích đáng với căn cơ. Thế nên Phật pháp mà có ý nghĩa, và ý nghĩa thích thú, làm theo hữu ích, là chính vì như vậy.
Nhổ Được Gốc Rễ Ái Dục
Phật nói, người hành đạo có năng lực bạt nhổ gốc rễ ái dục. Ngắt lấy chuỗi ngọc đang treo thì ngắt từng hạt cũng có lúc lấy hết, và xấu ác mà hết thì là đắc đạo.
Tiệm tu mà chắc chắn đắc đạo. Nhưng tiệm trừ xấu ác mà ví dụ như ngắt từng hạt ngọc thì cũng hơi lạ -- nếu tôi hiểu và dịch không lầm.
(41) Thẳng Tắp Một Mạch
Phật nói, sa môn hành đạo là như con trâu mang nặng, đi trong bùn sâu, mệt nhọc đến mấy cũng không dám ngoái nhìn hai bên, mà phải đi cho mau, rời khỏi bùn sâu, mới được nghỉ ngơi. Sa môn coi ái dục còn hơn bùn sâu, nên thẳng tắp một mạch mà hành đạo, mới có thể thoát khỏi mọi sự khổ lụy.
Thẳng tắp một mạch thì sự khẳng tâm và tinh tiến nằm trong đó. Trong đó không thể có sự lạm dụng những chữ từ từ, tuần tự, chừng mực.
(42) Phật Nhìn
Phật nói, Như lai coi cái ngôi vương hầu như khách trọ, coi cái quí vàng ngọc như sỏi đá, coi cái đẹp tơ lụa như giẻ rách, (coi cái trò phải trái như rồng múa, coi sự sinh diệt của các pháp như cây bốn mùa).
Khách trọ, chính văn là quá khách (khách qua đường), ý nói tạm bợ, ở và đi rất mau chóng và bất thường. Rồng múa, đúng ra là 6 con rồng cùng múa. Sinh diệt như cây trải qua 4 mùa là sinh không thật sinh, diệt không thật diệt.
Bài 42 này của bản A thì có vẻ thiếu, của bản B lại có vẻ thừa. Tôi chỉ trích 2 điều của bản B mà bổ túc.
Về cái nhìn của Phật, nói như bài 42 trên đây, là nói một chiều thích hợp với trình độ kinh này. Thật ra cái nhìn của Phật là tùy người. Thí dụ ngôi vị chính quyền. Đối với người cần nói với họ về sự vô thường, về cái lụy danh vị, thì nói Phật nhìn ngôi vị vương hầu là tạm bợ. Nhưng nếu đối với người cần nói với họ về cái dụng của danh vị trong sự lợi tha thì nói Phật coi ngôi vị vương hầu có khi cũng cần đến.
Vu Lan 2537, 20-24/7.
Trí Quang