Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiên thứ bảy: Bồ Tát Giới Cương Yếu

13/04/201116:10(Xem: 3187)
Thiên thứ bảy: Bồ Tát Giới Cương Yếu

CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT
Hòa Thượng Thánh Nghiêm
Thích Nữ Tuệ Đăng dịch
Nhà xuất bản Thời Đại 2010

Thiên thứ bảy: Bồ Tát Giới Cương Yếu
Chương 1: Thứ Lớp Và Cảnh Giới Của Bồ Tát

I. BỒ TÁT LÀ GÌ?

Chúng ta thông thường đều được nghe xưng hiệu của Bồ tát, cho đến cũng có thể đem hai chữ Bồ tát làm lời khen tặng người khác. Vì thế, một từ Bồ tát có ấn tượng đối với một số người đã là cao quý, vĩ đại, mà cũng là bình dị gần gũi; đã là thiêng liêng không lường, cũng là giản đơn phổ thông. Kỳ thực, người chân chính hiểu được thứ lớp và cảnh giới của Bồ tát không có bao người. Còn người chưa từng nghe qua Phật pháp nhận tất cả những tượng thần, tượng quỷ đắp bằng đất, khắc bằng gỗ, đều gọi là Bồ tát, đấy là quan niệm của người chưa biết được ý nghĩa của Bồ tát.

Bồ tát nguyên là dịch âm của Phạn văn của Ấn Độ: Bohisattva, dịch đủ là “Bồ đề tát đỏa” dịch ý là “Giác hữu tình”. Giác nghĩa là giác ngộ, giác liễu, giác trị, giác kiến. Hữu tình nghĩa là chúng sinh, chúng sinh là chúng duyên hòa hợp mà sinh, cũng có nghĩa là nhiều sinh mạng. Nhưng trong nhiều sinh mạng của chúng duyên hòa hợp, có động vật có tình ái và tình tánh, có thực vật cho đến khoáng vật v.v… không có tình ái và tình tánh.

Ở đây nói chúng sinh là chỉ cho sinh mạng có tình ái và tình tánh, vì thế gọi là hữu tình. Ba chữ “Giác hữu tình” gồm có bốn tầng của hai lớp ý nghĩa. Một lớp là hữu tình chúng sinh phát tâm, trên cầu vô thượng giác (Phật) đạo và cũng phát tâm khai hoá tất cả hữu tình chúng sinh đều đắc Vô thượng giác (Phật) đồng thời cũng muốn làm cho tất cả hữu tình chúng sinh đều ngộ kiến giác (Phật) tánh sẵn đủ của mỗi người. Hợp lại mà nói, trên cầu Phật đạo để tự giác, dưới hoá độ chúng sinh để giác tha, đây là ý nghĩa của Bồ tát.

Mục đích tin Phật, học Phật của chúng ta là mong muốn chúng ta thành Phật, nhưng cảnh giới Phật là chí cao vô thượng, rất tốt đẹp, rất lớn lao, rất sáng suốt, rất chân thật; hành trình của con đường thành Phật cũng rất gian nan và xa xăm. Một người từ khi bắt đầu tin Phật học Phật, phải trải quá trình thời gian ba-a tăng-kỳ kiếp và trăm kiếp, mới đạt đến mục đích thành Phật. Ở thế gian không có chân bảo giá rẻ; càng khó được, giá trị càng cao; thành Phật cũng vậy, Phật tuy khó thành nhưng rốt cuộc cũng thành, nhưng phải trả giá một sự nỗ lực lớn lao. Giá trị này là Bồ tát hạnh hoặc Bồ tát đạo: Trên cầu Phật đạo, dưới hoá độ chúng sinh. Không ngừng tẩy rửa phiền não vô minh từ vô thỉ đến nay làm nhơ Tự tánh giác (Phật) thể. Chính mình tẩy rửa phiền não vô minh, tăng trưởng trí tuệ, dùng trí tuệ này để tự chiếu soi mình và cũng để chiếu soi người khác; giúp cho người khác tẩy rửa phiền não vô minh, cũng có thể tăng trưởng phước đức của mình; dùng để lợi mình, cũng dùng để lợi người. Đây là đạo Bồ tát song tu song hành trí huệ và phước đức, cũng là theo từng giai đoạn tiến lên con đường thành Phật.

Do thực hiện con đường thành Phật mà được gọi là Bồ tát. Thành Phật đắc quả là do thực hành hạnh Bồ tát. Bồ tát đạo là chánh nhân của thành Phật, thành Phật là kết quả của Bồ tát đạo. Muốn thành Phật trước tiên phải hành Bồ tát đạo, hành Bồ tát đạo chắc chắn sẽ thành Phật.

II. CẤP BẬC CỦA BỒ TÁT

Chính vì cái nhân thành Phật là Bồ tát đạo rất dài, rất xa, vì thế trong kinh Phật phân nó ra thành giai đoạn và thứ bậc. Cách phân biệt về cấp bậc của Bồ tát, theo Tông Thiên Thai gồm có bốn loại: Tạng, Thông, Biệt, Viên. Bồ tát của Tạng giáo thuộc loại căn khí nhỏ, không có phân cấp bậc. Nếu muốn luận về cấp bậc, chỉ có thể đem trình độ tu chứng của Bồ tát loại này so sánh với cấp bậc của Tiểu thừa mà thôi. A tăng kỳ kiếp thứ nhất là ở giai đoạn Ngũ đình tâm, biệt tướng niệm, tổng tướng niệm của Tiểu thừa Phàm phu vị. A tăng kỳ kiếp thứ hai tương đương với Noãn vị của Tiểu thừa Hiền vị. Mãn a tăng kỳ kiếp thứ ba tương đương với Đảnh vị của Tiểu thừa. Qua ba đại A tăng kỳ kiếp mới là giai đoạn tu nhân 32 tướng đại nhân, tiến lên từ Nhẫn vị vào Thế đệ nhất vị là thành Phật. Đây là nhân gian Phật thân sắc vàng một trượng sáu của phàm phu và Tiểu thừa. Trong quá trình tu hành, các Ngài không đoạn phiền não mà tu lục độ, còn bậc thánh Tiểu thừa đoạn phiền não mà không tu lục độ. Vì thế, các Ngài là Đại thừa Bồ tát chứ không phải là phàm phu và bậc thánh Tiểu thừa.

Bồ tát Thông giáo là loại căn khí chứng cả Tam thừa, lấy giai đoạn Thập địa khái quát thứ lớp của Tam thừa. Sơ địa là phàm phu của Sơ tín; Nhị địa là bậc Hiền; Tứ địa bằng với thánh nhân Sơ quả của Tiểu thừa; Ngũ địa bằng với Nhị quả Tiểu thừa; Lục địa bằng với Tam quả Tiểu thừa; Thất địa đồng với Tứ quả A la hán của Tiểu thừa; Bát địa đồng với Bích chi ca Phật vị của Tiểu thừa; Cửu địa từ “Không ra Giả”, đắc pháp nhãn và tập khí sắp hết, vì thế gọi là Bồ tát địa; địa thứ mười là Phật địa. Thất địa trở về trước thông cả Tam thừa. Bát địa thông với Bích chi ca Phật. Tam thừa này tuy mỗi thừa đều riêng bất đồng, song lại có nhiều đặc tính chung, đồng quán Vô sinh, đồng chứng Vô học, đồng thoát khỏi Phần đoạn (tam giới) sinh tử, đồng nhập vào Hoá thành Niết bàn (không sinh tử), vì thế gọi là thông giáo.

Bồ tát của Biệt giáo là một loại chuyên nhiếp căn khí giới ngoại (ngoài tam giới), vì căn khí bất nhất cho nên gọi là Biệt giáo. Tất cả phân 52 cấp bậc, đây là cách phân cấp thông thường quen nói, cũng là một cách phân cấp mà chúng tôi cần phải giới thiệu kỹ càng.

Bồ tát của Viên giáo cùng Biệt giáo bất đồng, Biệt giáo là lần lượt tiệm tu, Viên giáo là nhất tâm trọn đủ, chỗ gọi là dùng viên văn, viên tu mà tu viên hạnh. Cấp bậc của Biệt giáo là riêng biệt và phải theo cấp tu chứng. Viên giáo tuy cũng có cấp bậc sai biệt của phàm phu, Hiền thánh, nhưng cấp nào cũng tương dung, bậc nào cũng tương nhiếp. Phàm phu vị (Ngoại phàm ngũ phẩm) của Viên giáo cũng được gọi là Phật, đó là Quán hạnh tức Phật.

Bậc Hiền vị (Nội phàm Thập tín) được gọi là Tương tự tức Phật, bậc Thánh (Thập trụ) vị được gọi là Danh tự tức Phật, còn phải trải qua Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, rồi đến Diệu giác vị mới gọi là Cứu cánh tức Phật. Sơ tín của Viên giáo cũng được gọi là thành Phật, nhưng đó chỉ là biết bổn tánh của chính mình là Phật, chứ không phải là Phật của cứu cánh viên mãn.

III. NĂM MƯƠI HAI CẤP BẬC BỒ TÁT

Trong các kinh Đại thừa Bồ tát Giới có đề cập đến cấp bậc của Bồ tát, chỉ có Kinh Phạm Võng và Kinh Anh Lạc. KinhPhạm Võng quyển thượng lấy Tập chủng tánh, Trưởngdưỡng tánh và Tánh chủng tánh, Bất khả hoại tánh, Đạo chủng tánh, Chánh pháp tánh để nói về cấp bậc thứ lớp của Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Phật địa; và Thập phát thú, Thập trưởng dưỡng, Thập kim cương, Thập địa để biểu đạt công năng tác dụng Hiền thánh của Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa. Văn tự của Kinh Phạm Võng tối tăm khúc mắc, rất khó hiểu, và lại có người cho rằng: Kinh mạo, không đủ làm tin (Điều này sẽ bàn kỹ ở đoạn sau), vì thế chúng tôi căn cứ vào Kinh Anh Lạc để giới thiệu.

Bồ tát trong Kinh Hoa Nghiêm cộng phân có 52 cấp bậc, trên thực tế có thể được gọi là Hiền và Thánh chỉ có 42 cấp bậc, lại vì một cấp bậc sau chót là Phật, nên cấp bậc Hiền thánh của Bồ tát chỉ có 41, cộng thêm mười cấp bậc phàm phu (giả danh) Bồ tát thành ra 51 cấp bậc.

Kinh Anh Lạc cũng đem sáu giai đoạn lớn của Thập trụ,Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác phân thành sáu tánh vị là: Tập chủng tánh, Tánh chủng tánh, Đạo chủng tánh, Thánh chủng tánh, Đẳng giác tánh, Diệu giác tánh, đại khái tương tự với Kinh PhạmVõng và có chút bất đồng. Các nhà Duy Thức thêm Tứ giahạnh vị vào sau Thập hồi hướng thành ra 56, thông thường vẫn lấy cách phân của Hoa Nghiêm làm chủ yếu.

Quá trình học Phật của chúng ta là ba A tăng kỳ kiếp vun trồng phước huệ, trăm kiếp tu tướng hảo. Đây là bắt đầu kể từ khi tiến vào Thập trụ của Hiền vị. Thập tín vị của giai đoạn phàm phu trước Hiền vị không được bao gồm trong ấy. Theo Kinh Anh Lạc nói: “Phật tử tu hành mười tâm này hoặc trải qua một kiếp, hai kiếp mới được nhập vào Sơ trụ vị”. Đây là nói từ lúc đầu tiên phát tâm tin Phật học Phật, tu hành liên tục không gián đoạn, phải trải qua từ một đến ba kiếp mới có hy vọng tiến vào cấp bậc Sơ trụ Bồ tát của Hiền vị, nhưng Luận Đại Thừa Khởi Tín nói:”Tu hành tín tâm trải qua một vạn kiếp “, nghĩa là: Từ lúc mới phát tâm đến tín tâm công đức thành tựu và tiến vào Sơ trụ vị, cần phải trải qua thời gian mười ngàn đại kiếp! Đây so với Kinh Anh Lạc nói, lâu xa hơn quá nhiều. Nhưng ở đây có một cách giải thích: Tâm chí của phàm phu là không kiên cố, không chân thật, vì thế trong mấy mươi năm của một đời người ngắn ngủi cũng khó làm đến tán tâm bất thoái, hoạt động của thân tâm phàm phu đều là thiện ác lẫn lộn, nửa tin nửa nghi, hà huống chúng ta ở trong dòng nước biển lớn sinh tử chìm nổi, lên xuống luân hồi không thôi! Đời này tin Phật, học Phật, nếu nguyện lực không kiên cố, tín tâm không chân thật, hành vi không thanh tịnh, ý niệm không chính xác, đời sau lại rất khó tin Phật pháp. Nhưng đã từng vun trồng nhân tố tin Phật, qua một thời gian tương đương sẽ hiển hiện lại, sẽ tin Phật, học Phật lại, giống như bỏ một hạt cát có màu vào trong một chum nước đục, rồi dùng cây gậy quậy nó, hạt cát có màu ấy tất nhiên sẽ thường thường hiện ở trên mặt nước, lại thường thường chìm ở trong nước, và cơ hội hiển hiện ở trên mặt nước rất ít, còn cơ hội chìm trong nước rất nhiều, trừ phi lấy nó đem ra khỏi nước mới được một phen hiển hiện. Phàm phu tin Phật, học Phật, tình trạng cũng giống như vậy. Nhân vì tín tâm và nguyện lực của con người đều riêng có sai khác, vì thế, quá trình thời gian của sự học Phật cũng đều riêng có dài, ngắn, sai khác, bất đồng. Nói mười ngàn đại kiếp hoặc một, hai, ba kiếp, đó cũng chỉ là nói đại khái về đơn vị thời gian. Nếu như tín tâm kiên định, nguyện lực kiên cố, có thể ở trong một, hai, ba kiếp, cho đến chẳng cần một, hai, ba kiếp, cũng có thể tiến nhập vào Hiền vị của Sơ trụ. Vì thế, Viên giáo có nói: Người thượng căn một đời liền nhập vào Sơ trụ vị (tương đương với Phật vị của Tạng giáo); trái lại, nếu như tín tâm bạc nhược nguyện lực không kiên cố, căn khí hạ liệt, giả sử trải qua mười ngàn đại kiếp cũng chưa chắc có thể tiến nhập vào cấp bậc Sơ trụ.

Nay đem 52 cấp bậc của 6 giai đoạn lớn chia ra trình bày như sau:

1. Thập tín vị

Thập tín còn được gọi là Thập tín tâm, đó là: Tín tâm, Niệm tâm, Tinh tấn tâm, Huệ tâm, Định tâm, Bất thoái tâm, Hồi hướng tâm, Hộ pháp tâm, Giới tâm và Nguyện tâm.

Trong sự lần lượt thăng tấn của 10 cấp bậc này, Bồ tát phải điều phục kiến hoặc và tư hoặc của tam giới. Kiến hoặc là tất cả vọng kiến như ngã kiến và biên kiến. Tư hoặc là tất cả phiền não như những mê tình của tham, sân, si. Trong Thập tín vị này tuy không thể đoạn trừ sạch hết kiến hoặc, tư hoặc, nhưng phải điều phục nó, không cho nó tiếp tục gây họa. Bằng không, không thể nào nhập vào Hiền vị, hằng bị phiền não của tam giới trói buộc, vĩnh viễn trầm luân trong dòng nước xoáy lớn sinh tử của tam giới.

2. Thập trụ vị

Thập trụ còn được gọi là Thập trụ tâm, đó là: Phát tâm trụ, Trị địa tâm trụ, Tu hành tâm trụ, Sinh quý tâm trụ, Phương tiện cụ trúc tâm trụ, Chánh tâm trụ, Bất thoái tâm trụ, Đồng chân tâm trụ, Pháp vương tử tâm trụ và Quán đảnh tâm trụ.

Trong Thập trụ vị này, Sơ trụ đoạn trừ kiến hoặc của tam giới nội, Đệ thất trụ đoạn trừ tư hoặc của tam giới nội, đến đây không còn bị các phiền não tham, sân, si làm mê hoặc; vì thế không còn tiếp tục gia tăng nghiệp lực sinh tử, được chứng nhập vào cảnh giới của Vị bất thoái. Đệ bát trụ trở lên đoạn từ trần sa của tam giới nội, điều phục trần sa của tam giới ngoại. Trần sa là một thứ hoặc của ba hoặc (Kiến tư, Trần sa, Vô minh) của Tông Thiên Thai lập. “Kiến tư hoặc” chướng ngại đạo Niết bàn của chúng ta và khiến cho trầm luân sinh tử. “Trần sa hoặc” chướng ngại đạo Bồ đề hoá độ chúng sinh của chúng ta và khiến cho không thể thành Phật. Ở đây gọi Trần sa cũng tương tự như Tông Duy Thức gọi là Sở tri chướng. Do sở tri có chướng nên không thể thông đạt pháp môn độ chúng sinh nhiều như số trần sa (cát bụi), vì thế gọi là Trần sa. Trong 10 vị này dùng pháp quán tưởng “từ Giả nhập Không” được thấy lý chân đế mà khai huệ nhãn thành Nhất thiết trí. “Không trí”biết suốt tất cả các pháp đều là tịch diệt nhất tướng, gọi trí đó là Nhất thiết trí. “Tịch diệt, Không, Như” là thật tướng của vạn pháp, vì thế gọi là lý chân đế.

3. Thập hạnh vị

Thập hạnh còn gọi là Thập hạnh tâm, đó là: Hoan hỷ tâm hạnh, Nhiêu ích tâm hạnh, Vô sân hận tâm hạnh, Vô tận tâm hạnh, Ly si loạn tâm hạnh, Thiện hiện tâm hạnh, Vô trước tâm hạnh, Tôn trọng tâm hạnh, Thiện pháp tâm hạnh và Chân thật tâm hạnh.

Trong Thập hạnh vị này, thứ lớp đoạn giới ngoại trần sa, dùng pháp quán tưởng “từ Không nhập Giả”, lấy lý tục đế mà khai thị pháp nhãn thành Đạo chủng trí. Đạo chủng trí còn được gọi là Đạo chủng huệ. Đạo cũng có thể hiểu là pháp môn. Pháp môn có vô lượng, Đạo cũng có vô lượng, trí tuệ thông đạt đạo vô lượng được gọi là Đạo chủng trí. Từ chân đế mà nói, thật tướng các pháp là “Không, Như, Tịch diệt”, nhưng muốn thể hội thật tướng các pháp cần phải từ Giả tục nhập vào Chân. Nhân vì sự tồn tại của chúng sinh là tồn tại ở trong giả tướng, hoặc tục đế của huyễn hữu hư vọng, lợi dụng trí huệ thông đạt vô lượng pháp môn này để tự cứu mình và cứu người, đó là từ “Không nhập Giả”, là thấy lý tục đế. Đoạn trước nói “Huệ nhãn” là chỉ cho thấy “lý chân đế” là trí tuệ biết thật tướng các pháp. Ở đây nói “ Pháp nhãn” là chỉ cho đắc đến “lý tục đế”, là trí tuệ thông đạt pháp môn cứu độ chúng sinh.

4. Thập hồi hướng vị

Thập hồi hướng vị còn gọi là Thập hồi hướng tâm, đó là: Cứu độ nhất thiết chúng sinh ly chúng sinh tướng hồi hướng tâm, Bất hoại hồi hướng tâm, Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng tâm, Chí nhất thiết xứ hồi hướng tâm, Vô tận công đức hồi hướng tâm, Tuỳ thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng tâm, Tuỳ thuận đẳng quan nhất thiết chúng sinh hồi hướng tâm, Như tướng hồi hướng tâm, Vô phược giải thoát hồi hướng tâm, Pháp giới vô lượng hồi hướng tâm.

Mười cấp bậc của Thập hồi hướng tâm này điều phục vô minh, tu tập trung quán. Ở đoạn trước đã nói vô minh cũng là một hoặc trong ba hoặc của Tông Thiên Thai lập ra: Kiến tư hoặc chướng ngại đạo Niết bàn, Trần sa hoặc chướng ngại đạo Bồ đề, Vô minh hoặc chướng ngại đạo Trung quán. “Bất chân bất tục; tức chân tức giả” thấy thật tướng tịch diệt của chân đế, nhưng không kẹt vào trên một niệm của tịch diệt; thấy tục đế hư huyễn, vì thế tuỳ thuận hoá đạo mà không nhiễm tục tình, đấy là đạo lý trung quán. Vô minh là một thứ phiền não vi tế, dứt đi một phần vô minh liền chứng được một phần đạo lý trung quán. Thập hồi hướng vị chỉ là điều phục vô minh. Sơ địa trở lên mới có thể lần lượt đoạn vô minh. Vô minh từng phần đoạn trừ, Thánh vị từng địa lên cao, thẳng đến Đẳng giác Bồ tát đoạn hết một phần vô minh rốt mới vào Phật địa, thành Đẳng chánh giác. Vì thế, ngay trong Thập hồi hướng vị còn chưa chứng đắc Trung đạo quán, chỉ do điều phục vô minh mà tu tập trung quán. Nhưng từ Đệ bát trụ đến Thập hồi hướng viên mãn đã là tu hành trung đạo đến Đệ nhị bất thoái của ba bậc bất thoái, đây gọi là Hạnh bất thoái. Cũng là nói Đạo giải thoát sở chứng đã cùng với Trung đạo đệ nhất nghĩa đế hợp nhất tương ưng mà thành.

Đến vấn đề thoái cùng bất thoái, Kinh Anh Lạc có nói như vầy: Nếu một kiếp, hai kiếp cho đến mười kiếp tu hành Thập tín, được vào Thập trụ, người này từ Sơ trụ đến Đệ lục trụ, nếu tu một độ thứ sáu Bát nhã ba la mật của lục độ, chánh quán hiện tiền, lại gặp được chư Phật, Bồ tát, thiện tri thức hộ niệm, tiến lên Đệ thất trụ thường trụ bất thoái. Lại nói: Nếu không gặp thiện tri thức hoặc một kiếp, hai kiếp cho đến mười kiếp thoái Bồ đề tâm; trong thời gian ấy, vì gặp nhân duyên xấu ác thoái nhập vào trong phàm phu không thiện không ác, không được gọi là Tập chủng tánh, thoái nhập vào ngoại đạo hoặc một kiếp hoặc mười kiếp cho đến ngàn kiếp làm đại tà kiến và ngũ nghịch, không có điều ác nào không tạo, đây là “Thoái tướng”. Do đây đủ thấy Bồ tát tu hành phải lấy Bát nhã (trí huệ) làm chủ yếu, không tu Bát nhã không thể nhập vào Đệ thất trụ vị, không nhập vào Đệ thất trụ vị thì khó bảo đảm bất thoái. Nếu một phen bị lui sụt tuy đến Lục trụ cũng có thể làm ác, ngàn kiếp không biết quày đầu.

5. Thập địa

Địa có nghĩa là hay sinh, hay chở; hay sinh ra ở vô lượng pháp môn của vô lượng công đức, hay chở vô lượng chúng sinh đến cứu cánh Phật địa. Địa nào cũng hay sinh, địa nào cũng hay chở; khả năng địa ở bậc trên rộng lớn hơn địa ở bậc dưới, thẳng đến cứu cánh Phật địa là đồng hư không khắp pháp giới rộng lớn không ngằn mé, cao sâu không giới hạn. Thập địa là: Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm huệ địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa và Pháp vân địa.

Từ Sơ trụ đến Thập hồi hướng cộng chung có 30 cấp bậc là Hiền giả vị của Bồ tát, thông thường gọi tắt là Tam hiền vị. Một niệm sau cùng của thập hồi hướng trước tiên phá một phần vô minh nhập vào Sơ địa. Thập địa tu tập Trung đạo quán, dùng Trung đạo quán phá một phần vô minh hiển một phần tam đức mà chứng Đệ tam bất thoái là Niệm bất thoái, khai Phật nhãn, thành Nhất thiết trí. Sơ địa trở lên là Thánh vị Bồ tát.

Sự phân biệt giữa Thánh vị và Hiền vị là có tu chứng Trung đạo quán hay không. Chỉ cần tu một phần Trung đạo quán là phá một phần vô minh, hiển một phần tam đức. Trí huệ phá trừ vô minh và hiển hiện tam đức được gọi là Phật nhãn. Ở đây nói Phật nhãn thật ra là chỉ cho trí tuệ thể chứng bất chân bất tục và tức giả tức chơn mà thôi. Thể chứng được đạo lý chân tục viên dung là khai mở Phật nhãn, nhưng đây tuyệt không phải chỉ nói trên cửa miệng, mà nhất định phải sau khi thân chứng tâm tánh triệt để mới kể. Biết được tất cả pháp, tất cả tướng “Không, Như, Tịch diệt”; lại biết được các thứ phân loại sai biệt của tất cả pháp, tất cả tướng, trí huệ của không hữu song chiếu chân tục viên dung như thế, gọi là Nhất thiết chủng trí. Kỳ thật, Trung đạo quán, Phật nhãn, Nhất thiết chủng trí đều là chỉ cho trí huệ hay phá vô minh hay hiển tam đức mà thôi. Hiển tam đức rồi mới nhập vào thánh vị.

Tam đức là bí mật tạng Đại Niết bàn, đó là: Thể chứng bản thể Phật tánh, gọi là Pháp thân đức; rõ biết tất cả pháp tướng đúng như thật, gọi là Bát nhã đức, xa lìa tất cả hệ phược được đại tự tại, gọi là Giải thoát đức. Vì thế sinh tử của Bồ tát từ Sơ địa trở về trước là do nghiệp lực quyết định, không được tự chủ. Sinh tử của Thánh vị Bồ tát từ Sơ địa trở lên là do nguyện lực của chính mình quyết định, có thể tự do làm chủ.

Niệm bất thoái là chỉ cho trình độ rõ biết bản tế của Sinh tử và Niết bàn, của Phiền não và Bồ đề. Sinh tử Niết bàn, Phiền não Bồ đề bất nhất, bất dị (không một, không khác), niệm niệm được cùng Phật trí tương ưng. Vì thế, Bồ tát từ Sơ địa trở lên có thể tự do hoá hiện, tuy là Bồ tát mà có thể phân thân trăm cõi, xuất hiện với tư thái Đức Phật giáo hoá chúng sinh hữu duyên. Nhưng muốn cứu cánh thành Phật còn phải trải qua các địa phá trừ vô minh, mỗi địa phần chứng trung đạo, mỗi địa hiển thêm tam đức, mỗi địa khai mở một phần Phật nhãn. Đến đệ thập Pháp vân địa phá thêm một phần vô minh nữa, tiến vào cấp bậc Đẳng giác của Nhất sinh bổ xứ. Đẳng giác nghĩa là tương đẳng với Phật nhưng còn có chút bất đồng. Đến vị Đẳng giác Bồ tát, trừ Đức Phật ra không ai biết được chỗ bất đồng giữa Đẳng giác và Phật.

Chữ “Sinh” của Nhất sinh bổ xứ là chỉ cho còn có một phần biến dịch sinh tử chưa liễu thoát. Phàm phu và Bồ tát Hiền vị có sự sinh tử của xuất thai nhập thai mà lại già bệnh chết, gọi là Phần đoạn sinh tử. Bồ tát thánh vị từ Sơ địa (Kinh Anh Lạc nói từ Bát địa) trở lên thoát ly phần đoạn sinh tử của tam giới. Các Ngài mỗi khi phá một phần vô minh, tiến lên một tầng, cũng gọi là sinh tử, đó là Biến dịch sinh tử; chỉ còn một phần vô minh, chỉ còn tiến lên một bậc Đẳng giác Bồ tát nữa, thì gọi là Nhất sinh bổ xứ. Nhưng cũng có thể giải thích là còn có một lần bát tướng thành đạo: Từ cung tời Đâu Suất giáng sinh xuống nhân gian, nhập thai, xuất thế, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, Niết bàn, chẳng còn thọ sinh nữa.

Từ trên đã giới thiệu sơ lược về cấp bậc của Bồ tát, nếu muốn luận kỹ mỗi một cấp bậc đều có ý nghĩa bất đồng, vì giới hạn của nội dung quyển sách này chỗ này chỉ có thể trình bày như thế.

IV. BIỂU ĐỒ GIẢI THÍCH VỀ CẤP BẬC TỪNG LỚP CỦA BỒ TÁT

Để tiện cho độc giả ghi nhớ, chúng tôi đem kiếp số từng lớp và quả báo thế gian của các cấp bậc Bồ tát phân làm hai biểu đồ như sau:

cuong_yeu_gioi_luat_9_244093175

cuong_yeu_gioi_luat_10_847782073

Về cách tính thời gian thành Phật, trong Phật điển có nhiều thứ, trong biểu đồ này là do bút giả căn cứ vào tư liệu tham khảo tổng hợp mà thành, chính xác hay không còn chờ bậc cao minh ấn chứng.

Kiếp là gọi tắt của chữ kiếp ba (kalpa) của Phạn ngữ, thông thường người Ấn Độ dùng làm đơn vị tính thời gian, vì thế ứng dụng của chữ kiếp rất là rộng rãi hàm nghĩa của kiếp cũng có ngắn, dài. Nhưng kiếp thường được giải thích như sau: con người thọ từ 8 vạn 4 ngàn tuổi cứ 100 năm giảm một tuổi, dần dần giảm đến con người thọ 10 tuổi, rồi lại từ 10 tuổi cứ 100 năm tăng lên một tuổi, dần dần tăng đến con người thọ 8 vạn 4 ngàn tuổi. Quá trình một thời gian một lần giảm, một lần tăng như thế, gọi là một tiểu kiếp, 20 tiểu kiếp là một trung kiếp, 4 trung kiếp là một đại kiếp. Thông thường trong kinh nói bao nhiêu kiếp là chỉ cho đại kiếp.

A tăng kỳ là dịch âm chữ Phạn: Asamkhya, nghĩa là vô lượng số, đây là một thứ tên gọi con số lớn của Ấn Độ, nếu hỏi một A tăng kỳ là bao nhiêu? Có thể miễn cưỡng đáp: Lấy vạn vạn làm một ức, lấy vạn ức làm một triệu, thời gian một A tăng kỳ ước lượng là một ngàn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu kiếp. Đây là thời gian rất dài, nhưng theo cách tính của Kinh Anh Lạc lại có sự bất đồng, ở đây không cần nêu ra.

Đem 52 cấp bậc phối với ba kỳ trăm kiếp cũng có nhiều thuyết. Có thuyết phân chia theo thời gian, đem Thập tín vào trong A tăng kỳ kiếp thứ nhất đến Thập địa là mãn ba A tăng kỳ kiếp, lại thêm trăm kiếp tu 32 tướng, 80 vẻ đẹp. Một trăm kiếp này có phải ở trong giai vị Đẳng giác hay không, cũng không thấy trong kinh nói rõ, cứ suy lý thì có vẻ ở trong giai vị Đẳng giác. Có thuyết phân chia theo con số cúng dường chư Phật, như Đại sư Trí Giả căn cứ vào thuyết của Luận Trí Độ, Luận Câu Xá, Luận Bà Sa nói: Gặp bảy vạn năm ngàn Đức Phật là A tăng kỳ kiếp đầu tiên, lại gặp bảy vạn sáu ngàn Đức Phật là A tăng kỳ kiếp thứ hai, lại gặp bảy vạn bảy ngàn Đức Phật nữa là mãn A tăng kỳ kiếp thứ ba. Ba kỳ hoàn thành, lục độ tu xong, lại trải qua trăm kiếp tu nhân tướng hảo mới thành Phật quả. Nếu căn cứ vào thuyết của Kinh Hiền Ngu thì: A tăng kỳ kiếp đầu tiên cúng dường tám vạn tám ngàn Đức Phật, A tăng kỳ kiếp thứ hai cúng dường 9 vạn 9 ngàn Đức Phật. A tăng kỳ kiếp thứ ba cúng dường mười vạn Đức Phật.

Trên thực tế, số kiếp thời gian dài ngắn và cúng dường chư Phật nhiều ít, đều là căn cứ vào căn khí sâu cạn và trình độ nỗ lực của mỗi người mà định. Nếu căn khí sâu dày và lại nỗ lực không lười mỏi thì ba đại A tăng kỳ kiếp có thể sẽ không dài đến như thế. Nếu như căn khí cạn mỏng mà lại buông lung biếng nhác, ba đại A tăng kỳ kiếp còn dài hơn đã nói ở trên. Đến như cúng dường chư Phật nhiều ít lý cũng như vậy. Nếu kiền thành cúng dường, sống chết không thay đổi, suốt đời chăm lo thì công đức cúng dường một Đức Phật cũng rất lớn. Nếu như biếng nhác, tâm ý không thành kính, ngẫu nhiên cúng dường, trong suốt một đời cũng khó cúng dường được hai, ba lần. Như vậy, tuy cúng dường ngàn Phật, vạn Phật, công đức vẫn không nhiều. Vì thế, chúng ta học Phật không cần tính thời gian dài ngắn, chỉ cần hỏi mình có hết lòng hay không? Theo trong kinh nói, Thế Tôn Thích Ca cùng Bồ tát Di Lặc đồng thời phát tâm, vì Đức Phật Thích Ca tinh tấn nên thành đạo trước, ngài Di Lặc giải đãi cho nên đến sau, đây là một bằng chứng rõ ràng. Lại như Phật ở trên hội Pháp Hoa thọ ký thành Phật cho các đại đệ tử: Ma ha Ca Diếp phải phụng thờ ba trăm vạn ức Phật rồi sau mới thành Phật; Ca Chiên Diên phải cúng dường hai vạn tám ngàn ức Phật, sau mới thành Phật; Mục Kiền Liên phải cúng dường hai trăm vạn ức tám ngàn Đức Phật, sau mới thành Phật; trong đó, con số cúng dường chư Phật cũng đều bất đồng.

1. Biểu đồ nói về Bồ tát đoạn hoặc và quả báo thế gian (Xem trang bên)

cuong_yeu_gioi_luat_11_711020727

Bồ tát vốn là xuất thế mà không lìa thế gian, vì đoạn phiền não nên phải xuất thế, vì độ chúng sinh nên phải ở thế gian. Bồ tát ở tại thế gian tự phải theo phước đức của mình cảm được quả báo thế gian. Nhưng đây chỉ là quả báo của thế gian đáng được của Bồ tát, không đồng với sự bắt buộc phải có quả báo thế gian, bởi vì Bồ tát cấp bậc càng cao thì phạm vi càng lớn và phẩm loại hoá hiện cao, cũng có thể hoá hiện thấp, như Bồ tát Đẳng giác được cảm quả báo Tam Giới Vương (vua tam giới) cũng có thể hoá làm vua của tam đồ, đến trong địa ngục, ngạ quỷ thì làm quỷ vương, đến trong súc sinh thì làm thú vương, trong loài ngưới làm nhân vương, cho đến hoá làm Tam giới vương. Cho nên cũng không thể khẳng định Bồ tát một cấp bậc nào nhất định phải cảm được quả báo thế gian ở một đẳng cấp nào. Đẳng cấp của quả báo, mỗi cấp bậc đều có một hạn độ cao nhất, trong biểu đồ liệt kê là hạn độ cao nhất của quả báo của các cấp bậc mà thôi. Điểm này chúng ta cần phải hiểu rõ, đồng thời chúng ta từ trên trình độ của phần vị đoạn hoặc cũng có thể tự mình xét nét công phu tu trì của mình cứu cánh đã đến cấp bậc nào? Không nên quên lãng điều phục kiến hoặc tuy có kết quả là không bị thiên kiến, ngã kiến làm mê hoặc; cũng như điều phục tư hoặc tuy có kết quả là không bị tham, sân, si chuyển động, nhưng vẫn còn ở trong giai đoạn phàm phu của Thập tín vị mà thôi. Ngày nay có một vài người tự cho rằng mình tự khai ngộ, kiến đạo, nhập Hiền, xuất Thánh, tôi tin rằng đa số họ qua không nổi sự khảo nghiệm.

V. BỒ TÁT HẠNH PHẢI NHƯ THẾ NÀO?

Được người gọi là Bồ tát là rất dễ dàng, chính mình muốn được gọi là Bồ tát cũng rất dễ dàng, nhưng muốn chân chính làm đến hành vi của Bồ tát thì khó lắm! Bồ tát tuy phân chia ra phàm phu và Hiền Thánh, không cần Bồ tát mới phát tâm làm được như Bồ tát thánh vị, nhưng mục tiêu của Bồ tát hạnh vẫn là một, ước vọng của Bồ tát đạo là tương đồng. Chúng ta tuy chưa từng đạt đến mục tiêu nhưng chẳng nên không có ước vọng. Nhân đây tôi xin trích một đoạn văn trong Bồ tát Nội Giới Kinh để tham khảo: “Bồ tát đạo rất khó, ta (Phật) đã không tiếc thân mạng hy sinh rất nhiều để cứu tế chúng sinh.

Làm một vị Bồ tát dĩ nhiên không được làm ác và tạo tội nhưng vì cứu độ chúng sinh cũng quyết không sợ vì cứu chúng sinh mà chính mình phải làm ác tạo tội.

Lúc nghiệp báo của đời trước đến, hoặc lúc chủ nợ đến đòi, Bồ tát chỉ vui vẻ đón rước mà không sợ hãi, bởi vì lúc đó tội nghiệp của mình sớm được tiêu trừ.

Làm một vị Bồ tát thọ trì Phật pháp là phải sống hoàn toàn như pháp, thọ Phật giới rồi phải sống thanh tịnh đúng như luật.

Bồ tát phải có tín tâm kiên cố mới được cứu cánh thành Phật, phải học rộng các thứ tri thức trong ngoài mới có thể tuỳ thuận giáo hóa chúng sinh một cách rộng lớn; phải dùng tâm từ bi, lời nói dịu dàng khi đến gần gũi chúng sinh, không nên trái lại làm tổn thương người khác.

Bồ tát tuy không ngại gì sống chung với vợ con, nhưng phải xem như ngăn ngừa oan gia, cẩn thận đề phòng vợ con phá hoại đạo niệm của mình. Tuy cẩn thận đề phòng vợ con như nuôi oan gia, mà không bao giờ được đem thái độ oan gia đối đãi với vợ con, phải thường có lòng thương yêu và săn sóc.

Bồ tát phải xem người nữ như kẻ dữ, rắn độc, nhưng cũng không sợ sự phá hoại và dao động của ái dục, vì tâm địa của Bồ tát thanh tịnh như hoa sen, tuy sinh ở trong bùn nhơ nhưng không dính bùn nhơ. Bồ tát là người ly dục, xa dục, tuy vì độ chúng sinh mà vào trong trận tuyến ái dục, nhưng lại không nhân đây mà bị ái dục làm nhiễm ô.

Bồ tát ở một mình trong núi sâu không cảm thấy sợ hãi. Tuy vẫn sinh hoạt với vợ con trong gia đình mà vẫn xem như sống một mình trong núi sâu. Tâm thường vui vẻ, an tịnh, không có tư tưởng phân biệt thống khổ và an lạc.

Làm một vị Bồ tát chân chính phải có thể vào nước không chìm, vào lửa không cháy, có người muốn xin óc não liền cho người ấy óc não, có người muốn xin mắt thì cho người ấy con mắt, có người muốn xin mũi liền cho người ấy cái mũi, có người muốn xin vành tai thì cho người ấy vành tai. Giả sử đem thân cho cọp ăn cũng không tiếc thân mạng. Chỉ có như thế mới là công đức tôn quý của hàng Đại sĩ Bồ tát”.

Kinh văn trích dịch ở trên có thể là dịch chưa được hay theo nguyên ý, độc giả nếu có khả năng có thể tự tìm nguyên bản kinh văn đối chiếu. Kinh này in trong Đại ChánhTạng tập thứ 24, trang 1031 – 1032.

Bồ tát được thuật trong đoạn văn trên phần nhiều là chỉ Thánh vị, chứ chẳng phải hàng phàm phu có thể làm đến. Trên thực tế, như trong Kinh Anh Lạc nói, phàm phu của Thập tín vị là “Danh tự Bồ tát” hoặc “Giả danh Bồ tát”, đến Sơ địa rồi mới là “Thiệu Bồ tát vị” (nối ngôi vị Bồ tát) trở thành Bồ tát chân chính. Nhưng đã nguyện làm Phật thì phải mong làm Thánh, làm Hiền, để sau cùng đạt đến trình độ của Thánh vị.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567