Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: Sa Di Thọ Giới Và Trì Phạm Oai Nghi

13/04/201116:10(Xem: 4511)
Chương 4: Sa Di Thọ Giới Và Trì Phạm Oai Nghi

CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT
Hòa Thượng Thánh Nghiêm
Thích Nữ Tuệ Đăng dịch
Nhà xuất bản Thời Đại 2010

Thiên thứ năm: Sa Di Thập Giới Và Thức Xoa Lục Pháp
Chương 4: Sa Di Thọ Giới Và Trì Phạm Oai Nghi

I. THỨ LỚP CỦA SỰ THỌ GIỚI

Sa di xuất gia sau khi thay đổi trang phục, cần phải bàn đến vấn đề thọ giới. Sa di giới tuy lấy thập giới làm chủ yếu, nhưng trước tiên phải thọ tam quy ngũ giới rồi sau đó mới thọ thập giới. Ngũ Phần Luật và ThậpTụng Luật đều nói: “Trước truyền ngũ giới sautruyền thập giới”. Luận Tát Bà Đa cũng nói: “Trước dùng ngũ giới điều phục thân tâm, lòng tin ưa dần dần tăng thêm, mới truyền thập giới. Nếu không thọ ngũ giới mà lại thọ ngay thập giới, vị tăng truyền giới đắc tiểu tội. Nhân vì thất chúng giới là tiệm thứ giới phải thọ theo thứ tự, không được một phen tiến vào cửa Phật xuất gia liền thọ Sa di thập giới; đây là e ở trên tâm lý, người thọ giới chuẩn bị không kịp. Nhưng cũng có người mang ý kiến ngược lại, cho rằng ngũ giới là giới tại gia, đâu cần sau khi xuất gia lại phải thọ ngũ giới này. Kỳ thật, thọ thêm một lần chẳng phải là càng tốt sao? Trong luật đã có quy định như thế tại sao lại sợ phiền? Lại nữa, giới luật của Phật giáo là y theo quan niệm luân lý của xã hội loài người làm cơ sở xuất gia, giới có quan hệ đến luân lý và cũng là một thứ thăng hoa của yêu cầu ấy, nếu trước tiên không bắt đầu từ việc thọ ngũ giới, ấy là không có nền tảng. Căn cứ trong Tứ Phần Giới Bổn Tùy Giảng Biệt Lục của Đại sư Hoằng Nhất nói: “Cạo tóc xong, trước thọ ngũ giới điều phục thân tâm, suốt sáu tháng hầu hạ chúng tăng, lòng tin ưa dần dần tăng thêm… Đợi mãn hạn, Hòa thượng cho thọ thập giới”. Đây là càng nghiêm khắc hơn, trước thọ ngũ giới, sau nửa năm mới thọ Sa di thập giới.

Nhưng tại Trung Quốc, tiểu Hòa thượng vào chùa tư xuất gia rất ít khi cử hành nghi thức xuất gia đúng như luật, lại thiếu nghi thức thọ giới. Bất luận ngũ giới, thập giới, Tỳ kheo giới, toàn bộ đều giao vào tay của đạo tràng truyền giới chăm lo. Đạo tràng truyền giới của Trung Quốc cũng chỉ chiếu theo bộ sách “Truyền GiớiChánh Phạm” làm các việc xướng niệm, quỳ lạy trong mấy mươi ngày giống như diễn kịch y theo kịch bản làm một tuồng, kể là truyền giới đắc giới. Đạo tràng truyền giới chỉ chú ý sự quỳ lạy xướng niệm chỉnh tề đẹp mắt của số đông giới tử, mà không chú ý xem các giới tử có lãnh hội được ý nghĩa của sự thọ giới hay không? Có đắc giới hay không? Đến như tư cách của Giới sư có hợp với yêu cầu thấp nhất ở trong luật hay không, đó lại là điều không hỏi tới.

Nhân vì thầy thế độ của Trung Quốc không lo việc truyền giới căn cứ theo giới luật, thầy thế độ không phải là Thân giáo sư (Hòa thượng) mà chỉ đồng như Y chỉ sư hoặc Giáo thọ sư. Trên thực tế, Sa di thọ ngũ giới, thập giới là đều việc rất giản đơn. Tại sao các thầy thế độ của Trung Quốc lại bỏ một quyền lợi và nghĩa vụ thiêng liêng này?

II. NGHI THỨC THỌ GIỚI CỦA SA DI THẬP GIỚI

Trong quyển Truyền Giới Chánh Phạm của Đại sư Độc Thể biên đính, Sa di giới là trình tự của nghi thức sơ đàn. Nhân vì muốn dùng để thích hợp với sự truyền giới tập thể, thế nên phô trương hình thức rất lớn, nghi tiết cũng rất phiền phức. Kỳ thật, hình thức thọ Sa di thập giới không cần phải lớn đến thế ấy. Theo trong luật, truyền thọ Sa di thập giới chỉ cần một vị Hòa thượng, một vị Giáo thọ sư là đủ. Trong Tát Bà ĐaTỳ Ni Tỳ Bà Sa quyển 1 nói: “Lúc thọ thập giới, Hòathượng vắng mặt, cũng đắc thập giới. Nếu lúc thọ giới Hòa thượng chết, nếu nghe biết chết, giới thọ không đắc”. Đây là ý nói khi chúng ta thọ thập giới, Hòa thượng có thể vắng mặt. Nếu Hòa thượng đã chết mà không biết Ngài chết, người thọ thập giới vẫn được đắc giới. Lúc thọ thập giới Hòa thượng ở trước mặt, cố nhiên là đúng như pháp; đặc biệt Hòa thượng đi vắng, chỉ cần có một A xà lê cũng thọ được thập giới. Đây là một Phật sự cực kỳ giản đơn mà chư Tăng Trung Quốc thời gần đây lại xem nó là Phật sự lớn, thật là việc nhỏ mà xem thành việc lớn!

Trong thiên Sa di Biệt Hành của Hành Sự Sao, Luật sư Đạo Tuyên đối với sự biên đính nghi thức thọ thập giới cũng giản đơn như thế, phân ra làm ba môn:

1. Nhân duyên thọ giới: Như thỉnh được hai thầy, người xuất gia trước thọ tam quy ngũ giới rồi hỏi giá nạn (tội ác chướng giới).

2. Nói về giới thể: Dùng tam quy nạp thọ giới thể.

3. Nói về giới tướng: Tuyên nói điều văn của Sa di thập giới. Sau đó nói ngũ đức và thập số. Nghi thức thọ giới bèn viên mãn.

Nếu y chuẩn thông lệ của Phật sự Đại thừa, thêm phần phát nguyện hồi hướng là xong. Gần đây, Pháp sư Tục Minh chiếu theo trình tự này biên đính một nghi quỹ thọ thập giới rất sáng sủa và giản dị thiết yếu, hiện được in trên sách “Giới Học Thuật Yếu” do Pháp sư Tục Minh trứ tác, tôi xin chép ra đây để cùng tham khảo:

Cạo tóc và thọ ngũ giới rồi, người thọ giới ở trước Phật chí thành sám tội:

Trước kia đã tạo các nghiệp ác

Đều do vô thỉ tham sân si

Từ thân miệng ý mà sinh ra

Nay đối trước Phật đều sám hối”.

(nói 3 lần, lạy 3 lạy)

Sau khi sám tội, người thọ giới đến trước Hòa thượng Giới sư bái lễ, rồi quỳ gối chắp tay. Giới sư bèn hỏi giá nạn:

- Thiện nam tử lắng nghe! Bây giờ là lúc chí thành, lúc nói thật. Ta nay sẽ hỏi ông, ông phải đáp đúng sự thật.

- Ông có phạm biên tội chăng?

Đáp: Không.

- Ông có ô Tỳ kheo ni (Ni thì ô Tỳ kheo Tăng) chăng?

Đáp: Không.

- Ông có phải tặc trụ nhập đạo chăng?

Đáp: Không.

- Ông có phải huỳnh môn chăng?

Đáp: Không phải.

- Ông không phải giết cha chăng?

Đáp: Không phải.

- Ông không phải giết mẹ chăng?

Đáp: Không phải.

- Ông không phải giết A la hán chăng?

Đáp: Không phải.

- Ông không phải phá tăng chăng?

Đáp: Không phải.

-Ông không phải ác tâm làm thân Phật ra máu chăng?

Đáp: Không phải.

- Ông không phải là phi nhân chăng?

Đáp: Không phải.

- Ông không phải là súc sinh chăng?

Đáp: Không phải.

-Ông không phải người hai hình chăng?

Đáp: Không phải.

- Ông tên gì?

Đáp: Con tên…

- Hòa thượng của ông là ai?

Đáp: Đại Hòa thượng, thượng…, hạ…

- Ông bao nhiêu tuổi?

Đáp: Con… tuổi.

- Y bát của ông đầy đủ chăng?

Đáp: Đủ

- Cha mẹ (Ni thì thêm chồng) của ông có cho xuất gia không?

Đáp: Cho.

- Ông không phải là kẻ thiếu nợ người chăng?

Đáp: Không phải.

-Ông không phải là quân nhân, quân công hiện chức chăng?

Đáp: Không phải.

- Ông là trượng phu có các bệnh cùi, ung thư, tiểu đường, điên cuồng (Ni thêm vào hai đường tiểu tiện hợp chung, âm đạo nhỏ, đại tiểu tiện thường rỉ chảy, nước mũi, nước miếng chảy) chăng?

Đáp: Không.

Hỏi xong giá nạn, Giới sư bèn nói với người thọ giới rằng:

- Lục đạo chúng sinh phần nhiều bị giới chướng, con người tuy được thọ, nếu có giá nạn cũng không được thọ. Ông không có giá nạn nhất định được thọ giới. Ông phải phát tâm tăng thượng thệ độ tất cả chúng sinh. Giới là cội gốc của các thiện; hay làm chánh nhân của tam thừa. Giới là của báu trong Phật pháp hay hộ trì thiện pháp khiến chánh pháp trụ lâu ở đời ông nên nhất tâm lãnh thọ. Hãy bạch theo tôi:

- Con là… quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con nay theo Phật xuất gia, Ngài… làm Hoà thượng. Như Lai chí chân Đẳng giác là Thế Tôn của con (nói 3 lần, lạy 3 lạy, bèn đắc giới).

Dưới đây là tam kết:

Con là… quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi, Ngài… làm Hòa thượng. Như Lai chí chân Đẳng chánh giác là Thế Tôn của con (nói 3 lần, lạy 3 lạy).

Đã phát giới rồi, tiếp theo là nói giới tướng và vấn đáp:

- Suốt đời không sát sinh là giới của Sa di (ni) có trì được không?

Đáp: Trì được.

- Suốt đời không trộm cướp là giới của Sa di (ni) có trì được không?

Đáp: Trì được.

- Suốt đời không được dâm là giới của Sa di (ni) có trì được không?

Đáp: Trì được.

- Suốt đời không vọng ngữ là giới của Sa di (ni) có trì được không?

Đáp: Trì được.

- Suốt đời không uống rượu là giới của Sa di (ni) có trì được không?

Đáp: Trì được.

- Suốt đời không đeo tràng hoa thơm, không xoa dầu thơm vào thân là giới của Sa di (ni) có trì được không?

Đáp: Trì được.

- Suốt đời không ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật, không cố ý đến xem nghe là giới của Sa di (ni) có trì được không?

Đáp: Trì được.

- Suốt đời không nằm giường lớn cao rộng là giới của Sa di (ni) có trì được không?

Đáp: Trì được.

- Suốt đời không ăn phi thời là giới của Sa di (ni) có trì được không?

Đáp: Trì được.

- Suốt đời không cầm giữ vàng bạc vật báu là giới của Sa di (ni) có trì được không?

Nói giới tướng xong, tiếp theo nói ngũ đức của Sa di. Kinh Thỉnh Tăng Phước Điền nói: Sa di phải biết ngũđức:

1. Phát tâm xuất gia vì ôm lòng mộ đạo.

2. Hủy bỏ hình thể đẹp đẽ ứng hợp với pháp phục.

3. Cắt đứt vĩnh viễn sự thân ái vì không có thân sơ.

4. Liều bỏ thân mạng vì tôn sùng đạo.

5. Chí cầu đại thừa vì độ mọi người.

Sa di phải biết thập số:

1. Tất cả chúng sinh đều y vào thức ăn (phá ngoại đạo chủ trương tự nhịn đói)

2. Danh sắc (phá ngoại đạo tự nhiên)

3. Tưởng đau nhức (phá ngoại đạo chủ trương Phạm Thiên là nhân).

4. Tứ đế (phá vô nhân quả ngoại đạo).

5. Ngũ ấm (phá thần ngã ngoại đạo).

6. Lục nhập (phá nhất thức ngoại đạo).

7. Thất giác ý (phá ngoại đạo chủ trương không tu).

8. Bát chánh đạo (phá tà nhân ngoại đạo).

9. Cửu chúng sinh cư (phá sắc, vô sắc thiên chấp Niết bàn ngoại đạo).

10. Thập nhất thiết nhập (phá sắc không ngoại đạo).

Mười điều này quan hệ đến danh số pháp tướng, người sơ học không dễ gì hiểu nên tôi cũng lược bớt.

Sau cùng phát nguyện hồi hướng:

Thọ giới công đức thù thắng hạnh

Vô biên thắng phước đều hồi hướng

Nguyện khắp các chúng sinh chìm đắm

Chúng sinh mười phương tịnh độ Phật

Thập phương tam thế tất cả Phật

Hết thảy Bồ Tát Ma ha tát

Ma ha Bát nhã Ba la mật.

Phật sự thọ giới hoàn tất, người thọ giới lể tạ hai thầy và tiếp thọ sự đảnh lễ chúc mừng của thân bằng quyến thuộc và các cư sĩ xem lễ.

Hiện tại cần phải giải thích nội dung của giá nạn. Trong đó giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá tăng, làm thân Phật chảy ra máu, là tội ngũ nghịch ở trong thiên ngũ giới đã nói qua, không cần giảng lại.

Phi nhân là quỷ thần biến hóa. Súc sinh là rồng súc biến hóa. Hai hình là gồm cả hai bộ phận sinh dục của nam và nữ. Điều mười một từ “ông tên gì” trở xuống, văn nghĩa rõ ràng không cần giải thích. Cần phải giải thích là năm điều đầu tiên:

- Biên tội: Là chỉ người thọ Phật giới không xả giới mà lại phạm một trong bốn giới: Giết người, hành (tà) dâm, trộm cướp (5 tiền trở lên), vọng ngữ (tự xưng là Thánh hiền); bị bỏ ra ngoài biển lớn Phật pháp, không được thọ giới lại.

- Ô Tỳ kheo ni: Là chỉ cho người đã từng phá hoại giới phạm hạnh của Tỳ kheo ni thanh tịnh. Điều này ở trong Thiện Kiến Luật quyển 17 có nói kỹ càng: “Ở ba chỗ miệng, âm đạo, hậu môn” của Tỳ kheo ni hành dâm, đều gọi là hoại Tỳ kheo ni, nếu vuốt ve, xúc chạm Tỳ kheo ni thì không chướng xuất gia. Nếu đem y phục thế tục rồi ép Tỳ kheo ni mặc rồi hành dâm cũng gọi là hoại Tỳ kheo ni, chẳng được xuất gia. Nếu Tỳ kheo ni thích mặc y phục thế tục hành dâm thì không chướng xuất gia. Người đã ô hoại Tỳ kheo thanh tịnh cũng thành giới chướng.

- Tặc trụ nhập đạo: Là chỉ cho người lúc còn ở thế tục đã từng nghe trộm pháp yết ma của Tỳ kheo (hoặc Tỳ kheo ni), gọi là tặc trụ, không cho xuất gia.

- Phá nội ngoại đạo: Chỉ cho người vốn là ngoại đạo đến trong Phật pháp cầu độ xuất gia, sau trở lại làm ngoại đạo, bây giờ lại đến trong Phật giáo cầu xuất gia nữa với mục đích là tìm lấy khuyết điểm của Phật giáo, sưu tập tư liệu của Phật giáo để làm công tác phá hoại Phật giáo, vì thế không cho xuất gia.

- Huỳnh môn: Vốn là chức vụ hoạn quan trong cung cấm đời Đông Hán. Kinh Phật dùng danh từ này để chỉ cho người lúc nam lúc nữ, người chẳng phải nam chẳng phải nữ, người vừa nam vừa nữ. Nếu thu nhận họ xuất gia thì không thể xếp họ vào hàng ngũ Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni được; vì thế, hạng người này không được xuất gia.

Thọ trì Phật giới đều có chướng giới, đều có điều kiện, nhưng điều kiện của Tỳ kheo, Tỳ kheo ni rất nghiêm, yêu cầu rất cao, giới chướng rất nặng, giá nạn rất nhiều. Sa di, Sa di ni là cơ sở của Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, vì thế trước khi thọ Sa di thập giới phải hỏi những giá nạn của sự xuất gia này.

III. PHẠM VI VÀ TRÌ PHẠM CỦA SA DI GIỚI

Đoạn trước đã nói qua, Sa di giới tuy chỉ mười điều nhưng đối với Cụ túc giới của Tỳ kheo (Tỳ kheo ni) cũng được tùy tùng học tập và thủ trì. Ở chỗ này có một vấn đề là Sa di chưa thọ Cụ túc giới do đâu mà học Tỳ kheo giới? Vấn đề này dường như từ trước đến nay chưa có người hỏi tới. Tiểu chúng không được nghe thuyết giới và yết ma của đại chúng, vì thế Cổ đức phần nhiều đều nhận định người chưa thọ Cụ túc giới cũng không được duyệt học Đại giới, bằng không thì thành tặc trụ chướng thọ Đại giới, đã không được nghe cũng không được đọc, thì do đâu mà học tập? Cũng có người có thể từ trong sinh hoạt của Tăng đoàn thể nghiệm học hỏi, nhưng điều đó rốt cuộc không thành.

Thường thường Tỳ kheo mỗi nửa tháng nghe tụng giới một lần, cũng phải trải qua thời gian 5 năm mới có thể học tốt về giới luật, hà huống là Sa di. Vì thế tôi nghĩ, nguyên nhân người chưa thọ Cụ túc giới không được nghe giới, chủ yếu là phòng ngừa, nhân vì có Tỳ kheo phạm giới trong lúc thuyết giới yết ma phát lồ sám hối xuất tội, bị tiểu chúng hoặc người tục nghe rồi sinh ra tội khinh khi phỉ báng. Đến như điều văn giới tướng của Đại giới ít nhất đối với Sa di là có thể đọc, ngoại đạo và người tục không có chánh tín không nên cho họ đọc. Người thế tục ở các quốc gia Nam truyền có thể nghiên cứu Đại Luật, nguyên nhân khai lệ có lẽ cũng là căn cứ vào một quan niệm này.

Nhưng trong Tăng Kỳ Luật quy định Tỳ kheo nếu nói tên của ngũ thiên thất tụ cho người chưa thọ Cụ túc giới nghe, phạm tội Việt tỳ ni. Đây là một căn cứ có quyền lực, Tỳ kheo không nên cổ động tiểu chúng và người thế tục xem Đại Luật.

Nhưng, Cụ túc giới đối với Tỳ kheo, tỳ kheo ni phân làm ngũ thiên thất tụ, cũng là 7 loại tội hạnh của 5 thứ tội danh; đối với Sa di, Sa di ni chỉ có một thứ tội danh gọi là Đột kiết la, phạm tội Đột kiết la của Đại giới là Đột kiết la, phạm tội Ba la di của Đại giới cũng là Đột kiết la. Duy phạm Đột kiết la của 4 giới căn bản đầu của thập giới đáng bị trục xuất ra khỏi tăng đoàn gọi là Diệt tẩn. Nếu phạm giới “Khởi ác kiến” (cho rằng Phật nói hành dâm không phải là pháp chướng đạo) trong tội Ba dật đề của Đại giới, Tỳ kheo khuyên can Sa di ấy ba lần mà vẫn không bỏ ác kiến, cũng bị trục xuất ra khỏi tăng đoàn. Nếu phạm các giới khác đều có thể dùng Đột kiết la sám trừ.

Nhưng căn cứ vào Thiện Kiến Luật quyển 17 nói: Sa di có 10 điều ác phải bị diệt tẩn. Những gì là mười? Sát sinh, trộm cắp, dâm dục, dối trá, uống rượu, hủy báng Phật Pháp Tăng, tà kiến, hoại Tỳ kheo ni. Duy phạm 9 điều ác trước, nếu chí thành sám hối, khẩn thiết sửa lỗi, vẫn được thọ Tỳ kheo giới. Người “hoại Tỳ kheo ni” trong giá nạn là phạm 4 điều ác đầu trong 10 điều ác này, ở đây dường như nói: Phạm 4 biên tội, nếu chí thành khẩn thiết sửa lỗi tuy phạm biên tội vẫn có thể thọ Tỳ kheo giới.

Tiểu chúng tuy học Đại giới, nhưng cũng không phải là tùy học toàn bộ. Trong Thọ Giới Quy Tắc ghi ở KýQuy Truyện quyển 3 của Tam Tạng Nghĩa Tịnh nói:“Chỉ cần nơi Luật tạng không phạm 12 điều. Những gì là mười hai?

1. Không phân biệt y

2. Lìa y ngủ

3. Nhóm lửa

4. Túc thực

5. Hại sanh chủng

6. Bỏ đồ bất tịnh trên cỏ tươi

7. Tự leo lên cây

8. Cầm nắm vật báu

9. Ăn đồ ăn dư cách đêm

10. Đào đất

11. Không thọ thực

12. Nhổ cỏ chặt cây”.

Lại nói: “12 điều này hai chúng Sa di, Sa di ni không trì không lỗi, còn chánh học nữ không trì 5 điều sau thì phạm”.

Ở đây cần phải giải thích thêm:

1. Tỳ kheo có 3 y, Tỳ kheo ni có 5 y, vì thế có phận biệt trong trường hợp nào nên mặc đắp y nào. Sa di chỉ có 2 mạn điều; một là y trên, hai là y dưới, không có phân biệt.

2. Tỳ kheo, Tỳ kheo ni không được lìa 3 y ngủ, chủ yếu tại đại y. Sa di không có đại y vì thế không phạm.

3. Tỳ kheo không được nhóm lửa nấu ăn, Sa di có thể nhóm lửa nấu cháo cho Tỳ kheo bệnh ăn cho đến nấu cơm cho đại chúng dùng.

4. Tỳ kheo giả sử sau khi đã ăn bữa ăn chính từ sớm rồi, vẫn chưa đến chính ngọ, thí chủ có đem đồ ngon đến cúng dường, trong bụng có thể ăn thêm cũng không được ăn nữa, đây gọi là “Túc thực”. Nếu như nhất định muốn ăn phải nhờ một Tỳ kheo khác chưa ăn no làm pháp dư thực bằng cách nhờ Tỳ kheo kia ăn trước một miếng rồi sau đó mình mới được ăn. Sa di tuổi nhỏ không chịu đói nổi vì thế không bị sự hạn chế của túc thực.

5. Sanh chủng là hạt giống và ngũ cốc, Tỳ kheo không được làm tổn hại, Sa di có thể thay đại chúng xử lý.

6. Bất tịnh là chỉ cho các vật nhơ bẩn như đại tiểu tiện và đàm dãi.

7. Leo cây cao làm mất oai nghi.

Hai điều trên được chế định là phòng ngừa người tục chê bai.

8. Tỳ kheo chẳng được cầm nắm vật báu, Sa di có thể thay đại chúng cầm giữ.

9. Đồ ăn còn thừa để cách đêm gọi là tàn thực. Tỳ kheo chẳng được ăn lại, Sa di có thể ăn lại.

10. Tỳ kheo không được đào đất và sai người đào đất. Sa di có thể vì đại chúng, vì Tam bảo đào đất.

11. Các vật thực không do người khác đưa cho, Tỳ kheo không được ăn. Sa di không bị sự hạn chế này và làm người dâng vật thực cho Tỳ kheo.

12. Mầm cây là loại cỏ cây, cỏ cây là chỗ quỷ thần nương ở, vì thế, Tỳ kheo không nhổ cỏ, không chặt cây. Sa di không bị sự hạn chế này.

Chánh học nữ là dịch ý của Thức xoa ma ni, ở trong 12 điều này, 7 điều trước không trì không phạm, đây là chỗ bất đồng với Sa di và Sa di ni.

IV. OAI NGHI CỦA SA DI VÀ SA DI NI

Quan hệ đến Sa di và Sa di ni, trong Đại Chánh Tạng có 5 bộ sách sau đây có thể dùng nghiên cứu tham khảo:

1. Sa Di Thập Giới Tinh Oai Nghi (1 quyển)

2. Sa Di Oai Nghi (1 quyển)

3. Kinh Phật Thuyết Sa Di Thập Giới Nghi Tắc (1 quyển)

4. Sa Di Ni Giới Kinh (1 quyển)

5. Sa Di Ni Ly Giới Văn (1 quyển)

Nhưng vì nội dung của năm bộ sách này trước sau trùng lặp, không có cương lãnh thống nhất, người sơ học rất khó nắm được đầu mối, vì thế cuối đời nhà Minh có Đại sư Liên Trì chỉnh lý và biên tập thành một quyển Sa Di Luật Nghi Yếu Lược, về sau lại có Ngài Hoằng Tán làm chú thích thêm. Cuối đời nhà Minh còn có Đại sư Ngẫu Ích biên tập thành quyển Sa Di ThậpGiới Oai Nghi Lục Yếu. Quyển trước kỷ càng,quyểnsau giản dị sáng sủa, mỗi quyển đều có chỗ hay, đều có giá trị, đáng cho chúng ta tham khảo duyệt học. Hiện nay Đài Loan Ấn Kinh Xứ có bản đơn hành lưu động.

Trong Sa Di Thập Giới Tinh Oai Nghi nói: “Sa di 72 oai nghi gồm có 14 việc”. Trong Sa Di Ni Ly Giới Văn nói: “Oai nghi 70 sự kiện”. Trừ những oai nghi có quan hệ riêng cho nam nữ bất đồng ra, oai nghi của Sa di, Sa di ni phần nhiều tương đồng. Nay tôi xin đem một, vài oai nghi được xem là trọng yếu phân làm hai tổ nam nữ trích lục như sau:

A. Oai nghi của Sa di

1. Pháp thầy dạy Sa di: Phải kính Đại Sa môn, khôngđược kêu tên của Đại Sa môn. Lúc Đại Sa môn thuyết giới kinh không được lén nghe. Không được tìm điều hay dở của Đại Sa môn. Đại Sa môn có lỗi lầm không được nói với người khác. Không được nói xấu Đại Sa môn khi vắng mặt. Không được khinh dễ cợt cười cợt trước Đại Sa môn và nhái theo ngôn ngữ hình tướng của Ngài. Thấy Đại Sa môn phải lập tức đứng dậy, trừ khi đọc kinh, ăn cơm, công tác. Giữa đường gặp Đại Sa môn, phải đứng nép qua một bên. Nếu lúc chơi đùa thấy Đại Sa môn liền phải ngưng ngay.

2. Pháp Sa di thờ thầy: Phải xem thầy như cha, phảidậy sớm. Muốn vào cửa phòng thầy trước phải búng ngón tay ba lần. Phải chuẩn bị đồ súc miệng rửa mặt cho thầy. Phải rải nước khi quét đất. Phải xếp y phục, dọn dẹp lau quét giường chiếu cho thầy. Thầy đi chưa về, không được bỏ phòng ra đi. Nếu có lỗi thầy răn dạy không được cãi lại, phải cúi đầu lắng nghe lời thầy và nghĩ nhớ để vâng làm. Đi ra phải đóng cửa lại cẩn thận.

3. Pháp Sa di bạch thầy: Ngoại trừ 5 việc: Súc miệng,uống nước, đại tiện, tiểu tiện và lễ kính tháp Phật trong vòng 49 tầm (mỗi tầm 8 thước tàu) của phạm vi kiết giới, có làm việc gì đều phải bạch với thầy.

4. Pháp Sa di nhập chúng: Phải học cho rõ, phải tậplàm việc. Phải vì chúng phục vụ. Phải vì Đại Sa môn mà đưa vật dụng. Phải lễ Phật. Phải lễ Tỳ kheo Tăng. Phải chào hỏi bậc Thượng tọa, Hạ toạ. Phải nhường chỗ ngồi cho bậc Thượng tọa, không được tranh dành chỗ ngồi, không được ở trên tòa ngồi kêu gọi cười giỡn. Không được luôn luôn đứng dậy đi ra ngoài. Nếu trong chúng có gọi đến tên mình thì liền dạ. Tỳ kheo chấp sự có sai làm việc gì trước phải bạch thầy.

5. Pháp Sa di làm trị nhật: Phải tiếc vật của chúngTăng. Chẳng được ở giữa đường làm việc. Làm việc chưa xong chẳng được giữa chừng bỏ đi. Đang lúc làm việc, nếu bị thầy gọi phải thưa cho Tỳ kheo chấp sự biết. Phải phục tùng sự chỉ đạo và giáo lệnh của thầy Tỳ kheo chấp sự, chẳng được trái nghịch.

6. Pháp Sa di vào phòng tắm: Phải cúi đầu vào nhàtắm. Trong nhà tắm phải tránh chỗ của bậc Thượng toạ. Không được đùa giỡn tạt nước lên nhau. Không được tạt nước cho lửa tắt. Không được cười giỡn. Không được làm hư hại vật dụng trong nhà tắm. Không được dùng nước quá phí. Không được để nước và xà bông đổ vào hồ tắm.

7. Pháp Sa di vào cầu xí: Muốn đại tiểu tiện phải điliền. Lúc đi, không được liếc ngó hai bên. Đến cửa cầu xí trước hết phải búng tay ba lần cho người bên trong biết, chẳng được hối thúc người trong cầu ra. Bước lên cầu tiêu rồi lại búng ngón tay ba lần nữa để cho quỷ thần ăn phẩn biết mà tránh. Không được cúi đầu nhìn xuống bộ phận sinh dục. Không được rặn lớn tiếng. Không được nhổ nước miếng đàm dãi làm dơ vách. Không được vẽ lên vách hoặc dưới đất. Không được ngồi lâu trong cầu xí. Trong lúc đi cầu xí gặp người không làm lễ, phải lánh đường đi. Lúc ra khỏi cầu xí phải rửa tay, không được cầm đồ vật. Phải lấy nước rửa đường đại tiểu tiện, gọi là tẩy tịnh. Không tẩy tịnh không được lễ Phật. Phải dùng nước trong súc miệng, không súc miệng chẳng được tụng kinh.

8. Pháp Sa di lễ thầy: Thầy tọa thiền không nên làmlễ, thầy kinh hành không nên làm lễ, thầy đang ăn không nên làm lễ, gặp bên tay trái thầy không nên làm lễ, không nên làm lễ thầy nằm bệnh, đất nhơ không nên làm lễ.

9. Pháp Sa di vào nhà cư sĩ: Đến cửa nhà, phải tự xétoai nghi của mình, cũng không được thấy người mà làm oai nghi. Nhà không có người nam không được vào cửa. Nhà có thờ Phật, lúc bước vào, trước tiên phải lễ Phật. Vào nhà, nếu ngồi, trước phải xem: Chỗ có binh khí không nên ngồi, chỗ có vật báu không nên ngồi, chỗ có y phục trang sức phụ nữ không nên ngồi. Không được ngồi nói chuyện một mình với người nữ ở chỗ có ngăn che. Không được cố đùa giỡn với trẻ con. Không được nói nhiều, không được đùa cợt. Phải ngồi yên lặng, phải ngồi ngay thẳng. Không được kết thân với cư sĩ làm cha mẹ chị em.

10. Pháp Sa di vào chợ: Phải cúi đầu đi thẳng đến nơivà đi thẳng về. Không được cùng người nữ trước sau đi theo nhau. Không được đi ngó qua ngó lại. Không được cố nhìn người nữ. Không được đến xem chỗ náo nhiệt. Mua đồ không được tranh dành đắt rẻ, không được ngồi trong cửa hàng của người nữ. Nếu bị người dành phải khéo lánh đi, đừng theo trả giá. Nếu đã mua vật ở chỗ A đắt, chỗ B tuy rẻ cũng không được bỏ chỗ A mà mua chỗ B, làm cho chỗ A sinh giận.

11. Pháp Sa di vào chùa Ni: phải có đông bạn vàochùa Ni. Vào chùa trước phải lễ Phật. Nếu không có chỗ dành riêng cho khách thì không được ngồi. Không được thuyết pháp không hợp thời. Nếu từ chùa Ni trở về, không được nói sự đẹp xấu của chùa Ni. Không được thư từ qua lại với Ni. Không được nhờ may vá và giặt giũ quần áo.

B. Oai nghi của Sa di ni

1. Pháp Sa di ni đi ra ngoài: đi ra ngoài không được đimột mình, phải cùng với Đại Ni hoặc 2, 3 Ni cùng đi. Nếu không có Ni phải cùng với thân tín Ưu bà di đồng đi. Phải nhìn thẳng 6 thước (2m) phía trước nà đi. Không được đi cùng người nam hoặc theo sau đi chung đường.

2. Pháp Sa di ni ngủ: Không được nằm ngửa, nằm sấp,nằm nghiêng bên trái; phải nằm kiết tường nghiêng bên phải. Không được để lộ vai, ở trần. Không được đặt tay ở chỗ âm hộ.

3. Pháp Sa di ni vào nhà cư sĩ: Không được vào phòngcủa phụ nữ nói cười. Không được ngồi ăn dưới bếp. Không được cùng người giúp việc nói chuyện riêng. Không được đi một mình đến cầu xí. Không được lên chỗ cầu xí của người nam. Không được lấy tay trao đồ vật cho người nam, phải để ở trên đất (hoặc chỗ thích đáng) để người đó tự lấy. Không được đùa giỡn với trẻ con.

4. Pháp sa di ni vào nhà tắm: Không được lõa lồ tắmchung với Ưu bà di. Không được bàn luận về việc tắm rửa. Không được cùng Ưu bà di kỳ cọ lẫn nhau. Không được tắm chung với trẻ con. Không được dùng nước rửa của người khác đã rửa. Không được tự nhìn chỗ kín của thân thể.

5. Pháp Sa di ni vào chùa tăng: Phải theo Đại ni hoặc2, 3 người cùng đi. Vào chùa trước phải bạch Trị sự tăng. Không được cùng Tỳ kheo ngồi chung một nhà. Không được cùng Tỳ kheo ngồi chung một tòa. Không được cùng Tỳ kheo cười đùa. Không được ngồi nằm trong mền nệm của Sa di. Không được cùng Tỳ kheo ăn chung bát. Không được mặc lầm y Tỳ kheo.

Trên đây là tóm lược oai nghi của Sa di , Sa di ni , thật ra cũng là toát yếu oai nghi của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Sa di ni cũng phải đồng học những phần chung của oai nghi Sa di. Ngày lục trai, cư sĩ cũng nên học trì oai nghi Sa di. Đây là điều cần phải biết.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]