Hòa Thượng Thánh Nghiêm
Thích Nữ Tuệ Đăng dịch
Nhà xuất bản Thời Đại 2010
Thiên thứ tư: Bát Quan Giới Trai
Chương 4: Sau Khi Thọ Bát Quan Giới Trai Xong
I. XẢ GIỚI
Sự thọ trì của Bát quan giới trai chỉ một ngày một đêm, cho nên cũng không nói xả giới. Đã thọ rồi, chẳng nên xả giới cũng không cầu xả giới. Nhưng vì phòng trường hợp đặc biệt, trong Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa quyển 1 cũng có cho xả giới: “Nếu thọ trai rồi muốn xả trai, phải do 5 chúng mà xả trai; nếu lúc muốn ăn, đến nói với một người, trai liền xả”. Cũng nói: “Như vì nạn duyên, hoặc vì phiền não, hoặc vì lúc đói khó chịu, chỉ cần nói với một người hiểu sự việc, hiểu lời nói, được kể là xả giới”. Trong Nghĩa Sao cũng nói: “Nếu có nhiễm tâm sắp muốn phá giới, thà xả giới rồi làm, về sau sám hối cũng được”. Ngũ giới, thập giới cũng đồng như vậy. Đây là nói nếu chẳng thể thủ trì nên xả giới, về sau muốn thọ, sám hối sẽ được thọ lại.
II. XƯNG HÔ
Đoạn trước đã nói, Bát giới là Đốn lập giới ở ngoài giới của thất chúng. Người thọ tam quy ngũ giới rồi có thể thọ thêm Bát quan giới trai một ngày một đêm, người chưa thọ tam quy ngũ giới cũng có thể thọ Bát quan giới trai. Nhưng ở đây có một vấn đề trên sự xưng hô. Người thọ Tam quy ngũ giới rồi xưng là Ưu bà tắc (cận sự nữ) thọ thêm Bát giới cho đến Bồ tát giới vẫn xưng là Ưu bà tắc và Ưu bà di.
Nếu như người chẳng thọ tam quy ngũ giới, ngày trai chỉ thọ bát giới, thì xưng là gì?
Trong Bát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa nói xưng là “người trung gian”; cũng nói: Ngày thọ trì giới trai xưng là Ưu bà tắc, Ưu bà di; ngày thường chẳng được gọi là Ưu bà tắc, Ưu bà di.
Lại nói chỗ nói nam nữ tại gia thọ Bát giới xưng là cận sự nam, cận sự nữ, đây là nói: Bát quan giới trai là chánh nhân xuất thế, còn cứu cánh xuất thế (chẳng phải cứu cánh của Bồ tát) là quả A-la-hán. Gọi “cận trụ” là chỉ cảnh địa sở trụ tiếp cận A la hán, hoặc giả chỉ cho trụ thân cận A la hán do vì tâm người ấy thích xuất ly thế gian. Cho nên “cận trụ” so với “cận sự” ưu thắng hơn một tầng. Như trong Luận Bà Sa nói: “Người thọ Bát giới gọi là cận trụ, nghĩa là gần A la hán trụ”. Trên thực tế cũng nên như thế, thông thường người thọ Bát giới phần nhiều là người trước đã thọ Tam quy ngũ giới, người không thọ Tam quy ngũ giới mà chỉ thọ Bát quan giới trai rất là ít có.
III. CÔNG ĐỨC
Thọ trì Bát quan giới trai tuy chỉ là một ngày một đêm, nhưng nếu thọ trì được thanh tịnh, công đức ấy lớn lao không thể hạn lượng. Trong Kinh Phật Thuyết Trai nói: “Phụng trì Bát giới tập ngũ tư niệm (tức lục niệm) làm Phật pháp trai và thiện công đức, diệt ác sinh thiện, về sau sinh lên cõi trời, rốt cùng đắc Nê hoàn”. Thọ trì bát giới tuy sinh lên cõi trời, nhưng chắc chắn sẽ đắc nê hoàn (Niết bàn) và được liễu sinh thoát tử, đây là công đức quả báo rất lớn.
Trong Kinh Ưu bà tắc giới quyển 5 nói: “Người thọ Bát giới trừ tội ngũ nghịch, tất cả tội khác thảy đều tiêu diệt”. Lại nói: “Nếu có thể thanh tịnh như thế thọ trì Bát giới trai, người này sẽ được vô lượng quả báo, đến vô thượng lạc”. Lại nói: “Thời Phật Di Lặc xuất thế, trăm năm thọ trai không bằng ở đời ta (Thích Tôn) một ngày một đêm thọ trai”. Lại nói: “Thiện nam tử! Bát quan giới trai này tức là anh lạc (ngọc báu) trang nghiêm Vô thượng Bồ đề”.
Trong Kinh A Hàm nói: “Nếu trong sáu ngày trai phụng trì Bát giới một ngày một đêm phước không kể xiết”.
Trong Kinh Niết bàn ghi chuyện tên đồ tể Quảng Ngạch mỗi ngày giết vô lượng dê, về sau gặp Ngài Xá Lợi Phất liền phát tâm thọ Bát giới, qua một ngày một đêm mạng chung được sinh lên cõi trời.
Trong Kinh Bồ Tát Xử Thai nói: “Bát quan giới trai là mẹ của Chư Phật”.
IV. PHỔ KHUYẾN THỌ TRÌ BÁT QUAN GIỚI TRAI
Thọ trì Bát quan giới trai đã có công đức như thế, sự yêu cầu của Bát quan giới trai tuy nghiêm, nhưng cũng chưa chắc làm đúng như pháp. Mục đích học Phật của chúng ta tuyệt đại đa số là hy vọng xuất ly sinh tử, nhưng đối với đệ tử tại gia nếu chẳng gieo trồng cái nhân xuất thế thì khó được cái quả xuất thế. Đồng thời người thọ ngũ giới rồi mỗi tháng sáu ngày trai thì thêm Bát giới không phải là một việc quá khó. Trong mỗi tháng chỉ có 6 ngày không ăn cơm chiều (quá giữa ngọ không ăn), ấy là việc dễ làm. Trong Bát giới trai, chủ yếu là tại điều trai giới không ăn phi thời này. Điều này giữ rồi thì 8 giới kia giữ theo ngũ giới cũng không khó bao nhiêu. Vì thế, đệ tử tại gia ở thời đại Đại Lục (trước năm 1949) thọ Bát giới rất nhiều; tại các quốc gia Nam truyền, thọ Bát giới lại càng phổ biến. Ngày nay, ở Đài Loan và hải ngoại, phong trào thọ Bát giới rất thấp, giả sự có những người thọ, cũng không đúng như pháp. Do đó, tôi rất hy vọng đề xướng phong trào thọ Bát giới, cho nên không ngại rườm rà mà viết ra bài văn này, chỉ ước mong người đọc bài văn này rồi hưởng ứng và đôn đốc thành một phong trào thọ trì Bát giới. Đồng thời, Đại sư Hoằng Nhất cũng nói: “Nếu e mỗi tháng 6 ngày quá nhiều, có thể bớt xuống còn 1 ngày, 2 ngày cũng được” (Luật Học Yếu Lược).
Đoạn này cũng như trong Kinh Ưu bà tắc giới nói: “Trai như thế đã là dễ làm mà có thể được vô lượng công đức. Nếu có điều dễ làm mà không làm, thì bị coi là phóng dật”.