Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Phương Pháp Và Lợi Ích Của Quy Y Tam Bảo

13/04/201116:10(Xem: 4120)
Chương 2: Phương Pháp Và Lợi Ích Của Quy Y Tam Bảo

CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT
Hòa Thượng Thánh Nghiêm
Thích Nữ Tuệ Đăng dịch
Nhà xuất bản Thời Đại 2010

Thiên thứ hai: Quy Y Tam Bảo
Chương 2: Phương Pháp Và Lợi Ích Của Quy Y Tam Bảo

I.QUY Y TAM BẢO NHƯ THẾ NÀO?

Sau khi chúng ta đã có khái niệm về quy y Tam bảo rồi thì phải nên quy y Tam bảo.

Về nghi viết quy y Tam bảo, lúc đức Phật còn tại thế, nhân vì căn khí của người thọ quy y sâu dày, thế nên cũng không có dùng nghi tiết gì. Như đệ tử Tam bảo đầu tiên của đức Phật Thích Ca là cha của Da Du Già ở trước Phật nói: “Con nay quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, cúi xin Thế Tôn nhận cho con làm Ưu bà tắc”. Nói như thế, được xem là thọ tam quy rồi.

Nói theo thực tế, trước khi đức Phật chưa độ 5 Tỳ kheo, trên đời không có Tỳ kheo Tăng bảo, Phật truyền tam quy cho hai người lái buôn, Long vương, và xướng tam quy, là muốn họ quy y vị lai Tăng.

Điều đó đủ biết Tam bảo là một thể; quy y Phật, quy y Pháp mà chẳng quy y Tăng thì cũng chẳng thành quy y.

Câu nói quy y tam bảo thật rất đơn giản, nhưng trước khi quy y, tốt hơn hết là học cho thuộc. Từ trước đến nay người thọ quy y đều ở ngay lúc quy y do vị thầy truyền quy y nói một câu thì nói theo một câu. Có người do vị thầy truyền quy y nói chẳng rõ, hoặc do trong lòng mình rối rắm, nên sau khi quy y rồi lại chẳng biết nội dung của những lời quy y là gì. Quy y như thế chẳng thành quy y.

Lời nói quy y có tam quy, tam kết như sau: Con là…(tên tục) suốt đời quy y Phật, suốt đời quy y Pháp, suốt đời quy y Tăng (nói 3 lần). Quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi (cũng nói 3 lần). Trước nói quy y 3 lần chánh thọ tam quy y giới, sau là tam kết của quy y. Chỗ trọng yếu của quy y là lúc nói ba lần chánh thọ tam quy, nhận lấy giới thể vô tác của tam quy cũng ở chỗ này chánh thọ. Tốt hơn hết là ngay lúc chánh thọ tam quy phải quán tưởng: Lúc nói văn quy y lần thứ nhất, do công đức phát tâm của mình cảm nhận mười phương đại địa chấn động và có mây công đức từ mười phương đại địa bay lên. Lúc nói văn quy y lần thứ hai, mười phương nổi mây công đức từ từ kết tập trên đỉnh đầu thành hình lọng hoa. Lúc nói văn quy y lần thứ ba, lọng mây bằng mây này liền thành hình cái phễu từ từ rơi xuống đảnh của mình, thấm khắp toàn thân và từ trong thân tỏa ra khiến cho thân tâm của mình tùy theo sự toả rộng của mây công đức mà đầy khắp mười phương thế giới. Đến đây tự mình đã nhận xong giới thể của tam quy, thân tâm của mình cũng theo công đức của giới thể cùng vũ trụ đồng một thể lượng. Thử nghĩ, quy y như vậy thì thiêng liêng và trang trọng biết bao!

Nếu như không quán tưởng được như thế, thấp nhất cũng phải nghe lời nói quy y rõ rang, nói ra cho rõ ràng, đây là tuyệt đối chẳng thể lôi thôi. Vì thế Đại sư Hoàng Nhất đã có nói qua một đoạn rất khẩn thiết như sau:

Dù là người xuất gia hay tại gia, lúc thọ Tam quy, trọng yếu nhất có hai điểm: Thứ nhất là chú ý đến ý nghĩa của quy y Tam bảo. Thứ hai là ngay lúc thọ tam quy, vị thầy phải nói thật là rõ ràng. Nếu lời thầy giảng toàn là văn ngôn không thể hiểu được, như vậy quyết chẳng đắc tam quy; hoặc cách quá xa nghe không rõ, cũng chẳng đắc tam quy. Hoặc tuy nghe hiểu hết, nhưng trong ấy có một hai chỗ nghi, cũng không đắc tam quy. Lúc chánh thọ, tức là ba lần nói: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Đây là điều quan trọng nhất cần phải hết sức chú ý. Tiếp theo quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi, là tam kết không quan trọng. Vì thế các vị phát tâm thọ giới trước tiên phải biết rõ ý nghĩa tam quy, và đương lúc thọ phải chú ý ba câu: “Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”, mới đắc tam quy. (Luật học yếu lược)

Do đó tam quy tuy đơn giản, song muốn thực sự đắc giới thể của tam quy y cũng chẳng phải dễ. Chúng ta thấy hiện tại đệ tử tam quy có nhiều người không đắc tam quy. Nếu như đệ tử không biết tam quy, thì chẳng ngại gì thỉnh Bổn sư hoặc thỉnh thầy khác thọ quy y một lần nữa. Trong nghi thức quy y đại quy mô của tập thể mấy chục người hoặc mấy trăm, mấy ngàn người là chẳng thể tin cậy được, chỉ là gieo trồng căn lành mà thôi.

Từ trên sự bồi dưỡng của tình tự tôn giáo mà nói, nghi thức thọ giới càng long trọng thì càng kích phát long chí thành, sự yêu cầu của thọ giới càng nghiêm khắc thì càng khiến cho người ta cảm thấy thiêng liêng, trang trọng. Cầu thọ tam quy vốn chỉ cần thỉnh cầu một vị thầy quy y ở trước Phật ba lần và nói tam quy, tam kết là được. Để thấy sự trịnh trọng của việc này, cuối đời nhà Minh, Luật sư Kiến Nguyệt ở núi Bảo Hoa, Nam Kinh, có biên tập bộ Tam Quy Ngũ Giới Chánh Phạm. Bộ này chiếu theo nghi thức truyền thọ Bồ tát giới cho đến Cụ túc giới mà biên tập thành, bộ sách này vẫn còn lưu thông, được đa số các thầy quy y dùng làm y cứ.

Trong Tam Quy Chánh Phạm có 8 tiết mục:

1. Trải toà thỉnh sư: Do người thọ quy y bày pháp tòa, dâng cúng hương hoa, đèn đuốc chỉnh tề, rồi đi lễ thỉnh vị thầy quy y lên tòa.

2. Khai đạo: Khai thị ý nghĩa của tam quy y.

3. Thỉnh Thánh: Nghinh thỉnh mười phương Tam bảo chứng minh thọ quy y và Hộ pháp Long thiên giám đàn hộ giới.

4. Sám hối: Sám hối nghiệp chướng để cầu ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh, nhận được giới thể tam quy không tạp không uế.

5. Thọ quy: Tam quy, tam kết và phát tam thệ.

6. Phát nguyện: Phát tâm vô thượng Bồ đề, nguyện độ tất cả chúng sanh.

7. Hiển ích khuyến chúc: Nói tam đức của tam quy thù thắng và dặn y theo lời dạy vâng làm.

8. Hồi hướng: Đem công đức thọ tam quy này hồi hướng cho tất cả chúng sanh chìm đắm mau thoát sinh tử, sớm về cõi Phật.

Thọ tam quy như thế mới kể là trang trọng và viên mãn cứu cánh. Nhưng bộ Tam Quy Chánh Phạm này hiện tại cũng chẳng thực dụng cho lắm, vì văn tự dùng trong sách này đều là văn ngôn. Tuy lối hành văn điển lệ, cao nhã, nhưng nếu như vị thầy quy y không khéo ứng dụng, lúc thăng tòa thuyết quy y, người thọ tam quy không làm sao hiểu được, đã không hiểu được thì cũng không đắc tam quy. Vì thế Đại sư Hoằng Nhất phê bình bộ sách này như sau: “Bộ Tam Quy Ngũ Giới Chánh Phạm do Luật sư Kiến Nguyệt ở núi Bảo Hoa biên tập, khai thị phần nhiều dùng văn biền ngẫu, người nghe không làm sao hiểu được, nên cũng đồng như văn rỗng vô ích mà thôi. Tốt nhất là nên thỉnh vị thầy dịch thành tiếng phổ thông” (Luật học yếu lược).

Nếu đứng về mặt thực dụng mà nói, tám tiết mục ghi trong bộ Tam Quy Ngũ Giới Chánh Phạm thật ra có thể nói là thiếu một điều chẳng được. Tỳ kheo chẳng được đứng thuyết pháp cho cư sĩ nghe, cho nên cần phải trải toà. Dạy cho biết ý nghĩa của Tam Bảo, vì thế cần phải khai đạo. Vị thầy quy y là đại biểu Tam bảo truyền quy y cho người cho nên phải thỉnh thánh. Vì muốn đổi mới con người cho nên phải sám trừ tội lỗi quá khứ. Tam quy, tam kết và tam thệ là trọng tâm của sự thọ tam quy cho nên cần phải thực hành. Tam quy phân làm ba phẩm: Phát tâm độ mình độ người là Thượng phẩm, chỉ độ mình tự thoát sinh tử là Trung phẩm, chỉ cầu chẳng đọa tam đồ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) mà vẫn sinh ở cõi trời người là Hạ phẩm. Vì thế, khuyên phát tâm là điều tất yếu và để làm tăng thêm tâm tinh tấn và chí kiên cố, nên mục Hiển ích khuyến chúc (nói lên sự lợi ích và dặn dò khuyên nhủ) cũng là điều phải có. Để nuôi dưỡng lòng từ bi chẳng riêng tư nên đem công đức hồi hướng cho tất cả chúng sanh cũng là đúng.

Ở đây tôi muốn chỉ ra một điểm: Phật giáo Nguyên thuỷ không có phân biệt Đại thừa, Tiểu thừa; song giới luật thì thiên về hình thái Tiểu thừa, vì thế tam quy ở trong luật rất đơn giản, trừ lời nói tam quy ra, không có gì khác. Phật giáo Trung Quốc tất cả đều quy về Đại thừa, tất cả giới đều chiếu theo Đại thừa thọ trì cho nên thêm rất nhiều tiết mục. Nhưng những điều thêm vào này đều tốt, chứ không phải xấu. Ngày nay, nếu như chẳng lấy quy y làm bước đầu của hạnh môn Đại thừa, thì cũng có thể chẳng dùng đến các tiết mục phát nguyện và hồi hướng.

Nếu như bị hạn chế của thời gian và hoàn cảnh, cũng chẳng ngại gì đơn giản hóa nghi thức tam quy. Nay tôi xin đề nghị một nghi thức giản đơn như sau:

Sau khi vị thầy lễ Phật xong ngồi yên, người thọ quy y quỳ gối chấp tay. Vị thầy quy y sau khi khai thị sơ lược về ý nghĩa của quy y Tam bảo, dạy người thọ quy y đọc kệ sám hối:

Trước kia con tạo bao nghiệp ác

Đều do vô thỉ tham sân si

Từ thân miệng ý mà sinh ra

Nay đối trước Phật xin sám hối.

Đọc ba lần, mỗi lần lạy một lạy, tiếp theo là chánh thọ tam quy và tam kết.

- Con tên là…suốt đời quy y Phật, suốt đời quy y Pháp, suốt đời quy y Tăng.

Nói ba lần, mỗi lần lạy một lạy rồi đọc:

- Con tên là…quy y Phật rồi, thà bỏ thân mạng chứ chẳng bao giờ quy y thiên ma ngoại đạo.

- Con tên là… quy y Pháp rồi, thà bỏ thân mạng chứ chẳng bao giờ quy y tà thuyết ngoại đạo.

- Con tên là… quy y Tăng rồi, thà bỏ thân mạng chứ chẳng bao giờ quy y đồ chúng ngoại đạo.

Đọc ba lần, mỗi lần lạy một lạy, rồi dạy phát tứ hoằng thệ nguyện:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Đọc ba lần, mỗi lần lạy một lạy. Vị thầy quy y dạy sơ lược công đức của sự quy y và sách tấn y theo lời dạy vâng làm rồi dạy đọc kệ hồi hướng:

Quy y công đức thù thắng hạnh

Vô biên thắng phước đều hồi hướng

Nguyện khắp các chúng sanh chìm đắm

Chóng được sinh về Phật tịnh độ

Thập phương tam thế tất cả Phật

Chưtôn Bồ tát Ma ha tát

Ma ha Bát nhã Ba la mật.

Đến đây công đức quy y viên mãn. Sau khi vị thầy quỳ xuống tòa lễ Phật, người thọ giới lạy tạ vị thầy quy y ba lạy, thật ra là lễ Phật, lễ Tăng, song có một lễ cũng được.

Nghi thức quy y giản đơn đề nghị ở trên chẳng cần phải xướng lên, chỉ cần đọc mỗi chữ rõ ràng để người quy y lãnh thọ là được.

Trong đây, cũng có điều phải nói là tam thệ sau tam quy, tam kết: “Chẳng quy y thiên ma ngoại đạo, chẳng quy y tà thuyết ngoại đạo, chẳng quy y đồ chúng ngoại đạo”. Do sự kết lập của tam thệ này, tam quy cũng có tính chất và tác dụng của giới. Đây chẳng phải tính chất bài xích tôn giáo khác của Phật giáo, mà nhân vì ngoại đạo (tất cả tôn giáo, học thuyết ngoài Phật giáo) tuy cũng có đạo lý riêng của họ, song đều không phải cứu cánh. Phật là đấng đại giác, phước huệ đầy đủ, vì thế quy y Phật chẳng cần phải quy y thiên ma ngoại đạo nữa. Pháp là kho báu của trí tuệ, quy y vâng làm chắc chắn có thể lìa khổ được an lạc, vì thế chẳng cần quy y tà thuyết của ngoại đạo nữa. Tăng là thầy của trời người, có khả năng truyền thọ đạo thanh tịnh, vì thế chẳng cần quy y đồ chúng của ngoại đạo nữa. Mục đích của ba lời thệ này là phòng ngừa cho người đã tiến vào con đường chính, chẳng còn đi lầm vào lối tẻ nữa. Sau khi thọ tam quy rồi, như nếu vì muốn được bảo hộ nhà cửa, tài sản, đất nước, nhân dân và thân mạng an toàn mà cúng tế và lễ bái nếu không có tâm quy y quỷ thần, thiên thần, vẫn không mất quy y Tam bảo. Nếu có tâm quy y thiên thần, quỷ thần, thì mất quy y Tam bảo.

Nói đến vấn đề giới, sau khi quy y Tam bảo đích xác có một ít điều giới cấm. Thượng phẩm quy y các giới quy y Tam bảo tự nhiên đầy đủ. Hạ phẩm quy y cũng chỉ được ăn năm thứ tịnh nhục (chẳng nghi vì mình mà giết, chẳng thấy giết, chẳng nghe giết, tự tử, chim thú ăn còn dư) và chẳng được làm các nghề ác như: nghề đồ tể, nghề làm rượu, bán rượu, nghề mãi dâm, nghề cờ bạc. Mỗi năm vào tháng giêng, tháng năm, tháng chín, mỗi tháng sáu ngày chay (mùng 8, 14, 15, 23 và 2 ngày cuối tháng) nên ăn chay, nếu được như thế, người này trong hội đầu tiên của đức Phật đương lai Di Lặc sẽ có thể giải thoát.

Quy y Tam bảo còn có một điểm trọng yếu cần phải hiểu rõ là sau khi chúng ta quy y Tam bảo, tức là quy y thập phương tam thế tất cả Tam bảo. Vì thế, trong bài kệ hồi hướng có mấy câu: “Thập phương tam thế tất cả Phật. Chư tôn Bồ tát Ma ha tát, Ma ha Bát nhã Ba la mật”. Câu thứ nhất là tất cả Phật bảo, câu thứ hai là tất cả Tăng bảo, câu thứ ba là đại biểu Pháp bảo vô thượng. Trong ba câu này bao quát lý thể Tam bảo và sự tướng Tam bảo. Chúng ta hiện tại lấy sự tướng làm chủ yếu, vì thế cần phải nên cung kính cúng dường thánh tượng của tất cả chư Phật, Bồ tát, tất cả kinh điển của Phật giáo, tất cả người xuất gia của Phật giáo. Nhưng, Phật bổn sư của chúng ta là Thích Ca Mâu Ni, Tăng bổn sư của chúng ta là vị thầy quy y; vì báo ân nên chúng ta thiên trọng về Phật bổn sư và Tăng bổn sư cũng là chuyện thường tình của con người. Như nếu chỉ lấy Phật bổn sư làm Phật, còn các đức Phật khác chẳng phải là Phật, ấy là trái với Phật giáo. Cũng vậy, nếu chỉ kính vị thầy quy y mà chẳng kính tất cả các vị Tăng khác thì cũng chẳng đúng. Cũng giống như phủ định ngàn vạn điều thiện mà chỉ khẳng định một điều thiện, chỉ trồng một khoảnh ruộng mà bỏ hoang ngàn vạn khoảnh ruộng, ai chẳng nói là việc làm ngu si!

II. LỢI ÍCH CỦA QUY Y TAM BẢO

Sự lợi ích của quy y Tam bảo thật ra rất nhiều, có thể cầu được cái vui hiện đời, có thể cầu được cái vui đời sau, lại cũng có thể do đây mà đạt đến cái vui cứu cánh của Niết bàn tịch tịnh. Tóm lại, có tám điểm lợi ích:

1. Thành đệ tử Phật.

2. Là nền tảng của sự thọ giới.

3. Giảm khinh tội chướng.

4. Chứa nhóm phước đức rộng lớn.

5. Chẳng đọa ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).

6. Người và loài chẳng phải người (phi nhân) đều chẳng thể nhiễu loạn.

7. Tất cả việc tốt đều sẽ thành công.

8. Được thành Phật đạo.

Như muốn phân biệt nêu ra, trong kinh Phật nói rất nhiều, xin chỉ chọn ra năm điều như sau:

1. Nếu người quy y Tam bảo tương lai sẽ được phước báo chẳng thể cùng tận, ví như có một kho tàng châu báu nhân dân toàn cõi nước gánh chở bảy năm cũng chẳng hết, công đức quy y so với kho tàng này còn lớn hơn gấp ngàn vạn lần (Kinh Ưu bà tắc giới).

2. Có một vị Thiên tử ở cõi trời Đao lợi, phước trời hưởng hết, thọ mạng sắp chấm dứt, chỉ còn bảy ngày nữa sẽ chết, thân thể của vị Thiên tử ấy đang suy hoại. Nhưng vị ấy biết sau khi chết sẽ đầu thai vào bụng heo, vì thế vị ấy vô cùng sợ hãi liền đến thỉnh giáo Thiên chủ, Thiên chủ cũng không có cách cứu vớt, mới bảo vị ấy đến cầu cứu đức Phật. Đức Phật dạy vị ấy quy y Tam bảo sau khi chết chẳng những khỏi đọa vào thai heo, lại được sanh làm người gặp ngài Xá Lợi Phất thỉnh Phật thuyết pháp mà chứng được thánh quả (Kinh Chiết Phục La Hán)

3. Quá khứ có vị Thiên tử ở cõi trời thứ ba mươi ba, hưởng hết phước trời, còn bảy ngày nữa phải chết, những sự hoan lạc ngày trước đều ly khai vị ấy, thiên nữ xinh đẹp không còn lân cận vị ấy, tướng mạo đường đường oai vệ nay biến thành không có khí sắc, thân thể suy nhược hôi hám khó chịu, hai nách suốt ngày đổ mồ hôi dơ. Vị ấy biết mình sẽ đầu thai vào bụng heo, do đó vị ấy khóc than thảm thiết. Việc này làm cho Thiên chủ hay biết, Thiên chủ bèn dạy vị ấy thành tâm quy y Tam bảo, dạy vị ấy đọc thầm: “Quy y Phật lưỡng túc tôn, quy y Pháp ly dục tôn, quy y Tăng chúng trung tôn”. Vị ấy theo lời khuyên dạy của Thiên chủ quy y Tam bảo. Qua thời hạn 7 ngày, vị ấy chết. Thiên chủ muốn biết sau khi chết vị ấy sinh về đâu, song Ngài không có năng lực xem thấy chỗ sinh của vị Thiên tử này, Ngài đến hỏi đức Phật. Phật nói: “Vì nhờ công đức quy y Tam bảo, chuyển đọa thành thăng lên đến cõi trời Đâu Suất Đà, thiên nhãn các ông có thể thấy xuống bậc dưới chứ chẳng thể thấy lên tầng trên”. (Kinh Sai Miệt Năng Pháp Thiên Tử Thọ Tam Quy Y Hoạch Miễn Ác Đạo).

4. Nếu như trong bốn đại bộ châu Đông, Tây, Nam, Bắc toàn là thánh quả vị Nhị thừa, có người cúng dường suốt đời cho đến tạo tháp cho mỗi vị công đức của người ấy lớn chẳng thể tính lường, nhưng chẳng bằng công đức quy y Tam bảo (Kinh Giảo Lượng Công Đức).

5. Quá khứ có một vị Tỳ kheo tên Sa Đẩu chuyên tụng danh hiệu Tam bảo suốt mười năm bèn chứng được sơ quả Tu đà hoàn, hiện nay ở thế giới Phổ Hương làm Bích Chi Phật (Kinh Mộc Hoạn Tử).

Do điều ghi ở trên chúng ta đủ biết quy y Tam bảo là việc rất quý báu. Đồng thời đức Phật cũng đã từng nói: Người quy y Tam bảo được Tứ thiên vương sai 36 vị thiện thần đi theo ủng hộ.

Nhưng chúng ta phải biết: Quy y Tam bảo tuy có thể cầu sự bình an và sung sướng ở hiện đời, nhưng mục đích cuối cùng của quy y Tam bảo là phải hướng về Tam bảo và làm cho chính mình cũng thành Tam bảo, nghĩa là đều có thể thành Phật; song điều thiết yếu là chẳng nên tự phụ mình, hoặc bỏ quên mình.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567