SURAMGAMA SUTRA
Lê Sỹ Minh Tùng
Cuốn Một
ÔNG A NAN NGHI NGỜ RẰNG KIẾN, VĂN, GIÁC, TRI KHÔNG CÓ TỰ THỂ.
Bạch Thế Tôn! Ông A Nan thưa. Theo lời Thế Tôn dạy chỗ phát tâm cầu được thường trụ trong lúc tu nhân, cốt yếu cần phải cân xứng với những đức tính trong lúc chứng quả. Bạch Thế Tôn! Như trong quả vị, nào là Bồ-đề, Chân như, Phật tánh, Am ma la thức, Không Như Lai Tạng, Đại viên cảnh trí. Bảy thứ danh hiệu tuy có khác nhau, nhưng thế tánh đều thanh tịnh viên mãn, vững chắc như Kim cương vương, thường trụ như hư không bất hoại.
Bạch Thế Tôn! Cái tánh thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết rời các tướng tối, sáng, động, tĩnh, thông, bít, nhạt, mặn, hợp, ly cho đến như tâm niệm tư duy rời tiền trần không có cái nào còn tự thể. Vậy thì lấy cái gì làm nhân tu hành để cầu Vô Thượng Giác rắn chắc như Kim cương vương, thường trú bất hoại như hư không ấy?
Xin Phật rũ lòng đại từ khai thị chỗ mê chấp cho tôi!
Trong đoạn nghĩa quyết định thứ nhất Phật dạy rằng:” Chúng sinh chỉ có thể nương theo cái tâm thường trụ, bất biến, không sinh diệt để làm nhân địa tu hành thì mới thấy được chơn tâm, Phật tánh của chính mình”. Trong đoạn nghĩa quyết định thứ hai Phật lại dạy: “Tánh thanh tịnh nhiệm mầu bị dính nơi sáu căn, cần phải mở cái nút ấy ra mới được giác ngộ”. Nói cách khác không thể đem sáu căn còn bị dính mắc, mê lầm mà tu chứng thành quả vô lậu được. Và sau cùng đoạn kinh trên Phật dạy ông A Nan và đại chúng nên chọn một trong sáu căn làm nhân địa tu hành vì một căn dễ tận diệt tận gốc rễ tất cả vô minh phiền não mà thấy được chơn tâm, Phật tánh của mình. Nói cách khác chúng sinh chỉ cần chọn cho mình một căn dễ thâm nhập, công dụng dễ thành mà tiến tu để phá trừ chấp ngã, chấp pháp và đạt được tánh viên thông vô ngại thì những căn còn lại đồng thời đều được thanh tịnh.
Đến đây ông A Nan đã thấu hiểu rằng tuy các quả sở chứng có nhiều, nào là Chơn như, nào là Bồ-đề, nào là Am ma la thức, nào là Không Như Lai Tạng…nhưng tất cả đều có chung thể tánh thanh tịnh viên mãn. Thế nhưng ông lại nghi rằng nếu mà tiền trần tự nó diệt mất thì những tâm niệm của ông cũng bị diệt theo. Do vậy mà tâm ngã và tâm sở cũng không còn tức là tướng của bản ngã và tướng của hình trạng vạn hữu bên ngoài cũng tan biến. Như thế thì lấy cái gì làm nhân căn bản để tu hành mà thành giác ngộ?
KHAI THỊ TÁNH NGHE LÀ THƯỜNG CÒN
Phật bảo :
- A Nan! Nay tôi đem việc thông thường trước mắt, phương tiện tháo gở mối nghi của ông. Bấy giờ Phật bảo ông La Hầu La đánh một tiếng chuông, rồi hỏi ông A Nan rằng;
- A Nan ! Ông có nghe không?
- Có nghe. Ông A Nan và đại chúng đồng thưa.
Chuông hết kêu, không còn tiếng, Phật lại hỏi rằng:
- Nay ông có nghe chăng?
- Không nghe. Bạch Thế Tôn.
La Hầu La lại đánh một tiếng chuông nữa, Phật lại hỏi rằng:
- Ông có nghe chăng A Nan?
- Có nghe. Bạch Thế Tôn.
Phật hỏi :
- Thế nào thì ông có nghe? Còn thế nào thì ông không nghe?
Ông A Nan và đại chúng đồng bạch Phật rằng :
- Có tiếng chuông kêu thì chúng tôi được nghe, hồi lâu tiếng dứt, âm vang không còn thì không còn nghe nữa.
Đức Phật lại bảo ông La Hầu La đánh chuông rồi hỏi tiếp:
- Theo ông hiện nay có tiếng không?
- Có tiếng. Bạch Thế Tôn!
Hồi lâu, tiếng chuông dứt bặt, Phật lại hỏi:
- Hiện giờ có tiếng không?
- Không tiếng, Bạch Thế Tôn!
Phật bảo :
- Thế nào ông gọi là có tiếng. Còn thế nào thì ông gọi là không tiếng?
Ông A Nan và đại chúng đồng thưa :
- Có đánh chuông, tiếng chuông ngân vang thì gọi là có tiếng, giây lâu tiếng hết, âm vang không còn thì gọi là không tiếng.
Phật bảo :
- Ông A Nan và đại chúng rằng: Sao hôm nay các ông nói lộn xộn điên đảo như thế?
Đại chúng và A Nan bạch Phật :
- Vì đâu Phật bảo chúng tôi lộn xộn và điên đảo?
Bây giờ Phật mới dạy rằng:
- Tôi hỏi về cái nghe thì các ông nói là nghe! Tôi hỏi về tiếng thì các ông cũng nói là tiếng! Chỉ có cái nghe và tiếng mà các ông trả lời không nhất định, còn không phải lộn xộn điên đảo là gì?
- A Nan! Biết có, biết không là do có tiếng hay không có tiếng. Có tiếng thì nghe động, không tiếng là nghe tĩnh, chứ không phải không tiếng, tánh nghe không còn. Nếu tánh nghe không còn thì lấy cái gì để biết là không tiếng?
- A Nan! Cái tiếng đối với tánh nghe tự có sinh có diệt, nhưng không phải vì sự sinh hay diệt của tiếng mà tánh nghe của ông tùy có tùy không. Ông còn lộn lạo lầm cái tiếng mà cho là cái nghe, thảo nào chẳng mê mờ cái viên thường mà cho là đoạn diệt. Ông không nên lầm tưởng rời các thứ động, tĩnh, tối, sáng, thông, bít, …là cái nghe…không còn. Ông nên hiểu rằng: Tánh nghe không những “thường hằng” trong khi thức mà nó “thường hằng” cả trong lúc ông ngủ say sưa!
- Chúng sinh từ vô thỉ đến nay, theo sự lôi cuốn của sắc, thanh theo vọng niệm mà lưu chuyển, không hồi quang phản chiếu cái bản tánh thanh tịnh diệu thường, bỏ sót mất tánh thường chỉ buông xuôi theo dòng sinh diệt. Do vậy đời đời sống trong tạp nhiễm mà phải luân chuyển khổ đau. Nếu biết rời bỏ những cái sinh diệt, giữ lại tánh chân thường sáng suốt nhiệm mầu thì lục căn, lục trần, lục thức tiêu vong tại chỗ. Bởi vì trần là cái tướng của vọng tưởng và cấu là vọng tình phân biệt của con người. Xa lìa hai thứ trần cấu thì pháp nhãn của ông tức thì trong sáng. Cái nhận thức của ông bấy giờ là nhận thức của con người Vô Thượng Chánh Biến Tri Giác đồng với chư Phật mười phương ba đời vậy.
Tuy A Nan đã biết các sự mê lầm dựa theo lời Phật dạy, nhưng chính ông chưa trực nhận được cái mê lầm nầy. Để giải mối nghi ngờ của ông A Nan, bây giờ Phật bảo tôn giả La Hầu La đánh chuông. Khi Phật hỏi có nghe, không nghe thì ông A Nan cũng đáp có nghe, không nghe. Đến khi Phật hỏi có tiếng, không tiếng thì ông A Nan cũng đáp có tiếng, không tiếng. Chính ông A Nan và đại chúng đã lầm lẫn cái nghe với cái tiếng tức là không phân biệt rõ ràng cái gì là “căn tánh” và cái gì là “trần cảnh”. Dựa theo A Nan là khi không nghe tiếng thì gọi là không nghe, nhưng nếu suy nghĩ kỷ lại thì nếu thật không nghe thì làm sao biết được tiếng chuông đã dứt. Còn nếu tánh nghe đã diệt, không còn thì khi tiếng chuông đánh lại, làm sao còn nghe được? Nói cách khác tiếng không, không phải tánh nghe không có. Hoặc tiếng có, không phải tánh nghe mới sinh.
Do vậy nghe có tiếng, hay nghe không có tiếng là do thanh trần khi có, khi không chớ không phải tánh nghe vì thanh trần mà hóa có, hóa không. Vì vậy phải biết rằng tánh nghe thì lúc nào cũng có cho dù có tiếng hay không nên mới gọi là thường còn. Nói cách khác có tiếng thì nghe động, không tiếng thì nghe tĩnh, chớ không phải không tiếng thì tánh nghe không còn. Đây là đức tính “thường”, một trong ba tính ”thường, viên, thông” của nhĩ căn. Bằng chứng là trong khi ngủ, con người cũng có thể nghe được tiếng mặc dù ý thức không khởi. Trong chương kế tiếp, Đức Phật giới thiệu Đức Quán Thế Âm nhĩ căn viên thông để khai thị rằng trong nhĩ căn của con người có một tánh nghe, thường hằng, không sinh diệt cho dù có tiếng hay không có tiếng. Nếu chúng sinh có thể đi vào được bản tánh nghe của mình thì tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước dần dần sẽ tan biến. Từ đó chơn tâm hiển bày, Phật tánh biểu lộ.
Tiếng nghe là tướng của âm thanh tức là khi có tiếng là âm thanh sinh và không còn tiếng là âm thanh diệt. Vì thế âm thanh là tướng sinh diệt. Vì thế nếu chúng sinh dựa vào âm thanh sắc tướng mà tu tức là tu theo bản tánh sinh diệt của các tướng thì không bao giờ đạt được chơn như thanh tịnh bởi vì những gì có tướng sinh diệt đều là huyễn ảo, giả dối, không thật. Do đó nếu chúng sinh nương theo những huyễn ảo này mà tu thì họ sẽ sống với cái vọng duyên, huyễn cảnh. Cho nên trong kinh Kim Cang, Phật có dạy rằng:
“Nếu thấy ta bằng sắc tướng
Nghe ta bằng âm thanh
Người này đi đường tà
Không thấy được Như Lai”.
Nghĩa là nếu chúng sinh còn dựa theo âm thanh sắc tướng của Phật mà tu tức là chưa phá được vọng chấp, vô minh phiền não thì không bao giờ thấy được Phật tâm, Phật tánh tức là không thấy được Như Lai.
Mũi, lưỡi, thân và ý thì cũng vậy. Khi có mùi thơm thì mũi ngửi biết mùi thơm, khi có mùi xú uế thì ngửi biết mùi hôi tanh. Còn nếu không có mùi thì mũi trở về với tánh vô ký tức là tánh ngửi vẫn còn, nhưng không có mùi vị để tiếp nhận. Khi có vị mặn, nhạt thì lưỡi nếm được những vị này, nhưng nếu không có mùi vị gì thì lưỡi trở lại với tánh vô ký của nó, chớ không phải là không còn tánh nếm. Nói tóm lại ngoài những cái phân biệt thương ghét, vui mừng, buồn giận, phải quấy, hơn thua, tốt xấu của thế gian hay cái tánh thấy nghe, ngửi, nếm, xúc, biết thì vẫn còn một cái lúc nào cũng thường còn trong tất cả mọi chúng sinh. Đó chính là chơn tâm thường trú và thể tánh tịnh minh chớ không phải mất hết như ông A Nan hoài nghi.
Từ vô thỉ, con người có thói quen chạy theo âm thanh sắc tướng tức là chạy theo cái sinh diệt mà bỏ mất tánh viên thường nên xoay vần mãi trong ô nhiễm chấp trước mà tạo hạnh nghiệp để phải chịu sinh tử khổ đau. Nay nếu biết thoát ly trần cảnh, bỏ cái phân biệt, phát huy tánh chân thường yên lặng sáng suốt thì những vọng tưởng, phân biệt mê chấp biến mất và tâm tánh thường trụ sáng suốt hiện ra để làm nhân địa tu hành đi đến đạo quả thường trụ của Phật.
XEM TIẾP CHƯƠNG 8 QUYỂN HAI...