- 1. Buổi tối thứ nhất - Lời dạy mở đầu
- 2. Buổi tối thứ hai - Bát chánh đạo
- 3. Buổi sáng thứ ba - Bài thực tập: Cảm thọ
- 4. Buổi tối thứ tư - Sự chú ý đơn thuần
- 5. Buổi sáng thứ năm - Bài thực tập: Tư tưởng
- 6. Buổi tối thứ năm - Khái niệm và thực tại
- 7. Buổi sáng thứ sáu - Bài thực tập: Đối tượng của cảm giác
- 8. Buổi tối thứ bảy - Những mẩu chuyện
- 9. Buổi sáng thứ tám - Bài thực tập: Tác ý
- 10. Buổi sáng thứ chín - Bài thực tập: Ăn trong chánh niệm
- 11. Buổi tối thứ chín - Năm triền cái
- 12. Buổi sáng thứ mười - Bài thực tập: Quán tâm thức
- 13. Buổi tối thứ mười - Dũng sĩ
- 14. Buổi sáng thứ mười một - Trò chơi định tâm
- 15. Buổi tối thứ mười hai - Ba trụ pháp: Ba-la-mật
- 16. Buổi tối thứ mười ba - Sự tương đồng
- 17. Buổi tối thứ mười bốn - Tứ diệu đế
- 18. Buổi tối thứ mười lăm - Sự cương quyết nửa vời
- 19. Buổi tối thứ mười sáu - Nghiệp báo
- 20. Buổi tối thứ mười bảy - Bài thực tập: Hôn trầm
- 21. Buổi tối thứ mười tám - Sự trong sạch và hạnh phúc
- 22. Buổi tối thứ mười chín - Tín ngưỡng
- 23. Buổi tối thứ hai mươi mốt - Thập nhị nhân duyên
- 24. Buổi tối thứ hai mươi hai - Cái chết và lòng từ bi
- 25. Buổi tối thứ hai mươi lăm - Đạo
- 26. Buổi tối thứ hai mươi sáu - Thất giác chi
- 27. Buổi tối thứ hai mươi chín - Con đường của Phật
- 28. Buổi sáng thứ ba mươi - Kết thúc
Tác giả: Joseph Goldstein-Nguyễn Duy Nhiên dịch
Buổi tối thứ nhất
Lời dạy mở đầu
Mở đầu cho mỗi kỳ tu học là truyền thống quy y Tam bảocho mỗi thiền sinh. Quy ycó nghĩa là trở về nương tựa. Tam bảolà Phật, Phápvà Tăng.
Quy y Phậtlà nhìn nhận rằng trong mỗi chúng ta ai cũng có hạt giống giải thoát, tỉnh thức. Nó cũng có nghĩa là trở về nương tựa nơi những đức tính cao thượng của đức Phật như vô úy, trí tuệ, từ bi.
Quy y Pháplà trở về nương tựa Pháp, có nghĩa là sống trong giáo pháp của đức Phật, chân lý của mọi sự vật; tức là nhìn nhận sự trở về với sự thật, để giáo pháp của đức Phật được biểu hiện nơi tâm mình.
Quy y Tănglà trở về nương tựa Tăng, có nghĩa là dựa vào sự nuôi dưỡng về tinh thần lẫn vật chất của những người có cùng một chí hướng, cùng giúp đỡ, hướng dẫn nhau trên con đường tỉnh thức và giải thoát.
Nền tảng tối cần thiết cho việc tu tập thiền quán là giữ theo giới luật. Giới luậtlà phương thức để duy trì sự trong sạch căn bản cho thân thể, lời nói và ý nghĩ. Năm giớimà hành giả phải cố gắng giữ theo là: không sát hại, có nghĩa là không được giết hại bất cứ một sinh mạng nào, ngay cả con muỗi hay con kiến; không trộm cắp, có nghĩa là không được lấy những gì không phải là của mình; không tà dâm, trong khóa tu này thì nó có nghĩa là giữ cho mình được trong sạch; không nói dối, cũng không nói những lời mà mình không biết chắc, không nói những lời ác độc, gây chia rẽ; không uống rượu, cũng không sử dụng các chất ma túy. Năm giớinày giúp ta có được một nền móng vững chắc để phát triển định lực, và từ đó sẽ phát sinh trí tuệ.
Chúng ta có cơ hội ngồi chung với nhau hôm nay để quán chiếu chính mình trong khung cảnh yên lặng và tĩnh mịch này là một điều vô cùng quý báu. Thật hiếm có dịp để ta dành trọn một tháng cho việc thực hành thiền, để ta tìm lại con người của mình, tìm hiểu xem mình là ai.
Để giúp cho sự tu tập được quân bình và nghiêm trang, hành giả nên rèn luyện một số những đức tính sau đây.
Trước hết là đứckiên nhẫn. Đôi khi ta cảm thấy ngày tháng dường như dài bất tận, và hành giả sẽ tự hỏi mình, nhất là vào những lúc bốn giờ rưỡi sáng trong ngày trời lạnh: “Ta làm gì ở đây?” Trên con đường tu tập thiền quán có rất nhiều thăng trầm. Có những khi hành giả cảm thấy nhẹ nhàng, an lạc, tươi mát và sáng suốt. Nhưng cũng có những lúc hành giả chỉ cảm thấy sự nhàm chán, đau đớn, bất an và nghi ngờ. Đức kiên nhẫn sẽ giúp hành giả giữ cho tâm mình được quân bình khi trải qua những tâm trạng tiêu cực này. Có người hỏi Hòa thượng Trungpa rằng: “Trong đạo Phật, ân sủng nằm ở đâu?” Hòa thượng trả lời: “Ân sủng chính là đức kiên nhẫn.” Nếu chúng ta có một tâm kiên nhẫn, chân như của mọi vật sẽ tuần tự phơi bày trong ta một cách tự nhiên và có tầng lớp. Kiên nhẫn có nghĩa là giữ cho tâm quân bình dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, giữ cho tâm luôn thoải mái, nhẹ nhàng và có ý thức.
Một vị thầy Du-giàTây Tạng nổi tiếng là Milarepakhuyên các đệ tử của ngài phải “vội vã một cách chậm chạp”. Vội vãở đây có nghĩa là cố gắng một cách liên tục, không suy chuyển. Nhưng phải biết cố gắng với một tâm thức trầm tĩnh và cân bằng. Hãy kiên trì và cố gắng, nhưng bao giờ cũng phải giữ cho mình được thoải mái và thăng bằng.
Một yếu tố khác có thể giúp cho sự thiền quán của hành giả được thâm sâu là giữ yênlặng. Chúng ta thường mất đi khả năng quán sát những gì đang xảy ra trong tâm mình chỉ vì hay nói chuyện. Nói chuyện làm xao lãng sự chú ý và tiêu hao năng lực. Những năng lực mà ta bảo tồn được bằng cách giữ im lặng, có thể được dùng để khai triển sự tỉnh thức và chánh niệm của mình. Cũng giống như phương pháp hành thiền, sự yên lặngphải được thực hành một cách tự nhiên và thoải mái. Nhưng đó không có nghĩa là ta muốn nói chuyện lúc nào cũng được, mà là phải biết sống một ngày ý thức trong yên lặng. Nếu ta giữ được sự yên lặng, mọi hoạt động, thay đổi về tâm lý, vật lý trong ta sẽ trở nên vô cùng rõ rệt. Sự yên lặng trong ngôn ngữ sẽ dẫn đến sự tĩnh lặng trong tâm hồn.
Mọi sự giao thiệp, đụng chạm giữa bạn bè hay vợ chồng đều nên giới hạn. Ta hãy tạo cho mình một ý niệm cô độc. Muốn được như thế, ta hãy tạm bỏ qua một bên những dự tưởng về chính mình, về sự liên hệ với chung quanh, về những người khác. Ta hãy dùng thời gian này để kinh nghiệm chính mình cho thật sâu sắc.
Mỗi người chúng ta, ai rồi cũng sẽ từ giã cuộc đời này một mình. Cho nên ta hãy tập đối diện với sự cô đơn căn bản ấy ngay từ bây giờ, hãy làm bạn với nó. Với sự hiểu biết ấy, tâm ta sẽ trở nên vững chãi và an lạc. Khả năng này có thể giúp cho ta sống hòa đồng, an vui với những người chung quanh ta. Một khi ta có thể tự hiểu được mình, sự liên hệ với thế giới bên ngoài sẽ trở nên dễ dàng hơn và đầy ý nghĩa.
Nhưng để cho khóa thiền này được lợi ích, bạn không nên pha trộn nhiều phương pháp thiền khác vào đây. Trong các bạn chắc hẳn có nhiều người đã thực hành phương pháp của các trường phái khác nhau, nhưng trong khóa thiền này tôi xin bạn hãy tập trung tâm ý vào sự tu tập Vipassana, hay thiền Minh sát tuệ. Chính nhờ sự luyện tập chánh niệm mà trí tuệ phát sinh. Trong vòng một tháng này, bạn hãy tập trung mọi cố gắng vào việc thực tập chánh niệm trong mỗi giây phút. Được như vậy thì sự tu tập của bạn mới không trở thành nông cạn. Nếu mọi cố gắng của bạn đều nhằm về một hướng, tâm của bạn sẽ trở nên vô cùng mãnh liệt và thẩm thấu.
Hãy từ tốn và chậm chạp. Điều này có một giá trị rất lớn lao. Không có gì đáng để vội vã cả, không có một nơi nào để đến, cũng chẳng có một việc gì khác để làm, chỉ cần thong thả sống trong giờ phút hiện tại. Trong phạm vi hoạt động hằng ngày, ta hãy giữ cho mình có một tâm ý thật tỉnh thức, cẩn thận chú ý đến mọi cử động của mình. Duy trì tâm ý tỉnh thức liên tục trong một thời gian sẽ giúp cho công phu thiền quán của ta ngày càng thâm sâu hơn.
Chúng ta sẽ bắt đầu phương pháp ngồi thiền bằng cách đặt sự chú ý vào một đối tượng thiền quán giản dị: hơi thở. Hãy chọn một thế ngồi thật thoải mái, dễ chịu, giữ thẳng lưng, nhưng không nên cố gắng quá. Nếu tư thế ngồi gò bó hay không ngay thẳng, ta sẽ dễ dàng trở nên khó chịu. Nếu muốn, bạn cũng có thể ngồi trên một chiếc ghế. Điều quan trọng là đừng cử động nhiều quá. Mắt nên nhắm, trừ khi bạn đã tập ngồi thiền với mắt hơi mở và bạn muốn chọn cách ấy. Nhưng khi mở mắt thì phải biết đặt ánh mắt vào một điểm cố định rồi quên nó đi. Theo tôi thì nhắm mắt lại một cách thoải mái là dễ hơn. Nhưng điều đó có thể tùy ý bạn.
Quán niệm hơi thở có thể được thực hành bằng hai phương pháp. Khi ta thở vào, bụng sẽ phồng lên. Khi thở ra, bụng xẹp xuống. Cách thứ nhất là hướng sự chú ý vào chuyển động lên xuống này. Không tưởng tượng, hình dung ra một cái gì hết, chỉ nhận biết thật rõ ràng cảm giác về sự chuyển động lên xuống. Đừng cố gắng kiểm soát hơi thở bằng bất cứ cách nào, chỉ đơn giản chú ý vào sự lên xuống của bụng.
Cách thứ hai là chú ý đến hơi thở ra vào nơi mũi, hướng sự chú ý vào nơi đầu mũi hay môi trên. Phải tập trung chú ý vào hơi thở như một người gác cổng, luôn biết đến sự ra vào của mọi người. Đừng theo dõi hay cố dẫn hơi thở đi vào, đi ra, cũng đừng kiểm soát hay ép buộc hơi thở. Chỉ đơn giản chú ý đến sự ra vào của hơi thởkhi nó đi ngang qua mũi. Trong giai đoạn đầu bạn nên niệm thầm trong tâm những từ “phồng, xẹp” hay “ra, vào”. Bằng cách này, tâm ý của bạn sẽ được gắn với đối tượng thiền quán.
Trong vài phút thực tập đầu tiên, bạn hãy thử coi đối tượng nào rõ ràng nhất đối với bạn: sự lên xuống của bụnghay sự ra vào của hơi thở. Rồi bạn hãy chọn lấy một đối tượng và quyết định duy trì nó mãi, đừng thay đổi. Có những lúc đối tượng của bạn sẽ trở nên mơ hồ khó phân biệt, bạn cũng đừng thay đổi vì hy vọng rằng đối tượng kia sẽ dễ dàng hơn. Một khi đã quyết định chọn đối tượng để thực hành thiền quán rồi, bạn hãy duy trì đến cùng. Có những lúc nó sẽ rõ ràng, có những lúc mơ hồ, có những lúc sâu sắc, có những lúc nông cạn, có những lúc dài, có những lúc ngắn... Nhưng bạn nên nhớ, đây không phải là một phương pháp tập thở mà là bài thực tập chánh niệm đầu tiên.
Phương pháp thiền hành, hay kinh hành, được thực hiện bằng cách chú ý đến các động tác của bàn chân trong mỗi bước đi: dở lên, bước tới và đặt xuống. Bạn nên hoàn tất việc theo dõi mỗi một bước chân trước khi bắt đầu bước tiếp theo. Dở lên, bước tới, đặt xuống, dở lên, bước tới, đặt xuống... Thật giản dị! Nhưng đây cũng không phải là một bài tập thể dục mà là một bài thực tập chánh niệm. Hãy sử dụng những động tác để phát triển một tâm ý tỉnh thức. Trong một ngày, bạn nên nhớ rằng sẽ có những thay đổi. Đôi khi bạn cảm thấy muốn bước nhanh hơn, lại có lúc bạn thích đi thật chậm. Bạn có thể niệm mỗi bước chân theo từng đơn vị một như “bước, bước...” Bạn cũng có thể bắt đầu đi thiền hành hơi nhanh, nhưng dần dần chậm lại, cho đến khi bạn có thể chia từng bước chân ra thành ba động tác: dở lên, bước tới, đặt xuống. Hãy trải nghiệm thực tế. Điều quan trọng nhất là có chánh niệm: ý thức rõ ràng những gì đang xảy ra.
Khi đi kinh hành, hai tay nên giữ yên ở phía trước, sau lưng hoặc hai bên thân mình. Mắt nhìn về phía trước một chút, không nên nhìn xuống dưới chân, điều này tránh cho bạn khỏi bị lôi cuốn vào ý niệm “bước chân” khi đi. Phải tập trung chú ý vào sự cảm nhận kinh nghiệm của từng cử động, nhận thức được cảm giác trong mỗi động tác dở lên, bước tới, đặt xuống...
Dưới đây là chương trình thực hành cụ thể trong mỗi ngày:
04:30 - 05:00 – thức dậy
05:00 - 06:30 – kinh hành, ngồi thiền
06:30 - 07:30 – ăn sáng
07:30 - 08:00 – kinh hành
08:00 - 09:00 – ngồi thiền chung
09:00 - 09:45 – kinh hành
09:45 - 10:45 – ngồi thiền chung
10:45 - 11:30 – kinh hành
11:30 - 01:15 – ăn trưa và nghỉ ngơi
01:15 - 02:00 – ngồi thiền chung
02:00 - 02:45 – kinh hành
02:45 - 03:45 – ngồi thiền chung
03:45 - 05:00 – kinh hành, ngồi thiền
05:00 - 05:30 – uống trà
05:30 - 06:00 – kinh hành
06:00 - 07:00 – ngồi thiền chung
07:00 - 08:00 – pháp thoại
08:00 - 08:45 – kinh hành
08:45 - 09:45 – ngồi thiền chung
09:45 - 10:00 – uống trà
10:00 - 04:30 – ngủ
Trong tuần đầu tiên, tốt nhất là bạn hãy cố gắng theo sát chương trình này. Dần dần, khi bạn đã quen với công phu tu tập liên tục, bạn sẽ khám phá ra một nhịp độ thích hợp với mình. Hãy duy trì những thời gian kinh hành và ngồi thiền cho liên tục. Ăn trưa, uống trà và mọi công việc khác đều phải được làm trong chánh niệm, trong sự tỉnh thức. Sau một thời gian bạn có thể thích đi kinh hành lâu hơn, một tiếng hay một tiếng rưỡi, rồi mới bắt đầu ngồi. Có người lại thích ngồi lâu hơn, có khi hai, ba tiếng; lại có người thích công phu vào những giờ khuya. Trong thời gian tu tập ở Ấn Độ, tôi thường công phu vào những giờ thật khuya khoắt: từ nửa đêm cho đến ba giờ sáng. Tôi cảm thấy lúc ấy rất im lặng và thanh tịnh, thích hợp cho việc tu tập. Khi sức thiền định mạnh ta sẽ thấy ít cần đến giấc ngủ. Chỉ đi ngủ khi nào bạn cảm thấy mệt, chứ đừng vì thói quen đúng giờ. Có thể đến một lúc, khi sức tu tập tiến triển đúng mức, bạn sẽ không còn cảm thấy mệt mỏi và có khả năng công phu liên tục ngày đêm. Hãy cảm nhận những gì phù hợp với khả năng bạn, cố gắng tu tập nhưng đừng bao giờ gượng ép hay bó buộc quá.
Thánh Francis de Salescó viết: “Hãy kiên nhẫn với tất cả mọi người, nhưng trước hết là với chính mình. Tôi muốn nói là bạn đừng thối chí, nản lòng về sự bất toàn của mình. Lúc nào cũng phải đứng dậy với lòng can đảm mới. Tôi rất mừng là bạn bắt đầu mỗi một ngày mới tinh. Bởi vì không có phương cách nào giúp cho bạn đạt đạo tốt hơn là biết khởi sự lại từ đầu, và không bao giờ tự cho rằng mình đã làm quá đủ. Làm sao bạn có thể tha thứ lỗi của người láng giềng, nếu bạn không tha thứ lỗi cho chính mình? Người nào cứ mãi bứt rứt về lỗi lầm của mình sẽ không bao giờ sửa lỗi được. Tất cả những sự sửa sai có ích đều xuất phát từ một tâm hồn bình thản, an lạc.”