Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tổng Kết

25/03/201101:36(Xem: 9452)
Tổng Kết

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

TỔNG KẾT

Thưa đại chúng,
Chúng ta có thể lấy chương bốn mươi hai làm phần tổng kết cho văn bản Kinh. Tuy nhiên với cái nhìn của hành giả trên tiến trình tu, chúng ta có thể đúc kết đôi điều rất ngắn trước khi khép lại bản Kinh đã học.

1. Con đường gian khó.

Con đường chúng ta phải đi ngang qua để thành đạt bản hoài của người tu rất khó nhọc. Người xưa, những người đi trước chúng ta đã cực nhọc vô cùng mới có một chút thành đạt trên con đường nầy. Khi bước vào đời sống tâm linh đòi hỏi chúng ta phải đầu tư tất cả năng lượng, tất cả thân tâm, tế bào của hình hài này vào chuyện tu mới mong thành đạt ít nhiều. Như Lục Tổ Huệ Năng ngộ đạo rồi nhưng vẫn phải ẩn cư trong đám thợ săn mười sáu năm để mài dũa tâm. Đến khi có cơ hội mới ra khai lập đạo tràng đầu tiên với đám sĩ phu và Vi Sư Quân thời đó. Tiếp đến đời thứ hai là Nam Nhạc Hoài Nhượng đã thân cận bên Lục Tổ tám năm mới khai ngộ được đạo, và Ngài Huệ Trung phải ở trên núi Bạch Nhai đến bốn mươi năm để luyện tâm cho thuần thục mới ra giáo hóa đồ chúng.

Chúng ta là những người tu còn rất phàm phu, tâm luôn xao động; chưa đi đã chạy, chưa ngồi mà tâm đã nằm. Bước đầu chúng ta tu là chỉ làm một việc giản dị mời tâm có mặt nơi thân từng sát na, sau đó làm dừng lại những xao động của tâm thức, và cuối cùng những xao động dần dần vắng mặt. Chỉ còn lại trạng thái tâm tĩnh tại, sáng tỏ không rời chúng ta lúc nào.

2. Hứa với lòng.

Quảng đường từ đầu cho đến lúc an trú tâm phải trải qua một thời gian dài để luyện, chứ không phải một ngày một bữa. Thế nên chúng ta phải hứa với lòng một đời này thành tựu đạo nghiệp. Khởi phát dũng lực một đời này phải giải quyết xong chuyện sinh tử thì mới có khả năng vượt thoát tử sinh.

Thưa quí vị, trên con đường hướng thượng vượt thoát tử sinh nhọc nhằn, gian nan vô cùng, trải qua ngàn vạn thác ghềnh nhưng khi đã thành tựu đạo nghiệp thì chợt nhận ra trăng hôm nay vẫn là trăng của nghìn xưa. Khi chưa đến được Lô Sơn thì ao ước làm thế nào đến cho được để chiêm ngưỡng, nhưng khi bước chân đến nơi thì không gì lạ. Trên núi cũng sương giăng buổi sáng mịt mù, dưới chân Lô Sơn vẫn ầm ầm sóng Triết Giang từng ngày không dứt như lời thơ của Tô Đông Pha từng vịnh:

Lô sơn yên tỏa Triết Giang triều,
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu

Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự

Lô sơn yên tỏa Triết giang triều.

Trúc Thiên dịch:

Mù tỏa non Lô sóng Triết giang,
Khi chưa đến đó luống mơ màng

Đến rồi nào thấy chi đâu lạ

Mù tỏa non Lô sóng Triết giang.

3. Thông minh khéo nhận.

Đoạn đường tu đi qua những gian khổ vô cùng nhưng khi đạt đến vùng đất an nhiên của tự tâm thì các vị phát giác ra một điều, nó là cái ta đã có sẵn tự bao giờ. Nó là cái mà ta đã xử dụng hàng ngày. Ta đi tìm Niết Bàn, tìm an lạc mà chúng ta quên là an lạc Niết Bàn tự có trong mắt, trong tai, trong mũi, trong lưỡi như Tổ Lâm Tế đã nói: “Sáu đạo thần quang chưa từng gián đoạn.”

Chúng ta hãy quay lại ngay nơi đây, ngay nơi cái thấy, cái nghe, khéo nhận ra cái tâm Phật vô sinh bất diệt của mình. Nếu không thì chạy vạy trăm kiếp, nghìn đời càng chạy càng xa, càng tu càng chìm nổi.

4. Cẩn trọng khi hành trì và hóa Đạo.

Nét nổi bật nhất trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương là Phật dạy chúng ta hãy cẩn trọng với ái dục. Con người có mặt trong nhân gian là do ái dục. Ái dục là năng lượng tự nhiên làm thành đời sống của chúng ta nên trong con người nào cũng có chất ái dục. Và Đức Thế Tôn đặc biệt nhấn mạnh điều này nhiều lần trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương.

Ở mức độ cạn, xả ly được ái dục chúng ta mới thành một người tu có phẩm chất, có đạo hạnh. Nhưng ở cấp độ thâm sâu, muốn làm được đạo, muốn giáo hóa, muốn độ sinh, muốn làm cho Phật pháp hưng thịnh, điều quan trọng chúng ta phải xả ly ái. Nếu không thì trên con đường đi chúng ta vướng mắc đủ thứ chuyện làm tan nát thân danh của chính mình. Mình hủy phá đạo làm cho Phật pháp suy thoái, làm cho niềm tin của Phật tử tín đồ đổ vỡ.

Mức độ tinh tế hơn nữa của ái có nghĩa là ái thân, ái bản ngã. Các vị lột ra được hết những lớp ái chấp bản ngã thì mới mong an trụ được trong tự thể tâm vô niệm của chúng ta.

Con đường tu của chúng ta để thành đạt quả Bồ Đề là con đường trở về nhận ra được chúng ta không phải là thân này, là vui buồn sầu khổ, bất an của cảm thọ. Cũng không phải những suy nghĩ, thầm thì độc thoại và đối thoại. Ta là tự thể tâm vô sinh, bất diệt. Là sự nhận biết sáng chói hiện tiền.

Chúng ta hãy quý tiếc ngày giờ, sinh mạng và nỗ lực hành trì. Mạng người rất quý chỉ ngắn trong một hơi thở. Chúng ta lao xao trong kiếp nhân sinh không bao lâu rồi chìm mất vào cát bụi. Hãy tỉnh giác trong từng hơi thở khi có được kiếp người, nỗ lực tinh cần xin đừng thả trôi.

Phật pháp không phải xa vời với chúng ta, không phải là cái gì bên ngoài, không phải là con đường hướng ngoại, thủ đắc mà là con đường quay về trong chính thân tâm ta:

Vô minh thật tánh tức Phật tánh,
Huyễn hóa không thân tức pháp thân.

Tánh thực vô minh tức Phật tánh,

Thân không huyễn hóa tức pháp thân.

Chúng ta có thể quy y Đức Thế Tôn, quy y với Giáo pháp, với Tăng đoàn nhưng cuối cùng con đường tu tập vẫn là quay về với vị Phật của chính mình, quay về tự tâm thành đạt Giải Thoát.

Tu viện Lộc Uyển
26-02-2008

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567