- Lược Khảo Văn Bản
- Phần Mở Ðầu: Ly Dục Tịch Tĩnh
- Chương 01: Thức Tâm Ðạt Bổn
- Chương 02: Ngộ Vô Vi Pháp
- Chương 03: Hiện Hạnh Sa Môn
- Chương 04: Con Ðường Thiện Ác
- Chương 05: Làm Mới Thân Tâm
- Chương 06 - 08: Tu Hạnh Nhẫn Nhục
- Chương 09: Bác Học Ða Văn
- Chương 10- 11: Tùy Hỷ Và Cúng Dường
- Chương 12: Vượt Qua Khó Khăn
- Chương 13: Tịnh Tâm Thủ Chí
- Chương 14 – 15: Hành Ðạo Thủ Chân
- Chương 16: Xả Ly Ái Dục
- Chương 17: Thắp Sáng Trí Tuệ
- Chương 18: Siêu Việt Nhị Biên
- Chương 19 - 20: Tam Pháp Ấn
- Chương 21 - 22: Tham Ðắm Các Dục
- Chương 23 - 25: Họa Hại Của Ái Dục
- Chương 26: Quán Chiếu Sự Thọ Dụng
- Chương 27: Trôi Vào Biển Giải Thoát
- Chương 28: Thận Trọng Với Ý Thức
- Chương 29: Phong Cách Sa Môn
- Chương 30: Ðoạn Các Duyên Sinh Khởi Ái Dục
- Chương 31 - 32: Ðoạn Gốc Rễ Sinh Khởi Ái Dục
- Chương 33: Mặc Giáp Tinh Tấn
- Chương 34: Con Ðường Trung Ðạo
- Chương 35: Thanh Lọc Thân Tâm
- Chương 36: Hạnh Phúc Con Ðường Tâm Linh
- Chương 37: Thân Cận Bên Phật
- Chương 38: Người Hiểu Ðạo
- Chương 39: Nhất Vị Pháp
- Chương 40: Thân Tâm Nhất Như
- Chương 41: Nỗi Sợ Tử Sinh
- Chương 42: Nhìn Bằng Ðôi Mắt Phật
- Tổng Kết
- Phụ Lục Hán Văn
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải
CHƯƠNG 40
THÂN TÂM NHẤT NHƯ
Thưa đại chúng,
Thân Tâm Nhất Như là tên của chương Kinh bốn mươi nầy. Tôi đọc âm Hán văn để quí vị cùng nghe:
A. CHÁNH VĂN.
Phật ngôn: “Sa môn hành Đạo, vô như ma ngưu, thân tuy hành Đạo, tâm Đạo bất hành. Tâm Đạo nhược hành, hà dụng hành Đạo.”
Phật ngôn: “Sa môn hành Đạo, vô như ma ngưu, thân tuy hành Đạo, tâm Đạo bất hành. Tâm Đạo nhược hành, hà dụng hành Đạo.”
Đức Phật dạy: “Sa môn tu tập đừng như con trâu kéo xe. Thân tuy tu tập mà tâm không tu tập. Tâm nếu tu tập thì đâu cần phải thân tu tập.”
Đoạn Kinh nầy ngắn nhưng hàm ý rất sâu sắc.
Ý thứ nhất là người tu chúng ta hành đạo mà tâm không hành đạo thì cũng giống như con trâu xay lúa đi lòng vòng có nghĩa là đi không tới đâu cả. Cũng tọa thiền, cũng lạy Phật, cũng tụng Kinh... như mọi người nhưng tâm chúng ta buông lung, không có ý thức tu tập gì cả nên không chuyển hóa được tâm và an lạc giải thoát không có mặt
Ý thứ hai là nếu tâm chúng ta luôn tu tập một cách nghiêm túc thì những khổ hạnh, ép xác không còn cần thiết nữa. Tự nhiên phẩm chất an bình tịnh lạc bên trong tràn đầy tỏa hương mà không cần biểu hiện ra hình thức. Tuy nhiên quí vị phải hiểu sâu điều nầy, không phải tâm tu rồi thì hình thức không cần thiết.
B. ĐẠI Ý.
Đại ý đoạn Kinh là những đệ tử Như Lai phải sống với đạo trọn vẹn cả thân và tâm.
C. NỘI DUNG.
Chúng ta có năm vấn đề cần chia xẻ sau đây:
1. Từ nhân quả biểu hiện thân tâm.
2. Thân và tâm trong tiến trình tu.
3. Thân tâm nhất như của hành giả.
4. Sự tu tập trong tâm.
5. Con đường thực tập và chứng nghiệm thân tâm nhất như.
1.Từ nhân quả biểu hiện thân tâm.
Thưa quí vị, có hai yếu tố để nhìn vào sự liên hệ nầy.
Chúng ta đều biết là tướng từ tâm sinh, tức là từ tâm thức biểu hiện nên hình hài nầy. Đó là kết quả tất nhiên của nghiệp quá khứ. Nên điều kiện cùng hoàn cảnh sống của chúng ta cũng là những biểu hiện từ tâm thức. Tâm thức ta như thế nào thì chiêu cảm bạn bè, người thân, đời sống như thế ấy.
Ví dụ như khi tâm ta bất an, khổ đau thì biểu hiện ra bên ngoài mặt mày cau có, bồn chồn. Đức Phật đã dùng một danh từ rất dễ nhận biết là trạo cử. Đó là từ tâm lý phát ra bên ngoài hình hài. Hơn nữa nghiệp thức tự hữu của quá khứ có khả năng đẩy chúng ta rơi vào thai mẹ. Hình hài nầy được cấu tạo bởi sáu yếu tố: đất, nước, gió, lửa, không gian, tâm thức, chứ không phải chỉ có bốn Đại là địa, thủy, hỏa, phong như chúng ta thường nghe nói tới.
Hình hài chúng ta nếu chỉ có năm đại thì không thể làm thành sự sống. Nó phải có thần thức ghé vào, mà thần thức luôn đi liền với tập nghiệp đã gieo. Thế nên thân tâm là kết quả hiển nhiên của nghiệp.
Khi thần thức rời hình hài tứ đại, có hai loại nghiệp đưa con người tái sinh vào đời sống kế tiếp; một là tích tập nghiệp tức là nghiệp chúng ta huân tập cả một đời, hai là cận tử nghiệp tức là nghiệp lúc gần chết. Hai loại nghiệp nầy đẩy chúng ta đi đầu thai.
Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng lý giải thì quá trình tái sanh của chúng ta có hai điều xẩy ra: một là: Khi vừa dứt hơi thở trong tích tắc (sát na) là thọ sanh liền. Đó là những trường hợp định nghiệp (nghiệp định sẵn; rất ác hay rất lành). Thứ hai: Bất định nghiệp, tức lành dữ can bằng hoặc chưa đủ nặng để quyết định thọ sanh thì thần thức gá vào thân trung ấm lửng lơ giữa không gian. Giai đoạn nầy rất cần sự yểm trợ của người thân.
– Từ lúc ban đầu thọ sanh hình hài nầy là do nghiệp dẫn và do nghiệp biểu hiện. Thế nên, nếu chúng ta tạo những điều lành, tâm thức được luyện lọc và có định lực chắc chắn chúng ta làm chủ được mình, muốn ghé vào nơi nào thuận duyên thì ghé. Chúng ta cũng nên biết năng lượng lành của thần thức chiêu cảm năng lượng lành của bố mẹ tương lai để mình thọ sanh. Còn năng lượng xấu ác đen tối do chính chúng ta sân si thù hận tham dục... phát ra lúc cận tử, cũng sẽ tìm vùng năng lượng đen tối khốn khổ để biểu hiện.
Cho nên từ nơi tâm thức hiện tại biểu hiện ra tướng, và nghiệp thức của chúng ta từ quá khứ cũng biểu hiện ra tướng. Do vậy khi nhìn chính mình hiện tại chúng ta biết trong quá khứ mình vụng về thế nào, hoặc khéo tu như thế nào.
Chúng ta tu tập không khéo, một đời nghiệp thức không chuyển được bao nhiêu, vì nghiệp quá khứ của chúng ta đã gây không phải dễ chuyển. Nếu đó là định nghiệp thì trong kiếp nầy chúng ta phải tu thật giỏi mới mong chuyển được nghiệp. Hãy nhìn tính cách của ta là loại tập nghiệp cạn của kiếp nầy, thế mà sửa đổi đã không dễ; huống chi những hạt giống phiền não, lo sợ, bất an, giận hờn, tham đắm...tự chiều sâu của thức tâm hẳn nhiên sẽ khó chuyển vô cùng. Nếu chúng ta không nỗ lực, thiết tha chuyện tu, cả một đời thả trôi bồng bềnh, ngày đoạn tháng qua thì nghiệp vẫn còn đeo đẳng mãi.
– Nếu ý chí ta bền vững, nguyện lực lớn và niềm thiết tha tu hành rất mạnh, thì mới mong chuyển được nghiệp của mình, chuyển được hoàn cảnh sống của mình. Có trường hợp những ông thầy Tướng số đoán rất đúng cho người thế gian nhưng đến với người tu họ đoán không đúng. Vì chỉ dựa vào nhân tướng, dịch lý, âm dương, ngũ hành họ đoán rất chuẩn mực. Nhưng đối với những người tu tâm thức đã chuyển thì họ chuyển được nghiệp của tự thân, chuyển được hoàn cảnh sống của họ. Điều nầy rất rõ ràng đối với người tâm thức đã tu tập giỏi.
Ngoài sự biểu hiện ra bên ngoài của tướng thì khả năng tâm thức còn tạo được những tướng ẩn, và điều gì làm nên ẩn tướng của con người?
Thưa, đôi lúc chúng ta thấy những con người bên ngoài nhìn rất tầm thường nhưng bên trong họ hàm chứa một loại năng lượng tích cực quí báu, chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác mà khó diễn tả bằng lời. Cái quý đó phát sinh từ bên trong tâm thức họ. Ví dụ như có những người mình phải sống với họ rất lâu mới cảm nhận được tất cả đức hạnh tuyệt vời từ nơi họ. Có những bậc Thiện trí thức chúng ta gặp mà không biết, chúng ta phải tinh tế lắm mới nhận ra được.
2. Thân và tâm trong tiến trình tu.
– Thân tu mà tâm không tu.
Chúng ta thường có bệnh khi mới vào chùa rất hăng hái, nhưng tu càng lâu chức quyền càng lớn, địa vị càng cao thì càng buông trôi. Giữ được hình thức mà không để hết tâm vào chuyện tu. Phần lớn trong Già lam sự rơi rụng không ở trong các vị Sa di hay tân Tỳ kheo mà các thầy có địa vị cao trọng, uy tín lớn lại dễ rơi vào dòng chảy ngũ dục nhân gian. Thế nên nhiều khi sống trong Đạo lâu chúng ta càng lơ là với việc tu. Có thể thân vẫn còn tu mà tâm tu đã mất. Có thể mỗi ngày có hai buổi tọa thiền, ta đi thiền hành như bao người nhưng trong tâm chưa hề cùng làm một việc như thân, do nhiệt tình tu đã nguội. Dĩ nhiên, tập khí nghiệp thức của mình thường đi theo con đường không tỉnh thức. Chúng ta phải khéo giữ gìn, phải làm thế nào nuôi dưỡng mình, mỗi một ngày sự thiết tha tu tập mỗi lớn và nếu một ngày đi qua mà tâm chúng ta thấy hờ hững với chuyện tu, để thân tu mà tâm không chịu tu thì sự đổ vỡ đang tới. Có những đổ vỡ chúng ta không thấy vì nó ở tận bên trong. Cũng giống như chúng ta thấy có những cây cột nhà còn nguyên vẹn đứng yên như vậy nhưng mối đã ăn rỗng ruột bên trong rồi.
Trường hợp người tu chúng ta giống như thế thì hứa hẹn một ngày nào cũng mục rữa mà thôi. Tuy nhiên, vẫn còn khá hơn là tâm đã không tu mà thân cũng không tu thì đại họa cho nhân gian.
– Tâm tu mà thân không tu.
Thân không tu mà tâm tu, thưa quí vị chỉ có những vị Bồ Tát tái lai mới biểu hiện điều nầy. Các vị cũng sống đời thường như chúng ta, không thể nào biết được và họ cũng muốn dấu thân phận của mình nhưng tâm các Ngài là tâm Thánh hiện trong tướng phàm phu. Cũng có những vị Thầy rất giỏi trong nhân gian nhưng muốn ẩn mình để có thì giờ, điều kiện nuôi dưỡng năng lượng giác ngộ, nuôi dưỡng đạo tâm hoàn thành Thánh hạnh giải thoát, nên họ không ra giáo hóa và không bao giờ nói ra đạo lý. Điều đặc biệt có thể minh chứng là những con người càng giỏi trong cuộc đời thì càng ít phô trương. Như những người thực sự giàu có ít khi ai biết họ giàu vì họ không phô trương. Và thường những người trí thức thực sự họ nói rất ít, họ lặng lẽ nhiều hơn.
Từ lãnh vực rất cạn, thấp của thân phận con người nhìn đến xã hội, đến một trung tâm tu học hay một tự viện cũng giống như thế. Một trung tâm nào còn giữ được nét giản dị, đơn sơ, thanh đạm trong đời sống thì trung tâm ấy cả phẩm và lượng rất giàu có vì đã được nuôi dưỡng từ bên trong.
Một đạo tràng, hay một dòng tu nào mà hình thức bên ngoài phô trương hào nhoáng, đẹp đẽ thì xem chừng đời sống bên trong của họ đang trên đà tuột dốc, suy thoái. Thông thường sự phô trương, khoe khoang hình thức bên ngoài đem đến thiệt thòi nhiều hơn là có lợi, nó bào mòn phẩm chất tu tập mà chúng ta không thấy bởi màn vô minh phủ trùm lên tâm thức chúng ta.
Dĩ nhiên, trường hợp những phàm Tăng như chúng ta, tâm tu mà thân không tu đưa đến những điều bất lợi. Trong đời sống thông thường những Phật tử, cư sĩ hay để ý đến hình thức bên ngoài trước khi thăm dò vào nội tâm, và họ cũng đâu có thì giờ để tiếp cận nhiều mà nhìn vào nội tâm người tu chúng ta; cho nên nếu đời sống bên ngoài làm cho họ nghi ngờ tức khắc những gì tốt đẹp của chúng ta có mặt, cho dù chứng nghiệm tuệ giác thực sự đi nữa cũng đổ vỡ, họ không còn tin chúng ta nữa. Chúng ta không thể nói tu tại tâm được, không thể nói tôi tu tôi biết, hình thức không quan trọng. Chúng ta tu là phải làm hai điều nầy cùng một lúc, thân tâm phải luôn là một.
Thông thường khi nói đến tâm tu, thân không tu là chúng ta chỉ nhìn ở bình diện cạn. Cũng câu nói đó nhưng tâm thực sự có phẩm chất tu ở bình diện sâu nhất là ngộ được lý và từ chuyên môn gọi là “kiến đế.” Trong nhà Thiền gọi là người thấy được tánh: “kiến tánh khởi tu.”Ấy là trường hợp người đã đi vào được tầng thâm sâu của tâm tu thấy được tánh nên không cần hình thức nữa.
Chúng ta nhớ là sau khi thọ Tỳ kheo giới, năm năm học luật, tức là năm năm học Tỳ Ni Tạng để làm cho thân và tâm thuần nhất. Thế nên trong tất cả mọi sinh hoạt, oai nghi của một ngày chúng ta phải luôn làm chủ được mình. Tâm không được chạy ra ngoài mà luôn an trú trong thân hành và niệm tỉnh giác luôn có mặt.
Sau năm năm học như thế thì được cho đi du phương, có thể đến đạo tràng này đạo tràng khác, tham vấn cho đến bao giờ duyên đạo sáng, quay về nhận được tâm Phật của chính ta, có niềm tin vững chắc thì đó là người “thấy tánh.” Người nhận được tâm Phật rồi lúc ấy mới tìm một nơi nào đó để ẩn cư, tâm thực sự an trú trong định từng sát na không rời nên bây giờ mới không cần hình thức. Có thể người ấy sống lang thang phiêu bồng, khoác áo ăn mày vào phố thị, sống trộn lẫn trong nhân gian. Đây là những bậc đang luyện tâm, đang mài dũa tâm và họ là người thực sự nắm được tâm. Họ đã đạt đến tầng thâm sâu của người tu tâm nên không cần thiết đến hình thức nữa.
3. Thân tâm nhất như của hành giả.
Thưa quý vị, chúng ta có thể thử đi vào sự thực tập cạn của thân tâm nhất như. Kinh ghi: Bồ Tát có hạnh tu là “Anh Nhi Hạnh”. Anh nhi hạnh là hạnh bé thơ.
Khảo sát của y học hiện đại cho ta thấy giai đoạn bé thơ là giai đoạn của thân tâm nhất như. Đây là vấn đề dễ kiểm nhận.
Thưa, không có một đứa bé nào đang nằm trong nôi mà khi nghe âm thanh mặt nó không rạng rỡ, đưa một món đồ chơi đầy màu sắc mà mắt của nó không sáng bừng như một thiên thần. Nhìn nó ta thấy cả thân và tâm nó rất sống động. Nó chưa hề có sự phân mảnh của tâm thức, không hề có chuyện mắt nhìn đồ chơi mà ý nghĩ chỗ khác. Trạng thái nầy rất giống với tâm ban sơ của “Anh Nhi Hạnh”. Càng lớn lên thì quá trình phân hai của thân tâm bắt đầu có mặt. Đến già thì tâm thức của chúng ta càng đi hoang nhiều hơn lúc trẻ, và muốn giữ tâm lại với thân, điều này rất là khó. Lòng ta nếu không nhớ đến quá khứ thì cũng lo lắng chuyện tương lai, và nếu hai điều này không có mặt trong tâm thức thì ta cảm thấy trống trải, cô liêu, hoảng sợ vô cùng.
Tôi chia xẻ điều này để quý vị cảm nhận nếu không khéo, đến già chúng ta sẽ lâm vào tình trạng như vậy. Nghiệp thức đẩy chúng ta khó khống chế cho nên đời sống người tu là phải làm thế nào đi ngược dòng trở lại vào giai đoạn đầu đời như bé thơ để làm cho tâm có mặt ngay nơi thân. Tuy chúng ta tu chưa đủ giỏi, nhưng làm được tâm luôn có mặt nơi thân. Dừng tâm được ngay đây, giờ phút nầy là đủ thấy hạnh phúc nhiều gấp bội so với cuộc sống đời thường.
Điều chúng ta thử hỏi tại sao giai đoạn bé thơ tâm hồn nó thánh thiện như vậy? Đến khi lớn tâm hồn bị phân mảnh như vậy? Thưa gốc tâm hồn bị phân mảnh là do tiếng nói của tâm thức. Ý thức là gì, là tiếng nói thì thầm, ký ức là gì, cũng là tiếng nói về hình ảnh ta lưu trữ. Tất cả những gì mà ta gọi là vọng thức chẳng có gì lạ chỉ là tiếng nói thì thầm. Và tiếng nói thì thầm là nền tảng phát sinh mọi vui buồn, mọi cảm thọ và xa hơn nữa phát sinh phiền não khổ đau. Đó là hạt nhân chính dẫn chúng ta tái sinh vào ba cõi, sáu đường.
Chúng ta tu tập chánh niệm, là mời năng lượng nhận biết tỏa sáng trong khi tiếp xúc. Là chúng ta làm thế nào cho tiếng nói thì thầm trong tâm thức vắng mặt trong cái nhìn của chúng ta lúc tiếp xúc trực tiếp với sắc mầu, với âm thanh ngay sát na hiện tiền. Làm điều này được là chúng ta triệt tiêu nghiệp thức quá khứ, triệt tiêu vọng thức vừa sinh khởi. Ngay nơi đây ta triệt tiêu luôn hạt mầm của tâm thức dẫn dắt vào nỗi khổ, niềm đau. Làm được điều này là thân tâm chúng ta hợp lại làm một. Đây là bước đầu thực tập “Anh Nhi Hạnh” để đi vào trạng thái “thân tâm nhất như.”
4. Sự tu tập trong tâm.
Những bước chuẩn mực của thiền tập được đặt trên bốn pháp hành do Đức Phật chế tác cho người tu nếu không đi vào thì không thể thành công là: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Tôi đoan chắc rằng chưa có một truyền thống Thiền nào từ Đạo Phật mà vượt ngoài bốn pháp hành nầy cả.
Con đường để chúng ta thực tập dễ dàng nhất là đi vào cửa ngõ niệm thân. Ngay từ ngày đầu tiên làm Sa di là chúng ta đã phải làm điều này. Trong mọi động tác của thân hành chúng ta đều dùng ý thức soi sáng, kéo tâm về lại nơi thân và con đường này đã trao ngay cho chúng ta an bình, hạnh phúc trong lúc thực tập.
Nếu không đi vào con đường này, dù chỉ ở mức độ cạn nhất, thì chúng ta không thành tựu oai nghi của người tu. Oai nghi không có thì phạm hạnh không thể phát sinh. Người tu ra đường mà lăng xăng nói cười, đi đứng không đoan nghiêm thì còn gì là phong cách của người tu nữa.
Đôi khi chúng ta rất khó chịu khi thấy các vị thầy lớn bỏ quên điều nầy. Họ nghĩ những người tu giỏi là những người tham gia vào nhiều lãnh vực này nọ và trở thành người lịch lãm trong nhân gian. Điều này không đúng. Người tu giỏi là những người vụng về giao tiếp với nhân gian, mà chỉ cần rất giỏi với chuyện niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, và niệm pháp. Chúng ta không cần lịch sự với đời, không cần thù tiếp dễ thương với Phật tử, lấy lòng Phật tử; điều đó không cần thiết. Vấn đề chính yếu của người tu là thực tập bốn pháp hành này.
Từ nền tảng của Tứ Niệm Xứ chúng ta thâm nhập vào Đạo, và có thể dùng lăng kính này rọi vào kinh điển Đại Thừa, kinh điển Nguyên Thủy thì những ẩn dụ của Đức Phật dạy hay của các bậc Thầy sẽ bừng sáng. Ta cũng có thể dùng nó rọi vào những bài pháp thoại của các vị để thấy chất tu có mặt hay không? Hay chỉ toàn là ngôn ngữ như sấm động nhưng trong đó không có thực chất. Chất tu nếu không đặt trên căn bản bốn pháp hành này để kiến tạo thì con đường truyền đạt chỉ là pháp học mà thôi. Chúng ta có thể khẳng định điều như vậy vì phẩm chất tu chưa trải nghiệm hẳn nhiên sẽ dẫn người ta đi vào mênh mông chữ nghĩa.
Tu tập, thực hành Tứ Niệm Xứ là những điều rất bình thường như ăn cơm, mặc áo, nó gắn liền với mình như hơi thở và nó là pháp hành căn bản nhất. Nếu chúng ta thực tập giỏi một trong bốn pháp thì không những làm cho phiền não, khổ đau rơi rụng mà còn đoạn đứt sinh tử luân hồi trong hiện đời. Chứng nghiệm được Niết Bàn An Lạc bằng con đường Tứ Niệm Xứ.
5. Con đường thực tập và chứng nghiệm.
Con đường thực tập để người tu kinh qua và chứng nghiệm có bốn tầng: Đem tâm về lại với thân. Làm chủ được thân. Thân chỉ là sở hữu. Sinh tử tự tại.
– Thưa quý vị từ mọi lãnh vực bên ngoài cũng như bên trong chúng ta có mặt thực sự thì mới điều động được, làm chủ được. Ví dụ chúng ta là chủ nhà mà không có mặt trong nhà thường xuyên, không có mặt thực sự trực tiếp điều động công việc trong nhà thì ngôi nhà đó là ngôi nhà hoang. Chúng ta không có mặt nơi đó thì chúng ta không có thể làm chủ được nơi đó. Và nhìn vào bản thân người tu chúng ta nếu đem tâm về được với thân thì chúng ta làm chủ thân được. Bước đầu căn bản của người tu là làm chủ được thân.
Ngày xưa Đức Thế Tôn làm được điều này phải mất sáu năm. Ngài phải có ý chí rất mạnh mới làm chủ hoàn hoàn toàn thân Ngài. Chủ động hoàn toàn thân hành của mình. Và bước đầu của sự thực tập là đem tâm hoàn toàn an trú nơi thân. Không một người tu nào mà thân tâm trạo cử.
Ở mức độ cạn trong đời sống bình thường, chưa phải là người tu giỏi nhưng có ý chí mạnh thì cũng làm chủ được thân mình. Có một lần Ngài Suzuki, trong một buổi giảng ở Hoa Kỳ, đang ngồi bất thần một làn gió phất qua những trang giấy trên bàn tung lên. Mặc dù đang chú tâm để giảng dạy Ngài vẫn đưa tay lên bắt lại được, và điều này chứng minh khi những người tu mà tâm họ an trú trong thân thì tất cả những điều nhỏ nhặt xẩy ra nơi thân cho đến bên ngoài họ đều rất tinh tường. Người ta không cần theo dõi sự tu hành của chúng ta giỏi như thế nào, họ chỉ cần nhìn những cử chỉ, hành động nơi thân là biết được người đó có đem tâm về lại với thân thành một mối hay không. Thân hành an tịnh là biểu hiệu đời sống tâm thức chúng ta điều phục được hay chưa.
Những chuyện nhiều khi rất nhỏ nhưng nói lên những điều rất lớn. Nghe một người nói một câu chúng ta biết được tâm thức của họ như thế nào. Cũng như khi nhìn việc làm rất nhỏ của họ chúng ta có thể biết được thân và tâm họ có an trú từng sát na trong chánh niệm hay không.
– Xin lưu ý quý vị bước đầu là thân và tâm phải một nơi để chúng ta bước được bước thứ hai là làm chủ được thân. Và chúng ta sẽ thấy thân chỉ là vật sở hữu của tâm, mà không phải thân là ta. Để rồi cuối cùng làm chủ được tử sinh. Tuy nhiên, dù chưa đạt được vào tầng thâm sâu nhất, Thiền nhân cũng có khả năng vận dụng dòng năng lượng tự hữu từ tâm thức để làm thư giãn thân, khắc phục được bệnh tật. Cho nên chúng ta biết có những người sống trong rừng sâu hoang dã hay trên núi cao thuốc men không có, y sĩ cũng không có, vậy mà họ lướt qua được bệnh tật, lướt qua được sự khắc nghiệt của thời tiết một cách nhẹ nhàng. Bởi họ làm được công việc ban đầu là làm chủ được thân.
– Khi thấy được thân này là sở hữu của mình tức thì bước thêm vào một tầng sâu hơn nữa là nhận biết những cảm thọ vui buồn đến đi sinh diệt bị ta nhận diện; nó cũng không phải là ta mà là sở hữu của ta. Thế thì ta là gì? Ta chính là năng lượng nhận biết lặng lẽ, tỉnh sáng, hiện tiền. Năng lượng chánh niệm tỉnh sáng và nhận biết này bất động và khi đi sâu vào tầng này thì ta có khả năng rời hình hài tứ đại, sống chết tự tại.
– Thưa đại chúng, có những thiền nhân có thể chết được theo ý muốn nhưng vì chưa loại trừ sạch lậu hoặc nghiệp thức, nên còn đoạn cuối cùng của con đường Niết Bàn nữa. Chúng ta phải thể ngộ tâm Phật bản nhiên của chính mình khi đó mới có thể đoạn tuyệt luôn hạt giống tử sinh.
Vượt qua mỗi tầng như thế, công phu thực tập hành trì của chúng ta dày bao nhiêu thì chúng ta chứng nghiệm được hạnh phúc tự thân lớn bấy nhiêu. Khi ta an trú vững chãi trong trạng thái tâm nhận biết tỉnh sáng sâu sắc, ta thấy thân chỉ là sở hữu mà không phải là ta thì những buồn vui, đau khổ, giận hờn, tuyệt vọng... có đến nhưng rất ít và ta lặng lẽ, bình thản nhìn, nó sẽ nhẹ nhàng ra đi. Thưa, càng bước vào chiều sâu tự tâm bao nhiêu thì chúng ta càng hạnh phúc bấy nhiêu.