- Lược Khảo Văn Bản
- Phần Mở Ðầu: Ly Dục Tịch Tĩnh
- Chương 01: Thức Tâm Ðạt Bổn
- Chương 02: Ngộ Vô Vi Pháp
- Chương 03: Hiện Hạnh Sa Môn
- Chương 04: Con Ðường Thiện Ác
- Chương 05: Làm Mới Thân Tâm
- Chương 06 - 08: Tu Hạnh Nhẫn Nhục
- Chương 09: Bác Học Ða Văn
- Chương 10- 11: Tùy Hỷ Và Cúng Dường
- Chương 12: Vượt Qua Khó Khăn
- Chương 13: Tịnh Tâm Thủ Chí
- Chương 14 – 15: Hành Ðạo Thủ Chân
- Chương 16: Xả Ly Ái Dục
- Chương 17: Thắp Sáng Trí Tuệ
- Chương 18: Siêu Việt Nhị Biên
- Chương 19 - 20: Tam Pháp Ấn
- Chương 21 - 22: Tham Ðắm Các Dục
- Chương 23 - 25: Họa Hại Của Ái Dục
- Chương 26: Quán Chiếu Sự Thọ Dụng
- Chương 27: Trôi Vào Biển Giải Thoát
- Chương 28: Thận Trọng Với Ý Thức
- Chương 29: Phong Cách Sa Môn
- Chương 30: Ðoạn Các Duyên Sinh Khởi Ái Dục
- Chương 31 - 32: Ðoạn Gốc Rễ Sinh Khởi Ái Dục
- Chương 33: Mặc Giáp Tinh Tấn
- Chương 34: Con Ðường Trung Ðạo
- Chương 35: Thanh Lọc Thân Tâm
- Chương 36: Hạnh Phúc Con Ðường Tâm Linh
- Chương 37: Thân Cận Bên Phật
- Chương 38: Người Hiểu Ðạo
- Chương 39: Nhất Vị Pháp
- Chương 40: Thân Tâm Nhất Như
- Chương 41: Nỗi Sợ Tử Sinh
- Chương 42: Nhìn Bằng Ðôi Mắt Phật
- Tổng Kết
- Phụ Lục Hán Văn
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải
CHƯƠNG 3
HIỆN HẠNH SA MÔN
Thưa đại chúng,
Như chúng ta đã từng học qua, hầu như toàn bộ văn cú trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương được viết lên như những câu thơ thật ngắn mang đầy nhạc tính. Cho nên văn phong chữ Hán của chương nầy như một bài kệ bốn chữ, chỉ có câu cuối năm chữ rất dễ cho chúng ta học và nhớ.
A. CHÁNH VĂN.
Phật ngôn: “Thế trừ tu phát, nhi vi Sa môn. Thọ đạo pháp giả, khử thế tư tài, khất cầu thủ túc. Nhật trung nhất thực, thọ hạ nhất túc. Thận vật tái hỹ. Sử nhân ngu tệ giả, ái dữ dục dã.”
Đức Phật dạy: “Cạo bỏ râu tóc làm một vị Sa môn, nhận giáo pháp để thực tập. Bỏ tất cả sở hữu vật chất, của báu thế gian. Chỉ xin ăn vừa đủ, giữa một ngày chỉ ăn một bữa, dưới tán cây chỉ ngủ một đêm thôi. Cẩn thận không tham đắm thêm, thế là đủ. Điều khiến cho người ta u mê và thối đọa, che lấp con đường tu tập đó là ái và dục.”
B. ĐẠI Ý.
Phẩm chất cao vời của người xuất gia được thể hiện ra bên ngoài qua công phu hành trì và tu tập nội tâm.
C. NỘI DUNG.
Chúng ta có thể gọi chương nầy bằng tên là “Hiện Hạnh Sa Môn” bởi nội hàm của đoạn Kinh mang một yêu cầu phải có của phẩm chất bên trong và sự biểu hiện bên ngoài của đời sống người xuất gia. Chúng ta phải thể hiện phẩm hạnh Sa môn qua những tu tập căn bản như thế nầy:
1.Thân giáo và khẩu giáo.
Phẩm hạnh của chúng ta được thể hiện ra ngoài bằng thân và miệng. Hai điều nầy cách biệt nhau rất lớn. Dạy bằng thân giáo tức là đời sống tu hành được thể hiện ra thân, gây dấu ấn nơi người rất đậm. Tình cảm quí trọng của họ đối với vấn đề thân giáo bền bỉ hơn và đồng thời niềm tin của người Phật tử hoặc bạn đồng tu bền vững hơn là khẩu giáo.
Thông thường chúng ta hay thích nói quá, nói hơn những điều mà chúng ta có thể thực hiện được. Cho nên nền tảng tu tập của tâm là thân và khẩu giáo.
Thân và khẩu giáo được xây dựng trên tâm. Ví dụ như đời sống tu hành mà bên trong nội tâm chúng ta có đức hạnh và trí tuệ, thì dù cố gắng che dấu đến đâu người ta cũng nhận ra có điều khác biệt hơn người. Nhưng đời sống nội tâm chưa đủ sâu, chưa cảm ngộ được đạo thì dù ta có thể nói thật hay nhưng nếu ở gần ta ít lâu họ sẽ khám phá ra và sẽ nhàm chán.
Ngày nay nhiều đạo tràng đổ vỡ là do chư tăng thiếu phẩm chất, thiếu trình độ tu tập. Thời Phật giáo hưng thịnh là thời mà đời sống tâm linh, đạo đức và khả năng tu tập của chư tăng rất thâm sâu, nghiêm mật. Thời mà chư tăng hướng ngoại, đi vào lợi danh của thế trần, nếp sống đạo đức không có thì thời đó Phật giáo bị suy thoái.
Người ta không đánh giá sự trường tồn hưng thịnh của đạo pháp, hay sự diệt vong tiêu trầm của Già lam căn cứ vào điều kiện đông chư tăng, chùa cao Phật lớn hay chư tăng được Vua, Chúa mời vào cung giảng kinh, thuyết pháp mà căn cứ trên tầng cao hơn, sâu sắc hơn nhiều. Đó là sự chứng ngộ của người tu. Điều nầy đã được lịch sử chứng minh vào thời Thiền tông phát huy rực rỡ.
Dòng Thiền phương Bắc của Ngài Thần Tú phát triển ở Kinh đô, bản thân của Ngài được ba đời vua Đường rất ngưỡng mộ và kính trọng nhưng đã không kéo dài được bao lâu.
Ngược lại với dòng Thiền của Thần Tú là dòng Thiền phương Nam của Huệ Năng. Ngài ở tận Quảng Đông, huyện Thiều Châu quê mùa, xa cách kinh thành, phố thị, ẩn mình trong chốn núi rừng, sống hẩm hiu, khước từ ân điển của nhà vua, và chỉ hóa độ một ít đồ chúng. Dù khả năng giáo hóa của Lục Tổ hạn chế trong vùng Thiều Châu, sinh hoạt Thiền của Ngài cũng không phổ biến sâu rộng đến giới trí thức, sĩ phu thế mà môn đồ của Ngài là những bậc Long, Tượng chốn Già lam đã tạo thành một dòng Thiền cực kỳ hưng thịnh kéo dài đến thế kỷ 21.
Do vậy, ta có thể xác chứng, phải từ trình độ tu tập của nội tâm làm nền tảng cho thân giáo, khẩu giáo, đồng thời làm nền tảng cho đạo Phật trường tồn.
Tóm lại, trường tồn được lâu dài hay không, phổ biến rộng hay hẹp là do nơi phẩm chất, đạo đức của người tu. Từ đời sống tâm linh bên trong và bên ngoài nếu biểu đạt được phẩm cách, hành trạng của mình thì khả năng giáo hóa rất mạnh. Chỉ một chút kinh nghiệm chúng ta cũng thấy rất rõ; ví như đời sống của một người có tâm hồn cá biệt, có riêng bản sắc của mình thì dù sống trộn lẫn giữa cộng đồng, và cố giấu thân phận mình cách mấy họ vẫn là người nổi bật trong đời, trong đạo.
Những gì được biểu hiện ra bên ngoài là từ nền tảng, gốc gác của sự sống tiềm ẩn bên trong, cho đến thực vật cây cỏ cũng vậy, sự sống mạnh hay yếu không phải chỉ được đánh giá bằng những cành lá tươi tốt mà chính từ gốc rễ của nó nằm rất sâu trong lòng đất.
Thế nên thân giáo, khẩu giáo được biểu hiện như sức hút và làm được Phật sự là từ nền tảng của tâm, do sự thực tập chuyển hóa tâm thức tạo thành. Sâu hơn nữa là trình độ nội chứng bên trong tức là sự thể ngộ của tâm. Và như chúng ta đều biết trong phần đầu của Kinh Bốn Mươi Hai Chương phẩm chất của Sa môn là “Thức tâm đạt bổn” rất quan trọng, nó làm nền cho những hiện hạnh nầy.
2. Tri túc.
– Tri túc là phẩm hạnh của đời sống người tu.
Nếu chúng ta may mắn gặp được những bậc Thầy giỏi khơi mở cho mình đường tu, chúng ta sẽ cảm nhận một điều là không có gì quý hơn sự tu tập cũng như không có hạnh phúc nào lớn bằng hạnh phúc bên trong ta.
Hạnh phúc của sở đắc vật chất, tài sản là hạnh phúc phù du. Chúng ta cần có nó chỉ để xử lý, để no ấm trong cuộc đời, để hình hài nầy tồn tại, để làm đạo. Nên nếu hạnh phúc của đời sống chỉ gắn liền vào những điều kiện vật chất bên ngoài thì thật là tội nghiệp, bởi vì không có hạnh phúc nào có điều kiện mà giữ được lâu dài. Hạnh phúc có điều kiện là khi chúng ta xem những sở hữu bên ngoài như tài sản, bạn hữu, người thân, con cái... nếu có thì ta mới hạnh phúc. Do vậy, người ta thương mình, mình hạnh phúc, người ta quay lưng lại thì mình bất hạnh. Nhưng sáng thương chiều ghét là điều rất bình thường của con người, có ai mà thương ai mãi hoài. Cho nên ta gắn đời ta vào bất cứ những gì ở bên ngoài thì đó là điều kiện của sự bất hạnh, không phải thực chất của hạnh phúc.
Khi đã biết con đường tu, và chỉ có duy nhất một con đường tu mà thôi thì chúng ta có đủ can đảm buông bỏ mọi thứ. Nhu yếu của người tu không phải là những điều kiện vật chất phù hoa bên ngoài, chúng ta chỉ cần vừa đủ để sống, để hành đạo. Tuy nhiên hai đều nầy thường tương phản, nó như một cái cân; nếu ta nặng về tiền tài, vật chất đời sống thế gian, thì nhẹ về đời sống tinh thần tu tập.
Trên căn bản, phẩm hạnh của người tu là tri túc, là “an bần thủ đạo,” thế nhưng có giai đoạn chư tăng không giữ được nền tảng căn bản nầy; chư tăng lạc vào thế giới lợi danh phù phiếm bên ngoài. Đây là điềm triệu của sự suy thoái, phá sản bên trong rất nghiêm trọng.
Ở tầng thâm sâu hơn, chúng ta nên lưu ý đừng đánh giá tri túc qua sự nghèo khó bên ngoài với tri túc chân thật của tâm thức, và chúng ta thường hay bị lừa bởi hai điều nầy. Sự tri túc của tâm thức là sự khước từ của tâm đối với tài vật thế gian, còn sự nghèo khó bên ngoài đôi khi chỉ là sự tô vẽ, sơn phết màu mè hình thức để che đậy của những khát vọng rất mãnh liệt thầm kín bên trong.
Một nhà tu dù chỉ khoác một mảnh y thôi chưa chắc đã là người tri túc, nhưng với một tâm hồn biết khước từ, biết tri túc thực sự có thể là một tỉ phú mà vẫn là người tri túc. Chúng ta thường đánh giá sai sự tri túc, phẩm hạnh của Sa môn rất cạn ở mặt ngoài.
Chúng ta phải hiểu sự khước từ nầy rất thâm sâu, nó có mặt tận bên trong. Sự khiêm tốn nó nằm ở bên trong, sự khước từ, sự tri túc cũng nằm ở bên trong. Nếu chỉ nhìn ở mặt ngoài không đủ để chúng ta đánh giá được phẩm hạnh của Sa môn.
Nếu tự tâm người tu chúng ta có được niềm vui, có được pháp tu, cảm nhận con đường tu là tuyệt vời thì không gì có thể đổi được. Dù cho ở trong những tiện nghi vật chất, thoải mái nơi chùa cao Phật lớn, tâm vẫn cảm thấy bình thường; vẫn sống một đời giản dị, đơn sơ. Chúng ta không nên có tâm thức thiên kiến, lệch lạc về tri túc rồi chối từ, ghét bỏ, mạ lỵ đời sống tương đối đầy đủ với một ít phương tiện trao cho ta để tồn tại.
– Nếp sống tri túc đưa đến phẩm hạnh của trí tuệ.
–
Người xưa đi tu chỉ xin vừa đủ ăn. Giữa ngày ăn một bữa, bên gốc cây chỉ ngủ một lần. Cẩn thận không xin ăn hai lần tại một nhà thí chủ.
Trong tạng luật, pháp chế Phật cấm không được tới xin ăn hai lần trong một thôn trang. Có những thầy tuy tu nhưng thích ăn ngon nên có thí chủ nào cúng dường thức ăn ngon thì hôm sau ôm bát đến đứng đợi. Bởi thế, khi đi khất thực tăng đoàn chỉ đi ngang qua thế thôi. Và làm được điều nầy, thể hiện đầu tiên là niềm kính trọng của cư gia Phật tử, họ sẽ không chán tăng đoàn vì thấy ông thầy kia sao cứ đến xin hoài. Thứ hai là biểu đạt được tâm thức rất là thong dong, không đắm nhiễm, không vướng mắc.
Chúng ta thường nghĩ vướng mắc những gì lớn mới là quan trọng. Một miếng ăn ngon, một giấc ngủ nhiều... thì có gì là quan trọng, nhưng chúng ta đừng quên rằng tất cả những cái lớn đều bắt đầu từ những cái rất nhỏ. Nếu tâm thức chúng ta vướng mắc những điều dù rất nhỏ nhưng những điều rất nhỏ nầy sẽ tạo điều kiện cho những vướng mắc rất lớn về sau, vô tình kết thành một chuỗi dài liên hệ chặt chẽ với nhau khó tháo gỡ. Do vậy chúng ta hãy cẩn thận.
Điều mà tôi muốn chia xẻ thêm cùng quí vị, tri túc chính là nền tảng cho trí tuệ phát triển. Hầu như không có một vị đệ tử nào của Đức Thế Tôn mà nghèo đói trí tuệ. Có thể có những vị không có điều kiện học tập trong môi trường thích hợp, không được đào tạo từ những học đường nổi tiếng nhưng khi có cơ hội để sống đời tu tập nghiêm túc, quán chiếu sâu sắc diễn trình của tâm thức thì họ đều là những vị thầy giàu có trí tuệ.
Trí tuệ thế gian là một loại trí tuệ hướng ngoại, lưu trữ và vay mượn, qua nhiều thế hệ mà hình thành. Như khoa học hình thành là do kinh nghiệm của nhiều đời truyền đạt và ta học được từ kinh nghiệm của quá khứ cùng với kinh nghiệm của chính mình. Tất cả những môn học của thế gian đều đi trên con đường nầy.
Trí tuệ Phật giáo thành tựu bằng con đường hướng nội, ngược lại cách sở đắc trí tuệ nhân gian. Những môn học của đạo Phật không phải là môn học bên ngoài mà ở bên trong và con đường tâm thức là con đường phải tự mình khám phá, thăm dò. Không hề có một định chuẩn nào cho một tâm hồn nào cả.
Là những người tu tập thực sự, chúng ta phải nắm được khả năng điều phục tâm, đưa tâm an trụ trong chánh niệm. Và có kinh nghiệm rõ ràng bằng chính sự hành trì của mình tức khắc chúng ta sẽ có khả năng truyền đạt rất thực cho người khác để họ có thể nắm được mà thực tập.
Nếu chỉ từ kinh sách, từ thầy nói sao chúng ta lập lại y như vậy thì chúng ta là người không có kinh nghiệm trực tiếp, không có sáng tạo. Thế thì không thể có khả năng giúp đỡ được mọi người. Nếu là người tu tập giỏi, tự nhiên chúng ta phải là những người giàu có trí tuệ.
Chúng ta có thể giỏi về nhiều mặt có nghĩa là mình đi ra ngoài nhiều hướng được. Nhưng con đường hướng ra bên ngoài là con đường của sự thủ đắc thế gian, làm cho bản ngã của ta được tôn vinh và thỏa mãn.
Trong khi con đường đi vào bên trong, quay trở lại là con đường diệt trừ bản ngã, không nắm bắt, không có gì để tự hào kiêu ngạo cho nên không hấp dẫn được con người muốn đi vào đạo. Vì lý do đó, nếu chúng ta quay vào được bên trong, vào tận đầu nguồn sự sống chúng ta sẽ trở thành những con người có trí tuệ. Khám phá được nó, trải nghiệm được nó bằng sự tu tập tự thân thì chúng ta sẽ là những người dạy đạo giỏi.
Từ ngàn xưa, các bậc Thầy của chúng ta đều trưởng thành từ nền tảng tuệ giác nầy. Những bậc thầy cận đại không có vị nào không sống tri túc mà làm đạo được.
Tự thân họ sống rất thanh bần, mộc mạc và bình dị. Điều đẹp nhất ở nơi họ là sự khiêm tốn. Họ yêu thương, nuôi dưỡng, xây dựng, hỗ trợ đời sống bao người bằng tất cả tấm lòng và đem trái tim mình trải dưới đất để mọi người bước lên. Người có trái tim lớn luôn vì người mà nghiêm khắc với chính mình.
Chúng ta thì ngược lại; dễ dãi, phóng túng, buông thả với chính mình, chỉ rộng rãi, hào phóng cho riêng mình. Đối với người, nghĩ đến người thì chúng ta dè sẻn, bóp chắt, ích kỷ, nghiêm khắc và hà tiện. Chúng ta hà tiện một lời khen, một nụ cười, một cái nhìn cảm thông, một lời nói dễ thương... trong khi chúng ta xài cho người những thứ tiêu cực như xỉ vả, trịch thượng, kiêu căng, khinh dể thì hào phóng và rất dễ dàng. Tâm thức chúng ta có những thói quen rất lạ lùng và rất ngược như thế.
Thưa đại chúng, với công phu hành trì rất sâu sắc nên người xưa xem nhẹ đời sống vật chất thế gian. Khi đã nhận được đạo rồi họ sống rất là đạm bạc, còn thấp hơn những người nghèo khó rất nhiều. Và từ điều nầy tạo thành phẩm chất cao vời của người tu.
Các vị hạnh phúc với đạo nên không còn tham đắm những nhu yếu của đời sống; dù đó là những nhu yếu rất khiêm tốn cần thiết cho người tu. Đôi khi họ chỉ thích ẩn cư trong rừng sâu, núi cao. Như trong Thiền sử có Ngài Lại Dung suốt ngày nằm trùm mền trong lều với những củ khoai nướng, đôi lúc Ngài cũng chẳng thèm ăn. Vì quá lười biếng, chỉ thích nằm yên mà tu nên người ta gọi Ngài là Lại Dung.
Thế nên những người tu dù có viện dẫn bao nhiêu điều, bao nhiêu lý do vì Phật sự nọ, Phật sự kia để chạy lăng xăng, bôn ba vào đời sống xã hội kinh doanh, mua bán, trao đổi... thì vẫn ít nhiều đánh mất phẩm chất người tu và vẫn bị Phật tử xem thường.
Tuy nhiên, để thành tựu phẩm hạnh chúng ta phải vượt ngang qua những chặng đường cám dỗ. Ở mức độ cạn, chúng ta có thể vượt qua được những cạm bẫy của tiền bạc, lợi lạc vật chất... nhưng ở tầng sâu mà chúng ta khó vượt qua là cạm bẫy của danh. Chúng ta không đắm nhiễm vào tiền tài, của cải nhưng chúng ta lại lạc vào danh. Tầng nầy rất vi tế nên khó vượt thoát.
Ở tầng cao hơn nữa là sở tri chướng của người tu. Chúng ta thấy mình thành đạt nầy, thành đạt nọ về sự hiểu biết, về sự chứng nghiệm tâm linh. Đây là tầng mức mà người tu càng lên cao càng khó vượt thoát, càng khó buông bỏ.
Thông thường trong khó khăn của nghịch cảnh đói nghèo nung chí con người và chúng ta có thể vượt qua dễ dàng. Nhưng với giàu sang, tiền tài, danh lợi thì chúng ta dễ bị đắm chìm vào trong đó không thể vượt qua.
Đôi khi chất đắng không hại nhưng ngọt mới chết người. Người tu vượt thoát được những khó khăn trong xã hội, và trong đời sống tự thân rất dễ, nhưng để vượt qua được những thuận lợi mới là chuyện khó.
3. Cẩn trọng với ái dục.
Ái dục là bản chất của chúng ta. Hạt mầm ái dục nằm tiềm phục trong từng tế bào con người. Nó là năng lực sống và tinh tế vô cùng. Nó tấn công chúng ta từ bên trong mà không phải từ bên ngoài. Tâm thức chúng ta có khả năng lừa gạt ta rất giỏi, và chúng ta không bao giờ chối từ bất kỳ ước muốn gì từ tâm thức khởi lên, cho nên năng lượng ái dục mạnh là do những yếu tố kỳ lạ ấy.
Từ cõi vô hình, thần thức rơi vào thai mẹ là do niệm đầu của ái dục. Ở thế gian nầy nếu chúng ta không đi tu thì đi theo con đường ái dục đó.
Bởi sự thúc đẩy của đời sống, từ lúc năm, bảy tuổi chúng ta đã biết đòi hỏi ăn uống để nạp năng lượng vào cho sự trưởng thành. Đến độ mười chín, hai mươi ở tuổi đời sống tình dục bắt đầu phát triển, sự bức bách bên trong rất là tự nhiên nên ta lao xao tìm con đường đó để đi vào. Chúng ta đã từng đi vào nẻo ấy nhiều kiếp và ngao ngán vô cùng, vậy mà sinh ra chúng lại lăn vào con đường nầy nữa.
Khi năng lượng ái dục bắt đầu yếu đi, dịu xuống thì hình hài vật lý, sức khỏa cũng bắt đầu suy thoái. Những vấn đề trục trặc của thân bắt đầu sinh khởi, ta bước những bước của bệnh hoạn, ốm đau, rồi bước dài thêm vài bước nữa đến cái chết.
Rõ ràng một chuỗi dài của đời sống thanh xuân khi năng lực của cơ thể còn khỏe mạnh thì ta bị thúc đẩy bởi nghiệp ái dục, đến khi nghiệp ái dục dịu đi do thân sinh lý nầy yếu thì ta lại chống chõi với cơn bệnh già và chết. Hạt mầm ái dục nầy kết thành thọ mạng nên có tính cách ràng buộc không phải một đời, mà nhiều kiếp sinh tử trôi lăn nó vẫn là hạt mầm đam mê mạnh nhất trong tất cả các loại đam mê của con người. Nó là một năng lực rất lớn, khả năng của nó bén nhạy vô cùng và nó cũng là một loại hạnh phúc, một loại đam mê lớn nhất trong cuộc sống đời thường mà không có một sinh linh nào có thể khước từ được.
– Hãy nhìn cho rõ mặt.
Trong Kinh luật giáo lý của Phật đã chế tác ra những điều răn dạy các thầy về ái dục nên chúng ta rất sợ khi nghe đến ái dục, và hay có thói quen phản ứng mù quáng là khi tâm thức mình khởi một ý niệm gì về dục, chúng ta liền vội vàng trấn ngự, loại trừ. Có khi tệ hại hơn, chúng ta xem nó là một tội phạm rất nghiêm trọng nên tự mình gia cố thêm lực đề kháng đối với năng lực ái dục tự hữu từ bên trong, và điều nầy sinh ra phản ứng ngược lại rất khó cho ta tu tập.
Trong thế giới người tu, Tăng cũng như Ni rất nhiều dạng bệnh phát sinh do chúng ta xem ái dục là một năng lượng xấu ác cần phải hủy diệt. Khi chúng ta muốn đè nén, trấn áp thì nó quay trở lại quấy phá tự thân. Nhẹ sẽ làm cho thương tổn hình hài, nặng nó làm cho tâm lý ta biến đổi. Chúng ta phải rất cẩn trọng điều nầy, và khả năng hay nhất có thể chữa trị tất cả bệnh trạng phát sinh từ năng lượng dục là phải nhận diện rõ mặt mà thôi.
Điều chúng ta cần thận trọng đối với dục là hãy nhìn cho rõ mặt. Khi có niệm dục nổi lên, chúng ta chỉ cần nhìn thôi là đủ. Tại sao chỉ cần nhìn thôi là đủ? Khi chúng ta thực tập giỏi, chỉ cần nhìn được nó thì nó là đối tượng, là cái bị mình nhìn, nó không phải là mình, nó bị mất đi sức mạnh và nó sẽ tự loại trừ. Tất cả những gì mình nhìn được, nhận biết được đều không phải là ta mà ta là cái nhìn. Nhìn được là tuyệt vời. Nhìn là một pháp tu.
Nếu nhận ra được phương pháp tu để thực tập thì chúng ta sẽ cảm thấy rất là bình thường trong vấn đề tiếp xúc hay giao tế với bên ngoài.
Không bao giờ có một niệm sinh khởi, hiện diện trong tâm thức của chúng ta mà không có câu nói thầm. Chắc chắn không một ai trong chúng ta không có những thì thầm khi nghĩ đến bất cứ điều gì mà mình có cảm tình. Nhưng ý nghĩ sinh khởi thì chúng ta liền trấn ngự hay cố ý loại trừ, và cho những ý tưởng đó là có tội, phạm giới tức chúng ta đã tạo thành một bãi chiến trường ngay trong tâm thức mình. Tâm ta như một dòng chảy xuôi nếu tu tập không giỏi, không khéo, ta cứ chận dòng chảy thì ở mức độ cạn chúng ta sẽ nhức đầu, tức ngực, mệt mỏi. Nặng hơn sẽ làm chảy máu mũi và xa hơn là đưa đến tình trạng bất bình thường.
Dòng chảy tâm thức là dòng sinh tâm lý vận hành rất tự nhiên, nếu chúng ta khởi công phu kiểu đó chắc chắn làm cho tâm phản ứng tác hại lên cơ thể. Cho nên điều chúng ta có thể làm được là mời sự nhận biết có mặt. Hãy nhận biết sự có mặt của nó. Hãy an trú tâm nơi sự nhận biết mà đừng đồng hóa mình vào dòng chảy ý thức đang vận hành. Hãy để nó tự nhiên và rồi nó sẽ tự bốc khói bay đi.
Tự thân ái dục nếu chúng ta không thù ghét, không trấn ngự, không khởi tâm thức sợ sệt muốn hủy diệt thì trong sinh hoạt bình thường không xảy ra những tình trạng phức tạp, bệnh hoạn tâm lý khó chữa trị. Cho nên những tiếp xúc trong đại chúng tu không có những dấu ấn, những ấn tượng, không gây thành bệnh chứng để trở thành vấn đề cho ta phải đề kháng.
Một trung tâm sinh hoạt tôn giáo mang tính chất Tây phương, tu sĩ của những trung tâm ấy họ sinh hoạt, học tập tiếp cận xã hội bình thường, đời sống họ tươi mát, trong sáng và thánh thiện. Có những trung tâm, đại chúng cùng học tập, giao tiếp gần gũi thân tình như anh chị em nhưng số lượng người xuất gia bỏ ra đời rất ít, không đáng kể so với những trung tâm tu học mà người ta đặt pháp quy nặng nề, kỳ thị đối kháng giới tính, và cắt đứt quan hệ đời thường.
Trái lại có những trung tâm, tu viện kín cổng cao tường, sống giam nhốt thân tâm trong điều kiện vật lý và hủy diệt sinh lực của đời sống tâm lý, nên đã tạo thành sự mất quân bình lớn lao cho các cộng đồng tu. Đây là hiện trạng chung của nhiều truyền thống tôn giáo chứ không riêng gì trong đạo Phật.
Từ điều nầy, cho chúng ta thấy khi mình xem ái dục là nguy hiểm, không dám đối diện, không dám nhìn rõ mặt từ bên ngoài cho tới pháp hành bên trong đã gây ra phản ứng ngược tạo thành một tệ trạng lớn vô cùng.
Chúng ta phải thông minh, cẩn trọng trong việc tu mới có thể thành công, và tự mình phải là thầy của mình trong cách hành trì.
– “Sử nhân ngu tệ giả ái dữ dục dã.”
Ái dục ngăn che, lấp mờ trí tuệ, phát sanh bao họa hại và cản trở đời sống tu của chúng ta.
Đối chiếu đời sống tu với đời sống của những người có gia đình, chúng ta thấy đời sống gia đình dù là những Phật tử vợ chồng đều đồng thuận, phát tâm hướng thượng, phát tâm thăng tiến trên con đường tu cũng vẫn có những trở ngại trong việc thực tập Thiền quán. Chỉ có đời sống độc thân mới có thể đi vững vàng, đi nhanh trên con đường thực tập.
Con đường tâm linh vốn là con đường độc hành, độc bộ. Khi ta vướng mắc vào vật chất, tiền tài, với những sở thích riêng tư vốn đã khó khăn cho việc tu tập, huống hồ là vướng mắc tình cảm vào một con người, vào đời sống gia đình thì mức độ khó khăn càng tăng lên rất nhiều.
Con người vốn là một sinh vật mà trạng thái tâm lý thay đổi liên tục, đâu phải bình thường như một món đồ. Chỉ giải quyết những vui buồn, bất an của chính ta cũng đã quá mệt mỏi rồi. Lại còn phải cưu mang, chịu đựng thêm người kia; một gánh nặng đè lên cuộc sống mình thì còn giờ đâu cho chúng ta tu.
Ở đây có một số quí vị đã từng trải qua đời sống gia đình đều thấy niềm vui tuy có nhưng rất ít, và hạnh phúc thì bé nhỏ vô cùng, không đủ bồi đắp vào những đau khổ, lo lắng, phiền muộn của đời sống thân tâm. Vậy nên làm cuộc khởi hành đi về chốn vô sinh bất diệt và an trú trong Niết Bàn tự tâm bắt buộc chúng ta phải đi bằng đôi chân của đời sống độc thân. Chỉ có đời sống độc thân chúng ta mới có thể hoàn thiện hành trình tâm linh của chính mình, chúng ta mới có thể ban tặng, hiến dâng tuệ giác của mình cho người khác được.
4. Đối chiếu đời sống tăng đoàn quá khứ và hiện tại.
Cả chiều dài đạo Phật phát triển đã đi qua nhiều cuộc chuyển mình cho tới hôm nay là từ đời sống của tăng đoàn được diễn tả bằng: “Khất cầu thủ túc, nhật trung nhất thực, thọ hạ nhất túc.”
Người xưa chỉ xin ăn vừa đủ. “Ngày ăn một bữa. Đêm ngủ một lần bên một gốc cây thôi”, nhưng khi đạo Phật vào Trung Hoa thì có những chuyển biến rất khác, và từ đời sống: “Khất cầu thủ túc, nhật trung nhất thực.” cho đến lúc xây dựng được Già lam có trú phòng, có điền sản, trồng trọt cấy cày... là một quá trình kéo dài mất cả trăm năm để thành hình một cơ chế mới.
Từ sơ khởi tăng đoàn du hành dần dần định cư và trở thành những trung tâm tu học, có điền viên canh tác là một bước chuyển mình trong đời sống Sa môn và đã đóng góp rất lớn cho xã hội. Không phải người tu chúng ta cứ khư khư mỗi ngày giữa trưa ăn một bữa, ngủ dưới tán cây một lần là tốt. Điều kiện xã hội, văn hóa mỗi nơi, mỗi thời đều khác. Ấn Độ khác, Trung Hoa khác, Việt
– Ở mặt tiêu cực, chúng ta thấy trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Trung Hoa khi những trung tâm tu học phát triển mạnh, chư tăng bắt đầu có đời sống sung túc, quá đầy đủ về vật chất đưa dần đến sự suy thoái, tăng chúng phát triển hỗn tạp là vào thời kỳ mà những bậc vua chúa đặc biệt ưu ái đến đạo Phật. Nhà vua xem đạo Phật là chỗ tựa nên hết lòng yểm trợ, nâng đỡ thì những thành phần bất hảo, thiếu học xuất gia rất nhiều trong đạo. Thành phần nầy tạo thành một tập thể tăng già ô hợp, qui chế nhà chùa không ràng buộc, giới pháp lỏng lẻo nên phẩm chất người tu xuống thấp vô cùng.
Sau thời kỳ băng hoại thường có những cuộc pháp nạn xẩy ra, lúc ấy nhà vua bắt chư tăng phải hoàn tục. Bắt chư tăng phải thi cử để có Độ điệp mới được chứng nhận cho làm người tu. Và làn gió thanh trừng quét ngang qua đã đào thải, loại trừ bớt đi ít nhiều những thành phần không thực sự có phẩm chất người tu.
Tuy nhiên, ở mặt tích cực. Thưa đại chúng, nền văn minh của con người có mặt ngày hôm nay là do con người biết sống định cư. Khi con người bắt đầu dừng lại, không còn lang thang du mục, họ biết dừng lại trên những cánh đồng bên lưu vực của những con sông lớn thì nền văn minh cũng bắt đầu ló dạng.
Nếu như chúng ta cứ phải một ngày ăn một bữa, tối dưới một tán cây chỉ ngủ một lần, rồi nay đây, mai đó hoài thì công trình đóng góp vĩ đại của Đức Phật sẽ đi về đâu? Thế nên ở mặt tích cực mà nhìn thì đời sống định cư tại Già lam, tự viện đã làm nên dòng chảy sống động của Đạo Phật như hiện đại. Chúng ta biết rằng nếu không có đời sống tự viện nuôi dưỡng cho Đạo Phật chắc chắn tất cả mọi lãnh vực từ giáo lý cho đến văn hóa, học thuật, nghệ thuật... sẽ không có tầm mức đồ sộ như ngày hôm nay, và đôi lúc có thể bị nhận chìm, tiêu hoại bởi chiều cao của làn sóng văn minh.
Từ đời sống thô sơ khất thực của Tăng đoàn quá khứ cho đến đời sống định cư trong những già lam, những trung tâm, tự viện to lớn đầy đủ tiện nghi như ngày hôm nay là một bước chuyển mình rất dài và tất yếu cần có để Tăng đoàn và Phật giáo tồn tại.
Mọi cuộc chuyển mình nào cũng thế, nó mang theo khả năng đóng góp lớn lao, tích cực đồng thời bên cạnh vẫn có những tiêu cực đi kèm. Đó là điều tự nhiên của đạo Phật trong dòng chảy của sự phát triển.