Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Năng lượng của sự bố thí

24/03/201103:34(Xem: 10403)
11. Năng lượng của sự bố thí

SỐNG VỚI TÂM TỪ
Sharon Salzberg, Nguyễn Duy Nhiên dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

Năng lượng của sự bố thí

Nếu như các người có thể thấy được sức mạnh của sự bố thí giống như ta, các người sẽ không bao giờ để cho một bữa ăn nào trôi qua mà không đem ra chia sẻ với người khác.
− Lời Phật dạy

Vài năm trước, có một thiền sư tu tập trong rừng ở Thái Lan sang viếng thăm Hoa Kỳ. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông đưa ra lời phê bình khá ngộ nghĩnh: “Ở Á đông, phương pháp tu tập của chúng tôi theo truyền thống, trước nhất là bố thí, sau đó là trì giới và cuối cùng mới đến thiền định, trí tuệ. Nhưng ở Hoa Kỳ thì thứ tự dường như có hơi khác, trước nhất là thiền tập, kế đến là giới luật, và một thời gian sau, như là phụ trội thêm, mới học về bố thí. Tại sao vậy?”

Đức rộng lượng phải là điểm khởi đầu của con đường tu tập. Chính đức Phật cũng đã dạy những đệ tử mới tu về dana, tức bố thí hay cúng dường, một pháp môn rất mầu nhiệm. Pháp môn này đến nay vẫn còn tồn tại trong giáo pháp của Phật. Thật ra, chúng ta ngày nay thường bị quyến rũ bởi những trạng thái thiền định, sẵn sàng công phu tinh tấn để đạt được những trạng thái này. Nhưng ta nên nhớ rằng, những trạng thái thiền định ấy sở dĩ có được là nhờ ở sự tu tập về bố thí và giới luật. Chính những cái mà ta cho là tầm thường và trần tục ấy lại chính là những yếu tố thiết yếu giúp cho những tâm thức siêu việt kia được lớn mạnh.

Đức rộng lượng hay bố thí có một năng lượng rất lớn, nhờ ở tính chất buông xả và từ bỏ của nó. Và những khả năng ấy - buông xả, từ bỏ, quảng đại, ban cho, và không màng thế sự - chúng đều phát xuất từ một nơi trong ta. Khi ta bố thí, là ta đang tiếp xúc với tất cả những đức tính cao quý ấy cùng một lúc, và chúng sẽ mang ta đến sự giải thoát cao thượng và niềm an lạc rất lớn.

Đức Phật dạy, không thể có một đời sống tâm linh chân thật nếu không có một con tim rộng lượng. Dana, tức cúng dường, là ba-la-mật đầu tiên trong mười ba-la-mật, paramis. Con đường tu tập phải được bắt đầu từ nơi đây. Giáo pháp của đức Phật cũng đã khởi điểm từ nơi này. Khi ta bố thí, điều đó sẽ mang lại cho ta một niềm hân hoan, một niềm vui không ngăn ngại. Bố thí đem lại cho ta hạnh phúc trong từng giai đoạn của nó. Ta cảm thấy hạnh phúc khi khởi ý muốn bố thí; ta cảm thấy hạnh phúc khi thực hiện hành động bố thí; và ta cảm thấy hạnh phúc khi nhớ lại hành động bố thí ấy.

Một lần, trong khóa tu ở Úc, trong một bài pháp thoại nói về sự bố thí, tôi có chia sẻ về một quyết định cá nhân của mình. Tôi có một quyết tâm rằng, mỗi khi trong tôi có một sự thúc đẩy cho ai một vật gì - thì cho dù trăm ý nghĩ sau đó có là: “Không được! Không được đâu! Mình còn cần cái đó lắm.” - tôi vẫn đem ra cho. Cho dù nỗi sợ hãi hay những tính toán nào có khởi lên, tôi vẫn quyết tâm tôn trọng sự thôi thúc đầu tiên ấy. Sau khóa tu, có một thiền sinh đến gặp tôi và nói, nghe tôi kể về quyết định ấy, anh ta muốn cho tôi một số tiền nhỏ để tôi bố thí. Anh ta yêu cầu, khi nào về đến Hoa Kỳ, đáp xuống phi trường ở California, tôi hãy cho người đầu tiên mà tôi cảm thấy cần món tiền đó. Anh ta trao cho tôi 100 Mỹ kim, một số tiền cũng không phải là nhỏ!

Về đến Hoa Kỳ, đáp xuống phi trường San Francisco, ngày hôm sau tôi đi dọc theo đường Telegraph Venue ở Berkeley, tìm người để cho món tiền ấy. Tôi chia số tiền đó ra để có thể cho được nhiều người. Nhưng không phải tôi chỉ cho có một Mỹ kim thôi, mỗi lần tôi cho từ 10 đến 20 Mỹ kim. Ngày hôm ấy thật vô cùng kỳ diệu. Tôi đi trên đường phố tìm xem có ai cần gì để bố thí. Một việc làm rất là khác thường, và nó đã đập vỡ hết những bức tường ngăn cách giữa con người với nhau. Có người nhảy múa mừng vui trên đường phía sau lưng tôi. Ngày ấy cũng đã đem lại cho tôi một niềm vui to tát không kém. Thật vậy, bố thí là một hạnh phúc vô biên.

Trong kinh cũng có nói về nhiều lợi lạc do sự bố thí mang lại. Trước hết, khi ta rộng lượng, người khác sẽ thương mến ta. Điều ấy không có nghĩa là ta bố thí để cầu danh. Đó chỉ là định luật tự nhiên của vũ trụ, hễ ta cho đi, ta sẽ nhận lại. Khi bạn nghĩ đến một người có tâm hồn quảng đại, rộng lượng, bạn cảm thấy như thế nào đối với người ấy, cho dù họ chưa trực tiếp ban cho bạn một điều gì? Một người rộng lượng sẽ khơi dậy được sự rộng lượng trong chính ta.

Đức Phật dạy rằng, một người rộng lượng khi đi vào bất cứ nơi đâu cũng không sợ hãi. Một phần của niềm hạnh phúc do sự bố thí mang lại được phát xuất từ tình thương của ta đối với chính mình. Khi ta càng bố thí, những đức tính can đảm, tinh tấn và tuệ giác trong ta sẽ càng lớn mạnh. Chúng sẽ bảo vệ ta trong mọi hoàn cảnh, dầu khó khăn đến đâu. Người chung quanh lúc nào cũng muốn được gần gũi ta, và đức tin của họ đối với ta cũng sẽ tăng trưởng.

Bố thí còn mang lại cho ta những lợi lạc lớn khác về tâm linh. Sự quý báu của một hành động bố thí là không thể nghĩ bàn. Con đường tu tập lúc nào cũng được diễn đạt và thực hiện bằng sự bố thí: từ, bi, hỷ xả; buông bỏ tham, sân, si. Bố thí là một phương pháp tu tập rất hiệu quả. Vì thế mà đức Phật dạy, nếu chúng ta thấy được sức mạnh của sự bố thí giống như ngài, ta sẽ không bao giờ để cho một bữa ăn nào trôi qua mà không đem ra chia sẻ với người khác.

Thật ra, chia sẻ thức ăn chỉ là một tỉ dụ cho tất cả những hành động bố thí. Khi chúng ta chia sẻ thực phẩm với ai, không phải ta chỉ ban cho người ấy một món ăn, mà ta còn cho họ nhiều hơn thế. Ta ban cho họ sức lực, sự khỏe mạnh, cái đẹp, sự trong sáng và ngay cả sự sống. Vì tất cả những cái đó không thể nào có mặt nếu ta thiếu thực phẩm. Vì vậy, khi ta cho ai thức ăn, là ta đang trao tặng họ điều căn bản nhất của sự sống.

Đức Phật dạy, trong giây phút ta chia sẻ thức ăn với người khác là ta đang bước một bước dài trên con đường tu tập. Trong giây phút ấy, bốn trú xứ của hạnh phúc, bốn tâm vô lượng đồng thời có mặt. Ta có tâm từ và tâm bi, vì ta thương người ta đang trao tặng, muốn cho họ được hạnh phúc. Ta có tâm hỷ vì ta vui với niềm vui của người khác, muốn hạnh phúc của họ được tăng trưởng và dài lâu hơn. Tâm xả cũng có mặt, vì trong hành động ban cho ấy, ta muốn buông bỏ một cái gì mình đang có, ta sẵn sàng chịu mất nó. Bốn tính chất nhiệm mầu - từ, bi, hỷ, xả - đồng thời có mặt trong chỉ một hành động đơn giản ấy thôi.

Và trong giây phút bố thí ấy, chúng ta cũng đang trút bỏ được ba loại phiền não gốc rễ (kilesa) của mình. Chúng ta sẽ buông bỏ được lòng tham dục, sự nắm bắt. Chúng ta sẽ buông bỏ được lòng sân hận, một trạng thái chia rẽ, xa cách, cảm thấy không nối liền với người khác. Và chúng ta cũng buông bỏ được cả sự si mê, vì trong hành động bố thí ta có ý thức sáng tỏ về việc mình đang làm, những sự chọn lựa và những giá trị trong cuộc đời.

Một trong những sự si mê, sai lầm, to tát nhất của chúng ta là cho rằng việc mình làm không thật sự có ảnh hưởng. Muốn trừ được sự si mê đó, ta cần hiểu rõ hơn về luật nghiệp quả. Mặc dù bề ngoài có thể dường như chẳng có một việc gì xảy ra hết, nhưng thật ra sự chọn lựa của ta qua những hành động thiện lành sẽ đưa ta đến nơi mình muốn. Khi ta có những hành động rộng lượng, cuộc đời này chắc chắn sẽ thay đổi và việc ấy rất là hiển nhiên.

Khi đức Phật dạy ta quán tưởng về những điều tốt đẹp của mình, ngài thường nhắc việc nghĩ đến niềm vui của những hành động bố thí. Hồi tưởng lại những lỗi lầm, những lời nói vụng dại của ta, bao giờ cũng là quá dễ. Trong một bài thực tập trước đây, tôi có yêu cầu bạn nhớ lại những việc bố thí mình đã làm, và bảo bạn nên tự tán thưởng mình về những hành động ấy. Bạn có cảm thấy việc ấy hơi khó làm không? Đa số chúng ta có thể cảm thấy xấu hổ khi thực tập bài này!

Nhưng thái độ vui sướng trước hành động bố thí sẽ giúp ta rất nhiều trên con đường tu tập. Ta nhớ lại những cử chỉ rộng lượng của mình không phải vì tự mãn hoặc tự phụ. Nhưng là vì, trong cuộc sống có vô vàn những cơ hội và sự chọn lựa khác nhau, ta vẫn quan tâm đến mình và người khác đủ để chọn những hành động tốt lành cho tất cả. Ta cho đi thay vì giữ lại. Ta ban phát thay vì tích trữ. Ta buông bỏ thay vì nắm bắt. Vui sướng với những sự chọn lựa ấy tức là vui sướng với sự tốt lành trong ta.

Ở Miến Điện, khi tham dự một khóa tu trong các thiền viện, chúng ta không phải trả một xu nào. Tất cả lệ phí đều được đóng góp bởi sự cúng dường của dân địa phương. Thức ăn được họ dâng cúng mỗi ngày. Cũng theo tinh thần này, tôi có lệ cúng dường một bữa ăn cho tất cả thiền sinh trong tu viện, mỗi khi tôi có dịp đến viếng thăm và tu tập. Nhưng điều này cũng có chút vấn đề. Tên của người cúng dường được viết trên một tấm bảng đen lớn đặt ngay trước cửa phòng ăn. Ai đi ngang qua cũng nhìn thấy. Và mỗi khi đến phiên tôi cúng dường, tôi phải đi ngang qua tấm bảng lớn có ghi tên mình trước khi vào phòng ăn. Ý nghĩ đầu tiên của tôi mỗi khi thấy nó là: “Ước gì ngày hôm nay qua mau. Phải chi bây giờ là ngày mai. Tên mình sẽ nằm trên đó cả ngày. Mình cảm thấy kỳ cục và khó chịu quá. Phải chi đừng ai biết gì hết.”

Người Miến Điện loan báo tên người cúng dường thức ăn không phải để tăng lòng tự phụ. Nhưng vì bố thí là một hành động cao thượng, và họ muốn mọi người được cảm thấy hạnh phúc và phấn khởi vì việc làm ấy. Nghĩ nhớ đến những hành động bố thí có thể mang lại niềm vui lớn trong tâm ta. Nếu chúng ta, nhất là người Tây phương, có thể vượt qua được những mặc cảm tự ti của mình, chắc chắn ta sẽ tiếp nhận được hạnh phúc kỳ diệu ấy.

Mục đích của sự bố thí có hai phần: để giải thoát người khác và để giải thoát chính ta. Thiếu một trong hai điều ấy, sự bố thí sẽ không thể nào trọn vẹn được. Nếu chúng ta cho ai một vật gì, không quyến luyến, không thắc mắc, không đòi hỏi, thì người cho và người nhận, cả hai đều đạt được sự tự do. Trong giây phút ấy, chúng ta không bị mắc kẹt vào vai trò của mình. Không có giai cấp, không có sự cách biệt giữa ta và người khác. Chúng ta không bao giờ nghĩ: “Người này giàu có, đầy đủ hơn mình, có cho họ thì cũng có ích lợi gì đâu? Vả lại, biết họ có thích mình không, hay là ta chỉ làm trò cười cho họ mà thôi!” Trong giây phút ban cho đơn thuần ấy, người cho, người nhận và đồ vật trao tặng, tất cả đều trở thành một.

Khi không còn những sự ngăn cách và phân biệt nữa, ta sẽ nhớ rằng, tất cả chúng ta đều có chung một mong ước mà thôi, đó là được hạnh phúc. Và qua hành động bố thí ta sẽ thể hiện được niềm mong ước chung ấy. Tôi có kinh nghiệm này trong một khóa tu thiền quán nhiều ngày trong thinh lặng tại trung tâm Insight Meditation Society. Vì tôi là một thành viên sáng lập của trung tâm, nên tôi biết hết tất cả nhân viên, và quen rất nhiều bạn trong cộng đồng tu học. Và vì vậy, tôi thường được những người không tham dự khóa tu tặng cho những món bánh kẹo nho nhỏ. Mỗi ngày trở về phòng, tôi lại bắt gặp những món đồ mang tặng không biết từ ai, để ngoài cửa. Môi trường trong một khóa tu đôi khi cũng khá khắc khổ, thế nên việc nhận được những món bánh kẹo nho nhỏ như vậy rất có ý nghĩa, khác với bình thường khi tất cả đều đầy đủ.

Khi thấy mình có đủ mọi thứ quà bánh, trong khi những thiền sinh khác trong khóa tu không được gì cả, vì không quen biết ai, tôi cảm thấy hơi có lỗi. Họ không được thêm những thứ phụ trội đặc biệt như tôi. Thế nên, tôi bắt đầu phân phát cho tất cả mọi người. Tôi để ý đến một người, tôi biết rằng chị ta có lẽ nhìn thấy những món đồ trước cửa phòng tôi mỗi ngày. Và tôi đặt một món quà trước cửa phòng của chị.

Nhưng rồi cũng chính trong ngày hôm ấy, chị bắt đầu nhận được những gói bánh trái từ nhà gửi đến, và chị lại mang đến chia sẻ với tôi. Tôi càng được nhiều quà hơn và lại càng phải đem ra biếu nhiều hơn. Một nguồn suối sung túc đột nhiên phát hiện giữa một môi trường vật chất khắc khổ. Trong thời gian đầy sự chia sẻ ấy, khi con tim của chúng tôi rộng mở nhờ sự thực tập trong khóa tu, tất cả cảm thấy như là một. Không cần biết những đồ vật ấy đến từ đâu hoặc chúng gồm có những gì, chúng tôi chỉ cảm thấy mỗi một điều cần thiết là thương nhau và biết lo cho nhau mà thôi.

Càng thực tập bố thí, ta sẽ càng làm cho tâm bố thí mỗi ngày một thêm lớn mạnh. Bên ngoài, nó sẽ đem lại tự do cho người chung quanh, và bên trong nó sẽ giải thoát ta. Những hành động rộng lượng của ta bên ngoài, phản ảnh được một con tim buông xả và quảng đại bên trong. Buông xả - sự từ bỏ - cũng có cùng một trạng thái tâm thức với sự rộng lượng. Và vì vậy, hành động bố thí có một ảnh hưởng trực tiếp đến công phu thiền định của ta, và ngược lại cũng thế. Tính rộng lượng là nền tảng giúp cho công phu thiền tập của ta được thăng tiến. Sự vững vàng và rộng lớn của hạnh phúc ấy giúp ta có thể đối diện với bất cứ việc gì khởi lên trong tâm khi ngồi thiền, và buông bỏ nó dễ dàng.

Buồn thay, nền văn hóa của chúng ta ngày nay không chú trọng gì đến sự bố thí! Ngược lại, nó còn khuyến khích ta nên thu thập, tranh giành và tích trữ nhiều hơn. Một người bạn tâm sự với tôi rằng, từ ngày chị bắt đầu biết nói cho đến giờ, những câu mà chị sử dụng nhiều nhất là: “Tôi cần nó! Tôi muốn nó! Tôi phải có nó mới được!” Từ thuở nhỏ, lúc nào chị cũng kèo nài, đòi hỏi ba má chị, hết chuyện này đến chuyện khác. Mà thật sự chúng ta là như vậy đó. Ta nắm bắt, ta bám víu, ta uốn nắn sự vật theo ý mình muốn. Và ta vất vả cố gắng giữ cho chúng được như vậy mãi. Tình trạng của tất cả chúng ta là như thế đó!

Vũ trụ quan Phật giáo có nói đến một cõi gọi là ngạ quỷ, tức loài ma đói. Những chúng sinh trong cảnh giới này có những cái bụng thật to nhưng cổ họng của họ chỉ nhỏ bằng cây kim, vì vậy họ lúc nào cũng đói khát. Một lần, có người hỏi thầy Nhất Hạnh về cuộc sống ở cõi ngạ quỷ giống như thế nào, thầy trả lời vỏn vẹn có một chữ: “Hoa Kỳ!” Đó là thế giới Tây phương sung túc của chúng ta, không biết gì đến sự nhường nhịn, chia sẻ và buông bỏ.

Thế giới này của chúng ta còn được gọi là samsara, cõi sinh tử luân hồi. Đây chính là cuộc sống của ta. Một tính chất rất đặc biệt của cõi samsara này là không cần biết ta đã có được bao nhiêu, đầy đủ bao nhiêu, ta lúc nào cũng nghĩ rằng đâu đó ngoài kia vẫn có cái khác nhiều hơn. Sự bất toại nguyện thì vô cùng tận, vì trong thế giới đổi thay này, những sự việc đến và đi không bao giờ ngừng nghỉ, mà sự thèm khát và so sánh của ta thì không thể nghĩ bàn được.

Có lần, tôi nói chuyện với một người bạn trên điện thoại. Anh ta đang sửa soạn cho chuyến đi Ấn Độ ngày hôm sau. Người đi chung với anh đã lo việc mua vé máy bay, nhưng anh ấy không biết rằng chỉ cần trả thêm một số tiền nhỏ thôi, cả hai đã có thể mua được vé cho ghế hạng nhì sang hơn, chỗ ngồi thoải mái hơn. Trên một chuyến bay dài, chỗ ngồi rất quan trọng. Vì thế, tôi và anh bạn bàn với nhau xem có nên đổi vé không, làm như vậy có phải trả thêm nhiều tiền không? Ngồi ghế hạng nhì thì rộng rãi hơn, đến nơi khỏe khoắn hơn, thay vì mệt mỏi có thể làm ta không vui. Trong khi nói chuyện, người bạn tôi thốt lên: “Không biết nếu mình mua vé hạng nhất thì sẽ tốn bao nhiêu nhỉ?” Vâng, tôi hiểu trạng thái tâm thức ấy quá rành. Vừa mới tính chuyện lên ghế hạng nhì chưa xong, ta đã bắt đầu nghĩ đến chuyện lên ghế hạng nhất! Chúng ta là như thế đó. Vòng sinh tử luân hồi là vậy. Lúc nào cũng có một cái gì khác để ta muốn.

Năng lực tối thượng của sự cúng dường, dana, là giúp ta giải thoát được sự ràng buộc của những sợi dây xiềng xích tham, sân và si. Chúng trói buộc và giới hạn sự sống của ta. Nếu trong giờ phút này bạn vẫn còn đi tìm một người nào, hoặc một vật nào, hy vọng nó có thể làm cho bạn cảm thấy trọn vẹn hơn, là bạn đã quên đi sự thật rằng mình đang đầy đủ và toàn vẹn trong mỗi giây, mỗi phút. Nắm giữ cõi luân hồi này cũng giống như là ta đang bắt giữ một ảo ảnh. Nó không thể nào chống đỡ và duy trì được ta, vì nó không có thật! Thực tập bố thí để ta có thể giải thoát ra khỏi ảo ảnh đó, và tiếp xúc được với một hạnh phúc trường cửu hơn.

Sự bố thí mang lại cho ta rất nhiều lợi lạc. Nó tập cho con tim ta biết buông thả. Cũng giống như trọn một đời, bàn tay ta đã nắm chặt lại quá lâu, giờ đây nó đang từ từ mở ra. Càng mở ra bao nhiêu ta lại càng cảm thấy thư thái và an lạc bấy nhiêu. Cuộc sống này sẽ trở nên rộng lớn vô biên khi ta biết buông xả. Ta có thể từ bỏ và không chút sợ hãi. Mà thật ra trên cuộc đời này, muốn có được hạnh phúc, ta không cần phải nắm giữ bất cứ một điều gì hết.

Nhưng cảm nhận rộng lớn ấy không phải chỉ là chuyện lý thuyết mà thôi. Chúng ta có thể thật sự nhìn nó phát triển và lớn mạnh khi ta thực tập bố thí. Mỗi khi chúng ta đi đến mức giới hạn của sự bố thí, vì sự dính mắc của mình, ta có thể nhìn những biên giới ấy từ từ tan rã. Có thể ban đầu ta nghĩ rằng: “Tôi chỉ có thể cho bấy nhiêu đây thôi, không thể nào làm hơn được nữa” hoặc là “Tôi sẵn sàng cho, nếu như tôi được người khác biết tới và cảm ơn.” Nhưng khi chúng ta tiến đến những mức hạn định này rồi, ta sẽ nhìn xuyên qua được chúng, và ý thức rằng chúng không có thật. Những giới hạn ấy không phải là một thực thể, chúng không có khả năng giam giữ ta lại. Và ta sẽ bước được ra ngoài. Trong sự thực tập, ta lại tiếp tục tiến xa hơn, nới rộng con tim bao la và rộng mở của mình hơn nữa.

Sự khác biệt giữa một tâm thức rộng lớn và một tâm thức nhỏ nhoi rất rõ ràng. Ví dụ, một hôm bạn bị trặc chân. Bây giờ, bỗng nhiên bạn phải đối diện với cái đau và khó khăn của một phế tật tạm thời. Có thể bạn phải chống nạng hoặc bị bó chân. Nếu như bạn có một tâm thức nhỏ nhoi và giới hạn, bạn sẽ đáp ứng với tình trạng này như thế nào? “Trời ơi, bị trặc chân rồi! Bây giờ thì còn đi đâu chơi được nữa. Nghĩ chán thật! Chẳng có ai bị hết, ngoài mình thôi. Cũng cái tánh vụng về không cẩn thận nên mới ra nông nỗi này. Chưa chắc là nó sẽ có thể lành hẳn đâu. Có thể là bị như thế này suốt đời chứ chẳng chơi!” Với một tâm ý nhỏ hẹp, ta khó có thể nào chấp nhận được những khó khăn của mình mà không than phiền. Ngược lại, với một tâm thức rộng mở, khi có một kinh nghiệm khó khăn nào khởi lên, ta không bao giờ nghĩ rằng nó sẽ làm cho ta mất mát hoặc thấp hèn đi. Chúng ta không than van vì ta không hề sợ hãi kinh nghiệm ấy. Ta cũng không cần phải đón nó bằng một con tim khép kín.

Và cũng với sự rộng mở ấy, khi có một kinh nghiệm vui sướng nào khởi lên, ta cũng không cần phải hối hả nhào tới để bắt giữ nó. Vì ta biết rằng, mình không cần phải có nó mới được hạnh phúc. Chúng ta có thể nói: “Đây là một nhóm người rất hay và tốt mà mình có dịp gặp và tham dự. Tuyệt vô cùng.” Nhưng khi nó qua, ta sẵn sàng để cho nó qua, không luyến tiếc, vì trong ta lúc nào cũng cảm thấy toàn vẹn và hạnh phúc. Ta biết rằng mình bao giờ cũng được đầy đủ!

Có biết bao nhiêu cách thức bố thí khác nhau. Chúng ta có thể ban cho người khác tài vật. Chúng ta có thể ban cho người khác thời giờ và sự phục vụ. Ngay cả khi ta không đòi hỏi người khác phải thay đổi theo ý mình, đó cũng là một hình thức bố thí. Trong một ngày, ta có biết bao nhiêu cơ hội để bố thí. Một người nào cắt ngang trước mặt bạn giành một chỗ đậu xe. Bạn có vui vẻ bỏ qua được không? Nếu làm được việc ấy là đã hiểu ý nghĩa của sự rộng lượng. Chúng ta đâu cần phải giành giật với người khác làm gì. Chúng ta có thể chọn con đường buông xả và quảng đại đối với nhau.

Một đồng minh của sự rộng lượng là cảm giác sung túc và giàu có - lúc nào ta cũng cảm thấy mình dư thừa để chia sẻ với tất cả. Bạn nên nhớ, cảm giác này không được đặt trên một tiêu chuẩn nào hết. Có những người rất giàu nhưng họ lại cảm thấy nghèo túng bên trong. Lúc nào họ cũng giữ thật chặt những gì họ có, và không thể đem ra cho ai bất cứ vật gì, mặc dù bên ngoài họ rất sung túc. Và cũng có những người đời sống kinh tế khó khăn nhưng rất rộng lượng, mặc dù bên ngoài dường như họ không có gì để cho. Nhưng họ không nghĩ như vậy. Họ vẫn cho những gì họ có thể cho được. Nếu bạn có dịp thăm viếng những quốc gia còn đang phát triển, bạn sẽ thấy được điều này. Chắc chắn bạn sẽ nhận được những món quà tặng từ những người nghèo khó hơn bạn. Thật ra, không cần biết theo tiêu chuẩn của xã hội thì bạn giàu hay nghèo đến đâu, nếu như bạn biết đủ, bao giờ bạn cũng có thể chia sẻ được. Và ta có thể mở rộng con tim mình ra, biểu hiện tâm từ, bằng cách ấy.

Làm cách nào để ta phát triển được cảm giác đầy đủ và sung túc ấy trong tâm? Trong những năm tu tập, lúc nào tôi cũng dùng câu hỏi này như là một nguyên tắc hướng dẫn: “Trong giây phút này tôi thật sự cần gì để có hạnh phúc?” Ở Miến Điện, có những cá nhân và gia đình đã phải lặn lội từ những nơi rất xa đến các tu viện để cúng dường thức ăn. Trong một nền văn hóa chú trọng đến sự bố thí, những việc cúng dường như vậy được xem là một đặc ân rất lớn. Đó là cơ hội để họ được làm phước, bày tỏ sự biết ơn đối với giáo pháp của Phật, và tỏ lòng tôn kính những người đang thể hiện giáo pháp ấy qua sự tu tập của họ.

Những người này, tôi biết chắc, họ đã cúng dường những món quý giá nhất của họ. Trong nhiều trường hợp, có khi những món ăn ấy còn sang trọng hơn những gì họ có trên bàn mỗi ngày. Các bữa ăn trong tu viện được cúng dường bởi đủ mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội. Có khi bước vào nhà ăn, tôi thấy những cỗ ăn thơm ngon thật hậu hĩ, đủ mọi thứ cao lương mỹ vị của Miến Điện. Và có khi đó chỉ là vài cọng rau đắng trôi lềnh bềnh trong một tô canh đầy dầu mỡ.

Tại Miến Điện, trong những khóa tu chúng tôi phải giữ Bát quan trai giới, trong đó có một giới không cho phép ăn sau 12 giờ trưa (giờ ngọ). Bữa điểm tâm bắt đầu vào năm giờ sáng, và bữa ăn trưa được dọn lên vào lúc 10 giờ. Điều ấy có nghĩa là mọi sự ăn uống chánh thức chấm dứt vào khoảng mười giờ rưỡi sáng, và chúng tôi không được ăn gì cho đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Trong hoàn cảnh đó, bữa ăn trưa đối với chúng tôi rất quan trọng! Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh này mà tôi ý thức được giá trị của sự cúng dường.

Trong nhà ăn ở một tu viện tôi đến tu tập có treo bức hình đức Phật. Theo thông lệ, chúng tôi lạy ba lạy trước khi đi vào nhà ăn. Mỗi khi vào ăn trưa, nhìn lên hình đức Phật và đảnh lễ ngài, tôi thường cảm thấy một niềm vui và sự biết ơn dâng tràn. Có lúc sau khi lễ Phật, tôi đứng nhìn xuống bàn ăn xem hôm nay có bày những thứ thức ăn gì, và thấy rằng không có món nào mình có thể ăn được cả. Tôi cảm thấy sợ hãi, lo lắng cực độ trước viễn tượng của 19 giờ đồng hồ nhịn đói!

Nhưng rồi tôi nhìn lên gương mặt của những người đến cúng dường cho bữa ăn hôm ấy. Họ thường muốn đến để xem các thiền sinh dùng những thức ăn của họ. Gương mặt họ sáng rỡ vì hân hoan. Rõ ràng là họ rất sung sướng vì đã có cơ hội đóng góp một chút gì đến cho những người đang đi tìm chân lý, đang tu tập để thanh lọc thân tâm.

Chưa đầy một phút, tôi đi từ một niềm hân hoan khi nhìn lên đức Phật, đến nỗi sợ hãi, lo lắng khi nhìn đến thức ăn, và rồi nhìn sang gương mặt rạng rỡ của những người cúng dường. Trong giây phút ấy, khi tôi cảm nhận được sự thành tâm cúng dường và biết ơn của họ, tôi đã tự hỏi: “Trong giây phút này tôi thật sự cần gì để có hạnh phúc?” Câu hỏi ấy giúp tôi thức tỉnh và ý thức được rằng, tôi đang được nuôi dưỡng bằng niềm vui và hạnh phúc của họ, hơn là những món ăn mà họ mang đến. Thật vậy, niềm vui phát xuất từ một con tim chân thành mới quan trọng hơn, và bổ dưỡng hơn.

“Trong giây phút này tôi thật sự cần gì để có hạnh phúc?” Thế giới này chắc chắn sẽ đem lại cho bạn biết bao nhiêu câu trả lời. Có thể bạn cần một cái này mới, hoặc một cái kia khác hơn. Nhưng thật ra trong giờ phút này bạn đang thiếu thốn cái gì? Bạn có thật sự cần phải thay đổi một điều gì không? Tiến trình của sự tu tập là để ta chuyển hóa việc ấy, giúp ta thoát ra khỏi sự đeo đuổi và khao khát vô tận ấy. Nếu chúng ta can đảm thách thức chúng, thoát ra khỏi sự kìm kẹp của chúng, ta sẽ khám phá được một thứ hạnh phúc hoàn toàn mới. Ta hiểu rằng, chỉ có chân lý mới mang lại cho ta hạnh phúc mà thôi. Và chân lý ấy bao giờ cũng đang có mặt trong giây phút này, khi ta thấy được sự vật đúng thật như chúng đang hiện hữu, khi ta biết buông bỏ mỗi khi chúng đến rồi đi, khi ta biết rằng chúng sẽ sinh lên và diệt đi, không bao giờ ngừng nghỉ.

Gương mặt rạng rỡ của sự cúng dường là một trong những biểu hiện của sự tốt lành trong ta. Hãy sung sướng với điều ấy. Sự mong cầu được hạnh phúc có rất nhiều lợi lạc và thiện xảo, vì nó thúc đẩy ta làm việc tốt. Bạn hãy sung sướng đi, vì ta có khả năng chọn lựa những điều thiện, biết vun trồng những việc tốt, và buông bỏ những gì gây hại, hoặc mang lại khổ đau. Niềm vui ấy sẽ đem lại cho ta sự tự tin và hạnh phúc cần thiết trên đường tu tập, giúp ta cởi mở và phát triển những việc thiện, tuy vẫn còn mới lạ và chưa quen thuộc với ta.

Bạn nên nhớ rằng, trong chúng ta không có ai làm được những việc này một cách hoàn toàn cả! Bởi thế ta mới gọi là “thực tập”. Chúng ta tập rộng lượng với người khác, và ta tập rộng lượng với chính ta, hết lần này đến lần khác. Ta tiếp tục thực tập cho đến một ngày những điều đó sẽ trôi chảy như một dòng thác lớn, cho đến ngày những điều đó trở thành tự nhiên như con người thật của chính ta.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com