Thích Thông Huệ
Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2006
Lúc bấy giờ, Bồ tát Phổ Hiền ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh bên phải ba vòng, quỳ dài chắp tay mà bạch Phật rằng: “Đức Đại bi Thế Tôn! Nguyện Ngài vì các chúng Bồ tát đến trong hội này và tất cả chúng sanh tu theo Đại thừa trong thời mạt pháp, một khi nghe đến cảnh giới Viên Giác thanh tịnh này, làm sao tu hành?
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu chúng sanh kia biết được các pháp là huyễn, thân tâm cũng huyễn, thì làm sao dùng huyễn trở lại tu huyễn? Nếu tánh của các huyễn tất cả đều diệt, thì không có thân tâm, vậy ai tu hành? Vì sao lại nói tu hành như huyễn? Nếu các chúng sanh không chịu tu hành, thì đối trong sanh tử thường ở trong huyễn hóa mà chưa từng rõ biết cảnh giới như huyễn, vậy làm sao khiến cho tâm vọng tưởng được giải thoát? Mong Ngài vì tất cả chúng sanh đời mạt pháp mà bày ra phương tiện thứ lớp tu tập, khiến các chúng sanh hằng lìa các huyễn”. Nói lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, lập đi lập lại như vậy ba lần.
Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Phổ Hiền rằng: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các hàng Bồ tát và chúng sanh đời mạt, tu tập như huyễn Tam muội của Bồ tát, phương tiện tiệm thứ khiến các chúng sanh được lìa các huyễn. Ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói”. Lúc ấy, Bồ tát Phổ Hiền hết sức vui mừng, vâng theo lời dạy và cùng đại chúng lắng sâu tâm thức mà nghe.
“Này Thiện nam tử! Tất cả các thứ huyễn hóa của chúng sanh đều sanh trong Diệu tâm Viên Giác của Như Lai, giống như hoa đốm từ hư không mà có. Huyễn hoa tuy diệt, nhưng tánh của hư không vẫn không hoại.
Huyễn tâm của chúng sanh lại nương vào huyễn mà diệt. Các huyễn diệt hết, giác tâm cũng chẳng động. Y nơi huyễn mà nói là giác thì cũng gọi là huyễn. Nếu nói có giác, vẫn chưa lìa huyễn; nhưng nói không có giác, cũng lại như vậy. Thế cho nên huyễn diệt được gọi là bất động.
Này Thiện nam tử! Tất cả Bồ tát và chúng sanh đời mạt, cần phải xa lìa tất cả cảnh giới hư vọng huyễn hóa. Do vì cái tâm-xa-lìa thường được giữ gìn vững chắc, nên cái tâm như-huyễn đó cũng phải xa lìa luôn. Xa lìa là huyễn, cũng lại xa lìa; lìa cái xa lìa huyễn cũng phải xa lìa. Khi đến chỗ không còn xa lìa được, tức trừ hết các huyễn. Ví như cọ cây lấy lửa, hai khúc cây nương vào nhau, lửa phát sanh đốt cháy cây, cây hết lửa tắt, tro bay khói mất. Dùng huyễn tu huyễn cũng như thế, các huyễn tuy hết nhưng không rơi vào đoạn diệt.
Này Thiện nam tử! Biết được huyễn thì lìa huyễn, không cần có phương tiện gì cả. Lìa huyễn liền gọi là giác, không cần thứ lớp tu tập. Tất cả Bồ tát và chúng sanh đời mạt phải y nơi đây tu hành, như vậy mới có thể hằng lìa các huyễn”.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này mà nói kệ rằng:
“Phổ Hiền, ông nên biết!
Tất cả các chúng sanh
Huyễn vô minh vô thủy
Đều từ tâm Viên Giác
Chư Như Lai kiến lập.
Giống như hoa hư không
Nương không mà có tướng
Hoa trong không dù diệt
Hư không vẫn bất động.
Huyễn từ các Giác sanh
Huyễn diệt, Giác viên mãn
Giác tâm vốn bất động.
Nếu các Bồ tát kia
Và chúng sanh đời mạt
Thường hay xa lìa huyễn,
Khi các huyễn đều lìa
Như trong cây sinh lửa,
Cây hết lửa lại tắt.
Giác thì không thứ lớp
Phương tiện cũng như thế”.
Sau khi nghe Phật khai thị cảnh giới Viên Giác cho hàng đốn cơ đốn ngộ (chương Văn Thù), Bồ tát Phổ Hiền, với hạnh nguyện lớn, với lòng từ bi vô hạn, e rằng những chúng sanh căn cơ thấp kém sẽ khó lãnh hội để ngộ nhập cảnh giới này. Vì vậy, Ngài thưa hỏi Phật, cầu pháp phương tiện tiệm thứ để chúng sanh nương vào đó tu hành.
Ý nghĩa của hai chữ Phổ Hiền là gì?
Phổ là khắp, nghĩa là hóa độ chúng sanh cùng khắp pháp giới; Hiền là địa vị tu chứng của Ngài, đã gần đến bậc Đại Thánh. Ở địa vị tu chứng này mà còn thưa hỏi Phật về phương tiện thứ lớp tu hành, rõ ràng là Ngài vì chúng sanh đời mạt. Chúng ta thấy ở chương Văn Thù, đặt nặng về Trí chứng, còn chương Phổ Hiền đặt nặng ở Hạnh tu. Trí -Hạnh cùng tiến thì Vô thượng Bồ đề mới có thể viên thành. Đây là lý do khiến hai chương Văn Thù và Phổ Hiền đi liền nhau, mở đầu toàn bộ bản kinh Viên Giác.
Phổ Hiền là tiêu biểu cho Hậu-đắc-trí, Phương-tiện-trí, Quyền-trí. Đó là chỉ cho Đại bi, Đại hạnh, Đại nguyện. Hậu-đắc-trí là trí tuệ phát sanh sau khi đã giác ngộ, khởi phát diệu dụng của tự tánh đi vào thế giới sai biệt để hóa độ tất cả chúng sanh. Bồ tát Phổ Hiền có mười đại nguyện, đầy đủ ý nghĩa tự lợi và lợi tha, luôn luôn mong Tam Bảo thường còn ở thế gian để tất cả chúng sanh đều có nơi nương tựa. Thật ra, mỗi Bồ tát sơ phát tâm đều phải thực hành mười đại nguyện đó, và bất cứ ai, nếu nhận rõ tự tánh Viên Giác của mình và tu theo Đạo Bồ tát, thì đều là Bồ tát Phổ Hiền.
Như đã nói, Bồ tát Văn Thù tượng trưng cho Đại-trí, còn Bồ tát Phổ Hiền tượng trưng Đại-hạnh. Văn Thù cỡi sư tử, mang ý nghĩa là, một người khi nhận ra tự tánh Viên Giác, người đó có thể rống tiếng rống sư tử, chinh phục được tất cả tà ma ngoại đạo, giống như sư tử là chúa sơn lâm, khi cất tiếng thì muôn loài cầm thú đều khiếp sợ. Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà, voi là thú to lớn tượng trưng hạnh nguyện lớn; sáu ngà tượng trưng lục độ - hình ảnh này thể hiện đại hạnh đại nguyện của Bồ tát Đại thừa là Lục độ Ba-la-mật. Như vậy, Giác ngộ và Hạnh nguyện là hai điểm nổi bật trong nhân cách của một Bồ tát, là trọng tâm tu hành của một hành giả nếu muốn thành tựu giác ngộ tối thượng. Bồ tát luôn luôn phối hợp tình thương với trí tuệ và điều hòa được trí tuệ với tình thương. Không bao giờ các Ngài có trí tuệ rồi mà lại an nhiên hưởng niềm vui giải thoát cho riêng mình, các Ngài khi nào cũng muốn đem đại trí tuệ đó nhiêu ích cho chúng sanh. Chính nhờ đại trí mới phá sạch căn bản vô minh, và nhờ đại hạnh mới viên mãn Phật quả. Cho nên, trong Phật giáo Bắc tông tức Phật giáo Đại thừa, sau khi thọ giới Tỳ kheo, còn thọ 58 giới Bồ tát để bắt đầu làm một Bồ tát sơ phát tâm, hành trì theo hướng lợi mình - lợi người.
Một điều cần lưu ý, văn kinh Đại thừa rất giàu tượng trưng, những hình ảnh trong đó luôn là biểu tượng hóa, thần thánh hóa. Nếu chỉ chấp vào văn tự để hiểu một cách thật thà trên sự tướng, chúng ta không thể nào nắm bắt được cái cốt lõi của đoạn kinh. Vì vậy, khi học đến chương này, ta nên hiểu vì sao Bồ tát Phổ Hiền xuất hiện thưa thỉnh Phật dạy về pháp Như huyễn, để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Chúng ta nên hiểu vì sao mỗi khi làm được một công đức nào dù nhỏ, chúng ta cũng phải hồi hướng cho chúng sanh muôn loài. Tinh thần Tứ hoằng thệ nguyện cũng mang nội dung tự lợi - lợi tha như thế. Có thể nói, giáo pháp của kinh điển Đại thừa là nhằm xác định tinh thể của Bồ tát - đó là lý tưởng tôn giáo và đời sống hiến dâng, là Bồ tát đạo và Bồ tát hạnh của các Ngài.
Ở đây, chúng ta cũng cần có một nhận định rõ ràng về sự giải thoát và mục đích tu hành của Tiểu thừa và Đại thừa. Sự giải thoát của các vị A-la-hán chỉ bằng Đức Phật về phương diện tiêu cực, mà không thể so sánh nổi về mặt tích cực. Tại sao nói như vậy? - Các văn kinh bảo rằng, những vị A-la-hán sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau; nhưng quả vị của các Ngài chỉ như người vừa trả nợ xong mà chưa phải là một nhà đại phú. Các Ngài đối với trần thế đã xong nợ nần, không còn bị trần tục làm hệ lụy, các Ngài đã vượt thoát mọi khổ trược của thế gian. Nhưng các Ngài chưa đủ phước đức như Phật nên không bằng Phật ở chỗ công hạnh lợi tha để viên mãn Phật quả. Đối với Bồ tát Đại thừa, khởi đầu các Ngài phải trực nhận ra Chơn tâm Phật tánh của mình, từ đó trải qua nhiều đời nhiều kiếp giáo hóa chúng sanh, cho đến ngày thành tựu quả vị Phật. Khi giác ngộ tự tánh, các Ngài lập nhiều phương tiện thiện xảo, tùy trình độ căn cơ của mỗi chúng sanh mà sử dụng pháp phương tiện thích ứng. Điều này giải thích vì sao trong kinh Viên Giác có đến 11 vị Bồ tát thưa hỏi Phật về những phương tiện độ sanh, từ Bồ tát Phổ Hiền trở đi. Những phương tiện thiện xảo ấy phát xuất từ tâm đại bi; và tâm đại bi này lại phát xuất từ trí tuệ Bát-Nhã. Như vậy trí - bi và phương tiện cùng sinh hoạt nhịp nhàng trong nhân cách của một Bồ tát.
“Lúc bấy giờ, Bồ tát Phổ Hiền ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh bên phải ba vòng, quì dài chắp tay mà bạch Phật rằng”: Đây là nghi thức chung trước khi muốn thưa hỏi Phật, ở mỗi chương đều giống nhau.
“Đức Đại-bi Thế-Tôn! Nguyện Ngài vì các chúng Bồ tát đến trong hội này và tất cả chúng sanh tu theo Đại thừa trong đời mạt pháp, một khi nghe đến cảnh giới Viên Giác thanh tịnh này, làm sao tu hành?”: Bồ tát Phổ Hiền, sau khi nghe Phật giảng về cảnh giới Viên Giác thanh tịnh, vì các Bồ tát trong pháp hội và vì chúng sanh đời mạt, nên thưa hỏi Phật về phương pháp để chứng ngộ cảnh giới này. Đặc biệt, Ngài chú trọng Hạnh Đại thừa, nên dùng từ “Chúng sanh tu theo Đại thừa trong đời mạt pháp”.
“Bạch Đức Thế Tôn! Nếu chúng sanh kia biết được các pháp là huyễn, thân tâm cũng huyễn thì làm sao dùng huyễn trở lại tu huyễn? Nếu tánh của các huyễn tất cả đều diệt, thì không có thân tâm, vậy ai tu hành? Vì sao lại nói tu hành như huyễn? Nếu các chúng sanh không chịu tu hành, thì đối trong sanh tử thường ở trong huyễn hóa mà chưa từng rõ biết cảnh giới như huyễn, vậy làm sao khiến cho tâm vọng tưởng được giải thoát? Mong Ngài vì tất cả chúng sanh đời mạt pháp mà bày ra phương tiện thứ lớp tu tập, khiến các chúng sanh hằng lìa các huyễn. Nói lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, lập đi lập lại như vậy ba lần”: Đoạn này diễn tả 3 điều thắc mắc của Bồ tát Phổ Hiền:
1- Chúng sanh tu theo Đại thừa nghe nói đến cảnh giới Viên Giác thanh tịnh, biết tất cả các pháp đều là huyễn, đến thân tâm này cũng là huyễn. Nhưng khi tu hành là tu trên ba nghiệp Thân-khẩu-ý, nghĩa là nương vào thân tâm mà tu. Thân tâm đã huyễn thì hạnh tu cũng huyễn, vậy làm sao dùng thân tâm huyễn để tu cái hạnh huyễn?
2- Nếu tu hành đến khi tất cả huyễn tánh đều dứt, biết thân tứ đại giả hợp và tâm duyên ảnh sáu trần đều không có. Thân tâm đã không thì lấy ai tu hành? Tu hành không thể được, tức không có vấn đề tu; tại sao còn nói tu hành như huyễn?
3- Chúng sanh xưa nay không chịu tu hành, thường lưu chuyển trong sanh tử huyễn hóa mà không biết đó là cảnh huyễn. Tâm đã lạc vào trong vọng tưởng, khi nghe bảo “thân tâm như huyễn, tu hành như huyễn”, vọng tưởng càng ngày càng thêm mà không dụng công tu tập. Như vậy, làm thế nào để được giải thoát?
Sau khi nêu lên ba thắc mắc, Bồ tát Phổ Hiền thiết tha cầu Phật chỉ dạy phương tiện thứ lớp để chúng sanh đời mạt nương vào đó tu hành, xa lìa được các huyễn. Lòng thiết tha thưa thỉnh ấy thể hiện bằng hình ảnh năm vóc gieo xuống đất và lập lại lời thưa hỏi ba lần.
“Khi ấy, Đức Thế-Tôn bảo Bồ tát Phổ Hiền rằng: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các hàng Bồ tát và chúng sanh đời mạt, tu tập Như huyễn Tam muội của Bồ tát, phương tiện tiệm thứ khiến các chúng sanh được lìa các huyễn. Ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói”. Lúc ấy Bồ tát Phổ Hiền hết sức vui mừng, vâng theo lời dạy và cùng đại chúng lắng sâu tâm thức mà nghe”: Đây là lời khen và hứa khả của Đức Phật đối với Ngài Phổ Hiền, chủ yếu sẽ giảng về Như huyễn Tam muội của Bồ tát. Vậy Như huyễn Tam muội là gì?
Tam muội được dịch là Chánh định hay Chánh thọ; Như huyễn có nghĩa là tất cả các pháp đều huyễn nhưng luôn luôn ở trong Như tánh. Như huyễn tam muội là ở trong chánh định mà quán triệt được lý Như huyễn của tất cả các pháp; lại vẫn ở trong chánh định mà hiện làm biết bao việc như huyễn để độ chúng sanh. Lý Như huyễn rất sâu mầu, không thể tư duy hay quán sát mà hiểu được. Nếu chúng ta còn thấy có tâm năng quán và cảnh sở quán, còn phân biệt cái biết và cái bị biết, thì chúng ta không thể nào thẩm thấu được nghĩa lý sâu xa này.
Chúng sanh thường chấp trước vào các pháp, thấy các pháp đều thật. Cho nên, một trong những khí giới tuyệt hảo để hủy diệt sức mạnh của sự chấp trước này, là tuyên bố rằng tất cả các pháp đều như mộng, sương, điện chớp... Đó là lý do Phật nói về lý Như-huyễn. Như huyễn không có nghĩa là từ chối thế giới hiện thực, mà nhìn thấy thế giới bằng tri kiến như thật. Khi quán chiếu các pháp một cách sâu xa, hiểu muôn sự muôn vật đều là duyên sinh giả hợp, chúng ta thấy rõ các pháp không phải là chính nó, mà do vay mượn những thứ không phải nó để tạo thành. Đến mức độ cao hơn, chúng ta thấy đương thể đã là không, các pháp hiển hiện nhưng không có thực thể, đó là cái thấy bằng trực giác Bát-Nhã. Cho nên, khi nói lý Như Huyễn, Đức Phật muốn phát khởi trong tâm chúng sanh một tri kiến như thật. Khi ánh bình minh giác ngộ bừng lên, thế giới sẽ hiện bày toàn bộ sự thật trước mắt ta, tự nhiên ta thể nhập Như huyễn Tam muội.
Một câu hỏi đặt ra: Chúng ta quán chiếu thấy rõ các pháp do duyên sinh, ta biết chúng không thật. Nhưng trong cuộc sống đời thường, khi trần cảnh kéo lôi, sao ta vẫn thấy có thật và vẫn bị dính mắc buộc ràng? - Bởi vì tập khí nhiều đời vẫn còn, chúng ta lại chưa hoàn toàn thẩm thấu lý Như huyễn nên vẫn thấy các pháp thực sanh thực diệt. Vì vậy, dù đã biết đã hiểu về tự tánh không của tất cả các pháp, nhưng phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới có thể hoàn toàn thấu triệt và thâm nhập Như huyễn tam muội.
“Này Thiện nam tử! Tất cả các thứ huyễn hóa của chúng sanh đều sanh trong Diệu tâm Viên Giác của Như Lai, giống như hoa đốm từ hư không mà có. Huyễn hoa tuy diệt, nhưng tánh của hư không vẫn không hoại”: Đoạn này có ý nghĩa rất sâu xa. Tất cả huyễn hóa của chúng sanh đều sanh trong Diệu tâm Viên Giác của Như Lai. Chúng ta có thể tin điều này không? Khi đưa cây viết lên, tất cả chúng ta đều thấy cây viết - cây viết này sinh trong Diệu tâm Viên Giác của Như Lai. Khi đánh một tiếng chuông, tất cả chúng ta đều nghe - tiếng chuông này cũng sanh trong Diệu tâm Viên Giác của Như Lai. Như vậy, cái thấy và cái nghe đó đều nằm trong tâm Viên Giác.
Khi ấn vào mắt, ta thấy có hoa đốm loạn xạ trong hư không; khi bỏ tay ra, hoa đốm biến mất. Hoa đốm ấy sanh ra từ đâu? - Từ hư không mà sanh, rồi cũng diệt trong hư không. Nhưng hoa đốm dù sanh dù diệt, hư không vẫn bất động. Cũng vậy, tất cả các pháp tức sáu trần, sáu căn cho đến thức tâm phân biệt, là những thứ huyễn hóa của chúng sanh, đều sanh từ Diệu tâm Viên Giác của Như Lai. Thật ra, phải nói là “Tâm Viên Giác Như Lai” chứ không là “Tâm Viên Giác của Như Lai”, vì đó chính là Diệu tâm ở mỗi chúng ta vậy. Nếu không có Diệu tâm này, chúng ta sẽ đồng như gỗ đá vô tri vô giác. Cho nên, ta phải nhân nơi những huyễn hóa này mà nhận ra tâm Viên Giác của chính mình.
“Huyễn tâm của chúng sanh lại nương vào huyễn mà diệt”: Tâm chúng ta sanh rồi diệt, buồn - thương - giận - ghét thay đổi không ngừng, đó là huyễn tâm, nương nơi sáu trần mà khởi sinh. Là huyễn tâm nên huyễn sinh, mà huyễn sinh thì phải huyễn diệt.
“Các huyễn diệt hết, giác tâm cũng chẳng động”: Giác tâm chính là cái Thường biết, là cái liễu liễu thường tri. Khi tiếp xúc với sáu trần sanh tâm phân biệt, nhưng nếu chúng ta biết là huyễn thì tự nhiên nó diệt. Tuy các huyễn tận diệt mà cái biết về các huyễn - tức cái giác tâm ấy, vẫn luôn bất động.
“Y nơi Huyễn mà nói là Giác thì cũng gọi là Huyễn”: Giờ đến một tầng sâu hơn. Khi tôi thấy sắc, tôi biết sắc này là huyễn. Như vậy có cái huyễn bị biết và có cái giác hay biết. Cái giác này cũng là một danh từ rỗng, cũng gọi là huyễn (huyễn giác).
“Nếu nói có Giác, vẫn chưa lìa Huyễn”: Đây là tầng nhận định thứ ba. Nếu nói tôi có một cái giác tâm để giác được cảnh huyễn và giác huyễn, vừa khởi niệm vi tế ấy, thì cái biết đó cũng vẫn là huyễn.
“Nhưng nói không có Giác, cũng lại như vậy”: Nói có Giác là chấp có, thành sai. Còn nếu nói không có Giác là chấp không, vậy đồng với gỗ đá, thế nên cũng lầm luôn.
“Thế cho nên huyễn diệt được gọi là bất động”: Danh từ tạm dùng là Huyễn thân - Huyễn tâm - Huyễn cảnh... Khi các huyễn đã diệt, tôi biết tôi đang ở trong trạng thái bất động. Chỉ thầm biết vậy thôi mà không khởi niệm, vì vừa khởi niệm mình được bất động thì lập tức bất động trở thành động rồi. Hiểu thấu đáo điều này thì khi tọa thiền, chúng ta mới buông được một cách triệt để. Nếu tri vọng mà còn phân biệt năng sở, lấy cái vọng-hay-biết buông cái vọng-bị-biết, rồi chấp vào cái hay biết đó thì vọng cứ còn hoài. Khi buông vọng ta thấy yên, nhưng còn có một cái cứ lom lom nhìn vào cái yên đó - giống như có một người gác cửa - rồi tự nhận đó là cái năng-tri, thì cái năng-tri lại thành sở-tri mất rồi! Cho nên, khi ngồi thiền, chỉ ngồi để mà ngồi, biết tất cả mà không khởi niệm. Lúc này không thể diễn tả được phải dụng công như thế nào, vì không phải tình trạng dụng công, cũng không phải tình trạng không dụng công. Chỉ tạm gọi là trạng thái Biết rõ mà thôi.
“Này Thiện nam tử! Tất cả Bồ tát và chúng sanh đời mạt, cần phải xa lìa tất cả cảnh giới hư vọng huyễn hóa”: Đức Phật tiếp tục nói về lý Như huyễn và nhấn mạnh vấn đề xa lìa (viễn ly) tất cả cảnh giới hư vọng. Đây bắt đầu phá chấp tầng thứ nhất.
“Do vì cái tâm xa lìa thường được giữ gìn vững chắc, nên cái tâm như huyễn đó cũng phải xa lìa luôn”: Đức Phật phá thêm một tầng nữa. Đây là lối công phá của Bát Nhã, phá hết lớp này đến lớp khác. Tinh thần Bát Nhã là phá sạch trơn, phá đến tận cùng những chấp trước của chúng sanh: chấp có, chấp không, chấp vừa có vừa không, chấp chẳng có chẳng không..., đến 20 cách phá. Chúng ta khi tọa thiền, biết vọng liền buông; nhưng khi hết vọng lại chấp cái không vọng cho là tánh mình. Buông hết cái này thì chấp vào cái khác, sợ khi buông bỏ hết, mình không còn gì. Chính nỗi sợ đó làm chúng ta bị vướng mắc, không bao giờ buông được sạch trơn. Nhà Thiền chủ trương, phải buông đến độ mình cảm thấy như mình đang rớt trong hư không; lúc ấy cứ để cho chết một lần, rồi sẽ sống lại trong sự vĩnh hằng. Đó gọi là “Tuyệt hậu tái tô”.
Ở đây, Đức Phật dạy rằng, khi chúng ta xa lìa được các cảnh và xa lìa luôn cái tâm năng biết về các cảnh đó, thì chúng ta lại chấp vào cái tâm xa lìa ấy cho là thật. Vì cho là thật nên giữ gìn vững chắc. Thật ra, tâm xa lìa ấy cũng chỉ là huyễn, nên cũng phải xa lìa luôn.
“Xa lìa là huyễn, cũng lại xa lìa; lìa cái xa lìa huyễn cũng phải xa lìa”: Chúng ta phải biết cái niệm xa lìa đó là huyễn, nên cần xa lìa nó. Cho đến cái tâm lìa cái xa lìa huyễn, tức còn có một cái để lìa xa nữa, cái đó cũng là huyễn, vì thế cũng phải xa lìa luôn. Đoạn này quá chi ly nên rất khó hiểu. Có thể nói một cách khác: Vọng là huyễn, cái biết vọng cũng là huyễn nên cần buông bỏ, cái biết buông bỏ đó cũng là huyễn nên phải buông luôn.
Tóm lại, trong đoạn này chủ yếu Đức Phật muốn nói Cái tâm năng biết về các pháp, tâm này là huyễn, gọi là năng huyễn, còn các pháp bị biết là sở huyễn. Sở huyễn buông, Năng huyễn cũng phải buông: Đó là tầng thứ nhất. Khi lìa cái Năng huyễn - Sở huyễn, ta còn một cái biết về sự xa lìa này; cái biết này cũng phải buông bỏ: Đó là tầng thứ hai. Đến niệm vi tế về cái tâm xa lìa này, ta lại phải buông luôn; cứu-cánh-huyễn vì vậy cũng lìa sạch trơn: Đó là tầng thứ ba. Đến lúc ta thấy-nghe-hay-biết rõ ràng mà không còn một niệm nào đối với các pháp, là lúc “rõ ràng thường biết” mà đã “bặt hết các duyên”. Các pháp lúc này luôn luôn hiện hữu trong trạng thái như thị, nhưng trong ta không có thêm một cái hay biết nào, một cái buông trừ nào; tuy ta ở chỗ động mà vẫn bất động, thản nhiên giữa các pháp. Lúc này năng-huyễn, sở-huyễn, tâm-xa-lìa-huyễn, đến cứu-cánh-huyễn đều buông một cách sạch sẽ tận cùng. Đây là lúc mà “Ba mươi năm sau, sãi tôi thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông”, là tầng thứ tư.
“Khi đến chỗ không còn xa lìa được, tức trừ hết các huyễn”: Đây là đến chỗ vô sở ly, tức vô sở đắc, thì trừ được hết các huyễn. Ở đây, để minh họa cho rõ ý này, Đức Phật lấy ví dụ :
“Ví như cọ cây lấy lửa, hai khúc cây nương vào nhau, lửa phát sanh đốt cháy cây, cây hết lửa tắt, tro bay khói mất”: Đức Phật phân biệt bốn giai đoạn: Giai đoạn một là hai khúc cây cọ vào nhau phát sinh ra lửa, ý muốn nói căn và trần tác động với nhau sanh ra thức tâm phân biệt. Căn là Năng huyễn, trần là Sở huyễn, thức tâm phân biệt là cái biết được huyễn. Lửa phát dụ cho sự xa lìa huyễn cảnh. Giai đoạn hai là cây cháy hết, dụ cho huyễn tâm được xa lìa, tức là sự buông bỏ cái biết về sự xa lìa. Giai đoạn ba là tro bay, dụ cho sự buông bỏ luôn cái biết về sự xa lìa huyễn tâm và huyễn cảnh, tức là cái mà Phật gọi là “lìa cái xa lìa huyễn”. Cuối cùng là khói mất ở giai đoạn bốn, dụ cho việc ly huyễn đến toàn triệt rốt ráo, đến chỗ không còn xa lìa được nữa. Bốn giai đoạn này tương ứng với bốn tầng cấp xa lìa đã giảng ở trên.
“Dùng huyễn tu huyễn cũng như thế, các huyễn tuy hết nhưng không rơi vào đoạn diệt”: Căn là huyễn, trần cảnh là huyễn, cái biết căn trần huyễn cũng là huyễn, lìa cái biết này cũng là huyễn, đến sự lìa cái biết về cái biết huyễn đó cũng phải lìa luôn. Các huyễn bây giờ đã tận diệt, nhưng không phải cuối cùng không còn gì cả, mà ánh bình minh giác ngộ, cái liễu liễu thường tri sẽ xuất hiện, gọi là Tự tánh thường biết. Vì vậy không rơi vào đoạn diệt. Chư Phật và chư Bồ tát đã và đang đi trên đường giác ngộ, cốt để đạt đến chỗ này.
“Này Thiện nam tử! Biết được huyễn thì lìa huyễn, không cần có phương tiện gì cả. Lìa huyễn liền gọi là Giác, không cần thứ lớp tu tập”: Đây là câu chỉ đạo toàn bộ chương Phổ Hiền - Tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện; Ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ - Đức Phật giảng về lý Như huyễn theo tinh thần Đốn ngộ, dành cho các bậc thượng căn nhận ra bằng trực giác Bát Nhã. Khi biết các pháp là huyễn, tức thì lìa huyễn mà không cần phương tiện thứ lớp tu tập. Khi lìa huyễn liền gọi là Giác, liền là Phật chứ không thành Phật từ từ, thành Phật theo cấp bậc.
Ở đoạn trước, Đức Phật dạy về lý Như huyễn với bốn tầng bậc từ thấp đến cao. Đoạn này, Phật lại bảo không cần thứ lớp, vậy có mâu thuẫn nhau không? - Thật ra, tùy trình độ căn cơ của chúng sanh mà phải nói hai cách. Đối với chúng sanh sơ cơ, Phật từ bi lập bày phương tiện để chúng sanh nương vào đó tu hành. Còn với các hàng thượng căn, Đức Phật chỉ thẳng pháp môn đốn siêu phương tiện: Chỉ cần Biết là đủ. Biết ở đây có ý nghĩa như thế nào? Khi tôi tiếp xúc với cảnh, tuy tôi biết được cảnh là huyễn, nhưng nhiều lúc cảnh vẫn chi phối được tôi; khi tiếp xúc với sáu trần, tôi vẫn chịu ảnh hưởng dù nhiều hay ít; thì cái biết đó chỉ bằng thức tâm phân biệt. Cái Biết theo lời Phật dạy là cái biết bằng trí, bằng trực giác, bằng tự tánh, không sanh tâm khởi niệm, biết rõ ràng sáu trần mà vẫn ở trong nội tâm bất động. Có cái Biết này tức lìa các huyễn, lìa huyễn liền là giác.
“Tất cả Bồ tát và chúng sanh đời mạt phải y nơi đây tu hành, như vậy mới có thể hằng lìa các huyễn”: Đức Phật kết luận, tất cả Bồ tát và chúng sanh đời mạt thuộc hàng Đốn giáo Đại thừa, nên y vào Diệu tâm Viên Giác mà tu hành, mới có thể lìa xa các huyễn.
“Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này mà nói kệ rằng:
Phổ Hiền, ông nên biết !
Tất cả các chúng sanh
Huyễn vô minh vô thủy
Đều từ tâm Viên Giác
Chư Như Lai kiến lập”.
Đây là phần trùng tuyên đoạn văn trước. Những cái vô minh huyễn hóa từ vô thủy đều được kiến lập từ tâm Viên Giác của Như Lai.
“Giống như hoa hư không
Nương không mà có tướng
Hoa trong không dù diệt
Hư không vẫn bất động
Huyễn từ các Giác sanh
Huyễn diệt, Giác viên mãn”.
Ví như hoa đốm trong hư không, từ hư không mà sinh ra. Không hoa tuy đã diệt nhưng hư không vẫn chẳng động. Biết các pháp là huyễn tức giác ngộ lý Như huyễn, nên nói huyễn từ các giác sanh. Giác ngộ lý Như huyễn thì tự nhiên huyễn diệt. Huyễn diệt rồi thì giác ngộ hoàn toàn.
“Giác tâm vốn bất động
Nếu các Bồ tát kia
Và chúng sanh đời mạt
Thường hay xa lìa huyễn,
Khi các huyễn đều lìa
Như trong cây sanh lửa
Cây hết, lửa lại tắt
Giác thì không thứ lớp
Phương tiện cũng như thế”.
Để kết thúc chương này, tôi xin nói về tinh thần Như huyễn để sáng tỏ vấn đề.
Trong kinh A Hàm, Đức Phật giảng về việc viễn ly các pháp một cách đơn giản: “Các ngươi nên biết, sắc thanh hương vị xúc pháp là ác ma, đừng gần với ác ma”. Ngài phân tích bốn trường hợp xa lìa của một hành giả: Trường hợp thứ nhất, vị Tỳ kheo thân xa lìa mà tâm không xa lìa; vị ấy tránh xa những nơi ồn ào náo nhiệt, những chỗ phồn hoa đô hội mà về ở một trú xứ xa vắng trong rừng núi, bên gò mả, dưới đất trống, đó là thân xa lìa; nhưng tâm vị ấy chưa vào trong thiền định, chưa dứt hết vọng tưởng, nên tâm không xa lìa. Trường hợp thứ hai, vị Tỳ kheo tâm xa lìa mà thân không xa lìa; vị ấy vẫn ở chỗ đông người nhưng tâm không chấp trước, tuy ở chỗ động mà được bất động. Trường hợp thứ ba, vị Tỳ kheo thân tâm đều không xa lìa; vị ấy thân ở nơi ồn náo, phiền toái cho việc tu hành; tâm cũng bị dính mắc vào các pháp. Trường hợp thứ tư, vị Tỳ kheo thân tâm đều xa lìa; thân vị ấy ở một trú xứ xa vắng, tránh được sự ồn náo của thế gian, có điều kiện tu tập; tâm vượt thoát mọi chấp trước ràng buộc đối với thế gian, lắng tâm vào định, rốt ráo giác ngộ và giải thoát.
Trong các kinh văn Đại thừa, Đức Phật nhấn mạnh về lý Duyên sinh, Như huyễn. Khi quán chiếu một cách sâu xa đến tận cùng, các pháp đều là duyên sinh giả hợp, tự tánh là Không, nên tất cả đều như huyễn. Đây là khí giới tuyệt hảo để phá mọi chấp trước của chúng sanh. Thật ra, lý Như huyễn ở đây không khác gì tinh thần viễn ly tột cùng trong kinh A Hàm, chẳng qua kinh Đại thừa đi sâu thêm về lý luận chi ly hơn mà thôi.
Liên hệ đến phương pháp Tri vọng do Hòa thượng Trúc Lâm chủ trương, chúng ta thử xem có khác gì trong kinh không, để củng cố lòng tin của chúng ta trên bước đường tu tập. Đường lối của Hòa thượng làBiết vọng không theo; nhưng phải buông vọng như thế nào?
Chúng ta thường có cái lầm khi nghĩ rằng “buông vọng” là có một cái vọng bị buông và có một cái hay buông. Chúng ta đem cái năng buông để buông cái sở buông; cuối cùng cái sở buông tuy hết nhưng vẫn còn hoài cái năng buông, tạo nên cảnh năng-sở không bao giờ hết được. Thật ra, buông vọng có hai cấp dộ: Cấp thứ nhất là dùng cái năng vọng buông cái sở vọng. Cấp thứ hai là nhận ra được tánh biết tự liễu vọng, đây là chỗ tế vi. Hòa thượng đã từ bi thi thiết phương tiện, thiền sinh chúng ta phải hiểu tất cả những niệm lăng xăng sanh diệt trong tâm mình chỉ là vọng, biết vọng liền buông. Nếu không có phương tiện đó thì chúng ta biết buông cái gì, biết tu làm sao? Trong tư thế tọa thiền, khi vọng nổi lên ta biết nó là vọng, không theo nó thì nó tự lặng, đó là dùng cái hay buông để buông cái bị buông. Khi vọng lặng, chúng ta đừng chấp vào cái lặng đó, vì vừa khởi niệm “ta đang yên” là rơi vào trạng thái phân tâm nữa. Chỉ dùng cái năng vọng buông cái sở vọng thì vọng tạm yên, nhờ tạm yên lần lần ta thâm nhập sâu hơn, mới biết được tự thể của năng vọng và sở vọng. Đây mới là điều cốt lõi.
Một ví dụ để minh họa điều này: Trong một lớp học, nếu học sinh nói chuyện quá ồn, thầy giáo phải gõ mạnh trên bảng để làm học sinh chú ý im lặng. Vì sao thầy phải dùng tiếng gõ bảng? - Vì học sinh quá ồn. Như vậy, thầy dùng một cái ồn (tiếng gõ) để dẹp một cái ồn khác (tiếng nói chuyện). Ở đây cũng thế, dùng cái vọng-biết-buông để dẹp cái vọng-bị-buông; khi vọng-bị-buông đã lặng thì vọng-biết-buông cũng phải buông luôn, như khi học sinh đã im thì thầy giáo cũng không gõ bảng nữa.
Nhiều trường hợp thiền sinh đến than thở, cứ buông vọng hoài mà sao vọng vẫn không hết, buông lớp này lại đến lớp khác, lừng lẫy mãi trong tâm. Đó là do tập khí quá sâu dày, do ý căn dính mắc với pháp trần quá nặng. Chúng ta biết, lúc tọa thiền thì năm căn đầu ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) đâu có tiếp xúc nhiều với năm trần, chỉ có căn thứ sáu (ý) là tự do duyên với pháp trần sanh vọng tưởng mà thôi. Nếu vọng khởi quá nhiều, chúng ta phải quán các pháp như huyễn để tâm an lại. Nói chung, trong pháp tu, chúng ta cần hiểu rõ đường lối dụng công để thực hiện và hướng dẫn người khác, mới khỏi hại cho mình và hại cho người. Mặt khác, chúng ta phải luôn luôn có tinh thần cầu thị, không bao giờ tự mãn trong tu học. Học để hoàn thiện, để củng cố đường lối tu; tu để làm sáng tỏ cái học. Giữa tu và học liên hệ với nhau rất mật thiết; nếu tu mà không học là tu càn, tu mù; nếu học mà không tu cũng chỉ là ôm một mớ lý thuyết rỗng, chúng ta thường gọi là Khẩu đầu thiền. Vì vậy, Hòa thượng Trúc Lâm luôn chủ trương Thiền-Giáo song hành trên bước đường hoằng pháp độ sanh của Ngài.
Trở lại lý Như huyễn trong chương Phổ Hiền này: Chúng ta nên biết, mọi hiện tượng trong thế gian chẳng qua chỉ là biểu tượng của vọng tâm mà thôi. Những hiện tượng đó sản sinh từ vọng tâm nên chúng là không, là huyễn; vì thế chúng không có tự thể. Mọi hiện tượng và tâm của ta tương ưng với nhau, vì tâm ta sinh diệt nên ta thấy các pháp cũng sinh diệt. Vì tâm ta thiên biến vạn hóa nên ta thấy các pháp thiên hình vạn trạng. Đó là lý do để nói “Duy thức sở biến, duy tâm sở hiện” - các pháp từ thức mà biến, từ tâm mà hiện chứ không phải tự có. Khi giơ cây viết lên, tôi thấy cây viết, vậy cây viết có phải là tâm tôi không? Khi đánh một tiếng chuông, tôi nghe tiếng, tiếng chuông đó có phải là tâm tôi không? Nếu không có tâm, tôi sẽ không thấy được cây viết hay nghe tiếng chuông. Nhưng nếu thấy nghe mà sanh tâm phân biệt đẹp xấu, hay dở rồi đưa đến ưa ghét... thì giữa cái-thấy-nghe và cái bị- thấy-nghe (giữa tâm và cảnh) sẽ phân hai. Còn nếu biết tất cả mà không sanh tâm, thì tâm cảnh lúc đó nhất như. Tất cả các pháp lúc đó đều ở trong Diệu tâm Viên Giác. Cái biết và cái bị biết đồng thời có mặt, đồng là Diệu tâm.
Nghiệp dụng của chúng sanh là luôn luôn phân ranh đây là cái biết, đây là cái bị biết, đây là Năng - đây là Sở; cứ lưỡng phân nhị biên như vậy nên quên mất chân tâm. Sự phân biệt chia chẻ các pháp đều do thức tạo ra, mọi hiện tượng sự vật đều là con đẻ của vọng tưởng. Nếu mê thì cho tất cả là thật, rồi tạo nghiệp và lăn lộn mãi trong ba cõi sáu đường. Còn khi đã giác, biết được tất cả là huyễn, thì lúc ấy không phải mọi sự vật hiện tượng đều biến mất, mà các pháp đều ở trong Như tánh, không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả. Kinh điển Đại thừa dùng hình ảnh Hoa sen ngàn cánh hoặc Tháp Đa bảo hiện giữa hư không để biểu trưng trạng thái này của tâm thức. Thân thất đại của chúng sanh (đất, nước, gió, lửa, không, kiến, thức) lúc này trở thành thất bảo; tất cả các pháp đều là những phẩm vật trang nghiêm. Khi Diệu-tâm-chơn-như phóng xuất, Phật-tánh của hữu tình và Pháp-tánh của vô tình đều ở trong trạng thái nhất như, đều là Diệu tâm, đều trong tự tánh bản hữu; cho nên nói “Tình dữ vô tình tề thành Phật đạo”.
Đề cập đến lý Như huyễn, chúng ta có thể hỏi: “Cái gì biết được lý Như huyễn?” - Chính là tâm của chúng ta. Khi tâm ta ở trong chánh định, ta biết được có một cái tâm biết huyễn và có cảnh huyễn, tâm cảnh ấy đều ở trong Như-tánh nên không hai, vì thế gọi là Như huyễn. Vì ở trong chánh định mới thấu được lý Như huyễn, nên nói là Như huyễn tam muội.
Trong chương này còn đề cập đến tinh thần lìa huyễn. Lìa huyễn ở đây thứ lớp, càng lúc càng sâu đến chỗ tận cùng, không còn cái gì có thể xa lìa được; lúc ấy mới là thật chứng và hành giả bước vào Thập địa. Nhưng lấy cái gì để lìa huyễn? - Cũng chính là tâm. Ở đây có thể lại bị lầm, vì ngôn ngữ thường không chuyên chở được thực tại: Nếu thấy có cái tâm để lìa cái huyễn, thì lại phân biệt tâm là cái-hay-lìa, còn huyễn là cái-bị-lìa; rốt cuộc cứ lẩn quẩn hoài trong huyễn. Vì vậy, Đức Phật dạy phải lớp lớp lìa huyễn, lìa đến tận cùng mới gọi là toàn triệt, mới nhận ra được tự tâm Viên Giác của chính mình.
Tóm lại, trong chương Văn Thù, Đức Phật nói về tự tâm Viên Giác mà mỗi chúng sanh phải thầm nhận; còn trong chương Phổ Hiền, Ngài dạy chúng sanh dùng Như huyễn Tam muội làm phương tiện thù thắng để giác ngộ tự tâm ấy.