- Chương Một: Vài nét phác họa tính cách của bà Blavatsky
- Chương Hai: Hành trình sang Ấn Độ
- Chương Ba: Một động phù thủy
- Chương Bốn: Biệt thự hoa hồng
- Chương Năm: Viếng động Karli
- Chương Sáu: Một chuyến đi lên miền Bắc
- Chương Bảy: Nữ tu sĩ Maji
- Chương Tám: Pháp môn Yoga
- Chương Chín: Viếng thăm Tích Lan
- Chương Mười: Một cuộc khủng hoảng nội bộ
- Chương Mười Một: Thị trấn Simla
- Chương Mười Hai: Vài mẩu chuyện bên lề
- Chương Mười Ba: Adjar
- Chương Mười Bốn: Cái giếng thần
- Chương Mười Lăm: Bí quyết của sự chữa bệnh
- Chương Mười Sáu: Chân sư K.H. tại Lahore
- Chương Mười Bảy: Damodar biệt tích
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
CHƯƠNG MỘT: VÀI NÉT PHÁC HỌA TÍNH CÁCH CỦA BÀ BLAVATSKY
I.
Trong quyển Hồi ký của H. S. Olcott đã miêu tả tính cách của bà Blavatsky ngoài xã hội. Bây giờ, chúng ta hãy nhận xét bà khi ở nhà. Nếp sinh hoạt hằng ngày của chúng tôi tại tư gia (mà tôi đặt cho tên gọi hài hước là “Lạt-ma Viện”) thường diễn ra như sau đây.
Chúng tôi ăn điểm tâm lúc tám giờ, dùng bữa chiều lúc sáu giờ, làm việc đến hai giờ sáng mới nghỉ, tùy theo việc làm của chúng tôi và những lúc gián đoạn công việc khi có khách đến viếng.
Bà Blavatsky dùng bữa trưa tại nhà, còn tôi thường ăn trưa ngoài phố, ở một nơi gần văn phòng Luật của tôi.
Khi chúng tôi mới gặp nhau, tôi là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Lotos, nhưng từ khi bắt tay vào việc soạn sách “Vén màn Isis” tôi đã chấm dứt hẳn mọi liên hệ với các hội hè đình đám và mọi hoạt động thế tục nói chung.
Sau bữa ăn điểm tâm, tôi đến văn phòng làm việc, còn bà Blavatsky ngồi vào bàn làm việc tại nhà. Đến bữa ăn chiều, chúng tôi hầu như bao giờ cũng có khách, hiếm khi không có; và dẫu cho những ngày không có khách đến dùng bữa, thường cũng có người đến chơi vào buổi tối.
Việc bếp núc của chúng tôi rất đơn giản. Chúng tôi không uống rượu và chỉ ăn uống sơ sài, đạm bạc. Chúng tôi thường có một người giúp việc nhà, hay nói đúng hơn là một chuỗi dài những người giúp việc luân phiên đến rồi đi, vì chúng tôi không giữ ai ở lâu.
Khi người giúp việc dọn dẹp bữa ăn chiều xong thì được về nhà nghỉ, và sau đó chúng tôi phải tự mình trả lời những tiếng gõ cửa. Tuy việc ấy không bận rộn bao nhiêu, nhưng điều nghiêm trọng hơn là phải cung ứng trà, sữa và đường cho một số đông quan khách thường đến chật nhà, có khi đến tận một giờ sáng.
Những dịp đó, bà Blavatsky nhân lúc cao hứng tự pha cho mình một chén trà, và với một cách điệu rộng rãi hào phóng, không màng nghĩ đến những khả năng cung ứng thực phẩm hiện có trong nhà, bèn tuyên bố: “Tất cả mọi người đều uống chơi một chén, quý vị nghĩ sao?”
Dẫu cho tôi ra dấu làm hiệu để can gián cũng vô ích, bà vẫn không chú ý. Thế là, sau nhiều cơn lục lạo đi tìm sữa và đường một cách vô hiệu ở vùng lân cận vào lúc nửa đêm, tôi bèn dán một tờ cáo tri lên vách về việc đó như sau:
MỜI UỐNG TRÀ
“Quý khách sẽ tìm thấy nước sôi và trà trong nhà bếp, có thể có cả sữa và đường. Xin hãy tự pha chế và tùy nghi sử dụng.”
Điều này có vẻ như phù hợp với bầu không khí tự do phóng khoáng ở tư gia chúng tôi, nên không ai nghĩ gì khác, và sau đó thật là một điều thú vị khi thấy những khách quen thản nhiên đứng dậy đi vào nhà bếp để tự pha lấy một chén trà nóng. Các bà mệnh phụ, các vị giáo sư, học giả, nghệ sĩ và ký giả nổi tiếng, tất cả đều vui vẻ trở thành những nhân viên tự động pha trà trong nhà bếp của chúng tôi.
Bà Blavatsky không hề có chút kiến thức sơ đẳng nào về vấn đề nội trợ. Có lần, muốn ăn trứng luộc, bà đã đặt những quả trứng sống trên lò than hồng! Đôi khi, người giúp việc xin phép nghỉ cuối tuần vào chiều thứ bảy và chúng tôi phải tự xoay xở lấy bữa ăn chiều. Những lần đó, có phải bà Blavatsky ra tay nấu nướng và dọn ăn không? Hẳn là không, mà chính là tôi, người bạn đồng nghiệp bất hạnh của bà! Còn bà thì ngồi viết và hút thuốc lá, hoặc bước vào nhà bếp nói những câu chuyện đùa để tiêu khiển.
Đôi khi, có những vị nữ khách đến nhà trong những dịp đó, liền giúp tôi một tay, chẳng hạn như tuần vừa rồi có nữ bá tước L. P. đến đúng lúc và làm giúp tôi món xà lách ngon tuyệt trần.
Hồi đó, bà Blavatsky luôn luôn có một tính cách trẻ trung, vui nhộn. Tôi không thể diễn tả tâm trạng vui tươi phấn khởi của bà hồi đó bằng cách nào khác hơn là trích dẫn một đoạn văn phóng sự đăng trên nhật báo Hartford nói về bà. Phóng viên báo ấy viết như sau:
“... Blavatsky phu nhân cười! Khi tôi viết về cái cười của bà Blavatsky, tôi cảm thấy dường như tôi muốn nói rằng bà là hiện thân của thần hài hước ngay trong phòng khách! Vì trong tất cả những chuỗi cười dài trong sáng, vui tươi, giòn giã mà tôi đã từng nghe trong đời, thì chuỗi cười của bà thật là độc đáo, điển hình.
“Thật vậy, bà dường như là tiêu biểu cho tinh thần hài hước mà bà biểu lộ thường xuyên bất cứ lúc nào. Điều đó chứng tỏ nơi bà một nguồn sinh khí dồi dào bất tận.”
Đó là cái sắc thái sinh hoạt nơi tư gia chúng tôi; cùng với tính vui vẻ hồn nhiên, ngôn ngữ hoạt bát linh động, tình thân hữu đậm đà của bà Blavatsky đối với những người bà ưa thích hoặc muốn cho họ quí mến bà, những đề tài trao đổi lạ lùng kỳ bí và bộ môn hấp dẫn nhất đối với số đông các quan khách là những phép thuật vô cùng kỳ bí của bà, làm cho “Lạt-ma Viện” của chúng tôi trở thành phòng khách sáng giá nhất của thành phố New York vào thời đó, tức là những năm đầu tiên vừa thành lập Hội Thông thiên học Thế giới.
Trong quyển Hồi ký của H. S. Olcott đã miêu tả tính cách của bà Blavatsky ngoài xã hội. Bây giờ, chúng ta hãy nhận xét bà khi ở nhà. Nếp sinh hoạt hằng ngày của chúng tôi tại tư gia (mà tôi đặt cho tên gọi hài hước là “Lạt-ma Viện”) thường diễn ra như sau đây.
Chúng tôi ăn điểm tâm lúc tám giờ, dùng bữa chiều lúc sáu giờ, làm việc đến hai giờ sáng mới nghỉ, tùy theo việc làm của chúng tôi và những lúc gián đoạn công việc khi có khách đến viếng.
Bà Blavatsky dùng bữa trưa tại nhà, còn tôi thường ăn trưa ngoài phố, ở một nơi gần văn phòng Luật của tôi.
Khi chúng tôi mới gặp nhau, tôi là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Lotos, nhưng từ khi bắt tay vào việc soạn sách “Vén màn Isis” tôi đã chấm dứt hẳn mọi liên hệ với các hội hè đình đám và mọi hoạt động thế tục nói chung.
Sau bữa ăn điểm tâm, tôi đến văn phòng làm việc, còn bà Blavatsky ngồi vào bàn làm việc tại nhà. Đến bữa ăn chiều, chúng tôi hầu như bao giờ cũng có khách, hiếm khi không có; và dẫu cho những ngày không có khách đến dùng bữa, thường cũng có người đến chơi vào buổi tối.
Việc bếp núc của chúng tôi rất đơn giản. Chúng tôi không uống rượu và chỉ ăn uống sơ sài, đạm bạc. Chúng tôi thường có một người giúp việc nhà, hay nói đúng hơn là một chuỗi dài những người giúp việc luân phiên đến rồi đi, vì chúng tôi không giữ ai ở lâu.
Khi người giúp việc dọn dẹp bữa ăn chiều xong thì được về nhà nghỉ, và sau đó chúng tôi phải tự mình trả lời những tiếng gõ cửa. Tuy việc ấy không bận rộn bao nhiêu, nhưng điều nghiêm trọng hơn là phải cung ứng trà, sữa và đường cho một số đông quan khách thường đến chật nhà, có khi đến tận một giờ sáng.
Những dịp đó, bà Blavatsky nhân lúc cao hứng tự pha cho mình một chén trà, và với một cách điệu rộng rãi hào phóng, không màng nghĩ đến những khả năng cung ứng thực phẩm hiện có trong nhà, bèn tuyên bố: “Tất cả mọi người đều uống chơi một chén, quý vị nghĩ sao?”
Dẫu cho tôi ra dấu làm hiệu để can gián cũng vô ích, bà vẫn không chú ý. Thế là, sau nhiều cơn lục lạo đi tìm sữa và đường một cách vô hiệu ở vùng lân cận vào lúc nửa đêm, tôi bèn dán một tờ cáo tri lên vách về việc đó như sau:
MỜI UỐNG TRÀ
“Quý khách sẽ tìm thấy nước sôi và trà trong nhà bếp, có thể có cả sữa và đường. Xin hãy tự pha chế và tùy nghi sử dụng.”
Điều này có vẻ như phù hợp với bầu không khí tự do phóng khoáng ở tư gia chúng tôi, nên không ai nghĩ gì khác, và sau đó thật là một điều thú vị khi thấy những khách quen thản nhiên đứng dậy đi vào nhà bếp để tự pha lấy một chén trà nóng. Các bà mệnh phụ, các vị giáo sư, học giả, nghệ sĩ và ký giả nổi tiếng, tất cả đều vui vẻ trở thành những nhân viên tự động pha trà trong nhà bếp của chúng tôi.
Bà Blavatsky không hề có chút kiến thức sơ đẳng nào về vấn đề nội trợ. Có lần, muốn ăn trứng luộc, bà đã đặt những quả trứng sống trên lò than hồng! Đôi khi, người giúp việc xin phép nghỉ cuối tuần vào chiều thứ bảy và chúng tôi phải tự xoay xở lấy bữa ăn chiều. Những lần đó, có phải bà Blavatsky ra tay nấu nướng và dọn ăn không? Hẳn là không, mà chính là tôi, người bạn đồng nghiệp bất hạnh của bà! Còn bà thì ngồi viết và hút thuốc lá, hoặc bước vào nhà bếp nói những câu chuyện đùa để tiêu khiển.
Đôi khi, có những vị nữ khách đến nhà trong những dịp đó, liền giúp tôi một tay, chẳng hạn như tuần vừa rồi có nữ bá tước L. P. đến đúng lúc và làm giúp tôi món xà lách ngon tuyệt trần.
Hồi đó, bà Blavatsky luôn luôn có một tính cách trẻ trung, vui nhộn. Tôi không thể diễn tả tâm trạng vui tươi phấn khởi của bà hồi đó bằng cách nào khác hơn là trích dẫn một đoạn văn phóng sự đăng trên nhật báo Hartford nói về bà. Phóng viên báo ấy viết như sau:
“... Blavatsky phu nhân cười! Khi tôi viết về cái cười của bà Blavatsky, tôi cảm thấy dường như tôi muốn nói rằng bà là hiện thân của thần hài hước ngay trong phòng khách! Vì trong tất cả những chuỗi cười dài trong sáng, vui tươi, giòn giã mà tôi đã từng nghe trong đời, thì chuỗi cười của bà thật là độc đáo, điển hình.
“Thật vậy, bà dường như là tiêu biểu cho tinh thần hài hước mà bà biểu lộ thường xuyên bất cứ lúc nào. Điều đó chứng tỏ nơi bà một nguồn sinh khí dồi dào bất tận.”
Đó là cái sắc thái sinh hoạt nơi tư gia chúng tôi; cùng với tính vui vẻ hồn nhiên, ngôn ngữ hoạt bát linh động, tình thân hữu đậm đà của bà Blavatsky đối với những người bà ưa thích hoặc muốn cho họ quí mến bà, những đề tài trao đổi lạ lùng kỳ bí và bộ môn hấp dẫn nhất đối với số đông các quan khách là những phép thuật vô cùng kỳ bí của bà, làm cho “Lạt-ma Viện” của chúng tôi trở thành phòng khách sáng giá nhất của thành phố New York vào thời đó, tức là những năm đầu tiên vừa thành lập Hội Thông thiên học Thế giới.