Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương X: Cuộc sống ở tu viện

10/03/201111:37(Xem: 7537)
Chương X: Cuộc sống ở tu viện

CÁC BẬC CHÂN SƯ YOGI ẤN ĐỘ
Tác giả:Yogananda -Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG X: CUỘC SỐNG Ở TU VIỆN

Thầy Śrỵ Yukteswar ngồi trên một tấm thảm trải dưới sàn phòng khách. Khi tôi được đưa đến gặp thầy, khuôn mặt thầy rất thản nhiên không biểu lộ cảm xúc gì. Tôi cúi chào, lễ bái thầy theo nghi thức thầy trò, rồi kính cẩn thưa:

– Bạch thầy, con đến để xin được làm đệ tử thầy.

– Hoặc là ta không xứng đáng, hoặc là con không xứng đáng, vì con đã cãi lời ta. Nếu một người có đủ trí sáng suốt để cãi lời ai đó, thì người kia không xứng đáng để làm thầy. Còn nếu như không đủ sáng suốt mà dám cãi lời thầy, thì người như thế chưa đủ tư cách làm đệ tử.

– Bạch thầy, con đã sai. Đây là lần đầu tiên con học được điều đó nơi thầy. Từ nay con sẽ không bao giờ như thế nữa. Con sẽ tuyệt đối vâng theo lời dạy của thầy.

– Như vậy thì được. Từ nay ta sẽ chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc đời của con.

– Và con cũng xin đặt tương lai con hoàn toàn trong tay người.

Buổi lễ nhập môn đã có thể tiến hành. Thầy Yukteswar xác định lại lời tôi đã hứa một cách rất thiết thực:

– Việc trước tiên ta muốn con làm là hãy trở về với gia đình ở Calcutta. Con phải vào trường để tiếp tục học lên cho xong đại học.

Tôi nhận lời không ngần ngại:

– Bạch thầy, con xin nghe theo lời dạy của thầy.

Nhưng tự trong lòng tôi dấy lên một mối hoài nghi, chán nản. Những kiến thức mà tôi không chút đam mê kia sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời này sao? Vì sao cha tôi muốn như vậy, rồi giờ đây thầy tôi cũng vậy?

Nhưng thầy tôi đọc thấu mọi suy nghĩ ấy. Ông ôn tồn giải thích để làm tan đi mối nghi trong lòng tôi:

– Ngày sau, sứ mệnh của con là truyền bá chánh pháp sang phương Tây. Sứ mệnh ấy sẽ được thực hiện một cách tốt đẹp và dễ dàng hơn nhiều nếu như con đã có được một mảnh bằng đại học. Vì thế, thầy hy vọng là ngày nay con không nên dễ dãi với chính mình.

– Bạch thầy, thầy có thể nhìn xa hiểu rộng hơn con. Con không có lý do gì để không vâng theo lời thầy.

Và quả thật là lòng tôi không còn phân vân gì. Hơn nữa, lúc này tôi thật tâm muốn làm vui lòng thầy. Kể từ đây, xem như nguyện vọng lớn nhất đời của tôi đã được thực hiện. Tôi đã tìm được một nơi nương tựa tinh thần vững chắc, một ngọn đèn sáng dẫn dắt tôi trong đêm tối trần gian. Tôi nghĩ là mẹ tôi cũng rất vui khi biết rằng những lời dự báo về tương lai của tôi, mà bà đã được nghe từ thuở mới lọt lòng, giờ đây đang dần dần trở thành hiện thực.

Thầy tôi đứng dậy, vẫy tay bảo tôi đi theo người. Ông muốn đưa tôi đi thăm qua toàn cảnh tu viện, nơi tôi sẽ gắn bó cuộc đời mình kể từ đây.

Ngay khi ấy, tôi chợt nhìn thấy trên bức vách phía trong, được treo ở một vị trí trang trọng trong một khung gỗ chạm trổ tinh vi đẹp đẽ là một bức chân dung vô cùng quen thuộc và tôn kính đối với tôi, thầy Lahiri Mahsaya ở Bénarès. Tôi buột miệng gọi tên thầy:

– Thầy Lahiri Mahsaya.

– Đúng vậy, ngài là sư phụ của ta. Bậc tôn sư cao cả nhất mà ta đã từng được biết.

Tôi từ từ đến trước bức chân dung và thành kính chiêm ngưỡng một lúc lâu. Tôi nhớ lại sự che chở mà ngài đã dành cho tôi trong suốt thời gian qua, và giờ đây, ân huệ lớn nhất mà ngài tiếp tục ban phát cho tôi là đã đưa tôi đến với một trong những đệ tử cao quý của ngài.

Như vậy, sư phụ tôi cũng là bạn đồng sư với cha tôi. Sau này tôi mới biết hai người đều hiểu nhau sâu sắc. Vậy mà phải chờ đến khi trải qua bao nhiêu là cố gắng tôi mới có thể tự mình tìm được đến dưới chân người. Chuyện nhân duyên đưa đẩy quả là việc không thể nào đoán trước được đối với những kẻ còn trong vòng phàm tục.

Sư phụ đưa tôi đi một vòng quanh tu viện. Đó là một tòa kiến trúc hai tầng theo lối cổ trông rất chắc chắn. Bao quanh là những khoảng sân rộng với cây rợp bóng mát. Có lẽ được xây dựng đã từ khá lâu nên những bức vách đều đã phủ rêu xanh bên ngoài. Xa về phía sau là vườn cây ăn trái khá rộng, trồng nhiều loại cây và có cả các loài hoa quý nữa. Trên tầng trên có lan can vây quanh ba phía, cho thấy có một khoảng sân thượng bên trên để từ đó người ta dạo chơi và nhìn ra chung quanh.

Giảng đường là một căn phòng rộng nằm ở tầng dưới. Từ đó, có cầu thang dẫn lên phòng khách của sư phụ ở tầng trên, có sân thượng nhìn ra hướng con đường lớn.

Vật dụng trong nhà như bàn ghế, giường tủ... khá đầy đủ, tiện nghi. Hầu như tất cả đều được làm bằng gỗ quý, trông giản dị nhưng chắc chắn và sạch bóng.

Buổi cơm chiều khá đơn giản, với đậu xào và một ít rau luộc. Tôi được biết có hai đệ tử được giao cho việc chợ búa, bếp núc và các công việc nội bộ linh tinh khác của tu viện.

Sau bữa ăn, chúng tôi cùng ra ngồi hóng mát trên sân thượng, trên một tấm chiếu trải gần ngoài lan can. Tôi thưa với sư phụ:

– Bạch thầy, xin thầy kể cho con nghe qua về cuộc đời thầy.

Sư phụ cười thật thoải mái:

– Cuộc đời ta chẳng có gì để lưu tâm, vì nó sẽ chẳng có điểm nào để con phải ghi vào sử sách. Tất cả đều giản dị, bình thường, không khác mấy với bao nhiêu người mà con đã gặp. Tên ta lúc trước là Priya Nath Karar. Ta sinh ra cũng tại Serampore này. Cha ta là một nhà buôn lớn và rất thành công. Ông để lại cho ta một di sản đồ sộ. Mặc dù ta không quan tâm nhiều đến của cải, nhưng chính tu viện này cũng là cơ ngơi người đã gầy dựng và để lại cho ta, nên ta khỏi phải nhờ đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai khác. Cũng như con, ta vốn không thích sự học tập ở nhà trường, vì ta cho rằng những kiến thức ở đó rất nông cạn. Khi lớn lên, ta đã lập gia đình và có một con gái, hiện nay đã có gia đình. Khi đã luống tuổi ta mới được gặp thầy Lahiri Mahsaya ở Bénarès và theo học với người. Nhưng phải đến khi vợ ta qua đời, ta mới chính thức xuất gia, lấy pháp danh là Śrỵ Yukteswar. Thế đó, chuyện về đời ta chỉ đơn giản có thế thôi!

Tôi chăm chú lắng nghe, và biết thầy chỉ mới nói qua về những sự kiện bình thường. Điều quan trọng hơn trong cuộc đời của một vị tôn sư là những kinh nghiệm tâm linh và quá trình rèn luyện, những điều ấy hoàn toàn chưa được người nhắc đến.

Nhưng người đã im lặng. Và tôi cũng im lặng ngồi bên cạnh người, không hỏi gì thêm nữa. Chúng tôi cùng ngồi ngắm những vì sao sáng rực trong đêm trong trẻo của vùng nhiệt đới. Như hai người bạn tri kỷ đã lâu lắm chưa từng có dịp gặp nhau, chỉ cần được ở bên nhau trong im lặng cũng đã cảm thấy những mối giao tình xưa bừng lên mãnh liệt trong lòng, tôi và thầy tôi đã lặng lẽ ở bên nhau như thế cho đến tận nửa đêm.

Đêm hôm đó là một đêm êm đềm và hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi kể từ khi mất mẹ, mặc dù tôi thực sự không chợp mắt chút nào. Sau khi gặp sư phụ, tôi đã tìm lại được cảm giác yên ổn, được che chở, giống như những ngày ấu thơ quấn quít bên mẹ tôi.

° ° °

Sáng hôm sau, thầy tổ chức lễ nhập môn để chính thức thu nhận tôi làm đệ tử và truyền thụ phép tọa thiền cho tôi. Trước kia, tôi đã từng được học môn này từ mẹ tôi, và sau đó còn có sự hướng dẫn của rất nhiều người, như cha tôi và một số đệ tử khác của thầy Lahiri Mahsaya. Giờ đây, sư phụ chỉ cần trắc nghiệm lại những kiến thức và kinh nghiệm của tôi, đồng thời giải đáp những điểm còn nghi ngờ. Điều khác biệt lớn nhất khi tôi thọ giáo với sư phụ lần này so với những lần khác là lòng tin tưởng tuyệt đối. Tôi đặt hết niềm tin vào thầy, và cũng tự tin nhiều hơn so với trước kia. Và với tâm trạng ấy, những kiến thức đã học cũng như những điều thầy mới truyền dạy dường như đều tự chúng tỏa sáng trong tôi một cách rõ ràng, minh bạch. Tôi tiếp thu rất nhanh và đạt được những kinh nghiệm tâm linh mà những bạn đồng tu của tôi không sao bắt kịp.

Nhưng sư phụ tôi không cho phép tôi ở lại lâu bên người. Người nhắc lại lời đã nói, và bảo tôi trở về nhà ở Calcutta để tiếp tục theo đuổi việc học. Bây giờ thì tôi vui vẻ thực hiện điều đó như một phần trong nỗ lực tu tập của mình mà không tránh né nữa.

Khi đưa tôi ra cổng tu viện, thầy nói với tôi:

– Con sẽ trở lại đây trong ba mươi ngày nữa.

Và tôi hân hoan trở về nhà. Không giống như những lần trốn đi lên Hy Mã Lạp Sơn thất bại phải quay về, lần này tôi đã tìm được con đường sáng để noi theo mà không cần phải lên tận đỉnh núi cao ngàn đời tuyết phủ kia.

Cả gia đình đều hết sức vui mừng trước sự trở về của tôi. Nhất là cha tôi càng vui sướng hơn khi biết tôi quyết định sẽ tiếp tục theo đuổi việc học lên đại học. Ông nói với tôi vào một buổi chiều khi chúng tôi cùng ngồi chơi ngoài sân sau bữa cơm:

– Mukunda, cha rất lấy làm sung sướng và hãnh diện về con. Con đã gặp được sư phụ trong một hoàn cảnh nhiệm mầu kỳ diệu cũng giống như cha ngày trước. Và cha rất vui khi thấy rõ là thầy Lahiri Mahsaya vẫn che chở cho cả gia đình ta trong từng giây từng phút. Ta đã hết lòng cầu nguyện và giờ đây mong ước của ta được đáp ứng. Con không cần phải bỏ ta ra đi để tìm thầy học đạo. Sư phụ con sẽ đáp ứng cho con mọi sự hướng dẫn cần thiết trên đường tu tập mà không cần phải lên tận đỉnh Hy Mã Lạp Sơn xa xôi kia nữa.

Qua hôm sau, cha tôi đã lo xong mọi thủ tục và tôi ghi tên vào học trường Đại học Calcutta.

Đường từ Calcutta đến Serampore không xa lắm, nên mặc dù theo đuổi việc học, tôi vẫn thường xuyên đến ở tu viện nhiều hơn thời gian ở nhà. Cả cha tôi và thầy tôi đều không ngăn cản điều đó. Các vị có vẻ như để cho tôi được tự do chọn lựa trong việc này. Và mặc dù không ham thích việc học, tôi cũng cố gắng hoàn thành mỗi môn học không dưới mức trung bình.

Những ngày ở lại tu viện là những ngày êm ả nhất đối với tôi. Tôi học theo nếp sống giản dị và điều độ của thầy, và điều đó đã tạo thành những nề nếp tốt đẹp giúp cho tôi có đủ sức chịu đựng trong cuộc sống bôn ba vất vả về sau này.

Sư phụ tôi luôn luôn dậy sớm, trước lúc bình minh. Thầy ngồi tĩnh tọa ngay trên giường cho đến khi ánh sáng ban mai bắt đầu hiện rõ.

Sau đó, thầy trò tôi cùng đi bách bộ một vòng ra bờ sông Hằng, con sông thiêng liêng tự ngàn đời của xứ Ấn. Khi mặt trời bắt đầu lố dạng, những tia nắng đầu tiên làm ấm lên mặt sông còn đang phủ sương mờ, tôi cảm thấy tâm hồn mình như trải rộng ra đến tận những cõi xa mờ không bờ bến.

Trong những lần đi bên nhau như thế, chúng tôi thường trao đổi về một vài đề tài mà tôi đang nghiền ngẫm. Sư phụ luôn đưa ra cho tôi những chỉ dẫn sáng suốt và thích hợp. Nhiều lần, người làm tôi kinh ngạc cả về những kiến thức đối với các môn học ở trường đại học của tôi. Tôi vẫn tưởng người đã nói là không thích việc học tập ở trường và sẽ không có được bao nhiêu kiến thức về những lãnh vực ấy. Khi tôi nói thật với thầy về suy nghĩ này, người mỉm cười nói:

– Không thích không có nghĩa là không biết. Đôi khi người ta vẫn phải học biết những điều mình không thích, chỉ để có thể làm tốt hơn những điều mình thích. Hơn nữa, ta đã nói rằng những kiến thức ấy là nông cạn. Con có thể nào không hiểu được những điều nông cạn và lại giỏi về những điều sâu sắc hay sao?

Cách giải thích của sư phụ làm cho tôi chợt hiểu ra sự nông cạn của chính mình. Từ đó, tôi không bao giờ lơ là trong việc học tập ở trường đại học nữa.

Chúng tôi ăn điểm tâm qua loa sau khi đi dạo về. Và những công việc chấp tác trong tu viện được phân công cho từng người rất rõ ràng, hợp lý. Sư phụ giao công việc và trách nhiệm cho từng huynh đệ, nên chẳng mấy khi sư phụ phải để tâm đến, trừ ra có những trường hợp đặc biệt cần phải có ý kiến của người.

Cơm ở tu viện bao giờ cũng là cơm chay, ngay cả không được dùng đến món trứng. Bữa cơm trưa tuy có phần thịnh soạn hơn bữa sáng, nhưng vẫn rất đơn giản, không cầu kỳ. Thường là các món rau đậu và ngũ cốc chế biến. Sư phụ rất quan tâm đến việc ăn uống của các đệ tử, người chỉ dạy những phương thức ăn uống sao cho vừa giản dị vừa phải đảm bảo có đầy đủ dinh dưỡng, và không chạy theo sự ngon miệng.

Vào buổi chiều thường có nhiều người đến viếng thăm tu viện. Nhìn sư phụ tiếp khách mới thấy rõ được sự bình dị và lịch thiệp của người. Không bao giờ sư phụ tỏ ra vẻ mình là người hiểu biết hoặc cao thượng hơn người khác. Ngược lại, với những kẻ ỷ vào quyền thế hoặc địa vị xã hội, người vẫn đối xử với họ một cách bình thường không hề tỏ ra trọng vọng hoặc sợ sệt.

Trong việc luận bàn đạo lý, sư phụ luôn luôn biết chú ý lắng nghe người khác, nhưng không bao giờ để cho định kiến về một người chi phối đến khả năng phán đoán của mình. Có lần, sư phụ bảo tôi: “Chân lý có thể được nói ra từ miệng một đứa bé, và khi ấy vẫn cần phải nghe theo. Nhưng một học giả uyên bác cũng có khi chỉ nói ra những điều tự phụ kiêu căng và xa rời chân lý.”

Buổi cơm chiều rất thường khi có khách cùng ăn. Đôi khi, có những vị khách đến bất ngờ không báo trước, nhưng sư phụ bao giờ cũng khéo léo trong việc tiếp đãi. Trong sinh hoạt của tu viện, sư phụ chủ trương tiết kiệm nhưng không hà tiện. Người dạy: “Vật chất của cải là những thứ hư dối tạm bợ. Nó không xứng đáng để chúng ta tham tiếc, gìn giữ. Nhưng nếu kẻ nào tiêu pha một cách phung phí, kẻ ấy đã xúc phạm và tỏ ra không hề có sự cảm thông chia sẻ với những đồng loại của mình còn đang đói khổ.”

Những buổi giảng của sư phụ thực sự thu hút hoàn toàn tâm trí của chúng tôi, vì người nói bằng kinh nghiệm tâm linh thực sự của mình chứ không phải chỉ đọc lên từ kinh điển. Hơn thế nữa, mỗi khi trình bày một vấn đề, sư phụ luôn đọc được suy nghĩ, nhận thức của chúng tôi về vấn đề ấy, nên người có thể chọn những cách diễn đạt hoàn toàn thích hợp để chúng tôi tiếp thu một cách dễ dàng.

Sư phụ cũng không cố chấp vào giờ giấc sinh hoạt của bản thân mình như một số vị tôn sư vẫn thường làm. Mặc dù người luôn tuân thủ sự điều độ và đúng giờ, nhưng mỗi khi có người cần trao đổi học hỏi nơi sư phụ vào những giờ mà ngài sắp sửa tọa thiền, ngài luôn thản nhiên bỏ qua và vui vẻ tiếp tục cuộc nói chuyện. Đối với sư phụ, việc dẫn dắt những người học đạo cũng quan trọng không kém công phu tu tập của chính bản thân mình. Ngài dạy: “Nếu vì có lợi cho việc tu tập của mình mà khước từ một tâm hồn non nớt vừa tìm đến, thì người ấy chưa thật sự hiểu được ý nghĩa của giải thoát.”

Một buổi chiều, tôi đang ngồi chơi bên cạnh sư phụ thì có một con muỗi từ đâu vo ve bay đến, đậu lên đùi tôi. Tôi đưa tay lên định đập xuống, nhưng rồi nghĩ đến giới sát sanh và liền chuyển sang hất nhẹ, đuổi nó đi. Thầy hỏi tôi:

– Sao con không giết nó?

– Bạch thầy, con nghĩ là không nên sát hại sinh vật.

– Nhưng con đã phạm giới trong tư tưởng của con rồi.

Và thầy nói tiếp:

– Người ta phải dứt trừ ngay cả đến những ý định giết chóc.

Nhân dịp này, trong trí tôi liền nảy ra một vấn đề mà từ lâu tôi vẫn băn khoăn chưa hiểu rõ:

– Bạch thầy, như vậy ta có nên hy sinh mạng sống của mình để tránh khỏi phải giết chết một con thú dữ hay chăng?

– Không.

Sư phụ trả lời dứt khoát, và tôi hết sức kinh ngạc vì thầy đã nói khác với nhiều vị tôn sư khác khi được tôi hỏi về điều này. Sư phụ ôn tồn giải thích:

– Trong trường hợp đó, con đã phạm giới vì giết hại chính mình. Và mạng người là rất quan trọng. Trong vòng luân hồi, việc có được thân người cũng là rất khó, vì chỉ có thân người mới giúp ta dễ dàng tu chứng và giác ngộ. Trong trường hợp bắt buộc phải lựa chọn thì giết một con người là phạm tội nặng nề hơn nhiều so với giết một con vật. Nhưng đó không phải là giải pháp tốt đẹp nhất.

Tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác:

– Bạch thầy, như vậy phải làm sao với con thú dữ ấy?

– Hãy khuất phục nó. Nếu có lòng từ bi, người ta sẽ khuất phục được thú dữ.

Lời dạy ấy về sau được minh chứng qua một câu chuyện tôi được nghe từ sư huynh Prafulla, người đã tận mắt chứng kiến và kể lại.

Lần ấy, sư phụ đang đến thăm một tu viện khác của người ở Puri. Khu vực này tọa lạc gần bờ biển vịnh Bengal, với khung cảnh thơ mộng và xanh tươi vì có rất nhiều cây cối. Vào buổi chiều, sư huynh Prafulla vừa từ trong tòa nhà chính bước ra thì kinh hoàng khi nhìn thấy một con rắn hổ mang thật lớn đang ngóc cao đầu lừ lừ tiến về phía sư phụ, đang đứng bên một khóm hoa cách đó chừng ba mét. Sư huynh vừa định kêu to lên để báo động, thì vừa kịp nhận ra là sư phụ đã thấy con rắn vì người đang ngẩng đầu lên và quay về phía nó. Con rắn vẫn chậm chạp bò đến. Sư phụ không tỏ vẻ gì là hốt hoảng hoặc sợ hãi. Người vẫn thản nhiên đứng đó và nhìn nó bằng ánh mắt sáng với vẻ hiền hòa. Ánh mắt ấy như nói với con rắn độc rằng người sẽ chẳng bao giờ làm hại nó.

Chỉ còn cách chừng nửa mét, con rắn bỗng nhiên từ từ hạ thấp đầu xuống, trườn nhanh đến sát chân người, cạ đầu vào mấy cái rồi phóng nhanh mất dạng vào vườn cây!

° ° °

Một buổi trưa, sư phụ bỗng nhìn tôi chăm chú và nói:

– Mukunda, con gầy quá.

Sự quan tâm của thầy làm tôi xúc động. Tôi quả thật đã dùng rất nhiều loại thuốc bổ và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, nhưng chứng đau bao tử kinh niên đã tác động như một thứ rò rỉ từ nội tạng, và tôi chưa bao giờ có thể lên cân hoặc cảm thấy thực sự khỏe mạnh. Tôi nói rõ với thầy về điều đó.

Sư phụ bảo tôi:

– Thuốc men cũng là một nhân tố tốt. Nhưng nếu đó là một căn bệnh xuất phát từ nghiệp quả thì thuốc men không phải là phương thức chữa trị hữu hiệu. Những gì thuộc về tinh thần phải được giải quyết bằng tinh thần.

Dừng lại một chút, sư phụ nói tiếp:

– Sứ mệnh của con trong tương lai đòi hỏi phải có một sức khỏe thật tốt và thân thể cường tráng. Vì vậy, con cần phải khỏi bệnh.

Sư phụ nói những lời ấy bằng giọng rõ ràng và dứt khoát như một mệnh lệnh. Và trong thoáng chốc tôi chợt nhớ đến câu chuyện của người tu sĩ đã từng đánh cọp. Tôi nhớ lại kết luận về “tinh thần làm chủ thể xác” của ông ta, và tự dưng thấy trong lòng dâng tràn một niềm tin mãnh liệt. Tôi biết là sư phụ không nói ra những lời ấy như một sự an ủi tinh thần cho thể xác bệnh hoạn của tôi. Chắc chắn người đã hiểu và biết là tôi có thể vượt qua bằng đức tin của mình.

Hai tuần lễ sau đó tôi nhận thấy rõ mình bắt đầu lên cân. Những cơn đau giảm dần và mất hẳn. Tôi ăn uống ngon miệng với bất cứ món ăn gì và sức khỏe nhanh chóng thay đổi ngày càng khá hơn. Chỉ ba tháng sau, thân thể tôi hầu như đã thay đổi hoàn toàn, trở thành một thanh niên lực lưỡng khỏe mạnh. Bất chợt tôi nhớ lại có lần tôi đã hỏi vị tu sĩ từng đánh cọp về việc mình “có thể đánh cọp được không?” Quả thật, với sức khỏe ngày nay, nếu muốn thì chắc hẳn tôi đã có thể rèn luyện cho việc đánh cọp được rồi!

Về sau, tôi còn biết được thêm rất nhiều trường hợp kỳ diệu mà sư phụ tôi dùng đức tin để chữa khỏi nhiều bệnh tật cho mọi người. Nhưng người không bao giờ làm việc này một cách bừa bãi. Dường như ngài hiểu rõ nhân duyên và nghiệp quả của mỗi người, và chỉ dùng đức tin để tác động trong những trường hợp mà ngài biết chắc là đúng đắn và mang lại hiệu quả.

Sư phụ tôi còn thông hiểu cả Kinh Thánh của đạo Thiên chúa. Ngài trích dẫn những câu mà ngài cho là phù hợp với giáo lý đạo Phật, và giảng giải một cách sâu sắc những câu chuyện kể trong đó.

Sự gần gũi sư phụ đã mang lại cho tôi niềm tin mạnh mẽ và kiến thức ngày càng mở rộng. Để củng cố niềm tin cho các đệ tử mới nhập đạo, người thường khuyên họ phải dẹp bỏ sự mặc cảm về quá khứ không tốt của mình và tập trung hoàn toàn nỗ lực vào công phu tu tập trong hiện tại để đạt được một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy vậy, người chưa từng rầy la hoặc trách mắng những người chậm tiến. Thay vì vậy, người truyền dạy những kinh nghiệm thực tế mà bản thân mình đã từng trải qua, cũng như vỗ về, an ủi trong những lúc họ gặp khó khăn, chán nản.

Đôi khi tôi cảm thấy chỉ riêng một việc được ở bên sư phụ thôi đã có giá trị làm nâng cao mọi giá trị tinh thần mà tôi hiện có, cũng như thúc đẩy việc chứng nghiệm những trạng thái tâm linh cao siêu và mới mẻ hơn trước đây.

Nói tóm lại, cuộc sống bản thân người đã có thể xem là một bài giảng pháp tuyệt vời mà chúng tôi có thể lắng nghe mãi mãi, cho dù người không dùng đến ngôn ngữ thế gian để diễn giải.

Cung cách mà người đối xử với học trò cũng vô cùng đặc biệt. Người có nhiều đệ tử trẻ tuổi mà người thừa biết là tính khí còn đầy dẫy những sự bốc đồng. Trong những giờ giảng pháp hoặc tọa thiền, người luôn buộc tất cả phải giữ sự nghiêm trang, thành kính và tập trung chú ý. Nhưng trong sinh hoạt thường ngày, người luôn cho phép những trận cười thoải mái hoặc sự trao đổi thân tình. Những lúc ấy, chúng tôi có cảm tưởng người là một người bạn thân thiết chứ không phải một vị tôn sư nghiêm khắc.

Trong tu viện cũng có một số đệ tử thuộc nữ giới. Không giống như một vài vị tôn sư khác, luôn cảnh giác học trò mình trước nữ sắc và thậm chí xem đó như một nguyên nhân tiềm ẩn sẵn sàng làm hại đời sống xuất gia, sư phụ không biểu lộ bất cứ một sự phân biệt nào. Người thương yêu và lo lắng cho tất cả giống như nhau, không phân biệt nam nữ. Người dạy: “Một người đàn ông mặc quần áo phụ nữ không thể trở thành đàn bà. Cũng vậy, tâm thức chúng ta không phụ thuộc xác thân tạm bợ này để phân biệt thành nam hay nữ. Tất cả mọi người đều có trí tuệ và tánh Phật giống như nhau. Không có cái gọi là nam hoặc nữ trong sự giác ngộ.”

Có lần tôi đánh bạo hỏi xem sư phụ nghĩ gì về quan điểm của một số vị tôn sư khác, khi họ cho rằng đàn bà là sự cám dỗ nguy hiểm nhất đối với đàn ông. Sư phụ nhìn tôi cười và nói:

– Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Vì đàn ông cũng là sự cám dỗ nguy hiểm nhất đối với đàn bà.

Dừng một chút để tôi kịp hiểu ra, rồi người mới chậm rãi nói tiếp:

– Con nên biết, sự cám dỗ có nguyên nhân từ ngay nơi bản tâm mình. Những kẻ chỉ biết nhìn thấy nguyên nhân từ bên ngoài sẽ không thể và không bao giờ chiến thắng hoàn toàn được sự cám dỗ. Ta không dạy điều này cho tất cả mọi người, nhưng với những đệ tử xuất gia như các con thì cần phải hiểu rõ như vậy.

Tôi hiểu ý sư phụ muốn nói gì. Đối với những người thế tục mà đức tin và sự hiểu biết còn hạn chế, thì việc tránh né những nguyên nhân bên ngoài là cần thiết. Nhưng đối với những ai đã muốn tìm đến chân lý giác ngộ cuối cùng thì vấn đề không còn là sự tránh né nữa. Sau này, tôi còn có nhiều dịp được sư phụ dạy thêm về vấn đề này. Ngài nói:

– Nhiều vị tôn sư xem quan hệ tình dục giữa nam nữ là tội lỗi, và truyền dạy quan niệm ấy cho tất cả mọi người. Điều đó chỉ đúng với những ai đã thọ giới xuất gia và theo đuổi cuộc sống thoát tục. Còn đối với những đệ tử tại gia, hoạt động sinh lý là một bản năng tự nhiên để duy trì nòi giống. Vấn đề ở đây là dạy cho họ biết cách chế ngự dục tình để không đắm sâu vào sự thỏa mãn dục tính. Quan niệm sai lầm như vậy có thể tạo ra một mặc cảm tội lỗi không cần thiết trong cuộc sống gia đình, và điều đó có tác dụng ngăn trở hơn là thúc đẩy việc đạt đến sự an vui. Nên dạy cho các đệ tử tại gia biết về việc bảo tồn sinh lực bằng lối sống chung thủy và tiết dục. Điều đó thiết thực và có thể được thực hiện bởi bất cứ ai. Những người có quan điểm cứng nhắc như trên thường rất khó mở rộng lòng để hóa độ các đệ tử tại gia, vì họ nhìn những người ấy như những kẻ đã hoen ố vì tội lỗi.

Trong sinh hoạt thường ngày, sư phụ rất ít khi sai bảo hoặc nhận sự phục dịch của các đệ tử cho những vấn đề thuộc về cá nhân mình. Người chỉ đồng ý khi biết vị đệ tử ấy thật lòng muốn được làm vậy. Người tự giặt giũ lấy quần áo của mình, vốn cũng chẳng có bao nhiêu vì người ăn mặc vô cùng giản dị. Người tự dọn dẹp, sắp xếp phòng mình lúc nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ. Và mỗi khi có việc phải đi đâu, người tự mình sắp xếp hành lý, vật dụng.

Về sự tu tập của tôi, sư phụ có vẻ rất hài lòng, vì tôi tiếp thu những lời dạy của người và tiến bộ một cách nhanh chóng. Nhưng cách sống tùy tiện, buông thả đến phóng túng – ảnh hưởng của sự nuông chiều trong gia đình từ nhỏ – của tôi không được người tán đồng. Một hôm, người bảo tôi:

– Con nên suy nghĩ nhiều hơn về cung cách sống của cha con. Mọi thứ đều có quy củ, điều độ và được sắp xếp, tổ chức thật chặt chẽ.

Tôi hiểu đó là lời giáo huấn khéo léo của người. Và từ đó cố gắng hết sức để thay đổi lối sống của chính mình.

° ° °

Khi vừa đến tu viện, sư phụ giao cho tôi việc tiếp khách và điều hành, giám sát những công việc mà sư phụ muốn giao phó cho các huynh đệ khác, nghĩa là thay thế sư phụ trong việc đưa ra các mệnh lệnh, chỉ thị.

Chừng nửa tháng sau, có một thanh niên tên là Kumar từ miền đông tỉnh Bengal đến và được giao công việc ở nhà bếp. Anh ta là người nhanh nhẹn, lanh trí và không bao lâu đã được sư phụ chú ý đặc biệt. Một hôm, sư phụ gọi tôi đến và nói:

– Mukunda, từ nay con hãy giao lại công việc cho Kumar. Còn con sẽ phụ trách công việc ở nhà bếp.

Tôi thản nhiên vâng lời sư phụ, vì tôi biết quyết định của người bao giờ cũng có những dụng ý sâu xa và sáng suốt. Nhưng Kumar không được như thế. Anh ta cho rằng việc tiếp quản công việc của tôi là một sự “thăng tiến” đặc biệt, cho thấy sư phụ đã dành sự ưu ái cho anh ta hơn tất cả mọi người khác. Từ suy nghĩ ấy, anh ta đâm ra hách dịch và kênh kiệu với tất cả huynh đệ trong tu viện. Mọi người liền ngầm thỏa thuận phản kháng bằng cách đến tìm tôi mỗi ngày để nhận sự chỉ bảo, điều hành của tôi, thay vì là với Kumar.

Anh chàng không chịu đựng nổi sự khinh thường này, liền lập tức tìm đến sư phụ và nói với giọng tức tối:

– Bạch thầy, Mukunda thật khó chịu. Mặc dù anh ta giao công việc cho con theo lời sư phụ, nhưng các huynh đệ khác vẫn tìm đến anh ta để xin ý kiến.

Khi ấy tôi đang quét dọn ở một phòng bên cạnh và tình cờ nghe được câu chuyện. Sư phụ trả lời Kumar với giọng thản nhiên:

– Vì thế nên ta mới cho nó xuống nhà bếp, còn con thì lên phòng khách. Nhưng xem ra con không làm được công việc của mình rồi. Con nên biết rằng muốn người khác vâng lời mình thì phải tự mình chứng tỏ năng lực lãnh đạo điều hành, không thể chỉ dựa vào quyền hạn quy định của chức vụ. Bây giờ hãy để Mukunda làm công việc ấy và con thì trở lại với nhà bếp.

Sau việc ấy, tôi mới hiểu được dụng ý của sư phụ. Người đã nhìn thấy nơi anh ta tính kiêu căng tự phụ ngay từ đầu, và tạo một điều kiện để anh ta bộc lộ ra nhằm giúp anh ta diệt trừ cái bản chất không hay đó.

Nhưng Kumar vẫn chứng nào tật nấy. Anh ta thường xuyên gây gỗ với các huynh đệ và cư xử thô lỗ với bất cứ ai. Một hôm, anh vô cớ nổi nóng và xúc phạm tôi bằng những lời nặng nề. Tôi cố dằn lòng và nói với anh ta một cách bình tĩnh:

– Nếu anh không thay đổi được tính khí như thế, chắc chắn sẽ có ngày anh phải rời khỏi tu viện này.

Kumar không đếm xỉa gì lời nói ấy mà cất lên một giọng cười ngạo nghễ. Ngay sau đó thì sư phụ bước vào. Anh ta ngay lập tức mách lại nguyên văn lời đe dọa của tôi. Tôi cúi đầu chờ đợi một lời quở trách. Nhưng sư phụ trả lời với một sự thản nhiên, lạnh lùng:

– Có thể là Mukunda đã có lý khi nói thế.

Và người lặng lẽ bỏ đi. Chúng tôi đều biết là sư phụ đã rõ hết mọi chuyện.

Một năm sau, Kumar xin phép về thăm nhà. Sư phụ không cho phép, nhưng anh ta bất chấp và cứ sắp xếp ra đi. Hơn hai tháng sau, anh trở lại tu viện với một sự thay đổi tệ hại đến không ngờ. Anh ăn nói cực kỳ thô tục và xúc phạm hầu hết mọi người, thậm chí còn lén hút thuốc lá và uống rượu, là những việc hoàn toàn bị cấm chỉ trong tu viện.

Một buổi tối, sư phụ gọi tôi vào và nói:

– Mukunda, con hãy bảo Kumar rời khỏi tu viện vào sáng mai. Ta không muốn tự mình nói với nó điều đó.

Người dừng lại một lát, vẻ mặt buồn bã, trầm tư:

– Ta đã cố hết sức để cứu vớt nó nhưng không được nữa rồi. Giá như nó đừng cãi lời ta mà về thăm nhà thì vẫn còn có hy vọng. Giờ thì đã hết rồi. Những thói xấu thế tục đã nhiễm vào tâm hồn non nớt của nó đến mức không thể cứu chữa được nữa.

Việc Kumar bị đuổi khỏi tu viện không làm cho mọi người vui, mà chỉ thương xót vì thấy trước một tương lai u tối ảm đạm đang chờ đón anh ta. Mặc dù anh không tốt với tất cả huynh đệ chúng tôi, nhưng tấm lòng bao dung không bờ bến của sư phụ đã cảm hóa hết thảy mọi sự hiềm thù, đố kỵ trong chúng tôi, khiến cho mọi người đều mở lòng thương xót cho sự sa đọa của anh.

° ° °



Sự viếng thăm của quan khách cũng là một phần quan trọng trong sinh hoạt ở tu viện của chúng tôi. Những buổi nói chuyện của sư phụ với khách đến thăm thường cũng là những bài học giá trị cho chúng tôi khi được nghe. Người không bao giờ tỏ vẻ nghiêm khắc, đạo mạo khi trò chuyện. Thay vì vậy, người thoải mái, tự nhiên và vui vẻ. Đôi khi người còn pha trò khéo léo để làm cho câu chuyện thêm phần sôi nổi, hào hứng. Có lần, sư phụ dạy chúng tôi:

– Người tu hành không cần phải lúc nào cũng ra vẻ khắc khổ, nghiêm nghị. Sự giải thoát xét cho cùng chính là dứt trừ tất cả phiền não, nghiệp chướng và đạt đến an vui, hạnh phúc. Không có lý gì một người trên con đường đi đến giải thoát lại từ chối mọi niềm vui tự nhiên và biến cuộc sống thành một môi trường khô khan, lạnh lẽo.

Nhiều vị học giả, các nhà trí thức, khoa học gia... đến thăm tu viện chúng tôi và ra về với sự ngạc nhiên sâu sắc. Họ vẫn tưởng sẽ gặp nơi đây một vị tu sĩ chỉ biết đến những gì xảy ra trong bốn bức tường tu viện. Nhưng rồi họ phải kinh ngạc trước những kiến thức rộng rãi bao quát của sư phụ tôi về mọi lãnh vực. Hơn thế nữa, vì ngài soi rọi mỗi vấn đề bằng vào trí tuệ giác ngộ sáng suốt và khách quan nên đôi khi còn giúp họ phát hiện ra những khía cạnh độc đáo mà sự hạn chế thông thường đã làm cho họ không nhận thấy.

Cũng không ít những kẻ kiêu ngạo, hách dịch hoặc ỷ vào quyền thế đã học được những bài học đích đáng từ nơi sư phụ.

Một hôm, có một nhà khoa học nổi tiếng đến thăm chơi và tranh luận rất lâu về sự tồn tại của một thế giới tâm linh. Ông ta nói:

– Chúng tôi chỉ chấp nhận những gì có thể được phân tích và chứng minh trong thực tế hoặc qua thí nghiệm. Một thế giới tâm linh hoàn toàn không thể có vì chẳng ai chứng minh được điều đó cả.

Thầy tôi từ tốn đáp lại rằng:

– Ông không thể nhìn vào những công thức hóa học để nhận ra là có thế giới tâm linh. Nhưng tôi có một thí nghiệm đơn giản hơn có thể giúp ông chứng minh được điều đó. Hãy theo dõi và phân tích những tư tưởng, suy nghĩ của chính ông trong 24 giờ liên tục không dừng nghỉ. Ông sẽ nhận ra được những gì mà từ trước ông chưa từng nhận ra.

Ít lâu sau, nhà khoa học ấy trở lại thăm tu viện với hàng loạt những thắc mắc về các kinh nghiệm tâm thức khác nhau, nhưng ông không còn tranh cãi về sự tồn tại của một thế giới tâm linh nữa!

Địa phương chúng tôi ở có một vị thẩm phán rất có thế lực. Ông này nổi tiếng khắc nghiệt, đã từng làm nhiều việc tàn bạo chỉ để chứng tỏ sức mạnh và quyền lực. Vào thời ấy, với thế lực của mình, nếu muốn ông ta có thể dễ dàng trục xuất chúng tôi ra khỏi tu viện mà không cần có một lý do gì chính đáng. Một hôm ông cho người đến thông báo trước là ông muốn đến thăm tu viện. Sư phụ liền nói với người tùy phái của ông ta:

– Không cần báo trước ngày giờ. Hãy bảo ông ấy có thể đến đây bất cứ khi nào cũng được.

Dụng ý của ông thẩm phán là muốn có một nghi lễ đón tiếp thật long trọng, và vì thế ông ta nghĩ là cần có sự chuẩn bị. Chính tôi cũng cho rằng điều đó là cần thiết để bảo vệ sự an toàn cho tu viện.

Nhưng sư phụ tôi không nghĩ như thế. Người thản nhiên trước mọi sự đe dọa bằng quyền lực. Người nói: “Ông ấy đến đây để thăm một tu viện, không phải văn phòng một thuộc cấp của mình. Đối với chúng ta, ông ấy là một vị khách và sẽ nhận được sự đón tiếp trân trọng giống như bao nhiêu vị khách khác.”

Và ngày viếng thăm cũng đến. Sư phụ quả thật đã tiếp ông ta bình thường như bao nhiêu người khác. Thậm chí vẻ mặt kênh kiệu của ông đã khiến ông phải ngồi trên một cái ghế gỗ, thay vì sư phụ vẫn sai tôi đi lấy ghế bành mỗi khi có các vị tôn túc đến viếng. Ông thẩm phán có vẻ bất mãn và hậm hực ra mặt. Nhưng ông vẫn không quên những điều mà ông dự định sẽ đến đây để tranh luận với thầy tôi. Hai người trao đổi một lúc lâu, và ông thẩm phán cố khoe khoang sự am hiểu của mình về các bản kinh cổ xưa. Sư phụ điềm tĩnh lắng nghe và sau đó vạch rõ từng điểm sai trái trong cách giảng luận của ông. Cuối cùng, vị thẩm phán không nhịn được nữa, ông nói lớn:

– Này đại đức, có lẽ ông nên biết điều này: Trong kỳ thi tiến sĩ triết học, tôi đã đậu thủ khoa đấy.

Sư phụ thản nhiên đáp lại:

– Này ông, dù sao thì đây cũng là một tu viện, không phải một phiên tòa, nên phán quyết của ông chưa hẳn là phán quyết sau cùng. Sự hiểu biết nông cạn của ông về các vấn đề triết lý khiến cho tôi buộc phải ngờ vực về sự học hành khoa cử. Dù sao thì những điều ấy chắc hẳn cũng không liên quan đến ý nghĩa sâu xa trong các thánh kinh. Có lẽ ông cũng nên biết điều này: Người ta không đào tạo ra được các vị thánh nhân theo từng giai đoạn như các vị tiến sĩ khoa cử.

Tính cách chặt chẽ trong lập luận của sư phụ cuối cùng đã khuất phục được vị thẩm phán kiêu ngạo, hung hăng. Lúc ra về, ông kính cẩn chào sư phụ và nói:

– Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được tiếp xúc với một vị thẩm phán của tâm hồn.

Và một tháng sau, sư phụ nhận được một lá đơn chính thức của ông ta xin được đến học đạo tại tu viện với tư cách đệ tử tập sự. Tất nhiên là ông sử dụng ngôn ngữ đầy dẫy những danh từ pháp luật như một bệnh nghề nghiệp, nhưng thành ý của ông đã được sư phụ dễ dàng chấp nhận. Về sau, chúng tôi mới biết ông vốn là một người cứng rắn nhưng lại rất nhiệt tình trong việc học hỏi đạo lý, chỉ vì từ trước chưa từng có ai khuất phục được tính kiêu ngạo của ông!

Tính cách của sư phụ không phải lúc nào cũng cứng rắn như thế. Sống với người trong một thời gian lâu dài, chúng tôi mới hiểu rõ rằng người chỉ cứng rắn như thế vào những lúc thật sự cần thiết, và hoàn toàn không xuất phát từ sự hiếu thắng hay tự ái cá nhân.

Trong quan hệ với đệ tử, tuy người rất thâm trầm và ít khi bộc lộ tình cảm, nhưng về sau chúng tôi đều cảm nhận được tình thương yêu bao la của người. Người chăm lo đến miếng ăn, giấc ngủ, thậm chí những chuyện buồn vui trong cuộc đời của mỗi chúng tôi một cách vô cùng chu đáo.

Sư phụ chưa từng tỏ ra lệ thuộc vào tiền bạc, vật chất. Người chi tiêu gói ghém trong những khoản thu nhập vừa phải của mình. Việc giảng dạy ở tu viện hoàn toàn miễn phí, không có bất cứ một sự đóng góp nào từ các đệ tử.

Về sau tôi mới được biết người đã từ chối rất nhiều đề nghị đóng góp tài vật từ các đệ tử của mình, mà trong số đó có rất nhiều người giàu có hoặc giữ những cương vị quan trọng trong xã hội.

Cơ ngơi đồ sộ của thân phụ để lại được chuyển sang làm tu viện đã gây bất mãn cho một số người trong gia tộc của sư phụ. Những kẻ xấu trong dòng họ cho rằng như thế là một sự bất công và mất mát đối với họ. Vì thế, họ tìm mọi cách để tranh chấp quyền sở hữu với người. Sự việc đã nhiều lần phải đưa đến tòa án.

Sư phụ có đủ những chứng từ pháp lý về sự thừa kế từ thân phụ. Người tự mình lo liệu các thủ tục tố tụng rắc rối, không lôi kéo bất cứ ai trong tu viện cùng tham gia. Người đã cương quyết không nhượng bộ trước sự tranh chấp này.

Trong thời gian tranh chấp, một hôm có viên thừa phát lại từ tòa án đến tìm người. Ông ta chuyển đạt lệnh triệu tập của tòa và nói với một giọng xấc xược:

– Ông nên rời khỏi tu viện này mà đến hít thở bầu không khí lương thiện hơn của pháp đình.

Lúc ấy tôi đang đứng gần đó, không kiềm được cơn giận liền bước tới và quát vào mặt y:

– Lời hỗn láo của ông với bậc tôn sư rất đáng để tôi đập cho ông một trận.

Một đệ tử trẻ khác là Kanai cũng nghe thấy và nóng nảy xông đến:

– Quân xấc xược! Chốn tu viện thiêng liêng này không có chỗ cho ngươi.

Sư phụ từ tốn ngăn chúng tôi lại:

– Này các con, không được nóng giận. Ông ta chỉ làm theo bổn phận của mình mà thôi.

Viên thừa phát lại đang hốt hoảng trước phản ứng tức giận của hai tu sĩ thanh niên lực lưỡng, còn chưa hoàn hồn thì đã chuyển sang kinh ngạc trước cung cách hòa nhã của thầy tôi. Ông ta xấu hổ cúi chào và rụt rè bước lui ra khỏi cửa.

° ° °

Tấm gương sáng và sự truyền dạy nhiệt tình của sư phụ đã un đúc trong tôi lòng khát khao truyền bá chánh pháp. Tôi nỗ lực học tập và công phu không dừng nghỉ, mong sao một ngày kia có thể đáp lại công ơn to lớn và sự kỳ vọng của sư phụ. Người cũng biết được sự cố gắng của tôi, nên một hôm nhân lúc vui vẻ trò chuyện người cho tôi biết một dự báo về tương lai để nhằm khuyến khích tôi:

– Mukunda, trong phần đời còn lại của con sẽ có rất nhiều việc để làm. Để giáo hóa được cho rất nhiều người mê tối, con sẽ phải phát huy những ưu điểm mạnh mẽ của môn thiền định. Con sẽ lần lượt đi qua và xây dựng các trung tâm truyền bá Phật pháp ở nhiều nơi khác nhau. Trong đó có ba cơ sở chính: một trường dạy phép tọa thiền cho thanh thiếu niên ở vùng đồng bằng tỉnh Ranchi, một tu viện trên sườn đồi ở Los Angeles thuộc Hoa Kỳ, và một tu viện khác nữa cũng ở Hoa Kỳ, thuộc California trên bờ biển Thái Bình Dương.

Tôi không hiểu vì sao sư phụ có thể tiên đoán trước một cách chính xác như vậy. Nhưng quả thật về sau tôi đã thực hiện hoàn toàn đúng như những gì người dự đoán. Và cuộc đời tu tập cũng như truyền đạo của tôi còn phải qua bao nhiêu gian nan vất vả, trôi giạt nhiều nơi, thậm chí còn chứng kiến biết bao điều kỳ bí, linh diệu khác nữa trước khi có thể thực hiện được tốt đẹp những lời dự báo đó. Những điều ấy, tôi sẽ chỉ có thể thuật lại phần nào trong những phần tiếp theo sau nữa của tập hồi ký này.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com