ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG TẬP III
Thiện Phúc
Phần 1.
208. Tu Là Trở Về Với Cái Phật Tánh Sẵn Có Của Mình
209. Người Phật Tử Dùng Cái Tâm Nào Để Tu?
210. Ai Dẫn Dắt Tuổi Trẻ
211. Làm Sao Cho Tuổi Trẻ Đến Với Đạo Phật?
212. Những Cái Khổ Của Kiếp Người
213. Thiền Và Tâm Lý Trị Liệu Âu Mỹ
214. Trí Huệ Chân Chính
215. Thân Tâm Của Người Phật Tử
216. Tại Sao Lúc Tu Ta Thấy Có Nhiều Chướng Ngại?
217. Học Phật Và Cái Học Ngoài Đời
218. Tội Của Người Tùy Hỉ Với Tạo Tác Ác
219. Đại Lộ Mang Tên Giải Thoát
220. Tất Cả Các Pháp Môn Đều Là Phương Tiện
221. Tại Sao Gọi Phật Là Một Ông Thầy Thuốc Giỏi?
222. Người Phật Tử Tại Gia Nên Tu Như Thế Nào?
223. Hãy Tìm Hiểu Những Tôn Xưng Mà Phật Tử Dùng Để Gọi Phật
224. Làm Sao Để Có Đạo Phật Trong Đời Sống?
225. Nhiệm Vụ Nầy Không Riêng Của Người Xuất Gia
Phần 2.
226. Chiến Thắng Vạn Quân Không Bằng Chiến Thắng Những Con Ma Trong Ta
227. Người Chết Khát Bên Bờ Suối
228. Đừng Chờ Nước Tới Trôn Mới Nhảy
229. Lúc Nào Thì Người Phật Tử Nên Niệm Phật?
230. Ngày Xuân Nghe Thầy Giảng Về Phật Di Lặc
231. Đạo Phật Và Nhà Bác Học Einstein
232. Làm Thế Nào Để Có Chánh Niệm?
233. Cái Hiếu Của Người Con Phật
234. Tại Sao Cữu Phẩm Hoa Sen Là Cha Mẹ Mình?
235. Tu Là Phải Thật Tâm, Thành Khẩn Và Luôn Hành Trì Những Hạnh Lành
236. Cái Ác Nào Là Cái Ác Lớn Nhất?
237. Bồ Đề Tâm
238. Phật Giáo Và Xã Hội Hiện Tại
239. Tâm Nguyện Của Những Người Con Phật
240. Đạo Lý Của Phật Khó Hay Dễ Đả Thông?
Phần 3.
241. Còn Sanh Tử Là Tốt Hay Xấu?
242. Người Phật Tử Chỉ Cần Sống Cho Những Giây Phút Hiện Tại
243. Tại Sao Người Phật Tử Nên Thiểu Dục?
244. Người Con Phật
245. Đắc Hay Không Đắc?
246. Phật Tử Học Được Gì Ở Ngài Phổ Hiền Bồ Tát?
247. Hạnh Phúc Vĩnh Hằng Của Người Phật Tử
248. Áp Dụng Phật Pháp Vào Đời Sống Của Chính Mình
249. Cội Gốc Của Kẻ Tu Theo Phật
250. Đạo Phật Trị Phiền Não
251. Tại Sao Gọi Đạo Phật Là Đạo Của Vô Ngã?
252. Sự Cần thiết Của Việc Tu Học Và Thái Độ Lúc Tu Học?
253. Lòng Tham Của Chúng Sanh
254. Thiện Tri Thức Và Ác Tri Thức
255. Có Số Mạng Hay Không?
Phần 4.
256. Niệm "Háo Danh Sư" Có Thể Thành Phật Hay Không?
257. Trên Đời Nầy Phật Tử Có Ai Là Kẻ Thù Không?
258. Làm Sao Để Tìm Một Chân Thiện Tri Thức?
259. Phật Giáo Có Phải Là Một Tôn Giáo Hơn Hẳn Các Tôn Giáo Khác Không?
260. An Lạc Trong Lúc Ăn
261. An Lạc Trong Lúc Đi
262. Người Phật Tử Và Việc Hành Đạo
263. Tu Tâm
264. Khi Nào Thì Phật Tánh Hiển Bày?
265. Vàng, Lòng Tham, Đời, Đạo, và Sự Giải Thoát
266. Những Lời Hay Trong Lẽ Đạo
LỜI MỞ ĐẦU
Kính Thưa Quý Đạo Hữu,
Đạo Phật đã có mặt trên đất nước Việt Nam chúng ta từ Thế Kỷ thứ Hai, và đạo Phật cũng đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt chúng ta từ dạo ấy. Từ giới sĩ phu trí thức cho đến bác nông phu tay lấm chân bùn; ai ai cũng đều thấm nhuần tư tưởng Phật; ai ai cũng đều quan niệm phải ăn ở cho lành, nếu kiếp nầy không được thì để dành kiếp sau. Đó là cái bên ngoài, còn đi sâu vào lý nghĩa của đạo Phật, đã có mấy ai thấm nhuần hết được kinh điển và giáo lý mà Đức Từ Phụ đã để lại?
Trong thời Như Lai còn tại thế, Ngài đã từng dạy: "Sau khi ta diệt độ, nếu có người nào muốn vì chúng sanh mà nói pháp Như Lai, thời người đó trước hết phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, và ngồi tòa Như Lai." Tuy nhiên, chỉ có chư Phật mới hiểu trọn vẹn được lời của Như Lai mà thôi. Như vậy phải làm sao đây? Trong Kinh Pháp Hoa, Thế Tôn cũng đã nói: "Kinh điển của ta nói, nhiều vô lượng. Ta tùy căn cơ trình độ của từng chúng sanh mà nói. Vì thế có nhiều khi thấy đơn giản, mà lắm khi thì rất là khó tin, khó hiểu. Vì là kho tàng bí yếu của chư Phật, nên sau khi ta diệt độ rồi, người nào có thể biên chép, thọ trì, đọc tụng; hoặc vì người khác mà nói kinh, truyền pháp, thì người ấy sẽ được Như Lai cũng như chư Phật mười phương hộ niệm." Chính nhờ lời dạy dỗ nầy của Đức Từ Phụ mà tôi đã mạo muội ghi lại tập sách nhỏ nầy những mong chia sẻ cùng quý vị những gì mà mình đã học hỏi được ở quý thầy và quý sư cô, chứ tôi không dám nói là biên soạn Phật pháp. Thật tình mà nói, chúng ta cho dù có cả đời nghiên tầm và học hỏi giáo pháp cũng chưa là đủ, nhưng không vì vậy mà không làm. Không làm sao được khi tâm phàm phu của chúng ta nó cứ chực xé rào bẻ lưới. Mới hôm qua đây nguyện sẽ rộng mở tâm từ, thì hôm nay tâm địa lại bỏn xẻn. Mới tháng rồi đến chùa thọ ngũ giới thì tháng nầy đã phá giới. Mới hồi sáng nầy nhu hòa nhẫn nhục thì đến trưa lại sân hận đùng đùng... Tâm chúng sanh nó như vậy đó, nếu không có Đức Thế Tôn thị hiện và những lời dạy cao quý của Ngài thì xã hội nầy, thế giới nầy biết đi về đâu?
Nay tự xét mình, tâm từ khi rộng khi hẹp, nhẫn nhục khi có khi không, nhu hòa khi vầy khi khác... nên hễ nghe ở đâu có nói pháp là đến nghe, ở đâu có thiền quán là đến hành trì. Nghe rồi, hành trì rồi, thấy sự lợi lạc liền chia xẻ cùng mọi người để ai nấy đều được hưởng sự lợi lạc như mình. Dù văn kém tài hèn, nhưng xét vì có rất nhiều người muốn được nghe pháp mà không có cơ duyên, nên tôi quyết biên soạn và ghi lại những gì mình đã được nghe chỉ nhằm một mục đích duy nhứt là: Mọi người cùng được hưởng sự lợi lạc như mình. Mong rằng tập sách nhỏ nầy sẽ giúp làm vơi đi phần nào nước mắt của chúng sinh. Mong rằng tập sách nhỏ nầy sẽ là viên gạch lót đường cho những ai muốn đi vào nhà Như Lai.
Kính Thưa Quý Đạo Hữu,
Điều cốt yếu trong việc tu hành là thông hiểu giáo pháp tường tận và thực hành rốt ráo những điều đã học hỏi được bằng kinh nghiệm bản thân. Có hiểu và thấu đạt giáo pháp thì mình mới đi đúng đường, hành đúng chỗ được, rồi từ đó mới có thể bồi bổ cho tâm tánh hướng thiện được. Giáo lý nhà Phật quả là thậm thâm vi diệu mà một người bàng quang nhìn vào sẽ khó mà hiểu nổi. Nếu chúng ta chỉ hiểu Phật giáo một cách cạn cợt như người bàng quang kia thì e rằng chỉ gây thêm tội lỗi cho chính mình và tạo tác những đau khổ cho người mà thôi. Quý đạo hữu ơi! thời gian trôi qua mau lắm, thoáng một cái, nhìn ngoảnh lại thì mình đâu còn ở tuổi hai mươi nữa. Rồi cứ thế mà bốn mươi, năm mươi, sáu mươi... rồi hết kiếp. Chúng ta sẽ còn lại những gì nếu chúng ta không kịp thời hồi đầu? Ngoài những hành trang trỉu nặng cho kiếp luân hồi, chúng ta sẽ chẳng có gì hết quý bạn ơi. Nghiên tầm và ghi lại quyển sách nhỏ nầy tôi không có mục đích nào cao siêu ngoài chuyện giúp cho mình và người quẳng bớt đi những nghiệp chướng và thay vào đó bằng một cuộc sống đạo hạnh. Tôi cũng biết đạo Phật đã ăn sâu vào tâm khảm dân Việt từ lâu đời rồi. Ngay cả những người chưa từng đi chùa, chưa từng thờ Phật, hoặc không có chút hiểu biết gì về Phật giáo cũng có cảm tình với đạo Phật. Thấy ông Phật hiền như ông Bụt nên thương, hoặc từ đời cha ông đã thương ông Phật, nên đến đời mình, mình cũng thương. Như vậy cũng tốt, nhưng chưa đủ đâu quý bạn ạ. Theo tôi, thật tình thương ông Phật là phải thật tình thương chính mình, nghĩa là phải hành trì những điều Phật dạy, từng giờ, từng ngày và hành trì cho đến cả đời.
Kinh điển nhà Phật thì đã quá nhiều; tuy nhiên, vì quá cao siêu nên nhiều người thấy khó mà không chịu tìm hiểu. Vì thế nên không hiểu thì đâm ra chán, rồi bỏ luôn không đọc nữa. Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, đời sống vật chất có thể dư thừa, nhưng tinh thần lại thiếu thốn, lắm khi không có nơi nương tựa. Lòng người thì ly tán, còn đạo đức lại suy vi. Nếu cứ đà nầy thì chúng ta càng ngày càng lún sâu vào trong vực thẳm của phân ly, nghi kỵ và hận thù. Một lúc nào đó ngoảnh lại thì chúng ta đã biến thành những kẻ sống vô hồn, vô tâm rồi.
Mong rằng với những bài đoản văn nầy, cả tôi và quý bạn sẽ có cơ hội tìm lại chính mình để mình thật sự sống cho mình và cho người. Với mục đích ấy, tôi mong rằng quý bạn sẽ mỉm cười mà tha thứ cho những sai sót. Như trên đã nói, với: "Tám vạn bốn ngàn pháp môn," thì cho dù cả đời chúng ta cũng chỉ có thể lẩn quẩn ở ngoài rìa, chứ chưa chắc gì đã thâm nhập được vào trong, thì sự thiếu sót là đương nhiên không tránh khỏi. Ngoài ra, những lời của chư Phật chỉ có chư Phật mới hiểu được một cách trọn vẹn, kẻ hậu sanh, cho dù có tài cán bao nhiêu, cũng không làm sao có thể nói hết được ý của Phật đâu. Mong rằng tâm nguyện của những người con Phật, không phải là đi tìm những thiếu sót tầm thường đó, mà chúng ta cùng nhau đi tìm những gì cao đẹp cho ta và cho đời, phải không quý bạn?
Mong rằng ai nấy đều phát tâm tu học, tìm hiểu, hành trì và truyền bá khắp gần xa những lời Phật dạy để chẳng những mình, mà người cũng được an lạc, thảnh thơi, và giải thoát nơi Niết Bàn vĩnh hằng.
Cuối cùng tôi xin hồi hướng công đức cho toàn pháp giới chúng sanh. Xin chư Phật mười phương gia hộ cho người người đồng chứng quả Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Viết tại California mùa Hè Năm 1997
Thiện Phúc