- Mục Lục
- Thay Lời Tựa
- Chương 1: Hòa Thượng Thích Tâm Tịnh (1868-1929), Bổn Sư Của Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu
- Chương 2: Phật Giáo Việt Nam Vào Cuối Thế Kỷ 19 Ðầu Thế Kỷ 20, Dưới Thời Hòa Thượng Tâm Tịnh
- Chương 3: Gia Thế Và Thời Thơ Ấu Của Hòa Thượng Ðôn Hậu
- Chương 4: Hạt Bồ Ðề Chớm Nở
- Chương 5: Một Thoáng Trần Duyên, Một Giây Sinh Tử
- Chương 6: Thế Phát Xuất Gia, Tầm Sư, Học Ðạo
- Chương 7: Dưới Chân Thầy Tổ Những Năm Tháng Tại Phật Học Viện Thập Tháp & Tây Thiên
- Chương 8: Bối Cảnh Xã Hội Từ 1932 Ðến 1945 Và Phong Trào Phục Hưng Phật Giáo
- Chương 9: Công Tác Hoằng Truyền (1932-1945)
- Chương 10: Ngưỡng Cửa Tử Thần (1947) Từ Chiến Tranh Việt- Pháp (1946) Ðến Hiệp Ðịnh Genève (1954)
- Chương 11: Trong Lòng Pháp Nạn (1963)
- Chương 12: Gọng Kềm Lịch Sử (1966-1968)
- Chương 13: Từ Trường Sơn Ðến Thảo Nguyên Mông Cổ (1968-1975)
- Chương 14: Trở Về Chùa Xưa
- Chương 15: Dung Thông Tam Muội
- Chương 16: Như Áng Mây Bay
- Tài Liệu Nghiên Cứu Và Trích Dẫn
NHƯ ÁNG MÂY BAY
Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA
QUYỂN HAI:
HÒA THƯỢNG ÐÔN HẬU (1905-1992)
VÀ PHONG TRÀO PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO
Chương 4: Hạt Bồ Ðề Chớm Nở
Chùa Tịnh Quang ngày hôm nay quá rộn rịp. Chư tăng từ các quận trong Tỉnh đổ về để tiếp đón vị cao tăng, Hòa Thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh từ cố đô Huế trở về quê hương, thăm quí thầy, quí Phật tử sau nhiều năm xa cách.
Chùa Tịnh Quang, tọa lạc tại thôn Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Ðăng Xương nay là quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nơi dừng chân đầu tiên của Ðoan Quốc Công Nguyễn Hoàng. Chùa nằm cách quốc lộ 1A chưa đầy 1km về phía tây. Theo truyền thuyết, ngày xưa vùng đất này có tên là Xứ Bầu Voi, hoang vu, ít người cư trú. Bầu Voi xưa kia là một hồ nước lớn, nơi voi thường đến tắm, nơi cọp và heo rừng thường về quấy nhiễu dân chúng, phá phách ruộng vườn, cho đến khi có một vị Hòa Thượng đến cư trú mới được yên ổn. Nghe nói vị Hòa Thượng này có pháp thuật trừ tà, hàng phục thú dữ.
Theo bút ký của tổ sư Chí Khả, chùa Tịnh Quang nguyên là thảo am Tịnh Ðộ do tổ sư lập ra. Tổ sư Chí Khả người Trung Hoa, sinh trưởng trong một gia đình quyền quí, thâm tín Phật pháp. Thân phụ tên là Nguyễn Chí Công, tước hiệu Kỳ Thiên Hầu, thân mẫu tên là Nguyễn Thị Thơ, pháp danh Phật Thọ. Trước khi lâm bồn, thân mẫu ngài nằm mộng thấy một con chim hạc từ ngọn núi phía nam bay lại. Khi sinh ra thân tướng ngài khôi ngô, mày thanh mắt sáng. Lúc thơ ấu ngài thường được mẹ dẫn lên chùa lạy Phật, nghe kinh. Lúc lên 7 tuổi, ngài nằm mộng thấy mình đi trên con thuyền đến vùng núi rừng xanh biếc, giữa trời nước bao la, trước mặt là một ngọn núi hình quả chuông, sau lưng là một dòng sông chảy giữa đôi bờ cỏ xanh tươi. Giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ ấy hiện ra một ngôi chùa uy nghi, tịch mặc và một vị thiền sư đang lặng lẽ kinh hành.
Năm 12 tuổi ngài xin phép cha mẹ lên đường cầu đạo. Ngài theo đoàn thuyền vượt biển đi về hướng nam. Khi đoàn thuyền ghé vào cửa Thuận An, ngài lên bờ, đi về đất Thần Kinh, có vẻ quen thuộc như đi về quê cũ. Ngài gặp thiền sư Liễu Quán, được thiền sự nhận làm đồ đệ, ban cho pháp danh là Tánh Tu, pháp tự Tề Pháp, pháp hiệu là Chí Khả. Ngài theo thiền sư học Phật Pháp, học tiếng Việt, văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam. Sau 10 năm theo thầy tu học, đến năm Quí Sưu (1733) ngài được phép thọ Cụ Túc Giới và bắt đầu vân du hoằng hóa. Ngài lên đường tiến về phía bắc, đến huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ngài dừng lại trên bờ sông Vĩnh Ðịnh, dựng lên một thảo am, rồi bắt đầu sự nghiệp hoằng hóa. Ngài độ cho trên 10 vị xuất gia, qui y cho vô số Phật tử tại gia. Sau một thời gian ngài lại tiếp tục lên đường, đi về phía thượng nguồn sông Vĩnh Ðịnh và sông Thạch Hãn, đến làng Ái Tử. Tại đây vào khoảng năm Ất Mão 1735, đời Lê Ý Tôn, năm thứ 11 chúa Nguyễn Phúc Trú, ngài dựng một thảo am đặt tên là Tịnh Ðộ Am. Năm 1739 chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi Tịnh Ðộ Am thành Tịnh Nghiệp Tự. Vua Gia Long ban sắc tứ, đổi Tịnh Nghiệp Tự thành Sắc Tứ Tịnh Quang Tự. Năm 34 tuổi ngài phát nguyện tự thiêu để cúng dường Tam Bảo. Ngày kỵ tổ hàng năm là ngày 16 tháng 2 Âm Lịch. Sau khi ngài cúng dường sắc thân lên ngôi Tam Bảo, hai vị đại đệ tử trong số 12 đệ tử là thiền sư Tuyết Phong và thiền sư Bảo Châu kế thừa trú trì chùa Tịnh Quang. Từ ngày xây dựng chùa cho đến nay đã gần 300 năm, trải qua bao nhiêu biến thiên lịch sử, chùa vẫn còn tồn tại sau nhiều lần trùng tu:
Năm Nhâm Tuất Gia Long thứ 1 (1802) thiền sư Bảo Châu vận động môn đồ trùng tu chùa và chỉnh trang Phật tượng.
Năm Tân Mùi, Gia Long thứ 10, bà Hoàng Quốc Muội đến tu tại chùa, mua 3 mẫu ruộng của làng Ái Tử và 3 mẫu tại làng Giao Liêm sung cúng vào chùa.
Dưới thời Thiệu Trị (1841-1847) đại sư Lê Phát Ðạt cùng bổn đạo trùng tu, mở rộng thêm.
Năm Qui Mùi, Tự Ðức năm thứ 30, tăng ni tín đồ tản mác, chùa bị hư hỏng, ruộng vườn chùa mất dần.
Ðồng Khánh năm thứ 2 (1890) Phật tử Lê Thị Thanh Tâm (Lê Thị Ðiệu) và Lê Thị Thanh Nhật (Lê Thị Dư) mời thiền sư Thông Quảng làm trú trì và mời ông Hoàng Như Hân làm Phổ trưởng lo việc hương khói, chuộc lại 6 mẫu ruộng và tự khí của chùa.
Năm Ất Mùi, Thành Thái thứ 6 (1889), Phổ Phước Huệ và tín đồ cúng dường số tiền hơn 6,000 quan, đại trùng tu chùa.
Năm Nhâm Tuất, Khải Ðịnh thứ 7, bổn phổ trùng tu chùa, mời thầy Phước Ðiền (thân sinh của HT Thích Ðôn Hậu) chùa Long An, thuộc Phổ Liên Trì làm trú trì, từ đó hai Phổ Phước Huệ và Liên Trì hợp thành một.
Năm Giáp Tuất, Bảo Ðại thứ 9, đạo hữu trong Phổ phát tâm đại trùng tu chùa, sau đó Hòa Thượng Hải Ðức đến khai đại giới đàn, hoằng dương chánh pháp.
Năm Ðinh Hợi 1947 chùa bị phá hủy trong cuộc chiến tranh Việt Pháp.
Năm Ất Mùi 1955 Giáo Hội Tăng Già Quảng Trị vận động xây lại chùa trên nền cũ và mời thầy Ân Cần làm trú trì và thầy Tâm Chánh làm giám tự.
Năm Tân Sửu 1961 thầy Ân Cần thôi chức trú trì, giáo hội cử thầy Khai Trí lên thay thế.
Năm 1971, công cuộc đại trùng tu chùa được thực hiện. Hòa Thượng Thích Trí Thủ làm trưởng ban, thầy Ân Cần làm Phó Trưởng Ban, thầy Chánh Trực làm Tổng Thư Ký. Công cuộc trùng tu đang tiến hành thì biến cố chiến tranh 1972 san bằng chùa cũ và phá hủy công trình mới.
Năm 1975-1977 chùa được sửa chữa lại, gồm Phật điện, đài Quan Thế Âm, tháp mộ, phương trượng và các tăng phòng.
Năm 1996 với sự ủng hộ của chư Tăng Ni Phật Tử trong và ngoài nước, Sắc Tứ Tịnh Quang Tự được đại trùng tu, một di tích lịch sử tại tỉnh Quảng Trị, một trung tâm văn hóa và tín ngưỡng được tái thiết, trang nghiêm và sầm uất. (Xem Phan Khâm: Lịch Sử Tổ Ðình Sắc Tứ đăng trong Kỷ Yếu Quảng Trị, 2000 tr. 38-39)
Trong khuôn viên chùa có ngôi tháp thờ tổ khai sơn. Một ngôi tháp nhỏ, bình dị, khiêm cung. Chùa Tịnh Quang đã dung chứa nhiều vị đại sư nổi tiếng, là tổ đình Phật Giáo Quảng Trị, nơi chứng kiến nhiều nỗi thăng trầm của Phật Giáo Miền Trung từ thời Quang Trung cho đến ngày nay.
Năm Bính Thìn, tức năm 1916, Hòa Thượng Tâm Tịnh về thăm
Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang, Quảng Trị (Võ văn Tường: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, tr. 104)
quê, lưu trú tại tổ đình sắc tứ Tịnh Quang. Nghe tin ngài về, chư tăng và tín đồ gần xa đến vấn an ngài rất đông.
Một hôm đang đứng trước sân chùa nói chuyện với chư tăng, Hòa Thượng thấy một đám học sinh đi ngang qua, liền đưa tay chỉ và nói với chư tăng: “Ðó là tương lai của đất nước. Nhưng tương lai của đạo pháp thì như thế nào? Tre sắp tàn mà măng thì chưa mọc.” Hòa thượng thường lo nghĩ đến tiền đồ Phật Giáo, muốn xây dựng nền tảng vững vàng cho Phật Giáo, muốn đào tạo kẻ kế thừa sự nghiệp Như Lai. Nhưng làm sao đây, tình hình Phật Giáo lúc bấy giờ không mấy sáng sủa.
Thượng Tọa Thích Mật Thể trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược (tr. 222-224, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, 1984) viết về tình hình Phật Giáo Việt Nam vào thời điểm Hòa Thượng Tâm Tịnh:
Tháp Tổ chùa Tịnh Quang (Võ Văn Tường: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, tr. 104)
“Xét về điều kiện tín ngưỡng của các nhà vua và những bậc tu hành – tuy các ngài vẫn tu hành đạo đức - ta có thể biết ngay Phật Giáo về đời triều Nguyễn này đã sơ sài lắm.
“Trải các triều vua, nhất là triều vua Thiệu Trị, ngài là một ông vua hết lòng sùng phụng và rất sốt sắng với đạo Phật. Những sự nghiệp xây dựng cho Phật Giáo về thời này, ngài là người đáng cho ta chép vào lịch sử hơn hết. Nhưng thật ra Phật Giáo vào thời này đã kém lắm rồi, nên dầu các triều vua vẫn tín ngưỡng sùng phụng, làm chùa đúc tượng mà tinh thần Phật Giáo vẫn suy.
“Ðến đây, từ trên vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng an trí đạo Phật là ở sự cúng cấp cầu đảo chứ không biết gì khác nữa. Và phần đông họ chỉ trọng ông thầy ở chỗ danh vọng chức tước, mặc dầu ông thầy ấy thiếu học, thiếu tu. Bởi tệ hại ấy, làm cho Tăng đồ trong nước lần lần sa vào con đường trụy lạc, cờ bạc rượu chè, đam trước thanh sắc. Tuy vậy, ở miền trung ương Bắc Kỳ về kỷ luật Tăng Già bề ngoài còn giữ được nghiêm chỉnh đôi chút, chứ như Trung Kỳ phần nhiều thì họ đã có vợ có con một cách công nhiên, không còn áy náy, nhứt là Nam Kỳ ông thầy bà vãi lại càng hỗn độn hơn nữa. Cũng vì tình trạng ấy mà tạo nên hại lớn ngày nay, đến nỗi gần 15 năm lại đây, hiện tượng suy đồi ấy càng biểu diễn đến chỗ tồi bại: phần đông tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước, xin bằng Tăng Cang, Trú Trì, Sắc Tứ v.v... một phương diện khác thì chỉ biết cúng cấp, cầu đảo, phù chú (phù chú đã thành phù thủy hóa) làm tay sai cho các nhà vua chúa, quan quyền, phú hộ, thay vì họ cầu đảo cúng cấp để làm kế sinh nhai, hoặc phải chăm việc đồng áng có thể nuôi sống hàng ngày; còn một hạng nữa chỉ giữ mình cho được thanh nhàn, ăn chơi tiêu khiển bảo là giải thoát... Ôi! Tinh thần Phật Giáo đến đây hầu đã tuyệt diệt! Bởi vậy các cảnh chùa trong nước đã thành những cảnh gia đình riêng, không còn gì là tính cách đoàn thể của một tôn giáo nữa. Họ sống trong Phật Giáo hầu hết chỉ để “dốt” và “quên”! Quên để khỏi phải biết đến bổn phận - bổn phận chơn chánh của một tăng đồ.
“Ở trong tăng đồ thì như vậy, ở ngoài tín đồ cư sĩ thì cũng ngơ ngác ú òa, tin bướng theo càn, ít ai là người hiểu đạo lý.
“Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam ta có thể đánh vào đây một dấu than rất to tướng! Có người bảo Phật Giáo về thời này bị suy đồi là bởi thế lực truyền bá của đạo Thiên Chúa. Nhưng theo ý chúng tôi thì không phải: chỉ là tại nhân tâm của thời đại mạt pháp mà thôi, khiến cho trong Phật Giáo thiếu những bậc tu hành chân chánh, đến nỗi đạo pháp phải suy đồi.”
Không những tại Việt Nam tình trạng Phật Giáo sa sút mà tại các nước khác như Trung Quốc, Ðại Hàn, Nhật Bản cũng cùng chung cảnh ngộ khi Phật Giáo bị đứng giữa gọng kềm Khổng Giáo và sức mạnh của nền văn hóa Tây Phương trong giai đoạn bành trướng thế lực.
Tại Trung Quốc, một thi sĩ thế kỷ thứ 18 đã diễn đạt tình trạng một trong những ngôi chùa hoang như sau:
Không có một vị tăng nào cư trú trong chùa,
Tượng Phật ngã nhào xuống sân chánh điện,
Chiếc chuông chùa treo trên cao, lấp lánh ánh nắng chiều
Chỉ cần một khẻ nhẹ – nhưng buồn thay không ai làm
Là có thể dóng lên tiếng nhạc trầm hùng trong khung trời cổ kính.
(Bài thơ với nhan đề: Chuông Chùa, sáng tác năm 1769.
Arthur Val: Yuan Mei, An Eithteenth Century Poet, London 1956)
Triều đình và quần chúng dần dần xa cách Phật Giáo, thật ra không phải hoàn toàn do sự cạnh tranh của nền Tân Khổng Giáo, cũng không hoàn toàn vì hệ thống thi cử ra làm quan dựa vào kinh sách Nho học, mà do guồng máy chính quyền từ thời Tống đến năm 1912 đã được cải thiện, có thể áp đặt quan điểm, chính sách và đường lối của mình một cách hữu hiệu hơn so với những thời đại trước. Ngoài chế độ thi cử, chính quyền còn kiểm soát chặt chẽ chương trình học, kiểm soát sách vở, báo chí; kiểm soát dân từ trên xuống dưới, trong đời sống cá nhân cũng như trong nếp sống tập thể. Chính quyền dùng mọi hình thức hướng dẫn tư duy và hành động của dân đối với chính quyền.
Tân Khổng Giáo cung cấp cho hàng thượng lưu trí thức Trung Hoa một nền triết học, một chủ thuyết được vay mượn từ Phật Giáo, càng ngày càng hấp dẫn, hậu quả khiến các danh gia vọng tộc không thiết tha bảo trợ Phật Giáo. Sức sống của Phật Giáo dần dần đi xuống, không còn chiếm địa vị độc tôn. Tư tưởng mới, phong thái mới, quyền hành mới, con đường đi đến quyền hành mới, tất cả tạo cho hàng sĩ phu Trung Hoa một sự thống nhất tư tưởng và chất keo xã hội mới gắn họ vào thành một khối. Một trong những nhiệm vụ thiêng liêng của giới sĩ phu Trung Hoa cũng như triều đình Trung Quốc là quảng bá đạo lý Khổng Mạnh khắp trong nước và trong thời điểm này quan quyền trung ương cũng như địa phương làm đủ cách khiến cho quảng đại quần chúng phải cắt đứt giây liên hệ tôn giáo, trở về với nền đạo đức dân dã, đạo đức Tân Không Giáo.
Tại Triều Tiên, dưới thời nhà Lý (1393-1910) Phật Giáo suy yếu, nhường thế chỉ đạo cho Tân Khổng Giáo (Lý Học). Vua Thái Tôn thi hành chính sách bài Phật sùng Nho, hủy bỏ các tông phái Phật Giáo, triệt hạ tự viện, thi hành nghiêm khắc lệnh cấp phát đồ điệp, phế bỏ chức Quốc Sư. Vua Thế Tôn đem các tông phái Phật Giáo hợp thành hai tông phái lớn là Thiền Tông gồm Tào Khê Tông, Thiên Thai Tông v.v... và Giáo Tông gồm Hoa Nghiêm Tông, Tứ Ân Tông v.v... hạn chế số lượng tự viện và Tăng Ni. Thiền Tông chỉ được hành trì trong 18 ngôi chùa với 1970 Tăng. Giáo Tông chỉ được hành hoạt trong 18 ngôi chùa với 1750 Tăng, còn tất cả những ngôi chùa khác bị phá hủy, số tăng còn lại bị bắt hoàn tục.
Từ năm 1651 đến năm 1910, từ thời vua Hiếu Tông (1650-1659) trở về sau Phật Giáo hết sinh lực, không có chư tăng giảng dạy Phật Pháp, không có Trú Trì bảo quản tự viện. Vua Hiển Tông (1660-1674) cấm không cho dân chúng xuất gia tu Phật, bắt Tăng Ni hoàn tục, làm cho Phật Giáo Triều Tiên hầu đi đến chỗ diệt vong.
Trong lịch sử truyền thừa, phát triển, Phật Giáo đã phải đương đầu với những nền văn minh bản xứ. Phật Giáo Trung Hoa, Việt Nam nhiều lần bị Khổng Giáo chèn ép, nhưng chưa bao giờ đến mức độ thê thảm như Phật Giáo Triều Tiên. Dưới thời Lý, chư Tăng Phật Giáo không được cư trú tại thủ đô, khắp nước không được quá 38 ngôi chùa, không được quá 3,720 Tăng Ni và vị thế xã hội của hàng Tăng Ni trở thành giai cấp thấp nhất trong xã hội Triều Tiên.
Dầu bị đàn áp, dầu bị liệt vào giai cấp thấp nhất trong xã hội dưới thời nhà Lý, Phật Giáo Triều tiên vẫn tồn tại. Tư tưởng Phật Giáo, nếp sống Phật Giáo, tinh thần dung hợp của Phật Giáo, hình ảnh đức Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn là nơi nương tựa tinh thần và tình cảm của dân chúng Ðại Hàn. Tịnh Ðộ Tông là nguồn nước mát cho dân Triều Tiên trong phong ba bão táp thời đại.
Tại Nhật Bản, dưới thời Giang Hộ (Edo 1603-1867), Phật Giáo được chính quyền ủng hộ triệt để, đã trở thành cánh tay đắc lực của chính quyền Mạc Phủ. Quyền lực và danh lợi thường đi đôi với nhau. Tăng sĩ ngày càng bị tha hóa, trở nên xa hoa, trụy lạc, quay lưng lại với lý tưởng giải thoát, mua lấy sự căm phẫn của giới trí thức và quảng đại quần chúng.
Trong thời Giang Hộ, một số nhân sĩ trí thức đứng lên công kích Phật Giáo. Tại Phiên Thủy Hộ (Mito) chính quyền địa phương ủng hộ quan điểm của phái Chu Tử, thi hành chính sách Thần Phật Phân Ly, chỉ giữ lại những ngôi chùa lớn, còn những ngôi chùa nhỏ và những chùa không có tăng sĩ cư trú thì phế bỏ. Tuy nhiên những hành động như vậy chỉ có tính cách địa phương. Phật Giáo vẫn còn mạnh dưới tàng lọng của Mạc Phủ. Ðến thời Minh Trị (1867-1912) tình thế thay đổi. Tháng 3 năm 1868, Thiên Hoàng Minh Trị ra sắc lệnh Thần Phật Phân Ly, bắt hoàn tục các vị tăng chỉ biết làm nhiệm vụ cúng kiến, đang trông nom các ngôi Thần Cung Tự, phụ thuộc các ngôi Thần Xã; bắt không được lấy tượng Phật làm tượng Thần, không được sử dụng danh từ như Bồ Tát v.v... cho các vị Thần, phá bỏ các loại pháp khí như chuông mõ trong các ngôi đền thờ Thần.
Những nhà Quốc Học cũng như Chu Tử Học vốn không có cảm tình với Phật Giáo, đặc biệt với hàng tu sĩ Phật Giáo mà họ cho là sa đọa, dựa vào sắc luật Thần Phật Phân Ly, ra sức tàn phá Phật Giáo. Họ tung ra chiến dịch Phế Phật Hủy Thích trên toàn quốc, dùng gậy gộc, dao búa xông vào các tự viện đốt phá chùa chiền, kinh tượng, bắt tăng sĩ hoàn tục. Phong Trào Phế Phật Hủy Thích làm cho Phật Giáo phải thần phục thể chế chính trị mới, thể chế lấy Thiên Hoàng làm trung tâm quyền lực và chính trị.
Mặc dầu bị phá hoại, bị đàn áp, Phật Giáo không vì vậy mà bị mai một. Sau pháp nạn rùng rợn vào những năm đầu thời Minh Trị Duy Tân, Phật Giáo nhận thấy cần phải chấn chỉnh nội bộ, thanh tịnh hóa thiền môn, tôn trọng đạo đức, lấy giới luật làm thầy. Ngoài ra Phật Giáo còn phải tích cực hoạt động xã hội, mở các chiến dịch chống trộm cướp, chống phá thai, xây dựng bệnh viện, cô nhi viện, dưỡng lão viện, tổ chức những đoàn tuyên úy giúp đỡ, hướng dẫn tù nhân.
Tại Việt Nam dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận III “tuy Phật Giáo ít bị kỳ thị nhưng chủ lực chính trị nằm trong tay Nho gia. Từ năm 1817 về sau, các Nho gia cảm thấy có sự liên kết giữa những phong trào truyền đạo Cơ Ðốc và sự phát triển của thế lực thực dân cho nên đã bắt đầu chống đối Cơ Ðốc Giáo. Sự chống đối này phát triển mạnh từ khi vua Minh Mạng lên ngôi... Dần dần một số Nho Gia trở nên có cảm tình với đạo Phật. Nhưng phải đợi cho đến khi văn hóa Tây Phương du nhập, tây học chiếm chỗ của Nho học, ta mới thấy cảnh Nho sĩ và Tăng sĩ ngồi chung uống trà đàm đạo nơi thiền viện...” (VNPGSL III tr. 13)
Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh đang đứng nói chuyện với chư tăng trước sân chùa Tịnh Quang, thì vừa lúc ấy, một toán học sinh khác đi ngang qua. Mặt mũi đứa nào đứa nấy trông sáng sủa, đặc biệt trong đó có một cậu học sinh độ chừng 11, 12 tuổi với đôi mắt sáng, trán rộng, mũi cao. Hòa thượng chăm chú nhìn cậu học trò khôi ngô khác thường ấy, rồi bước đến gần, cầm tay cậu học trò ấy, hỏi:
– Con tên gì, bao nhiêu tuổi?
– Con tên Thuần, Diệp Trương Thuần. Con 11 tuổi.
– Con học gì đó, đưa ta xem nà.
– Con học Luận Ngữ.
– Con học chữ Nho năm nào? Tại sao con không học chữ quốc ngữ mà học chữ Nho?
– Con học chữ Nho cách đây 4 năm khi con lên 7. Vì Thầy con cho con học chữ Nho nên con học chữ Nho.
Cậu học trò nhỏ trả lời rõ ràng, lễ phép. Hòa Thượng giở sách, chỉ mấy dòng, bảo đọc. Trò đọc ngay:
“Quân tử chi học văn hồ nhĩ
Nhập hồ tâm, bổ hồ tứ chi,
Hành hồ động tịnh...”
Hòa Thượng dở chỗ khác bảo đọc. Trò nghe lời, đọc:
“Tử viết: quấn tử thực vô cầu bảo,
cư vô cầu an,
mẫn ư sự nhi thận ư ngôn,
tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị học dã dĩ.”
Hòa Thượng bảo:
– Con giải nghĩa cho ta nghe thử.
Không ngần ngại, trò giải nghĩa suông sẻ. Hòa Thượng chọc:
– Sao, con ăn mà không cầu no hả? Ở mà không cần tiện nghi hả?
– Con không biết. Thầy giải nghĩa thế nào thì con chỉ biết giải nghĩa theo lời thầy.
Hòa thượng vuốt đầu, khen:
– Con ngoan, giỏi lắm, giỏi lắm.
Sau khi đám học trò đi rồi Hòa Thượng hỏi quí thầy về đứa trẻ. Con cái nhà ai. Quí thầy trong sơn môn cho biết đứa trẻ ấy là con của cụ Diệp Văn Kỷ ở làng Xuân An, tổng An Ðôn, phủ Triệu Phong. Nhà cụ ở trên bờ sông Thạch Hãn.
Hòa thượng Tâm Tịnh hỏi:
– Nhà cụ Kỷ cách chùa có xa lắm không?
– Không xa lắm, độ chừng 5, 6 cây số.
– Có cách gì chúng ta đến thăm cụ, gặp lại cháu nhỏ khi nãy?
– Ðể chúng con sắp đặt.
Chiều hôm ấy, sau khi thọ trai xong Hòa Thượng Tâm Tịnh và một số quí thầy lên đường đến nhà cụ Diệp Văn Kỷ. Bốn chiếc xe ngựa chở Hòa Thượng và chư sơn đến xã Xuân An. Xe đậu bên sông. Hòa Thượng và chư sơn phải đi thuyền qua bên kia. Thuyền đậu ngay trước bến nhà cụ Kỷ. Hòa Thượng và chư sơn bước lên bờ.
Ðược báo tin trước, cụ Kỷ và một số người trong gia đình đã túc trực tại bến đò. Khi Hòa Thượng và chư sơn bước lên bờ, cụ Kỷ và gia quyền chấp tay cung kính vái chào và mời Hòa Thường cùng chư sơn vào nhà cách bờ sông chừng 20 thước.
Sau khi đã pha trà mời Hòa Thượng và chư sơn dùng, cụ Kỷ bảo con cháu ra sắp hàng để cụ giới thiệu:
– Ðây là đứa con trai đầu của bà vợ cả đã qua đời tên là Diệp Văn Hùng đã thành gia thất.
– Ðây là cháu gái đầu của bà vợ kế, tên là Diệp Thị Tý. Bà vợ kế cũng đã qua đời cách đây 2 năm.
– Ðây là cháu Diệp Trương Thuần, 11 tuổi mà Hòa Thượng và chư sơn đã gặp sáng nay tại chùa Sắc Tứ.
– Ðây là cháu Diệp Trương Cẩn, con trai kế.
– Ðây là dì Chắt, em ruột của tiện nội, lo săn sóc các cháu khi bà chị qua đời.
Hòa Thượng hỏi cháu Thuần sinh giờ nào, năm nào?
– Cháu sinh vào giờ Tỵ, ngày Hợi, 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ, tức là ngày 16 tháng 2 năm 1905.
Nghe xong Hòa Thượng bấm đốt tay tính nhẩm rồi vui vẻ nói với cụ Kỷ:
– Cháu Thuần có tướng số rất tốt, có bốn Tiên đạo, lớn lên ở đời sẽ làm quan cao, chức lớn, nếu xuất gia đầu Phật sẽ trở thành người hữu dụng cho Phật pháp.
Cụ có biết không, Hòa Thượng hạ giọng:
“Quan trường là hoạn hải, sông danh sóng lợi chưa biết sẽ kéo ta vào ngả nào, chi bằng theo Phật, dù có ba chìm bảy nổi cũng chuẩn bị cho con đường giải thoát thênh thang, sáng sủa hơn”.
Cụ Diệp văn Kỷ nghe lời Hòa Thượng dạy lặng thinh không trả lời.