- Mục Lục
- Thay Lời Tựa
- Chương 1: Hòa Thượng Thích Tâm Tịnh (1868-1929), Bổn Sư Của Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu
- Chương 2: Phật Giáo Việt Nam Vào Cuối Thế Kỷ 19 Ðầu Thế Kỷ 20, Dưới Thời Hòa Thượng Tâm Tịnh
- Chương 3: Gia Thế Và Thời Thơ Ấu Của Hòa Thượng Ðôn Hậu
- Chương 4: Hạt Bồ Ðề Chớm Nở
- Chương 5: Một Thoáng Trần Duyên, Một Giây Sinh Tử
- Chương 6: Thế Phát Xuất Gia, Tầm Sư, Học Ðạo
- Chương 7: Dưới Chân Thầy Tổ Những Năm Tháng Tại Phật Học Viện Thập Tháp & Tây Thiên
- Chương 8: Bối Cảnh Xã Hội Từ 1932 Ðến 1945 Và Phong Trào Phục Hưng Phật Giáo
- Chương 9: Công Tác Hoằng Truyền (1932-1945)
- Chương 10: Ngưỡng Cửa Tử Thần (1947) Từ Chiến Tranh Việt- Pháp (1946) Ðến Hiệp Ðịnh Genève (1954)
- Chương 11: Trong Lòng Pháp Nạn (1963)
- Chương 12: Gọng Kềm Lịch Sử (1966-1968)
- Chương 13: Từ Trường Sơn Ðến Thảo Nguyên Mông Cổ (1968-1975)
- Chương 14: Trở Về Chùa Xưa
- Chương 15: Dung Thông Tam Muội
- Chương 16: Như Áng Mây Bay
- Tài Liệu Nghiên Cứu Và Trích Dẫn
NHƯ ÁNG MÂY BAY
Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA
Sau khi Phật thành đạo, bài kinh đầu tiên giảng cho năm ông Kiều Trần Như là Kinh Chuyển Pháp Luân, thuyết minh đạo lý trung đạo. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Ðề Bà Ðạt Ða, đức Phật cho biết một trong những tiền thân của Ngài có liên quan đến Ðề Bà Ðạt Ða và Ðề Bà Ðạt Ða là trợ duyên quan trọng giúp ngài tinh tấn hành trì bồ tát đạo. Vì vậy Ðề Bà Ðạt Ða, đối với Phật là một ân nhân và Phật đã thọ ký cho Ðề Bà Ðạt Ða về sau thành Phật hiệu Thiên Vương Như Lai. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật chỉ rõ bản thể của tâm để hành giả nương vào đó chuyển mê khai ngộ. Bồ Tát an trụ vào tâm thanh tịnh để cứu độ chúng sinh. Sử dụng hình tướng, danh sắc, nhưng tâm vẫn thường an trụ vô tướng. Thị hiện nhập niết bàn nhưng không bao giờ tịch diệt. Chu du khắp mười phương quốc độ mà vẫn giữ bình đẳng pháp tính. Ðối đầu với ma oán nhưng không bị ma oán chi phối, luôn luôn chan hòa từ ái.
Tôn Ngộ Không, nhân vật trong Tây Du Ký, khuấy nước chọc trời, bị giam trong Ngũ Hành Sơn, đối với Phật, với Bồ Tát Quán Thế Âm là nhân tuyển thích hợp giúp Ðường Huyền Trang sang Tây Trúc thỉnh kinh. Trước cổng tam quan của nhiều ngôi chùa Việt Nam có hai bức tượng: tượng Ông Thiện, tượng Ông Ác. Ông Thiện mặt mày hiền lành, Ông Ác mặt mày hung dữ. Cả hai ông đều là hộ pháp. Cả hai ông đều hộ trì Tam Bảo. Phật Giáo không xem ai là kẻ thù và, với đạo lý trung đạo, đạo lý từ bi và giải thoát giác ngộ, Phật Giáo sẵn sàng dang tay đưa họ về với Phật.
Dưới thời nhà Ðường tại Trung Quốc có một nhà Nho tên là Hàn Dũ (768-824) nhiều
thành kiến với Phật Giáo, phản đối vua Ðường Hiến Tông làm lễ rước xá lợi Phật,
cho như vậy là mê tín dị đoan và làm hao tổn quốc khố. Nhưng sau được Ðại Ðiên
Hòa Thượng hướng dẫn, đã quay về với Phật, lấy đạo giải thoát làm chỗ nương
thân.
Tại Việt Nam đời Trần (1293-1341) Trương Hán Siêu khi soạn bài Ký Tháp Linh Tế ở
núi Dục Thúy và bài bia chùa Khai Nghiêm, đã chỉ trích Phật Giáo, đề cao Nho
Giáo, nhưng vào cuối đời, ông làm bài thơ tả cảnh núi Dục Thúy rất nổi tiếng,
được học giả Trần Văn Giáp dịch như sau:
Non xanh xanh vẫn như xưa
Du nhân đi mãi vẫn chưa thấy về.
Sóng in bóng tháp bồ đề,
Mở toang cửa động liền kề chân mây.
Ðời lênh đênh trước khác nay
Thân nhàn mới biết trước ngày lầm to...
Sau bao kinh nghiệm ruộng dâu bãi bể, cuộc sống phù trầm, Trương Hán Siêu trước
hình ảnh giải thoát của đức Phật, trước nếp sống dung dị của các bậc chân tu,
đã thấy rõ đâu là điểm tựa cần thiết cho cuộc đời.
Vào đầu thế kỷ 19 ở miền nam có một nhà khoa bảng nổi tiếng tên là Bùi Hữu
Nghĩa(1807-1872) khi soạn bản tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên, có đôi chỗ chế
nhạo các nhà sư, nhưng khi ông qua đời, các nhà sư mang bài vị của ông về chùa
thờ, ngày đêm hương khói. Không có lòng bao dung thì không phải đạo Phật.
Ðầu thế kỷ 20 khi dân tộc ta đang tìm cách lật đổ gông cùm nô lệ, Phật tử, Tăng
Ni, chùa chiền góp phần đấu tranh dành độc lập, dành quyền sống, dành công bằng,
công lý. Năm 1943 bác sĩ Yersin người Pháp qua đời, hai chùa Long Sơn và Long
Tuyền đem linh vị bác sĩ về thờ, hàng năm làm lễ cúng giỗ long trọng. Phật Giáo
biết phân biệt chánh tà, không mù quáng vì màu da, tín ngưỡng.
Năm 1942 trong bài giảng Tam Thân Phậtcho Phật Tử Việt Kiều
tại Savannakhet, Lào Quốc, khi cắt nghĩa về Hóa Thân, một trong Ba Thân (Pháp
Thân, Báo Thân, Hóa Thân), Hòa Thượng Ðôn Hậu nói do tâm nguyện độ sinh mà chư
Phật thường tùy duyên ứng hiện trong những hình hài khác nhau để hóa độ chúng
sinh. Chúng ta may mắn được làm con Phật. Ngài mãi mãi ở bên cạnh chúng ta, dắt
dìu, an ủi chúng ta, vì mắt phàm chúng ta không thấy, chứ không khéo ngài đang
là người bạn cùng chúng ta đi trên con đường đạo. Nếu vậy chúng ta không thể
nhìn đời bằng oán thù, nghi kỵ mà phải bằng từ ái, bao dung. Tất cả chúng sinh
đều là Phật sắp thành, là bạn lữ, là thầy của chúng ta.
Năm 1947 khi quân Pháp tiến chiếm cố đô Huế, Hòa Thượng Ðôn Hậu bị bắt, bị lính
Pháp ra lệnh đào hầm xử tử. Trời lạnh cóng xương, Hòa Thượng cố gắng đào, lòng
không oán hận mà cầu cho những người bị bắt giam, bị cực hình bỏ được ác niệm,
bỏ hận thù. Hòa Thượng nhìn những người lính Pháp, những người lính Việt theo
Pháp bằng cặp mắt bao dung độ lượng.
Năm Tân Sửu, 1961 là năm Phật Giáo Miền Trung bị chính quyền đàn áp nặng nề nhất,
nhưng trong bài giảng nhân Ðại Lễ Phật Ðản, Hòa Thượng cổ võ Phật Tử: “Muốn
Phật Pháp trường tồn, chúng ta phải luôn luôn thực hành hạnh từ bi, hỷ xả, nhẫn
nhục, tinh tấn, trong bối cảnh pháp nhược ma cường, giữa lúc nền đạo đức dân tộc
đang bị phá hủy.”
Năm 1963 sau vụ Phật Giáo kỳ không được treo trong ngày đại lễ Phật Ðản tại Huế,
Tăng tín đồ Phật Giáo đứng lên đòi bình đẳng tôn giáo bị tù tội, lăng nhục. Hòa
Thượng Thích Quảng Ðức và nhiều Tăng Ni đã tự thiêu, vị pháp vong thân, người
ta không cảm thông được sự khổ đau của người phải lấy thân mình làm bó đuốc soi
đường, đã mỉa mai xúc phạm nặng nề. Phật Giáo không lấy điều đó mà oán hận.
Phật Giáo có chủ trương lật đổ chính phủ Ngô Ðình Diệm hay không, có chống Công
Giáo hay không? Có theo đảng phái chính trị nào không? Trong Bản
Phụ Ðính Tuyên Ngônnăm 1963, Phật Giáo trình bày rõ ràng quan điểm của
mình:
1. Phật Giáo không chủ trương lật đổ chính phủ mà chỉ nhắm thay đổi đường lối của
chính phủ đối với Phật Giáo.
2. Phật Giáo không xem ai là kẻ thù cả. Ðối tượng của cuộc đấu tranh tuyệt đối
không phải Thiên Chúa Giáo mà là chính sách bất công tôn giáo.
3. Phật Giáo không chấp nhận sự lợi dụng của bất cứ ai. Phật Giáo từ chối sự lợi
dụng nếu có, của cọng sản và của những kẻ mưu toan chức vị chính quyền.
Vừa khi tiếng súng Cách Mạng 1963 chấm dứt, sợ một số Phật Tử có phản ứng mạnh
với những người của chế độ cũ đã từng có hành động sinh sát với họ, Hòa Thượng
viết Lời
Kêu Gọi Khẩn Thiết, nhờ quảng bá trên các đài phát thanh, các phương tiện
truyền thông kêu gọi hàng Phật Tử phải nêu cao đức Từ Bi, Hỷ Xả, tuyệt đối
không gây hấn, trả thù bất cứ ai. Phải luôn luôn phát huy đức tính khoan dung,
từ hòa của người Phật Tử.
Người ta cứ tưởng Phật Giáo muốn tranh dành quyền bính. Trong Ðại Hội Phật Giáo
Miền Trung sau năm 1963, Hòa Thượng trong bài diễn văn Khai Mạc Ðại Hội đã nói:
“Căn
bản của Phật Giáo Việt Nam là dân tộc chứ không phải chính trị và chính quyền...
Phật Giáo không bao giờ từ bỏ cương vị tôn giáo của mình. Noi theo lời dạy của
Phật, người Phật Tử trau dồi đức từ bi, nhẫn nhịn, dung hòa và học tập đức vô
úy... Phật Giáo Việt Nam nỗ lực phát huy truyền thống tự phát triển tôn giáo
mình không dựa vào cường quyền mà bằng sự thực hành giáo lý Phật.”
Tình dân tộc rạt rào trong huyết quản Phật Giáo Việt Nam. Vào những năm
1966-1968 Phật Giáo muốn nói lên tình tự ấy, nói lên ước vọng của dân, đã bị
chính quyền đương thời, đàn áp không nương tay. Hòa Thượng vẫn chủ trương thuyết
vương đạo, lấy lễ nghĩa làm giềng mối. Theo Tuân Tử, một Nho gia thời Chiến Quốc,
qua hành động của người xưa, liệt kê ba phương thức điều hành đất nước gọi là
Vương Ðạo, Bá Ðạo và Vong Quốc Chi Ðạo. Vương Ðạo lấy lễ nghĩa làm căn bản, “giết
một người vô tội mà được thiên hạ cũng không làm”, Bá Ðạo lấy chữ tín
làm nền tảng. Vong Quốc Chi Ðạo lấy lợi và quyền uy làm gốc. Chính quyền quân
nhân, không lấy lễ nghĩa làm nền tảng, không giữ chữ tín, mà lấy quyền lực làm
trọng, lấy “body count” làm chính sách. Họ không chịu lắng nghe tiếng nói của
dân, cảm thông ước vọng và khổ đau của dân. Họ không hỏi tại sao những ông tướng
do chính phủ gửi đến lại theo Phong Trào. Họ chỉ biết trấn át. Ðó là Vong Quốc
Chi Ðạo.
Tuy bị đàn áp nặng nề, Phật Giáo cũng không hận thù, vay trả. Văn hóa Phật Giáo
không phải văn hóa “Răng Cho Răng, Mắt cho Mắt”. Hòa Thượng đã trải tâm tư của
mình trong bức thư gửi cho toàn thể tín đồ Phật Giáo Việt Nam, như Huyết
Lệ Thư, như Lời Kêu Cứu, mong các thế lực thấy sự liên hệ mật thiết giữa Phật
Giáo và Dân Tộc mà nương tay, đừng phá hoại Phật Giáo, nhưng lời kêu cứu ấy
không khác tiếng kêu giữa sa mạc, bị nghiền nát trong gọng kềm lịch sử. Hòa Thượng
tự hỏi không biết tại sao một chính thể mệnh danh cho dân, vì dân lại đàn áp
dân. Những nhà lãnh đạo Phật Giáo bị chính quyền xem như kẻ thù, không có chỗ đứng.
Phật Giáo bị gạt ra khỏi lòng Dân Tộc. Chính phủ quân nhân, rồi Ðệ Nhị Cọng Hòa
theo Vong Quốc Chi Ðạo đã đưa Miền Nam Việt Nam vào tử lộ.
Sau ngày 30/4/1975 các nhà lãnh đạo Phật Giáo, trong đó có Hòa Thượng Thích Ðôn
Hậu, nguyên Giám Luật Giáo Hội Tăng Già Việt Nam, đệ tam Tăng Thống Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam Thống Nhất đã bị xuyên tạc với nhiều lời lẽ xúc phạm, hằn học.
Chiến dịch mạ lỵ, bóp méo sự thật, sau ba chục năm vẫn còn tiếp tục. Người ta gọi
đức Giám Luật, đức Ðệ Tam Tăng Thống, một ngôi vị tôn quí, lãnh đạo tinh thần của
hàng triệu Tăng Ni, tín đồ Phật tử Việt Nam trong nước cũng như tại hải ngoại,
của đại đa số dân Việt Nam, bằng những lời lẽ quá ư xúc phạm. Họ không để cho cửa
thiền được chút tôn nghiêm, thanh tịnh.
Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu nếu có nghe những lời này, chắc ngài cũng vẫn hoan hỷ
cười, cái cười hiền hòa, cởi mở của một nhà tu:
Phong
lai sơ trúc,
Phong khứ nhi trúc bất lưu thanh.
Nhạn quá hàn đàm,
Nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh.
Gió rít qua rặng tre, gió lướt bay đi không để lại tiếng. Con chim nhạn bay
ngang hồ nước lạnh, nhạn bay qua rồi không để lại bóng hình. Thế nhân đầy ngang
trái trôi qua không để lại cho Hòa Thượng những vướng bận, ưu sầu mà chỉ Như
Áng Mây Bay, tất cả rồi cũng trở về hư vô, tịch mặc.
Ngài chỉ bận tâm khi Phật Giáo bị phân hóa năm 1966 cũng như năm 1982. Nỗi quan
tâm của ngài được biểu hiện trong Thông Ðiệp Phật Ðản, trong đó ngài cho thấy
tai họa tại tâm chấp trước, phân biệt gây nên: “Bên này, bên kia, bỉ, thử, ngã
nhân làm mất đi trí tuệ bát nhã, làm mờ tri kiến Phật”. Mối quan tâm
này còn được diễn đạt một cách tích cực trong Tâm Thưgửi Tăng Ni Phật
Tử Hải Ngoại, trong Thông Ðiệpnăm 1991 và trong Lời Di Chúctrước khi
ngài viên tịch.
Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã cực
kỳ xúc động khi đọc Tâm Thư của Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu: “Sáng thứ Bảy 21 tháng 9 năm 1991,
Ðại Hội Khoáng Ðại Kỳ 6 của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã khai mạc
tại chùa Liên Hoa, thành phố Olympia, thủ phủ của Tiểu Bang Washington. Tâm Thư
của Ôn Linh Mụ đã đến với Ðại Hội như Tiếng Gọi ân cần của người cha. Niềm xúc
động đã dâng trào cả Ðại Hội, đã tới với những người khách chưa từng quen với
sinh hoạt Phật Giáo. Tôi muốn nói đến ông George Bamer, đại diện chính quyền địa
phương đã đến dự. Người đọc khóc, người nghe khóc, cả rừng người khóc. Nước mắt
không biết từ đâu cứ ràn rụa tuôn ra làm cho tôi không thấy chữ để đọc. Riêng
ông George Bamer vì không hiểu gì nên KHÔNG khóc. Nhờ KHÔNG khóc, ông đã thấy
và vội rút khăn tay trên túi của ông trao cho tôi để lau nước mắt nước mũi khitôi
đang cố đọc lá thư tâm huyết của Ôn. Bất chợt tiếng KHÔNG của ngài Triệu Châu
xưa vọng về trong tôi. Cả một gánh nặng tình cảm và trách nhiệm nơi Tiếng Gọi của
Ôn đặt lên Ðại Hội, đặt lên vai hàng Chúng Trung Tôn hốt nhiên thành nhẹ nhàng.
Bởi trước mặt, tiếng KHÔNG vẫn sừng sững giữa chốn Thiền Môn, tiếng KHÔNG xóa mờ
hết mọi ranh giới, nhân-ngã, thị-phi, bên này và bên kia. Con đường thống nhất
đích thực là con đường hòa điệu. Và hòa điệu nền tảng là hòa điệu với KHÔNG. Kẻ
nào hòa điệu với KHÔNG, thì hòa điệu với tất cả. Ngài Long Thọ đã nói đâu đó
như thế.” (Los Angeles, Mùa Ðón Tết Nhâm Thân 92, Huyền Không, đăng
trong tạp chí Phật Giáo Việt Nam, số 79, tháng 1, 1992 – Xuân Nhâm Thân).
Hòa Thượng Thích Huyền Quang nói: qua hai văn kiện Tâm Thư và Thông Ðiệp, ngài
đã phá vỡ vòng vây hãm hiểm nghèo cho Giáo Hội, đã liên kết Tăng Ni Phật Tử Hải
Ngoại với Tăng Ni Phật Tử trong nước. Sức mạnh gì có thể phá vỡ vòng vây hiểm
nghèo? Ðó là tinh thần hòa hợp, tinh thần phá chấp, tinh thần hài hòa trung đạo
của Phật Giáo.
Thầy Thích Phước Sơn trong bài Tinh Thần Cởi Mở Khoan Dung Của Ðạo Phậtđăng trong tạp chí Hoa Sen, số 21, tháng 1, 1994, kết luận: “Kinh
nghiệm cho chúng ta thấy chỉ có những đạo nhân, túc học mới biểu lộ tấm lòng
khiêm hạ một cách chân thành, cũng như chỉ có những bậc bi trí viên dung mới mở
rộng cõi lòng bao dung tất cả.”
Cuộc đời của Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu được trình bày trong cuốn Như
Áng Mây Bayphản ảnh nếp sống đạo hạnh, hiện thân của bao dung, độ lượng,
của chân thành, bình dị, lồng vào sắc thái quen thuộc, thân thương của núi rừng
Yên tử:
Ta
đến với rừng thiêng Yên Tử
Gió trăng ơi xin hãy đón ta về
Ung dung trong cái hư ảo của cuộc sống phù du, vô thường, không bám víu, không
bận bịu. Như Áng Mây Bay, bao phủ, che chở mà không hệ lụy.
Nếp sống đạo đối với Hòa Thượng là từ bi, độ lượng, là nếp sống mà người con Phật
phải hết lòng noi theo, là mô hình mà thế giới hiện đại cần tái khám phá. Sống
trong cái làng địa cầu (global village), chúng ta không thể nhìn đời bằng đôi mắt
hẹp hòi, hạn chế mà phải học hỏi làm thế nào để sống, để hành xử, đề đối đãi với
nhau như những người thân thuộc, vì thế giới ngày nay, quả địa cầu ngày nay của
chúng ta ngày càng nhỏ, càng mong manh.
Như
Áng Mây Bayđược trình bày trong Năm Quyển, Mười Sáu Chương.
– Quyển Một với 2 Chương nói về Ðại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Tịnh, bổn sư của
Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu và tình trạng Phật Giáo đương thời.
– Quyển Hai với 5 Chương nói về thân thế của Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu lúc thiếu
thời, thế phát xuất gia, tầm sư học đạo.
– Quyển Ba với 2 Chương nói sự nghiệp hoằng hóa của Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu
trong phong trào chấn hưng Phật Giáo.
– Quyển Bốn: Thời Ðại Bão Táp với 3 Chương, trình bày những tai họa mà Hòa Thượng
Thích Ðôn Hậu cũng như Phật Giáo Việt Nam phải trải qua trong bối cảnh nghiệt
ngã của đất nước Việt Nam từ ngày quân Pháp trở lại Ðông Dương sau Ðệ Nhị Thế
Chiến, qua thời Ðệ Nhất Cọng Hòa và những năm tháng chuẩn bị cho nền Ðệ Nhị Cọng
Hòa.
– Quyển Năm: Cư Trần Lạc Ðạo, diễn đạt cuộc đời của Hòa Thượng Ðôn Hậu từ ngày
lên núi, ra Bắc, trở về cho đến ngày viên tịch. Ở đâu, trên núi, dưới biển, chỗ
nào cũng là đạo tràng thanh tịnh. Ngài đã vận dụng phương tiện thiện xảo, dung
thông mọi việc, cốt bảo toàn sự nghiệp của Như Lai và ngài ra đi như mây trôi,
gió thoảng, như áng mây bay.
Chúng tôi vâng lệnh phụng soạn cuốn Như Áng Mây Bayđể đáp công ơn cao
dày của vị bổn sư thân quí. Vị bổn sư hài hòa độ lượng, uyển chuyển tùy duyên
theo đạo lý Hòa Quang Ðồng Trần của Tuệ Trung Thượng Sỹ, theo dấu chân Cư Trần
Lạc Ðạo của Trúc Lâm Yên Tử, theo nếp sống đạo Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm của
lịch đại tổ sư, quen thuộc, thân tình như lời nói dân dã: Ðất Vua, Chùa Làng, Phong Cảnh Bụtđể trang trải, viên dung tất cả...
Như
Áng Mây Baylà một phần thành quả của sự huân tập ý đạo, là một phần của
cuộc hành trình đầy mạo hiểm mà ta gọi là kiếp người. Thời gian chúng tôi dành
để biên soạn Như Áng Mây Baylà thời kỳ chúng tôi dần dần cảm nhận được cái
an bình nội tâm, đạt được lòng tự tín khi đi trên bánh xe đời, thể nghiệm được
sự tĩnh mặc giữa hai nhịp thở, lắng nghe được tiếng động của tâm linh và biết
được cái tiềm năng cùng sự hạn chế của cuộc sống.
Như
Áng Mây Baylà thành quả đóng góp tích cực của những người môn đệ đức Ðệ
Tam Tăng Thống, xuất gia cũng như tại gia, về tư liệu, công sức, tịnh tài. Ở
đây chúng tôi xin đê đầu đảnh lễ VĂn Phòng Viện Tăng Thống, Giáo Hội PGVNTN đã
cho ấn hành hạn chế cuốn Tiểu Sử Ðức Ðệ Tam Tăng Thống, kính cẩn đội ơn cố Hòa
Thượng Thích Huyền Quang, xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống, đã viết Lời
Giới Thiệucuốn Tiểu Sử, đã soạn Nghi
Dự Tiếncho buổi lễ Nhập Tháp.
Chúng tôi cũng xin thành thật cám ơn cụ Nguyễn Thúc Tuân dù bận thì giờ và
không quen biết mà vẫn vui lòng tiếp và cung cấp cho chúng tôi những tư liệu
quí giá về Hòa Thượng Ðôn Hậu suốt 10 năm từ năm 1968 đến 1978. Xin cám ơn ông
Hồ Ðăng Thông, quí thầy Trí Tựu, thầy Hải Bình, thầy Hải Tạng đã vui vẻ san sẻ
những dữ kiện về Ôn. Xin cám ơn cô Hồng đã cho tôi mượn cuốn băng, xin cám ơn
huynh trưởng Bạch Hoa Mai, anh chị huynh trưởng Nguyễn Quốc Hưng, Gia Ðình Phật
Tử giúp đỡ phân phối, xin cám ơn anh Trần Hoàng Phụng lo phương tiện chuyên chở,
xin cám ơn gia đình ông bà Trần Thiện Ðường, gia đình ông bà Trần Tường Châu,
tiện nội và các con đã yểm trợ tinh thần, giúp tịnh tài thực hiện cuốn Như
Áng Mây Bay. Nguyện hồi hướng tất cả công đức cho toàn thể Phật Tử, cho
toàn dân Việt, cho thập phương chúng sinh.
Hòa Thượng Thích Huyền Quang đã mô tả Hòa Thượng Ðôn Hậu là nhân cách lý tưởng,
“nhân
cách mà khi dấn thân vào chợ đời trược ác nhưng tâm tư không hề bị ô nhiễm và
nhiễu loạn, khi bị vây khốn trong vòng quyền lực thế gian nhưng vẫn an nhiên tiến
bước theo đường hướng đã tự mình chọn lựa, mặc dù là con đường chênh vênh giữa sống
và chết, vinh và nhục. Ðó là bậc Thượng Sĩ xuất trần mà không bỏ rơi trần gian
khổ lụy. Ngài đã dày công kết dệt sợi dây Ðiều Ngự của Ba La Ðề Mộc Xoa làm giềng
mối cho Tăng luân, duy trì và quảng diễn Tỳ Ni Tạng để cho mạng mạch của Chánh
Pháp trường tồn. Với cốt cách uy nghi, đạo phong trác tuyệt, giới hạnh tinh
nghiêm, Hòa Thượng là hóa thân của bài thuyết pháp thù thắng, linh động và hùng
vĩ, là lời huấn dụ mẫu mực, trang nghiêm, tự tại cho hàng thất chúng đệ tử noi
theo để tu tập, hành trì.”
Với quần chúng Phật Tử Mông Cổ, Hòa Thượng được ngưỡng mộ như bậc Thánh. Hàng
Phật Tử Việt Nam kính trọng Hòa Thượng như vị tôn sư. Với Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất, Hòa Thượng là Ðức Ðệ Tam Tăng Thống. Với chúng con, hàng thất
chúng môn đồ đệ tử của Ngài, Hòa Thượng là sư phụ trong gia đình đạo, là Ôn, sống
mãi trong lòng những người đệ tử thân thuộc, trong lòng con cháu của Ôn, mãi
mãi không có phút nào xa cách.
Cầu mong Ôn từ bi chứng giám.
Cầu mong đức Phật soi sáng cho chúng con.
Vu Lan năm 2009
Ðệ tử: Tâm Ðức phụng soạn