- 1. Những điều kiện hay kĩ năng cơ bản cho một người làm công tác dịch thuật Anh Việt
- 2. Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến một bản dịch Phật giáo Anh-Việt
- 3. Phân tích nội hàm bản dịch
- 4. Phân tích về nguyên Tác và các dịch giả trung gian (Chủ thể)
- 5. Ngoại diện
- 6. Vấn đề lựa chọn và trình bày một thuật ngữ
- 7. Vấn đề kiểm soát chất lượng dịch
- 8. Các ý tưởng liên quan
- 9. Phụ lục
- Chú thích
- Tài Liệu Tham Khảo Chính
Một bài dịch, nhất là những bài thuộc loại giáo pháp tu học, triết lý, hay chuyên khảo dài cho dù rất chú tâm và cẩn thận dịch giả cũng khó lòng tránh hết được các sơ xuất trong khi trình bày, chú thích, tham khảo, hay trong cách dùng từ ngữ. Việc có được một vài người khác có hiểu biết sâu sắc độc lập đọc và hiệu đính lại bài dịch sẽ giảm bớt được các lỗi thuộc về chủ quan này. Ngoài ra, nếu người dịch không làm việc đơn lẻ (điều này thường xảy ra trong các đề tài dịch thuật lớn hay nhiều khó khăn) thì việc tổ chức làm việc sao cho chất lượng bản dịch được đồng đều, tiến độ dịch không bị ngưng trệ và văn phong của các bộ phận (do những người dịch khác nhau) không quá khác biệt cũng rất quan trọng.
7.1 Người hiệu đính:Có nhiều bản dịch coi nhẹ phần hiệu đính và xem đó chỉ như là việc dành cho người giúp sửa chính tả. Đây thật sự là sai lầm to lớn. Người hiệu đính có thể đóng vai trò quan trọng không thua kém người dịch trong việc nâng cao chất lượng bản dịch. Vì là một người "đứng ngoài" nên người hiệu đính có thể cung cấp rất nhiều ý kiến khách quan, cũng như giúp chỉnh sửa sai sót, nhầm lẫn mà đôi khi người dịch không thấy rõ
7.2 Nhóm cộng tác: việc cộng tác dịch thuật có thể từ hai người trở lên. Đối với một nhóm chuyển dịch vài ba người thì sự hoạt động sẽ dể tổ chức thống nhất và ăn khớp. Tuy nhiên, với số thành viên lớn thì việc tổ chức sao cho công việc trôi chảy, ăn khớp, chất lượng và văn phong được giữ cho đồng đều sẽ là một điều cần quan tâm. Việc phân chia công việc nên hết sức chú ý đến sở trường và thời gian hoạt dụng (tổng thời gian làm việc dịch thuật và hiệu suất) của từng thành viên. Việc có một vài thành viên đứng ra lo dàn trải công việc, tổ chức, theo dõi tiến trình, cũng như như làm người dự phòng trong trường hợp có thành viên gián đoạn cũng là điều cần thiết. Đối với một công trình dịch thật lớn thì tổ chức dịch thuật song song cùng lúc giữa các thành phần của đề tài sẽ tiết kiệm nhiều thời gian. Ngược lại, việc tiến hành song song đó lại đòi hỏi các thành viên (nhất là thành viên phải tiến hành chuyển dịch các phần giữa hay cuối) có hiểu biết sâu sắc về đề tài hay đã đọc qua hầu hết các bộ phận cần thiết đủ để nắm bắt phần việc mình đang làm. Để giảm bớt sự không đồng nhất trong ngôn ngữ dịch thuật thì có thể cần dùng đến một bảng thuật ngữ chia sẻ chung và sự thống nhất ý kiến về cách hành văn (thông qua một bài dịch mẫu chẳng hạn). Thực sự, việc không ngang bằng về hiểu biết của từng thành viên có thể là điểm yếu nhưng nó cũng là điểm mạnh vì qua đó người tổ chức có thể lợi dụng tính đa dạng mà phân bổ công việc cũng như biết thêm được chất lượng bài dịch qua các tầm nhìn khác nhau.