- 1. Những điều kiện hay kĩ năng cơ bản cho một người làm công tác dịch thuật Anh Việt
- 2. Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến một bản dịch Phật giáo Anh-Việt
- 3. Phân tích nội hàm bản dịch
- 4. Phân tích về nguyên Tác và các dịch giả trung gian (Chủ thể)
- 5. Ngoại diện
- 6. Vấn đề lựa chọn và trình bày một thuật ngữ
- 7. Vấn đề kiểm soát chất lượng dịch
- 8. Các ý tưởng liên quan
- 9. Phụ lục
- Chú thích
- Tài Liệu Tham Khảo Chính
1.1 Điều kiện chung: Ai cũng biết tiêu chuẩn tối thiếu để có thể dịch một tài liệu Anh ngữ nói chung là có khả năng đọc hiểu bài viết và biết cách diễn đạt nó một cách đúng ý nghĩa sang Việt ngữ. Trong đó, việc nắm bắt các cấu trúc câu và nắm bắt thuật ngữ là điều kiện cần có cho một dịch giả thông thường.
1.2 Điều kiện luận giải:Tuy vậy, có nhiều trường hợp hoặc do cách dùng từ hay cách viết câu của dịch giả Anh, của ngyên tác, hoặc do đặc điểm phức tạp của chính nội dung bài viết nên có thể người dịch sẽ phải đương đầu với những cụm từ hay chữ khó hiểu, hay cấu trúc câu khá phức tạp, hay ngay cả trong một số trường hợp không theo sát luật văn phạm Anh ngữ.
Trường hợp khó khăn này có thể đòi hỏi người dịch dùng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tìm ra được ý nghĩa hay thuật ngữ phù hợp nhất để dùng cho bản dịch Việt ngữ -- Một phương pháp dể thấy là dựa trên ý đang đề cập và dòng lưu chuyển ý hay ngữ cảnh của cả đọan văn trước và sau câu hay chữ đang cần xác minh (phương pháp này đặc biệt có ích trong các bài văn theo đúng quy cách viết kiểu Mỹ được dạy ở các trường đại học về luận Anh văn mà đôi khi được gọi tên là "context clues"). Ngoài ra còn có thể dùng các biện pháp khác dựa trên nhân thân của các dịch giả Anh, của nguyên tác, của giáo pháp đang đề cập, của trường phái triết học, của hoàn cảnh địa lý và không và thời gian liên hệ tới đoạn văn ... để suy đoán ra ý đúng của câu văn hay chữ cần hiểu.
1.3 Khả năng truy cứu: Một kĩ năng thứ hai không thể thiếu cho một người dịch là biết tận dụng các phương tiện tra cứu chuyên ngành và phổ thông. Thật sự, Anh ngữ là ngôn ngữ phổ dụng nhất và do đó cũng là một ngôn ngữ sinh động và rất phức tạp. Chưa một cá nhân nào có thể biết hết hay một từ điển Anh ngữ nào có thể liệt kê đủ các từ vựng và cách dùng trong Anh ngữ. Mỗi một bài viết đều hoàn toàn phụ thuộc vào cách dùng ngôn ngữ của nguyên tác và các dịch giả. Do đó, khó tránh khỏi việc tra cứu thêm bằng các phương tiện sẵn có. Việc tra cứu như thế nào cho có hiệu quả lại là một việc khác. Điều này sẽ được phân tích nhiều hơn ở các phần sau.
1.4 Kiến thức chuyên ngành và Việt ngữ: Sau đến là điều kiện về kiến thức chuyên môn và Việt ngữ. Chẳng hạn, trong một bản dịch liên quan sâu sắc đến Phật học và Khoa học thì người dịch không thể (đúng hơn là không nên làm việc này!) cho ra một bản dịch đúng và hay, mà không đủ kiến thức hay không hề quan tâm tìm hiểu cặn kẽ đến các hiểu biết được đề cập trong cả hai lãnh vực này của đề tài.
Ngoài ra, cũng có trường hợp dịch giả do điều kiện sinh sống không nắm vững đủ Việt ngữ nhưng vẩn chuyển dịch các tài liệu chuyên ngành sang Việt ngữ, điều này sẽ làm hạn chế nhiều phẩm chất của bản dịch.
1.5 Về mặt đạo đức: Sau nữa, cho dù là dịch thuật vì lợi nhuận cá nhân hay vì tha nhân thì bản dịch sẽ không có hồn nếu không đặt một tâm thức hứng khởi và niềm tin nào đó vào trong công việc. Điều này chỉ xãy ra trong nội tâm dịch giả nhưng nó lại một phần là chià khoá ảnh hưởng đến chất lượng dịch.
Mục tiêu tối hậu của một bản dịch, nếu đã loại mục tiêu do nhu cầu vật chất ra khỏi phạm trù này, thật ra là việc làm sao kiến thức trong nội dung của bản dịch được chuyển tải một cách chính xác, đầy đủ, và hiểu được -- tức là chuyển tải được toàn bộ giá trị tinh thần của nguyên bản đến cho càng nhiều độc giả càng tốt. Thật không gì thành công cho bằng một bản dịch giữ được sinh khí và đạt đến mục tiêu mà nguyên tác muốn đạt.
Từ mục tiêu này cho thấy một bản dịch đòi hỏi người dịch không được tự ý bẻ cong, hay tự ý đục bỏ các chi tiết cho dù nhỏ hay lớn. Dĩ nhiên, trong nhiều trường hợp, dịch giả cần và có thể thêm các chú giải để làm rõ các thuật ngữ chuyên môn hay phần nào giúp người đọc hiểu sâu hơn. Tuy nhiên, các chú giải này cần (nếu không nói là bắt buộc) phải được trình bày trong một hình thức hay định dạng đặc biệt nào đó sao cho người đọc nhận biết được dể dàng đâu là chính văn, đâu là nội dung của nguyên bản, và đâu là chú thích hay ý kiến thêm vào của dịch giả.
Ở đây, xin phép không "đá động" đến trường hợp bất khả khán "bị đục bỏ" vì lý do kiểm duyệt! (Do vậy có nhiều dịch phẩm đã buộc người dịch vốn muốn dùng ngòi bút "viết đúng" thành "viết lách"). Tuy nhiên, nếu sự đục bỏ hay viết lách chữ khá nhiều và trở nên quá mức chấp nhận được thì dịch phẩm có thể trở thành phế phẩm hay chỉ là một loại phỏng dịch.
Một điều nữa, được kê sơ lược ra ở đây, là vấn đề đạo văn. Với tình trạng hiện nay, có quá nhiều hình thức chép lại văn của một người khác mà không hề ghi chú hay nhiều khi ngay cả "cuỗm" luôn toàn bộ tác phẩm, chỉ gạt bỏ tên người dịch ra. Điều này không thể nào được chấp nhận với mọi lý do.
Từ đây trở về sau, trong bài viết này, chúng ta quy ước chỉ đề cập tới những yếu tố dịch thuật của các tài liệu Phật giáo từ Anh ngữ sang Việt ngữ. Nếu có trường hợp ngoại lệ khi cần thì chi tiết sẽ được nêu rõ ra.