Tuy rằng tâm nguyện, ý chí của người xuất gia là to lớn không cùng, nhưng nếu không khéo nghiêm trì giới luật, vâng theo lời giáo huấn của bổn sư thì thật rất dễ lầm đường lạc lối. Trong văn này, Tổ sư nêu lên những ý chung, mà khi xét lỗi riêng đời nay không ít người mắc phải.
Lỗi đầu tiên dễ mắc phải nhất là sự tự mãn, kiêu căng. Người xuất gia vừa thọ đại giới xong, oai nghi hình tướng đầy đủ thì ai ai cũng đều cung kính, trân trọng, cho đến những bậc quyền thế của thế gian đôi khi cũng quỳ lạy lễ bái. Nhiều người không biết rằng sự cung kính đó bước đầu vốn dĩ có được chỉ là nhờ nơi hình tướng tăng sĩ, còn oai nghi đức hạnh thật sự của mỗi người là việc không phải tự nhiên có được. Vì không phân biệt được chỗ khác biệt này, nên thay vì chuyên cần tu tập, tinh chuyên giới luật để xứng đáng với cương vị bậc xuất gia, lại sanh tâm kiêu mạn tự cho rằng mình đã có được oai đức hơn người. Nghĩ như thế nên xem việc thập phương tín thí cúng dường chu cấp vật thực cho mình chỉ là chuyện đương nhiên phải vậy! Tâm đã kiêu mạn như thế nên không thể theo con đường khổ hạnh tinh chuyên, chỉ biết sống buông thả theo vật dục, theo những tình cảm thế tục thông thường không khác, quên mất rằng những điều ấy thảy đều là những nguyên nhân chuốc lấy khổ não về sau!
Nếu biết nhớ lại chí hướng lúc xuất gia, nhớ lại những trách nhiệm nặng nề khi bước chân vào con đường xuất thế, thì chẳng thể nào lơ là buông thả được. Phật dạy rằng, người xuất gia lấy đạo nghiệp thay cho sự nghiệp của thế tục, phải biết tự thân tiến mãi không ngừng trên đường tu tập. Bởi vậy luôn phải ghi nhớ trong lòng câu “tam thường bất túc”, “chuyện ăn mặc, ngủ nghỉ đừng bao giờ hưởng thụ đầy đủ”. Nếu chỉ biết mong cầu “no cơm ấm áo” thì thật là uổng phí cả một đời, cho dù có sớm kinh tối kệ thì rốt cùng cũng chẳng có được chút ích lợi gì.
Chỗ nương dựa trước tiên của người xuất gia nhất thiết phải là giới luật. Trước khi Phật nhập Niết-bàn cũng đã ân cần dặn dò hàng đệ tử về sau phải lấy giới luật làm thầy, xem đó như Phật còn tại thế. Thật đáng tiếc có những người tự cho mình là lợi căn thượng trí, chỉ muốn nghiên tầm những nghĩa lý sâu xa mà không chú trọng đến việc tinh chuyên giới luật. Đây là một sai lầm rất lớn mà bất cứ ai khi đã mắc vào đều khó lòng tăng tiến trên đường tu tập. Bởi vì giới luật vốn dĩ là cái nền móng chắc chắn nhất định phải có để thực hành bất cứ pháp môn nào.
Chỉ riêng một việc không nghiêm trì giới luật là gốc của muôn ngàn lỗi lầm sai trái khác. Tự thân chẳng giữ được phép tắc oai nghi, trí huệ cũng không do đâu mà sinh khởi; chẳng những đã không có chút lợi lạc cho riêng mình, lại còn gây cản trở việc tu tập của mọi người chung quanh. Một mai tuổi cao tác lớn, thành bậc lão thành trong tăng chúng nhưng lại chẳng có gì để cho kẻ hậu học noi theo. Có ai đến hỏi nghĩa lý sâu mầu trong kinh điển cũng chẳng biết lấy gì mà giảng giải. Hơn thế nữa, vì tâm kiêu mạn chưa được dứt trừ, nên không thể tự thấy biết lỗi mình, thường đem tâm sân hận mà đáp lại với người muốn giúp mình sửa lỗi. Những sai lầm này, tuy là đối với mỗi người đều có chỗ khác biệt tinh tế, nhưng tựu trung cũng không ngoài những điều mà Tổ sư đã nêu ra trong văn này.
Điều quan trọng được nhấn mạnh ở đây không phải là sự so sánh hơn thua cùng người khác, mà là tính chất khẩn thiết, nhanh chóng của cuộc sống vô thường ngắn ngủi này. Thoắt chốc đời sống đã qua đi, thọ mạng không còn, cái khổ già nua, bệnh hoạn lại có thể ập đến tưởng như trong chớp mắt. Một khi lìa bỏ kiếp này, vốn liếng một đời chẳng có gì để mang theo, liền chịu sự dắt dẫn của nghiệp lực mà trôi lăn vào ác đạo.
Gửi ý kiến của bạn