- Lời Giới Thiệu
- Lời Nói Đầu
- Đức Phật Và Giáo Lý Giải Thoát
- Trí Tuệ Hay Sự Thấy Biết Chân Thật
- Thiền Và Hoa Đạo
- Thiền Và Trà Đạo
- Thiền Và Vườn Cảnh
- Thiền Và Võ Đạo
- Thiền Và Phân Tâm Học
- Bày Tỏ Lòng Thương Tiếc
- Cầu An, Niệm Phật, Trì Chú, Cầu Nguyện Chữa Trị Các Bệnh Tật Là Hợp Với Khoa Học
- Cầu Siêu Cầu Nguyện Cho Thân Nhân Về Cực Lạc
- Xuân Tươi Thắm
- Ăn Chay Một Phong Trào Đang Phát Triển Mạnh Trên Thế Giới
Chúng ta đang ở vào thời đại khoa học hiện đại. Mọi người đều biết rằng vũ trụ này rộng lớn mênh mông. Quả đất to lớn của chúng ta chỉ là một thành phần nhỏ bé của thái dương hệ, gồm mặt trời và các hành tinh khác. Dải Ngân hà có đến hàng tỉ tỉ mặt trời, nên thái dương hệ cũng chỉ là một thành phần rất nhỏ của dải Ngân hà, ví như một hạt bụi trong tòa lâu đài to lớn. Nhưng dải Ngân hà cũng chỉ là một thế giới nhỏ bé so với hàng tỉ tỉ thế giới khác trong vũ trụ rộng lớn mênh mông.
Các nhà khoa học hiện đại đã biết đến trên 200 ngàn tỉ dải thiên hà trong vũ trụ, mà dải Ngân hà của chúng ta chỉ là một trong số đó. Người ta suy đoán rằng, vũ trụ to lớn hiện nay bắt đầu xuất hiện sau một vụ nổ lớn (big bang) vào khoảng mười lăm tỉ (15.000.000.000) năm trước đây. Vụ nổ vĩ đại đó đã tung ra khắp vũ trụ những đám mây năng lượng, từ đó các ngôi sao thành hình. Quanh các ngôi sao này có các khối lửa nóng, nguội dần đi và trở thành các khối tinh cầu tự xoay tròn quanh chúng, và đồng thời cũng xoay quanh mặt trời. Các nhóm hành tinh (như trái đất), vệ tinh (như mặt trăng) và định tinh (như mặt trời) có hằng hà sa số trong vũ trụ bao la này. Kinh điển Phật giáo gọi vũ trụ mênh mông rộng lớn đó là Tam thiên đại thiên thế giới. Ngay trong dải Ngân hà (Milky way) này, thái dương hệ mà trái đất chúng ta là một thành phần cũng được ví như hạt bụi nhỏ trong một căn phòng vĩ đại và dải Ngân hà cũng chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ vô cùng vô tận.
Khi cúng kỵ ông bà, người Phật tử trên quả đất này khấn nguyện tên người quá vãng, hay lúc chúng ta làm lễ gia tiên, cúng rước ông bà về cùng hưởng xuân với con cháu, thì họ từ đâu trong cõi vũ trụ mênh mông ấy trở về với chúng ta.
Đức Phật luôn luôn nhắc nhở người Phật tử không nên mê tín dị đoan. Tất cả mọi niềm tin phải xuất phát từ kinh nghiệm tự thân, phải dựa trên sự hiểu biết chân thật, chính xác. Việc thờ cúng của người Phật tử ở nhà hay ở chùa cũng đều phản ảnh lời dạy đó.
Khi ta thành tâm đốt nén nhang cùng để lòng thanh tịnh mà khấn nguyện các vị quá vãng, một sự nhiệm mầu hưng khởi trong tâm ta. Lúc đó lòng thành bao trùm tất cả, không có một ý tưởng tạp nhạp (tạp niệm) nào xen vào. Tất cả, bên trong cũng như bên ngoài trở nên trong sạch và vắng lặng. Tâm ta trở nên rộng lớn mênh mông như vũ trụ; đèn, nhang, bông hoa quả phẩm ngời sáng lung linh. Sự an lạc và tĩnh lặng tràn đầy khắp chốn. Với tâm rộng lớn, ngời sáng, rỗng lặng và an vui đó, con cháu nghĩ tưởng đến ông bà cha mẹ quá cố thì ông bà cha mẹ hiện ra tràn đầy, an vui, tươi sáng trong tâm con cháu và cùng vui hưởng ba ngày xuân.
Từ sự thành tâm đó mà niềm an vui thật sự dâng lên trong lòng chúng ta. Mỗi người trong gia đình từ giờ phút đó ý thức nhiều hơn đến việc đem lòng thương mến mà đối xử, nói năng với nhau, trẻ con người lớn đều hớn hở vui tươi, chuẩn bị cho buổi cúng giao thừa với sự hiện diện của ông bà, cha mẹ quá cố tràn đầy nơi tâm chúng ta: Lòng thương yêu hiếu kính của con cháu đã xóa tan sự cách biệt về không gian lẫn thời gian, giữa người sống và người quá cố. Cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai cùng hai cõi sống chết đã hợp thành một chốn trong sáng, an vui, rộng lớn, bây giờ và nơi đây.