Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
PHẬT GIÁO VÀ KHOA HỌC
Phúc Lâm
Nhà xuất bản Tôn Giáo Hà Nội 2010
LỜI NÓI ĐẦU
Con người và vũ trụ là hai chủ đề rộng lớn, quá rộng lớn. Phật Giáo và khoa học cũng là hai chủ đề rộng lớn, quá rộng lớn. Cho nên tôi phải thú thực với độc giả là không có cách nào tôi có thể trình bày đầy đủ 4 chủ đề trên trong cuốn sách nhỏ này. Có hai lý do.
Thứ nhất, tôi không thể biết hết những gì thuộc bất cứ chủ đề nào trong 4 chủ đề trên, và có lẽ không ai trên thế gian này có thể biết hết những điều đã được khám phá ra trong mỗi chủ đề, khoan nói đến chuyện những điều chưa được khám phá ra. Trang Tử đã chẳng nói: "Cái biếtcủa thiên hạ thì vô hạn, cái biết của cá nhân thì hữu hạn, mang cái hữu hạn đi tìm cái vô hạn, nguy vậy thay!"hay sao? Và Thomas H. Huxley cũng đã chẳng nói: "Những gì mà chúng ta biết thì hữu hạn, những gì mà chúng ta không biết thì vô hạn." (The known is finite, theunknown is infinite)?
Thứ nhì, ngay với những điều tôi biết trong mỗi chủ đề mà tôi biết chắc còn thiếu sót rất nhiều, cũng không thể trình bày trong đầy đủ một cuốn sách. Vì vậy, trong cuốn sách này, tôi xin tự hạn trong một số tiểu đề mà tôi cho là những điều mà con người hiện đại không thể thiếu sót trong bộ kiến thức của mình, nhất là đối với người Việt Nam chúng ta trên con đường mở mang dân trí, cập nhật hóa một số kiến thức trong đó có những điều thuộc loại cấm kỵ trước đây dưới chế độ thực dân trên toàn quốc, và dưới chế độ độc tài tôn giáo trị ở miền Nam trước đây.
Cuốn sách này gồm có 2 phần: Phần I: Con Người & Vũ Trụ, và Phần II: Phật Giáo & Khoa học.
Trong Phần I tôi sẽ tự hạn trong 2 tiểu đề: Nguồn Gốc Vũ Trụ và Nguồn Gốc Con Người, cố gắng cập nhật hóa những kiến thức mới nhất và có tính cách thuyết phục nhất về hai chủ đề này. Trong Phần II, tôi chú trọng đến Phật Giáo, có thể nói là tôn giáo của Dân Tộc Việt Nam, và vì Phật Giáo là một tôn giáo lớn: Lớn về tư tưởng, triết lý, luân lý, đạo đức, cộng với những đặc tính Từ Bi, Hòa Bình, Vị Tha, Nhân Bản, Nhân Chủ v..v.. chứ không phải lớn vì có số tín đồ đông đảo nhất thế giới. Lớn vì Phật Giáo chưa từng cưỡng ép bất cứ ai phải tin vào Phật Giáo, khoan nói đến chuyện bách hại những người có tín ngưỡng khác, và lớn vì trong suốt hơn 2500 năm lịch sử, Phật Giáo chưa từng vấy một giọt máu của đồng loại trong quá trình phát triển.
Phần Tài Liệu Tham Khảo Chọn Lọc cuối sách có thể giúp độc giả tìm hiểu thêm chi tiết về những vấn đề tôi trình bày trong cuốn sách này.
DẪN NHẬP
Từ khi bắt đầu xuất hiện trên trái đất, con người luôn luôn thắc mắc với những câu hỏi như: thế giới này tự đâu mà ra, vũ trụ này từ đâu mà có, con người từ đâu sinh ra, sẽ đi về đâu v.v... Từ xưa tới nay, con người đã đưa ra nhiều giải đáp khác nhau, dựa trên sự hiểu biết và trí tuệ của con người ở mỗi địa phương và qua các thời đại. Điều rõ ràng là, với thời gian, trí tuệ của con người cũng đã theo định luật tiến hóa, càng ngày càng mở mang, và do đó sự hiểu biết của con người cũng tiến triển theo cho tới trình độ của ngày nay. Kết quả là nhiều giải đáp về con người và vũ trụ trước đây đã không còn chỗ đứng trong thế giới tiến bộ ngày nay.
Với sự hiểu biết và trí tuệ của con người hiện nay thì, dựa trên những sự kiện (facts) khoa học, thuyết con người là do sự tiến hóa của những sinh thể ban khai tạo thành, và vũ trụ sinh ra từ một sự nổ bùng lớn (Big Bang) của một dị điểm (singularity) vô cùng nóng, vô cùng đặc, được công nhận là hợp lý nhất. Lẽ dĩ nhiên, tính cách hợp lý này không nằm trong đầu óc của một phần tương đối không đáng kể trong nhân loại, vì lý do này hay lý do khác, không thể chấp nhận những sự kiện khoa học, hoặc vì chúng không phù hợp với niềm tin tôn giáo của mình, hoặc vì đầu óc chưa tiến hóa, phát triển đúng mức để chấp nhận những sự thật bất khả phủ bác. Điển hình là trên thế giới ngày nay vẫn còn không ít người, hơn 70% sống trong các nước trong thế giới thứ ba hoặc trong một số ốc đảo nhỏ ở Châu Á, số người kém hiểu biết và còn nặng lòng mê tín, vẫn còn tin là vũ trụ và mọi vật trong đó là do sự sáng tạo của một đấng thần linh toàn năng, phép tắc vô cùng, trong 6 ngày, cách đây 6-7000 năm như được viết trong Thánh Kinh Ki Tô - Do Thái (Judeo- Christian Bible) mà họ tin trong đó chứa những lời mạc khải của Thượng đế của họ, nên không thể sai lầm, tuy rằng không có một căn bản thuyết lý hay bằng chứng nào có thể biện minh cho sự hiện hữu của vị Thần toàn năng nói trên, và cũng không có một bằng chứng nào chứng tỏ sự can thiệp của vị Thần toàn năng trên vào những việc thế gian. Điều này phù hợp với thuyết tiến hóa, vì theo định luật "chọn lọc tự nhiên" (natural selection) hay "thích hợp nhất với hoàn cảnh xung quanh" (best fit) trong thuyết này thì chỉ có một số người nào đó mới có thể có những đầu óc theo kịp với đà tiến bộ của nhân loại, cũng như không phải tất cả các sinh thể ban khai đều tiến hóa thành nhân hầu, và không phải tất cả nhân hầu đều tiến hóa thành loài người.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải ý thức được rằng: một thuyết lý khoa học không bao giờ được coi là chung cùng. Điều này cũng dễ hiểu vì con người vẫn còn nằm trong quá trình của sự tiến hóa, trí tuệ càng ngày càng phát triển và không ai có thể tiên đoán được là tiến trình này tiến tới đâu và bao giờ mới ngừng. Các khoa học gia, dựa trên những dữ kiện khoa học về những mối liên hệ giữa trái đất và mặt trời, tiên đoán rằng trái đất mà chúng ta đang sống chỉ có thể tồn tại khoảng 5 tỷ năm nữa, nhưng nhân loại sẽ đi về đâu thì đó còn là một ẩn số vĩ đại.
Nho giáo rất thực tế. Khi được hỏi về quan niệm Thần linh, và sau khi chết con người đi về đâu, Đức Khổng Tử đã trả lời: "Chuyện con người còn chưa rõ nói chi đếnchuyện Thần linh, và chuyện sống còn chưa rõ nói chi đến chuyện chết."
Phật Giáo, một tôn giáo đặt căn bản trên con người, có vẻ như không quan tâm mấy đến những giải đáp không mấy giúp ích cho con người để sống một cuộc đời hiện thực, bây giờ và ở đây, nên Đức Phật đã giữ im lặng trước những câu hỏi có tính cách siêu hình như trên. Nhưng điều này không có nghĩa là Đức Phật không có những giải đáp thích đáng nếu chúng ta chịu khó đọc kỹ Kinh điển Phật Giáo. Người chỉ cho rằng những giải đáp siêu hình không mang lại ích lợi thực tế cho chúng sinh. Biết hay không biết thế giới từ đâu sinh ra, sẽ đi về đâu, không giúp ích gì cho con người để giải quyết những sự việc trước mắt, ngay trong đời sống này. Vấn đề thiết thực nhất của con người là tự giúp mình và giúp cho tha nhân tiến bước trên con đường đi đến giác ngộ, nhận thức sự việc như chúng thực sự là như vậy (như thực tri kiến), và do đó thoát ra khỏi những chấp kiến có tác dụng buộc chặt con người vào những sự khổ đau ở trên đời.
Điều mà chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa, là con người đã nằm trong một quá trình tiến hóa trải dài trong nhiều triệu năm, từ thời tiền sử ăn lông ở lỗ, trí tuệ thấp kém, rồi qua những thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt cho tới con người văn minh tiến bộ ngày nay. Qua các thời đại, chúng ta thấy xuất hiện trên thế gian những bộ óc siêu việt như của Đức Phật, Khổng Tử, Lão Tử, Socrates, Galilei, Darwin, Einstein v..v.., những bộ óc đưa ra những tư tưởng, thuyết lý phổ quát, có thể áp dụng trong mọi thời, ở mọi nơi. Trong quá trình tiến hóa nói trên, sự hiểu biết về con người và vũ trụ hiển nhiên cũng phải tiến theo, và do đó, dần dần loại bỏ những quan niệm hoang đường, mê tín, không phù hợp với những hiểu biết ngày càng tiến bộ của con người. Kiến thức của nhân loại vẫn còn đang mở mang, tiến bộ từng ngày, và có lẽ chỉ chấm dứt khi trái đất trở thành tro bụi sau đây khoảng 5 tỷ năm.
Sau đây, tôi sẽ duyệt qua những quan niệm về con người và vũ trụ qua các thời đại và sau cùng trình bày những thuyết mới nhất mà khoa học đã đưa ra, dựa trên những sự kiện khoa học mới khám phá được, để giải thích về nguồn gốc của con người và vũ trụ. Điểm kỳ lạ là những khám phá của khoa học gần đây đã rất phù hợp với quan niệm về nguồn gốc con người và vũ trụ của Phật Giáo, điều này chứng tỏ rằng nhiều tư tưởng của Phật giáo đã đi trước khoa học khá xa, như sẽ được trình bày trong Phần II của cuốn sách này: Phật Giáo & Khoa Học.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta nên tương đồng hóa khoa học với Phật Giáo. Cái dụng của Phật Giáo và của khoa học thuộc hai bình diện khác nhau. Bình diện của Phật giáo bao trùm mọi Pháp giới trong khi đối tượng của khoa học chỉ thu hẹp trong một số lãnh vực, cho nên những tương đồng giữa khoa học và Phật Giáo, nếu có, thường chỉ là những tương đồng bề ngoài, danh từ khoa học gọi là tương đồng biểu kiến. Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong Phần II của cuốn sách.