Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

27 Lập Chí Nguyện

28/11/201017:42(Xem: 9773)
27 Lập Chí Nguyện

 

PHẬT LỊCH 2513
Phật Học Tùng Thư Mục C cuốn thứ 15
LUẬN ĐẠI TRƯỢNG PHU
TÁC GIẢ: ĐỀ BÀ LA BỒ TÁT
DỊCH GIẢ: TỲ KHEO TRÍ QUANG
CHỨNG MINH: HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH KHIẾT.

XXVII. LẬP CHÍ NGUYỆN

Bồ tát suy nghĩ: tất cả muôn loài đều có vô số đau khổ, ta phải phát tâm đại từ bi, thật hiện đại giác ngộ, để diệt đại khổ não cho chúng sinh.

Bồ tát mục kích chúng sinh trầm đắm trong bể khổ vô biên thì bấy giờ phát sinh tâm từ bi, bình đẳng thương xót cứu vớt, không như người vì mình tự cầu giải thoát, thấy vậy đành lòng bỏ rơi. Chính khổ não vĩ đại của chúng sinh kích động từ bi thù thắng của Bồ tát.

Bồ tát suy nghĩ: tâm từ bi của ta thấy chúng sinh mê khổ, chưa được giác ngộ, ta phải làm sao cho họ được giác ngộ. Vậy chúng sinh nhiều, phước ta ít, làm sao cứu vớt đây? Lại nghĩ: ta là bạn thân nhất của muôn loài, mà muôn loài cứ bị khổ thế kia, ta thiệt là người sống thừa, sống xấu! Ta không diệt được đau khổ đem lại an lạc cho người, thì thân này làm gì?

Suy nghĩ như thế rồi Bồ tát lại nghĩ: ta là bạn thân của chúng sinh, ta phải nuôi dưỡng họ, phải làm đại lợi ích cho chính cả những người oán ghét ta. Chúng sinh làm cho ta thành những hành động tốt đẹp, vậy ta phải làm sao không để một người nào còn tâm lý không tốt.

Lợi tha là gì, – Bồ tát suy nghĩ – tha nghĩa là người khác, nhưng ta không tìm ra sự khác ấy, nên người là ta, mà lợi tha tức tự lợi vậy. Nếu được, ta muốn đem tất cả đau khổ của chúng sinh tập trung lại nơi ta, ta thường chịu để cho họ an vui, chứ không lấy làm khổ. Trú ở trong Trí-giác vô thượng, hết thảy đau khổ ta có thể chịu được hết, nếu ta không thể cứu vớt muôn loài chìm đắm trong bể khổ sinh tử.

Bồ tát suy nghĩ: vì si mê sâu dày và phiền não nặng nề, nên làm cho ta khó được Trí-giác vô thượng, vậy trí tuệ và từ bi là bạn của ta, tâm ta không bao giờ rời bỏ.

Bồ tát nguyện:

Đường đức Điều-Ngự đã đi qua,

Giờ ta cũng đi theo đường ấy;

Ta nay vì tất cả muôn loài,

Đem từ bi thi hành bố thí.

Bồ tát nghĩ: “Ta phải làm sao như Phật.”

Lại suy nghĩ: ta là chỗ nương tựa của chúng sinh, là thuyền cứu vớt của muôn loài, vậy ta phải lập trí nguyện vĩ đại, thực hành hai thứ đại trang nghiêm là đại trí tuệ và đại từ bi. Có chí nguyện ấy là mầm mống Trí-Giác-Phật-Đà đã sắp nảy nở.

Bồ tát lại tự nguyện: Ta muốn cứu khổ cho chúng sinh, ta muốn cho vui cho chúng sinh, vậy hành động gì ta cũng nguyện tuân theo sự chỉ đạo của đại bi. Khổ não sinh tử nghe còn khiếp sợ, nhưng đại bi có năng lực nhẫn nại khổ não ấy, hướng về cửa sinh tử mà đi. Khi Bồ tát chán khổ sinh tử, muốn tự giải thoát, thì đại bi liền khiển trách: chúng sinh khổ não chưa cứu vớt họ, sao lại bỏ mà đi. Bồ tát biết sinh tử khổ, giải thoát vui, nhưng vì đại bi nên vẫn luôn luôn say mê thực hành ba thứ bố thí. Bồ tát nghĩ: ta rất sợ các cõi sinh tử, nhưng vì đại bi cứu vớt chúng sinh, nên vui vẻ ở trong các cõi ấy. Đại bi luôn luôn an ủi Bồ tát: ta làm cho người ở được trong sinh tử, ta sẽ vĩnh viễn ở cạnh người, ta không bao giờ bỏ người, tại sao, vì ta muốn làm cho người báo ân Phật đà, báo ân chúng sinh.

Bồ tát suy nghĩ: Giải thoát lạc thú vô cùng, mà vì chúng sinh ta còn không muốn hưởng dụng – ta không hưởng dụng là vì đại bi bảo đừng – huống chi cái vui giả tạm của sinh tử. Cái vui đứng đầu trong tất cả an vui Phật nói là niết bàn, niết bàn an vui tuyệt đối như vậy nhưng đại trí tuệ ta không muốn đến – đại trí tuệ ta không muốn đến là vì hóa hợp với đại từ bi. Ta rất kính thượng niết bàn – vì niết bàn không còn đau khổ - , vậy mà do đại từ bi lôi kéo, ta vì lợi lạc chúng sinh nên không tự đến giải thoát.

Cho nên, Bồ tát suy nghĩ, đại bi là mẹ đẻ của tất cả Phật đà, ta không chống lại đại bi bằng cách tự niết bàn; niết bàn đến ta còn không hưởng, huống chi bỏ chúng sinh mà đến niết bàn.

Lại nghĩ: ta muốn đến niết bàn; nhưng đại bi là Mẹ Phật, đến cho sữa cho ta, sao ta bỏ đi. Trí giác vô thượng mà nếu không lợi lạc chúng sinh, ta còn không cầu huống chi niết bàn. Cho nên, Bồ tát quả quyết, do tâm đại bi, ta quyết không tự niết bàn, vì niết bàn thì bỏ rơi chúng sinh không nơi nương tựa. Niết bàn là không thọ sinh nữa, không thọ sinh thì làm sao cứu vớt chúng sinh. Thọ sinh có hai thứ lợi lạc: một đại cứu khổ chúng sinh, hai thật hiện đại giả thoát; tại sao, Bồ tát nghĩ, ta bỏ hai thứ vui đổi lấy một.

Bồ tát xác nghĩ: Hết thảy chúng sinh đều có khả năng của Nhất-thế-trí, Nhất-thế-trí chúng sinh rất dễ thật hiện, thế nên ta thương chúng sinh, không thích giải thoát.

Lại nghĩ: ở đâu có chúng sinh đau khổ thì ở đó đại bi được phát sinh, được tăng trưởng, vì vậy, ta thích ở trong các cõi sinh tử. Bồ tát bảo đại bi: Người hãy làm cho ta được thanh tịnh, được tăng trưởng; hãy làm cho chúng sinh đều thanh tịnh, đều tăng trưởng. Lại bảo: Chúng sinh ở trong lò khổ, bị trăm nghìn đau khổ bức áp, ta muốn làm sao cho họ được an lạc cả, người hãy giúp ta làm thành việc ấy. Chúng sinh bị ái ràng buộc, bị chết tóm bắt, thấy chúng sinh không nơi cậy nhờ, không ai cứu vớt như thế, ta tự nguyện làm người cứu vớt, vậy người hãy giúp ta chịu đủ khổ sở để cứu vớt họ.

Bồ tát phát nguyện: ta muốn làm bực đại trượng phu, nguyện bỏ tự niết bàn để cứu khổ chúng sinh. Vì lợi lạc chúng sinh, ta luôn luôn tự cố gắng, tự khuyến khích công việc ấy.

Bồ tát lại nghĩ: Ai cứu độ chúng sinh là đã được vô sinh nhẫn, đã được quyết định trí, được quyết định trí là được sự thọ ký, được sự thọ ký thì ta phải cung kính cúng dường. Phật đà hoàn thành trí-biến-tịnh, tôi xin chấp tay nguyện Ngài thọ ký cho tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com