- 01 Sự Bố Thí Thù Thắng
- 02 Chất Vị Của Sự Bố Thí
- 03 Tư Cách Người Bố Thí
- 04 Người Xin Giúp Người Cho
- 05 Giải Thoát Thù Thắng
- 06 Người Cho Đặc Biệt
- 07 Kính Trọng Người Xin
- 08 Bố Thí Với Tham Lẫn
- 09 Bố Thí Bằng Tài Sản
- 10 Xả Bỏ Tất Cả
- 11 Bỏ Thân Thọ Thân
- 12 Xả Bỏ Thân Mạng
- 13 Đại Bi Biểu Hiện
- 14 Bố Thí Chánh Pháp
- 15 Phát Bồ Đề Tâm
- 16 Công Đức Thù Thắng
- 17 Giải Thoát Thù Thắng
- 18 Lợi Tha
- 19 Thay Người Chịu Khổ
- 20 Từ Bi
- 21 Ái Và Bi
- 22 Đại Trượng Phu
- 23 Đại Bi
- 24 Bố Thí Của Đại Bi
- 25 Năng Lực Của Ái Và Bi
- 26 Trí Tuệ, Từ Bi, Giải Thoát
- 27 Lập Chí Nguyện
- 28 Lập Chí Nguyện Rộng Và Cao
- 29 Lập Chí Nguyện Thù Thắng
PHẬT LỊCH 2513
Phật Học Tùng Thư Mục C cuốn thứ 15
LUẬN ĐẠI TRƯỢNG PHU
TÁC GIẢ: ĐỀ BÀ LA BỒ TÁT
DỊCH GIẢ: TỲ KHEO TRÍ QUANG
CHỨNG MINH: HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH KHIẾT.
XXIII. ĐẠI BI
Loài người loài trời loài súc vật, không một loài sinh vật nào không bình đẳng trước đau khổ. Đau khổ ấy chỉ có Bồ tát mới từ bi thương xót thấu xương thấu tủy.
Từ bi đứng đầu trong tất cả điều thiện, cũng như chữ A đứng đầu trong tất cả các tự mẫu. Tất cả điều thiện đều nằm trong lòng từ bi, khác nào vũ trụ bao gồm hết thảy vật sắc. Từ bi trong sạch như hư không; Hư không không giới hạn, cũng như thế, từ bi không có giới hạn.
Phật dạy: “Muốn thấy tôi như thấy hình ảnh ở trước mắt thì phải cung kính thực hành đại từ đại bi. Muốn thấy tôi thì phải xét ba cõi đều khổ, khổ não vô biên nên từ bi cũng vô biên. Đau khổ ở đâu từ bi ở đó.”
Câu nói cuối cùng của Phật ý nghĩa là gì? Chỗ ở của từ bi ở đâu? Là ở với hết thảy chúng sinh đau khổ vì phiền não và vì sinh tử, làm thân thuộc với họ mà ở.
Có tâm từ bi thì biết nỗi khổ của người. Người ấy ở chung với Phật đà. Người ấy nuôi sống Pháp-thân bằng ba thứ bố thí như người vú nuôi con.
Đại bi là mẹ nuôi của Bồ tát vậy.