- 01 Sự Bố Thí Thù Thắng
- 02 Chất Vị Của Sự Bố Thí
- 03 Tư Cách Người Bố Thí
- 04 Người Xin Giúp Người Cho
- 05 Giải Thoát Thù Thắng
- 06 Người Cho Đặc Biệt
- 07 Kính Trọng Người Xin
- 08 Bố Thí Với Tham Lẫn
- 09 Bố Thí Bằng Tài Sản
- 10 Xả Bỏ Tất Cả
- 11 Bỏ Thân Thọ Thân
- 12 Xả Bỏ Thân Mạng
- 13 Đại Bi Biểu Hiện
- 14 Bố Thí Chánh Pháp
- 15 Phát Bồ Đề Tâm
- 16 Công Đức Thù Thắng
- 17 Giải Thoát Thù Thắng
- 18 Lợi Tha
- 19 Thay Người Chịu Khổ
- 20 Từ Bi
- 21 Ái Và Bi
- 22 Đại Trượng Phu
- 23 Đại Bi
- 24 Bố Thí Của Đại Bi
- 25 Năng Lực Của Ái Và Bi
- 26 Trí Tuệ, Từ Bi, Giải Thoát
- 27 Lập Chí Nguyện
- 28 Lập Chí Nguyện Rộng Và Cao
- 29 Lập Chí Nguyện Thù Thắng
PHẬT LỊCH 2513
Phật Học Tùng Thư Mục C cuốn thứ 15
LUẬN ĐẠI TRƯỢNG PHU
TÁC GIẢ: ĐỀ BÀ LA BỒ TÁT
DỊCH GIẢ: TỲ KHEO TRÍ QUANG
CHỨNG MINH: HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH KHIẾT.
VIII. BỐ THÍ VỚI THAM LẪN
Không nghĩ ân đức của người xin thì không có tâm từ bi, không có từ bi thì không thể thực hành bố thí, không thực hành bố thí thì không thể cứu vớt chúng sinh qua bể sinh tử. Không tâm từ bi thì kẻ ấy là kẻ cô độc, có tâm từ bi thì người ấy đầy những bạn thân. Kẻ chấp bản ngã thì lấy ái làm thể chất, người cứu giúp người thì lấy bi làm bản thể. Ái nặng thì không còn biết gì đến ai nữa, Bi nặng thì không còn biết gì đến mình nữa. Nhưng nếu không bố thí thì làm sao nghiệm biết tâm từ bi, như đem hình đá vẽ với viên đá thật so sánh mới biết gì thật gì giả. Nếu thấy người nguy khốn mà đại đại bố thí thì biết người ấy có từ bi. Kẻ tham lẫn thì dù cha mẹ bà con họ đến xin cũng sinh tâm oán ghét, người từ bi thì kẻ thù người ác đến cầu cũng mến trọng như bạn. Tham lẫn thì cho đất nặng hơn vàng, từ bi thì vàng nhẹ như cỏ. Tham lẫn thì mất của rất sầu khổ; từ bi thì sầu khổ xấp mấy, nếu có của không bố thí được. Tài sản phải bỏ vào hai lúc: lúc mạng chết và lúc bố thí. Chết mà bỏ thì bỏ hết, tất cả không có một mảy may theo đến đời sau; bố thí mà bỏ thì bỏ ít kết quả nhiều, kết quả không những ở đời nay mà còn theo đến đời sau. Đối chiếu như vậy, ai là người trí mà không bỏ tham lẫn, làm bố thí?
Khi bố thí thì lòng người hoan hỷ, lòng mình cũng vậy. Bố thí mà không hoan hỷ được thì chỉ là hối hận, tự dối. Có kẻ người xin đến cầu, vì họ cầu xin nên làm thỏa mãn rồi lòng rất vui vẻ; lại có người tự đem đến cho họ, không cầu sự đền trả mà đại đại bố thí, thì sự vui vẻ của họ sánh với sự vui vẻ của kẻ trước, nào chi có thể thí dụ được?
Có đồ ăn ngon, không bố thí trước rồi mới ăn thì ăn ngon lành gì; còn đồ ăn dở mà bố thí rồi ăn sau, thì lòng vui thỏa, nên ăn thấy ngon lành. Nên cho rồi còn sẽ ăn. Bực trượng phu nghe lời này mừng như được niết bàn, chứ kẻ hèn kém thì ai tin lời ấy. Người đói đứng trước mâm ăn mà còn nhẫn tâm không cho được một bát cơm, huống chi đem giải thoát thù thắng cho người được? Nhiều của, người xin đến kẻ ấy còn không có tâm cho, huống chi của ít? Kẻ ấy, ngay trong sinh tử ta còn không tìm thấy một chỗ an vui của họ, huống chi niết bàn; kẻ ấy là kẻ ở bên sông cả mà không cho người được hớp nước. Còn người thấy sinh tử cùng cực khổ sở mà vẫn trầm mình để bố thí, huống chi niết bàn, thì lòng người ấy như dòng sông cái, bố thí mấy cũng không vừa.
Từ bi thì niết bàn cũng hy sinh rất dễ; còn tham lẫn thì phân đất dễ được hơn nước mà còn lẫn tiếc, huống chi tài sản.