7 - Định nghĩa và phạm vi của sát sinh [^]
Về nguyên tác mà nói thì trọng tâm của giới không sát sinh là không giết người. Cho nên giết người là tội nặng, giết các loại động vật khác là tội nhẹ. Chúng sinh cố nhiên là nhất loại bình đẳng như nhau. Nhưng chỉ có loài người là có thể gây nghiệp ác (còn gọi là "hắc nghiệp" - nghiệp đen) mà bị đọa xuống làm quỷ hoặc xuống địa ngục. Cũng chỉ có loài người mới có thể tu hành nghiệp thiện (còn gọi là "bạch nghiệp" - nghiệp trắng) mà được lên thiên đường, ra khỏi ba cõi, cho đến thành Phật. Còn các loài chúng sinh khác, trừ một số trường hợp ngoại tệ rất ít, nói chung là không biết thiện, ác là gì, chỉ có những hành vi tự nhiên tùy nghiệp mà chịu báo chứ không có tạo tác của tâm ý. Cho nên con người là khí cụ để chở đạo (Đạo khí) chỉ có con người mới có thể tu đạo và có thể hoằng đạo. Vì vậy giới sát lấy việc răn cấm không giết người làm căn bản.
Giết người phải có đủ ba điều kiện : 1 - biết đó là người; 2 - có dự định mưu sát; 3 - giết chết. Không đủ ba điều kiện ấy thì chỉ gọi là làm bị thương hoặc ngộ sát, không hình thành tội giết người. Về con người, thì không kể tuổi tác, sang hèn, đã thành hình hay chưa thành hình người, đã có trí khôn hay chưa có trí khôn, đã khẳng định là người thì không được giết. Cho nên không được sát hại, cũng không được lấy danh nghĩa cái chết an lạc để xử lý cho người tự họ muốn tìm cái chết hoặc những người tàn phế đã trở thành vô tri vô giác.
Nếu làm trái với những điều đó tức là phạm tội giết người. Ngày nay giới y học hô hào những người có điều kiện cho các bộ phận cơ thể để ghép cho người cần thay thế, như lấy giác mạc của mắt, lấy quả thận và các bộ phận khác của cơ thể để ghép cho người khác. Đó là lấy một phần cơ thể của những người đã không còn khả năng xử dụng nó nữa, làm cho nó sống lại. Đó là việc làm đáng khuyến khích. Nếu họ cho khi còn sống có nghĩa là đã được sự đồng ý tự nguyện của họ. Nếu sau khi họ chết mới dùng để lắp ghép thì trước đó phải được họ xác nhận đồng ý khi còn sống. Nếu không làm như thế thì người chết có thể còn một phần quyến luyến, chấp trước đối với di thể của mình mà sinh tức bực oán giận, thậm chí còn ảnh hưởng tới ý nguyện chuyển sinh thiện đạo hoặc con đường vãng sinh tịnh độ của họ.
Những người chết một cách tự nhiên thì thông thường trong khoảng 12 giờ thần thức chưa lìa hẳn, vẫn còn phần tri giác. Theo quan điểm y học mà xem xét thì chưa hẳn là đã chết thực sự.
Nhưng nếu họ làm di chúc để lại nói rõ việc cho một bộ phận cơ thể của họ để cứu chữa tính mạng của một hoặc nhiều người khác thì đó là hạnh Bồ Tát xả thân cứu người. Vì vậy, nếu khi còn sống, người tự nguyện cho cơ thể có viết di chúc để lại thì việc lấy bộ phận cơ thể của họ để lắp ghép cho người khác không thành vấn đề phải bàn đến.
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, vì lý do giữ gìn môi trường vệ sinh tất phải xử lý vấn đề diệt ruồi, nhặng, muỗi, kiến, châu chấu, bọ ngựa, chuột v.v… Điều này đã có định lệ ngay từ khi Phật còn tại thế. Trong nhà tắm của các Tỳ kheo do bồn tắm lâu ngày không dùng, nên đầy rẫy sâu nhỏ. Các Tỳ kheo làm công việc dọn dẹp không biết xử lý như thế nào ? Phật nói "phải làm sạch nước bẩn, dọn nhà tắm cho sạch". Tỳ kheo hỏi "sẽ làm hại đến sâu bọ". Phật nói : "đó không phải là làm hại đến côn trùng mà để duy trì môi trường vệ sinh của con người mà phải quét tước, dọn dẹp, không phải là mục đích sát thương loài côn trùng cho nên không coi là sát sinh. Đương nhiên không được phun thuốc có chất độc để giết hại côn trùng chỉ dùng các phương thức quét tước, dọn dẹp tiêu độc để phòng ngừa hoặc ngăn cản không cho côn trùng xâm nhập sinh sôi nẩy nở. Nếu môi trường vệ sinh được giữ gìn ngăn nắp, sạch sẽ và được tiêu độc thì dẫu có côn trùng cũng không nhiều lắm.
Trong lúc cày cấy cũng khó tránh khỏi làm tổn hại đến côn trùng, nhưng vì cuộc sống của bản thân chúng ta, không những lúc cày cấy mà cả khi đi, khi chạy thường ngày và khi làm các công việc khác chúng ta cũng vô ý giết hại côn trùng. Vì vậy chỉ có thường xuyên niệm Phật A Di Đà, nguyện cho các loài chúng sinh ngu si vô trí sau khi chết được chuyển sinh thiện đạo hoặc siêu sinh tịnh độ thì coi như không phạm giới sát sinh. Tất nhiên là nếu cẩn thận đề phòng, giảm bớt những cơ hội làm sát thương côn trùng thì đó là biểu hiện của lòng từ bi. Nếu đã biết rằng tự mình gây ra sát sinh mà trong lòng không hối hận thì tức là không có lòng từ bi.
Đối với các loài rắn độc, thú dữ cùng các loài côn trùng độc hại khác thì đó là do nghiệp kiếp trước của chúng khiến nên như thế. Chúng làm hại con người nhưng không có mưu mô định trước, tuy có hành vi ác nhưng không có ác tâm, vì vậy không xem chúng gây ra nghiệp sát sinh. Loài người cần có sự cảm thông và bảo hộ chúng.
Đối với xã hội ngày nay mà nói thì không những con người có khả năng phòng ngừa không để chúng gây hại mà còn có thể hoạch định một phạm vi không gian khiến cho chúng được sinh tồn, hoặc hạn chế khả năng sinh sôi nẩy nở quá nhiều của chúng để chúng khỏi trở thành mối đe dọa đối với con người. Ở đây chúng ta nên dùng các phương pháp phòng ngừa chứ không nên dùng phương pháp hủy diệt, không những nhằm bồi dưỡng lòng nhân từ của loài người mà cũng là để làm hết trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Nói chung người mới học Phật thường chưa hiểu rõ định nghĩa thế nào là chúng sinh. Hơn nữa ngày nay lại càng có người cho rằng thực vật cũng có sinh mệnh, thực vật cũng có tình cảm, nếu nói không sát sinh thì không nên sát sinh đối với động vật đã đàng, mà cũng không nên sát sinh cả đối với thực vật nữa. Kỳ thực thì sinh mệnh có thứ lớp của nó. Thực vật là loài chúng sinh vô tình, động vật là loài chúng sinh hữu tình. Cái gọi là chúng sinh có thể chia làm ba cấp : Loại cao cấp là loài người, có đủ 3 điều kiện : 1 - có tế bào sống; 2 - có phản ứng thần kinh; 3 - có đủ tư tưởng và trí nhớ. Loại cấp thấp là thực vật chỉ có tế bào sống không có thần kinh và trí nhớ. Tuy có phản ứng về sống chết, không có cảm ứng vui sướng, đau khổ càng không có tư tưởng và trí nhớ, nên gọi là loài vô tình. Loại cấp trung là động vật. Chỉ có ít loài như chó, khỉ, ngựa, voi v.v… là động vật bậc cao, có một trí nhớ nào đó, nhưng không có khả năng tư duy. Còn các động vật loại thấp thì ngoài phản ứng thần kinh bản năng, không có tư tưởng và trí nhớ, nhưng chúng có thần kinh tức có cảm giác đau khổ, biết sợ chết, vì vậy loài sâu, kiến đều có bản năng tự nhiên biết trốn tránh khi có nguy cơ tử vong. Thực vật thì không như thế. Cho nên giới hạn định nghĩa sát sinh là các loại động vật biết sống chết không phải cả loài thực vật.
Phật răn cấm các Tỳ kheo không được chặt phá cây cỏ, đối với các loài vi sinh vật như vi khuẩn thì theo quan điểm sinh vật học vì đó là các loại sinh vật năm ở giữa động vật và thực vật, không có thần kinh, lại không có tư tưởng và trí nhớ, không thuộc chúng sinh hữu tình,, có thể nói đó là những thực vật có hoạt động, nên giết vi khuẩn không phải là sát sinh.
Đối với các loài vi sinh vật ở dưới nước thì ngoài các vi khuẩn ra còn có những sinh vật tương đối cao cấp tuy không có thần kinh nhưng có thể xếp vào loài động vật. Vì thế khi Phật còn tại thế các Tỳ kheo khi dùng nước đều dùng nước đã qua túi lọc nước, làm như vậy là để lọc ra những chúng sinh nhỏ bé nhưng tương đối lớn, còn những loại sinh vật tương đối nhỏ thì không đáng kể. Như vậy là dựa trên quan điểm từ bi, không nở lòng trông thấy các loài chúng sinh vật mà không cứu độ. Còn đối với những loài mà mắt thường không thể thấy, hoặc tuy trông thấy nhưng không phân biệt được là loại hữu tình hay loại vô hình thì không cần phải biết đến.
Phật giáo chủ trương không sát sinh chủ yếu ở tinh thần từ bi, coi chúng sinh đều bình đẳng, tất cả chúng sinh đều có quyền sinh tồn và tự do. Mỗi người chúng ta đều sợ bị giết hại, đều lo sợ chết chóc, các chúng sinh khác đều như vậy. Các chúng sinh tuy phân biệt sang hèn, cao cấp. Nếu người người đều phát huy tinh thần từ bi bình đẳng đó thì thế giới của chúng ta nhất định sẽ hài hòa, hòa bình, giúp đỡ, kính trọng, yêu mến nhau, hòa hợp với nhau không có sự ngăn cách, sẽ không có một người nào bị cố ý giết hại. Tuy nhiên trong kinh Phật có nói : "Sát sinh thì chịu quả báo. Giết người thì phải đền mạng, ăn củ người nửa cân thì phải trả tám lạng". Điều đó đã nói rõ sự thực của luật nhân quả. Quả báo là có thực, nhưng cũng không phải là tuyệt đối không thể cải biến được. Bồi dưỡng tấm lòng từ bi mới là trọng điểm của việc không sát sinh, cũng chính là tinh thần của Phật và chư Bồ Tát giáo hóa độ thế.
8 - Vì sao phóng sinh ? phóng sinh như thế nào ? [^]
Phóng sinh bắt nguồn từ kinh Phật Đại Thừa, thịnh hành ở Trung Hoa, Tây Tạng, truyền sang Nhật Bản và các nước láng giềng Triều Tiên, Việt Nam. Hoạt động phóng sinh dựa trên tinh thần từ bi và bình đẳng giữa chúng sinh, và quan niệm nhân quả của sinh tử luân hồi. Nếu vừa giữ giới sát, lại vừa phóng sinh thì công đức gấp bội. Những tỷ dụ kinh nghiệm cảm ứng về phóng sinh, sách sử nói đến rất nhiều.
Trong kinh "Tạp bảo tạng" quyển 4 có ghi chép sư phụ của một Sa di biết Sa di này sẽ chết trong vòng 7 ngày, nên cho phép anh ta về thăm nhà, 7 ngày sau sẽ trở lại, nhưng không giải thích rõ lý do. Anh ta lên đường về nhà, thấy nước trong một cái ao thoát ra một khe hở, đe dọa một ổ kiến ở bờ ao. Bầy kiến nháo nhác chạy trốn nhưng không kịp với tốc độ nước tháo ra. Anh Sa di thấy vô số con kiến ắt phải chết đuối bèn lấy áo cà sa của mình bồi đất vào để đắp lỗ hổng ở bờ ao, cứu thoát bầy kiến. Sa di về thăm nhà 7 ngày, rồi trở lại ra mắt sư phụ. Sư phụ thấy Sa di kinh ngạc vô cùng, hỏi anh ta mấy ngày qua có xảy ra chuyện gì đặc biệt không. Tưởng rằng sư phụ nói mình phạm giới, làm việc bậy bạ nên lo sợ nói rằng không làm việc gì sai trái. Sư phụ là A la hán dùng thiên nhãn biết rõ là anh Sa di này đã làm một việc thiện nhỏ là cứu sống một bầy kiến, nhờ vậy mà khỏi phải chết yểu, được sống cho đến già.
Các tín đồ Phật giáo đều biết rõ căn cứ của phóng sinh. Có hai bộ kinh. Một là "Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới", trong đó có nói : "Mọi người hãy lấy từ tâm mà phóng sinh, vì tất cả đàn ông là cha của mình, tất cả đàn bà là mẹ của mình, mình chính là từ ở đó mà sinh ra. Vì vậy chúng sinh trong sáu cõi đều là cha mẹ ta, giết họ mà ăn là giết cha mẹ, và giết cả bản thân mình nữa. Tất cả đất và nước là thân trước của ta, tất cả lửa và gió đều là bản thể của ta, cho nên thường làm việc phóng sinh, đời đời thọ sinh. Nếu người đời khi thấy việc giết hại súc vật thì nên cứu chúng thoát khỏi khổ nạn, thường giáo hóa nói về giới Bồ Tát, cứu độ chúng sinh".
Bộ kinh thứ hai là "Kinh Kim Quang Minh" quyển 4 (phẩm con ông trưởng giả Lưu Thủy) kể lại chuyện ngày trước Phật Thích Ca tu hạnh Bồ Tát. Thời ấy Phật Thích Ca làm con ông trưởng giả Lưu Thủy. Một lần Người đi qua một cái hồ lớn. Trời đại hạn. Có người đắp đập trên thượng nguồn để bắt cá, làm cho mức nước hồ thấp xuống, hàng vạn cá lớn, cá bé có nguy cơ bị chết. Con trưởng giả muốn cứu bầy cá, nhưng không thể lên tận nguồn để phá đập chắn, bèn tâu với quốc vương phái đến 20 con voi lớn, chở nước tới, đổ đầy hồ, cứu sống đàn cá.
Kinh "Phạm Võng" là chỗ dựa lý luận của phóng sinh. "Kim Quang Minh" là chỗ dựa để xây ao phóng sinh. Các bộ kinh Đại Thừa khác như "Lục độ tập kinh" quyển 3, ghi chép việc mua rùa để phóng sinh. Cuốn "Đại Đường Tây Vực Ký" của Huyền Trang cuốn 9 kể chuyện Tháp Nhạn. Ở nước Magadha thuộc Trung Ấn Độ có một ngôi chùa Tiểu Thừa, do một vị Tỳ kheo tu không giữ giới ăn ba loại thịt thanh tịnh là các loại thịt không thấy giết, không nghe giết, không vì mình mà giết. Có một ngày, một Tỳ kheo không có thịt ăn, chính lúc đó ở trên trời có một bầy nhạn bay qua, Tỳ kheo bèn nói với đàn nhạn "Hôm nay, có vị Tăng không có thịt ăn, vì không ai cúng dường. Các vị Đại Bồ Tát biết là thời cơ đã đến rồi". Bầy nhạn nghe thấy như vậy, đều sa xuống mà chết. Vị Tỳ kheo ấy vốn không tin Đại Thừa, không tin chim nhạn có thể là Bồ Tát, nên nói ra câu trên để chế diễu Đại Thừa. Không ngờ chính các Bồ Tát đã hiển hiện làm nhạn để giác ngộ cho anh. Các Tỳ kheo Tiểu Thừa trong chùa lấy làm xấu hổ và bảo nhau : "Đây là các vị Bồ Tát, ai mà dám ăn". Từ nay về sau phải dựa vào Đại Thừa, chúng ta sẽ không ăn ba loại thịt thanh tịnh. Rồi xây tháp thờ chim nhạn.
Có thể thấy phóng sinh có gốc rễ ở giới sát. Cũng có thể nói phát triển giới sát thêm một bước, thành ra phóng sinh. Giới sát chỉ là ngăn không làm ác, là hành vi thiện thụ động. Phóng sinh cứu mạng là hành vi thiện tích cực. Nếu chỉ ngăn ác, mà không hành thiện thì không phải là tinh thần của Phật pháp Đại Thừa. Vì vậy mà Trung Quốc, từ thời Bắc Tề Lương đến nay, có phong trào không ăn thịt không sát sinh. Phong tục phóng sinh cũng từ đó được phát triển dần dần từ triều đình đến dân thường, từ chúng Tăng đến người trần tục đều coi trọng ăn chay.
Chính phủ Dân quốc hiện nay cũng định kỳ cấm giết hại súc vật một số ngày trong năm, từ trung ương đến địa phương để cầu mưa, xua đuổi tai họa, người ta cũng tổ chức phóng sinh và cấm giết hại súc vật. Võ Đế nhà Lương xuống chiếu cấm sát sinh để cúng tế. Tỳ kheo Tuệ Tập đời nhà Lương, nguyện tự đốt hai cánh tay, đi khắp nơi khuyên phóng sinh. Đời Tùy, đại sư Trí Khải phát động phong trào xây ao phóng sinh, giảng các kinh "Kim Quang Minh" và "Pháp Hoa" để tuyên truyền xin bỏ tiền mua lương thực để nuôi cá. Đời Trần Tuyên Đế, Vua sai quan Tế Tửu Từ, Khắc Hiếu viết "Bài Bia về việc thiền sư Trí Khải" tu ở chùa Thiền núi Thiên Thai tổ chức phóng sinh. Điều đó mở đầu cho việc ghi chép các hội phóng sinh và các ao phóng sinh ở Trung Quốc. Từ đó về sau từ đời nhà Đường, nhà Tống đến nhà Minh, đời nào cũng có phát triển việc phóng sinh. Đời vua Đường Túc Tôn, có viết bài bia về ao phóng sinh. Đến đời Tống, hai đại sư Tuân Thức và Tri Lễ cũng ra sức tán thán việc phóng sinh.
Cuối đời nhà Minh có đại sư Liên Trì là một trong những cao tăng rất tích cực tuyên truyền việc phóng sinh. Đại sư viết các bài "Như Lai không cứu nghiệp sát", "Ăn thịt", "Ăn chay" in trong tập "Trúc song tùy bút", lại viết các thiên thư như "Mặc áo lụa ăn thịt", "Giữ giới sát được sống thọ", "Ao phóng sinh", "Thầy thuốc giới sát sinh", "Vì bệnh ăn thịt". Trong tập "Trúc song tùy bút", lại có các bài "Sát sinh là tội ác lớn trong đời người", "Làm người không nên sát sinh", "Làm người không nên ăn thịt chúng sinh để khuyến khích giới sát và phóng sinh". Ngoài các bài viết về "ăn chay", ông còn viết các bài "Nghi thức phóng sinh", "Giới sát phóng sinh", để bày vẽ các nghi thức phóng sinh cho mọi người. Thời hiện đại có sách của đại sư Hoàng Nhất, các tập tranh về "Bảo vệ cuộc sống" của Phong Tử Khái "6 cuốn". Ngoài ra còn có Cư sĩ Thái Niệm Sanh đề xướng việc giới sát phóng sinh biên tập những câu chuyện về chủ đề "Động vật cũng có linh tính và cảm ứng" thành sách với nhan đề "Động vật còn như vậy". Nhưng trong xã hội hiện đại, khoa học kỹ thuật tiến bộ, mật độ nhân khẩu tăng nhanh, không gian sống bị thu nhỏ lại, muốn có một ao phóng sinh, một khu vực phóng sinh tuyệt đối an toàn là tương đối khó khăn. Ở nước Mỹ và Đài Loan hiện nay có các khu vực bảo vệ dã thú. Ngoài ra cũng có người do lòng thương yêu loài vật và muốn bảo vệ thiên nhiên đã khuyến khích dân chúng không nên giết, bắt bừa bãi, tránh phá hoại sự điều hòa phối hợp tự nhiên của sinh vật, tránh nguy cơ diệt chủng đối với loài động vật hiếm. Điều này phù hợp nhưng không hoàn toàn tương đồng với tinh thần phóng sinh của đạo Phật. Nếu chúng ta thả tất cả động vật được phóng sinh vào các khu bảo vệ động vật… thì sẽ có nguy cơ bão hòa, số động vật tăng nhan tới mức phải hạn chế.
Do đó, chúng ta đến đâu để phóng sinh ? Nếu là cá thì có người câu hay thả lưới, nếu là chim, thì có người dùng súng bắn, hay dùng lưới vây bắt. Ở các chợ bán chim, bán cá ngày nay, thường không phải là động vật hoang dã, mà đại bộ phận là do người ở các ao cá, vườn chim. Những động vật này căn bản không thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên, phóng sinh chúng cũng như sát sinh. Phóng sinh loài nhỏ, chúng sẽ bị những loài lớn ăn thịt. Phóng sinh loài lớn, chúng sẽ bị săn bắn đưa vào bếp các quán ăn. Hơn nữa, giống chim, loài cá đều có thói quen của chúng. Có những loài cá nhất định phải sống trong những hoàn cảnh nhất định như chất nước, độ sâu, độ chảy, mua giống cá sông thả vào biển hay mua và thả cá biển vào sông đều thành vấn đề. Loại chim nuôi ở công viên, không quen săn mồi trong hoàn cảnh tự nhiên không biết rau quả nào trong rừng có thể dùng làm thức ăn. Nếu thả chúng vào rừng sẽ bị đói hoặc bị các động vật khác hoặc các loài chim ăn thịt.
Trong tình hình như vậy, có cần phóng sinh hay không, có nên phóng sinh hay không ? Điều này rõ ràng là một sự thực không may mắn. Sự hạn chế của hoàn cảnh tự nhiên làm cho cuộc vận động phóng sinh ngày càng khó khăn.
Thực ra, ý nghĩa phóng sinh là ở nơi động cơ của phóng sinh mong muốn kéo dài thọ mạng của sinh vật. Còn kéo dài được bao lâu thì chúng ta phải có trách nhiệm khảo sát, nghiên cứu như muốn thả chim thì phải nghiên cứu xem thả loài chim gì, thả ở đâu, thả vào lúc nào mới an toàn, có kết quả.
Đối với loài cá, tôm, cua v.v… cũng phải như vậy. Trước hết phải nghiên cứu tập quán sinh thái, nguồn gốc của chúng, rồi chọn thời cơ thích đáng nhất để thả chúng ở những nơi an toàn thích hợp nhất. Nhưng nếu không may, hôm nay chúng được thả, sang ngày hôm sau chúng bị bắt thì cũng đành chịu vậy.
Mục đích của chúng ta là phát động lòng từ bi, tinh thần cứu tế của người phóng sinh. Còn số phận của động vật được phóng sinh ra sao, thì còn tùy thuộc vào nhân quả họa phúc và nhân duyên của chúng nữa. Miễn là khi phóng sinh chúng ta thành tâm cầu cho chúng được thoát nạn. Hãy vì chúng mà nói Tam Quy, nói Phật pháp, phát nguyện hồi hướng. Chúng có thể nhờ đó mà thoát ly được các thân khác loài, chuyển tái sinh làm người, sinh lên cõi trời, vãng sinh tịnh độ, phát tâm Bồ đề, độ thoát chúng sinh sớm thành Phật đạo. Trong việc phóng sinh, chúng ta chỉ cần tận tâm, tận lực mà làm. Như vậy là tốt.
9 - Phật tử kiếm tiền với thái độ như thế nào ?[^]
Có người hỏi : Buôn bán thì không thể nói thật. Thí dụ ông Vương bán dưa, tất phải khen dưa ngọt, nếu không như vậy, sẽ không có ai mua. Như vậy, thì Phật tử có thể buôn bán không ? Buôn bán có phạm giới vọng ngữ hay không ?
Lại có người hỏi : Người học Phật không được có tâm tham, mà nên bố thí. Đi buôn là để có thật nhiều lãi, phải chăng đi buôn là trái với Phật pháp ?
Lại có người hỏi : Phật tử có thể mua cổ phiếu đầu tư, cho vay, mua bán bất động sản được hay không, vì những việc đó đều mang tính chất đầu cơ ?
Lại có người hỏi : Phật tử có thể buôn bán lương thực, thực phẩm hay không ? Nếu lương thực thực phẩm đó có được dùng để nuôi gia súc, thì phải chăng làm như vậy là khuyến khích nghiệp sát sinh ?
Đúng vậy, những vấn đề trên đây là những vấn đề cần phải thảo luận và nghiên cứu. Khi Phật Thích Ca còn tại thế, xã hội Ấn Độ chia làm bốn đẳng cấp :
Thứ nhất là đẳng cấp giáo sĩ Bà-la-môn, lo công việc tôn giáo.
Thứ hai, đẳng cấp Sát-đế-lợi lo công việc quân sự, chính trị.
Thứ ba, đẳng cấp Phệ-xá, lo việc công thương.
Thứ tư, đẳng cấp Thủ Đà La làm các công việc thấp hèn như sát sinh v.v…
Đức Phật Thích Ca chỉ không khuyến khích làm các công việc của đẳng cấp Thủ Đà La, còn thì tán thành các ngành nghề khác trong phạm vi cho phép, đủ thấy các Phật tử hoạt động công thương là chính đáng.
Còn như nói buôn bán là hành vi dối trá lừa người thì điều cần phải bàn bạc. Bởi vì đó không phải là thủ đoạn cần thiết mà do tập quán và tâm lý của con người nói chung tạo nên. Hàng thật, giá thật vay mượn chỗ đáng tin cậy, đó là đạo đức nghề nghiệp đáng có của nhà công thương. Mà chỉ có sự trung thực mới có thể làm to, làm lâu dài. Nếu không thì vì sao nhiều nhà buôn trương chiêu bài : "Cửa hàng này lâu hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm".
Làm một người Phật tử mà có thể làm người khác ngờ rằng mình có thể lừa lọc họ, dối trá họ thì đó không phải là thái độ đúng đắn của người Phật tử mà thậm chí không phải là một nhà tiểu thương nữa.
Tất nhiên, chúng ta biết có những cửa hàng nói thách giá, nhưng cũng có những cửa hàng không bán hai giá. Có thể khi bắt đầu buôn bán có thể kém đi một ít, lợi nhuận còn ít, nhưng về lâu về dài, sẽ được tín nhiệm, nhờ đó mà thu lãi.
Người ta nói chung có tâm lý "nuôi con phòng già", "tích cốc phòng cơ", "buôn bán thì nhất bản vạn lợi, muốn cho cuộc sống cá nhân được đảm bảo, muốn cho con cháu đời đời được ăn no mặc ấm". Nhưng ngày nay, thời thế đã thay đổi, quan niệm đã khác xưa. Các nhà kinh doanh lớn hiện nay, không nên thấy lợi ích riêng của mình mà phải cống hiến trí tuệ, tài năng của mình cho phúc lợi quần chúng xã hội, thực hiện cái gọi là "lấy ở xã hội và dùng cho xã hội", nhằm mục đích hoàn thành sự nghiệp của mình. Vì phụng sự lý tưởng đem lại hạnh phúc cho nhân loại nên họ không có tham tâm. Những người bình thường với khả năng trí tuệ của mình tuy không có cống hiến gì lớn lao cho xã hội nhưng ít nữa cũng có thể giải quyết được nhu cầu sinh hoạt cá nhân, cũng như nhu cầu sinh hoạt của gia đình và những nhân viên giúp việc. Đó là sự hỗ trợ lẫn nhau, và mỗi người đáp ứng nhu cầu riêng của mình.
Do vậy, mỗi người phải phát huy khả năng của mình, bất kể vốn liếng, trí tuệ và sức lực như thế nào ? Người Phật tử đi buôn bán, không chỉ được quan tâm đến lợi ích riêng tư, mà bỏ rơi lợi ích của người khác. Vì xã hội là một "đoàn thể" người, chúng ta làm bất cứ việc gì trong xã hội cũng đều có quan hệ với người khác, đều tác động lẫn nhau và giúp ích cho nhau.
Chúng ta phải có quan niệm vừa lợi ích cho mình vừa lợi cho người trong việc kiếm tiền để có số lợi nhuận tương xứng, và phải biết chi tiêu hợp lý số tiền kiếm được, không được chi dùng tiền vào hưởng thụ vật chất và thỏa mãn hư danh. Như vậy tránh được cái tiếng "kiếm tiền là do tham lam".
Trong kinh "Thiện Sanh" có nói, thu nhập của cư sĩ tốt nhất nên chia làm bốn phần để xử lý :
Theo Phật pháp thì phải có nghề nghiệp chân chính, tức là nghề nghiệp lợi cho mình mà không hại cho người khác. Như vậy thì làm sao mà nói rằng bản thân kiếm tiền mà lại làm cho người khác mất vốn phá sản ? Tuy nhiên phải thừa nhận rằng do trình độ quản lý và năng lực cao thấp khác nhau, quan niệm về lề lối kinh doanh khác nhau, quan hệ xã hội cũng bất đồng cho nên rất có thể cửa hàng này, công ty này làm ăn có lãi, cửa hàng kia, công ty kia bị thua lỗ.
Điều căn bản là trong quan hệ làm ăn buôn bán không được dối trá. Nếu trong quan hệ đó có người mua hay bán bị thua lỗ thì đấy không phải là trách nhiệm của chúng ta. Nói tóm lại người Phật tử làm bất cứ điều gì cũng với lòng thật, lòng thành, đối xử với người khác bao giờ cũng một lòng thành thực. Còn kết quả xảy ra thế nào thì cũng có thể không cần bận tâm áy náy.
Buôn bán cổ phiếu nhà cửa trong thế giới hiện đại là bình thường, chính phủ các nước đều chấp nhận. Các công ty thông qua bán cổ phiếu để huy động vốn nhàn rỗi của tư nhân, tập hợp vốn để kinh doanh các nghề có lợi cho quốc tế nhân sinh. Do đó mua bán cổ phiếu là việc làm chính đáng. Có một số người nắm trong tay một số lượng lớn cổ phiếu, thao túng làm cho cổ phiếu khi lên, khi xuống, như vậy là không đạo đức. Chỉ có các nhà tư bản lớn mới thao túng được cổ phiếu, những người đầu tư bình thường chỉ có thể căn cứ giá cổ phiếu lên xuống mà mua hay bán cổ phiếu. Trong xã hội mà nền tài chính ổn định, việc thao túng cổ phiếu là phạm pháp. Các xí nghiệp lớn tuy nắm trong tay một số lượng lớn cổ phiếu cũng không được thao túng thị trường, làm cho giá cổ phiếu lên xuống nếu không thì chịu lấy hậu quả xấu.
Việc mua bán nhà cửa cũng là một hành vi thương nghiệp chính đáng. Nếu mua bán bất động sản với giá cả hợp lý, không ép giá xuống khi mua, không nâng giá lên khi bán, thì việc mua bán nhà đất không có gì là sai trái và Phật tử có thể làm.
Đối với việc cho vay lấy lãi, Phật tử có thể cho ngân hàng hay cơ quan tín dụng vay, đó cũng là một loại đầu tư. Dùng một khoản tiền nhỏ lưu chuyển giữa người ta với nhau hoặc tập trung đầu tư vào một số xí nghiệp lớn cũng là phương tiện lợi mình, lợi người, làm cho kinh tế xã hội phồn vinh, đó là việc làm nên khuyến khích. Nhưng nếu cho vay với lãi cao thì rất nguy hiểm, thường bị mất cả vốn. Người Phật tử không thể cho vay nặng lãi, bản thân vừa không bảo đảm lại vừa bóc lột người khác quá đáng, làm thương tổn đến lòng từ bi, tốt nhất là không được làm.
Ngày xưa người ta tính có đến 360 nghề nghiệp buôn bán. Trong xã hội công thương nghiệp hiện đại, số ngành nghề lên đến 3600 loại, Phật tử chúng ta nên tránh các nghề có liên quan đến nghiệp sát, nghiệp dâm, nghiệp trộm cắp, cờ bạc, nói dối, rượu chè, nhưng không thể xác định được dứt khoát được ngành này, ngành họ là không thể làm. Tỷ dụ, như mở rạp chiếu bóng, chuyên chiếu những phim đồi trụy, thì tất nhiên là không được. Nhưng mở rạp để chiếu những phim có tính chất giáo dục và giải trí thì đó là một ngành nghề chân chính. Mua bán lương thực để cho người ta dùng hoặc sau khi gia công sẽ dùng vào công nghiệp thì được.
Tóm lại, Phật giáo không khuyến khích nghiệp sát và không làm ngành nghề thuộc nghiệp sát, phàm việc gì liên quan đến nghiệp sát thì nên tránh.
10 - Phật tử có thể có sinh hoạt tình cảm không ? [^]
Tình cảm là mối quan hệ giữa nam và nữ, giữa bà con thân thuộc và giữa bạn bè với nhau, cũng tức là tình ái, tình cảm thân thiết, tình hữu nghị. Phật tử vẫn còn là phàm phu, nên không thể không có cha mẹ, không thể không có bạn bè. Ngoài người xuất gia ra, các Phật tử đều nên có vợ chồng. Phật gọi chúng sinh là "hữu tình" tức là nếu không có ba loại tình nói trên thì không phải là chúng sinh. Học Phật là chúng sinh phàm phu học Phật.
Mọi sự tiếp xúc, quan hệ giữa người với người, đều phải hợp tình hợp lý, hợp pháp. Nếu Phật giáo chỉ nói ly dục riêng thôi thì không có cách nào làm cho con người nói chung tiến đến cửa Phật. Nếu sự giáo hóa của Phật không có thành phần tình cảm thì rất khó giáo hóa chúng sinh.
"Từ bi" mà Phật pháp giảng tựa hồ như khác với tình cảm. Nhưng cơ sở lòng từ bi chính là tình cảm giữa người và người, người ta vẫn thường nói đó là yêu. Nhưng yêu cũng có sự phân biệt "yêu có điều kiện hay không có điều kiện", "hữu ngã" hay "vô ngã". Lòng từ bi của Phật và Bồ Tát là vô ngã. Tình yêu giữa người và người là hữu ngã. Tình yêu giữa bà con thân thuộc là vô điều kiện. Tình yêu nam nữ, bạn bè có thể là có điều kiện, cũng có thể là vô điều kiện. Theo Phật pháp là phải từ tình yêu cơ sở đưa tới lòng từ bi vô ngã.
Vì Phật, Bồ Tát là vô ngã, chúng sinh không thể vô ngã, cho nên phải giáo dục hướng dẫn chúng sinh từ lòng thương hữu ngã dần chuyển sang lòng từ bi vô ngã, phải từ lòng thương có điều kiện thành lòng thương vô điều kiện. Do đó, Phật giáo không thể yêu cầu người ta từ bỏ sinh hoạt tình cảm được.
Phật tử nên giải quyết vấn đề tình cảm như thế nào ? Gia đình là cơ sở của quan hệ tình cảm. Cơ sở gia đình về mặt luân lý mà nói là tình cảm ruột thịt. Nó được cấu thành từ quan hệ vợ chồng, nam nữ, từ đó mở rộng phạm vi đến bạn bè thân thuộc là những người ngoài gia đình và hoạt động của xã hội mà hình thành nên sự cần thiết phải có tình cảm thân thiết. Trung Quốc có câu tục ngữ "Ở nhà dựa vào chao mẹ, ra ngoài dựa vào bạn bè", "phu xướng phụ tùy, bách niên giai lão" tất cả đều dựa trên tình cảm làm cơ sở. Không có tình cảm cũng như máy móc không có dầu trơn dễ xảy ra trục trặc do ma sát mà bị hư hỏng. Mục đích của Phật pháp là giáo hóa người phàm tục biến mâu thuẫn thành hài hòa. Vì vậy Phật giáo có hai pháp môn không thay đổi là trí tuệ và từ bi. Trí tuệ là lý tính, từ bi là cảm tính. Dùng trí tuệ để chỉ đạo từ bi, vận dụng từ bi có thể giúp cho tình cảm của con người phàm tục từ hỗn loạn trở thành có trật tự, từ mâu thuẫn trở thành hài hòa. Nếu tách rời tình cảm khỏi trí tuệ của lý tính thì dễ buông lỏng, phóng túng dễ dẫn đến hậu quả vừa hại mình, vừa hại người.
Có một bộ kinh Phật nhan đề "Kinh lễ sáu phương" kể lại chuyện ở Ấn Độ, vào thời Phật Thích Ca có một loại tín ngưỡng tôn giáo dạy người ta chuyên lễ bái sáu phương. Một lần Đức Phật gặp một thanh niên tên là Thi-Ca-La-Việt đang lễ bái sáu phương với thái độ rất thành kính, bèn hỏi anh ta, lễ bái gì ? Thanh niên không trả lời được, chỉ nói là làm theo lời dạy của cha, khi cha còn sống, thường lễ bái sáu phương. Sau khi cha chết, người con vẫn tiếp tục lễ bái sáu phương. Đức Phật bảo : "Phật giáo cũng dạy lễ bái sáu phương : hiếu thuận với cha mẹ là lễ phương Đông; kính trọng thầy dạy là lễ phương Nam; vợ chồng hòa thuận là lễ phương Tây; thương yêu bạn bè là lễ phương Bắc; săn sóc người làm công, giúp việc mình là lễ hạ phương ("dưới") tôn kính người xuất gia là lễ thượng phương ("trên"). Đồng thời Người cũng nói, cha mẹ đối với con cái, thầy đối với trò, người làm công đối với chủ, sa môn đối với người thế tục cũng đều phải có thái độ và trách nhiệm. Đó chính là những phạm vi tình cảm quan hệ luân lý giữa người và người, khéo xử lý vấn đề tình cảm để có cuộc sống tình cảm chính đáng là bước đầu tu hành theo đạo Phật".
Phẩm "Phật đạo" trong kinh "Duy Ma Cật" có ghi lại cuộc đàm thoại giữa Bồ Tát Phổ Hiền và ông Duy Ma Cật. Bồ Tát Phổ Hiền hỏi : "Ông có cha mẹ, vợ con, họ hàng quyến thuộc, bạn bè, như vậy có phải là có quá nhiều phiền lụy chăng ?" ý nói "Duy Ma Cật là đại Bồ Tát, lại có gia đình quyến thuộc làm sao mà sống tự tại được ?" Duy Ma Cật trả lời : "Mẹ ta là trí tuệ, cha ta là phương pháp độ chúng sinh, vợ con là niềm vui với pháp nhờ tu hành mà có được, con gái ta là đại biểu cho lòng từ bi, con trai ta là đại biểu cho tâm lành và lòng thành thực, ta có gia đình nhưng gia đình ấy đại biểu cho cái "không" tuyệt đối; học trò ta là tất cả chúng sinh, bạn bè ta là các pháp môn tu hành khác nhau. Các cô gái đẹp ca múa xung quanh ta là bốn loại phương tiện nhiếp hóa chúng sinh".
Phẩm "Phật đạo" của kinh "Duy Ma Cật" bao gồm mọi người và sự vật của đời sống người tại gia. Duy Ma Cật không những bị những sự trói buộc đó làm cho không được tự tại mà ngược lại biết lấy trí tuệ lớn để vận dụng, phát huy lòng từ bi. Tuy có cuộc sống tình cảm như những người bình thường khác, nhưng ông có thế giới nội tâm và giải thoát tự tại của mình.
Có thể thấy rằng các Phật tử không cần từ bỏ cuộc sống tình cảm của mình, nhưng phải lấy lý tính để chỉ đạo cảm tính dung hòa với lý tính. Nếu có thể dùng trí tuệ của lý tính để chỉ đạo cảm tính, thì cuộc sống sẽ vô cùng phong phú, thuận lợi, dồi dào, lợi mình lợi người.
Nguyên tắc chỉ đạo và trí tuệ của Phật pháp dạy chúng ta xử lý như thế nào đối với vấn đề tình cảm, chứ không phải đòi chúng ta vứt bỏ, bài xích hoặc ghét bỏ tình cảm. Nếu dùng tình cảm không thích đáng, dùng tình cảm không có tiết chế thì sẽ bị tai họa. Thí dụ : cha mẹ thương yêu con cái là chuyện đương nhiên, nhưng nếu chiều chuộng thái quá thì con cái sinh hư. Trai gái thương yêu nhau nhưng có quan hệ tình dục trước khi kết hôn, hay ngoại tình thì sẽ xảy ra nhiều vấn đề phức tạp cho gia đình và xã hội. Trong các mối quan hệ giữa bạn bè với nhau, thầy trò với nhau, họ hàng với nhau, chủ và người giúp việc với nhau cũng phải dựa vào lý trí để thể hiện tình cảm, nếu không thì xảy ra phiền phức.
Phật pháp không phản đối cuộc sống tình cảm mà hướng dẫn chúng ta phải có cuộc sống tình cảm như thế nào cho hợp lý và hợp pháp.
11 - Phật tử nên cử hành lễ tang thế nào? [^]
Trong lễ tang nên làm các "Phật sự" như : tụng kinh, niệm Phật v.v… Nhưng trong nghi thức lễ tang hiện nay ở Trung Quốc, người xuất gia chỉ tụng kinh, không đứng chủ lễ tang. Vì các nghi thức lễ tang đều do phái viên của tổ chức hội bảo trợ đảm nhiệm, Phật sự chỉ là những công việc phụ.
Theo nghi lễ tang chính thức của Phật giáo thì ngoài những người phụ trách lễ tang thì chủ thể phải là một pháp sư xuất gia tụng kinh hộ niệm cho người chết. Những người tham dự lễ tang nên có quyển kinh Phật trong tay để tụng theo pháp sư chủ lễ, bài kinh và bài kệ đọc nên ngắn gọn, như bài "Tâm kinh", "Chú vãng sinh", "Kệ tán Phật", "Niệm danh hiệu Phật", "Kệ hồi hướng". Chỉ cần đọc không cần xướng bởi vì trong số người tham dự có nhiều người không biết xướng. Sau đó vị pháp sư giới thiệu sơ lược tiểu sử, công đức học Phật, làm điều thiện của người chết rồi nói đôi lời ngắn gọn cầu cho người chết vãng sinh tịnh độ và an ủi gia đình bạn bè của người chết.
Lễ tang gia đình và lễ tang chung (dành cho bạn bè đoàn thể) nên tổ chức vào cùng một ngày cho tiện, đồng thời nghi thức lễ tang nên tổ chức giản đơn, long trọng, thời gian không quá một giờ, nhiều nhất là một giờ rưỡi. Dùng ban nhạc hay hàng rào danh dự đều là việc phô trương, hình thức. Những người không phải là Phật tử cho rằng những hình thức đó có lẽ có lúc có tác dụng an ủi người chết. Còn đối với các Phật tử thì điều đó chỉ làm nhiễu loạn tâm người chết cầu mong sinh nơi cõi Phật.
Xưa nay, lễ tang Phật giáo chưa có quy định cụ thể. Nhưng ở Trung Quốc, vốn có các nghi thức lễ tang gồm các khâu như di lưu, khi người còn sống chưa chết hẳn và sau khi chết thì có các khâu như tắm rửa, thay áo, đặt linh vị, túc trực bên linh vị, nhập quan, đưa tang, mai táng, làm lễ cúng 7 ngày cho tới lễ cúng 100 ngày, v.v…
Theo pháp môn Tịnh độ thì trong khâu "di lưu" (1) nên mời các thiện tri thức, kể cả tại gia và xuất gia, đến hộ niệm, nói pháp, tụng kinh, niệm Phật. Và trong vòng 12 giờ sau khi đương sự chết thì tổ chức tắm rửa và tiếp tục hộ niệm. Bất cứ cử hành nghi thức nào đều tổ chức hộ niệm cho tâm người chết hướng về vãng sinh Tịnh độ. Tốt nhất là có các chư tăng hộ niệm làm lễ, bằng không thì có thể nhờ bạn bè đồng đạo, đồng tu giúp đỡ hộ niệm.
Phật tử xử lý xác người chết như thế nào ?
Có thể đặt trong khám, hay trong quan tài để hỏa táng hay đem chôn. Nếu là hỏa táng thì đưa tro cốt lên chùa hay là đặt trong tháp để thờ, hoặc đem chôn trong phần mộ. Nhưng dù hỏa táng hay chôn cất, cũng nên dùng các nghi thức tụng niệm, đọc kinh, hồi hướng, thay cho các nghi thức phô trương như cử nhạc hiếu và than thuê khóc mướn v.v…
Ngày xưa, ở nông thôn có tập tục, người già đều chuẩn bị sắm quan tài, áo tang để cầu sống lâu dài và cầu đại cát đại lợi. Nhưng ngày nay trong xã hội công thương nghiệp, phong tục đó cũng không còn nữa mà cũng không cần thiết nữa.
Như trên đã nói, nghi thức lễ tang theo Phật giáo cố gắng làm đơn giản, long trọng và đặc biệt là trong thời gian lễ tang không được bày chuyện sát sinh, làm cổ mặn, rượu thịt để thiết đãi bạn bè hay là để cúng tế vong linh người chết. Ở làng tôi tại tỉnh Giang Tô, vào dịp lễ tang, nhân dân chỉ làm cổ chay để tiếp đãi những người đến tham dự, phúng viếng. Bàn thờ linh vị chỉ có hoa quả, cổ chay để cúng dường… có vòng hoa, giỏ hoa, trướng biển cũng giảm bớt hay bãi bỏ, chỉ trừ một số giỏ hoa, hay vòng hoa của bạn bè thân hữu đến như các đoàn đại biểu. Số tiền phúng viếng ngoài phần để trang trải chi phí lễ tang và nhu cầu sinh hoạt ra (nếu tang gia thuộc hạng người nghèo) còn thì nên đem tất cả cúng dường Tam Bảo hay làm các công việc hoằng pháp lợi sinh, các công việc từ thiện, để hồi hướng cho người chết được siêu sinh tịnh độ.
Cha mẹ qua đời, con cháu vì thương cảm khóc than là chuyện thường tình. Khi đức Phật nhập Niết Bàn trừ các bậc A-la-hán đã được giải thoát ra tất cả các đệ tử đều khóc. Nhưng trong lễ tang ngày nay, nếu vì tục lệ mà tổ chức "khóc lóc để biểu thị lòng thương cảm" thì không nên. Các Phật tử nên thay khóc lóc bằng các Phật sự.
Thế thì khi nào làm Phật sự vì người chết ? Và nên tiến hành làm Phật sự như thế nào ?
Chú thích : (1) Một số công việc làm với người hấp hối như thay quần áo, niệm Phật.
12 - Như thế nào là làm Phật sự ? [^]
Làm Phật sự là làm các công việc học Phật, hoằng dương Phật pháp, đối tượng chủ yếu là con người. Đọc kinh, nghe pháp, khóa tụng, giảng kinh, bố thí, giữ giới, tu thiền, thực hành bát chính đạo, và thực hành sáu pháp Ba La Mật v.v… đều là Phật sự.
Nhưng trong sinh hoạt dân gian nói chung, không có quan niệm làm Phật sự như vậy. Thông thường khi bà con bạn bè chết họ mời các sư Tăng đến niệm Phật, tụng kinh, cầu cho vong linh người chết được siêu độ, không trực tiếp tham gia những công việc Phật sự đó, không tham gia tụng kinh niệm Phật, sám hối cùng với các chư Tăng. Họ chỉ làm công việc thù tiếp bà con thân thuộc, bạn bè đến phúng viếng, thậm chí còn đánh bài để tiếp khách khứa. Tang gia xử sự như vậy chỉ là làm theo tập tục, không phải là làm Phật sự, vừa bất kính đối với Phật pháp, vừa vô lễ đối với vong linh người chết.
Làm Phật sự phải có đầy đủ lòng thành, cung kính, nghiêm túc trang trọng. Tang gia thân thuộc của người chết phải tham gia tụng kinh niệm Phật. Khi cần thiết các chư Tăng đến làm chủ lễ chỉ đạo, hướng dẫn công việc Phật sự. Khi làm lễ không được ồn ào, mất trật tự.
Phật sự không phải là nghi thức, không được xem Phật sự như một nghi thức trong lễ tang. Bạn bè, họ hàng người chết đều nên tham gia tụng kinh, niệm Phật. Nếu không thì cũng phải đứng bên cạnh với thái độ cung kính, trang nghiêm, lắng nghe và theo dõi chư Tăng và người khác tụng kinh, niệm Phật, lễ bái. Làm Phật sự trong lễ tang tức là mời vong linh người chết đến nghe pháp, giải thoát nghiệp lực siêu sinh tịnh độ. Nếu tổ chức lễ tang và Phật sự mà tang gia không trực tiếp tham gia, thiếu lòng thành kính, thì công dụng đối với vong linh người chết chỉ có rất ít mà thôi.
Nên tổ chức làm Phật sự cho người chết trong vòng 49 ngày sau khi chết. Thông thường con người sau khi chết nếu nghiệp ác quá nặng thì lập tức đọa xuống ba cõi ác. Nếu có nhiều việc thiện thì cũng lập tức được sinh lên cõi trời. Nếu tu nghiệp thanh tịnh thì được siêu sinh tịnh độ. Dù cho người chết có bị đọa vào ba đường ác thì công dụng của Phật sự là làm giảm bớt nỗi thống khổ của người chết, cải thiện hoàn cảnh của ba cõi. Nếu được sinh lên cõi trời thì sẽ làm cho hạnh phúc của họ trên cõi trời càng thêm an lạc. Nếu được sinh ở cõi tịnh độ thì có thể nâng cao thêm thứ bậc ở đấy.
Kinh Địa Tạng chép rằng, muốn giúp cho bà con quyến thuộc được siêu sinh tịnh độ thì phải cung kính cúng dường chư Phật, Bồ Tát, đọc tụng thụ trì kinh Phật. Theo Kinh "Vu Lan Bồn" thì phải có bố thí cúng dường chúng Tăng xuất gia. Nói tóm lại, đứng trên lập trường của bà con quyến thuộc người quá cố, dùng tài sản của họ để lại làm các công việc bố thí, cúng dường Tam Bảo, cứu tế kẻ nghèo, làm phúc lợi xã hội, bố thí cho tất cả chúng sinh, khiến cho họ rời bỏ cái khổ, được an vui, điều đó có công dụng giúp cho người quá cố rời bỏ khổ, siêu sinh tịnh độ.
Trong vòng 49 ngày, kể từ phút người thân nhắm mắt nên tổ chức niệm danh hiệu Phật liên tục. Nếu khi còn sống, người thân tu pháp môn tịnh độ hàng ngày niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà thì tất nhiên, khi hộ niệm sẽ niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà… Bà con thân thuộc người chết nên phân công luân phiên nhau niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà. Nếu người quá cố không tu pháp môn nào thì vẫn nên niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà cho họ. Còn nếu họ thường tụng một bộ kinh nào đó hoặc trì tụng danh hiệu một đức Phật hoặc Bồ Tát nào đó thì tốt nhất là thọ trì kinh đó, niệm các danh hiệu Phật, Bồ Tát đó rồi hồi hướng công đức cho họ.
Theo tập quán ở Trung Quốc, trong vòng 49 ngày, nếu ngày nào cũng làm Phật sự là tốt nhất. Bằng không thì chỉ làm Phật sự trong 7 ngày đầu hay trong 3 ngày đầu hay một ngày đầu mà thôi cũng tốt. Sắp xếp như thế nào là do điều kiện nhân lực, vật lực của gia đình.
Nói chung theo đạo Phật, cần cử hành lễ tang ngắn gọn, trang nghiêm, long trọng. Tránh mọi sự phô trương, lãng phí không cần thiết. Tài lực, vật lực, nếu có, nên dùng vào các việc cúng dường Tam Bảo, hoằng dương Phật pháp, bố thí kẻ nghèo v.v… rồi hồi hướng công đức cho người quá cố. Nếu không như vậy là không phải Phật sự mà là dựa vào nghi thức lễ tang người chết mà phô trương sự hự vinh mà thôi. Tất nhiên là không nên chôn theo người chết quần áo đắt tiền và báu vật của họ, làm như vậy không có lợi ích gì thực tế đối với người chết mà còn lãng phí của cải đồ dùng.