Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 19: Pháp sư công đức

14/11/201017:53(Xem: 9329)
Phẩm 19: Pháp sư công đức

 

 

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA

Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997

Phẩm 19
PHÁP SƯ CÔNG ĐỨC

Phẩm trước đây đã tỏ rõ về công đức của một kẻ sơ học, người vừa đi vào giáo pháp. Phẩm này trình bày những công đức của một người giảng đã lên đến một trình độ cao hơn. “Pháp sư” không nhất thiết có nghĩa là một vị Tăng hay Ni mà có nghĩa là bất cứ người nào - bao gồm chư Tăng, chư Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ - thọ trì Phật pháp và nỗ lực truyền bá Phật pháp. Những thực hành của một Pháp sư gồm năm loại (ngũ chủng Pháp sư - goshu hosshi): thọ trì kinh (juji), đọc (doku) và tụng kinh (ju), thuyết giảng kinh (gesetsu) và sao chép kinh (thư tả - shosha). Năm loại thực hành này đã được giảng kỹ ở phẩm 10, “Pháp sư”. Trong từng loại thực hành, trạng thái niềm tin cứ sâu đậm dần của chúng ta được nêu rõ.

Nếu ta tin và hiểu giáo lý sau khi nghe và nếu ta khởi tâm hoan hỷ chấp nhận thì trước hết ta thủ trì giáo lý một cách vững chắc, rồi đọc và tụng kinh để ghi nhớ kinh trong trí. Như là một kỷ luật cá nhân, việc thực hành này nhằm kiến tạo cái căn bản cho niềm tin của ta. Khi niềm tin đạt được cấp độ này, ta không thể không truyền giáo lý cho những người khác. Kết quả là ta thuyết giảng kinh (giáo lý) và sao chép kinh. Ta không thể bảo rằng ta đã đạt được niềm tin thực sự nếu ta không trải qua quá trình năm loại thực hành của vị Pháp sư.

Thế rồi đức Phật bảo Bồ-tát Ma-ha-tát Thường Tinh Tấn: “Nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào thọ trì kinh Pháp Hoa này, hoặc đọc hoặc tụng hoặc thuyết giảng, hoặc sao chép kinh này, thì người ấy sẽ có được tám trăm công đức về mắt, một ngàn hai trăm công đức về tai, tám trăm công đức về mũi, một ngàn hai trăm công đức về lưỡi, tám trăm công đức về thân và một ngàn hai trăm công đức về ý; với những công đức này, người ấy sẽ trang nghiêm sáu quan năng (căn) và khiến cho sáu quan năng thanh tịnh.”

Những con số tám trăm hay một ngàn hai trăm trỏ ý về sự đạt được các công đức một cách toàn hảo. Chúng ta không cần phải hiểu những con số này theo nguyên nghĩa.

CÁC CÔNG ĐỨC VỀ MẮT:

Những công đức nào về mắt mà một thiện nam tử hay một thiện nữ nhân có thể đạt được ? Về những công đức này, đức Phật thuyết giảng như sau:

“Thiện nam tử hay thiện nữ nhân ấy, bằng đôi mắt thanh tịnh tự nhiên có được từ khi cha mẹ sinh ra, sẽ thấy được bất cứ những gì bên trong hay bên ngoài tam thiên đại thiên thế giới, núi, rừng, sông, biển, xuống tới ngục A-tỳ (Avici) và lên tới cõi trời Hữu Đỉnh, và cũng thấy được mọi chúng sanh trong đó, cũng như thấy và biết rõ các nghiệp duyên và các cõi tái sanh theo quả báo của họ.”

Liền đó, vì muốn trùng tuyên giáo pháp, Thế Tôn bèn nói bằng kệ, phần kết như sau:

“Dù chưa được thiên nhãn,
Sức nhục nhãn như thế.”

Nhóm từ “Dù chưa được thiên nhãn” trỏ cho sự trái nghĩa với nhóm từ “bằng đôi mắt thanh tịnh tự nhiên (thanh tịnh nhục nhãn) có được từ khi cha mẹ sinh ra.” Dòng cuối cùng của bài kệ có nghĩa là mặc dù các chúng sanh chưa có được thiên nhãn như chư Thiên để có thể hiểu rõ được thật tướng của mọi sự vật, các chúng sanh cũng nhận được cái năng lực để được như thế trong khi sống trong cõi Ta-bà vì họ có những con mắt thanh tịnh được vén sạch ảo tưởng tâm thức. Nói rõ hơn, họ có thể được như thế là do tâm họ trở nên thanh tịnh đến nỗi họ hoàn toàn chẳng chút vị ngã cho nên họ nhìn thấy các sự vật mà không bị ảnh hưởng của thành kiến hay chủ quan. Họ có thể nhìn thấy các sự vật một cách đúng thực như chính các sự vật vì họ luôn luôn giữ tâm yên tĩnh và không bị kích động.

Trong một bộ kinh, đức Phật dạy: “Một vật không bị phản chiếu khi nó ở trong nước đang sôi trên lửa. Một vật không bị phản chiếu khi nó ở trên mặt nước bị cây cỏ che kín. Một vật không bị phản chiếu khi nó ở trên mặt nước đang cuộn chảy vì gió quấy động.” Ở đây đức Phật dạy ta rằng ta không thể nhìn thấy thực tướng của các sự vật nếu ta chưa thoát khỏi ảo tưởng tâm thức do vị kỷ và mê đắm gây nên. Chúng ta cần phải hiểu các công đức về mắt theo cách như thế.

BỐN VÔ SỞ ÚY CỦA MỘT VỊ BỒ-TÁT:

Đức Phật bắt đầu nói kệ như sau:

Nếu ai trong đại chúng,
Với tâm vô sở úy
Thuyết kinh Pháp Hoa này...

Phần câu “Với tâm vô sở úy” có nghĩa là người ta nói những gì người ta tin một cách nghiêm túc, không sợ hãi hay e ngại. Khi giải thích cái tâm vô úy như thế, từ xưa người ta đã dùng biểu từ “bốn vô sở úy của một vị Bồ-tát.” Một người có thể giảng Pháp với cái tâm vô sở úy nếu người ấy luôn luôn duy trì bốn vô sở úy sau đây:

Vô sở úy thứ nhất là Tổng trì bất vong (sòji-fumò): một vị Bồ-tát không sợ thuyết giảng Pháp nhờ nhớ quan sát tất cả mọi yêu cầu. Điều này có nghĩa là một vị Bồ-tát không có gì để sợ khi giảng Pháp cho ai nếu vị ấy học thuộc lòng tất cả giáo lý mà mình đã nghe và không quên những giáo lý ấy. Điều này có vẻ khá là đơn giản, nhưng thực hành được như thế thì không phải là dễ. Khi một người thọ nhận giáo lý, người ấy hết lòng lắng nghe; và khi người ấy có những thắc mắc về giáo lý, người ấy không ngần ngại hỏi vị giảng sư cho đến khi mình hoàn toàn hiểu giáo lý ấy. Hơn nữa, người ấy nỗ lực ghi nhớ giáo lý bằng cách liên tục sáng và tối đọc và tụng giáo lý ấy. Người ấy chỉ có thể đạt được cấp độ tâm thức như thế nếu người ấy cứ mãi kiên trì trong nỗ lực ấy.

Vô sở úy thứ hai là Tận tri Pháp dược (jinchi-hòyaku): vị Bồ-tát không sợ giảng Pháp do đã thông hiểu môn y dược về Pháp và cũng thông hiểu các khả năng, xu hướng, bản chất và tâm thức của tất cả các chúng sanh. Điều này có nghĩa là cũng y như một thầy thuốc có thể kê toa theo tính chất và cấp độ của mọi thứ bệnh, một vị Bồ-tát có thể giảng Pháp dễ dàng phù hợp với những khác biệt về khả năng, xu hướng, bản chất và tâm thức của mỗi người. Một người xứng đáng được gọi là Bồ-tát không chỉ nhớ giáo lý kỹ càng mà còn tăng cường khả năng thuyết giảng giáo lý một cách tự tại bằng cách dùng các phương tiện thiện xảo.

Sở vô úy thứ ba là Thiện năng vấn đáp (zennò-mondò): một vị Bồ-tát không sợ giảng Pháp với những câu hỏi và trả lời tốt và đầy đủ. Nếu chỉ nói Pháp do hoàn cảnh thôi thúc là đủ thì người ta chỉ cần chuẩn bị bằng một kiến thức được thu đạt nhanh chóng và chưa tiêu hóa. Bất cứ ai có một kiến thức tổng quát về Pháp đều có thể làm được như thế. Thế nhưng một Pháp sư thật sự phải có đủ năng lực để trả lời một cách rõ ràng bất cứ câu hỏi nào về thuyết giảng của mình và phải lập luận hợp lý để chống lại những ý kiến phản đối. Nhưng câu trả lời và lập luận của vị ấy không được gây hiểu nhầm hay lang bang mà phải phù hợp với giáo pháp của đức Phật. Từ “tốt” nghĩa là phù hợp với giáo pháp của đức Phật. Câu trả lời của vị ấy tuy có thể là đúng nhưng không thể bảo rằng vị ấy là một Pháp sư giỏi nếu vị ấy không biết làm sao để giảng Pháp cho thật khéo léo để có thể khiến những người nghe vừa hiểu Pháp dễ dàng vừa nhận ra hết những ý niệm sai lầm của họ. Từ “đầy đủ” nhằm trỏ cái năng lực thuyết phục của vị ấy. Tóm lại, một người có thể đối đáp bất cứ câu hỏi nào hay bất cứ ý kiến trái nghịch nào một cách rõ ràng và thỏa đáng hoàn toàn phù hợp với giáo lý của đức Phật sẽ thuyết giảng mà không sợ hãi gì cả.

Vô sở úy thứ tư là Năng đoạt vật nghi (nòdan-motsugi): vị Bồ-tát không sợ giảng Pháp do giải quyết thỏa đáng những nghi ngờ. Nhiều câu hỏi khởi lên về lối hiểu giáo lý của đức Phật vì giáo lý thì quá sâu rộng, vô biên. Mỗi người có một lối hiểu khác nhau về các vấn đề, do đó mà có câu “Bao nhiêu thầy tu là bấy nhiêu lối hiểu Pháp”. Một người phải sáng suốt và dứt khoát trong lối hiểu pháp của mình, nhưng trên hết, người ấy phải hơn những người khác về đức hạnh và phải có lòng từ bi tột độ. Đấy là vì khi xét những vấn đề khó khăn như những cách hiểu khác nhau về giáo lý, người ta không thể nắm bắt được ý định thực sự của đức Phật từ đơn thuần sự hiểu biết có tính cách lý thuyết. Chỉ có người nào đã đạt đến cấp độ tâm thức khi trực tiếp thể nhập vào lòng đại từ bi mới có thể có những quyết định phù hợp với ý định của đức Phật trong việc làm sáng tỏ những sắc thái tinh tế của nghi ngờ. Một vị Bồ-tát có thể giải quyết thỏa đáng những nghi ngờ theo cách này sẽ giảng Pháp mà không sợ hãi gì.

Khi xét bốn Vô sở úy của một vị Bồ-tát, nhiều người có thể hoảng sợ nghĩ đến sự khó khăn của việc giảng Pháp cho những người khác. Tuy nhiên, ta chớ nên sợ hãi. Bốn Vô sở úy này miêu tả một Pháp sư lý tưởng, và nếu ai đạt đến cấp độ như thế thì quả thực người ấy vốn đã trở thành một đại Bồ-tát rồi. Không ai có thể trở thành đại Bồ-tát mà không có nỗ lực; vị ấy chỉ có thể đạt cấp độ như thế sau khi đã lâu dài thực hiện kỷ luật khắc khe.

Chúng ta là những người tu hạnh Bồ-tát, phải luôn luôn giảng Pháp bằng cách ghi nhớ trong tâm bốn lý tưởng của vị Bồ-tát và lấy bốn lý tưởng này làm tiêu chuẩn. Khi phải đối mặt với một vấn đề khó khăn hay bị hỏi những câu hỏi mà ta không biết phải trả lời ra sao thì ta nên thẳng thắn mà bảo:

“Vì câu hỏi này vượt ngoài khả năng của tôi, tôi sẽ nhờ ai đó chỉ bảo rồi sẽ trả lời cho ông”. Ta chớ nên bịa ra một câu trả lời để bằng một cách nào đó, làm cho câu hỏi qua đi. Bảo rằng “Tôi không chắc” không làm cho những người khác đánh giá ta thấp hơn theo tiêu chuẩn của những Pháp sư mà còn làm gia tăng sự tín nhiệm ở người nghe.

NHỮNG CÔNG ĐỨC VỀ TAI, MŨI, LƯỠI, THÂN VÀ Ý:

Tiếp đó, đức Phật giảng về những công đức về tai. Ngài dạy rằng thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào thăng tiến về năm sự Thực hành của một Pháp sư thì có thể nghe hết mọi lời mọi tiếng bằng đôi tai tự nhiên của mình.

Các sự vật gây ra âm thanh khi chúng chuyển động. Một người đã đạt được một cái tâm tĩnh lặng nhờ lòng tin sâu đậm thì có thể biết được sự chuyển dời vi tế của các sự vật do âm thanh của chúng. Trong những tiếng động khác nhau được nêu trong đoạn này, tiếng lửa, nước, gió nhằm chỉ những vật thiên nhiên. Bằng một cái tai tĩnh lặng, người ta có thể biết rõ những chuyển động của thiên nhiên bằng cách nghe những âm thanh của lửa lách tách, của nước rì rầm và của gió vi vu. Khi một người như thế nghe những âm thanh của thiên nhiên, người ấy có thể thưởng thức những âm thanh ấy cũng thích thú như đang nghe nhạc. Khi người ấy nghe bất cứ âm thanh bình thường nào của thiên nhiên, người ấy có thể phán đoán nguyên nhân thực sự của nó và do đó có thể cứu nhiều người khác cũng như chính mình khỏi những trận bão tuyết, giông tố hay những cơn lốc xoáy, sóng triều, lũ lụt hay nhiều thiên tai khác. Còn hơn thế nữa, người ấy có thể dễ dàng nhận biết được sự vận hành của tâm người ta, tiếng tù và, tiếng trống, cồng và chuông.

Một kỹ sư cơ khí khéo léo biết những phần nào của những cái máy bào bị hư mòn hay sai chậm khi người ấy vào nhà máy và nghe tiếng động do nhiều máy tạo nên. Trong đám hơn một trăm nhạc công trong một dàn nhạc giao hưởng, một nhạc trưởng xuất sắc có thể nghe và phân định được những khác biệt tinh tế khi họ tấu nhạc: những nhạc công nào tấu quá thấp hay quá cao; những ai không tạo giai điệu đúng khi tấu nhạc; ai tấu quá cường điệu. Một Pháp sư như là một Đạo sư trong đời người có thể tự nhiên nhận biết những cảm giác của các chúng sanh từ lời nói của họ hay những âm thanh khác.

Không cần phải nói, âm thanh của các chúng sanh được gây nên do họ chuyển động. Những âm thanh này được sản sinh không chỉ do những rung động của các dây thanh mà còn do những chuyển động của những cảm giác và ý định của họ. Có những âm thanh của sự thuận tiện, sự buồn rầu, khổ đau và của lời nói của họ. Một người đã phát triển đủ lòng tin có thể nghe ý nghĩa thực sự của tất cả các âm thanh ấy: những âm thanh của địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ và của a-tu-la (asura). Người ấy có thể nhận biết những âm thanh của hàng Thánh giả, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni và của Bồ-tát. Người ấy có thể hiểu giáo lý nào được giảng tại đâu và nó có giá trị nào về nội dung. Cuối cùng, người ấy có được cái khả năng được miêu tả trong các dòng sau đây:

Chư Phật, đại Thánh tôn
Giáo hóa các chúng sanh
Tại đại chúng của mình
Diễn thuyết pháp vi diệu
Ai trì Pháp Hoa này
Thảy đều nghe được rõ.

Hiển nhiên rằng vì toàn bộ thân thể của đức Như Lai được chứa đựng trong kinh Pháp Hoa, cho nên ai hành trì kinh này đều có thể nghe đức Phật thuyết Pháp.

Chúng ta tìm thấy hai biểu ngữ quan trọng sau đây trong đoạn kệ đức Phật giảng về các công đức thuộc về tai: “Nghe mà không lệ thuộc” và “Nghe không hoại nhĩ căn”. Biểu ngữ đầu có nghĩa là dù cho người ấy nghe những tiếng nhạc hay, người ấy cũng không bị ràng buộc vào đó. Người ấy có thể ưa thích âm nhạc trong một thời gian ngắn nhưng không thường xuyên bị ràng buộc vào đó, cũng không bị rơi vào sự quên lãng những vấn đề quan trọng. Đây là một gương tốt cho chúng ta về sự ràng buộc vào những thú vui. Biểu ngữ sau có nghĩa là sự nghe của người ấy sẽ không bị hư hại dù cho người ấy nghe hết thảy âm thanh của Tam thiên đại thiên thế giới. Điều này muốn trỏ rằng người ấy sẽ không bị lẫn lộn vì nghe mọi thứ âm thanh khác nhau trên thế giới. Nếu một người bình thường nghe những âm thanh của lo lắng, của khổ đau, ưu phiền, mặt khác, lại nghe những âm thanh tranh cãi, la mắng thì người ấy sẽ bị rơi vào lẫn lộn. Thế nhưng một người có đủ niềm tin sâu đậm sẽ không bị áp đảo; người ấy sẽ an trú giữa tiếng ồn và có thể trầmtĩnh nghe các âm thanh này.

Đức Phật cũng giảng về những công đức về mũi. Trong năm quan năng của con người, mũi được xem là giống với loài vật nhất. Vì thế, người ta bảo rằng nghệ thuật ngửi không phát triển bằng với các nghệ thuật về mắt (hội họa, điêu khắc, và v.v...) và về tai (âm nhạc). Chính vì lý do này mà mũi có ảnh hưởng mạnh trực tiếp đến những cảm xúc của con người. Khi một người ngửi một mùi thối, người ấy mất sự ăn ngon và bị nhức đầu, trong khi người ấy có thể bị hoàn toàn mê hoặc bởi một mùi hương khả ái. Khứu giác rất khó bị chế ngự, nhưng nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào tu tập tiến bộ về năm sự thực hành của một Pháp sư thì người ấy sẽ dễ dàng nhận biết các sự vật nhờ ngửi. Điều này có nghĩa là người ấy sẽ nắm được thực tướng của mọi sự vật.

Kế đến, đức Phật tuyên thuyết về các công đức về lưỡi. Những công đức này gồm hai loại: loại thứ nhất là những gì người ta nếm sẽ có vị ngon nhất, và loại thứ hai là khi người ta thuyết giảng, người ta sẽ phát ra một tiếng nói thâm sâu và hay đẹp khiến mọi người hân hoan vui thú. Về loại công đức thứ nhất, hiển nhiên là thứ gì người ta ăn đều ngon khi người ta đã đạt được một trình độ cao về niềm tin và tĩnh lặng về tâm thức. Về loại thứ hai thì chẳng cần phải có lời giải thích nào.

Kế đến, đức Phật giảng về những công đức về thân. Nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào tu tập năm loại thực hành của vị Pháp sư, người ấy sẽ có được một thân thể thanh tịnh như pha lê sáng sủa mà mọi chúng sanh đều vui mừng được nhìn thấy và thực tướng của mọi sự vật sẽ được thể hiện trong thân thể của người ấy. Một người hết lòng thực hiện hạnh Bồ-tát thì thoát khỏi ý niệm về ngã. Vì người ấy có được một thân thể thanh tịnh như vậy, nên mọi hình thái và sắc tướng trên đời này sẽ được nhìn thấy trong thân thể người ấy đúng như chúng mà không bị biến dạng hay lu mờ. Do đó, như biểu thức “Nghe mà không lệ thuộc” nêu trỏ, tất cả chúng sanh đều kính trọng người ấy như một vị Đạo sư và cảm thấy hoan hỷ khi nhìn thấy người ấy.

Thế rồi đức Phật thuyết giảng các công đức về ý theo cách sau đây: “Nếu sau khi Như Lai diệt độ, có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc thuyết giảng, hoặc sao chép, người ấy sẽ được một ngàn hai trăm công đức về ý. Với ý căn thanh tịnh này, khi nghe dù chỉ một bài kệ, một câu, người ấy sẽ thâm nhập những ý nghĩa vô lượng, vô biên. Khi đã hiểu rõ những ý nghĩa ấy, người ấy sẽ có thể thuyết giảng về chỉ một bài kệ, một câu ấy trong một tháng, bốn tháng cho đến một năm. Và những gì ngưôửi ấy thuyết giảng, tùy theo nhiều ý nghĩa của chúng, sẽ không trái với chân lý.”

Do có được một ý căn thanh tịnh, một người như thế có thể hiểu được những ý nghĩa vô lượng vô biên của giáo lý khi người ấy nghe dù chỉ một bài kệ hay một câu. Sau khi đã hoàn toàn thông hiểu các ý nghĩa ấy, người ấy có thể thuyết giảng về chỉ một câu hay một bài kệ ấy trong một tháng, bốn tháng hay đến cả năm. Tóm lại, sau khi đã nắm hết được giáo lý, người ấy có thể giảng giáo lý ấy từ mọi góc độ, theo lối khác nhau, theo bất cứ cách nào và trong bất cứ khoảng thời gian nào mà người ấy muốn. Đấy là sự rộng lớn, vô biên của Phật pháp và trí tuệ thâm sâu của người đã thâm nhập vào Phật pháp.

Thế rồi đức Phật dạy: “Nếu người ấy muốn nhằm trỏ đến điển tịch thế gian, các phương ngôn để huấn trị cuộc đời, các phương tiện sinh sống v.v..., thì mỗi mỗi đều phù hợp với Chánh pháp.” Câu này có một ý nghĩa rất quan trọng cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta ngày nay. Thuật ngữ “điển tịch thế gian” (tục gian kinh thư) nghĩa là các sách vở dẫn đạo đời người hơn là các tác phẩm tôn giáo, như các sách về đạo đức, triết học. Thực ra, từ này không chỉ giới hạn các sách vở mà còn bao gồm các giáo lý của đức Phật được thuyết giảng bằng lời. Nhóm từ “các phương ngôn để huấn trị cuộc đời” (trị thế ngữ ngôn) nghĩa là lời dạy về những vấn đề chính trị, kinh tế, luật pháp. Từ “các phương tiện sinh số ng” (tư sinh nghiệp đẳng) nghĩa là bàn thảo và dẫn dắt người khác về kỹ nghệ, như nông nghiệp, công nghiệp và thương mại.

Các ý niệm của một người đã đạt niềm tin sâu đậm tự nhiên sẽ trùng với Chánh pháp dù cho khi người ấy bàn đến những vấn đề thực tiễn. Đối với những người có tôn giáo, đây là cách thức đúng đắn để tiếp cận trực tiếp với những vấn đề chính trị và chính sách đối ngoại của một quốc gia. Tuy nhiên, họ có một nhiệm vụ rất quan trọng là thuyết giảng những nguyên tắc của thái độ tâm thức đúng đắn cho những ai có liên hệ. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã dạy người ta về công việc, kinh tế của họ và những vấn đề khác chứ không nói gì về thái độ tâm thức riêng cho những người đang chấp chính.

Ngay cả trong thời đức Phật tại thế, hầu hết những người tin kinh Pháp Hoa hẳn chỉ là những cư sĩ chứ không phải chư Tăng Ni. Do đó, đôi khi đức Phật giảng cho các tín đồ tại nhà của họ về “các điển tịch thế gian” và đôi khi Ngài tuyên thuyết về “các phương ngôn để huấn trị cuộc đời”. Huống chi về các “phương tiện sinh sống” thì Ngài cần phải giảng hàng ngày nhiều hơn thế biết bao !

Việc bàn luận về cuộc sống hàng ngày của con người có liên hệ mật thiết đến những mối lưu tâm chung. Vì thế, những gì người ta nói có thể bị cái ngã của mình gây ảnh hưởng lớn. Chúng ta có xu hướng nhìn các sự vật một cách thiển cận và muốn có được các sự vật theo cách riêng của chúng ta, và thường thường chúng ta không nhìn các sự vật một cách rộng rãi hơn, cần thiết để làm lợi cho những người khác cũng như cho chính chúng ta. Mặt khác, một người đã đạt niềm tin thực sự có thể tiếp cận quan điểm của đức Phật, quan điểm làm lợi cho mọi người, tự nhiên khiến những gì người ấy nói trùng hợp với Phật pháp. Đây là một tính chất tối trọng yếu trong xã hội hiện đại.

Để giải thích rõ hơn về giáo lý này, đức Phật dạy: “Các chúng sanh trong sáu đường (lục thú) của Tam thiên đại thiên thế giới có những gì đang xảy ra trong tâm, những gì là những động tác của tâm, những lý luận nào đang chuyển hướng tâm, người ấy đều biết hết thảy. Một người như thế dù chưa đạt trí tuệ vô lậu, ý căn của người ấy cũng sẽ thanh tịnh như thế này. Những gì người ấy tư duy, cân nhắc, nói năng, đều sẽ là Phật pháp, không gì là không chân thật, đều là những gì mà chư Phật thời xưa đã nói trong kinh.”

Các chúng sanh trong khắp Tam thiên đại thiên thế giới có thể có những gì đang chất chứa trong tâm, những gì đang vận hành trong tâm, và những lý luận nào đang chuyển hướng tâm - một người có cấp độ cao về niềm tin có thể biết hết thảy các thứ ấy vì rằng dù người ấy chưa hoàn toàn thoát khỏi những ảo tưởng và chưa đạt được trí tuệ để thể hội thực tướng của mọi sự vật đúng như mọi sự vật, ý căn của người ấy cũng thanh tịnh đủ để người ấy sẽ phù hợp với Phật pháp và sẽ trùng hợp với những gì chư Phật thời xưa đã thuyết giảng trong kinh.

“Chư Phật thời xưa” trỏ đến nhiều đức Phật trước thời đức Phật Thích-ca xuất hiện trên đời này. Biểu từ này có nghĩa là chân lý không bao giờ thay đổi và những gì mà một người đã đạt niềm tin đủ thâm sâu thuyết giảng sẽ trùng hợp với cái chân lý ứng dụng vào ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai.

Bằng cách này đức Phật dạy chúng ta rằng với năm loại công đức của chư vị Pháp sư, bất cứ thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào cũng có thể thanh tịnh sáu quan năng (lục căn) của mình: thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và ý nghĩ.

Cuối cùng, chủ đề chính của giáo lý của đức Phật trong phẩm này gồm hai điểm: Thứ nhất, đức Phật khuyến dụ chúng ta tận tụy với việc tu tập vì nếu người nào hết lòng tu tập kinh Pháp Hoa thì người ấy có thể thăng tiến cả về tâm linh lẫn thể chất. Thứ hai, đức Phật nhắc nhở rằng vì một người thực sự tin vào kinh Pháp Hoa thì phải thành tựu cái bổn phận quan trọng là thuyết giảng giáo lý của đức Phật, người ấy tự nhiên sẽ có năng lực liễu giải mọi sự vật. Sự việc người ấy chưa đạt được một trạng thái tâm thức như thế là bằng chứng của sự thiếu hụt trong tu tập cá nhân của mình. Do đó người ấy phải luôn luôn tự xét mình để khỏi phải rơi vào tự mãn và kiêu mạn.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com