- 1. Mở đầu
- 2. Đạo đức Phật giáo
- 3. Đạo Phật và nền văn hoá Việt Nam
- 4. Đạo Phật thiết thực và hiện tại
- 5. Tiến trình giải thoát của Đức Phật khi ngài thành đạo
- 6. Tiến trình tu tập đưa đến giải thoát, không tranh chấp
- 7. Khất thực thanh tịnh hay an trú không tánh
- 8. Sống đạo đức là trách nhiệm của mỗi chúng ta
- 9. Kinh nghiệm tu tập của Đức Phật qua Kinh Thánh Cầu
- 10. Giá trị hạnh phúc qua Đại Kinh Ví dụ lõi cây
- 11. Tiếng rống con sư tử
- 12. Kinh nghiệm giác ngộ giải thoát của Đức Phật phát xuất từ các suy tầm
- 13. Một môi trường giáo dục tốt phải được khởi nguồn xây dựng bởi những người có ý thức và trách nhiệm
- 14. Ông Cấp Cô Độc trả lời các câu hỏi về các ý kiến của ngoại đạo
- 15. Pháp trí
- 16. Ý nghĩa Lễ Vu Lan
- 17. Chữ hiếu trong Kinh tạng Pali
- 18. Chữ hiếu trong Kinh tạng Hán văn
- 19. Thừa tự Pháp
- 20. Đại Kinh Ví dụ lõi cây
- 21. Năm hạ phần kiết sử hay Đại Kinh Malunkyaputta
- 22. Năm uẩn trong Kinh Xà dụ
- 23. Kinh Sáu Sáu
- 24. Kinh Tống thuyết và Biệt thuyết
- 25. Kinh Bánh mật
- 26. Kinh Đa giới
- 27. Kinh Ví dụ tấm vải
- 28. Một nếp sống an lành
- 29. Kinh Điềm lành tối thượng
19. THỪA TỰ PHÁP
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthpindika, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và thuyết giảng:
"Này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật". Ta có lòng thương tưởng các Thầy và Ta nghĩ: "Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?". Và này các Tỷ-kheo, nếu các ngài là những người thừa tự tài vật của Ta, không là những người thừa tự pháp, thời không những các Thầy trở thành những người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp", mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp".
Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật, thời không những các Thầy trở thành những người mà người ta nói: "Cả thầy và trò là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật", mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả thày và trò đều là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật".
Do vậy, "Này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật".
Đức Phật kể câu chuyện:
- Có hai vị Tỷ-kheo đến chỗ Thế Tôn, sau khi Ngài dùng cơm đã xong, một vị Tỷ-kheo nghĩ: "Này Thế Tôn ăn đã xong và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn đáng lẽ được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh hay bỏ trong chỗ nước không có chúng sinh". Nhưng Thế Tôn có dạy "Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật". Sau khi suy nghĩ, vị ấy không ăn đồ ăn này, trải qua ngày đêm ấy, đói lả và kiệt sức.
Vị Tỷ-kheo thứ hai nghĩ: "Nay Thế Tôn ăn xong và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh hay bỏ trong chỗ nước không có chúng sinh. Vậy ta hãy ăn loại đồ ăn này trừ bỏ đói lả và kiệt sức". Do vậy, vị ấy ăn loại đồ ăn ấy.
Đức Phật dạy: "Này các Tỷ-kheo, dù cho Tỷ-kheo này sau khi ăn loại đồ ăn để trừ bỏ đói và kiệt sức, nhưng đối với Ta, vị Tỷ-kheo đầu tiên đáng được nể hơn, đáng được tán thán hơn. Vì sao? Vì như vậy sẽ đưa đến cho Tỷ-kheo ấy trong một thời gian lâu ngày ít dục, biết đủ, kham khổ, dễ nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật".
Thế Tôn thuyết giảng xong và đi vào tinh xá.
Lúc ấy, Tôn giả Sàriputta liền gọi Tỷ-kheo và nói vị: "Này các Hiền giả, như thế nào là vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử không tùy học viễn ly? Và như thế nào vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly?" Các Tỷ-kheo mong được Tôn giả Sàriputta thuyết giảng, Tôn giả thuyết giảng như sau:
- Ở đây vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử không tùy học viễn ly nghĩa là những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy không được các đệ tử từ bỏ. Vì những pháp ấy không được các đệ tử từ bỏ, các vị ấy sống trong sự đầy đủ, liềng biếng, dẫn đầu về đoạ lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.
Này chư Hiền, có ba trường hợp đáng bị quở trách:
1) Vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử không tùy học viễn ly.
2) Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy các vị ấy không từ bỏ.
3) Các vị ấy sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đoạ lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.
Đó là ba trường hợp đáng bị quở trách bởi Thượng toạ Tỷ-kheo, Trung toạ Tỷ-kheo và tân học Tỷ-kheo.
- Và như thế nào vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly? Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, các vị ấy không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đoạ lạc, không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.
Này các chư Hiền, có ba trường hợp đáng được tán thán:
1) Vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly.
2) Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy các vị từ bỏ.
3) Các vị ấy không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đoạ lạc, không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.
Đó là ba trường hợp đáng được tán thán đối với các bậc Thượng toạ, Trung tọa và tân học Tỷ-kheo.
Ở đây, này chư Hiền, tham là ác pháp, sân cũng là ác pháp, có một con đường Trung đạo diệt trừ tham sân, khiến tịnh nhãn sanh, trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng tri, giác ngộ, Niết-bàn. Con đường Trung đạo ấy tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.