NHẪN NHỤC
MINH CHIẾU
PL. 2544 – 2000
Lời Nói Đầu
Đây không phải là một sáng tác. Tài liệu nhỏ này chỉ trích soạn những lời hay ý đẹp trong các bài giảng của chư Tôn Đức, sách báo của Phật giáo đã xuất bản từ trước đến nay, hệ thống lại thành một bài giảng chuyên đề.
Công việc của chúng tôi là lượm lặt những bông hoa thơm đẹp để kết thành một tràng hoa đẹp.
Phổ biến tập tài liệu này, ước mong nó sẽ cung cấp một vài kiến thức cần thiết cho quý vị “Tân Giảng sư”, cũng như sẽ là tài liệu nghiên cứu cho những người học Phật sơ cơ.
Kính mong quý vị cao minh chỉ giáo những điểm còn khiếm khuyết.
Cẩn Chí
Minh Chiếu
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa quý vị,
Duyên khởi:
Những cuộc chiến tranh khốc liệt, nhân loại tàn sát lẫn nhau, máu chảy thành sông, xương chất thành núi, phải chăng là do sân hận gây nên? Sân hận là một trong ba nguyên nhân căn bản làm con người khổ đau. Trong kinh, Phật mệnh danh là ba độc: Tham, Sân, Si.
Tánh sân hận có từ lúc chúng ta mới sanh, không cần rèn tập, không cần học hỏi. Những hoàn cảnh nghịch với lòng ưa thích của ta, tự nhiên sân hận phát khởi. Nếu chúng ta không biết cội gốc của nó và không dùng phương pháp diệt trừ, thì bể khổ mênh mông chưa biết đâu là bờ bến.
Người tu hành mà ngọn lửa sân nổi lên thì đốt cháy hết công đức. Một mình ta sân hận, mọi người xung quanh ta đều bị ảnh hưởng đau khổ. Cuộc chiến tranh vừa qua đã chứng minh điều đó.
Chúng sanh sống ở cõi Ta Bà làm sao khỏi gặp nghịch cảnh? Gặp nghịch cảnh ai lại không sân hận? Nên đức Phật đã dạy cho chúng ta phương pháp “Nhẫn Nhục” để đối trị lòng sân hận. Và đó cũng là đề tài mà chúng tôi sẽ trình bày hôm nay.
Định danh:
Thế nào là Nhẫn Nhục?
Nhẫn Nhục là vui vẻ, bình tĩnh chịu đựng những người khác sỉ nhục, mắng nhiếc, đánh đập, vu khống ta, và hoàn cảnh trái nghịch với tâm ý ta, mà ta không giận hờn, không thù oán.
Nhẫn có nghĩa là chứng nhập hay nhận biết đích thực giữa cái đúng và cái sai, nhận biết đích xác các hoàn cảnh không có nhất định là vinh với nhục. Vinh hay nhục chỉ tùy theo quan niệm mà thôi. Ví dụ: thông thường người đời cho tù tội là nhục nhã mất thể diện, nhưng đối với những nhà cách mạng thì chốn lao tù là nơi rèn luyện ý chí, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Thánh Gandhi bị tù tội dưới chế độ thực dân Anh, ai dám bảo đó là điều sỉ nhục? Chúng ta nhẫn nhịn một cuộc cãi vã vô lối, người xung quanh cho ta bị sỉ nhục, trái lại những người hiểu biết thì cho sự nhẫn nhịn ấy mới cao thượng. Cãi cọ để tranh hơn với người không biết lẽ phải là điều vô ích.
Trong Kinh đức Phật dạy Nhẫn có hai loại: một là nhẫn với tất cả chúng sanh, hai là nhẫn trong mọi hoàn cảnh, danh từ Phật giáo gọi là Sanh Nhẫn và Pháp Nhẫn.
1. Sanh Nhẫn: Gồm có 2:
a. Đối với người dù thân hay sơ, ta đều khởi tâm cung kính, tôn trọng. Ta thường nhường nhịn mà không chấp trách sân hận, cho dù họ khó tánh, có những ngôn ngữ thô tục khiêu khích, có những cử chỉ ngang ngược đối với ta.
Ở đời gặp thật nhiều cảnh khó nhẫn. Có người vô ý tông va vào ta lại còn trách ta. Có người cứ đem rác trước nhà người mà đổ, đi xe thì xả rác bừa bãi, khạc nhổ lung tung trong xe, nếu có người khuyên nhủ thì trở lại ương ngạch hỏi: Đây có phải nhà ông hay nhà bà mà ra miệng? Đang giấc ngủ ngon lành nhà bên cạnh mở máy thu thanh hay la rầy vợ con ầm ỉ. Một anh vô tài bất tướng mà mình phải phục tùng vì lẽ anh ta có địa vị, cấp bực thế lực hơn mình. Ở trường hợp này trùng hợp với câu thơ:
“Trời ơi ngó xuống mà xem,
Người khôn đi học, thằng ngu dạy đời”
b. Đối với các loài vật, dù nhỏ như ruồi, muỗi, sâu kiến… làm cho chúng ta khó chịu nhưng không bao giờ khởi tâm tức giận giết hại chúng. Một thức ăn ngon mà đàn ruồi cứ tranh nhau đậu vào! Ta đang thiu thiu ngủ mà bầy muỗi cứ vo ve nơi lỗ tai! Ta đang tụng kinh mà con rệp trong cổ áo cứ cắn mãi! Ta mới quét dọn sạch sẽ mà con chó đến phóng uế trước nhà,…
Thật là những trường hợp khó nhẫn, nếu chúng ta không có một tình thương rộng lớn, một sự chịu đựng cao độ, một lòng tha thứ rộng rãi.
2. Pháp Nhẫn: cũng có 2:
a. Đối với cảnh bên ngoài như: gió, mưa, nóng, lạnh, đói, khát, già, bệnh, chết chóc… ép bức thân thể ta đau đớn khó chịu mà ta vẫn thản nhiên không bực tức, không than thở, không quở trời trách đất.
b. Đối với tự tâm, khi tiếp xúc với những cảnh buồn rầu tủi hổ ta yên lặng chịu đựng đã đành, trái lại gặp những cảnh vui vẻ vinh dự cũng vẫn bình tĩnh thản nhiên, thất bại không chán nản, thành công không kiêu hãnh.
Nhẫn Nhục gồm có Thân nhẫn, Khẩu nhẫn và Ý nhẫn. Thân nhẫn là chân tay không múa men đánh đập nhưng chưa nhẫn được về miệng và ý, vì miệng còn la rầy chửi mắng, ý còn thù ghét. Lại có người thân nhẫn, miệng nhẫn – thân không còn phát ra những hành động hung hăng, miệng không còn phát ra những lời thô ác, nhưng ý vẫn cón oán hờn.
Có 4 giai đoạn về Nhẫn Nhục của phàm và Thánh:
1. Phục nhẫn: Người tu hành mới phát tâm mới nhịn cảnh thuận nghịch, phải luôn luôn chú ý khắc phục tâm mình, gọi là Phục nhẫn.
2. Nhu thuận nhẫn: Khắc phục tâm mình đã lâu, tâm đã thuần thục, gặp duyên gặp cảnh không phải chú ý lưu tâm mà vẫn nhịn được một cách tự nhiên, vì đã nhu hòa với cảnh thuận nghịch.
3. Vô sanh nhẫn: Các bậc Thánh chứng ngộ tất cả các pháp tự tánh của nó vốn là vô sanh – Loài hữu tình và vô tình đều do duyên sanh tánh không, đương bản thể chính là không. Do đó, đối với tánh không của các pháp, tâm tu nhẫn không động, tự chứng quả vô sanh, gọi là Vô sanh nhẫn.
4. Tịch diệt nhẫn: Quả vị Thánh Nhân, chứng cảnh giới Niết Bàn tịch diệt, cả hai tướng động tịnh đều khế hợp với bản thể Chơn Như, gọi là Tịch diệt nhẫn.
PHƯƠNG PHÁP NHẪN NHỤC:
Muốn tu hạnh Nhẫn Nhục, chúng ta phải nhận xét tất cả mọi nghịch cảnh chẳng khác nào như làn gió thoảng qua, không có gì đáng làm cho chúng ta phải bực tức nóng giận. Đồng thời phát tâm từ bi rộng lớn, thương xót tất cả mọi người, mọi loài hiện đang đau khổ. Khi lòng từ ái của ta hiển lộ thì sân hận không còn.
Khi bị sỉ nhục, ta nên xét mình có lỗi hay không? Nếu có thì phải nhận lỗi, ăn năn sám hối. Trái lại, thì những điều sỉ nhục ấy chẳng dính líu đến mình. Cũng như có người đem vật cho mình mà mình không nhận lãnh.
Ngày xưa đức Phật còn tại thế, một hôm đang thuyết pháp, có người đến sỉ mắng Ngài thậm tệ. Phật vẫn điềm nhiên bất động. Người kia lấy làm khó chịu hỏi Phật: Vì sao tôi nhiếc mắng sỉ vả ông như thế mà ông tự nhiên như tuồng không có sự gì xảy ra? Phật dạy: Bình thường ngươi có khi nào đem một vật gì tặng biếu ai không? Người kia đáp: Có! Phật hỏi lại: Nếu họ không nhận thì thế nào? – Họ không lấy thì tôi đem về chứ sao? Phật dạy: Ta cũng thế, ngươi sỉ nhục ta, không khác ngươi đem cho ta một vật gì, ta không nhận lãnh thì thôi có sao đâu!”.
Người tu hạnh Nhẫn Nhục trước hết phải triệt trừ lòng sân hận, kiêu mạn, tật đố, đừng thấy mình quan trọng, dẹp lòng tự ái, phải luôn luôn hỷ xả.
Lại phải thường xuyên suy nghiệm sự thật các pháp không thường còn chỉ toàn là danh từ do ý thức của chúng ta ghép lại, đặt vào đó một ý nghĩa. Từ đó mọi vật trở thành có tốt xấu, phải trái theo sự phân biệt của mình.
Ví dụ: Khi chúng ta bị mắng: “Ông ngu lắm!”, “Bà là một người độc ác!”, nếu chúng ta đem phân tích từng chữ một thì nó sẽ vô nghĩa. Thế mà khi nghe câu nói trên chúng ta sẽ giận dữ phản ứng. Chỉ vì sự cố chấp mù quáng của ý thức mà thôi.
Có một câu chuyện vui như thế này:
Hai anh chàng thanh niên vào công viên nghỉ mát, thấy một thiếu nữ đang ngồi trên ghế đá, dưới chân có một con chó. Hai anh chàng thách đố nhau: nếu ai chỉ nói hai tiếng và một cử chỉ nào đó làm cho cô kia vui cười rồi cũng nói hai tiếng và điệu bộ nào đó làm cho nàng giận dữ. Hễ ai thực hiện được thì thắng cuộc. Người kia phải đãi một chầu cơm.
Một chàng đến trước mặt thiếu nữ vòng tay lễ phép: “Thưa má!”, nàng thiếu nữ tưởng chàng ta là một người điên, bèn cười ngặt nghẽo.
Nhưng chàng ta liền xoay qua con chó, cũng vòng tay lễ phép thưa: “Thưa ba!”, nàng liền tỏ thái độ giận dữ bỏ đi nơi khác, kết quả anh chàng này thắng cuộc.
Cứ đem phương pháp phân tách mà dùng trong những hoàn cảnh nghịch ý, lòng sân si sẽ không có cơ hội phát khởi, chúng ta không còn bị nó dắt dẫn. Vì thế nên biết sân giận là do vô minh “Chấp Ngã”. “Chấp Ngã” ở đây gồm cả:
- Ngã si: Si mê chấp thân ngũ uẩn giả hợp thật là thân ta.
- Ngã kiến: Chấp kiến thức của ta là đúng hơn tất cả.
- Ngã mạn: Chấp ta hơn tất cả mọi người, không ai bằng ta.
- Ngã ái: Thương mến bảo vệ thân ta bất cứ khi ta thọ sanh loài nào.
Tiền thân của đức Phật khi còn làm vị Nhẫn Nhục Tiên Nhân, tu hành nơi núi rừng thanh vắng. Một hôm, có vua Ca Lợi dắt cung phi mỹ nữ dạo chơi trên triền núi chợt gặp ông Tiên ngồi yên lặng trên một tảng đá, lợi dụng lúc vua ngủ, các mỹ nữ liền hái hoa đến dâng cúng.
Khi vua thức dậy, đi tìm thì thấy các mỹ nữ đang đứng vây quanh hầu vị Tiên nhơn. Vua Ca Lợi sanh lòng ganh ghét liền đến hỏi vị Tiên nhơn:
- Ông tu hạnh chi?
- Tôi tu hạnh Nhẫn Nhục!
Vua liền rút gươm chặt cả tay chân và xẻo tai vị Tiên nhơn, nhưng vị Tiên nhơn vẫn không sân giận. Vua còn hồ nghi hỏi:
- Có lẽ ông nhẫn bề ngoài chứ trong tâm ông đâu khỏi oán hờn tôi?
Ông Tiên thề rằng:
- Nếu tôi có oán hờn Ngài thì chân tay tôi rời ra luôn, còn tôi không hờn giận Ngài thì tay chân tôi hoàn lại như cũ.
Tiên nhơn nói vừa dứt lời, tay chân, tai mũi liền nguyên như trước, vua thấy thế hết sức cảm động và xin sám hối tội lỗi.
Thuở đức Phật còn tại thế có một người đệ tử của ngài tên là Phú Lâu Na xin Phật đi qua xứ Chronaparanta (Du Lư Na) truyền đạo. Dân xứ này rất hung ác, Phật hỏi ngài Phú Lâu Na:
- Ngươi đã phát nguyện đem Đạo Pháp của ta đến truyền bá cho dân xứ ấy, nếu họ đã không nghe còn dùng lời hung ác chửi mắng ông, thì ông nghĩ sao?
- Bạch Thế Tôn! Con nghĩ họ là người tốt, vì họ không dùng cây đập con hay lấy đá liệng con.
Phật hỏi:
- Nếu họ lấy cây đánh ông hay dùng đá liệng ông, thì ông nghĩ sao?
- Bạch Thế Tôn! Con nghĩ họ vẫn còn hiền từ, vì họ không chém giết hay đánh đập con đến chết.
Phật lại hỏi:
- Nếu họ chém giết hoặc đánh chết ông, thì ông nghĩ sao?
- Bạch Thế Tôn! Con nghĩ họ là người đại ân của con, vì nhờ họ mà con thoát được thân đau khổ, bỏ được bọc thịt thối hôi, từ biệt cuộc đời đau khổ này.
Phật khen:
- Hay lắm! Ông nhẫn nhục được như vậy thì mới có thể qua xứ ấy truyền đạo.
Ngài Phú Lâu Na qua xứ ấy truyền đạo không bao lâu, dân chúng xứ ấy đều qui đầu với Phật Pháp.
Nhờ Nhẫn Nhục mà ngài Phú Lâu Na đã thành công trong việc truyền đạo. Đây là một hạnh mà các thầy trong ban Hoằng Pháp cũng như các Phật tử ra đảm đang Phật sự không thể thiếu. Và cũng vì nhận thấy hạnh Nhẫn Nhục cần thiết nên khi tiễn chân quý Giảng sư lên đường để thừa hành Phật sự các tỉnh, quý vị Hòa Thượng đã nhắc đi nhắc lại tinh thần chịu đựng của ngài Phú Lâu Na trên đây mà chúng tôi vẫn nhớ mãi.
Xưa có một nhà hiền triết có một bà vợ rất dữ. Một hôm, ông đang ăn uống cùng bạn bè, không biết bà ta xích mích gì với ông, bà ta chạy đến đạp đổ cả bát đĩa. Các bạn ông đều tức giận, riêng ông vẫn điềm nhiên vui vẻ. Họ hỏi vì sao ông có thể nhẫn được những việc như thế? Ông đáp: Có gì khó! Các bạn hãy xem như vừa bị một gà mái đau đẻ nhảy bậy làm thiệt hại trên.
SỰ NHẪN NHỤC QUA CA DAO, TỤC NGỮ VIỆT NAM
Ngày xưa, điều khó khăn nhất, cực khổ nhất của người con gái, có lẽ là cảnh đi làm dâu. Ở nhà chồng, người dâu phải chịu đựng bao nhiêu sự bắt bẻ, sự dằn vặt của mẹ chồng, chị chồng, em gái chồng. Nên ca dao Việt Nam có những câu như:
“Làm dâu vụng nấu vụng kho,
Chồng không bắt bẻ, sợ mụ O nhún trề”.
“Một trăm ông chú không lo,
Lo về một nỗi mụ O nỏ mồm”.
Tôi nghe nói gặp trường hợp chị chồng, em gái chồng ghét nàng dâu, thường lén bỏ thêm muối vào đồ ăn, để mẹ chồng la mắng nàng dâu.
Lại có những nàng dâu gặp hoàn cảnh xấu số:
“Ghê mẹ chồng trước đánh đau
Gặp mẹ chồng sau mau đánh!”
Vì lẽ đó, mà người chồng khi cưới vợ đã khuyên lơn, dặn dò vợ mình rất nhiều điều, nhất là vấn đề Nhẫn Nhịn, để cho gia đình được êm ấm hạnh phúc:
“Từ khi em về làm dâu,
Anh thì dặn trước, bảo sau mọi lời.
Mẹ già dữ lắm em ơi!
Nhịn ăn nhịn mặc, nhịn lời Mẹ Cha.
Nhịn cho nên cửa nên nhà,
Nên kèo nên cột, nên xà tầm vông.
Nhịn cho nên vợ nên chồng,
Thì em coi sóc lấy trong cửa nhà.
Đi chợ thì chớ ăn quà,
Đi chợ thì chớ dần dà ở trưa.
Dầu ai bảo đợi bảo chờ,
Thì em nói dối con thơ em về!”
Chắc có Phật tử ở đây đã trải qua đoạn đường làm dâu đắng cay như thế nào. Có một Phật tử kể tôi nghe – Khi về nhà chồng bà phải nuôi bà mẹ chồng bị bán thân bất toại. Trong thời gian ấy, bà phải săn sóc, hầu hạ, kể cả chạy tiền ăn uống thuốc thang, nhất là chịu đựng sự khó tính của người bệnh. Chắc chắn trong trường hợp này, nếu nàng dâu không có lòng nhẫn nại cực độ thì khó vượt qua hoàn cảnh ấy.
Trong đời sống hôn nhân, để giữ hòa khí trong gia đình, ca dao đã từng khuyên nhủ:
“Chồng giận thì vợ làm lành,
Miệng cười hớn hở hỏi anh giận gì?”
Vợ chồng sống gần gũi nhau trọn đời, thương yêu chăm sóc nhau chu đáo, nhưng cũng dễ trái ý nhau. Nên người ta nói:
“Vợ chồng là nghĩa già đời,
Ai ơi chớ nghĩ những lời thiệt hơn!”
Để vợ chồng thương yêu, chia sẻ, kính nhường nhau, xây dựng gia đình hạnh phúc, thiết nghĩ nên thực hành một số gợi ý như sau:
v Tránh chỉ trích, chê bai, nhạo báng nhau. Nhất là không nên hơn thua phải trái. Vì như thế dễ mất hòa khí trong gia đình. Người Trung Quốc rất tâm đắc câu: “Hòa khí sanh tài”…
v Không nên giận lâu. Trái lại, nếu có điều gì chưa thông suốt nên bàn bạc với nhau. Hãy bỏ tật nói dai. Nhất là không nên tạo những cuộc “chiến tranh lạnh”.
v Trước mặt người khác nên tôn trọng nhường nhịn nhau. Nếu có dịp nên khen nhau. Tiếng khen như liều thuốc sẽ xóa sạch các thành kiến.
v Nên đề cao lòng tự trọng của nhau. Tránh xúc phạm nhau. Nhất là không nên khen chê với mục đích so sánh vợ chồng người khác.
Ca dao còn dạy:
“Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”.
Hoặc là:
“Đương khi chồng giận mình đi,
Hết khi nóng giận đến khi vui vầy.
Ngãi nhân như bát nước đầy,
Bưng đi mà đổ, hốt rày đặng đâu”.
Nói như thế, chắc quý Phật tử sẽ hỏi vì sao chỉ bắt các bà nhẫn, còn không nhắc đến các ông? Theo tôi, có lẽ gia đình là nguồn an ủi của người đàn ông, vì các ông đã nhẫn nhiều ngoài xã hội.
Mà sự nhẫn nhịn cũng là một thứ khí giới của quý bà, theo câu: “Nhu thắng cang, nhược thắng cường”. Trong gia đình mà người đàn bà không nhẫn nhịn, gia đình ấy khó mà yên vui hạnh phúc.
Người chồng ngoại tình, nếu người vợ không bình tĩnh, thiếu nhẫn nại, không biết cách lôi kéo người chồng trở về, thì gia đình sẽ dễ đổ vỡ.
Những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, thường nhắc nhở những kẻ hậu lai: “Muốn gia đình êm ấm, người vợ cũng như người chồng phải không bao giờ quên câu: “NHỊN, NHỊN, NHỊN”. Ở đây nói ba chữ “NHỊN” là thân nhịn, miệng nhịn, ý nhịn”.
Trong hôn nhân, buồn phiền nhiều hơn vui sướng. Cái ngon ngọt của gia đình không bao giờ là cái ngon cái ngọt thuần túy, mà bao giờ cũng là cái ngon cái đắng của người ăn khổ qua hay ăn ớt.
Tục lệ đám cưới vợ chồng đeo cho nhau chiếc “Nhẫn”. Nhẫn có nghĩa là “Nhẫn Nhịn”. Vì biết rằng trong tương lai, cuộc sống chung của hai người, không sao tránh khỏi những cảnh cơm không lành, canh không ngọt, những trường hợp bất đồng ý kiến với nhau; khi đó, người vợ cũng như người chồng phải nhìn vào chiếc nhẫn, để mà nhẫn nhịn, có thế mới duy trì được hạnh phúc gia đình. Và đây cũng là ý nghĩa, công dụng của chiếc nhẫn.
Có những cuộc hôn nhân không được lâu dài, nguyên nhân là vì vợ chồng không nhẫn nhịn nhau. Nên có người định nghĩa danh từ “hôn nhân” một cách dí dỏm: Năm đầu anh nói em nghe, năm thứ hai em nói anh nghe, và đến năm thứ ba thì cả hai vợ chồng đều nói và hàng xóm nghe.
Xưa có một người tánh hay nóng giận. Anh ta xin bà Tiên chỉ cho phương thuốc để trị tánh ấy. Bà Tiên dạy: Khi nào anh sắp giận hay đang giận thì uống ngay một chén nước lạnh, nếu chưa hết giận thì uống tiếp một chén nữa, uống khi nào hết giận mới thôi.
Lại có một phương pháp khác là khi nào nổi giận thì nên lấy gương soi mặt, khi nào thấy mình không còn đỏ mặt tía tai mới thôi. Theo ý tôi người Phật tử khi nóng giận nên vào bàn Phật để chiêm ngưỡng dung nhan hoan hỷ của đức Phật và lễ bái Ngài thì sẽ trị được bệnh này.
Thuở xưa, có hai anh em làm quan trấn nhậm một địa phương, một thời gian sau người em được lệnh vua đổi đi tỉnh khác. Khi tiễn em lên đường, người anh dặn em: “Em đến xứ ấy đừng ỷ quyền cao chức lớn mà sanh tâm kiêu căng, khinh chê người dưới, em nhé!”.
Người em thưa rằng: “Em đến xứ ấy tuy hằng ngày không được lời khuyên dạy của anh, nhưng em hứa lúc nào cũng noi theo gương nhu hòa nhẫn nhục của anh, dù họ có giận phun nước bọt vào mặt em, em cũng chùi mà không giận họ”.
Người anh dạy rằng: “Em nhẫn như vậy cũng chưa hoàn toàn. Người ta giận phun nước bọt vào mặt, em cứ để vậy cho nó khô, không nên lau, vì lau đi người ta còn giận mà phun nữa”.
Nhẫn được như người em đã là một chuyện khó, mà nhẫn như người anh thì quý hóa biết bao!
Người Phật tử muốn tu hạnh Nhẫn Nhục phải luôn tâm niệm những lời Phật dạy sau đây:
“Người nào ngăn được cơn giận dữ nổi lên như dừng được chiếc xe đang chạy nhanh, mới là kẻ chế ngự giỏi, ngoài ra chỉ là kẻ cầm cương hờ mà thôi”.
“Cũng như trên đất, ta có thể vứt bất cứ vật gì, dù chua, dù ngọt, dù sạch, dù dơ, đất vẫn thản nhiên một mực trơ trơ, không giận cũng không thương”.
“Kẻ nào bị kẻ khác làm nhục mà trong lòng không sinh mối ác cảm, kẻ ấy đã thắng một trận vẻ vang”.
“Nếu con đòi hỏi mỗi khi đi đến đâu thiên hạ phải trải chiếu hoa cho bước chân con khỏi bị đau đớn và gai góc sỏi đá, thì điều đó khó thực hiện. Chi bằng hãy mang một đôi hài Nhẫn Nhục, thì tha hồ mà xông bờ lướt bụi”.
“A Đa La nên biết: Làm thinh, bị người chê; ít nói cũng bị người chê. Làm người mà không bị chê, thật là chuyện khó ở thế gian này”.
“Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả, là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra, mà vị lai cũng không dễ gì thấy được”.
Ở đời, nếu ta được người này khen tất bị người khác chê, lại có điều người này chê mà người khác khen. Thiệt là mâu thuẫn! Làm thế nào cho vẹn toàn, làm thế nào đừng để ai chê, đừng phiền lòng ai cả?
Ta đặng “bằng khen” người này khen ta làm rạng rỡ vinh dự gia đình, người khác chê ta chuộng hư danh; trong khi ta làm ăn phát đạt, người này khen ta tài giỏi lanh lợi, người khác chê ta “bóp thắt dân nghèo”. Ta tu hành đạo đức thường làm lành, đi chùa, niệm Phật thì có kẻ lại chê ta làm việc vô ích tiêu cực. Từng trải thói đời, Nguyễn Công Trứ đã viết:
“Ở sao cho vừa lòng người,
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê
Cao chê ngỏng, thấp chê lùn,
Béo chê béo trục béo tròn,
Gầy chê xương sống, xương sườn bày ra”
Đức Phật dạy:
“Một người hiền chịu thua 100 người hung bạo không phải nhục, vì thua là thua sự hung bạo chứ không phải thua lòng nhân từ”.
“Biết im lặng đúng lúc là biết nói một cách khôn ngoan”.
“Người ta đã lăng mạ tôi, người ta đã đánh đập tôi, người ta đã bóc lột tôi”. Kẻ nào đã nói ra lời ấy là hết giận rồi. Thế mà ở trên trái đất này, cái làm cho hết oán hờn, không phải là lòng oán giận mà là lòng thương yêu. Đó là một câu châm ngôn xưa như trái đất. Nhiều người không biết câu châm ngôn: “Chúng ta hãy tự nén lòng ở trái đất này. Những kẻ nào đã biết câu châm ngôn này, thì không còn tranh chấp với ai nữa!”.
Có một lần tôi vào một ngôi chùa, thấy câu đối:
- Một chút giận, hai chút tham,
Lận đận suốt đời ri cũng khổ.
- Trăm lần nhịn, ngàn lần lành
Thong dong tất dạ thế mà vui.
Cho nên nhà của Phật là nhà Từ Bi, áo của Phật là áo Nhẫn Nhục, tòa ngồi của Phật là tòa Pháp Không.
Năm 1963 Phật giáo bị chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp. Những người con Phật biểu tình đòi hỏi tự do tín ngưỡng, công bằng xã hội, họ đã bị lựu đạn cay, chó bẹc-rê cắn, cảnh sát mật vụ đánh đập… Nhưng, những người con Phật vẫn chấp tay niệm Phật, chịu đựng để thực hiện tinh thần Nhẫn Nhục Bất Bạo Động của Phật giáo.
TAI HẠI KHÔNG NHẪN NHỤC
Trong Kinh Hoa Nghiêm nói:
“Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”.
Nghĩa là: Một khi lòng sân giận nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Cơn nóng giận nổi lên các hành vi bạo ác dễ hiện bày. Nhiều người tu hành, cả đời làm lành, tạo phước nhưng vì một phút nóng giận đã thiêu đốt mọi công đức xưa nay. Trong sách nói: “Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn”. Nghĩa là: “Một chút lửa sân có thể đốt cháy ngàn vạn dặm rừng công đức”.
Lần lượt chúng ta xem tai hại không Nhẫn Nhục:
1. Tai hại về thân thể: Người không Nhẫn Nhục thì không dằn nỗi những cơn nóng giận, mà cơn nóng giận nổi lên sẽ làm tổn thương thân thể. Những người đau tim không dằn được cơn giận có khi phải thiệt mạng. Các chứng bệnh khác tăng lên trầm trọng phần nhiều cũng do lòng sân hận mà ra. Người sân giận sẽ có một gương mặt xấu xí, vì máu giận làm cho các gân mặt nổi lên; có khi mặt tái mét, tay chân run rẩy, miệng nói lắp bắp. Nhiều người sau cơn cãi vã nóng giận, uống năm bảy thang thuốc chưa lại sức.
2. Tai hại về tâm tính: Những người không Nhẫn Nhục, thường nóng nảy, ít phán đoán, chuyện quấy đã giận, việc phải cũng la, tâm trí lúc ấy tối tăm, không còn phân biệt phải trái gì nữa. Tục ngữ có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”. Vì không còn sáng suốt để suy xét hỏng cả đại sự, còn bị người đời khinh chê:
“Giận lên là phát cơn điên,
Người khôn hóa dại, người hiền hóa ngu”
Người cầm đầu một tổ chức, một công sở mà thường nóng giận, ít điềm tĩnh, thiếu phán đoán, thì khó lãnh đạo.
3. Tai hại ở đời hiện tại: Người thường hay giận, bộ mặt nhăn nhó, tánh tình gắt gỏng, mọi người sẽ lánh xa, không ai thích gần. Người ấy sẽ cô độc với mọi người, thậm chí cô độc với chính mình. Trong gia đình, vợ con sợ sệt, huống chi ngoài xã hội. Hiện tại mất cảm tình với tất cả mọi người, không ai giúp đỡ để thành tựu một công việc gì, dù chỉ là một việc tầm thường.
Lúc nóng giận, lửa sân hừng hực thiêu đốt, có khi liều lĩnh, đến hết cơn giận thì lại lo sợ ăn năn, nên ca dao thường nói:
“Chưa đánh được người, mặt đỏ như vang
Đánh được người, mặt vàng như nghệ”.
Hoặc:
“Chưa đánh được người, mày xanh mắt tía
Đánh được người rồi hồn vía lên mây”.
Nhiều người nóng giận, đánh đập vợ con đến mang thương tích, sau phải ân hận. Lại nhiều người vì nóng giận đập phá đồ đạc, chén bát, sau sắm lại, rồi phải nợ nần, túng thiếu.
4. Tai hại ở đời sau: Hiện tại đã khổ vì sân hận, tương lai càng khổ hơn nữa. Trong Kinh nói: Người hay giận sau khi chết, sẽ đọa vào địa ngục bị lửa dữ đốt cháy. Sanh vào loài súc sanh sẽ làm loài rắn.
Người hay nóng giận, không rũ bỏ hận thù sau khi chết sẽ sanh về loài A Tu La, loài này háo chiến hăng sự tranh cãi đánh nhau. Đó là quả báo của lòng sân hận. Nếu làm thân người thì bị người chung quanh khinh ghét.
Thuở xưa, có hai vị tu hành, kết bạn cùng nhau. Trong hai người có một người thường sân giận, nhưng cũng hay bố thí. Vị kia thấy bạn mình như thế, thường khuyên lơn can gián, song vị ấy tánh sân giận vẫn không suy giảm. Người hay nóng giận qua đời, vị kia biết bạn mình sẽ sanh làm loài A Tu La, nhưng nhờ phước báo bố thí mà làm Thần Rắn ở miếu cung đình, hưởng sự cúng dường của những người đến hành hương cầu phước. Ngài bèn tìm đến miếu ấy để khuyên giải chú nguyện, cứu người bạn thoát khỏi thân rắn, đặng sanh làm người.
Xưa ông Uất Đầu Lam Phất tu hành đã chứng được định của các cõi Thiền, nhưng vì giận các loài chim cá thường làm ông động niệm, do đó làm ông tức tối thề sẽ làm loài chồn có cánh để giết hại hai loài ấy. Sau ông phải đọa làm loài “chồn bay”.
Ông Độc Giác tiên nhơn vì trời mưa, đất trơn nên bị té, tức giận sau đó ông dùng định lực làm 9 năm không mưa, nhân dân khổ sở, cuối cùng bị nàng dâm nữ cưỡi cổ.
Có câu chuyện “Họa tùng khẩu xuất” như sau:
Thuở xưa, ở trong một cái hồ kia có một con rùa và hai con cò trắng thường lui tới, làm bạn với nhau.
Năm ấy đại hạn. Suốt một năm ròng rã trời không mưa. Nước trong hồ cạn dần. Mặt trời thiêu đốt gay gắt, nước nóng, các loài thủy tộc chết lần chết hồi.
Trong hồ, chú rùa ngồi đứng không yên, đầu óc luôn luôn suy nghĩ một phương kế thoát khỏi cái chảo nóng này.
May thay! Có vợ chồng cò đến chơi. Thấy bộ dạng thiểu não của rùa, vợ chồng cò ân cần hỏi thăm:
- Có chuyện gì buồn, mà trông bác lo nghĩ thế?
Rùa rầu rầu đáp:
- Hai bác ôi, tôi đang gặp đại hoạn, phen này chắc chết không còn gặp mặt hai bác nữa.
Chàng cò chận lời:
- Chúng ta là bạn bè thân thiết, sung sướng cùng chia thì hoạn nạn cùng chịu. Bác hãy cho chúng tôi biết nguyên nhân nào làm bác phiền muộn, họa may chúng ta có thể tìm phương giải quyết.
Rùa trả lời thống thiết:
- Không biết hai bác lúc này làm ăn thế nào, chứ tôi hai hôm nay chưa có gì ăn lót dạ. Nước cạn dần thế này, trước sau gì cũng không thoát được bàn tay độc ác của lũ chăn trâu. Cách đây 5 năm tôi đã bị chúng bắt một lần, may nhờ một bà già mua phóng sanh nên tôi mới sống đến ngày nay.
Trong lúc chàng cò đang suy nghĩ thì chị cò liền hỏi:
- Sao bác không đi đến một nơi khác xem thế nào?
- Hai bác thử nghĩ, xưa nay tôi có từng đi đâu! Vả lại tôi quá chậm chạp. Thôi, thà chết nơi chôn nhau cắt rốn còn hơn.
Bỗng chàng cò hớn hở, ngóng cổ lên nói lớn:
- Bác khỏi lo! Cách đây mười dặm, có một hồ sen không khi nào cạn mặc dù là lúc trời hạn hán. Chúng tôi sẽ đem bác đến đấy, trước là giải quyết sinh kế, sau nữa được gần nhau lúc tối lửa tắt đèn.
Nhưng chàng rùa lộ vẻ thất vọng:
- Trời ơi! Mười dặm? Một dặm tôi đã đi đến chưa, huống nữa là mười dặm, thôi tôi đành chịu chết vậy!
- Điều ấy bác không nên lo, chàng cò tin tưởng nói. Chúng tôi đã có phương pháp; nhưng có điều hơi khó, bác cần phải bình tĩnh và can đảm.
- Bác thử nói xem, chàng rùa vội vàng hỏi, khó thể nào tôi cũng cố gắng.
Chàng cò giải thích với một điệu bộ quan trọng:
- Phương pháp như thế này: Hai vợ chồng tôi tha một nhánh cây, mỗi người một đầu, bác thì ngậm ngay chặng giữa. Chúng tôi sẽ tha bác đến cái hồ kia. Nhưng có một điều quan trọng bác nên nhớ, trong lúc chúng tôi bay, bác phải ngậm chặt vào cây, không được nói năng hỏi han gì cả. Chỉ trong vòng nửa giờ là chúng ta đến nơi. Bác nhớ nhé! Tôi dặn lại: dầu gặp trường hợp nào bác cũng phải ngậm miệng không được nói năng.
Chàng rùa ra dáng hiểu biết:
- Thôi, tôi nhớ rồi.
Sửa soạn xong, chàng cò lại tha thiết dặn lại lần cuối cùng:
- Đó, bây giờ bác muốn ho hen hay nói gì thì nói đi. Chớ chốc nữa mà mở miệng thì nguy hiểm lắm đấy!
Xong đâu đấy, cả ba làm theo ý định. Bốn cánh vỗ mạnh, hai cặp chân cò duỗi thẳng, chàng rùa hỏng mặt đất rồi từ từ lên cao.
Được nâng lên cao, chàng rùa lần đầu tiên thấy những cảnh kỳ lạ hiện ra trước mắt: Bao nhiêu là cảnh đẹp! Đã bao lần chàng định mở miệng hỏi cho thỏa tính tò mò, nhưng lại nhớ đến lời dặn quan trọng của anh chàng cò trắng.
Rủi thay, trên đường hành trình của chàng rùa không qua khỏi cặp mắt tinh quái của lũ trẻ.
Một đứa la lớn:
- Anh em ơi! Ra coi đây nè! Hai con cò tha một con rùa. A ha! Vui quá!
Bọn trẻ đồng la ầm lên. Một thằng lớn nhất trong bọn hét lớn:
- A ha! Thật giống hai thằng mổng dắt một anh thầt bói. A ha! Thầy bói! Thầy bói!
Không dằn được tức giận, chàng rùa định bụng trả lời: “Mặc kệ chúng tao, mắc mớ gì chúng mày, đồ nhãi con!”. Nhưng tội nghiệp thay vừa mới mở miệng, rùa ta đã rơi xuống và tan thân vì đụng nhằm một tảng đá!
Đức Phật dạy: “Ở đời đã biết bao nhiêu người vì không giữ cái miệng, nói không đúng thời mà phải mang họa, như trường hợp con rùa trên đây. Này các đệ tử! Họa từ miệng phát sanh, vậy các con hãy giữ gìn cái miệng”.
Lại có câu chuyện tiếp nhan đề “Sự tích chim Tu Hú”.
Ngày xưa, có hai nhà sư Năng Nhẫn và Bất Nhẫn. Hai người cùng cạo đầu xuất gia từ ngày còn trẻ và cùng tu ở một ngôi chùa hẻo lánh. Sau một thời gian tu luyện, bỗng một hôm Năng Nhẫn được đức Phật độ cho thành chánh quả.
Bất Nhẫn nghĩ mình tu hành không kém bạn, mà không được hưởng cái may mắn sớm như bạn, thì rất buồn. Chàng đến trước tòa sen hết sức kêu nài với đức Phật, bày tỏ lòng chân thành tu đạo cùng mọi sự khổ hạnh đã trải qua của mình. Đức Phật khuyến khích chàng:
“Nhà ngươi chuyên tâm cầu đạo lại là người trong sạch, thật đáng khen ngợi. Nhưng tính tình nhà ngươi vẫn như con trâu chưa thuần, chưa thể đắc đạo được. Vậy hãy cố gắng tỏ rõ tấm lòng Nhẫn Nhục trong một cuộc khổ hạnh trường kỳ, rồi sẽ theo bạn cũng chưa muộn. Và đây, ta tặng ngươi những viên thuốc thần có thể nhịn đói nhiều ngày”.
Bất Nhẫn nghe lời, bèn lên núi, chọn một gốc cây bắt chước người xưa ngồi xếp bằng, ngồi im lặng như thế mãi trong ba năm, dù gặp nghịch cảnh cũng không phản ứng.
Từ hôm đó, Bất Nhẫn như một vật vô tri vô giác. Những con sâu con kiến bò khắp người chàng. Những con thú cà vào người chàng. Những con chim ỉa phẹt lên đầu chàng. Chàng đều không hề bận tâm. Chàng chỉ tâm tâm niệm niệm những nghĩa lý của đạo Phật.
Cứ như thế, trải qua hai mùa hè và sắp sửa qua một mùa hè thứ ba là kết liễu cuộc tu luyện. Tự dưng một hôm có hai vợ chồng chim chích ở đâu đến làm tổ ngay trên đầu của Bất Nhẫn. Chàng cứ để yên, mặc chúng muốn làm gì thì làm. Chim mái đẻ trứng. Hai vợ chồng thay phiên nhau ấp. Rồi trứng nở, những con chim con kêu léo nhéo suốt ngày. Nhưng Bất Nhẫn vẫn thản nhiên, nhẫn được tất cả.
Chỉ còn mười ngày nữa là Bất Nhẫn hết hạn ngồi dưới gốc cây, hôm đó, chim vợ đi tìm thức ăn cho con, suốt cả buổi chiều nó không kiếm được chút mồi nào. Mãi đến gần tối, lúc lượn qua một cái hồ, chim vợ thấy một con nhện giăng tơ trong hoa sen. Nhện nhác thấy chim liền ẩn vào giữa những cánh hoa, chim cố tìm nhưng không thấy. Không ngờ, vừa tắt ánh mặt trời hoa sen đã cúp ngay những cánh nhốt chim lại. Chim cố tìm lối chui ra nhưng những cánh hoa vây bọc dày quá chim đành bất lực.
Sốt ruột, chim chồng bay đi bay về kiếm vợ. Đàn con đói mồi nháo nhác suốt đêm! Mãi đến sáng hôm sau hoa nở, chim vợ mới thoát được bay về. Một cuộc cãi lộn nổ ra bên tai Bất Nhẫn. Ghen tương, chim chồng nhiếc vợ hết lời, nhưng chim vợ hết lòng bày tỏ nỗi lòng trinh bạch của mình. Cuộc đấu khẩu kéo dài suốt cả một buổi sáng và có cơ chưa chấm dứt. Bất Nhẫn rất khó chịu. Thêm vào đó, đàn chim con kêu đói chiu chít điếc cả tai.
Nhè lúc vợ chồng chim tiếp tục cuộc cãi vã, Bất Nhẫn đưa tay lên đầu giật phắt cái tổ chim, vất mạnh xuống đất và nói: “Đồ khốn! Chỉ có một chuyện đó mà chúng mày làm điếc cả tai ông từ sáng đến giờ!”.
Thế là công sức tu luyện của Bất Nhẫn sắp hoàn thành thốt nhiên vứt bỏ trong chốc lát.
Nhưng Bất Nhẫn vẫn không nản chí. Trước tòa sen, chàng hứa sẽ tìm cách tỏ rõ sự hối lỗi của mình. Chàng tìm đến một khúc sông nước chảy mạnh, tình nguyện làm người chèo đò đưa khách bộ hành quá giang mà không lấy tiền. Chàng quyết chở cho đến người thứ một trăm mới thôi.
Lần này Bất Nhẫn tỏ rõ một người nhẫn nại. Tuy bên sông thường vắng khách, chàng vẫn không chịu bỏ dở công việc. Luôn trong hai năm chàng chở được chín mươi tám người mà không xảy ra chuyện gì.
Một hôm vào khoảng giữa thu, nước sông tràn về chảy xiết hơn mọi ngày. Trời bỗng đổ trận mưa lớn, giữa lúc đó có một người đàn bà dắt một em bé đòi qua sông. Bà ta có vẻ là vợ một viên quan sở tại, chưa bước xuống thuyền đã dọa Bất Nhẫn:
“Chú nhớ chèo cho vững nghe không, che mui cho kín. Nếu để chúng ta bị ướt thì liệu chừng kẻo roi quất đít đó”.
Nghe nói thế Bất Nhẫn bừng bừng nổi giận, nhưng chàng cố nhịn và vẫn giữ vẻ mặt tươi cười đáp:
“Bà và cậu đừng sợ gì cả. Tôi xin cố sức”.
Rồi chàng vận dụng hết tài nghệ đưa hai mẹ con nhà nọ qua sông được vô sự. Lúc sắp lên bờ, người đàn bà bỗng kêu lên:
“Ta quên khuấy đi mất. Có một gói hành lý bỏ quên ở quán bên kia. Vậy nhà ngươi chịu khó chèo qua lấy hộ”.
Bất Nhẫn nín lặng cắm cổ chèo qua sông giữa sóng gió. Mãi đến gần tối, chật vật lắm chàng mới đưa được gói hành lý sang cho người đàn bà. Nhưng khi soát lại gói, người đàn bà nọ lại kêu lên:
“Thôi rồi! Còn một đôi giày của thằng bé bỏ dưới gầm giường. Thế nào ngươi cũng phải gắng lấy cho ta một lần nữa”.
Người đàn bà nói chưa dứt lời thì Bất Nhẫn đưa tay chỉ vào mặt:
“Cút đi đồ chó ghẻ! Ta đâu phải sinh ra để hầu hạ mẹ con nhà mày mãi đâu”.
Người đàn bà đó vốn là đức Phật Quan Âm hiện hình xuống thử lòng người đệ tử khổ tu đó bấy giờ lại hiện nguyên hình và cất tiếng bảo chàng:
“Nhà ngươi vẫn chưa thực tâm Nhẫn Nhục, như thế thì tu gì mà tu!”
Bất Nhẫn thẹn quá đành cúi đầu nhận lỗi.
Sau đó Bất Nhẫn bị hóa kiếp thành một giống chim mà người đời sau quen gọi là chim tu hú. Họ bảo thứ chim đó vào khoảng cuối hè sang thu hay xuất hiện, đúng vào lúc xảy ra câu chuyện giữa Bất Nhẫn và Phật Bà.
Kể theo Truyện cổ Việt Nam
Của Nguyễn Đổng Chi
Hai câu chuyện trên cho chúng ta thấy:
Chàng rùa vì không Nhẫn nên tan thân mất mạng.
Hai vợ chồng chim vì không Nhẫn nên kết quả gia đình tan nát.
Anh chàng Bất Nhẫn vì không Nhẫn nên không thành chánh quả mà hóa kiếp thành tu hú.
Trong gia đình, vợ chồng không Nhẫn Nhục thì cuộc sống xào xáo bất ổn, hạnh phúc dễ đổ vỡ. Anh em không Nhẫn Nhịn thì sẽ sanh thù hiềm. Lãnh tụ các quốc gia không Nhẫn Nhịn thì sẽ xảy ra thế giới chiến tranh. Đó là những kết quả tai hại của lòng sân giận, hay nói cách khác là không Nhẫn Nhục.
LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI TU HẠNH NHẪN NHỤC
Như trên quý vị đã thấy tai hại không tu hạnh Nhẫn Nhục. Vậy tu hạnh Nhẫn Nhục sẽ được lợi ích gì? Người tu hạnh Nhẫn Nhục thân thể ít bệnh do không bị kích thích mạnh của lòng nóng giận. Nếu đã mắc phải các chứng bệnh sẽ giảm lần, người bệnh tim cần bình tĩnh, không buồn rầu nóng giận. Người Nhẫn Nhục gương mặt thường tươi tắn, cặp mắt luôn luôn lộ vẻ hiền từ. Mỗi cử chỉ, lời nói của họ đều đáng mến.
Nhờ ít nóng nảy, con người sẽ dễ phán đoán và sáng suốt trong mọi trường hợp. Đức Nhẫn Nhục bồi đắp cho lòng từ bi trí tuệ thêm mạnh mẽ, dồi dào. Nhờ thế mà thành tựu những sự nghiệp ở đời cũng như trong đạo.
Hiện tại, người tu hạnh Nhẫn Nhục rất đông bạn bè, do giàu lòng thiện cảm với tất cả mọi người, nên làm việc gì, họ cũng đều được giúp đỡ. Người Nhẫn Nhục không có kẻ thù, mà chỉ có bạn thân.
Xưa, đời Đường bên Trung Hoa có gia đình ông Trương Công Nghệ, chín đời họ hàng đều ở chung với nhau một nhà, nhưng không có chuyện gì xích mích xảy ra. Vua Cao Tôn nghe tin mới ban tặng gia đình ông một quả táo, thử xem ông phân chia cách nào. Ông Trương Công Nghệ liền cho người nhà đem nấu quả táo, rồi chia cho mỗi người một chén nước.
Vua hỏi: “Làm thế nào mà gia đình ông chín đời ăn ở với nhau thuận thảo như vậy?” Ông Trương Công Nghệ liền dẫn vua đi và chỉ trên vách, vua thấy chỗ nào cũng đều thấy viết một chữ “Nhẫn”. Ông Nghệ giải thích: “Gia đình chúng tôi chỉ tu một chữ “Nhẫn”. Anh nhịn em, vợ nhịn chồng, bà con nhịn nhau chỉ nhờ thế mà họ hàng được thuận thảo với nhau”.
Xưa vua Thuấn bị người cha là Cổ Tẩu (mù) nghe lời bà dì ghẻ, kiếm đủ cách để giết ông, nhưng nhờ năng Nhẫn mà sau ông được vua Nghiêu truyền ngôi.
Xưa Mẫn Tử Khiên, mẹ mất sớm, bị dì ghẻ ác nghiệt đày đọa, sau cha ông biết được định đuổi người đàn bà độc ác ấy đi. Nhưng Mẫn Tử Khiên đã khóc lóc nói: “Xin cha đừng đuổi kế mẫu, vì người còn ở lại thì chỉ một mình con khổ thôi, còn người đi rồi thì cả hai em con đều khổ”. Nhờ sự năng Nhẫn của Mẫn Tử Khiên mà cảm hóa được bà dì ghẻ ác độc.
Xưa ông Trương Lương ba lần lượm dép cho cụ già, đã thức suốt đêm để được gặp cụ già. Sau được cụ già chính là Tiên ông Huỳnh Thạch Công thâu làm đệ tử và truyền cho quyển Thiên Thư, để an bang tế thế.
Xưa Lưu Bị tam cố thảo lư (3 lần hạ mình đến nhà tranh) mới thỉnh được Khổng Minh làm Quân Sư.
Có một câu chuyện vui về chữ “Nhẫn” – Một ông già nọ, nghe gia đình ông Trương Công Nghệ nhờ tu một chữ Nhẫn mà gia đình được vui vẻ thuận thảo. Ông về bắt chước cũng viết 100 chữ “Nhẫn” với ý định sẽ dán khắp nhà. Khi ông chuẩn bị dán, thì một bầy cháu cả nội lẫn ngoại xúm lại hỏi ông: “Chữ này chữ gì đẹp vậy ông?”. Ông vui vẻ nói: “Chữ Nhẫn đó con!”. Một đứa lại chỉ một chữ khác hỏi: “Vậy chữ này chữ gì ông?”. Ông ôn tồn đáp: “Thì cũng chữ Nhẫn đó cháu!”. Một đứa khác lại cầm một tờ đến hỏi: “Chữ này chữ gì sao giống mấy chữ kia vậy ông?” Ông không còn vui vẻ ôn tồn nữa mà nổi giận la lên: “Mẹ chúng bay, đi chỗ khác chơi, chữ nào lại không phải chữ Nhẫn, mà cứ hỏi hoài!”.
Nói về Nhẫn Nhục không thể không nhắc đến truyện “Quan Âm Thị Kính”.
Ngày xửa ngày xưa, có một người trải qua nhiều kiếp; kiếp nào từ bé đến lớn cũng giữ mình đức hạnh và chân tu. Cứ luân hồi chuyển tiếp như vậy đến 9 lần, nhưng chưa đặng thành Phật.
Đến kiếp thứ 10, người này được thác sanh ở nước Cao Ly làm con gái một nhà họ Mãng, tên là Thị Kính. Nàng có vẻ đầy đặn, mặt mũi dễ coi, tính tình điềm đạm. Lớn lên, nàng thờ Cha Mẹ hết lòng, việc nhà việc cửa chăm lo rất đảm. Khi đến tuổi lấy chồng, nàng được bố mẹ gả cho một anh chàng học trò họ Sùng tên là Thiện Sỹ. Cũng giống như nhà vợ, bên nhà chồng cũng chẳng khá giả gì. thấy chồng chăm học, không chơi bời, Thị Kính không ao ước gì hơn, nàng càng ra công tần tảo cho chồng dốc lòng nấu sử sôi kinh.
Một đêm, bên cạnh án thư Thiện Sỹ ngồi đọc sách, Thị Kính cùng ngồi may một bên. Hai người chung nhau một ngọn đèn dầu. Chồng học mãi thấy mệt mỏi, bèn ngã lưng xuống giường, kê đầu lên gối vợ chuyện trò một chốc rồi thiu thiu ngủ. Thị Kính cố giữ yên lặng cho chồng yên giấc. Nàng có thì giờ ngắm nghía kỹ khuôn mặt tuấn tú của chồng. Bỗng nàng nhận ra ở cằm chồng có một sợi râu mọc ngược. “Ồ, sao lại có sợi râu xấu xí thế này, người ta bảo râu mọc ngược là tướng bạc ác. Ta phải lén nhổ đi cho chàng mới được!”. Nghĩ vậy, sẵn con dao nhíp trong thúng khảo đựng đồ may, Thị Kính liền cầm lấy mở ra định nhổ sợi râu, không ngờ lưỡi dao sáng loáng vừa đưa đến gần thì Thiện Sỹ cũng vừa chợt tỉnh. Trông thấy vợ tay cầm con dao chỉa vào mặt trong lúc mình chợt ngủ quên, Thiện Sỹ nghĩ ngay đến chuyện đen tối, liền vùng dậy nắm cổ tay và la lên: “Chết thật! Nàng định cầm dao giết tôi lúc đang ngủ ư?”. Thị Kính đáp: “Không phải đâu! Thấy chàng có sợi râu mọc ngược thiếp định tâm lén nhổ nó đi kẻo trông xấu xí lắm!”. Nhưng trong cơn nghi ngờ và hoảng hốt chồng nhất định không tin như vậy: “Thôi thôi! Đừng khéo chống chế. Làm sao có chuyện nhổ râu khi ta đang ngủ. Muốn nhổ thì đợi ta tỉnh dậy, hoặc ban ngày ban mặt thì có hay không?”.
Giữa lúc ấy, người mẹ Thiện Sỹ nằm ở buồng bên cạnh nghe cãi nhau cũng xô cửa bước ra. Vừa nghe con trai kể lại chuyện, bà đã mồm loa mép giải: “Trời ơi! Con này to gan thực! Dám đang tay làm những việc tày trời, may mà con ta trở dậy kịp, không thì còn gì tánh mạng”. Thị Kính nước mắt giàn giụa, cố gắng phân trần: “Mẹ nghĩ xem, con có thù vơ oán chạ gì mà phải làm như vậy. Chẳng qua con muốn làm cho chồng con đẹp mặt…”.
“Rõ ràng mày định tâm giết chồng, bị bắt hai năm rõ mười mà còn chối leo lẻo”. Người mẹ Thiện Sỹ chẳng ưa gì nàng dâu nên một mực đổ tội. Thị Kính thấy giải bày mãi không ăn thua, nên ngồi xuống cúi đầu nức nở. Câu chuyện từ bé xé ra to. Cuối cùng gia đình họ Sùng không muốn con cháu có nòi ác nghiệt, Thị Kính bị đuổi về nhà bố mẹ đẻ.
Buồn chán cho số phận éo le, một hôm nàng cải trang thành một chàng trai, nhân đêm tối bỏ nhà khăn gói ra đi. Nàng đi, đi mãi, cố tìm trú ngụ một nơi thật xa quê hương để xóa bỏ những ký ức đau xót. Sau cùng đến một tỉnh khác, ở đây có chùa Vân, nàng tìm đến xin cạo đầu quy y. Sư cụ không biết là gái nên nhận cho làm tiểu, đặt là Kính Tâm. Sự đời đã tắt lửa lòng. Từ đây nàng yên tâm cùng kinh kệ.
Nhưng tu hành ở chùa Vân chưa được bao lâu thì một việc mới lại xảy đến với nàng. Tuy ăn mặc nâu sòng, nhưng vẻ mặt của chú tiểu ấy đã làm cho nhiều trái tim của các cô gái làng thổn thức. Trong làng có Thị Mầu, con gái của một phú ông, những ngày lễ chùa thấy tiểu Kính Tâm thì đem lòng yêu trộm nhớ thầm. Thị Mầu si mê cố tìm cách quyến rũ. Tuy bị khước từ, nàng vẫn không sao quên được chú tiểu. Quen thói trăng hoa, Thị Mầu bèn tư thông với một người đầy tớ trai trong nhà, không ngờ bụng ngày một lớn. Bị làng phạt vạ, cô gái nghĩ rằng nếu thú thật thì chẳng hay ho gì bèn đổ tội cho tiểu Kính Tâm. Vì thế tiểu Kính Tâm cũng bị làng đòi đến khảo tra. Dù bị đánh tả tơi, nàng cũng không dám nhận liều, cũng như không để lộ mình là gái. Sư cụ chùa Vân thấy tiểu bị đòn đau thì thương tình kêu xin với làng nộp vạ, bảo lãnh cho tiểu được tha về. Nhưng sợ miệng thế gian mỉa mai ô danh chốn thiền môn, nên sư bắt tiểu phải dựng một cái lều cư ngụ ở phía ngoài cổng chùa. Nàng cam tâm chịu đựng, cắn răng không hề van xin hay than thở.
Thị Mầu sau đó sinh được một trai. Đã trót đổ vấy cho tiểu Kính Tâm, nên nàng lại đem đứa con bỏ ở cửa tam quan. Kính Tâm lại thêm một phen bối rối. Nhận lấy đứa bé thì không khác gì hành động thú tội, mà không nhận thì làm ngơ sao đành trước một đứa bé vô tội thế kia. Nhưng những tràng khóc oa oa của đứa trẻ sơ sinh đã khiến nàng mất hết ngần ngại. Lập tức nàng bế đứa bé vào lều chăm sóc, và từ đó ngày ngày một công việc mới chiếm hết thì giờ và tâm trí của nàng, nàng phải bế nó đi xin sữa ở đầu làng cuối xóm. Mặc cho dân làng kẻ cười người chê đến rát cả mặt, nàng vẫn âm thầm chịu đựng, tuyệt không có lấy một lời oán thán.
Cứ thế trong sáu năm, nàng trông nom đứa bé như chính con mình, trong khi đứa bé ngày một sởn sơ khôn lớn, thì sức nàng ngược lại ngày một mỏi mòn kiệt quệ. Một hôm, biết mình không thể sống được nữa, tiểu Kính Tâm bèn viết một phong thư để lại cho bố mẹ đẻ, trong đó nàng thuật lại đầu đuôi nỗi mình Nhẫn Nhục bấy chầy. Lại dặn dò đứa bé sau khi mình chết thì trao thư lại cho sư cụ trên chùa.
Khi khâm liệm, mọi người mới hay tiểu Kính Tâm là gái, và ai nấy đều thấy rằng sự chịu đựng của nàng từ bấy đến nay quả là cùng cực. Để tỏ lòng hối hận, sư cụ chùa Vân bèn cho lập một đàn chay cầu cho nàng được siêu sanh tịnh độ. Dân làng bắt Thị Mầu phải để tang và bắt phải trả mọi chi phí ma chay. Hôm cử hành đàn chay, thì trên trời giữa một đám mây năm sắc, đức Phật Thiên Tôn hiện ra phán truyền cho Kính tâm thành Phật Quan Âm.
Ngày nay, để chỉ cho nỗi oan to lớn, người ta thường bảo “Oan Thị Kính” là từ truyện này mà ra.
Kể theo Truyện cổ Việt Nam
của Nguyễn Đổng Chi
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy nàng Thị Kính có ý định xắp râu chồng, bị buộc tội giết chồng, thật sự khó thanh minh nỗi oan ức của mình. Trái lại Thị Mầu vu oan Thị Kính dễ thanh minh quá! Chỉ cần la lên: “Tôi là gái!” là không còn bị tra khảo, không còn bị miệng đời mai mỉa, cười chê. Thế mà nàng đã làm thinh chịu đựng tất cả, Nhẫn Nhục tất cả, sức nhẫn ấy biểu lộ một nghị lực phi thường. Nghị lực phi thường ấy được bắt nguồn từ tâm từ bi, hỷ xả vô lượng của Thị Kính.
NHẪN NHỤC CÓ LÀM CHO CON NGƯỜI
YẾU HÈN KHÔNG?
Có người sẽ cho rằng, đức Nhẫn Nhục của Phật dạy sẽ làm nhụt chí khí dũng mãnh của con người, vì Nhẫn Nhục là chịu đựng, đương đầu với nghịch cảnh, dù phải hay trái, không nên chống trả. Như thế, có kẻ sẽ lợi dụng đức Nhẫn Nhục của nhà Phật làm lợi khí để đàn áp những người tu Phật thì sao?
Xin đáp: Nhẫn Nhục của Phật dạy chẳng những không khiến người ta yếu hèn, ngu dại, mà làm cho người ta mạnh mẽ, sáng suốt và rộng rãi nữa. Như trên chúng ta đã nói, người tu hạnh Nhẫn Nhục phải nhận biết rõ rệt cái vinh, cái nhục, lẽ phải điều trái. Như vậy nếu đứng trước một sự áp bức, bất công mà vì hèn nhát, không dám phản ứng thì đó là một điều sỉ nhục, chứ không phải Nhẫn Nhục.
Người tu hạnh Nhẫn Nhục biết phát huy dũng khí, làm chủ được bản thân mình. Một người có đầy đủ lòng từ bi, hỷ xả, có trí tuệ minh mẫn, mới có thể thực hành nhẫn nhục. Do đó con người ấy không yếu hèn, trái lại rất dũng mãnh, giàu nghị lực.
Thuở xưa, Hàn Tín là vị anh hùng, mà chịu lòn trôn kẻ côn đồ giữa chợ. Đó cũng một điều Nhẫn Nhục để thành đại sự mai sau. Thánh Gandhi Nhẫn Nhục trước sự đàn áp của người Anh và những kẻ háo chiến, Ngài không có một tấc sắt trong tay, không làm rơi một giọt máu; nhưng tình thương bao la đối với dân tộc bị đau khổ dưới ách thực dân Anh, Ngài đã đấu tranh trực diện với kẻ thù. Thứ khí giới tạo nên sức mạnh cho Gandhi là Nhẫn Nhục và tinh thần Bất Bạo Động. Ngài đã chiến thắng, tự do. Sự chiến thắng ấy không phải bạo lực thắng bạo lực; mà chân lý đã thắng bạo lực.
Để kết luận, chúng ta thấy đức tính Nhẫn Nhục rất cần thiết cho đời sống con người. Người Nhẫn Nhục tự nâng cao phẩm chất đạo đức của mình. Nhẫn Nhục là một hạnh trong Lục Độ, giúp con người tự an lạc cho mình, đem niềm an vui hạnh phúc cho người chung quanh. Tu hạnh Nhẫn Nhục tức là phát huy tâm Từ Bi Hỷ Xả. Nhẫn Nhục để đối trị sân hận. Do đó, Nhẫn Nhục không dành riêng cho người xuất gia mà trở thành giá trị cần thiết cho chúng ta để kiến lập cuộc sống an lạc và đạo hạnh.
Địa chỉ liên lạc:
Thầy MINH CHIẾU
Chùa PHẬT ÂN, Khu 14, Xã Long Đức,
Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai
ĐT: 0612.643334
đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 17-10-2013)