- Phần mở đầu
- Chương 1: Pháp hành của Như Lai trong khi tu Nhơn Địa.
- Chương 2: Biết huyễn là đã ly huyễn, ly huyễn là Phật rồi.
- Chương 3: Chánh niệm tư duy là con đường tu tập tiệm tiến.
- Chương 4: Chưa ra khỏi luân hồi luận bàn Viên Giác tánh thì tánh Viên Giác trở thành đồng tánh luân hồi.
- Chương 5: Ân ái tham dục là căn bản của sự luân hồi
- Chương 6: Tánh Viên Giác vốn là phi tánh
- Chương 7: Xa Ma Tha, Tam Ma Bát Đề và Thiền Na là pháp hành căn bản trong toàn bộ nền giáo lý Phật
- Chương 8: Chỉ, Quán, Thiền Có Thể Xoay Vòng Thay Đổi Thành 25 Cách Trong Tiến Trình Tu Tập.
- Chương 9: Chứng ngộ liễu giác là pháp chướng ngại Bồ đề
- Chương 10: Tác nhâm chỉ diệt là bốn căn bệnh trở ngại tiến trình về nhà Như Lai Viên Giác
- Chương 11: Xa Ma Tha Tam Ma Bát Đề và Thiền Na trong bước đường tu tập
- Chương 12: Biển cả dung chứa nước hết thảy sông ngòi khe lạch. Viên Giác đại thừa giáo lợi ích khắp căn cơ
Kinh Như Lai Viên Giác Trực chỉ đề cương
Chương 4: Chưa ra khỏi luân hồi luận bàn Viên Giác tánh thì tánh Viên Giác trở thành đồng tánh luân hồi.
Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông
Bấy giờ, Bồ tát Kim Cang Tạng đảnh lễ Phật và chấp tay thưa:
Bạch Thế Tôn ! Như Lai Thế Tôn vì Đại chúng tuyên dạy về NHƯ LAI VIÊN GIÁC DIỆU TÂM và PHÁP HÀNH CỦA NHƯ LAI KHI TU NHƠN ĐỊA cùng phương tiện TIỆM TIẾN, khiến cho thính chúng trong pháp hội này bệnh mù lòa được sáng tỏ con mắt tuệ tăng trưởng hào quang.
Bạch Thế Tôn ! Nếu như chúng sanh xưa nay đã là Phật thì cớ gì lại có tất cả vô minh? Còn như chúng sanh xưa nay vốn có vô minh, vậy do nhơn duyên gì Như Lai lại nói chúng sanh xưa nay là Phật ? Nếu tất cả chúng sanh vốn đã thành Phật, sau đó lại sanh khởi vô minh, vậy tất cả chư Phật chừng nào sanh khởi vô minh trở lại. Cúi mong Như Lai thương xót mở kho tàng bí mật, khiến cho Bồ tát và chúng sanh đời sau được nghe pháp môn liễu nghĩa Đại thừa kinh điển ngõ hầu trừ sạch các mối nghi.
Phật dạy: Kim Cang Tạng ! Ông hỏi Như Lai về những giáo nghĩa bí mật thậm thâm liễu nghĩa Đại thừa để cởi mở những gút nghi ngờ cho chúng sanh hậu thế.
Này, Kim Cang Tạng ! Trong thế giới tất cả những sự kiện: bắt đầu, kết cuộc, phía trước, mặt sau, sanh ra, chết mất, chỗ có vật, chỗ trống không, tụ hợp, tan rã, dấy động, ngưng bặc, niệm niệm tương tục, xoay vần, qua lại, khen chê, lấy, bỏ… đều là hiện tượng lưu chuyển luân hồi. Nếu CHƯA RA KHỎI LUÂN HỔI, LUẬN BÀN VIÊN GIÁC TÁNH THÌ TÁNH VIÊN GIÁC TRỞ THÀNH ĐỔNG TÁNH LUÂN HỔI. Ví như mắt giật thấy mặt nước đứng lặng rung rinh, mắt sững thấy đốm lửa quay thành cái vòng tròn liên tục, mây bay thấy trăng xê dịch, thuyền đi thấy bờ chạy. Vì vậy, muốn ra khỏi luân hồi là không thể có.
Kim Cang Tạng ! Mắt giật, mắt sửng, mây bay, thuyền đi chưa ổn định được, dù có muốn cho mặt nước đừng rung rinh, vòng tròn của đốm lửa hết trăng ngừng xê dịch, bờ không chạy ngược hãy còn không được, huống chi cái tâm luân hồi sanh tử cấu nhiễm chưa từng thanh tịnh mà nhìn VIÊN GIÁC THANH TỊNH không trở thành lưu chuyển được sao? Vì thế, mà các ông nêu ba câu nạn vấn hoàn toàn phát xuất từ ý tưởng mê lầm !
Kim Cang Tạng ! Ví như mắt lòa vọng thấy hoa đốm. Lòa hết, không nên hỏi rằng lòa đã hết, chừng nào bóng lòa sanh trở lại. Vì sao ? Vì lòa và hoa đốm vốn không có, nó không phải là hai thứ có thực chất đối đãi nhau. Cũng như hoa đốm, diệt trong hư vô, không được hỏi rằng hư vô chừng nào sanh hoa đốm nữa. Vì sao? Vì hư vô vốn không có hoa. Cho nên không có vấn đề khởi sanh hay diệt mất. Sanh tử và niết bàn cũng không có khởi sanh hay khởi diệt. Viên giác Diệu Tâm màu nhiệm không như hoa đốm và bóng lòa.
Kim Cang Tạng ! Nên biết : hư vô không có lúc tạm có, cũng không có lúc tạm không, huống chi là NHƯ LAI VIÊN GIÁC DIỆU TÂM há lại theo sanh tử hay theo Niết bàn mà có sanh, có diệt! VIÊN GIÁC DIỆU TÂM bất động và bình đẳng, cũng như tánh hư vô vốn vĩnh cữu bất động và bình đẳng.
Nầy, Kim Cang Tạng ! Ví như nấu lọc quặng vàng. Vàng không phải do nấu có. Nhưng khi nấu lọc đã thành vàng, vàng không thành quặng trở lại, dù trải số kiếp bao lâu, tánh vàng cũng không hoại. NHƯ LAI VIÊN GIÁC cũng vậy, không nên nói: rằng xưa kia không sẵn có. Trong NHƯ LAI VIÊN GIÁC DIỆU TÂM không có cái tên Bồ đề, Niết bàn, cũng không có vấn đề thành Phật hay không thành Phật, không có luân hồi hay chẳng luân hồi. Chỉ vì hàng Thanh Văn, không thể tiếp thu, không thân chứng được, họ chỉ ngăn giúp được phần vô minh thô trọng ở thanh tâm, ngôn ngữ mà hiện ra cảnh giới an tịnh gọi là Niết bàn. Nếu dùng tâm tư duy nhận xét suy lường cảnh giới VIÊN GIÁC NHƯ LAI, chẳng khác nào lấy lửa đom đóm mong đốt núi Tu Di sẽ chẳng có tác dụng gì! Đem cái tâm luân hồi, sử dụng cái thấy biết luân hồi mong vào biển đại tịch diệt NHƯ LAI VIÊN GIÁC, hoàn toàn không có kết quả. Vì vậy, Như Lai dạy: tất cả Bồ tát và chúng sanh đời sau trước hết phải đoạn tận gốc rễ luân hồi vô thỉ.
Nầy, Kim Cang Tạng ! Có khởi niệm tư duy là có khởi tâm. Đó chỉ là bóng dáng của lục trần, không phải tâm thể chân thật. Nó huyễn giả giống như hoa đốm! Dùng tâm tư duy ấy luận bàn về cảnh giới VIÊN GIÁC PHẬT, chỉ là thứ vọng tưởng loanh quoanh, không sao thấu đáo được, chẳng khác gì hoa đốm trong hư vô, lại mong chờ kết trái, là chuyện ảo tưởng hoang đường ! Tâm hư vọng thô phù quá nhiều lệch lạc xa vời chân lý thì làm sao hiểu được cảnh giới VIÊN GIÁC đích thực rõ ràng. Cho nên những câu nạn vấn của các ông yêu cầu Như Lai giải đáp không phải là lời nạn vấn có giá trị đứng đắn sâu xa.
Bấy giờ, đức Thế Tôn tuyên lại nghĩa trên bằng một bài kệ:
Kim Cang Tạng nên biết.
Tánh tịch diệt Như Lai.
Chưa từng có thỉ chung.
Nếu lấy tâm luân hồi.
Tư duy Viên Giác Phật.
Chỉ quanh quẩn luân hồi.
Không thể vào biển Giác.
Ví như nấu quặng vàng.
Vàng không do nấu có.
Dù xưa nay là vàng.
Nhưng phải nhờ nấu lọc.
Gạn hết quặng khoáng ra
Vàng không thành quặng nữa.
Sanh tử với Niết bàn.
Phàm phu và chư Phật.
Tướng hoa đốm hư vô.
Tư duy đã là vọng.
Huống nạn hỏi loanh quoanh.
Quán triệt thâm lý này.
Nhiên hậu cầu Viên Giác.
TRỰC CHỈ
Ba câu hỏi của Bồ Tát Kim Cang Tạng mới nghe qua tưởng chừng như khó mà trả lời cho rốt ráo. Dường như bao nhiêu chân lý đã gom vào đó cả rồi. Thực lý mà nói, đó vẫn là chân lý. Nhưng chân lý đó là thứ chân lý của người chỉ biết hiện tượng vạn pháp bên mặt duyên sanh tương đối, chỉ biết nước qua sóng mòi lăng tăng ào ạt lô nhô mà chưa biết cái phẳng lặng như gương của nước, chỉ biết vàng qua bông tai, cà rá, kiền cổ, vòng tai mà chưa biết cái giá trị vĩnh cữu bất biến của vàng. Nói cách khác, sư hiểu biết như vậy là biết một mà chẳng biết hai. Vì vậy mà Như Lai quở: "ba câu nạn vấn của Bồ Tát Kim Cang Tạng phát xuất từ ý tưởng mê lầm".
Phật dạy:"chưa ra khỏi luân hồi mà luận bàn Viên Giác Tánh thì Tánh Viên Giác trở thành đồng tánh luân hồi".
Lời dạy đó của đức Phật, thâm sâu và bao quát, nói lên nỗi lòng chua xót, khó khăn lo âu da diết trong sự nghiệp giáo hoá chuyển mê khai ngộ.
Nói cho người bệnh mắt giật hiểu rằng mặt nước vốn không có rung rinh. Giải thích cho người mù lòa biết cái quầng tròn năm màu quanh ngọn đèn không thật có. Sự thật rõ ràng như thế, nhưng đối với hạng người ấy khó mà nói cho họ nghe, khi bệnh căn của họ chưa hết.
Trước, sau, sanh, diệt, bắt đầu, chung cuộc, tụ họp, chia ly, có, không, yêu, ghét… đều là hiện tượng biểu hiện của sự luân hồi. Tất cả chúng sanh sống quay cuồng trong hiện tượng duyên sanh huyễn hóa, chỉ cho chúng sanh nhận biết thế nào là huyễn hóa, thế nào là duyên sanh là việc rất khó khăn.
Như Lai Viên Giác tự tánh là tánh thanh tịnh bản nhiên của sự vật vô tình. NHƯ LAI VIÊN GIÁC DIỆU TÂM là tánh thanh tịnh bản nhiên của chúng sanh hữu tình. Tánh thanh tịnh bản nhiên của Như Lai Viên Giác không có lúc tạm có cũng không có lúc tạm không, cho nên Như Lai nói: CHÚNG SANH XƯA NAY LÀ PHẬT.
Vô minh không có tự tánh, ví như hoa đốm trong hư không. Hoa đốm chỉ có với người bị bệnh mắt lòa. Mắt hết bệnh lòa thì hoa đốm thì hoa đốm không có lý do để mà sanh khởi. "Thật tánh của vô minh là Phật tánh". Vì vậy Như Lai vẫn có lý do để nói: CHÚNG SANH XƯA NAY LÀ PHẬT"
Cảnh chiêm bao không hiện trở lại khi người đã thức. Hoa đốm không sanh khởi trước người đôi mắt sáng suốt sạch trong.
Vàng không thành quặng trở lại khi đã nấu lọc tinh thuần. Như Lai là Đại Giác, cho nên không bao giờ chư Phật sanh khởi vô minh trở lại.
Thành tựu : Như Lai Viên Giác Diệu Tâm, tức là về đến Bồ đề tự tánh, Niết bàn diệu tâm đến nguyên quán của mình mà mình xa rời lưu lạc từ bấy lâu nay. Do vậy, Như Lai nói: Trong cảnh giới Như Lai Viên Giác Diệu Tâm không có thành Phật hay không thành Phật. Không có luân hồi hay không luân hồi. Không có cái từ Bồ đề Niết bàn để khiến cho ai ham mộ…
Thể nhập cảnh giới Viên Giác không thể dùng tâm phân biệt tạp tưởng để suy lường. Vọng tâm, tạm tưởng suy lường cảnh giới Viên Giác thanh tịnh cũng như lấy lửa đóm đóm đem đốt núi Tu di dù có nhọc công nhưng không đem lại kết quả gì.