Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển Hạ

24/06/201320:14(Xem: 13029)
Quyển Hạ

Phat_Thich_Ca_12

Từ Bi Thủy Sám Pháp

Quyển Hạ

Trước thuật: Ngộ Đạt Quốc Sư

Dịch Giả: Thích Huyền Dung




Tất cả chư Phật vì thương xót chúng sinh, mới nói phép đạo tràng Thuỷ Sám. Ngày nay chúng con xin đem cả thân mệnh, hướng về hết thảy chư Phật
Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật,
Nam mô Bản Sư Thích ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam mô Di Lặc Phật.
Nam mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật.
Nam mô giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật.
Nam mô Ca Sa Tràng Phật
Nam mô Sư Tử Hống Phật
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát.
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát.
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Nam mô Đại Trang Nghiêm Bồ Tát.
Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát.

Đảnh lễ chư phật rồi thứ lại sám hối.

Trên kia đã sám hối ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng. Bây giờ chúng con xin sám hối tất cả nghiệp chướng đối với Phật, Pháp, Tăng.
Trong kinh Phật dạy: "Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, chúng tăng khó gặp, tín tâm khó sinh, sáu căn khó đủ, bạn tốt khó gặp". Ngày nay chúng ta nhờ kiếp trước đã gây nhiều căn lành, nên mới được làm thân người, sáu căn đầy đủ, lại gặp bạn lành, được nghe chính pháp. Nếu trong lúc này không hết lòng tinh tiến tu hành, ắt sau này sẽ bị chìm đắm trong muôn ngàn khổ đau không biết ngày nào ra khỏi bởi thế hôm nay, chí thành càu xin sám hối.
Chúng con...................... từ vô thỉ đến nay thường bị vô minh che tâm tính, phiền não chướng ý thức, thấy hình tượng Phật không hết lòng cung kính, khinh miệt chúng tăng, tàn hại bạn tốt, phá tháp huỷ chùa, thiêu đốt kinh tượng làm hại kinh Phật; hoặc mình ở nhà đẹp để tượng Phật, Bồ Tát ở chỗ thấp hèn, bẩn thỉu, khói hun, nắng táp, gió thổi mưa chang, bụi đất dính đầy, chim chuột đục khoét; hoặc thờ chung trong phòng ngủ không từng kính lễ, hoặc ở trần trước tượng phật, không sửa y phục trang nghiêm, chỉnh tề; hoặc che đậy đèn đuốc, đóng kín cửa chùa, che lấp ánh quang minh chỗ Phật. Những tội như thế, ngày nay chúng con đều xin chí thành sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, đối với pháp Phật, lấy tay bẩn cầm các quyển kinh, hoặc đang khi đọc tụng, xem nói lời tục tĩu, phi pháp; hoặc để kinh trên đầu giường ngồi đúng không cung kính; hoặc để trong rương tráp, sâu mọt ăn nát; hoặc quấn tròn làm cho sổ rớt, mất nát, thứ tự lộn lẫn, bộ loại; hoặc lôi kéo vướng đứt làm rách giấy vướng chữ, tự mình không tu tập, không chịu lưu truyền. Những tội như thế ngày nay chúng con đều xin chí thành sám hối.
Lại nằm dài nghe kinh, nằm ngửa tụng đọc, hoặc nói cười lớn tiếng, làm rộn người khác nghe pháp; hoặc giải sai lời phật dạy, nói khác Thánh ý, không phải chính pháp nói là chính pháp, chính là chính pháp, nói không phải chính pháp; chẳng phạm nói phạm, nói phạm chẳng phạm, tội nhẹ nói nặng, tội nặng nói nhẹ, hoặc sao chép kinh sách đoạn trứơc để đoạn sau, đoạn sau đem để đoạn trước, hoặc đoạn trước đoạn sau đem để ở giữa hoặc đoạn giữa đem để ra trước sau; hoặc thêu dệt lời văn trong kinh Phật, để làm sách riêng của mình; hoặc vì danh dự lợi dưỡng, cung kính mà nói Pháp; không lòng vị pháp, chỉ vì muốn tìm lỗi của pháp sư mà bàn luận nghĩa lý; không vì tăng tiến sự hiểu biết để cầu pháp xuất thế, mà chỉ đàn hạch một cách vô lý, hoặc khinh mạn lời phật, tôn trọng tà giáo, chê bai Đại Thừa, khen ngợi Thanh Văn. Những tội như thế vô lượng vô biên, ngày nay chúng con đều xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, đối với chúng Tăng gây ra các nghiệp chướng, như giết bậc a la hán, phá sự hoà hợp của chúng tăng, hại những người phát tâm Vô thượng Bồ đề, dứt tuyệt giống Phật, làm cho Thánh đạo không lưu hành được hoặc lột xẻ người tu hành, tra khảo bậc Sa Môn, đánh đập đầy đoạ, dùng lời thô bỉ mắng nhiếc,hoặc phá giới hạnh thanh tịnh làm mất hết uy nghi; hoặc khuyên người khác bỏ đạo bát chính; hoặc giữ và thực hành theo năm phép tà[1]; Hoặc giả dạng nhà sư trộm của thường trụ tiêu sài việc riêng. Những tội như thế, ngày nay chúng con đều xin sám hối.
Hoặc để mình trần, hay mặc y phục mỏng manh đường đột đến trước kinh phật; hoặc mang giầy bẩn thỉu đi vào điện Phật, dẫm nên thác phật; hoặc mang guốc vào chùa, hoăc đàm nhổ nước miếng trong nhà thiền, làm dơ nhớp chỗ phật và chúng Tăng ở; hoặc đánh xe cưỡi ngựa xông pha trong chùa chiền tịnh xá. Phàm đối với Tam Bảo mà khởi ra những tội lỗi như thế, thật vô lượng, vô biên ngày nay chúng con chí thành hướng về mười phương chư Phật, Tôn Pháp, Thánh chúng cầu xin sám hối.
Nguyện nhờ công đức sám hối ấy, chúng con đời đời kiếp kiếp thường gặp được Tam Bảo, để tôn ngưỡng cung kính, không bao giờ chán nản, lại có gấm lụa tốt đẹp, anh lạc quí giá, trăm nghìn âm nhạc, các món danh hương, các thứ hoa quả tốt tươi có đủ những vật sở hữu trên đời để cúng dàng. Nếu có vị nào thành Phật chúng con nguyện đến trước khuyến thỉnh mở của cam lồ cứu độ chúng sinh. Nếu có vị Phật nào nhập niết Bàn, chúng con nguyện được cúng dàng một lần sau chót. Còn như trong hàng chúng tăng, chúng con nguyện tu sáu phép hoà kính, được sức tự tại, trùng hưng Tam Bảo trên hoằng dương Đạo Phật, dưới hoá độ chúng sinh.
Những tội hoặc nặng hoặc nhẹ, đối với tam bảo đã sám hối rồi, còn lại những tội lỗi khác chúng con xin theo thứ lớp sám hối hết thảy. Nhưng trong kinh nói: "Có hai mạng người được mạnh mẽ: một là tự mình không gây tội, hai là đã gây tội mà biết ăn năn sám hối". lại có hai phương pháp trong sạch, có thể làm cho chúng sinh diệt trừ được các món chướng ngại, một là biết khổ luyện, tự mình không làm ác, hai là biết thẹn, nên không xúi người khác làm ác. Có hổ thẹn như thế mới gọi là người, nếu không biết hổ thẹn thì không khác cầm thú. Bởi vậy ngày nay chúng con chí thành qui y phật, xin đúng theo phép mà sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, vì mê tín tà kiếm nên giết hại chúng sinh để cúng tấu quỉ thần, lị mị vọng lượng, cầu được sống lâu nhưng không bao giờ được hoặc nói dói thấy ma quỉ, rồi giả xưng là thần để gạt người. Những tội như thế ngày nay chúng con đều xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, hoặc hành dộng láo sược, tự cao tự đại, hoặc ỷ dòng quí tộc khinh dẻ mọi người, cậy mình sang trọng khinh kẻ hèn hạ, hoặc ỷ sức mạnh ăn hiếp kẻ yếu, hoặc uống rượu rồi gây sự loạn đả không kể người thân sơ, say sưa xuất ngày không biết tôn ty, những tội ngư thế ngày nay chúng con xin sám hối.
Lại như tham ăn uống không tiếc độ, ăn gỏi thịt gỏi cá, hoặc ăn năm thứ cây nồng[2] mùi hôi bay nên xông uế các kinh tượng, xua đuổi những kẻ tu hành giữ giới thanh tịnh; buông lung tâm ý, xa lìa người lành gần gũi bạn ác. Những tội như thế ngày nay chúng con đều xin sám hối. Lại có tính cống cao, bầy điều giả dối, bắt người khác theo mình, càng bướng cố chấp cho mình là hay, ương ngạnh chống báng không biết nhân tình, cho mình là phải, người khác là quấy và hay hi vọng ở sự may rủi. Những tội như thế ngày nay chúng con xin sám hối.
Còn lâm đến chỗ tiền tài lại không nhường nhịn, không liêm sỉ, mua bán rượu thịt, lừa dối kẻ sống hoặc cho vay nặng lời, tính từng ngày từng giờ góp chứa một cách cay nghiệt, tham cầu không biết chán; hưởng thụ của dâng cúng không biết hổ thẹn; hoặc không biết giới đức mà lạm nhận của tín thí. Những tội như thế ngày nay chúng con đều xin sám hối.
Và đánh đập tôi tớ, sai khiến trẻ con làm việc nặng, không kể đến sự đói khát lạnh nóng của chúng; hoặc phá dỡ cầu cống ngăn trở sự đi lại, những tội như thế ngày nay chúng con đều sám hối.
Lại để mạc ý mình phóng túng, lung lăng tán loạn, chỉ để thì giờ đánh xu bồ, đánh cờ tướng, hoặc vây đoàn hợp lũ, uống ăn rượu thịt, chén tạc chén thù làm rối cho nhau; nói chuyện vu vơ, hay bàn luận chuyện thiên hạ, hết năm này qua năm khác để ngày giờ trôi qua không lợi ích gì; mỗi đêm ba thời không tụng kinh ngồi thiền, lười biếng, giải đãi cứ nằm dài, suốt ngày không để tâm quán sáu món niệm xứ[3] thấy người khác có việc hơn mình lại sinh ghen ghét ôm lòng hiểm độc, khởi đủ phiền não để cho gió lốc vật dục thổi vào củi lửa tội lỗi, cháy luôn không ngớt, thiêu mất những điều lành nhỏ của ba nghiệp. Khi những pháp lành đã hết thì hoá ra rất xiểm đề, đoạ vào địa ngục lớn, không có kì hạn ra được. Bởi thế ngày nay, chúng con cúi đầu hướng về mười phương tam bảo xin sám hối hết thảy.
Tất cả tội lỗi từ trước tới nay, hoặc nhẹ hoặc nặng hoặc thô[4] hoặc tế[5],hoặc tự mình làm, hoặc bảo người khác làm, hoặc thấy người khác làm vui mừng, hoặc dùng thế lực bắt buộc người khác làm, cả đến những tội khen người làm ác, ngày nay chúng con chí thành đều xin sám hối.
Nguyện nhờ công đức sám hối các tội ác ấy, chúng con đời đời kiếp kiếp được từ hoà, trung hiếu, khiêm nhường, nhẫn nhục, biết liêm sỉ, biết chào đón trước, sửa mình chính đáng, trong sạch nhân nghĩa, nhường nhịn, xa lìa bạn ác, thường gặp duyên lành, thâu nhiếp được sáu căn, giữ gìn được ba nghiệp, nhẫn lại được khổ nhọc, tâm không thoái lui, cứ lập chí tu hành đắc đạo, không phụ bạc chúng sinh.
Phát nguyện rồi đem hết thân mệnh kính lễ chư Phật
Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật,
Nam mô Bản Sư Thích ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam mô Di Lặc Phật.
Nam mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật.
Nam mô giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật.
Nam mô Ca Sa Tràng Phật
Nam mô Sư Tử Hống Phật
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát.
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát.
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Nam mô Đại Trang Nghiêm Bồ Tát.
Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát.
Trước đã sám hối những phiền não chướng, nghiệp chướng, ngay theo thứ lớp giãi bày những quả báo chướng còn lại, xin sám hối hết thảy.
Trong kinh nói: "Khi nghiệp báo đã đến, chẳng phải trong không trung, trong biển, trong hang núi, không có chỗ nào thoát khỏi được quả báo, chỉ có sức sám hối mới được diệt trừ". Vì sao biết được? Vì như ông Thích Đề Hoàn Nhân[6] khi thấy năm tướng suy[7] hiện ra, trong lòng khiếp sợ chí thành qui y Tam Bảo, thì năm tướng xấu xa ấy liền tiêu diệt, lại còn thêm tuổi thọ. Những chuyện như thế trong kinh rất nhiều, không phải là một. Thế mới biết sự sám hối hay diệt trừ được tai hoạ.
Song kẻ phàm phu nếu không gặp bạn tốt dẫn đường, thời không có việc nào mà không làm, đến nỗi khi sắp chết, cảnh địa ngục gớm ghê hiện ra trước mắt, chính lúc ấy lại hối hận sợ hãi. Ôi! Ngày trước không tu điều lành để đến ngày cùng ăn năn sao kịp. Phước báo hay tai ương tự mình gieo trồng từ trước, nay cú thẳng lối mà vào địa ngục, một mình mình đi đến, để lăn vào vạc dầu sôi, thân tâm tan nát, tinh thần thống khổ. Tới lúc đó dầu muốn lạy hay sám hối một câu, cũng không dễ gì được nữa.
Vì thế tất cả mọi người chớ ỷ mình tuổi trẻ sức mạnh có tiền tài thế lực mà lười biếng giải đãi, tự ý buông lung. Một khi khổ chết đã đến thì không luận già, trẻ, nghèo, giàu, sang, hèn đều tiêu ma hết. Quỉ vô thường đến thình lình không cho ai biết trước. Mệnh người vô thường như giọt sương mai, một hơi thở ra tuy có đó, nhưng hơi hít vào không chắc gì còn được. Thế vì cớ chi mà không sám hối? Nếu sứ giả ngũ thiên[8] hay quỉ La sát thoạt nhiên đi đến, dầu tuổi trẻ sức mạnh đến đâu cũng không thể tránh. Lúc ấy dẫu có nhà đẹp, lầu cao vẫn không ích gì đến người, xe tốt ngựa hay không đem theo được, vợ con quyến thuộc cũng không còn là người thân, những đồ thất trân quí giá cũng chỉ để cho người khác hưởng. Lấy đó mà nói thì quả báo ở đời đều giả dối, không chắc thật. Còn như ở cõi trời tuy vui thật nhưng rốt cuộc cũng sẽ tan nát. Khi sự sống hết thì vẫn phải đoạ lạc trong tam đồ. Vì thế Phật bảo ông Tu Đạt Đa: "Thầy ngươi là Uất Đầu Lam Phất lợi căn sáng suốt, đã hàng phục được phiền não, đến cõi trời phi phi tưởng rồi, mà khi mệnh chung còn phải đoạ vào đường súc sinh, làm con phi li[9] huống chi người khác". Thế mới biết hễ chưa lên tới Quả Thánh, thì còn bị luôn chuyển qua các đường ác. Nếu không cẩn thận, một mai thì lình thân chịu chỗ đó, thật đáng hối hận. Xem như ngày nay bi tội phải đến cửa công, đó là khổ nhỏ mà tâm tình đã sợ hãi, quyến thuộc đã khủng khiếp cầu cứu trăm bề. Đối với nỗi khổ trong địa ngục còn gấp trăm vạn ngàn lần hơn, không thể so sánh được.
Chúng con cùng nhau trải vô số kiếp, tội lỗi chồng chất như núi Tu Di, nghe như vậy làm sao cứ an nhiên không sợ hãi, không kinh khủng, để về sau mắc phải những nỗi khổ ấy, đáng đau đớn biết bao! Vì thế ngày nay, chúng con chí thành cầu xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, chúng con…………………….có nhiều báo chướng nhưng nặng nhất chỉ có địa ngục a tỳ. Như trong kinh đã nói rõ, nay xin nói sơ về hình tướng của địa ngục a tỳ.
Chung quanh ngục có bảy lớp thành sắt, có bẩy lần lưới sắt giăng kín ở trên, phía dưới có bẩy tầng dao sắc, rậm như rừng và vô số ngọn lửa dữ luôn luôn thiêu đốt. Bề dài bề rộng của ngục này tính có tám muôn bốn ngàn do tuần tội nhân đầy trong ấy, nhưng vì nhân duyên của tội nghiệp nên không làm trở ngại, lửa phía trên hắt xuống, lửa ở dướt bốc lên, lan khắp bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Tội khổ trong ngục ấy như cá bi chiên trong chảo, dầu mỡ đều chảy ra. ở bốn cửa thành có bốn con chó đồng, thân hình dài rộng đến bốn nghìn do tuần, nanh dài, móng nhọn, mắt sáng như điện chớp. Lại có vô số giống chim mỏ sắt vỗ cánh bay lên mổ khoét thịt người có tội. Quỉ sứ đầu trâu hình như La Sát, có chín đuôi như đinh ba bằng sắt, lại có chín đầu, trên đầu có mười tám sừng, mỗi sừng có sáu mươi bốn mắt, từ mỗi con mắt tiết ra sức nóng như thiêu đốt tội nhân. Mỗi khi nóng giận chúng gào thét tiếng vang như sấm. Lại có vô số bánh xe dao, từ trên không trung bay xuống, xoáy vào đỉnh đầu tội nhân, rồi xoáy suốt xuống chân mà ra ngoài. Tội nhân đau đớn thấu xương tuỷ, nhức nhối tận tim gan, cứ như thế trải qua không biết bao nhiêu năm. Cầu sống không được, cầu chết không được. Những tội báo như thế ngày nay chúng con hổ thẹn cúi đầu cầu xin sám hối.
Kế đến chúng con xin sám hối những tội báo: Đầu, thân rơi rã trong địa ngục đao sơn, kiếm thụ bị thiêu nướng trong địa ngục vạc dầu, lò than: sám hối những tội lỗi bị thiêu đốt trong địa ngục, giường sắt, cột đồng; sám hối những tội báo bị đè nghiến mổ xẻ trong địa ngục xe dao, xe lửa, sám hối những tội báo trong địa ngục kéo lưỡi để trâu cày; sám hối những tội báo làm cho ngũ tạng cháy tiêu trong địa ngục, nuốt hòn sắt nóng, uống nước đồng sôi, sám hối những tội báo sương thịt nát tan trong địa ngục, cột sắt, sám hối trong tội báo da, thịt, sương, tuỷ rơi lìa từng mảnh trong địa ngục cuốn dây sắt nóng, sám hối những tội lỗi bị bứt dứt ngạt thở trong địa ngục sông tro phẩn, sám hối những tội da dẻ lạnh, cóng nứt, da trong địa ngục nước mặn đóng giá băng, sám hối những tội báo tàn hại lẫn nhau trong địa ngục chó sói, chim sắt, chó săn, sám hối những tội báo đâm chém cấu xé nhau trong địa ngục đao binh móng vuốt, sám hối những tội báo bị rang nướng trong địa ngục hầm lửa, sám hối những tội báo bị hình hài tan nát trong địa ngục hai tảng đá ép lại, sám hối những tội báo bị dóc lột trong địa ngục bôn bề núi đá xô ép lại, sám hối những tội lỗi bị chém sẻ trong địa ngục, núi thịt u ám, sám hối những tội lỗi bị chặt đứt trong địa ngục cưa xẻ đóng đinh; sám hối những tội lỗi bị mổ cắt trong địa ngục gậy sắt treo ngược, sám hối những tội báo phiền oan trong địa ngục đốt nóng kêu gào, sám hối những tội báo chịu cảnh đêm dài mù mịt không bóng mặt trời mặt trăng và sao trong khoảng lớn nhỏ núi Thiết Vi, sám hối những tội lỗi trong địa ngục a ba ba, địa ngục a bà bà, địa ngục a tra tra, địa ngục A la la. Trong tất cả các địa ngục lạnh nóng như thế có phụ thêm tám muôn bốn ngàn địa ngục cách tử.
Những tội khổ trong đó bị chiên nấu đau đớn, bị lột da dóc thịt, chẻ xương đập tuỷ, rút ruột, bức phổi, nhiều nỗi khổ khác không thể nghe không thể nói. Nam mô Phật! Những người bây giờ đang bị đoạ vào các chốn ấy hoặc là cha mẹ hay họ hàng của chúng con từ vô thỉ kiếp chúng con cùng họ, sau khi chết sẽ bị đoạ trong các địa ngục như thế.
Ngày nay chúng con rửa sạch lòng trần, cúi đầu hướng về mười phương Chư Phật, các bậc Đại Bồ Tát cầu xin sám hối, khiến cho tất cả tội báo kia đều tiêu diệt.
Nguyện nhờ công đức sám hối những tội báo trong địa ngục, chúng con phá được bức thành sắt chốn A tỳ làm thành cõi Tịnh Độ, không còn cái tên "ác đạo", bao nhiêu thống khổ sạơ sệt trong các địa ngục đều chuyển thành những duyên vui sướng; núi dao rừng kiếm biến ra rừng báu; lò lửa vạc dầu hoá thành hoa sen; lính ngục đầu trâu chừa bỏ sự bạo ngược, khởi lòng Từ Bi không còn niệm ác. Và chúng sinh trong đường địa ngục thoát khỏi quả khổ, không gây thêm nhân ác khác, thụ hưởng sự yên vui như ở cõi Tam Thiền, đồng thời phát tâm cầu đạo vô thượng.
Sám hối và phát nguyện xong, xin hết lòng kính lễ Thường Trụ Tam Bảo.
Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật,
Nam mô Bản Sư Thích ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam mô Di Lặc Phật.
Nam mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật.
Nam mô giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật.
Nam mô Ca Sa Tràng Phật
Nam mô Sư Tử Hống Phật
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát.
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát.
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Nam mô Đại Trang Nghiêm Bồ Tát.
Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát.

Đảnh lễ chư Phật rồi, thứ lại sám hối.

Trước đã sám hối những tội báo trong địa ngục, nay xin sám hối những tội ác trong ba đường ác. Trong kinh Phật nói: "Con người vì nhiều ham muốn, nhiều tham cầu lợi dưỡng nên khổ não cũng nhiều". Người biết đủ tuy nằm dưới đất mà vẫn lấy làm yên vui, người không biết đủ, dù ở thiên đường cũng không vừa ý. Song người đời thình lình có tai nạn nguy cấp, thì thường bỏ hết tài sản không kể nhiều ít. Thế mà không biết thân này khi lâm vào hố thẳm tam đồ, hễ một hơi thở không trở lại thì phải bị đoạ lạc. Thoảng như có người trí thức khuyên làm việc công đức để dự trữ pháp lành cho đời sau, thì lại cứ cố chấp keo bẩn không chịu làm theo lẽ phải. Những người như thế thật ngu hoặc biết bao! Vì sao? Trong kinh Phật nói:" Lúc sinh không đem lại một đồng nào, lúc chết cũng không cầm được một đồng nào đem đi". Người đời phải khổ than góp chứa được tiền của, chỉ đèo thêm sự lo âu phiền muộn không ích gì cho mình, mà người khác hưởng hết. Không chút duyên lành, không một mảy công đức để nhờ cậy đến khi chết phải bị đoạ vào đường ác. Vì vậy ngày nay chúng con chí thành đem thân mệnh đem về ngôi Tam Bảo, cầu xin sám hối.
Kế đến chúng con xin sám hối những tội báo ngu tối trong loài súc sinh; sám hối những tội báo mang nặng kéo cày đền nợ cũ trong đường súc sinh; sám hối những tội báo không chân hai chân, bốn chân hay nhiều chân trong loài súc sinh; sám hối những tội báo trong lông, cánh, mai, vẩy, trong thân bị các giống trùng nhỏ cắn rỉa, ở các loài súc sinh có vô số tội báo như thế, ngày nay đều xin chí thành sám hối.
Chúng con lại xin sám hối những tội báo luôn luôn chịu sự đói khát, trải qua trăm ngàn vạn năm không nghe đến tên cơm nước trong loài ngã quỉ; sám hối những tội báo ăn uống máu mủ phẩn dơ trong loài ngã quỉ; sám hối những tội báo mỗi khi động thân thì tất cả chi tiết đều cháy trong loài ngã quỉ, sám hối những tội báo bụng lớn cổ nhỏ trong loài ngã quỉ. Trong loài ngã quỉ, có vô số tội báo như thế, ngày nay cúi đầu xin sám hối.
Chúng con lại xin sám hối những tội báo hay nịnh hót kiêu mạn trong loài tu la, quỉ thần; sám hối những tội báo gánh cát mang đá lấp sông trấn biển trong loài quỉ thần; sám hối những tội báo ăn uống máu thịt, chịu đủ mọi sự xấu xa trong loài quỉ thần La Sát, Cưu bàn trà. Trong loài quỉ thần có vô lượng vô biên tội báo như thế, ngày nay chúng con hướng về mười phương Chư Phật, đại địa Bồ Tát, cầu xin sám hối, khiến cho những tội báo ấy đều tiêu diệt.
Nguyện nhờ công đức sám hối những tội báo trong đường súc sinh, chúng con đời đời kiếp kiếp diệt hết tất cả ngu si, biết được nghiệp duyên của mình, trí tuệ sáng suốt, không làm thân trong các đường ác.
Nguyện nhờ công đức sám hối những tội báo trong đường ngã quỉ, chúng con đời đời kiếp kiếp lìa khổ xan lận, đói khát, thường được ăn những pháp vị cam lồ giải thoát.
Nguyện nhờ công đức sám hối những tội báo trong đường tu la quỉ thần, chúng con đời đời kiếp kiếp tính tình chất trực xa hẳn nhân tà mệnh, trừ các quả báo xấu xa, và làm được nhiều phúc lợi cho cả nhân thiên.
Chúng con..............................nguyện từ nay trở đi cho đến đạo tràng, không còn chịu những tội báo trong bốn đường ác, chỉ trừ lòng đại bi cứu độ chúng sinh, lấy sức thê nguyện ở chung trong ấy, không khi nào chán nản.
Chúng con...............................đã sám hối những tội báo trong ba đường ác, nay theo thứ lớp cầu xin sám hối những tội báo chốn nhân thiên.
Chúng con cùng nhau thọ bẩm thân Mệnh ở cõi Diêm phù này, tuy nói một trăm năm chớ có mấy ai sống trọn. Trong thời gian đó số người trẻ tuổi chết non không thể nào lường, những khổ não còn nung nấu bức bách thân hình, lo rầu sợ hãi không ngớt phút nào. Sở dĩ như thế, bởi căn lành rất ít nghiệp ác quá nhiều, đến nỗi trong đời hiện tại làm việc gì cũng không được vừa ý. Nên biết đó là dự báo của những nghiệp ác ở đời quá khứ còn lại. Bởi thế nên ngày nay, chúng con xin sám hối vô lượng dư báo ấy trong cõi nhân thiên từ vô thỉ cho đến thời hiện tại và vị lai; sám hối những tội báo tai ương túc trái, tàn tật trăm bệnh, sáu căn không đủ ở cõi người; sám hối những tội báo sinh vào nơi hoang dã xa cách mọi người, luôn luôn bị tà kiến, tám nạn[10], ba ác[11]; sám hối những tội báo bị nhiều bệnh hoạn, gầy còm, chết yểu, chết oan, ở cõi người; sám hối những tội báo bà con quyến thuộc không đoàn tụ, ở cõi người; sám hối những tội báo bị khổ vì bạn bè tan nát ân ái chia lìa, ở cõi người, sám hối những tội báo oán cừu gặp gỡ, ưu sầu khiếp sợ, ở cõi người; sám hối những tội báo bị nạn lửa, trôm cướp đao binh nguy hiểm, kinh khủng khiếp nhược, ở cõi người; sám hối những tội báo bị nạn nước lửa, trộm cướp đao binh nguy hiểm, kinh khủng khiếp nhược, ở cõi người; sám hối những tội báo bị cô đọc khốn khổ, lưu lạc, bôn ba quên mất xứ sở, ở cõi người: Sám hối những tội lỗi bị tù ngục giam cầm, bị nhốt đứng trong ngục tối, bị đánh đập tra khảo ở cõi người; sám hối những tội báo bị miệng lưỡi công tư thêu dệt, vu hoạ ở cõi người; sám hối những tội báo bị bệnh tật liên miên liệt giường liêt chiếu không đứng dậy được ở cõi người; sám hối những tội báo bị các chứng ôn dịch về mùa Đông mùa Hạ, hay bị độc lệ thương hàn ở cõi người; sám hối những tội lỗi bị trúng gió độc, bị thũng, trướng, bị kết, ở cõi người; sám hối những tội lỗi bị các ác thần tìm dịp tiện tác hoạ ở cõi người; sám hối những tội báo bị các thứ ác điểu bay đến kêu lên trăm điều quái gở, gặp quỉ phi thi làm các yêu dị, ở cõi người; sám hối những tội báo bị các loài cầm thú dữ sài lang, hổ báo làm hại, ở cõi người, sám hối những tội báo tự lao mình xuống hố sâu hầm lửa, nhảy xuống sông hay gieo mình từ trên cao xuống, ở cõi người; sám hối những tội báo không có uy đức tiếng tăm,ở cõi người; sám hối những tội báo thiếu thốn, tiêu dùng ăn mặc không được vừa lòng, ở cõi người; sám hối những tội báo ra vào, đi lại hay làm việc gì cũng khó khăn hoặc bị người khác ngăn trở, ở cõi người. Những tai hoạ bất trắc, những bệnh truyền nhiễm, những ách nạn suy não trong đời hiện tại, vị lai, trong cõi nhân thiên, nhiều không thể kể xiết như thế, ngày nay chúng con chí thành hướng về mười phương chư phật, Tôn Pháp, Thánh chúng cầu xin sám hối, nguyện đều tiêu diệt.
Trước đã sám hối tất cả phiền não chướng và nghiệp chướng của sáu căn, ba nghiệp, tất cả quả báo chướng trong sáu nẻo bốn loài, nay chúng con xin theo thứ lớp phát nguyện hồi hướng.
Chúng con......................................nguyện đem công đức sám hối ba món chướng kia, hồi hướng cho tất cả chúng sinh cũng đều cùng nhau sám hối; nguyện cùng tất cả chúng sinh trong đời hiện tại thân tâm được yên vui, ba tai tám nạn các việc chẳng lành đều tiêu trừ hết thảy, sự ăn mặc được dư dật đầy đủ, chính tín Tam Bảo; xả báo thân này, vãng sinh về cõi Cực Lạc, gần gũi đức Phật Di Đà, được thụ kí để qua đời sau được gặp phật Di Lặc, nghe hiểu chính Pháp, theo đó tu hành. Nguyện đời đời kiếp kiếp bất cứ sinh ở chỗ nào, thường gặp các vị quốc vương, trùng hưng Tam Bảo, không bị sinh vào nhà ngoại đạo tà kiến. Chúng con lại nguyện đời đời kiếp kiếp bất cứ ở nơi nào, cũng do hoa sen hoá sinh, thuộc giòng giống cao quí, được yên ổn, vui sướng, món ăn, thức mặc tự nhiên có sẵn. Chúng con lại nguyên đời đời kiếp kiếp bất cứ ở chỗ nào, cũng có sẵn lòng nhân từ trung hiếu, đem tâm bình đẳng cứu giúp chúng sinh, không khởi niệm nghịch hại. Lại nguyện đời đời kiếp kiếp bất cứ sinh ở chỗ nào, cũng thường được chư Phật hộ niệm, thường hàng phục được ma oán và các thứ ngoại đạo, được ở chung một chỗ với các bậc bồ tát, một lòng theo đạo Bồ Đề không khi nào đứt đoạn. Lại nguyện đời đời kiếp kiếp bất cứ sinh ở chỗ nào cũng nêu tỏ Phật Pháp, tu theo giáo lý Đại Thừa, phân thân vô số để cứu độ chúng sinh, thẳng tiến đến đạo tràng (thành phật) không khi nào thoái chuyển.
Chư Phật Bồ Tát đã phát lời thề nguyện tu hành phúc trí, và hồi hướng, chúng con cũng xin phát nguyện tu tập phúc chí và hồi hướng như vậy.
Cõi hư không có thể cùng tận, cõi chúng sinh có thể cùng tận, nghiệp báo của chúng sinh có thể hết, phiền não của chúng sinh có thể diệt, nhưng sự tu hành hồi hướng của chúng con không bao giờ cùng tận.
Phát nguyện và hồi hướng xong, xin hết lòng kính lễ xong, xin hết lòng kính lễ Thường Trụ Tam Bảo.
Hết quyển hạ
Tội do tâm sinh do tâm diệt
Tâm đã diệt tội cũng không còn
Tội hết tâm không hai vẳng lặng
Như thế mới là chân sám hối
Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát.

Phần hồi hướng

Tâm kinh bát nhã ba la mật đa
Khi ngài Quán Tự tại Bồ Tát, thực hành sâu xa pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa. Ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết thảy khổ ách.
Này ông Xá Lỵ Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc; Thụ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế.
Này ông Xá Lỵ Tử! Tướng không của mọi pháp, không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt, cho nên trong Chân Không, không có sắc, không có Thụ, Tưởng, Hành, Thức; không có Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, ý; không có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; không có nhỡn. Giới cho đến không có ý thức giới; không có Vô minh cũng không có cái hết Vô minh; cho đến già, chết, cũng không có cái hết già, chết; không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không có trí tuệ, cũng không có chứng đắc, vì không có chỗ chứng đắc.
Bồ Tát Y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, nên tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không sợ hãi xa hẳn mộng tưởng điên đảo, đạt tới cứu kính niết bàn. Chư Phật trong ba đời cũng y vào Bát Nhã Ba La Mật Đa, được đạo quả Vô Thượng Chính, Đẳng Chính Giác.
Cho nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là đại thần chú, là đại minh trú, là vô thượng trú. Là vô đẳng trú, trừ được hết thảy khổ, chân trực không hư.
Vì vậy nói ra bài chú Bát Nhã Ba La Mật Đa. Liền nói bài chú ấy rằng:" Yết Đế Yết Đế, Ba La Yết Đế, Ba La Tăng Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha.
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa".(3 lượt)

Văn tụng kinh sám hối hồi hướng

Đệ tử chúng con…………………..vì sức nghiệp ma, tâm thần rối loạn, căn tính mê mờ, bỗng nhiên lại nghĩ, thay đổi lung tung, giáo dở chất chồng, xem văn mờ ý, nhầm chữ sai câu. Trái với chính âm trong đục,nệ vào tà kiến giãi bày, hoặc vì việc đoạt mất trí tâm, chẳng để vào kinh, đương khi tụng niệm dậy bỏ dở câu cách quãng. Ngồi lâu trễ nải, nhân việc giận hờn, chốn nghiêm tịnh để vướng bụi nhơ, nơi kính cẩn hoặc làm cẩu thả. Thân, khẩu mặc dùng nhếch nhác, xiêm, y lễ mạo lôi thôi, cung chẳng như nghi, ngồi không đúng chỗ. Mở quấn rối ren, rớt rơi dơ nát hết thảy chẳng chuyên chẳng thành, thật là dáng thẹn đáng sợ.
Kính xin chư Phật Bồ Tát, trong cõi pháp giới hư không, hết thảy thần thánh hiện thần, thiên long, hộ, pháp, từ bi thương xót, sám rửa lỗi lầm, khiến cho công đức tụng kinh đều được chu viên thành tựu.
Đệ tử chúng con nguyện tâm hồi hướng, còn e hoặc khi dịch thuật lỗi nhầm, hoặc lúc giải chua thiếu sót, truyền thụ sai thù, âm thích lẫn lộn. Những lỗi so sánh đổi thay, những lầm cắt, in, viết, chép, dù thầy dù thợ, đều xin sám hối. Nhờ sức thần của chư Phật, khiến cho tội lỗi tiêu tan. Thường quay xe pháp, cứu vớt hàm linh. nguyện đem công đức trì chú tụng kinh, hồi hướng về hộ pháp, long thiên thánh chúng, thần núi, sông linh thiêng trong tam giới, vị chủ tể thủ hộ chốn già lam, cầu mong được hưởng phúc thiện bình an, trang nghiêm đạo quả vô thượng Bồ Đề, nguyện cho khắp cả pháp giới chúng sinh, cùng được vào bể Như Lai pháp tính...
(đảo mõ rồi tụng tiếp)

Kinh lăng nghiêm

(Chương Niệm Phật của Bồ Tát Thế Chí)
Đức Đại Thế Chí Pháp Vương Tử, có năm mươi hai vị Bồ Tát đồng hàng với Ngài, liền từ toà ngồi đứng dậy, lễ dưới chân Phật, mà bạch Phật rằng: con nhớ về hằng Hà sa kiếp xưa kia, có đức Phật ra đời, hiệu là Vô Lượng Quang, trong một kiếp mười hai đức Như Lai nối nhau ra đời. Đức Phật sau cùng hiệu Siêu Nhật Nguyệt Quang, đức Phật kia dạy con Pháp niệm phật Tam Muội.
Ví như con người: Một người chuyên nhớ, một người chuyên quên. hai người như thế, dù có gặp nhau, cũng như không gặp, hoặc có thấy nhau cũng như không thấy. Hai người nhớ nhau, thời hai người nhớ in sâu, cứ như thế mãi, từ kiếp này qua kiếp khác, như bóng in hình, chẳng xa trái nhau. Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh, như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh mẹ nhớ ích gì? Con dù nhớ mẹ, như khi mẹ nhớ con, mẹ con trải qua nhiều kiếp, chẳng xa trái nhau.
Nếu tâm chúng sinh, nhớ Phật niệm Phật, đời này đời sau, quyết định thấy Phật, cách Phật chẳng xa, chẳng phải nhờ phép phương tiện, mà tự mở ngộ tâm mình. Ví như người nhiễm mùi hương, mình có hơi hương, như thế gọi là Hương Quang Trang nghiêm. Nhân địa còn xưa, nhờ tâm niệm Phật, được vào pháp nhẫn Vô sinh. Nay ở cõi này, tiếp người niệm Phật về nơi cõi tịnh.
Đức Phật hỏi Pháp Viên Thông, con không hề lựa chọn, mà chỉ thu nhiếp sáu căn, nối liền tịnh niệm, được vào nơi chí định, đó là bậc nhất:
Thân Phật Di Đà vàng rực rỡ!
Tướng đẹp sáng ngời không gì sánh
Hào quang toả khắp năm Tu Di
Mắt biếc trong hơn bốn biển lớn
Quang trung hoá phật nhiều vô số
Hoá chúng Bồ tát cùng vô biên
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sinh
Chín phẩm đều nên ngôi Chính Giác
Nam mô Tây Phương Cực Lạc
Thế giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật.(3 lượt)
Nam Mô A Di đà Phật (1 tràng hay ba tràng tuỳ ý)
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát (10 lượt)
Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát (10 lượt)
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát (10 lượt)
(Toàn thể đều đứng dậy lễ, chủ sám đọc)
Nam mô Tận hư Không, biến Pháp giới, thập phương tam thế, nhất thiết thường trụ Tam Bảo.(3 lễ)
Nam Mô Sa Bà Giáo Chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.(1 lễ)
Nam mô Phạm Võng Giáo Chủ Lưu Xá Na Phật.(1 lễ)
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Giáo Chủ A Di Đà Phật.(1 lễ)
Nhất tâm đỉnh lễ, Quán thế Âm Bồ Tát, biến pháp giới chư đại Bồ Tát(1 lễ)
Nhất tâm đỉnh lễ, Đại Thế Chí Bồ Tát, biến pháp giới Chư Đại Bồ Tát. (1 lễ)
Nhất tâm đỉnh lễ, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, biến pháp giới chư đại Bồ Tát.(1 lễ)
Nhất tâm đỉnh lễ, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, biến pháp giới chư Đại Bồ Tát.(1 lễ)
Nhất tâm đỉnh lễ, thanh tịnh Đại Hải chúng, biến Pháp giới Chư chư Hiền Thánh Tăng.(1 lễ)
Nhất tâm đỉnh lễ, Lịch Đại Tổ Sư Bồ Tát.(1 lễ)
Nhất tâm đỉnh lễ, Hộ Pháp Chư Thiên Bồ Tát.(1 lễ)
Con nay khắp vì bốn ân, ba cõi pháp giới chúng sinh, nguyện xin ba chướng tiêu trừ, chí thành phát nguyện(1 lễ)
(Toàn thể đều quì chắp tay, chủ sám đọc)
Nguyện đem công đức trì chú, sám hối, tụng kinh, hồi hướng, chân linh...
Nguyện chư hương linh...................
Nhất chân tỏ ngộ
Lục dục tam không
Cõi nhân gian sinh tử xa lìa
Nơi cực lạc hoá sinh tự tại
Ao thất bảo thảnh thơi tắm mát
Đài cửu liên nhẹ gót tiêu diêu
Quán âm, thế chí, kết đồng hàng
Bồ Tát Thánh Tăng làm bạn lữ.
Thần thức hằng vui nơi cõi tịnh
Nghiệp duyên trần không vướng mảy may
Trên đài sen chín phẩm nở hoa
Chư Phật phóng hào quang thụ ký.
Nam Mô Tây Phương cực lạc thế giới, đại từ đại bi, tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật.(3 lượt)
Nam Mô Liên Trì Hải hội, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.(1 lượt)
(Mọi người đều đọc phát nguyện)

Phát nguyện và hồi hướng

Chúng sinh bao nhiêu xin độ hết.
Phiền não bao nhiêu xin dứt hết.
Pháp môn bao nhiêu xin học hết.
Phật đạo cao siêu nguyện viên thành.
Công đức tụng kinh rất tuyệt vời!
Bao nhiêu thắng phục xin hồi hướng
Nguyện khắp chúng sinh trong bể khổ
Chóng được sinh về nước Cực Lạc
Nguyện tiêu ba chướng trừ phiền não
Nguyện được trí tuệ thật sáng ngời
Nguyện bao tội chướng được tiêu trừ
Đời đời thường làm Bồ Tát đạo.
Nguyện sanh Tây phương cõi Phật đà
Chín phẩm đài sen là cha mẹ
Hoa nở thấy Phật ngộ Vô Sinh
Bất thoái Bồ Tát làm bạn hữu
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả.
Chúng con và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.
Tự qui y Phật, xin nguyện chúng sinh, thể theo đạo lớn, phát tâm vô thượng.
Tự qui y Pháp, xin nguyện chúng sinh, thấu rõ kinh tạng, trí tuệ như biển.
Tự qui Tăng, xin nguyện chúng sinh, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại.
Hoà nam thánh chúng






CHÚ THÍCH

[1] Năm phép tà: Tức năm điều luật ác nghiệp của Đề Bà Đạt Ma.
[2]
Năm thứ cay nồng: Hành, hẹ, tỏi, nén, hung, cừ (hay kiệu).
[3] Sáu món niệm xứ: 1. Niệm Phật; 2. Niệm Pháp; 3. Niệm tăng; 4. Niệm giới; 5. Niệm thí; 6. Niệm thiên.
[4] Thô: Có thể thấy được.
[5] Tế: Không thể thấy được.
[6]
Thích Đề Huờn Nhơn: Tên một vì trời ở trên chót núi Tu Di
[7] Năm tướng suy: 1. Hoa trên đầu héo; 2. Y phục nhơ nhớp; 3. Đổ mồ hôi nách; 4. Thân hình hôi thối; 5. Không ưa ngồi trên toà. Mỗi khi năm tướng ấy hiện là điềm báo trước vì trời ấy khi mang chung sẽ bị đoạ lạc.
[8] Ngũ thiên sứ giả: Vì người ta gọi Vua Diêm Vương là Ngũ diện Thiên tử nên sứ của ngài gọi là Ngũ thiên sứ giả
[9] Phi ly: Một loài chồn có cánh.
[10] Tám nạn: 1. Địa ngục; 2. Ngã quỉ; 3. Súc sinh; 4. Trường thọ thiên; 5. Bắc câu lô châu; 6. Đui, điếc, ngọng, liệt; 7. Thế trí biện thông; 8. Sanh trước Phật hay sanh sau phật: Sở dĩ gọi tám nạn là vì ở tám chỗ này dù cảm thọ quả báo cổ vui có khác, nhưng đều không được thấy Phật không được nghe chính pháp.
[11] Ba ác; 1. Địa ngục; 2. Ngã quỉ; 3. Súc sinh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com