Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển Trung

24/06/201320:13(Xem: 12665)
Quyển Trung

Phat_Thich_Ca_11
Từ Bi Thủy Sám Pháp

Quyển trung

Trước thuật: Ngộ Đạt Quốc Sư

Dịch Giả: Thích Huyền Dung





Tất cả chư Phật thương xót chúng sinh mới nói pháp đạo tràng Thuỷ Sám. Ngày nay chúng con xin kính lễ chư Phật.
Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật,
Nam mô Bản Sư Thích ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam mô Di Lặc Phật.
Nam mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật.
Nam mô giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật.
Nam mô Ca Sa Tràng Phật
Nam mô Sư Tử Hống Phật
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát.
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát.
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Nam mô Đại Trang Nghiêm Bồ Tát.
Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát.

Đảnh lễ chư Phật rồi, thứ lại sám hối.

Đến nay thân tâm chúng con được yên tịnh, trong không bị phiền não dối gạt, ngoài không bị chướng nạn ngăn trở, chính là lúc sinh thiện diệt ác, lại phải thực hành bốn món quán hạnh, để làm phương tiện dứt tội.
Bốn món quán hạnh là:
1) Quan sát nhân duyên,
2) Quan sát quả báo,
3) Quan sát thân mình,
4) Quan sát thân Như Lai
Thứ nhất quan sát nhân duyên: Biết mình có tội, do vô minh suy nghĩ xằng bậy, không sức chính quán, không biết tội lỗi xa lìa bạn tốt, xa lìa chư Phật, Bồ tát, theo dõi đường ma lối hiểm, như cá nuốt câu không biết tai hoạ, như tằm làm kén tự rằng buộc mình, như con thiêu thân đâm đầu vào lửa tự thiêu đốt mình, do nhân duyên ấy không thể giải thoát
Thứ hai quan sát quả báo: Vì những ác nghiệp nên phải luôn chuyển mãi trong ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) chịu quả khổ vô cùng, chìm đắm trong đêm dài, biển lớn bị lũ quỉ La sát phiền não ăn thịt, sự sinh tử sau này mênh mang không bờ bến. Dầu cho phúc báo được làm đến bực chuyển luân thánh vương, thống trị bốn châu thiên hạ, bay đi tự tại, đủ các thất bảo, sau khi chết cũng không khỏi đường ác, dầu được hưởng quả báo tứ không thiên[1], cao nhất trong ba cõi, khi phúc đã báo hết rồi còn phải trở lại làm trùng trong yếm trâu, huống những kẻ không phúc đức gì lại giải đãi không siêng năng sám hối, thế chẳng khác chi ôm đá gieo mình xuống vực sâu, khó mong ra khỏi.
Thứ ba quan sát thân ta: tuy có chính nhân giác tính, nhưng bị phiền não hắc ám che lấp, không có sức liễu nhân, thành ra bản tính vốn sáng suốt kia, không tỏ rõ được. Ngày nay cần phải phát tâm thù thắng phá tan màn vô minh, dẹp hết chướng ngại điên đảo, diệt trừ nguyên nhân hư nguỵ của sinh tử, làm sáng tỏ của trí tuệ, sáng suốt của Như Lai, đặng gây dựng quả Niết Bàn vô thượng.
Thứ tư quan sát thân Như Lai: Vô vi tịnh chiếu, xa bốn cấu[2] bặt trăm lỗi[3], đầy đủ các đức trạm nhiên thường trú, dầu phương tiện vào diệt độ, nhưng lòng từ bi cứu vớt chúng sinh không hề tạm nghỉ.
Khởi tâm quan sát như thế, tức là bến lành để diệt tội, là hạnh cốt yếu để trừ nghiệp chướng. Vì vậy ngày nay chí thành cầu xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, chúng con nuôi thêm phiền não, ngày càng sâu dày, càng nảy nở, che đậy tuệ nhỡn không thấy được lẽ chân nguỵ, dứt trừ mọi việc lành không cho nối tiếp nhau, khởi phiền não làm trở ngại không được thấy Phật, không nghe chính Pháp, không gặp Thánh Tăng; khởi phiền não làm trở ngại không thấy được nghiệp lành nghiệp dữ trong đời quá khứ, hiện tại, vị lai và pháp xuất ly; khởi phiền não làm trở ngại không được địa vị tôn quí ở cõi trời, cõi người; khởi phiền não làm trở ngại không được sinh vào cõi sắc, cõi vô sắc để hưởng phúc báo yên vui thiền định; khởi phiền não làm trở ngại không được phép thần thông tự lại, bay, đi, ẩn, hiện đến khắp các cõi Phật trong mười phương để nghe pháp; khởi phiền não làm trở ngại không học được phép quán đếm hơi thở để tâm khỏi tán loạn, phép quán về bất tịnh để ngăn ngừa tâm ham muốn, phép quán về nhân duyên để dứt bỏ tâm si mê; khởi phiền não làm trở ngại không học được phép noãn, đảnh, nhẫn, đệ, nhứt, bảy phép phương tiện[4]; khởi phiền não làm trở ngại, không học được những phép từ, bi, hỷ, xả, văn, tư, tu; khởi phiền não làm trở ngại sự hiểu biết về quán hạnh của ba món không, bình đẳng, trung đạo[5]; khởi phiền não làm trở ngại không học những phẩm trợ đạo, niệm xứ, chính cần, căn, lực và ý túc; khởi phiền não làm trở ngại không học đạo bát chính chỉ rõ về phần tướng; khởi phiền não làm trở ngại sự học đạo thất giác chi không chỉ về hình tướng; khởi phiền não làm trở ngại không học đạo bát giải thoát cửu không định[6]; khởi phiền não làm trở ngại sự học các phép thập trí, tam tam muội[7], khởi phiền não trở ngại những phép lục độ, tứ vô ngại[8], tứ đẳng[9], khởi phiền não làm trở ngại sự học phép tứ nhiếp[10] để giáo hoá khắp chúng sinh; khởi phiền não làm trở ngại sự học bốn hoằng thệ[11] của Đại thừa tâm: khởi phiền não làm trở ngại sự học những phép thập minh[12], thập hạnh[13], khởi phiền não làm trở ngại sự học phép thập hồi hướng[14], thập nguyện[15]; khởi phiền não làm trở ngại sự học minh giải của các ngôi sơ địa, nhị địa, tam địa, tứ địa[16]; khởi phiền não làm trở ngại sự học những điều tri kiến của các ngôi, ngũ địa, lục địa, thất địa[17]; khởi phiền não làm trở ngại sự học phép song chiếu của các ngôi bát địa, cửu địa, thập địa[18]; khởi phiền não làm trở ngại sự học những hạnh tu trong trăm vạn a tăng kỳ kiếp.
Những chướng ngại sự tu hành ấy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con hết lòng thành khẩn hướng lên mười phương chư phật, tôn Pháp, Thánh chúng, hết sức hổ thẹn cầu xin sám hối, nguyện xin dứt sạch.
Nguyện thờ công đức sám hối tất cả các phiền não làm trở ngại sự tu hành, chúng con được thụ sinh tự tại, khắp nơi khắp chốn muốn được ở không bị nghiệp cảm chất chứa xoay chuyển, lại còn dùng phép thần thông như ý, trong khoảnh khắc đã dao khắp mười phương vùa trang nghiêm thanh tịnh các cõi phật, vừa nhiếp hoá tất cả chúng sinh. Những cảnh giới thiền định rất cao thâm, cùng những sự thấy biết của chư Phật, chúng con nguyện hiểu thấu một cách vô ngại, tâm thường bao quát tất cả các pháp, tự tại diễn nói, không bị nhiễm trước, được tâm tự tại, pháp tự tại, phương tiện tự tại, khiến những phiền não ngu dốt kết tập lâu đời, đều được dứt hẳn, không còn tiếp nối, để chứng được thánh vô lậu, sáng chói như mặt trời.
Phát nguyện rồi xin đem cả thân mệnh kính lễ chư Phật.
Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật,
Nam mô Bản Sư Thích ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam mô Di Lặc Phật.
Nam mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật.
Nam mô giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật.
Nam mô Ca Sa Tràng Phật
Nam mô Sư Tử Hống Phật
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát.
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát.
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Nam mô Đại Trang Nghiêm Bồ Tát.
Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát.

Đảnh lễ chư Phật rồi, kế đến sám hối.

Chúng con………………………..đã lược sám những phiền não chướng, giờ xin theo thứ lớp sám hối những nghiệp chướng[19]. Nghiệp lực tu bồi các nẻo, bất cứ chỗ nào cũng bị đắm nhiễm, không chịu suy nghĩ để mong cầu giải thoát. Bởi vậy nên quả báo trong sáu đường không đồng nhau, hình thể mỗi loài một khác. Thế mới biết đó do nghiệp lực gây ra trong mười lực[20] của Phật, nghiệp lực sâu thẳm hơn hết.
Kẻ phàm phu phần nhiều hay sinh lòng nghi hoặc. Vì thấy ở đời người làm lành lại gặp nhiều trắc trở, kẻ làm ác mà được mọi sự an hoà, mới cho rằng việc lành dữ không có phân minh, người chấp như thế bởi không đạt thấu lý sâu xa nghiệp báo. Kinh nói có ba thứ nghiệp báo:
Một là hiện báo, hai là sinh báo, ba là hậu báo. Hiện báo là tức là trong đời này làm việc thiện ác thì ngay thân mà chịu quả báo. Sinh báo tức là trong đời này làm việc thiện ác, qua đời sau mới chịu quả báo. Hậu báo tức là trong vô lượng kiếp về quá khứ đã làm việc thiện ác, đến đời này hoặc vô lượng kiếp về sau mới chịu quả báo.
Còn người bây giờ làm ác mà gặp may mắn bởi do những nghiệp lành sinh báo, hậu báo đã thuần thục trong kiếp quá khứ, nên mới hưởng quả tốt đẹp. Như thế không phải trong đời này làm ác mà được quả báo tốt. Những người bây giờ làm lành lại bị khổ sở, do những nghiệp ác sinh báo, hậu báo đã thuần thục trong kiếp quá khứ, nên những mầm thiện ngày nay sức yếu không thể ngăn dẹp những nghiệp ác ấy, nên phải chịu quả khổ.
Đâu phải trong đời này làm lành mà chịu ác báo. Lại thấy trong đời những kẻ làm lành, được người khen ngợi kính trọng, nên biết ngày sau ắt được hưởng quả vui sướng. Chúng ta về quá khứ đã có những nghiệp ác như thế, nên Chư Phật Bồ Tát dạy phải gần gũi bạn lành, cùng làm phép sám hối. Gặp được bậc thiện tri thức là điều lợi lớn cho sự tu hành đắc đạo. Vì thế ngày nay chúng con xin chí thành qui y Phật.
Lại từ vô thỉ đến nay, chúng con chất chứa nghiệp ác nhiều như cát sông hằng, gây tội lỗi đầy cả hai đại địa, hết bỏ thân này lại thụ thân khác, không hay không biết, hoặc phạm tội ngũ nghịch[21] sâu dầy, trói buộc nặng nề gây nên tội vô gián[22] hoặc gây nên tội xiển đề[23] thành nghiệp bỏ mất căn lành, khinh chê lời phật dạy thành nghiệp báng bổ kinh điển đại thừa, phá diệt Tam Bảo thành nghiệp huỷ hoại chính pháp, không tin tội phúc thành nghiệp thập ác[24], hiểu lầm chân lý làm trái chính pháp thành nghiệp si mê, bất hiếu cha mẹ thành nghiệp ngang trái, khinh mạn sư trưởng thành nghiệp không kính lễ, thất tín bạn bè trở thành nghiệp bất nghĩa, phạm tội tứ trọng[25], bát trọng[26] thành nghiệp làm trở ngại thánh đạo, huỷ phạm năm điều răn cấm thành nghiệp phá giới bát quan trai[27] phạm ngũ thiên tất tụ[28] thành nghiệp nhiều phạm giới, phạm giới ưu bà tắc[29] thành nghiệp khinh trọng cấu[30] trước khi thọ giới, sau khi thọ giới làm nhiễm ô phạm hạnh[31], mỗi tháng không ăn chay sáu ngày thành nghiệp giải đãi, mỗi năm không ăn chay luôn ba tháng thành nghiệp tu không thường, không giữ gìn ba nghìn uy nghi thành nghiệp không đúng giới pháp, không giữ gìn tám vạn luật nghi thành nghiệp vi tế tội, hoặc gây ra nghiệp không tu thân giới, tâm tuệ, hoặc gây nên nghiệp tám, ngày vượng xuân thu[32] tạo các tội lỗi, hoặc gây nên nghiệp làm mười sáu món ác luật ghi[33] hoặc gây nên nghiệp đối với chúng sinh không lòng thương xót, gây nên nghiệp không lân mẫn, không cứu giúp, ôm lòng đố kỵ thành ra nghiệp không cứu độ mọi loài, còn có chỗ oan thân thành ra nghiệp không bình đẳng, say đắm ngũ dục thành ra nghiệp không nhàm lìa, hoặc vì cơm áo, vườn rừng, ao hồ, thành ra nghiệp phóng đãng, dâm dật, hoặc vì tuổi trẻ phóng túng dục tình tạo ra các tội lỗi, hoặc tạo nghiệp lành hữu lậu để hồi hướng cầu sinh trong ba cõi thành nghiệp ngăn ngại pháp xuất thế[34]
Những tội lỗi ấy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con hướng về mười phương Chư Phật, Tôn Pháp, Thánh chúng xin giãi bày xám hối.
Nhờ phúc lành sám hối các tội lỗi vô minh, ác nghiệp dứt sạch, được sinh phúc lành, nguyện chúng con đời đời kiếp kiếp diệt được tội ngũ nghịch, trừ hoặc nghiệp xiển đề. Tất cả nghiệp ác vừa nặng vừa nhẹ, từ nay trở đi đến khi thành Phật, thề không dám phạm. Chúng con nguyện thường chăm lo tu tập những thiện pháp xuất thế[35] thanh tịnh, chuyên trì giới luật tinh nghiêm, giữ gìn uy nghi như người qua biển mến tiếc phao nổi. Những pháp lục độ, tứ đẳng tâm (từ, bi, hỷ, xả), thường nêu trước cả muôn hạnh, những phẩm Giới, Định, Tuệ càng thêm sáng tỏ, mau thành tựu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mười lực, bốn vô uý, ba niệm đại bi ,diệu trí thường lạc, tám món tự tại[36] của đức Như Lai. Chúng con...............................nguyện quy y chư Phật, xin rủ lòng từ bi hộ niệm.
Trước chúng con đã sám hối chung cả các nghiệp, nay lại xin theo thứ lớp sám hối riêng từng tội một. Những tội lỗi ấy hoặc chung (tội do ba nghiệp gây ra), hoặc riêng (tội do một trong sáu căn gây ra) hoặc to (tội do thân gây ra), hoặc nhỏ (tội do ý gây ra), hoặc nhẹ (tội do vô tâm gây ra) hoặc nặng( tội do sự cố ý gây ra), hoặc nói( thứ tội ai cũng biết), hoặc không( tội do một mình mình làm, một mình mình biết), có từng phẩm loại chúng con nguyện đều dứt hết. Sám hối riêng từng tội. Trước sám hối ba nghiệp của thân, sau sám hối bốn nghiệp của miệng, còn lại những nghiệp chướng khác, lần lượt xin sám hối tất cả.
Ba nghiệp của thân, thứ nhất là nghiệp giết hại, như kinh đã nói: "Dung thứ kẻ khác như dung thứ mình, chớ giết, chớ đánh". Tuy loài cầm thú cũng biết bảo tồn thân mệnh sợ chết như mình. Nếu tìm xét kỹ thì các chúng sinh từ vô thỉ lại, hoặc đã là cha mẹ, anh em hoặc đã là bà con quyến thuộc, nhưng bởi nhân duyên nghiệp báo, nên phải luân hồi sáu nẻo, ra vào đường sinh tử, thay hình đổi dạng không còn nhận biết lẫn nhau. Nay chúng ta đang tâm giết hại ăn thịt, như thế rất tổn hại lòng Từ Bi. Vì thế Phật dạy: "Giả sử được ăn các món rau quả còn tưởng tượng như trong đời đói khát phải ăn thịt con, huống là ăn cá thịt". Phật lại dạy: "Vì lợi giết chúng sinh, lấy tiền mua thịt cá, cả hai đều là ác nghiệp, sau chết đoạ vào địa ngục rên siết". Vì thế nên biết giết hại loài vật và lấy thịt ăn, tội sâu như sông biển, nặng như gò núi. Song từ vô thỉ đến nay, chúng con vì không được gặp bạn lành nên mới tạo những nghiệp ấy. Kinh dạy: "Tội giết hại thường làm chúng sinh đoạ vào địa ngục, ngã quỉ để chịu khổ báo. Nếu đầu thai trong loài súc sinh phải chịu làm thân hùm, beo, chó sói, bồ cắt, hoặc làm thân rắn độc, rết độc, ôm lòng hiểm ác, hoặc làm thân hươu nai, thỏ beo, luôn luôn sợ hãi. Nếu được làm người, mắc phải hai thứ quả báo: Một là nhiều bệnh, hai là chết yểu.
Sự giết hại loài vật ăn thịt, đã gây biết bao ác báo như thế, ngày nay chúng con chí thành cầu xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, khi có tâm thức này, thường ôm lòng thâm độc, không dạ xót thương hoặc vì tham lam mà giết, hoặc vì giận dữ si mê khinh mạn mà giết, hoặc dùng phương tiện độc ác mà giết, hoặc thề giết, nguyền giết, dùng phù chú giết v.v...hoặc phá hồ tháo nước, thiêu đốt núi rừng, săn bắn chài lưới, hoặc nhân khi gió phóng lửa, hoặc thả chim săn, chó săn làm não hại tất cả mọi loài. Những tội như thế ngày nay chúng con đều xin sám hối. Hoặc dùng cạm bẫy hầm hố, câu liêm kích, cung nỏ bắn chết những loài chim bay, thú chạy hoặc dùng lưới rập, thả câu để đơm bắt những loài dưới nước làm cho tất cả những giống ở nước: cá, ba ba. trạch, dọp, ốc, tôm, hến... ở mặt đất, trên không chẳng còn chỗ nào chốn núp; hoặc nuôi gà, heo, dê, chó, ngỗng vịt để tự mình giết ăn, hoặc mượn người làm thịt, khiến tiếng kêu thương của chúng chưa dứt mà lông cánh đã rơi rụng, mai vẩy đã tan nát, đầu một nơi, thân một ngả, xương thịt tiêu tan, lột, xé, mổ, cắt, đốt, thui, nấu, nướng đau đớn biết dường nào. Than ôi! ỷ sức mạnh giết hại loài vô tội ăn thịt, chỉ sướng miệng một lúc, được chút vị ngon, bất quá vì ba tấc lưỡi mà phải mang lấy tội báo kiếp kiếp đời đời. Những tội ác như thế, ngày nay chúng con xin chí thành sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay hoặc khởi binh đánh nhau, giao tranh nơi biên trường, hai bên giáp mặt, giết hại lẫn nhau, hoặc tự mình giết, hoặc sai người giết, hoặc nghe ai giết sinh tâm vui mừng, hoặc tập làm nghề mổ heo bò, đi làm thịt mướn, xẻ nấu thân mệnh loài vật, gây nhiều việc bất nhẫn, hoặc giận giữ khoa mác múa dao, hoặc chém hoặc đâm, hoặc xô xuống hầm hố, hoặc nhấn chìm dưới nước, hoặc lấp hang phá ổ, hoặc lấy đất đá ngăn lấp, hoặc dùng xe ngựa lăn cán dày đạp tất cả chúng sinh. Những tội như thế vô lượng vô biên, ngày nay chúng con đều xin giãi bày sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay: Hoặc phá thai, đập trứng, dùng trùng độc, thuốc độc diệt hại chúng sinh, hoặc khai khẩn đất cát, trồng cấy vườn ruộng, nuôi tằm, ươm kén, giết hại càng nhiều; hoặc đập đuổi ruồi muỗi, nhằn cắn chí rận, hoặc đốt rác dơ bẩn, khai tháo ngòi rãnh giết hại loài vật,hoặc ăn trái cây, dùng thóc gạo, rau dưa, phải giết càn chúng sinh; hoặc đốt củi thắp đèn đuốc, thiêu chết các loài côn trùng; hoặc lấy tương dấm không khuấy động trên mặt; hoặc đổ nước sôi làm chết sâu kiến, cho đến khi đi, đứng, nằm, ngồi cũng thường giết hại chúng sinh nhỏ nhít bay trên không bám dưới đất. Bởi phàm phu tâm thức tối tăm không hay biết mới phạm phải các tội, ngày nay đều xin giãi bày sám hối. Lại từ vô thỉ đến nay, đối với chúng sinh, hoặc dùng roi, gậy,gông, xiềng, hoặc dùng kìm kẹp tra khảo, đánh vật thoi đạp, lấy dây trói buộc giam cùm, tuyệt hẳn cơm nước, dùng những cách độc ác làm khổ não chúng sinh, ngày nay chí thành hướng về mười phương chư Phật, Tôn pháp, Thánh chúng, cầu xin sám hối.
Nguyện nhờ công đức sám hối những tội giết hại ấy, chúng con đời đời kiếp kiếp được thân hình bền chắc như kim cương, sống lâu vô cùng, xa lìa oán ghét, không còn nghi đến những việc giết hại. Đối với chúng sinh coi như con một. Nếu thấy bị tai nạn nguy cấp thì trước tuỳ phương tiện giải cứu, không lẫn tiếc thân mệnh, rồi sau mới đem chính pháp nhiệm màu nói cho, khiến chúng sinh thấy hình thấy bóng đều được an vui, nghe tên nghe tiếng liền sợ hãi. Vì thế ngày nay, chúng con xin cúi đầu qui y theo Phật.
Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật,
Nam mô Bản Sư Thích ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam mô Di Lặc Phật.
Nam mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật.
Nam mô giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật.
Nam mô Ca Sa Tràng Phật
Nam mô Sư Tử Hống Phật
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát.
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát.
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Nam mô Đại Trang Nghiêm Bồ Tát.
Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát.

Đảnh lễ chư Phật rồi, kế đến sám hối nghiệp trộm cướp.

Trong kinh nói: "Vật của người khác thì người đó giữ. Dầu một lá rau, cọng cỏ mà họ không cho cũng không được lấy, huống chi trộm cướp". Nhưng vì chúng sinh chỉ thấy lợi trước mắt nên lấy một cách trái đạo, đến nỗi sau này phải chịu tai ương. Bởi vậy kinh nói: "Tội trộm cướp làm chúng sinh bị đoạ vào địa ngục, ngã quỉ, chịu khổ vô cùng". Nếu đầu thai trong đường súc sinh, phải chịu làm thân trâu ngựa, la, lừa, lạc đàv.v...đem thân máu thịt của mình trả nợ kiếp trước cho người. Nếu được làm người, phải chịu làm thân tôi mọi kẻ khác, áo không đủ che thân, cơm ăn không đủ bữa, bần cùng khốn khổ, lẽ sống của con người hầu như không con gì nữa. Sự trộm cướp đã có khổ báo như thế, ngày nay chúng con trí thành cầu xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, chúng con hoặc trộm tiền tài, bảo vật kẻ khác, hoặc cầm dao cưỡng đoạt hoặc tự mình xông đến bức người lấy của, hoặc ỷ quyền nương vào thế lực, dùng kim to kẹp lớn ép chế oan người lương thiện, hoặc thâu tiền đút lót của bọn gian, đánh thẳng người ngay buộc cho là tà vậy, vì những nguyên nhân ấy khiến họ xa vào lưới pháp luật, hoặc ăn tiền của kẻ dưới khiến họ dung túng làm bậy, hoặc lấy của công làm lợi riêng, lấy của riêng vào việc công, làm tổn hại người kia đem lợi cho người này, làm tổn hại người này đem lợi cho người kia, lấy bớt của kẻ khác làm lợi cho mình, miệng hay nói bố thí mà tâm thì bỏn sẻn, ăn cắp thuế ruộng, thuế chợ, trốn thuế đò ải, bớt của công để dùng vào việc riêng, dấu sưu dịch để sai làm việc mình. Những tội như thế ngày nay đều xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, hoặc chỗ bạn bè qua lại sư Tăng đồng học hay cha mẹ anh em, bà con quyến thuộc cùng ở chung nhau, mà trăm món cần dùng lừa dối gạt gẫm nhau, hoặc đối xóm riềng gần gũi dời rào, xê tường, xâm lấn đất nhà người khác, đổi mốc thay nêu, cướp giựt tiền của, bao chiếm ruộng vườn, mượn tiếng việc công để làm lợi riêng, sang đạt hàng quán rẫy bái của người. Những tội như thế ngày nay đều xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, hoặc đánh phá thành ấp, đốt làng phá dậu (hàng rào) buôn bán lương dân, dụ dỗ tôi tớ của người, hoặc áp chế oan những kẻ vô tội, hoặc bị đâm chém máu rơi thịt nát, thân bị đày ải, gia sản tan nát, cốt nhục chia lìa, mỗi người một cõi, sống chết cách tuyệt. Những tội như thế vô lượng vô biên, ngày nay đều xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, buôn bán hàng hoá, lập quán đổi trác đồ vật, dùng cân non, đấu nhỏ, giảm bớt thước tấc, xén lấn phân thù[37] lường gạt từng li, đem của xấu đổi lấy của tốt, đem thứ ngắn đổi thứ dài, giả dối trăm chiều để mong cầu chút lợi. Những tội như thế, ngày nay chúng con đều xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, hoặc khoét vách đào tường, chặn đường cướp đoạt, hoặc trốn nợ, xén bớt tài lợi, hoặc phụ tình trái hẹn, ngoài mặt lừa dối, trong lòng mưu toan, hoặc cướp giựt trái đạo, đồ vật của quỉ thần,cầm thú, chúng sinh, hoặc mượn cớ coi quẻ coi tướng để gạt lấy tài sản của người, như thế cho đến đem lợi cầu lợi, cầu cách vô đạo, càu cách tham lam, không biết chán, không biết đủ. Những tội lỗi như thế vô lượng vô biên, không thể nói hết, ngày nay chúng con chí thành, hướng về mười phương Chư phật, Tôn Pháp, Thánh chúng, đều xin sám hối.
Nguyện do công đức sám hối những tội trộm cướp ấy, chúng con đời đời kiếp kiếp ngọc như ý thường xuất sinh bảy món trân bảo, y phục cực đẹp, đồ ăn đủ vị,đủ các thứ thuốc men, tuỳ ý muốn vật chi tức có liền vật ấy, lại nguyện cho tất cả chúng sinh không ai còn tưởng đến sự trộm cướp, ít ham muốn, biết vừa đủ, không đắm nhiễm, thường vui lòng bố thí, thực hành đạo cứu tế, bỏ đầu, mắt, tuỷ, não như đã bỏ đờm rãi, để mong thành tựu bố thí ba la mật.
Kế đến chúng con.............................. xin sám hối tội tham ái. Trong kinh nói: "Chỉ vì tham dục nên bị giam hãm trong ngục si mê, chìm đắm trong vòng sinh tử, không biết ngõ ra". Chúng sinh vì say đắm ngũ dục, nên từ xưa tới nay bị lưu chuyển mãi trong đường sinh tử. Giá cứ lấy xương tất cả chúng sinh trong muôn ngàn kiếp chất đống lại thì bằng núi Tỳ phú la ở thành Vương xá, sữa mẹ cho bú nhiều như nước bốn biển, máu huyết trong mình chảy ra còn hơn thế nữa, nước mắt cha mẹ anh em bà con quyến thuộc thương khóc khi lâm chung cũng nhiều như nước bốn biển. Vì thế nên nói: Còn tham ái thì còn sinh tử, hết tham ái thì hết sinh tử diệt. Thế mới biết tham ái là gốc sinh tử. trong kinh nói: "tội dâm dục hay khiến chúng sinh bị đoạ vào địa ngục, ngã quỉ, chịu khổ vô cùng"; Nếu ở trong loài súc sinh phải làm chim bồ câu, chim sẻ, chim uyên ương. Nếu sinh trong loài người thì gặp vợ (hay chồng) phụ bạc, bà con toàn với những người trái ý. Sự dâm dục có quả báo xấu xa như thế, nên ngày nay chúng con trí thành cầu ai sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, chúng con hoặc quyến rũ thê thiếp chiếm đoạt vợ con của người, hoặc làm ô nhục ni cô, phá phạm hạnh người khác, hiếp bức một cách vô đạo, đem tâm bất chính, xem ngó lẳng lơ, nói cười bỡn cợt, hoặc điếm nhục thanh danh gia tộc của người, hoặc làm nhơ tiếng tốt của người, hoặc làm hạnh bất tịnh với năm hạng người bán nam bán nữ. Những tội như thế thật vô lượng vô biên, ngày nay chúng con đều xin chí thành sám hối.
Nguyện nhờ công đức sám hối những tội dâm dục ấy, đời đời kiếp kiếp được tự nhiên hoá sinh, không do bào thai, được thanh khiết sáng sủa, tướng mạo quang minh, sáu căn tỏ rõ, thông minh lanh lợi, hiểu rõ ân ái là cùm xích bó buộc, xét kĩ sáu trần là trò huyễn hoá, mà quyết định xa lìa cảnh ngũ dục, cả đến trong giấc mộng cũng không nghĩ điều bất chính, những điều mê hoặc ở trong ở ngoài, không thể động tâm.
Sám hối phát nguyện rồi, chúng con xin đem hết thân mệnh kính lễ Tam Bảo.
Chúng con trước đã sám hối ba nghiệp ác của thân, nay xin theo thứ lớp sám hối bốn nghiệp của miệng.
Trong kinh nói: Những tội, nghiệp do miệng gây ra, thường làm chúng sinh bị đoạ vào địa ngục, ngã quỉ chịu khổ vô cùng. Nếu đầu thai vào loài súc sinh phải làm thân chim cú, chim mèo, tiếng kêu đáng ghét. Nếu được sinh vào loài người, thì hơi miệng hôi thối, nói không ai tin, còn trong bà con quyến thuộc thường xảy bất hoà, đánh lộn cãi lẫn. Nghiệp của miệng đã có những ác quả như thế, nên ngày nay chúng con chí thành qui y Tam Bảo cầu xin sám hối. Chúng con.................................từ vô thỉ đến nay, vì nghiệp ác khẩu nên phải ở trong bốn nẻo, sáu loài,tạo nhiều tội lỗi, nói năng thô tháo, lời lẽ hung bạo ngang tàng, không biết tôn ty, đối với kẻ thân người sơ, kẻ sang người hèn, hơi trái ý mình, đã nổi giận hờn la mắng, mắng nhiếc huỷ nhục nhiều điều hèn hạ xấu xa, ác độc, không chừa điều chi, khiến cho người khác ôm hạn suốt đời không quên, gây hoạ kết thù chẳng bao giờ dứt, lại còn oán thán trời đất, trách móc quỉ thần, chê bai các bậc hiền thánh, vu oan điếm nhục người lương thiên. Những tội nghiệp do ác khẩu gây ra như thế thật vô lượng vô biên, ngày nay chúng con đều xin chí thành sám hối. Lại từ vô thỉ đến nay, vì nghiệp nói dối, tạo ra bao nhiêu tội lỗi: Trong ý mong cầu danh dự, lợi dưỡng, giấu diếm tình thực, dối trá đủ điều, trong tâm mê muội, ngoài mặt dạn dầy, chuyện có nói không, chuyện không nói có, thấy nói không thấy, không thấy nói thấy, nghe nói không nghe, không nghe nói nghe, biết nói không biết, không biết nói biết, làm nói không làm, không làm nói làm, khi miệt thánh hiền, lường đảo dối hoặc người đời, đến như cha con, vua tôi, họ hàng,bè bạn mà nói năng gì cũng không khi nào thành thực, khiến người khác lầm nghe mình đến nỗi phải tan nhà mất nước. Lại còn giả trò yêu thuật, thường tự khen mình, khoe mình đã chứng tới bực tứ thiền[38], tứ vô sắc định[39], an na bát na[40], mười sáu quán hạnh, chứng bậc Tu đà hoàn, đến bực A la hán, Bích Chi Phật, bậc Bất thoái Bồ Tát và thiên long quỉ thần, thần gió, thần đất đều đến bên mình, lại bầy trò lạ mê hoặc lòng người để mong cung kính cúng dâng, bốn món cần dùng. Những tội nghiệp do vọng ngữ gây ra như thế, vô lượng vô biên, ngày nay chúng con đều xin chí thành sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, vì nghiệp nói thêu dệt (ỷ ngữ) tạo ra bao nhiêu tội lỗi: dùng âm từ hoa mỹ, văn chương bóng bẩy, xuyên tạc sự sai lầm, trang sức điều trái quấy, khéo đặt những bản ca hát hình dung vẻ yêu kiều, mô tả thói dâm ô, khiến cho hạng trung lưu, hạ lưu động tâm đãng tính, say đắm tử sắc không thể tự giác. Hoặc phóng túng tư thù, không kể lời nghị bàn công chính, dẫu người kia là bậc trung thần, hiếu tử hay là chí sĩ, hiền nhân vẫn cứ làm văn thêu dệt lên tội, để người đời sau tin cho là thật, khiến người kia phải ôm hận dưới cửu tuyền không biết đâu biện bạch.
Những tội nghiệp do ỷ ngữ gây ra như thế, vô lượng vô biên, ngày nay chúng con đều xin chí thành sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, vì nghiệp nói hai lưỡi gây ra bao nhiêu tội lỗi: khen trước mặt, chê sau lưng, sảo trá trăm chiều,tới người kia nói chuyện người này, tới người này nói chuyện người kia, chỉ biết lợi mình, không nhìn hại đến kẻ khác, dèm siểm để ly gián vua tôi, vu oan huỷ nhục người lương thiện, để cho vua tôi nghi kị nhau, cha con bất hoà nhau, vợ chồng để bỏ nhau, họ hàng thân thích xa nhau, làm mất ơn thầy trò, dứt đường lui tới bạn bè, cả đến làm cho hai nước đang giao hảo phải huỷ bỏ minh ước, mất hoà khí, gây sự oán thù, đem binh đánh nhau, giết hại trăm họ. Nghiệp nói hai lưỡi gây ra tội lỗi vô lượng vô biên như thế, ngày nay chúng con chí thành hướng về mười phương chư Phật, Tôn pháp, Thánh chúng, đều xin giãi bày cầu ai sám hối.
Nguyện nhờ công đức sám hối bốn nghiệp ác khẩu, đời đời kiếp kiếp được đầy đủ tám thứ âm thanh, bốn món biện tài, thường nói những lời hoà hợp lợi ích, giọng nói thanh nhã ai cũng muốn nghe, lại được hiểu rõ ngôn ngữ chúng sinh. Nếu có nói chi đều được thích hợp căn cơ, khiến cho ai nghe cũng được tỏ ngộ, nhập thánh siêu phàm, mở phát tuệ nhỡn.
Sám hối và phát nguyện rồi xin đem hết thân mệnh kính lễ Tam Bảo.
Trước đã làm sám hối ba nghiệp ác của thân, bốn nghiệp ác của miệng, nay xin theo thứ lớp sám hối những tội chướng do sáu căn gây ra.
Chúng con......................... từ vô thỉ đến nay, mắt vì hình sắc ở ngoài làm mê hoặc, ham thích những màu đen, vàng, đỏ, tía, xanh, cùng những đồ chơi trang sức quí giá; hoặc thấy tướng mạo đàn ông, đàn bà cao, thấp, trắng, đen, cử chỉ yêu kiều diễm lệ, mà khởi ra tư tưởng phi pháp; hoặc tai ham nghe tiếng hay như cung, thương, đàn, sáo, ca hát, trò vè, hoặc nghe những dọng thanh tao, lời ăn nói tiếng khóc cười của đàn ông, đàn bà mà khởi ra những tư tưởng phi pháp; hoặc mũi thích ngửi mùi thơm của gỗ trầm, gỗ chiên đàn, long não, xạ hương hay mùi thơm của cây uất kim[41], cây tô hợp[42] mà khởi ra những tư tưởng phi pháp; hoặc lưỡi ham nếm những vị ngon lành, tươi tốt, ngọt béo nên phải lấy máu thịt chúng sinh, để nuôi thân tứ đại, vun quén thêm cội khổ, mà khởi ra những tư tưởng phi pháp; hoặc thân mình ham muốn sự loè loẹt, gấm, vóc, lụa, là, tất cả những thứ mượt dịu, y phục đẹp đẽ bằng thất trân, mà khởi ra những tư tưởng phi pháp; hoặc ý hay loạn tưởng nên gặp đâu cũng trái pháp. Bở sáu căn tạo ra tội nghiệp vô lượng vô biên như thế, ngày nay chúng con chí thành hướng về mười phương chư phật, Tôn pháp, Thánh chúng, đều xin sám hối.
Nhờ công đức sám hối tội lỗi do nhỡn căn gây ra, chúng con nguyện mắt này thấy xuất phát thân thanh tịnh của mười phương chư Phật, Bồ Tát, không bằng sự sai biệt.
Nhờ công đức sám hối tội lỗi do nhĩ căn gây ra, chúng con nguyện tai này thường được nghe chính pháp của mười phương Chư Phật, hiền thánh đã nói và thực hành đúng theo giáo pháp ấy.
Nhờ công đức sám hối tội lỗi do tỵ căn gây ra chúng con nguyện mũi này thường ngửi hương thơm nhập pháp tính ở cõi Hương Tích, xa lìa mùi hôi thối bất tịnh của sinh tử.
Nhờ công đức sám hối do thiệt căn gây ra chúng con nguyện lưỡi này thường ăn món ăn thiền, duyệt pháp thực, không tham mùi máu thịt của chúng sinh.
Nhờ công đức sám hối tội lỗi do thân căn gây ra, chúng con nguyện thân này mặc được "áo Như Lai" khoác "giáp nhẫn nhục", nằm " giường vô uý", ngồi "toà pháp không"[43].
Nhờ công đức sám hối tội lỗi do ý căn gây ra, chúng con nguyện ý này thành tựu được mười lực thông suốt được năm minh[44], xét do ý chân không bình đẳng của hai đế[45], theo trí tuệ phương tiện vào được dòng nước pháp tính, niệm niệm sáng suốt, phát hiện phép vô sinh nhẫn[46] của Như Lai.
Phát nguyện rồi, xin đem cả thân bệnh kính lễ thường trụ Tam Bảo

Hết quyển trung






CHÚ THÍCH

[1] Tứ không thiên: 1. Không xứ; 2. Thức xứ; 3. Vô sở hữu xứ; 4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tứ không này ở cõi Trời Vô Sắc.
[2] Bốn cấu: 1. Có; 2. Không; 3. Cũng có cũng không; 4. Không phải có không phải không. Lối chấp này của ngoại đạo.
[3] Trăm lỗi: Trong bốn câu, mỗi câu đủ bốn câu, nhơn thành 16 câu, tính cả ba đời quá khứ; hiện tại, vị lai thành 48 câu, lại chia một phần đã khởi, một phần chưa khởi, thành chín mươi sáu câu họp lại với bốn câu chánh thành một trăm câu (100)
[4]
Bảy phép phương tiện:
1. Ngũ định tâm quán: a) Quán bất tịnh để đối trị lòng tham dục; b) Quán từ bi để đối trị tâm tán loạn; Quán nhơn duyên để đối trị tâm si mê; d) Quán Niệm Phật để đối trị nghi chướng;
2. Biệt tướng niệm: Quán riêng từng tướng như tứ niệm xứ, quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ; quán tâm vô thường; quán pháp vô ngã;
3. Tổng tướng niệm: trong một niệm quán đủ cả thân, thọ, tâm, pháp, như quán thân bất tịnh thì biết cả thọ, tâm, pháp cũng thế;
4. Noãn vị: lấy chỗ biệt tướng cùng tổng tướng, quán cảnh tứ đế phát ra phần hiểu biết tương tự, phục phiền não hoặc, được chút khí phần của Phật cũng như cọ cây lấy lửa, lửa tuy chưa thấy nhưng trước đã được hơi ấm;
5. Đảnh vị: Tu theo noãn vị càng ngày càng tăng thông đạo quán phân minh (ở trên noãn vị như lên đỉnh núi thấy cả bốn phương;
6. Nhẫn vị: Bởi công tu trước, thiện căn ngày càng tăng tiến đối với cảnh tứ đế kham nhẫn làm vui;
7. Thế đệ nhứt vị: Tu phép tứ đế đến đây lần thấy pháp tánh sắp vào bậc sơ quả tuy chưa vào được chánh đạo mà đối với thế gian là đệ nhất.
[5] Không: Không quán: Quán rõ tâm pháp đều không. Bình đẳng: Giả quán: Quan tất cả giả pháp đều có. Trung đạo: Trung quán: Quán không phải trung, không phải giả tức không giả.
[6] Cửu không định: Cửu thế đệ định: 1. Sơ thiền; 2. Nhị thiền; 3. Tam thiền; 4. Tứ thiền; 5. Không xứ; thực xứ; 7. Vô sở hữu sứ; 8. Phi phi tưởng xứ; 9. Diệt thọ tưởng xứ. -Thập trí: tức là tứ đế trí( đã giải ở trước) thêm thế tục trí, pháp trí, loạn trí, tha tâm trí, tận trí, vô sanh trí.
[7] Tam tam muội:
1. Không tam muội: Quán các pháp từ nhơn duyên sanh không có ngã và sở;
2. Vô tướng tam muội: xa lìa những tướng: sắc, thanh, hương vị, xúc và tướng nam, tướng nữ;
3. Vô tác tam muội: đối với các pháp xả hết tâm mong muốn không còn sự tạo tác
[8] Tứ vô ngại: 1. Nghĩa vô ngại: Biết rõ tất cả các pháp. nghĩa lý thông đạt không trệ; 2. Pháp vô ngại: Bồ tát biết rõ các pháp, danh tự phân biệt không trệ; 3. Từ vô ngại: Bồ tát đối với tất cả các pháp danh tự nghĩa lý tuỳ thuận tất cả chúng sinh, dùng phương tiện ngôn ngữ khôn khéo diễn nói, khiến cho ai nấy đều hiểu rõ; 4. Nhạo thuyết vô ngại: Bồ tát hay tuỳ thuộc căn tánh của tất cả chúng sinh ưa nghe pháp chi thì sẽ vì họ nói pháp ấy một cách viên dung vô ngại.
[9] Tứ đẳng: Tức là bốn món vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Từ nơi cảnh sở duyên( chúng sinh) nói là vô lượng: từ nơi tâm năng duyên( bồ tát) mà khởi bình đẳng nên gọi là đẳng.
[10] Tứ nhiếp:
1. Bố thí nhiếp: Bồ tát dùng tài pháp bố thí nhiếp dẫn chúng sinh trụ nơi chân lý;
2. Ái ngữ nhiếp: Bồ tát hay tuỳ thuộc căn tánh của chúng sinh và dùng nói lời hay ho uỷ dụ họ trị nơi chơn lý;
3. Lợi hành nhiếp: Bồ tát khởi hạnh từ thiện nơi thân, khkẩu ý làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, nhơn đó được trụ nơi chơn lý; 4. Đồng sự nhiếp: Bồ tát dùng pháp nhãn thấy rõ căn tính của chúng sinh, tuỳ theo chỗ ưa muốn của họ mà phân hình thị hiện khiến họ được thấm nhuần lợi ích, nhơn đó họ được an trụ nơi chơn lý.
[11]Bốn hoằng thệ:
1. Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ: Y nơi cảnh khổ đế, bồ tát quán thấy chúng sinh vô biên bị khổ sanh tự áp bức nên phát nguyện độ thoát họ ra khỏi ba cõi.
2. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn: y nơi cảnh tập đế, bồ tát thẩm sát phiền não hoặc nghiệp vô lượng hay chiêu tập quả khổ sanh tử nên phát nguyện đoạn trừ và khiến cho chúng sinh cũng đoạn trừ;
3. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học: y nơi cảnh đạo đế, bồ tát thẩm sát đạo pháp vô lượng có thể đưa tới Niết Bàn, tụ mình biết rồi lại nguyện cho tất cả chúng sinh đều chứng biết;
4. Phật đạo vô thượng thê nguyên thành: y nơi cảnh diệt đế, bồ tát thẩm sát quả bồ đề tối thắng không chi hơn tự mình thành tựu lại nguyện cho tất cả chúng sinh cũng đều được thành tựu.
[12] Thập minh: Chỉ cho thập tín: 1. Tín tâm; 2. Niệm tâm; 3. Tinh tấn tâm; 4. Tuệ tâm; 5. Định tâm; 6. Bất thối tâm; 7. Hộ pháp tâm; 8. Hồi hướng tâm; 9. Giới tâm; 10. Nguyện tâm.
[13] Thập hạnh: 1. Hoan hỉ hạnh; 2. Nhiêu ích hạnh; 3. Vô sân hận hạnh; 4. lợi ích hạnh; 5. Ly sinh loạn hạnh; 6. Thiện hiện hạn; 7. Vô trước hạnh; 8. Tôn trọng hạnh; 9. Thiện pháp hạnh; 10. Chơn thật hạnh.
[14] Thập hồi hướng: Hồi: hồi chuyển; hướng: Thu hướng. Hồi hướng là khởi lòng đại bi cứu độ chúng sinh, xoay chuyển căn lành của mười hạnh, hướng về ba chỗ: a) Chỗ sở chứng chơn như thật tế; b) Chỗ sở cầu vô thượng bồ đề; c) Chỗ sở độ tất cả chúng sinh.;
1. Cứu tất cả chúng sinh mà lìa tướng chúng sinh bị độ;
2. Bất hoại: Trước lìa chúng sinh tướng là hoại; hoại tức không, bất hoại tức giả, không và giả chẳng phải hai, chính rõ trung đạo mà qui thú nơi bổn giác;
3. Đẳng nhất thiết Phật: Tánh bốn giác chạm nhiên thường trú mà cái tri năng giác ngang hàng Phật giác;
4. Chi nhứt thiết xứ hồi hướng: được trí năng giác trước kia cùng khắp tất cả chỗ;
5. Vô tận công đức tạng hồi hướng: Công đức nhiều không cùng nên tất cả thế giới của các đức như lai có thể xen lẫn cùng nhau không ngăn ngại;
6. Tuỳ thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng: đối với lý địa của Chư Phật khởi nhơn chơn chánh của muôn hạnh và hiển chứng của đạo nhứt thừa tịch diệt;
7. Tuỳ thuận đẳng quán nhất thiết chúng sinh hồi hướng: đã tu những nhơn chơn chánh thì thiện căn thành tựu có thể quán biết mười phương chúng sinh đồng một bổn tánh, tánh đã bình đẳng thì mới làm cho thiện căn của chúng sinh thành tựu không sơ sót, không cao thấp;
8. Chơn như tướng hồi hướng: lìa vọng là chơn, không khác là như, nghĩa là tất cả pháp tánh vốn chơn như;
9. Vô phược giải thoát hồi hướng: tướng chơn như đã hiện thì chí tuệ rõ ràng, trí tuệ rõ ràng thì y báo chánh báo trong mười phương thấy nhiếp một cách viên dung tự tại vô ngại;
10. Pháp giới vô lượng hồi hướng: khi đã chứng đựơc tánh đức chơn như đã thành tựu viên mãn trùm nhiếp cùng khắp thì không còn phân biệt sự sai khác cái tướng của mười cõi.
[15] Thập nguyện: 1. Lễ kính chư Phật; 2. Xưng tán Như Lai; 3. Quảng tu cúng dường; 4. Sám hối nghiệp chướng; 5. Tuỳ hỷ công đức; 6. Thỉnh chuyển pháp luân; 7. Thỉnh Phật trụ thế; 8. Thường tuỳ Phật học; 9. Hằng thuận chúng sinh; 10. Phố giải hồi hướng.
[16] Sơ địa: Hoan hỉ. Bồ tát thấy chúng sinh tâm bị tà kiến chướng ngại, nên khởi từ tâm tu theo hạnh xả trong thân tâm ngoài của cải không lẫn tiếc. Do đó cảm quả tâm được hoan hỉ.
Nhị địa: Ly cấu. Bồ tát thấy chúng sinh tạo mười nghiệp ác tâm đoạ vào hạnh tà nên phát từ tâm tu mười nghiệp lành xa lìa được dục cấu.
Tam địa: Phát quang. Bồ tát thấy chúng ta say mê hoặc tối tăm che mất pháp lành nên phát tâm quảng đại đúng như pháp mà tu hành, nhơn đó chí tuệ phát ra sáng suốt.
Tứ địa: diệm tuệ. Bồ tát thấy chúng ta sinh phiền não, nên phát tâm đại từ tu 37 phẩm trợ đạo, nhơn đó phát ra diệm tuệ. Bốn địa này thiên về không, nên gọi là minh giản vì có nhiều công soi xét được bên trong.
[17] Ngũ địa: Nan thắng. Bồ tát thấy các bực hạ thừa đắm trệ vào cảnh hữu dư Niết Bàn, ưa sự vắng lặng độc thiện nên phát từ tâm tu lập bình đẳng giác hạnh ngộ được chơn đế và tục đê, được trí không sai biệt.
Lục địa: Thiện hiện. Bồ tát thấy chúng sinh bị đoạ vào sinh tử nên phát tâm đại bi tu hạnh bình đẳng lợi sinh; nhơn đó trí tuệ được hiện tiền.
Thất địa: Viễn hành. Bồ tát vì thệ nguyện độ sinh nên phát tâm từ bi gia công tu tập tất cả những" pháp bồ đề phận" ngộ được không vô tướng, vô nguyện tam muội. Ba địa này thiên về giả nên gọi là tri kiến, vì dùng bên ngoài nhiều.
[18] Bát địa: Bất động. Bồ tát không bỏ nhiệm vụ độ sinh gia công tu tập đạo hành thanh tịnh, lìa sự phân biệt chấp trước về tâm, ý, thức, chứng được vô sinh pháp nhẫn, tất cả phiền não không còn lay động được.
Cửu địa: Thiện huệ. Bồ tát dùng vô lượng trí quan sát cảnh giới chúng sinh đều biết như thật, được trí tuệ vô ngại; khôn khéo nói khắp các pháp khiến cho chúng sinh đều lợi ích.
Thập địa: Pháp vân. Bồ tát dùng vô lượng trí tuệ quan sát và hiểu biết rõ ràng pháp tan muội hiện tiền chứng được đại pháp dùng thân làm mây trùm khắp tất cả chúng sinh đầy đủ tự tại.Từ địa thứ tám trở đi chuyển được tạng thức rồi mới được bình đẳng cho nên sau cùng gọi là song chiếu "song chiếu: chiếu không, chiếu giả"
[19] Nghiệp chướng: Nghiệp là hành nghiệp; chướng: ngăn che. Nghiệp chướng là những phiền não, tham sân si,...làm cho thân, khẩu, ý tạo ra vô số tội nghiệp ngăn che chánh đạo.
[20] Mười lực:
1. Tri thị xứ, phi trí xứ lực: Đức Như Lai đối với tất cả nhân duyên quả báo, xét ra là thật và biết rõ ràng nên gọi là tri thị xứ. Nếu làm việc ác mà thọ quả báo vui thì không có lẽ ấy nên gọi là trí phi xứ;
2. Tri quá hiện vị lai nghiệp báo trí lực: Đức Như Lai đối với nghiệp duyên quả báo và chỗ sinh của tất cả chúng sinh trong ba đời đều biết rõ khắp cả;
3. Tri chư thiền giải thoát tam muội trí lực: Tam muội là tiếng Phạn, tàu dịch ra là chánh định. Đức Như Lai đối với các thiền định tự tại vô ngại. Những thiền định ấy cạn sâu thứ lớp, ngài đều biết khắp như thật;
4. Tri chư căn thắng liệt trí lực: Đức Như Lai đối với các căn tánh thắng liệt của chúng sinh đều biết khắp như thật;
5. Tri chủng chủng giải trí lực: Đức Như Lai đối với ưa muốn thiện ác của chúng sinh đều biết khắp như thật;
6. Tri chủng chủng giới trí lực: Đối với chỗ đi đến của lục đạo hữu lậu hạnh và chỗ đi đến Niết Bàn vô lậu hạnh, đức Như Lai đều biết khắp như thật;
7. Tri tam thế nghiệp báo trí lực. Biết rõ luật nhân quả, quả báo, tức là nghiệp nào tạo quả nào;
8. Tri thiên nhãn vô ngại trí lực: Đức Như lai chứng thiên nhãn thanh tịnh thấy được chúng sinh lúc chết lúc sống, những nghiệp duyên đoan chính, xấu xa hay thiện ác. Ngài đều thấy rõ một cách vô ngại;
9. Tri túc mạng vô lậu trí lực: Đối với túc mạng của chúng sinh trong một đời cho đến trăm ngàn muôn đời, một kiếp cho đến trăm ngàn muôn kiếp, chết chỗ này, sinh chỗ khác, chết chỗ kia, sinh chỗ này, cả đến tên họ và sự ăn uống, khổ, vui, đức Như Lai đều biết khắp như thật;
10.Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực: Đức Như Lai đối với tất cả tập khí dư hoặc phần vĩnh đoạn không sinh, đều biết khắp như thật

[21] Ngũ nghịch: 1. Giết cha; 2. Giết mẹ; 3. Giết A La hán; 4. Phá hoà hiệp của chúng tăng; 5. Làm cho thân Phật chảy máu.
[22] Vô gián: Chỉ cho địa ngục A tỳ. Trong ngục này từ sự chịu khổ cho đến tâm hạnh đều không gián đoạn một lúc nào nên gọi là vô gián
[23] Xiển đề: Tiếng Phạm. tàu dịch là tin bất cụ, nghĩa là kẻ ác không đủ lòng tin đối với Tam Bảo.
[24] Thập ác: 1. Sát sanh; 2. trộm cướp; 3. Tà dâm; 4. Nói dối; 5. Nói thêu dệt; 6. Nói lời độc ác; 7. Nói hai lưỡi; 8. Tham; 9. Sân; 10. Si
[25] Tứ trọng;1. Sát sinh; 2. trộm cắp; 3. Dâm dục; 4. Nói dối. trong luật cho bốn điều này là căn bản giới. Nếu giữ được là giải thoát, không giữ được là gốc của sự đoạ lạc.
[26] Bát trọng: Tám giới của Tỳ Kheo Ni tức là bốn giới trên thêm bốn giới mới: 1. Chậm xúc; 2. Tùy thuận; 3. Phú tàng "che giấu"; 4. Kỳ hẹn.
[27] Giới bát quan trai: 1. Không sát sinh, 2. không dâm dục, 3. Không trộm cắp, 4. Không nói dối, 5. không uống rượu, 6. Không trang điểm, 7. Không hát múa đờn địch và cố ý xem nghe, 8. Không được ngồi giường cao nệm tốt và không được ăn quá giờ ngọ.
[28] Ngũ thiên thất tụ tức là 250 giới của tỳ kheo
[29] Giới ưu bà tắc tức là năm giới cấm của hàng tại gia cư sĩ.
[30] Khinh trọng cấu: Năm giới cấm của ưu bà tắc, bốn giới trước là trọng, giới sau là khinh. Phạm hết năm giới thì bị nhiễm ô, đoạ lạc.
[31] Phạm hạnh: Giới hạnh tranh tịnh
[32] Tám ngày vượng: 1. Lập xuân; 2. Xuân phân; 3. Lập hạ; 4. Hạ chí; 5. lập thu; 6. Thu phân; 7. lập đông; 8. Đông chí.
[33] Mười sáu nghề ác:1. Làm hàng thịt; 2. Làm đồ tể; 3. Nuôi heo dê; Đánh cá; 5. Đi săn; 6. Đánh rập chim; 7. Bắt rắn; 8. Nuôi gà chó; 9. Thờ rồng luyện chú; 10. Làm giặc; 11. bắt ăn trộm; 12. Làm cai ngục; 13. làm nghề chứa điếm; 14. Bán rượu; 15. Thợ nhuộm, thợ giặt; 16. ép dầu.
[34] Xuất thế: ra khỏi cõi Dục. Sắc, Vô sắc.
[35] Thiện pháp xuất thế: Chỉ cho những tam học( giới định huệ) và lục độ. Nếu thực hành đúng pháp này thì được thoát ly khỏi ba cõi. Ba niệm đại bi. 1. Chúng sinh tin Phật thì Phật vui mừng; 2. Chúng sinh không tin Phật thì Phật cũng không ưa não; 3. Chúng sinh có kẻ tin kẻ không Phật cũng không vui không buồn.
[36] Tám món tự tại:
1. hay hiện ra nhiều thân;
2. Hay hiện thân nhỏ như hạt bụi đầy cả cõi đại thiên;
3. Thân to lớn mà nhẹ nhàng muốn bay đến đâu hay đến đó;
4. Hay hiện ra vô số loài mà vẫn thường ở một chỗ;
5. Các căn hỗ dụng;
6. Được tất cả Pháp mà vẫn tưởng như không có;
7. Nói nghĩa một bài kệ kệ trải hàng vô lượng kiếp;
8. Thân ở khác các chỗ cũng như hư không.
[37] Thù: tên số cân thời xưa, nửa lạng là một thủ.
[38] Tứ thiền; 1, Sơ thiền; 2. Nhị thiền; 3. Tam thiền;4. Tứ thiền. Đó là bốn bực tu thiền ở cõi sắc.
[39] Tứ vô sắc định: Bốn bực tu định ở cõi vô sắc; 1. không xứ định; 2. Thức xứ định; 3. Vô sở hữu sứ định; 5. Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.
[40] An na bát na: phép đếm hơi thở để nhiếp tâm trừ vọng.
[41] Cây uất kim: Uất kim hương, một giống cỏ có bông.
[42] Tô hợp: tô hợp hương, một thứ cây to lá như bàn tay hoa nhỏ có nhựa rất thơm dùng làm thuốc.
[43] Toà pháp không: An trụ nơi cảnh giới hiểu rõ các pháp đều không.
[44] Năm minh: 1. Nội minh: thông đạt giáo pháp của Phật: 2. Nhân minh: lý luận giỏi; 3. Thinh minh: Văn chương sinh ngữ đều thông đạt; 4. Y phương minh: Biết cả phương pháp trị bệnh; 5. Công xảo minh: Biết tất cả nghề nghiệp trong đời.
[45] hai đế: Chơn đế tức chỉ cho thiện pháp vô lậu; 2. Tục đế tức chỉ cho thiện pháp hữu lậu.
[46] Vô sanh nhẫn: Nhập tất cả pháp tánh vô sanh.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567