Sơ lược quá trình phiên dịch, soạn thuật và hình thành đại tạng kinh Hán văn
4. Lời Kết
Nguồn: Cư sĩ Hạnh Cơ
Nhìn xuyên suốt lại những công trình của các bậc tiền bối qua các thời đại, từ lúc chư vị cao tăng ở Thiên-trúc, Tây-vức, vượt núi trèo non, băng qua bao sa mạc hiểm nguy, hoặc ngồi thuyền vượt đại dương trong những lúc sóng to bão lớn, để đem thánh điển truyền đến Trung-hoa; rồi chư vị cao tăng Trung-quốc cũng không quản ngại gian lao nguy hiểm như vậy, đã sang Tây-vức và Thiên-trúc cầu pháp, và mang kinh, tượng, pháp khí đem về nước; rồi tại Trung-quốc, các ngài đã tự giam mình trong các chùa viện, gác bỏ mọi chuyện trần thế, để chỉ chuyên chú vào việc phiên dịch thánh điển, tụng kinh bái sám, và giảng dạy đồ chúng, đào tạo tăng tài. Nhưng như thế cũng đâu phải là các ngài được yên ổn để thực hiện Phật sự một cách suông sẻ! Mà nhiều khi các ngài cũng phải gánh chịu những khổ nạn của sự kì thị, chèn ép, đàn áp, thậm chí còn bị bức tử, do lòng ganh ghét và thái độ thù nghịch của các thế lực vô minh cầm quyền! Nhưng các ngài vẫn nhẫn nại chịu đựng, vẫn hùng dũng xả thân vì Đạo; làm việc công khai ngoài ánh sáng được thì càng tốt, không được như vậy thì vẫn làm việc âm thầm trong bóng tối nơi núi sâu rừng rậm. Ôi, tâm huyết của các ngài cao rộng bao la, giấy mực nào tả xiết! Thật là đại hùng, đại lực, đại từ bi! Tất cả tâm huyết và nỗ lực của các ngài chỉ vì một mục đích duy nhất là để đền đáp thâm ân của đức Thế Tôn, phụng sự Đạo Pháp, phục vụ chúng sinh, bằng cách hoằng truyền Phật Pháp, làm cho Chánh Pháp cửu trụ ở thế gian. Nhờ vào tâm lực đó của các ngài mà cho đến nay, gần 26 thế kỉ từ ngày Đức Thế Tôn nhập diệt, Ba Tạng Thánh Điển vẫn còn được trình hiện ở thế gian, đem lại lợi lạc cho chúng sinh khắp chốn.
Ngày nay, cứ mỗi lần mở một quyển kinh ra đọc tụng, không những chúng ta thấy ngay có Đức Thế Tôn và chư vị Thánh Chúng đang ở trước mặt, mà chúng ta còn thấy cả chư vị Bồ-tát Tổ-sư tiền bối cũng đang có mặt trong từng chữ, từng câu kinh ấy. Chúng ta phải làm gì đây? Chỉ có một việc thôi: Chuyên cần tu tập và tiếp tục công việc hoằng dương Phật Pháp của các ngài để phụng sự chúng sinh. Đó là cách chúng ta báo đáp hồng ân của Phật và chư vị Bồ-tát Tổ-sư qua các thời đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Cao Tăng Truyện, Tuệ Kiểu soạn (đời Lương)
- Đại Đường Trinh Nguyên Tục Khai Nguyên Thích Giáo Lục, Viên Chiếu (đời Đường)
- Khai Nguyên Thích Giáo Lục, Trí Thăng (đời Đường)
- Lịch Đại Tam Bảo Kỉ, Phí Trưởng Phòng (đời Tùy)
- Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, Thích Thanh Kiểm, nhà xuất bản Phú Lâu Na, Hoa-kì, 1991
- Phật Quang Đại Từ Điển, Tinh Vân chủ trương, Đài-bắc, ấn bản năm 1997
- Phật Tổ Thống Kỉ, Chí Bàn (đời Tống)
- Thích Thị Kê Cổ Lược, Giác Ngạn (đời Minh)
- Tục Trinh Nguyên Thích Giáo Lục, Hằng An (Nam-Đường)
- Xuất Tam Tạng Kí Tập, Tăng Hựu (đời Lương)