Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 3

24/06/201319:19(Xem: 8670)
Phần 3

AN TIÊM

KIM CÁC TỰ

YUKIO MISHIMA

Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minhdịch

Kinkakuji

198kimcattu-8

--- o0o ---

3

Hôm đó là ngày giỗ Ba. Má có ý nghĩ kỳ cục. Tôi khó có thể về nhà vì đang bị động viên lao động nên bà nghĩ đến việc đích thân đi Kyoto, đem theo bài vị của Ba để Hòa thượng Dosen có thể tụng kinh trước bài vị dù chỉ trong vài phút vào ngày giỗ người bạn xưa của ông. Dĩ nhiên Má không có tiền lo cho buổi lễ, nên bà đã viết thư nhờ cậy Hòa thượng Dosen xin Hòa thượng chấp nhận lời vào báo cho tôi biết điều ấy.

Nghe tin này tôi không vui lòng một tí nào. Có một lý do đặc biệt khiến cho tôi bây giờ vẫn cố ý không viết về mẹ tôi. Tôi không muốn đả động đến bất cứ cái gì dính dáng đến mẹ tôi cả.

Tôi chẳng bao giờ buông lời trách móc Má về một sự việc nào đó. Tôi chẳng bao giờ hé miệng nói về điều đó. Có nhẽ Má cũng không nghĩ là tôi biết việc đó. Nhưng kể từ khi việc đó xảy ra, tôi giận không sao có thể nén lòng tha thứ cho bà được.

Việc đó xẩy ra sau khi tôi được giao phó cho ông chú để theo học trường trung học Đông Maizuru và trở về nhà trong dịp nghỉ hè niên khóa đầu tiên. Vào dạo đó, một người bà con của Má tên là Kurai đã từ Osaka trở về Nairu, sau khi thất bại trong việc làm ăn. Người vợ phải nương nhờ vào gia đình mình nên không chịu cho chồng trở về nhà, vì thế Kurai buộc lòng phải nấn ná nương thân trong chùa của Ba đợi cho câu chuyện bớt sôi nổi cái đã.

Trong chùa của Ba, chúng tôi không có đủ màn ngăn muỗi. Thực là một điều lạ lùng khi Má và tôi không bị lây bệnh lao của Ba, bởi cả ba người đều ngủ chung trong một cái màn; và bây giờ lại thêm cả cái ông Kurai này vào nữa. Tôi nhớ một đêm hè vào lúc rất khuya một con ve sầu bay dọc theo hàng cây trong vườn và buông những tiếng kêu cộc lốc. Có lẽ chính những tiếng kêu ấy đã làm tôi thức dậy. Tiếng sóng biển vọng lại ầm ầm và cái màn xanh nhợt che muỗi rập rờn theo gió biển. Tuy nhiên, có cái gì khác thường trong cách lay động, rập rờn của cái màn.

Tấm màn căng phồng khi gió thổi tới, rồi miễn cưỡng lay động để gạn lọc gió biển. Như thế, hình dạng cái màn rung rinh gợn nếp không phản ảnh trung thực làn gió. Làn gió dường như yếu hẳn đi. Có tiếng gì giống như tiếng tre sột soạt, cọ sát vào mặt chiếu; đó là mép màn cọ mạnh vào sàn nhà. Một chuyển động nào đó, không phải vì gió, đang được truyền đến tấm màn che muỗi. Một chuyển động lại còn tế vi hơn chuyển động của gió, một chuyển động toàn thể giống như đợt sóng lăn tăn chạy theo suốt tấm màn làm cho chất tơ thô cứng chốc chốc lại co rúm lại và khiến, từ bên trong nhìn ra, tấm màn rộng trông giống như mặt hồ nước đang trương lên vì bất an. Phải chăng đó là một ngọn sóng nào đó do con tầu tạo ra khi rẽ nước mặt hồ đi về phía xa, hoặc phải chăng đó là phản ánh của những dư ba sau khi con tầu đã đi rồi?

Tôi sợ sệt đưa mắt tìm nguồn gốc chuyển động đó. Thế rồi, trong khi giương mắt cố soi qua bóng tối, tôi cảm thấy dường như có một cái dùi nhọn đang xoáy vào ngay chính giữa con ngươi của mình.

Lúc đó tôi đang nằm cạnh Ba; tấm màn che muỗi thật quá chật đối với bốn người; và trong lúc ngủ chắc hẳn tôi đã xoay trở nhiều lần và đã dồn Ba ép về một góc. Bởi vậy mới có khoảng khăn giải giường trắng rộng nhăn nheo ngăn cách tôi và cái vật tôi đang nhìn thấy lúc này; còn Ba nằm cuộn tròn đằng sau lưng tôi thì đang thở phì phò ngay vào gáy tôi.

Điều làm tôi nhận ra ba đã thực sự thức giấc ấy là nhịp thở không đều, tắc nghẹn của Ba ở đằng sau gáy tôi, vì tôi nhận thấy rằng ba đang ngăn chặn cho khỏi ho. Bất thình lình đôi mắt mở to của tôi bị một cái gì to lớn, ấm áp che kín, và tôi chẳng thấy gì. Tôi hiểu ngay tức khắc. Từ đằng sau Ba đã đưa hai bàn tay ra để che cho tôi khỏi nhìn thấy.

Truyện này xẩy ra nhiều năm về trước lúc tôi mới mười ba tuổi; tuy nhiên, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh hai bàn tay ấy. Những bàn tay to lớn kinh khủng. Những bàn tay từ đằng sau đã quàng quanh tôi, trong tích tắc che dấu cái hình ảnh địa ngục ấy, mà tôi đã chợt nhìn thấy. Những bàn tay từ thế giới khác. Có phải đó là do yêu thương hoặc từ bi hoặc khuất nhục tôi không biết; nhưng những bàn tay ấy trong chốc lác đã nhận bít cái thế giới kinh khủng mà tôi chạm trán và đã chôn vùi thế giới ấy vào trong tăm tối.

Tôi khe khẻ gật đầu trong lòng những bàn tay ấy. Thấy tôi gật gật cái đầu nhỏ bé, Ba liền hiểu rằng tôi đã hội ý và tôi sẵn sàng chấp nhận; ông buông hai tay ra. Rồi lúc sau, theo đúng mệnh lệnh của hai bàn tay ấy, tôi nhất định nhắm kín đôi mắt lại, và cứ thế nằm đó không ngủ nghê gì cho đến tận sáng, đến lúc tia nắng chói lòa từ bên ngoài xuyên thẳng vào mi mắt tôi.

Xin nhớ lại giùm là năm sau, lúc người ta đang khiêng quan tài của Ba ra khỏi nhà, tôi quá bận bịu nhìn vào khuôn mặt chết ấy đến nỗi đã không hề nhỏ một giọt nước mắt. Xin nhớ lại giùm là với cái chết của ông, tôi đã cởi gỡ sự trói buộc của hai bàn tay ông, và xin nhớ lại giùm là do nhìn chăm chú vào khuôn mặt ông, tôi có thể xác định sự hiện hữu của chính mình. Tới giới hạn này tôi quả có nhớ lại là muốn tỏ ý phục thù đôi bàn tay ấy, nghĩa là, cái mà thế gian này gọi là yêu thương; còn đối với Má, ngoài việc không thể nào quên được nỗi giận vì đã nhớ lại điều đó, chẳng một lần nào tôi nghĩ đến truyện phục thù đối với bà cả.

Như đã giàn xếp, Má sẽ tới Kim Các Tự vào hôm trước ngày giỗ và sẽ nghỉ lại chùa một đêm. Hòa thượng viện chủ đã viết thư cho trường để xin phép cho tôi nghỉ học vào ngày đó. Những đứa chúng tôi bị động viên lao động đều không ở nơi làm việc mà thường tới đó vào giờ ấn định, rồi sau đấy lại trở về bất kỳ nơi nào mình đang sống. Vào hôm trước ngày giỗ, tôi ngại ngùng mà quay về Lộc Uyển tự.

Với tâm hồn trong sáng, đơn thuần, Tsurukawa lấy làm vui mừng cho tôi sắp được gặp lại má tôi sau một thời gian xa cách lâu dài; cả lũ bạn sa di của tôi cũng tò mò muốn biết Má nữa. Nhưng tôi thấy bực tức vì đã có một người mẹ trông rách rưới và nghèo nàn như thế. Tôi thấy lúng túng về truyện sẽ phải giải thích làm sao cho thằng Tsurukawa thân thiết hiểu vì đâu tôi lại không muốn gặp mẹ tôi.

Tệ hại hơn nữa là ngày khi chúng tôi vừa xong việc ở công trường, Tsurukawa nắm chặt tay tôi và nói: “Thôi, tụi mình chạy về nhà đi!”

Kể cũng là nói quá lời khi bảo rằng tôi không hề muốn gặp má tí nào. Không phải là tôi không thích đối đầu với sự biểu lộ tình thương của những người cùng máu mủ với mình, và sự thực có lẽ là tôi chỉ đang thử tìm đủ mọi lý do giải thích sự không ưa này theo nhiều cách khác nhau. Cái tính cách xấu xa của tôi là ở đó. Kể cũng chẳng sao khi tôi phải cố gắng chứng minh những cảm tình ngay thẳng của mình bằng đủ mọi lý do. Tuy nhiên, đôi khi có vô số lý do từ đầu óc tôi chui ra vẫn thường ép buộc tôi có những tình cảm đã đến như một xúc động mạnh mẽ ngay cả đối với chính tôi; và những tình cảm ấy thực ra không phải là của tôi.

Chỉ trong sự ghét bỏ của tôi mới có một cái gì chính xác. Bởi lẽ chính tôi là một con người mà chỉ có sự ghét bỏ mới có thể làm xúc động.

“Cần gì phải chạy, ” tôi đáp. “Chỉ tổ mệt mà thôi. Mình cứ thủng thẳng mà đi!”

“Tao hiểu, ” Tsurukawa nói. “Như vậy mày muốn làm nũng và lấy lòng Má mày phải không?”

Cứ thế Tsurukawa diễn tả tâm tình tôi và cứ như thế nó luôn luôn lầm lẫn. Tuy niên, nó chẳng làm tôi bực bội mảy may và sự thực nó đã trở nên tất yếu đối với tôi. Bởi lẽ nó thực sự là kẻ thông dịch đầy thiện ý của tôi - một người bạn không thể thay thế được đã có khả năng phiên dịch những lời tôi nói ra ngôn ngữ của thế giới bên ngoài.

Đúng thế, có nhiều lúc tôi thấy Tsurukawa dường như là một tay thợ luyện kim đã có tài biến chì thành vàng vậy. Tôi làm âm bản còn nó là dương bản của tấm hình. Đã biết bao lần tôi chẳng ngạc nhiên khi nhận thấy những tình cảm vẩn đục, đen tối của mình trở nên trong trẻo và sáng ngời nhờ được lọc qua tâm hồn của Tsurukawa. Trong lúc tôi trù trừ và lắp bắp, nó thường nắm lấy cảm xúc của tôi trong tay lộn ngược mặt trong ra ngoài mà truyền ra hiệu thế. Tôi học được từ sự việc lạ lùng này rằng, giới hạn trong lãnh vực tình cảm, thì giữa những tình cảm tối ác và tối thiện trên đời không hề có một sự khác biệt nào rõ rệt giữa ý niệm sát nhân với tấm lòng từ bi hết. Dẫu cho tôi có đủ khả năng dùng lời nói mà giải thích điều đó thì hiển nhiên Tsurukawa cũng chẳng bao giờ có thể tin nổi, song đối với tôi đó là một phát hiện khủng khiếp. Giả như bây giờ tôi không ngại là Tsurukawa coi tôi như một kẻ giả đạo đức, ấy chỉ vì trong tâm trí tôi ý niệm giả đạo đức chỉ còn là một tội lỗi tương đối mà thôi.

Ở Kyoto tôi chưa bao giờ chứng kiến một cuộc không tập, nhưng có một lần khi được phái tới công trường chính ở Osaka để mua một số bộ phận máy bay tình cờ có một cuộc không tập và tôi đã thấy người ta khiêng trên cáng một công nhân bị thương ruột gan lòi cả ra ngoài.

Ruột gan lòi ra ngoài thì có gì là thê thảm? Tại sao, khi nhìn thấy nội tạng một con người chúng ta lại khiếp sợ và che mắt đi? Tại sao người ta lại xúc động khi nhìn thấy máu chẩy? Tại sao nội tạng con người lại khó coi? Thế nó không đồng chất với da thịt mát mịn đẹp tươi hay sao? Nếu tự tôi bảo cho nó hay rằng chính do nó mà tôi đã đọc được cái lối suy nghĩ này - cách suy nghĩ đã biến sự xấu xí của riêng tôi thành hư vô chẳng hay Tsurukawa sẽ thộn mặt ra làm sao? Tại sao dường như có cái gì phi nhân trong việc coi con người giống như những bông hồng và không chịu phân biệt phần tinh thần bên trong với phần nhục thể bên ngoài? Ước chi con người có thể lộn ngược tinh thần và nhục thể từ trong ra ngoài giống như những bông hồng và duyên dáng phơi bày phần bên trong của mình dưới gió nhẹ mùa Xuân, dưới ánh sáng của mặt trời tháng năm.

Má đã tới và đang nói chuyện với Lão sư phụ ở trong phòng ông, Tsurukawa và tôi quỳ ở ngoài hành lang trong ánh hoàng hôn đầu hạ và thưa với Lão sư phụ là chúng tôi đã trở về.

Lão sư phụ chỉ gọi riêng mình tôi vào trong phòng. Trước mặt Má ông đại khái nói rằng tôi là một thằng bé ngoan ngoãn làm mọi công việc trong chùa rất chu đáo. Tôi cúi đầu và hầu như không nhìn gì đến Má. Từ khóe mắt mình, tôi có thể nhìn thấy màu vải xanh bạc phếch của chiếc quần rộng thùng thình Má mặc trong thời chiến và những ngón tay bẩn thỉu lem luốc Má đặt trên đầu gối quần.

Lão sư phụ bảo mẹ con tôi có thể trở về phòng. Hai mẹ con tôi cúi đầu chào lia lịa rồi rời căn phòng. Phòng tôi ở là căn phòng nhỏ trải vừa năm chiếc chiếu, ở phía nam tiểu thư viện, trông ra một cái sân trong. Ngay khi hai mẹ con đặt chân vào phòng. Má đã bậc lên khóc. Vì đã biết trước điều này nên tôi vẫn có thể thản nhiên không xúc động.

“Bây giờ con đang sống dưới sự chăm sóc của Lộc Uyển tự, “ tôi nói với Má, “xin Má đừng thăm con trước khi con trở thành một người đàng hoàng”.

“Má hiểu, má hiểu, ” Má nói.

Tôi lấy làm bằng lòng là đã có thể tiếp đón mẹ tôi bằng những lời tàn khốc như thế. Tuy nhiên, tôi cảm thấy bứt rức trong lòng là cũng như ngày xưa bà chẳng tỏ dấu hiệu xúc động hoặc chống đối nào cả. Đồng thời, tôi lại cảm thấy hãi hùng khi tưởng tượng Má sẽ có thể vượt qua ngưỡng cửa và bước vào bên trong con người của tôi.

Nhìn khuôn mặt xạm nắng của Má, tôi thấy đôi mắt nhỏ bé sâu thẳm, láu lỉnh. Chỉ có đôi môi bà là đỏ và bóng dường như thể có một cuộc sống riêng; bà có hàm răng to cứng của người nhà quê. Bà đã tới cái tuổi mà những người ở đô thị nếu có trát phấn son dầy đặc lên mặt cũng chẳng phải là điều lạkỳ. Má đã làm cho bộ mặt mình trông thật xấu xí. Tôi nhận thấy ngay rằng ở một chỗ nào đó trên khuôn mặt ấy vẫn còn rơi rớt lại một dáng vẻ nhục cảm làm cho tôi càng thêm ghét.

Sau khi đã rời khỏi phòng Lão sư phụ và đã khóc một trận cho hả. Má bèn rút ra chiếc khăn mặt bà đã mang theo từ lúc rời làng và bắt đầu lau bộ ngực xạm nắng trần trụi của mình. Chiếc khăn bằng vải thô thuộc loại đồ được phối cấp. Chất vải có một vẻ bóng thô lậu và nó lại càng bóng lộn hơn khi ướt đẫm mồ hôi.

Đoạn Má vốc từ trong cái túi đeo ở lưng ra một ít gạo. Bà nói bà sẽ mang gạo này biếu Lão sư phụ. Tôi chẳng nói một lời. Kế đó bà móc ra tấm bài vị thờ Ba gói ghém rất cẩn thận trong một chiếc vải cũ màu xám, rồi đặt lên giá sách của tôi.

“Má hết sức biết ơn về việc này, ” bà nói.

“Ba sẽ rất lấy làm sung sướng khi biết rằng Hòa thượng viện chủ đang cầu siêu cho mình.”

“Sau ngày giỗ, Má sẽ trở lại Nairu chứ Má?” tôi hỏi.

Câu trả lời của bà làm tôi hết sức ngạc nhiên. Thì ra Má đã nhượng hết quyền lợi trong ngôi chùa Nairu cho một người khác rồi và đồng thời bán cả mảnh đất nhỏ nữa. Bà đã trang trải hết tiền thuốc men cho ba và đã thu xếp để một mình về sống nhờ đàng nhà ông bác tại Kasagun gần Kyoto. Thế là ngôi chùa tôi sắp sửa quay về sống không còn là của chúng tôi nửa! Ở cái thôn trên mũi biển hoang lạnh ấy chẳng còn có cái gì chờ đón tôi nữa.

Tôi không rõ Má đã diễn dịch cái dáng vẻ giải thoát trên mặt tôi ra làm sao, nhưng bàđã cúi sát vào tôi và nói: “Con thấy không, con không còn ngôi chùa của riêng con nữa. Điều duy nhất con phải làm bây giờ là trở thành người trụ trì Kim Các Tự này. Con phải ăn ở sao cho Hòa thượng thấy con đáng yêu để rồi con có thể kế vị ông khi ông giã từ cõi đời này. Hiểu không con của Má? Bây giờ Má chỉ còn sống vì điều đó mà thôi.”

Tôi thấy bàng hoàng, chấn động nhìn lại khuôn mặt của Má, nhưng quá sửng sốt, sợ sệt để có thể nhìn thẳng vào mặt.

Căn phòng nhỏ bé đằng sau tối om. Bà “từ mẫu” của tôi đã kề ngay miệng vào tai tôi mà nói, và bây giờ mùi mồ hôi của bà đang rập rờn trước lỗ mũi tôi. Tôi nhớ lại lúc đó Má bật cười thành tiếng. Những ký ức xa xôi về việc được cho bú, những hoài niệm về cái bầu vú đen đủi - những hình ảnh chen lấn nhau loạn xạ trong đầu óc tôi. Trong những đóm lửa đồng nội vẫn còn có một cái gì mạnh gò ép của nhục thể này dường như đã làm tôi hoảng sợ. Khi những lọn tóc loăn quăn của Má chạm vào má tôi, tôi nom thấy một con chuồn chuồn hạ cánh đậu vào bể nước bằng đá phủ đầy rêu ở ngoài sân tối om. Bầu trời chiều hôm phản ánh trên mặt nước trong cái bể tròn nhỏ hình đồng tiền ấy. Không gian im lặng, không một tiếng động, và vào lúc đó Lộc Uyển tự dường như là một ngôi chùa không có bóng người.

Cuối cùng tôi cũng có thể nhìn thẳng vào mặt Má. Đôi môi bóng nhẫy của bà thỉnh thoảng một nụ cười khiến tôi còn nhìn thấy cả hàm răng vàng bóng lộn nữa.

“Vâng, ” tôi lắp bắp kịch liệt mà trả lời, “nhưng theo con biết, chắc con sẽ bị gọi vào lính và sẽ chết trận tới nơi còn gì.”

“Thằng điên ở đâu!” bà nói. “Nếu họ bắt những đứa nói lắp như con vào quân đội thì thôi nước Nhật thực đã đến lúc tàn rồi.”

Tôi ngồi đó ngay đơ người thấy ghét Má tôi ghê gớm. Tuy nhiên, những lời nói lắp bắp thốt ra chỉ là những lời nói lảng không hơn không kém. Tôi nói “Kim Các Tự có thể cháy rụi trong một cuộc không tập.”

“Cứ như sự việc xẩy ra hiện này, ” Má nói, “chắc Kyoto sẽ không bị oanh tạc. Tụi Mỹ sẽ nghĩ xa mà không động đến thành phố này đâu.”

Tôi không đáp lời. Cái sân đang tràn ngập bóng tối mờ mờ trở thành màu đáy biển. Những viên đá chìm vào bóng tối, và nhìn hình thù của chúng người ta có thể nhĩ rằng chúng đang giao đấu với nhau. Má đứng dậy, không buồn để ý đến sự im lặng của tôi và lơ đãng ngắm khung cửa gỗ căn phòng nhỏ bé nơi tôi đang ở.

“Đá đến giờ dược thạch chưa nhỉ?” bà nói.

Sau này khi nghĩ lại tôi thấy rằng cuộc đối diện với Má đã có ảnh hưởng đáng kể với tâm hồn tôi. Chính vì dịp này tôi mới hiểu rằng Má sống trong một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới của tôi và cũng chính nhờ dịp này tôi mới hiểu rằng lần đầu tiên cách suy nghĩ của bà đã có tác dụng mạnh mẽ đến tôi.

Má thuộc hạng người sinh ra không hề bận tâm tới vẻ đẹp của Kim Các Tự; thay vào đó, bà có một cảm giác hiện thực thật xa lạ đối với tôi. Bà đã bảo Kyoto không sợ bị oanh tạc, và trái hẳn điều tôi mơ tưởng, điều này có vẻ như là đúng sự thực. Và nếu Kim Các Tự không có nguy cơ bị oanh tạc, hẳn rằng lúc này đây tôi đã mất lẽ sống ở đời và thế giới trong đó tôi đang nương thân sẽ phải tan ra từng mảnh vụn.

Mặt khác, cái dã tâm mà Má đã bất thần bộc lộ cho tôi hay lôi cuốn tôi ghê gớm chừng nào thì tôi lại càng ghê tởm nó chừng ấy. Trước khi Ba chưa bao giờ nói một lời nào, nhưng có lẽ ông cũng có một dã tâm như Má khi gửi tôi tới ngôi chùa này. Thượng tọa Dosen sống độc thân. Chính ông cũng đã được sư phụ đời trước dặn dò gửi gắm mà rồi kế vị ở Lộc Uyển tự, cho nên không lý gì chính tôi lại không thể thực sự kế nghiệp sư phụ Dosen ở Kim Các Tự này một khi tôi vận dụng hết khả năng mình cho đúng cách. Nếu việc này mà xẩy ra được, thì Kim Các Tự sẽ thuộc về tôi!

Tư tưởng tôi trở nên hỗ loạn. Khi cái dã tâm thứ hai của tôi đè nặng, tôi quay về với mộng tưởng thứ nhất (Kim Các Tự sắp sửa bị không tập tới nơi) và khi mộng tưởng ấy bị sự phán đoán thực tế của Má đập tan thì tôi lại quay về cái dã tâm thứ nhì, cho tới khi tôi mệt đừ người vì phải luôn luôn nghĩ ngợi lung tung, và rồi kết quả là tôi bị một cái nhọt to tướng đỏ ửng mọc ngay đằng sau gáy.

Tôi không hề mó tay đến nó. Nó cứ sưng phồng lên và bắt đầu nhức nhối, nóng ran, khó chịu ngay sau gáy. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nằm mơ thấy một làn ánh sáng vàng chóe không một gợn nhơ đang phát ra từ sau gáy, bao vây phía sau đầu tôi tạo thành vầng hào quang hình bầu dục va lan rộng dần dần. Nhưng khi tỉnh giấc hóa ra chỉ là sự đau đớn do cái nhọt làm đau chết người.

Sau cùng tôi phát sốt và phải vào giường nằm. Thượng tọa trù trì bảo tôi tới một y sĩ ngoại khoa. Mình mặc quốc phục, đi chân giày ống, ông này sau khi chẩn bệnh gọi cái nhọt của tôi bằng tên đơn giản là Furunkeru. Vì tiếc rượu cồn, ông ta sát trùng con dao bằn cách hơ lên ngọn lửa rồi áp mạnh vào gáy tôi. Tôi rên rỉ. Cái thế giới nóng ran, khó chịu nổ tung ra ở sau đầu tôi; thế rồi, tôi cảm thấy nó teo đi và xẹp hẳn.

Chiến tranh kết liễu. Lúc đang ở công trường lắng nghe Chiếu Sắc tuyên cáo chấm dứt cuộc chiến, tôi không nghĩ tới gì ngoài Kim Các Tự.

Vừa rời công trường về, tự nhiên tôi vội vã đi tới mặt tiền Kim Các Tự. Trên lối đi hai khách thường dùng để vào chùa, những hòn sỏi đang tắm nắng dưới ánh mặt trời mùa hạ, hết hòn này đến hòn khác dính chặt vào đế giầy thể dục bằng cao su cứng ngắc của tôi.

Ở Tokyo, sau khi nghe Chiếu Chỉ, dân chúng có lẽ đã tới đứng trước Hoàng cung. Tại đây, rất nhiều người đã đến ngay trước kinh đô ngự sở hoang vắng mà khóc. Kyoto có nhiều Thần xã và Phật các để cho dân chúng có thể tới khóc vào những dịp như thế này. Các tu sĩ phải làm việc khá nhiều ngày hôm đó. Tuy vậy, như người ta đoán trước, trong ngày hôm ấy chẳng ai tới Kim Các Tự hết.

Cũng vì thế chỉ riêng có bóng tôi in trên những lớp sỏi đá ngập nắng. Nếu muốn ghi lại hình ảnh xác đáng, tôi phải nói tôi đang đứng ở một bên còn Kim Các Tự đang đứng ở bên kia. Và hôm đó kể từ lúc để mắt nhìn đến ngôi chùa, tôi cảm thấy mối quan hệ giữa “chúng tôi” đã thay đổi mất rồi. Trong nỗi xung động vì chiến bại, trong nỗi bi ai của quốc dân, Kim Các Tự thực sự là siêu việt. Trong những lúc như thế này nó thật siêu việt hoặc ít nhất là làm ra vẻ siêu việt. Cho đến lúc này, Kim Các Tự trong quá khứ chưa bao giờ như thế. Hiển nhiên là việc nó khỏi bị cháy rụi trong một cuộc không tập và bây giờ không còn bị nguy hiểm đe dọa đã giúp nó tỏ được cái tình cảm buổi đầu: “Ta đã có mặt tại đây thời xưa đến giờ, và ta sẽ còn có đây mãi mãi.

Nó ngồi đó trong im lặng hoàn toàn, giống như đồ đạc lộng lẫy nhưng vô ích nào đó, với phiến lá cổ xưa ở bên trong được vẻ sáng bóng của mặt trời mùa hạ đang chập trùng trên những bức tường ngoài che chở hoàn toàn. Những khung gỗ phía ngoài rộng lớn, trống trơ nằm chình ình trước màu xanh chói rạng của rừng cây. Người ta có thể đặt những vật trang trí nào trên các khung gỗ như thế? Chẳng có cái gì vừa với kích thước của chúng ngoại trừ một cái gì đó giống như một bình hương khổng lồ hoặc một hư vô mênh mang vĩ đại. Nhưng Kim Các Tự đã hoàn toàn mất hết những cái đó rồi; bất chợt nó đã rửa trôi tuộc mất hết thực chất của mình và bây giờ đang phơi bầy một hình dạng hư không một cách kỳ lạ. Điều kỳ lạ nhất tôi nhận thấy từ trước đến giờ trong bao nhiêu lần Kim Các Tự phô bầy vẻ đẹp của nó trước mắt tôi thì lần này đẹp hơn hết. Chưa bao giờ ngôi chùa lại phơi bầy một vẻ đẹp vững bền đến thế - một vẻ đẹp vượt qua chính tâm tưởng của tôi, đúng thế, vượt qua cả toàn thể thế giới thực tại, một vẻ đẹp không hề có dây dưa gì với bất kỳ một chủng loại siêu thoát nào! từ trước đến giờ chưa bao giờ nó mang một vẻ đẹp lộng lẫy, cự tuyệt tất cả mọi ý vị như lần này.

Kể cũng chẳng phải quá lời khi bảo rằng trong lúc ngắm nhìn ngôi chùa, chân tôi đã run rẩy và trán tôi đã ướt đẫm những giọt mồ hôi lạnh. Trong một bận trước trở về làng, sau khi đã ngắm nghía ngôi chùa, tôi thấy những bộ phận nhỏ nhặt, toàn thể kiến trúc của nó hòa hợp như một khúc nhạc âm chiếu ứng nhịp nhàng. Nhưng bây giờ tôi chỉ nghe tiếng im lặng hoàn toàn, tĩnh mịch hoàn toàn. Ở đó chẳng có gì trôi chẩy, chẳng có gì đổi thay. Kim Các Tự đứng chót vót trước mặt tôi, vượt cao trước mặt tôi giống như sự ngưng nghỉ kinh hoàng nào đó trước âm nhạc, giống như một thứ trầm mặc ngân vang nào đó.

“Mối liên hệ giữa Kim Các Tự và chính tôi đã bị cắt đứt, ” tôi nghĩ. “Kể từ đây mộng tưởng cho rằng Kim Các Tự và tôi đang sống trong cùng một thế giới đã sụp đỗ. Kể từ đây, tôi sẽ trở lại trạng thái trước kia của mình, nhưng còn tuyệt vọng hơn trước kia nữa. Một trạng thái trong đó tôi ở đằng này và vẻ đẹp ở đằng kia. Một trạng thái chẳng bao giờ biến đổi trên cõi đời này.”

Sự chiến bại của đất nước đối với tôi thật đúng chỉ là một kinh nghiệm tuyệt vọng. Ngay cả tới bây giờ tôi vẫn còn có thể nhìn thấy cái ánh sáng màu hè giống như ánh lửa vào cái ngày thất trận ấy, ngày 15 tháng Tám. Dân chúng nói rằng mọi giá trị đều băng hoại; nhưng chính trong lòng tôi ngược lại, sự vĩnh viễn đã bừng tỉnh, hồi sinh và đòi hỏi quyền lợi của mình. Cái sự vĩnh viễn đã bảo tôi rằng Kim Các Tự sẽ vĩnh viễn tồn tại ở đó. Cõi vĩnh cửu đã từ trên trời giáng xuống, dính chặt vào má, vào tay, vào bụng chúng tôi, rồi cuối cùng chôn vùi chúng tôi. Cái đó chính là một lời nguyền rủa. Đúng thế, vào cái ngày chiến tranh chấm dứt, trong những tiếng ve sầu từ các núi đồi chung quanh vọng lại, tôi có thể nghe thấy sự vĩnh viễn này, giống như một lời nguyền rủa lửng lơ trên đầu tôi, nó đã khép chặt tôi vào chất vữa vàng óng.

Tối hôm đó trong buổi tụng kinh trước giờ khai chẩm, chúng tôi đặc biệt tụng những bài kinh cầu an cho Hoàng đế và an ủi vong linh những người đã chết trong cuộc chiến. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, mặc áo cà sa đơn giản đã trở thành thói quen trong những tông phái, nhưng đêm nay Lão sư phụ đặc biệt mặc chiếc áo cà sa ngự điều bằng lụa đào mà ông đã cất kỹ từ nhiều năm qua. Bộ mặt đầy đặn, mở màng của ông, trông giống như thể không hề còn một nếp nhăn nào, hôm nay có vẻ hồng hào, mạnh khỏe và dường như đang tươi tắn nở nang hẳn lên vì thỏa mãn về cái gì đó. Trong đêm tối nóng bức, tấm áo cà sa nhẹ mát của ông sột soạt nghe rõ mồn một trong ngôi chùa.

Sau buổi tụng niệm mọi người trong chùa được gọi tới phòng Lão sư phụ nghe thuyết giảng. Công án lão sư phụ đã chọn là “Nam Toàn Trảm Miêu” từ đệ thập tứ tắc trong Vô Môn Quan. “Nam Toàn Chém Mèo” (cũng thấy xuất hiện trong đệ lục thập tam tắc trong Bích Nham Lục dưới nhan đề “Nam Toàn Trảm Miêu” và đệ lục thập tứ tắc nhan đề “Triệu Châu Đầu Đái Thảo Hài”) từ xưa vẫn nổi tiếng là một trong những công án nan giải nhất.

Vào đời nhà Đường có một danh tăng, Phổ Nguyện Thiền Sư, sống trên núi Nam Toàn Từ Châu, do đó được gọi là Nam Toàn Hòa thượng theo tên quả núi. Một hôm, sau khi mọi tu sĩ đã ra đồng cắt cỏ, một con mèo nhỏ xuất hiện trong ngôi sơn tự nhàn tịch. Ai nấy đều đuổi và bắt được con mèo nhỏ này. Sau đó con vật trở thành đối tượng cả Đông Tây lưỡng đường đều tranh nhau con vật. Hai phe cãi nhau và tranh nhau giữ con miu đó.

Hòa thượng Nam Toàn thấy vậy bèn nắm lấy gáy con mèo con rồi dí lưỡi liềm phạt cỏ vào cổ nó mà nói: “Trong lũ người ai nói được một lời thì cứu ngay được con mèo này; nếu không ai nói được gì cả thì nó sẽ bị chém đầu ngay.” Không ai có thể đáp lời nào, thế là Hòa thượng Nam Toàn liền chém ngay con mèo rồi quẳng xác nó đi.

Tối đến, Triều Châu, cao đồ Hòa thượng, trở về chùa. Hòa thượng Nam Toàn liền kể lại câu truyện đã xảy ra và hỏi ý kiến anh ta. Tức thì Triều Châu tuột đôi dép đôi lên đầu và bước ra khỏi căn phòng. Thấy vậy, Hòa thượng Nam Toàn cất tiếng thở than: “Ồ, giả chi bữa nay có con ở đó thì con đã cứu được con mèo con rồi.”

Đó là đại thể câu truyện. Cái đoạn kể truyện Triều Châu tuột đôi dép đôi lên đầu được coi là điều hết sức khó hiểu. Nhưng theo lời giảng của Lão sư phụ vấn đề không đến nỗi khó hiểu đến thế.

Sở dĩ Hòa thượng Nam Toàn chém mèo vì ông muốn cắt đứt mọi mê vọng về tự ngã và dứt hết mọi vọng niệm, vọng tưởng từ căn nguyên. Thực hiện việc tàn nhẫn không xót thương đem chém đầu con mèo con là ông đã dứt khoát cắt đứt hết mọi mâu thuẫn, bất hòa giữa thân mình và kẻ khác. Việc làm này được gọi là Sát Nhân Đao trong hành động của Triều Châu được gọi là Hoạt Nhân Kiếm. Có thái độ khoan dung đem đồ lấm bùn bẩn thỉu để giày dép mà đội lên đầu, anh ta đã thực hành đúng Bồ-tát đạo.

Sau khi nghe giảng giải như thế, Lão sư phụ chấm dứt buổi thuyết pháp mà chẳng hề đá động đến vấn đề Nhật Bản bại trận một chút nào. Chúng tôi cảm thấy dường như đã bị một con cáo thôi miên. Chúng tôi chẳng hề mảy may tại sao Lão sư phụ lại chọn lựa cái công án đặc biệt này vào ngày Nhật Bản thất trận. Trong khi mọi người đi dọc theo hành lang trở về phòng, tôi tỏ bầy những băn khoăn của mình cho Tsurukawa hay. Chính nó cũng ngạc nhiên và lắc đầu.

“Tao không hiểu, ” nó nói. “Tao nghĩ người nào chưa sinh hoạt trọn đời ở tăng đường thì không sao hiểu nổi. Nhưng tao nghĩ thực ra trong buổi thuyết giảng tối nay vào ngày nước thua trận, ông chẳng nên nói lời nào về truyện ấy mà chỉ nên nói về truyện chém đầu con mèo.”

Riêng về phần tôi, tôi chẳng hề cảm thấy một chút bất hạnh nào về truyện thất trận cả; tuy nhiên cái vẻ mặt tràn trề hạnh phúc của Lão sư phụ đã khiến tôi khó chịu. Niềm tôn kính đối với sư phụ trụ trì vẫn là thông lệ để bảo vệ trật tự trong một ngôi chùa. Thế nhưng trong suốt năm qua sống dưới sự chăm sóc của ngôi chùa này tuyệt đối chẳng có lúc nào tôi cảm thấy thương yêu hoặc kính trọng đối với Lão sư phụ cả. Truyện ấy chính nó cũng chẳng sao. Song, kể từ lúc Má châm cái ngọn lửa dã tâm cháy bùng trong tôi, nhiều lúc tôi bắt đầu nhìn Lão sư phụ với con mắt phê phán, soi mói của một thiếu niên mười bảy tuổi.

Lão sư phụ là người công bình và vô tư. Nhưng đó là sự công bình và vô tư mà tôi có thể tưởng tượng dễ dàng là mình có được nếu tôi trở thành một sư trưởng trụ trì. Con người này thiếu hẳn chúng cái khí vị khôi hài đặc biệt của một tu sĩ Thiền tông. Điều này kể cũng kỳ lạ, vì lẽ thường thường những người dáng vẻ đầy đặn, mỡ màng như ông ta vẫn luôn luôn có khí vị hài hước.

Từ lâu tôi đã nghe thấy nói rằng Lão sư phụ từng ham chơi gái. Lúc thực sự tưởng tượng ông đang đắm mình trong cuộc vui, tôi vừa buồn cười mà cũng vừa cảm thấy khó chịu. Một người đàn bà sẽ thực sự cảm thấy gì khi được một thân hình giống như cái bánh ngọt màu hồng ôm chặt trong tay! Có lẽ người ấy sẽ cảm thấy như thể cái khối thịt hồng hồng, mềm mại ấy trải rộng đến tận cùng thế giới, như thể người ấy đang bị chôn vùi trong một nầm mồ da thịt.

Điều làm tôi thấy kỳ lạ là một tu sĩ Thiền tông mà cũng cần đến nhục thể. Sở dĩ Lão sư phụ đã ham mê đàn bà như thế có thể là vì ông muốn bày tỏ sự khinh miệt của mình đối với xác thịt bằng cách tống khứ nó đi. Nhưng nếu quả thực như vậy thì kể cũng kỳ lạ; kỳ lạ ở chỗ cái xác thịt mà ông khinh miệt đến như thế lại phải được nuôi dưỡng thừa thãi lại phải quấn lấy tinh thần ông. Xác thịt khiêm nhường, ngoan ngoãn giống như một gia súc đã được huấn luyện thuần thục. Xác thịt giống hệt một người vợ lẽ đối với tinh thần của Lão sư phụ.

Tôi phải nói rõ đối với tôi sự bại trận đã thực sự có nghĩa ra sao. Đó không phải là sự giải phóng. Không, nhất định đó chẳng hề là sự giải phóng. Chẳng qua là sự quay lại nếp sống vĩnh viễn bất biến đã thẩm nhập vào đời sống hàng ngày của chúng tôi. Bây giờ là thời gian phục hồi nếp sống trong chùa trở về nếp cũ: khai định, triêu khóa, chúc tọa, tác dịch, trai tọa, dược thạch, khai dục, khai chẩm. Lão sư phụ tuyệt đối nghiêm cấm việc mua gạo chợ đen dùng trong chùa. Vì thế, những hột gạo duy nhất mấy đứa sa di chúng tôi thấy nỗi lõng bõng trong các bát cháo của mình là do các đàn gia cho hoặc do viên Phó ti lén mua ngoài chợ đen vì nghĩ rằng lũ chúng tôi đang vào tuổi lớn. Tuy lén mua gạo chợ đen nhưng ông luôn luôn phải nói tránh đó là gạo của các đàn gia đem cúng hiến. Chúng tôi vẫn thường phải ra ngoài mua khoai lang về ăn; không phải chỉ vào buổi chúc tọa chúng tôi phải ăn cháo mà ngay cả bữa trưa và bữa tối cũng có cháo và khoai lang nữa, vì thế chúng tôi lúc nào cũng thấy đói bụng.

Tsurukawa thường hay xin nhà gửi kẹo ngọt cho nên cha mẹ nó thường mua kẹo gửi từ Tokyo đến cho nó. Đến khuya nó mang số kẹo viện trợ đó vào phòng tôi để hai đứa cùng ăn với nhau. Thỉnh thoảng một ánh sáng lại lóe lên trong trời đêm đen kịt.

Tôi hỏi Tsurukawa tại sao nó lại đến đây trong khi nhà nó giầu có và cha mẹ nó thương yêu nó như thế.

“Đây chỉ là một nơi để tao tu hành khổ hạnh, nó giải thích. “Rồi đây khi tới lúc, tao sẽ thừa kế ngôi chùa của Ba tao.”

Ít có cái gì khiến Tsurukawa khổ tâm. Nó hòa mình vào lối sống ở đây, y như chiếc đũa nằm khít trong ống đũa. Tôi tiếp tục câu truyện và nói cho Tsurukawa hay từ đây một thời đại mới và thật khó tưởng tượng, sắp đến với đất nước chúng ta. Tôi nhớ câu truyện đã nghe mọi người bàn tán ở trường vài ba ngày sau khi chiến tranh chấm dứt. Đó là câu truyện về một sĩ quan có nhiệm vụ chỉ huy một công trường nào đó; ngay sau khi chiến cuộc chấm dứt, người sĩ quan ấy vừa tự mình đem hàng hóa chất đầy lên một chiếc xe vận tải rồi lái thẳng về nhà mình, vừa nói chẳng úp mở gì hết: “Từ nay tôi sẽ đi buôn bán chợ đen”.

Tôi nghĩ đến người sĩ quan liều lĩnh, tàn bạo, mắt sáng quắc này, trong lúc anh ta đứng đó, sắp sửa lao đầu dấn thân vào tội ác. Con đường anh ta sắp sửa lao vào trong đôi giầy ống ngắn cũng mang bộ mặt chết chóc như là chiến tranh vậy; nó có vẻ vô trật tự khiến tôi nghĩ đến ánh sáng đỏ rực lúc bình minh. Khi anh ta lái xe chạy đi, tấm khăn quàng cổ màu trắng bay lất phất trên ngực, và đôi má chìa ra trước gió đêm lạnh lẽo hãy còn đang phảng phất trong buổi sớm tinh sương. Lưng anh ta sẽ cuối gập xuống dưới sức nặng của những món đồ ăn cắp: anh ta sẽ chạy thục mạng cho đến lúc mỏi mòn kiệt sức. Nhưng ở phía xa hơn, nhẹ nhàng hơn, tôi có thể nghe thấy tiếng chuông từ trên gác chuông ngân nga hỗn độn, vô trật tự.

Tôi hoàn toàn xa cách những sự việc như thế. Tôi không có tiền bạc, không có sự tự do, không có giải phóng gì hết. Tuy nhiên, chắc chắn rằng trong tâm trí một thiếu niên mười bảy tuổi như tôi, mấy tiếng “một thời đại mới” hàm chứa một quyết ý theo đuổi một chiều hướng nào đó, dù cho chưa thành hình rõ rệt.

“Nếu con người trên thế gian này, ” tôi nghĩ, “sắp sửa nếm mùi điều ác qua cuộc sống và hành động của họ, lúc đó mình sẽ đắm mình thực sâu trong nội giới của điều ác.”

Nhưng cái điều ác mà tôi nghĩ đến cho riêng mình thoạt nhiên chỉ là dùng mọi cách khéo léo để chinh phục lòng tin yêu của Lão sư phụ để chiếm lấy Kim Các Tự, hoặc một không tưởng như đầu độc giết chết Lão sư phụ mà thay thế ông. Những kế hoạch này của tôi lại còn có thể làm yên lương tâm tôi, một khi tôi đã biết chắc rằng Tsurukawa không hề có dã tâm như thế.

“Thế mày không có băn khoăn hay hy vọng gì riêng cho tương lai hay sao?” tôi hỏi nó.

“Không, chẳng hề có hy vọng hoặc băn khoăn gì hết. Nếu có thì tao đã được cái gì nào?”

Chẳng có điều gì hắc ám trong câu trả lời của nó mà cũng không phải là nó trả lời bừa bãi. Vào đúng lúc ấy một tia chớp lóe sáng cặp lông mày nhỏ dài hơi cong của nó, bộ phận tiêm tế duy nhất trên toàn thể khuôn mặt nó. Hiển nhiên Tsurukawa đã để cho người thợ hớt tóc tự ý cáo phần đầu và phần đuôi lông mày của mình; vì thế cặp lông mày của nó vốn đã nhỏ càng nhỏ hơn, và mình có thể nhìn thấy vết xanh mờ ở hai đầu chỗ lưỡi dao cạo đã cạo lướt.

Khi liếc nhìn vệt xanh này, tôi có một cảm giác bất an. Thằng thiếu niên ngồi trước mặt tôi chói rực ở cái cực thuần khiết của cuộc đời. Nó khác hẳn tôi. Tương lai của nó được giấu kín đến nỗi đang bừng cháy. Cái nhị đèn thắp sáng trong tương lai nó đang nổi bồng bềnh trong chất dầu trong vắt, mát lạnh. Có ai lại ở cõi đời này lại thấy trước được sự trong trắng không gợn chút nhơ của chính mình? Giả như sự ngây thơ và tinh khiết còn mãi với người đó trong tương lai.

Tối đó sau khi Tsurukawa đã trở về phòng, tôi không sao ngủ được vì trời cuối hạ nóng quá. Ngoài ra còn sự cố ý chống lại thói thủ dâm cũng làm cho tôi mất ngủ…

Đôi khi tôi cũng bị mộng tinh. Việc này không liên hệ đến hình ảnh sắc dục nào hết, chẳng hạn, một con chó mực đang chạy xuống một đường phố tối om: tôi có thể nhìn thấy hơi thở hổn hển, nóng hổi từ mỏm nó toát ra, và sự kích thích trong tôi gia tăng theo tiếng vang của cái nhạc trên cổ nó; thế rồi, khi tiếng nhạc đạt tới cực độ thì tinh khí của tôi liền bắn vọt ra ngoài.

Khi tôi thủ dâm, tâm trí tôi thường chứa đầy huyễn tượng của địa ngục; tôi thấy bầu vú của Uiko, rồi cặp đùi nàng hiện ra trước mắt. Và trong lúc ấy tôi trở thành một thứ côn trùng vô cùng nhỏ bé, vô cùng xấu xí.

Tôi nhảy ra khỏi giường rồi len theo cửa hậu của tiểu thư viện mà đi ra ngoài. Sau Lộc Uyển tự và phía đông Tịch Giai đình ngọn núi là Bất Động Sơn đứng sừng sững. Những cây xích tùng bao phủ ngọn núi và giữa những đám cỏ gianh mọc đầy quanh các gốc cây, chen lộn những cây trịch trục, cây quán mộc và nhiều thứ cây tương tự. Đã quá quen thuộc với những ngọn núi này nên giữa đêm tôi có thể mò đường leo lên mà không hề vấp váp gì hết. Leo lên đỉnh núi người ta có thể thấy miền Thượng Kyoto và Trung Kyoto cùng ngọn Duệ Sơn và Đại Văn Tự Sơn ở phía xa hơn.

Tôi leo lên dốc núi giữa những tiếng chim nháo nhác vỗ cánh vì sợ hãi; tôi không nhìn sang bên và cố tránh những những gốc cây đã bị đốn. Tôi cảm thấy nhờ bấu víu, leo trèo như thế đầu óc không nghĩ gì mà bỗng nhiên tôi khỏi được bệnh. Khi leo lên đến đỉnh núi, một làn gió lạnh ban đêm thổi tới lùa vào thân mình: tôi đang ướt đẫm mồ hôi.

Quang cảnh trước mắt làm tôi ngạc nhiên nghi ngờ chính cả mắt mình. Từ lâu rồi người ta đã bãi bỏ hạn chế đèn lửa trong thị xã Kyoto và bây giờ ánh đèn trải dài đến tít phía xa như một biển ánh sáng. Quang canh này đối với tôi hầu như một phép lạ, vì kể từ khi chiến tranh chấm dứt tôi chưa một lần nào tới chỗ này về ban đêm cả.

Những ngọn đèn điện tạo thành một lập thể. Những ngọn đèn ấy rải rác khắp một bình diện rộng rãi làm người ta mất hết cảm giác ở gần hoặc ở xa; trước mặt tôi dường như có một tòa đại kiến trúc trong suốt mắc đầy đèn điện đang nhô lên trong đêm tối, như đang trải rộng những dực lâu thành những ăng ten phức tạp. Có như thế mới đáng gọi là nơi đô thị. Chỉ có khu rừng quanh hoàng cung là không có ánh đèn và trông giống như một động lớn đen ngòm. Thỉnh thoảng từ hướng núi Duệ Sơn lại có một tia chớp lóe lên trên bầu trời đêm đen tối.

Tôi nghĩ: “Đây là cuộc đời trần tục. Bây giờ chiến tranh đã chấm dứt người người đang bị những tư tưởng tà ác thôi thúc lăng quăng chen chúc dưới những ngọn đèn này. Biết bao đôi trai gái đang đắm đuối nhìn mặt nhau dưới những ngọn đèn này, và mùi của cái hành vi giống như cái chết vốn đã trực tiếp thúc bách họ đang bốc lên dưới mũi họ. Khi nghĩ rằng những ngọn đèn điện nhiều vô số này đều là những ngọn đèn của tà ác, lòng tôi thấy được an ủi. Xin để cho điều tà ác đang nằm trong lòng tôi nảy nở thực nhiều, nẩy nở mãi mãi để nó có thể tương ứng hoàn toàn với làn ánh sáng của những ngọn đèn trước mắt tôi kìa! Xin để cho sự đen tối đang bao phủ tim tôi được ngang hàng với sự đen tối của đêm hôm đang bao phủ những ngọn đèn nhiều vô số kể kia!”

Càng ngày số lai khách tới vãn cảnh Kim Các Tự càng gia tăng. Lão sư phụ đã làm đơn xin và đã được phép tăng giá tiền vào cửa để theo kịp lạm phát.

Cho đến bây giờ những lại khách lẻ tẻ mà tôi đã thấy là những người bình dân chất phác mặc những bộ quân phục, quần áo làm việc rộng thùng thình. Nhưng bây giờ Quân đội Chiếm đóng đã tới, và chẳng bao lâu phong tục dâm đãng của thế giới trần tục bắt đầu tràn lan quanh Kim Các Tự. Tuy nhiên, không phải chỉ có những đổi thay theo chiều hướng xấu xa, vì lẽ người ta đã làm sống lại những tập quán hiến trà và bây giờ những đàn bà con gái đến vãn cảnh chùa đều mặc những chiếc áo xiêm hoa mỹ mà họ đã phải cất giấu trong thời chiến. Lũ chúng tôi trong các bộ tăng y nâu sồng trông tương phản với họ thực là rõ rệt; thật thế chúng tôi như đang đóng vai trò tăng lữ để mua vui, hoặc như thể chúng tôi là cư dân của một địa phương nào đó đã khởi công cố giữ phong tục xưa cũ lạ kỳ để làm đẹp lòng những người khách đến ngoạn cảnh và quan sát. Bọn lính Mỹ thường chẳng giữ gìn gì: chúng thường vén phăng tay áo cà sa của chúng tôi lên mà cười. Đôi khi chúng xuất tiền để chúng tôi cho chúng mượn áo cà sa mà mặc vào để chụp ảnh kỹ niệm. Những việc như vậy thường xảy ra khi Tsurukawa hoặc chúng tôi được lôi ra sử dụng cái tiếng Anh lõm bõm của mình với du khách ngoại quốc mà thay thế người đưa đường thường nhật vốn không biết một tí tiếng Anh nào cả.

Đó là mùa đông đầu tiên sau chiến tranh. Vào buổi tối thứ sáu tuyết bắt đầu rơi và tiếp tục rơi suốt thứ bảy. Buổi sáng lúc đang ở trường tôi đã trông chờ được trở về vào giữa trưa để ngắm Kim Các Tự dưới làn tuyết trắng.

Đến chiều tuyết vẫn còn rơi. Tôi rời con đường mà khách vãn cảnh thường đi; và chân đi ủng cao su, vai đeo cặp sách lủng lẳng tôi ra tận bờ ao Kính Triều. Tuyết đang rơi nhanh một cách lạ kỳ. Lúc còn nhỏ tuổi, tôi thường ngẫng đầu ngữa mặt lên nhìn tuyết trong khi miệng thì há hốc. Bây giờ tôi cũng làm như thế, bông tuyết chạm vào răng tôi thành tiếng động như thể đang đập vào một tấm lá thiếc mỏng dính. Tôi cảm thấy tuyết đang tung rắc khắp khẩu xoang âm ấm của tôi và đang tan ra khi chạm tới màng thịt đo đỏ. Vào lúc ấy tôi tưởng tượng cái miệng con chim phượng hoàng trên nóc Cứu Cánh đính. Cái miệng nhẵn nhụi, nóng bỏng của con chim sắc vàng kỳ quái ấy.

Tuyết rơi làm cho tất cả chúng tôi cảm thấy trẻ lại. Và đâu phải hoàn toàn sai sự thật khi nói rằng tôi, một thằng chưa tới mười tám tuổi tròn, hiện đang cảm thấy dấy lên trong mình một vài rung động tuổi trẻ.

Kim Các Tự đẹp không gì sánh kịp khi bốn bề có tuyết trắng bao quanh. Với những bông tuyết thổi hắt vào bên trong, với những hàng cột mảnh mai đứng san sát bên nhau, tòa kiên trúc đứng phơi da thịt trắng nõn mát tươi trong lớp tuyết.

“Tại sao tuyết lại không nói lắp?” Tôi tự hỏi. Thỉnh thoảng, khi vướng vào lá cây bát thủ, tuyết thường thường rơi xuống đất như thể là thực sự nói lắp. Nhưng khi thấy chính mình tắm trong tuyết từ trên trời nhẹ nhàng rơi xuống đất không ngừng, tôi quên bẵng những niềm khuất khúc trong lòng, và dường như tinh thần tôi quay về với một nhịp rung động nhẹ nhàng nào đó, như thể tôi đang đắm mình trong âm nhạc. Sự thực vì có tuyết mà cái Kim Các Tự lập thể đã trở nên Kim Các Tự bình diện, một Kim Các Tự nằm trong tranh, không còn gạt bỏ bất cứ cái gì ở bên ngoài nữa. Những cành khô lá đỏ ở hai bên bờ không còn đủ sức hứng tuyết nữa. Và rừng cây trông trần trụi hơn thường lệ. Đó đây tuyết chất thành đống thực đẹp mắt trên những cây tùng. Tuyết còn trải dày trên mặt ao băng giá; nhưng lạ kỳ thay, có những chỗ tại mặt ao chồng chất bừa bãi từng mảng lớn trắng xóa trông giống các đám mây trong một hình vẽ trang sức thì đỉnh Cửu Sơn Bát Hải và đảo Đam Lộ nối liền với tuyết trên mặt ao giá băng, những cây thông nhỏ mọc ở đó trông thật như thể chúng đã ngẫu nhiên nhô nẩy lên từ giữa cánh đồng băng tuyết. Mái Cứu Cánh đỉnh và Triều Âm động cùng mái nhỏ của Thấu Thanh - phần có người ở trong Kim Các Tự - cả ba bộ phận đó trắng xóa lạ kỳ. Phần còn lại không có người ở thì tối om, dường như có cái gì tươi mát trong cái sắc đen của tòa nhà kiến trúc bằng gỗ tăm, phức tạp này nổi bật trên tuyết trắng. Cũng như khi người ta nhìn một bức tranh của Họa phái phương Nam vẽ một lâu đài ẩn mình giữa những trái núi và áp mặt vào tấm phông mà nhìn xem có thể nào có người đang sống ở bên trong hay không, cái màu gỗ cổ xưa đen bóng cũng khiến tôi cảm thấy muốn ghé sát mặt mà dòm xem trong Kim Các Tự có người ở hay không. Nhưng dù có áp mặt lại gần hơn, tôi cũng chỉ đụng đầu vào bức tranh lụa giá lạnh của băng tuyết mà thôi.

Cả hôm nay nữa, các cửa Cứu Cánh đính cũng mở toang hướng ra bầu trời đầy tuyết. Khi ngước nhìn lên tôi đưa mắt theo dõi những bông tuyết đang rơi đã tung bay trong khoảng không gian nhỏ hẹp, nơi không có chút gì thuộc về Cứu Cánh đính, rồi xem những bông tuyết ấy đã đậu trên những phiến hoàng kim cũ kỹ, han rỉ tên mặt tường ra làm sao và rồi vương tụm lại đó cho đến khi kết thành những giọt sương nho nhỏ vàng óng.

Hôm sau là chủ nhật. Buổi sáng người dẫn đường già nua đến gọi tôi. Hiển nhiên một người lính ngoại quốc đã tới để vãn cảnh chùa trước giờ mở cửa thường lệ. Người dẫn đường đã giơ tay làm dấu hiệu bảo người lính này đứng chờ để ông ta đi gọi người biết tiếng Anh đến, và tới gọi tôi. Kể cũng khá lạ, tôi lại khá tiếng Anh hơn Tsurukawa và khi nói tiếng Anh thì tôi lại chẳng hề lắp bắp.

Một chiếc xe Jeep đang đậu trước huyền quan. Một người lính Mỹ say mềm đang đứng dựa vào một cây cột. Khi trông thấy tôi, người ấy cuối xuống nhìn và mỉm cười khinh miệt.

Tiền đình trắng xóa vì tuyết mới rơi. Nổi bật trên bối cảnh trắng toát này, khuôn mặt người lính trẻ tuổi, hằn lên những múi thịt, đứng phà ra những hơi rượu trắng xóa đầy mùi uýt-ki về phía tôi. Như thường lệ, tôi cảm thấy khó chịu khi cố gắng tưởng tượng những tình cảm đang sôi động bên trong một con người tầm vóc khác tôi kinh khủng đến thế.

Đã có thói quen không phản kháng người khác, tôi liền bằng lòng dẫn anh ta quanh chùa, dù chưa đến giờ mở cửa. Tôi hỏi tiền vào cửa và tiền cho người đi đường. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy tên lính to lớn say mèm không hề có ý gì thắc mắc. Rồi anh ta nhìn vào chiếc xe Jeep và nói điều gì có ý “Đi ra!”

Vì tuyết trắng phản ánh nên đến lúc ấy tôi vẫn chưa nhìn được cái gì bên trong chiếc xe Jeep tối om, nhưng bây giờ tôi nhận ra có cái gì trăng trắng đang động đậy sau tấm kính phía mũi xe. Tôi cảm thấy dường như có một con thỏ đang loay hoay trong đó.

Một bàn chân trong chiếc giầy cao gót nhỏ nhắn thò ra trên cái bực đặt chân của chiếc xe Jeep. Tôi lấy làm lạ mặc dù trời lạnh lẽo như thế mà bàn chân đó vẫn không đi bí tất. Mới nhìn tôi đã nhận biết ngay người con gái đó là một con hát cặp kè với bọn lính ngoại quốc; vì lẽ nàng mặc một áo choàng màu đỏ chói, móng tay móng chân cũng bôi màu đỏ chót như vậy. Khi phần dưới tấm áo choàng mở tung ra, tôi nhận thấy bên dưới nàng mặc một chiếc áo ngủ, bẩn thỉu bằng vải khăn tắm. Cả người nàng cũng say sưa bét nhè, mắt đứng tròng đờ đẫn. Người đàn ông thì chững chạc trong bộ quân phục, nhưng người đàn bà thì chỉ khoác vội tấm áo choàng và chiếc khăn quàng cổ lên chiếc áo ngủ, hiển nhiên vừa mới rời khỏi giường ngủ.

Phản chiếu ánh tuyết, khuôn mặt người con gái xanh xao khủng khiếp. Trên làn da xanh trắng, nhợt nhạt, thiếu máu, chất son tô môi đỏ chót nổi bật thực là khó coi. Vừa đặt chân xuống đất, nằng hắt hơi soàn soạt; những đường nhăn nheo nho nhỏ tụ lại trên cái sống mũi nhỏ nhắn, và nàng đưa cặp mắt mệt mỏi, đờ đẫn nhìn về đàng xa trông chốc lát, rồi sau đó lại đắm chìm trở lại trong ánh mắt sâu thẳm nặng chĩu. Rồi nàng gọi tên người đàn ông.

“Dzách, Dzách!” nàng nói.”Tsù kòrudo, tsù kòrudo!”[1]

Tiếng người con gái buồn bã lạc lõng qua làn tuyết khi kêu lạnh. Người đàn ông không trả lời.

Đây là lần đầu tiên tôi gặp một người đàn bà buôn phấn bán hương mà đẹp thật sự không phải trông nàng giống Uiko. Nàng giống một bức chân dung đã được vẽ cẩn thận để cho khỏi giống Uiko ở bất kỳ một nét nào. Người con gái này có một vẻ đẹp tươi mát, mời mọc, thách thức đường như để phản kháng cái ký ức của tôi về Uiko. Và có một cái gì phỉnh phờ trong sự phản kháng này chống lại những cảm giác ấy của tôi về xác thịt, vốn là hậu quả của chính kinh nghiệm đầu tiên trên đời của tôi về cái đẹp.

Nàng chỉ có mỗi một điểm giống với Uiko; đó là nàng không thèm đưa mắt nhìn tôi láy một cái trong khi tôi đứng đó. Tôi đã cởi bỏ tăng y trong chùa và đang mặc một áo len bẩn thỉu, chân đi đôi ủng cao su.

Ngay từ sáng sớm mọi người đã đi ra ngoài cả để xúc tuyết đổ đi, tuy nhiên mới chỉ vừa quét dọn xong lối đi dành cho khách vãn cảnh. Cho đến lúc này nếu có một đoàn thể nào tới, có lẽ cũng khốn; tuy vậy cũng có đủ chỗ cho một nhóm nhỏ đi theo từng hàng một. Tôi đi lên trước người lính Mỹ và người con gái.

Khi đi tới bờ ao và thấy quang cảnh trước mắt thì hắn giơ hai tay cao lên trời tỏ sự vui thích bằng cách lớn giọng hét những tiếng tôi không hiểu ý nghĩa là gì cả. Thế rồi hắn ôm ghì lấy thân mình người còn gái mà lắc lắc thực cuồng bạo. Người con gái chau mày và chỉ nhắc đi nhắc lại: “Ô, Dzách! tsù kòrudo!”

Người Mỹ hỏi tôi về cây thanh mộc (aoki) đỏ thắm, tốt tươi mà người ta có thể nhìn thấy ở sau các lùm lá chất nặng tuyết trắng, nhưng tôi chẳng tìm ra được điều gì khác nên chỉ nói “aoki”. Có lẽ bên trong cái thân cái thân mình khổng lồ của hắn có một thi nhân trữ tình, tuy nhiên trong cặp mắt xanh và trong của hắn tôi cảm thấy có cái gì tàn ác. Bài đồng dao Tây phương “Mẹ Ngỗng” bảo những cặp mắt đen có vẻ tàn ác và tinh ma; sự thực khi tưởng tượng ra sự tàn ác con người thường có thói quen gán cho nó một cái gì của người khác.

Tôi bắt đầu dẫn giải về Kim Các Tự theo khuôn mẫu thông thường của người dẫn đường. Người lính vẫn còn say mèm và bước chân ngã nghiêng không vững. Với những ngón tay lạnh cóng tôi rút từ trong túi ra một quyển sách dẫn giải bằng tiếng Anh mà tôi thường đọc và những dịp như thế này. Nhưng tên lính Mỹ chộp phăng lấy quyển sách tôi đang cầm rồi bắt đầu ê a đọc bằng một giọng hài hước. Tôi nhận thấy mình không cần dẫn giải gì nữa.

Tôi dựa lưng vào lan can Pháp Thủy viện và đưa mắt nhìn cái mặt ao sáng loáng lạ kỳ. Chưa bao giờ bên trong Kim Các Tự lại được chiếu sáng đến thế này - sáng chói đến nỗi làm người ta khó chịu.

Khi ngước lên tôi nhận thấy người đàn ông và người đàn bà đã bắt đầu cãi nhau trong lúc cả hai đang đi về phía Thấu Thanh. Cuộc cải vã mỗi lúc một thêm dữ dội; tuy nhiên, tôi chẳng nghe rõ được một tiếng nào. Người con gái trả lời cái gì đó bằng một giọng gắt gỏng; tôi chẳng rõ là nàng đang nói tiếng Anh hay tiếng Nhật nữa. Hai người vừa quay trở lại Pháp Thủy viện vừa cải nhau. Dường như họ đã quên phứt là có tôi ở đó.

Tên lính Mỹ vênh mặt nhìn người con gái và bắt đầu chửi mắng. Nàng lấy hết sức mà tát vào mặt hắn, rồi chạy quay đầu về phía con đường khách vãn cảnh ra vào, chân vẫn trong đôi giầy cao gót. Tôi chẳng hiểu cái gì đã xảy ra, nhưng cũng đi xuống Kim Các Tự rồi bắt đầu chạy dọc theo bờ ao. Khi tôi xuống chỗ người con gái thì tên lính Mỹ dài cẳng cũng đã đuổi bắt được nàng và đang nắm chặt vạt trước tấm áo choàng màu đỏ của nàng.

Trong lúc đứng đó và giữ chặt lấy nàng, người thanh niên đưa mắt nhìn tôi. Hắn buông tay khỏi vạt trước tấm áo choàng đỏ rực. Trong cái bàn tay ấy của hắn chắc hẳn phải có một sức mạnh không phải là tầm thường, vì khi hắn buông tay thì người con gái liền từ từ ngả người ra đằng sau và nằm lăn trên tuyết. Phần dưới tấm áo choàng hở tung và cặp đùi trần trụi trắng nõn của nàng duỗi thẳng trên mặt tuyết.

Người con gái cũng không nhỏm dậy nữa, từ chỗ mình nằm nàng dương mắt nhìn thẳng vào mắt tên khổng lồ cao lênh khênh đang đứng sừng sững phía trên mình. Tôi chẳng thể không quỳ xuống đỡ nàng đứng dậy. Khi tôi sắp sửa làm như thế, tên lính Mỹ quát to: “Hầy”. Tôi quay ngoát lại. Hắn đứng đó xoạc hai chân giạng hắn ngất ngưỡng trên đầu tôi. Hắn giơ ngón tay ra hiệu. Thế rồi hoàn toàn đổi giọng - một giọng nói ấm áp, dịu dàng - hắn nói bằng tiếng Anh: “Giẫm chân lên mình nó! Giẫm chân lên người nó đi!”

Tôi không hiểu hắn định nói gì. Nhưng cặp mắt xanh của hắn từ trên cao nhìn xuống tôi có vẻ sai khiến. Đằng sau đôi vai dài rộng của hắn, tôi có thể nhìn thấy Kim Các Tự tuyết phủ đầy đang lấp lánh dưới bầu trời màu đông xanh đều tẻ nhạt. Trong cặp mắt xanh của hắn không hề có một vẻ gì tàn ác. Tôi không hiểu tại sao, nhưng vào lúc ấy tôi cảm thấy đôi mắt hắn trông trữ tình hết sức.

Hắn hạ bàn tay to lớn xuống, nắm lấy cổ áo tôi và dựng tôi đứng lên. Tuy nhiên cái giọng hắn sai khiến tôi vẫn còn ấm áp dịu dàng.

“Giẫm chân lên người nó!” hắn nói. “Mày phải giẫm chân lên mình nó.”

Chẳng thể cưỡng lại, tôi giơ chân đi đôi giày cao cổ lên. Tên Mỹ vỗ vào vai tôi. Tôi buông chân xuống và giẫm lên một cái gì mềm mại như chất bùn mùa Xuân. Đó là bụng người con gái. Nàng nhắm mắt lại và rên rỉ.

“Giẫm chân lên mình nó! Cứ tiếp tục như thế nữa!”

Tôi hạ thấp bàn chân mình lên cô gái, cảm giác khó chịu lúc mới đạp chân lên mình nàng giờ đây đã trở thành một niềm vui rào rạt. “Đây là bụng một người đàn bà, ” tôi nghĩ. “Đây là ngực nàng.” Tôi chưa bao giờ tưởng tượng làn da thịt người khác lại có thể đáp ứng bàn chân mình giống hệt một quả bóng da với sức co dãn trọn vẹn đến như thế.

“Thôi đủ rồi, ” tên Mỹ nói rành rọt. Đoạn hắn trịnh trọng ôm lấy thân mình người con gái mà dựng dậy, lau sạch bùn và tuyết bám trên quần áo nàng và dìu nàng ra xe Jeep; hắn để người con gái leo lên trước. Mùi rượu uýt-ki đường như đã tan hết; tên Mỹ quay về phía tôi và trịnh trọng nói bằng tiếng Anh “Thank you.” Hắn tỏ ý muốn cho tôi ít tiền, song tôi từ chối. Sau đó hắn lấy từ dưới ghế ngồi trong xe hai tút thuốc lá Mỹ và nắm chặt cổ tay mà ép tôi cầm lấy.

Hai má nóng bừng, tôi đứng trước huyền quan, trong ánh tuyết phản chiếu chói rực. Chiếc xe Jeep chồm chồm lăn bánh về phía xa vung lên một đám mây tuyết rồi biến khỏi tầm mắt. Toàn thân tôi run lên vì kích động.

Khi sự kích động đã lắng dịu, tôi nghĩ đến một mưu kế để tôi có thể giả vờ tốt lành một cách vui thích. Lão sư phụ thích thuốc lá. Ông sẽ hết sức vui lòng khi nhận được món quà biếu này! Chẳng hay biết gì hết.

Tôi chẳng cần phải kể lể cho ai rõ tí gì về việc đã xẩy ra. Tôi chỉ hành động như vậy bởi vì tôi bị sai khiến và bó buộc phải hành động như thế.

Nếu như tôi phản kháng lại thì không biết tự thân tôi sẽ phải gánh chịu điều tai họa gì?

Tôi đi tới phòng Lão sư phụ trong Đại Thư Viện. Viên Phó ti đang cạo đầu cho ông; Phó ti là người rất khéo tay. Tôi đứng đợi ở ven hành lang chỗ mặt trời buổi sáng đang chiếu chói chang. Ngoài vườn tuyết chất thành đống trên các bụi chu tùng và óng ánh thật đẹp mắt, trông giống hệt cánh buồm mới tinh gấp lại.

Lão sư phụ nhắm kín hai mắt khi cạo đầu. Hai tay ông cầm một mảnh giấy để đựng tóc từ trên đầu rơi xuống. Viên Phó ti càng cạo thì cái vòng ngoài tươi mới, đầy nhựa sống của cái đầu Lão sư phụ càng lộ rõ ra. Khi đã cạo xong viên Phó ti lấy cái khăn mặt nóng phủ kín đầu Lão sư phụ lại. Sau một lúc viên Phó ti lôi cái khăn ra, một cái đầu mới tinh, bóng lộn hiện ra trông như thể mới bị luộc chín.

Tôi khó nhọc lắm mới nói được ra lời và cúi đầu dâng hai tút thuốc lá Chesterfkelds.

“Hô hô, ” Lão sư phụ nói. “Khó nhọc cho con quá nhỉ.”

Ông thoảng mỉm cười và nụ cười dường như chỉ thoáng qua ngoài mặt. Chỉ có thế. Rồi thì với dáng điệu như đang làm việc, Lão sư phụ cầm hai tút thuốc lá và quăng trên mặt bàn giấy đang đầy ắp giấy tờ và thư tín đủ mọi loại. Lúc viên Phó ti bắt đầu thoa bóp vai ông. Lão sư phụ một lần nữa lại nhắm nghiền đôi mắt.

Tôi chẳng biết làm gì hơn là lui bước. Toàn thân tôi nóng ran vì bất mãn. Cái hành vi độc ác không thể nói rõ của tôi, rồi những tút thuốc lá người ta cho tôi để mà khen thưởng, Lão sư phụ nhận mà chẳng hề biết tại sao tôi lại có được - tất cả những cái này lại càng làm cho câu truyện thêm phần bông đùa mà đau xót. Một người như Lão sư phụ làm lại hoàn toàn mù tịt về những việc xẩy ra cho tôi một lý do quan trọng để khinh miệt ông.

Vào đúng lúc tôi sắp sửa lui bước thì Lão sư phụ bảo tôi nán lại. Ông bảo tôi nán lại đó để ông ban cho một ân huệ.

“Này, con nghe đây!” Ông nói. Thầy định cho con lên đại học Otani sau khi con tốt nghiệp trung học. Bây giờ con phải chăm chỉ học hành, con ạ, để đoạt thành tích tốt đẹp khi ghi tên vào đại học. Đó hẳn là điều ba con lúc sinh thời hằng lo lắng và mong ước.”

Tin này tức khắc được ông chấp sự truyền miệng khắp chùa. Việc một chú tiểu được Lão sư phụ để ý muốn cho vào đại học đủ chứng tỏ chú tiểu đó phải có nhiều triển vọng lắm. Ngày xưa đồ đệ phải lên phòng sư phụ trụ trì mà đấm bóp trong hàng trăm đêm liền chỉ với hy vọng được ông cho lên đại học, và trong nhiều trường hợp những ước vọng này cũng thành sự thực. Tsurukawa đang chờ gia đình cho tiền để lên ăn học tại đại học Otani, hí hửng vỗ vai tôi khi hay tin. Tuy vậy, một chú tiểu khác trong bọn chẳng được Lão sư phụ nhắc nhở gì đến truyện cho vào đại học chẳng thèm hé miệng nói với tôi một lời sau khi nghe tin này. 

Hết phần 3



[1]It’s cold, It’s cold. Lạnh quá, lạnh quá.

--- o0o ---

Vi tính: Nguyên Trang. Trình bày: Linh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com