- Tựa
- Chương 1: Học đạo cần phải sanh lòng tin quyết định
- Chương 2: Học đạo cần phải tin được sanh tử là việc lớn
- Chương 3: Chẳng phạm phép tắc Phật Tổ
- Chương 4: Lòng hổ thẹn
- Chương 5: Chọn Thầy Lựa Bạn
- Chương 6: Tin Nhận Đúng Như Thật
- Chương 7: Học Ngôn Hạnh Người Xưa
- Chương 8: Dụng Tâm Trong Lúc Bệnh
- Chương 9: Phân Biện Tà Chánh
- Chương 10: Học Giải Là Bệnh
- Chương 11: Tu Tập Tọa Thiền
- Chương 12: Kiến Tánh Minh Tâm
- Chương 13: Công Phu Thoại Đầu Làm Chủ Yếu
- Chương 14: Tham Thẳng Tắt Một Đường
- Chương 15: Phương Tiện Tổ Sư Từ Bi Chỉ Dạy
- Chương 16: Con Đường Hướng Thượng
- Chương 17: Lãnh Hội Chỗ Tâm Yếu
- Chương 18: Kiến Địa Cạn Sâu
- Chương 19: Ngộ Bất Tất Hiềm Tri Giải
- Chương 20: Biện Câu Khách Chủ
- Chương 21: Công Phu Thực Tiễn
- Chương 22: Nơi Hoàn Toàn Thôi Nghỉ
Kho báu nhà Thiền
Chương 15: Phương tiện Tổ sư từ bi chỉ dạy
Nguồn: Thiền sư Văn Thủ, Dịch giả: Ðịnh Huệ
Ðại sư Vân Môn nói:
Cổ nhân có rất nhiều cát đằng (1) để vì nhau, như Hòa thượng Tuyết Phong nói: "Cảđại địa là ông". Hòa thượng Giáp Sơn nói: "Trên đầu trăm ngọn cỏ tiến cử lão Tăng, trong chợ búa ồn ào biết được thiên tử". Hòa thượng Lạc Phổ nói: "Một trần vừa khởi đại địa toàn thâu, một đầu sợi lông toàn thân sư tử hiện, cả thảy đều là ông". Hãy nắm lấy lật qua lật lại suy nghĩ xem, lâu ngày chầy tháng tự nhiên có đường vào.
Thiền sư Viên Ngộ nói:
Từ xưa đến nay có rất nhiều vị chẳng tiếc lông mày mà vì người chỉ cho chỗ thấu thoát như: Vân Môn nói: "Cả thể toàn chân", Lâm Tế nói: "Tọa đoạn đầu báo hóa Phật", Ðức Sơn nói: "Vô sự nơi tâm, nơi tâm vô sự thì rỗng mà linh, tịch mà chiếu", Nham Ðầu dạy: "chỉ giữ lấy chỗ nhàn nhàn, trong tất cả thời vô dục, vô y, tự nhiên vượt các tam muội", Triệu Châu nói: "Ta thấy trăm ngàn người chỉ lo tìm cách làm Phật, mà trong đó khó tìm được một vị đạo nhân vô tâm". Chỉ cần xét nét kỹ càng những lời này, dứt tâm vọng tưởng lăng xăng thì mai kia mốt nọ chạm cảnh gặp duyên bèn đắc lực vậy.
Ngụy Phủ lão Hoa nghiêm dạy chúng:
Phật pháp ở tại chỗ ứng dụng hằng ngày của ông, tại nơi đi đứng ngồi nằm, nơi uống trà ăn cơm, nơi ngữ ngôn hỏi nhau, nơi công việc phải làm, nếu mống tâm động niệm liền thành chẳng phải. Hội chăng? Ông nếu hội được, tức là người tội nặng mang gông đeo xiềng.
Thiền sư Tuyết Phong Tồn nói:
Mỗi mỗi che trời trùm đất, chẳng còn nói huyền nói diệu, cũng chặng nói tâm nói tánh. Ðột nhiên, lồ lộ một mình như đống lửa lớn đến gần thì bị cháy cả mặt mày, tợ như thanh gươm Thái A hễ do dự thì táng thân mất mạng. Nếu chờ suy nghĩ đình cơ thì không dính dáng.
Ðại sư Vân Môn nói:
Ông nếu tương đương rồi thì hãy tìm con đường vào. Các đức Phật nhiều như số bụi nhỏ ở dưới gót chân ông, Tam tạng thánh giáo ở trên đầu lưỡi ông. Chẳng bằng ngộ quách đi là tốt!
Thiền sư Ðại Huệ nói:
Như rồng được nửa chén nước, có thể làm dậy mây mù, giáng trận mưa to, đâu cần đến cái biển lớn như cá côn nói: "Tôi có rất nhiều nước".
Ngài Ðại Huệ nói: Ở đây ta không có thiền tiến dài theo ngày tháng. Bèn búng ngón tay một cái, rồi nói: Nếu hội thì bãi tham.
Phật nói:
Không có pháp quyết định gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp quyết định Như Lai có thể nói.
Hòa thượng Lâm Tế nói:
Ta không có một pháp cho người, mà chỉ là trị bệnh và mở trói.
Hòa thượng Ðức Sơn nói:
Tông ta không ngữ cú, thật không có một pháp cho người.
Thiền sư Ðại Huệ nói:
Việc này nếu dùng một mảy may công phu để chứng đắc thì như người lấy tay nắm bắt hư không chỉ càng tự nhọc mà thôi.
Lại nói: Chẳng cho dùng tâm ý thức để lãnh hội.
Hòa thượng Lâm Tế nói:
Chẳng để cho một vật câu thúc thì sự giải thoát sẵn sàng.
Hòa thượng Ðịa Tạng Sâm nói:
Nếu luận về Phật pháp thì tất cả sẵn sàng.
Hòa thượng Chân Tịnh nói:
Tất cả sẵn sàng, lại khiến ai hội?
CHÚ THÍCH
(1). Cát đằng là loại giây leo như sắn bìm, ở đây chỉ cho phương tiện ngữ ngôn dùng để khai thị, chứ không phải thật pháp.