- Phần mở đầu
- Bài 1 - Tôn kính Phật
- Bài 2 - Kính Trọng Pháp
- Bài 3 - Cung Kính Tăng
- Bài 4 - Trụ Am Thất
- Bài 5 - Hầu Thầy
- Bài 6 - Phụng Dưỡng Người Thân
- Bài 7 - Làm Bồ Tát Ở Nhà
- Bài 8 - Tiếp Đãi Khách
- Bài 9 - Đọc Kinh Sách
- Bài 10 - Làm Quan Chức
- Bài 11 - Làm Thương Mại
- Bài 12 - Làm Nghề Nông
- Bài 13 - Làm Công Cho Người
- Bài 14 - Làm Việc Chúng
- Bài 15 - Lễ Bái Tụng Niệm
- Bài 16 - Ngồi Thiền
- Bài 17 - Nghi Biểu Khi Ăn
- Bài 18 - Ngủ Nghỉ
- Bài 19 - Cùng Người Chung Ở
- Bài 20 - Chăm Sóc Người Bệnh
- Bài 21 - Nhập Thất Tịnh Tu
- Bài 22 - Duyên Sự Khi Ra Ngoài
- Bài 23 - Tống Táng Hậu Sự
- Bài 24 - Các Việc Trong Thiền Đường
- Phần Phụ Lục Lời Di Chúc - Dặn Dò Những Điều Cần Thiết Lúc Lâm Chung
- Những Điều Gia Quyến Cần Biết - Hộ Niệm Lúc Lâm Chung
- Điều Cần Biết Khi Hộ Niệm
- Khai Thị Cho Người Lúc Lâm Chung Pháp Ngữ Của Đại Sư Ấn Quang
- Quy Tắc Và Ý Nghĩa Của Sự Hộ Niệm - Tuyết Lư Lão Nhân Giảng
Học Phật Hành Nghi
Bài 13 - Làm công cho người
Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề
Phàm cư sĩ đi làm công xưởng, lương công hằng tháng đã định nên chẳng cần khởi tham vọng chi khác; rất tốt cho việc y theo Phật pháp hành trì. Duy chỉ thân thủ cần phải làm siêng năng, tâm địa hằng luôn quang minh chánh đại.
Lời phụ: Chương này chuyên nói về hạng làm công cho người ta. Do vì làm công nên chỉ cần y theo việc phân phó, lương tháng đã ổn định, cho nên không cần phải nhiều mưu lự tính toán, nên rất thích hợp cho việc dụng công tu tập trong lúc làm việc. Kinh Phạm Võng nói: “Chư Phật do nhứt tâm cần cầu tinh tấn nên đặng quả vô thượng chánh giác”, huống là các pháp lành khác. Nhân lúc còn mạnh khỏe, là lúc cần phải gắng sức tu pháp lành. Xứ này việc ăn mặc không phải là vấn đề quá lớn nếu mình khéo biết tri túc. Vì thế không nên dùng hết tinh thần tâm lực của mình chỉ dùng cho việc mưu sinh, mà nên đem tâm lực nuôi dưỡng tinh thần cho mình, tìm cho mình một con đường thoát khổ. Đấy là chính xác vậy, ngược lại nếu cứ mãi chạy theo tranh danh đoạt lợi giống như người mãi bắt bong bóng nước, ngó lại chỉ tay không. Phật dạy: người tham đồ danh lợi ở đời giống như đốt nhang, khi người nghe được mùi nhang thì thân nhang đã cháy tàn rồi vậy.
Phàm niệm Phật, trì chú, tham thiền tác quán, ngay trong lúc làm việc cực nhọc chính là cơ hội tốt cho việc dụng công, khiến thân thủ trở thành thói quen, như dệt vải, v.v... tuy công việc chẳng cần phải chú ý, cũng chẳng thể lỡ tay làm hư hại đến vật dụng... Duy chỉ có một thứ công việc cần dụng ý như chế tạo thuốc, cắt xén, v.v... tất chẳng thể được như ý, ngoài ra có thể sớm tối hành trì.
Lời phụ: Đại đa số chúng ta đều có chung suy nghĩ, việc tu hành là việc đợi sau khi về hưu rồi, nhàn nhã chẳng còn việc gì làm mới nói đến. Bây giờ bận rộn thế này tâm trí đâu mà nói chuyện ăn chay niệm Phật. Trong Phật môn có câu: chớ đợi đến già mới niệm Phật, mồ hoang ngoài đồng đa số là người tuổi trẻ. Kinh nói: “Ngày nay lại đã qua rồi, Mạng căn huyết mạch lần hồi khô khan,… Cần tu tợ lửa cháy đầu, Đừng cho sái buổi như chầu đế vương. Biết thân mỏng mảnh vô thường, Sớm còn tối mất lo phương cứu mình.” Chớ có viện lý do để tháng ngày luống qua vô ích, mà sau này phải ăn-năn không kịp. Chúng tôi đi trợ niệm đám tang, đa phần đều là người bệnh mất qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Cái lý vô thường này, thật khó mà giải thích để người lành mạnh hiểu được. Chỉ những người nằm hấp hối, vừa nói là họ liền chịu tin theo. Than ôi! phải đợi đến lúc này mới chịu hiểu ư!?
Xem nhẹ phù thế để chuyên tâm không gì hơn làm cai quản công nhân, không phải suy nghĩ lo âu nhiều. Trong khi tập hợp chúng công tác như hái trà, hái củ ấu, cuốn bông, v.v... đều có thể đàm luận Phật pháp cùng niệm Phật, v.v... Nếu nhân công càng đông lại càng tốt cho việc kết liên xã niệm Phật, thắt chặt thêm tình cảm. Lâu dần, chủ nhân thấy được bậc trung lương, nhân đây lương tâm cũng thọ được sự cảm hóa.
Họ Từ ở tại Hàng Châu, thấy phụ nữ ở Hàng Châu lúc đương làm việc đều đồng thanh niệm Phật, nghe được sinh lòng kính phục không thôi. Thấy phong tục ở quê hương anh ta thường lấy dâm từ ca xướng làm vui, còn nơi đây thật trái hẳn nhân tục. Hy vọng các nơi cùng phát khởi hạnh lành, đâu đâu cũng có thể đề xướng như cách làm ở tại Hàng Châu, thì tuy là làng quê xấu ác cũng có thể chuyển hóa thành nơi vùng đất nhơn từ vậy.
Lời phụ: Phần đầu là nói về cá nhân thực tập hành trì, đến đây lại khuyên chúng ta cùng giúp người cộng tu vậy. Việc này rất khó, nhưng cũng không có nghĩa không làm được, chỉ cần người có lòng. Nhưng muốn cộng hưởng đồng tu, trước phải tự mình phải biểu hiện được tinh thần tích cực trong việc tu đạo, tự giác, tự đốc thúc chính mình, khi nhân duyên chín muồi thì kết quả tự thành vậy. Trong Tam Bảo, đoàn thể tỳ-kheo được xưng là chúng trung tôn. Sao gọi là chúng trung tôn. Cũng như các đoàn thể khác, duy chỉ đoàn thể Tăng-già là hơn hết vậy. Vì sao? Vì thanh tịnh và luôn giữ được sáu pháp hòa kỉnh. Nếu công đoàn nào áp dụng được sáu pháp hòa kỉnh này thì công đoàn đó nhất định thành công. Bằng ngược lại chỉ đi dần đến tan rã mà thôi. Những người phụ nữ làm công ở Hàng Châu thường trong lúc làm việc đều đồng thanh niệm Phật là đề cử ví dụ điển hình cho chúng ta thấy. Nên văn nói: Hy vọng các nơi cùng phát khởi hạnh lành ... thì tuy là những nơi hẻo lánh xấu ác cũng có thể chuyển hóa thành vùng đất nhơn từ vậy.