Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 10 - Làm Quan Chức

21/06/201318:31(Xem: 7470)
Bài 10 - Làm Quan Chức

Học Phật Hành Nghi

Bài 10 - Làm quan chức

Thích Minh Thông

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

Phàm cư sĩ ra làm quan, chẳng được vì quốc sự mà hiệp hội chiến sự. Kinh Phạm Võng nói: “Nếu Phật-tử! chẳng đặng vì quyền lợi và ác tâm mà đi thông sứ cho hai nước hiệp hội quân trận, đem binh đánh nhau làm cho vô lượng chúng sanh bị giết hại. Là Phật-tử, còn không được lược xem quân trận cùng vào ra qua lại, huống lại cố làm môi giới chiến tranh! Nếu cố làm, Phật-tử này phạm “khinh cấu tội.”
Lời phụ: ra làm quan là nói theo danh từ xưa, dùng danh từ ngày nay là làm cán sự, công chức nhà nước, là người có chức có quyền. Ngày xưa muốn nên danh phận thì phải thi đỗ làm quan, bởi chỉ có làm quan mới có thể làm được những việc mình muốn làm, có thể làm nên việc lớn lao khác. Chứ như làm dân thường muốn tạo phước lành, lo cơm no ấm áo thì chỉ có thể giúp cho gia đình mình, hay cùng lắm là cho dòng họ mình thôi. Muốn làm rộng hơn nữa thì phải có chức có quyền mới kham nổi, vì thế nên người ta thường chúc được thăng quan phát tài là vậy. Ở đây khuyên nhắc, đã được ra làm quan rồi thì phải biết đạo lý: ông trời còn có đức hiếu sinh, nên khi ra làm việc cố tránh các việc dẫn đến chiến loạn khiến cho người mất nhà tan, nhân dân loạn lạc. Huống nữa là vì tư lợi riêng mình mà khiến cho muôn người chịu khổ. Vì vậy Kinh Phạm Võng nói chẳng được đi thông sứ có tánh cách ác, bất thiện, là lãnh sứ mạng để đi khai chiến cho hai nước. Như các nhà du thuyết ngày xưa, còn bây giờ thì các nhà ngoại giao có thể làm cho hai nước gây hấn nhau để có việc chiến tranh, thì vô lượng chúng sanh bị giết hại. Nơi đây nói tội nhẹ là do chỉ vì đi thay thế truyền lời thôi, chứ còn như nếu thật sự đi sứ mà do chính mình làm cho có sự chiến tranh, chính tự ý mình gây sự bất hòa giữa hai nước khiến chiến tranh thì phạm tội sát sanh rất nặng vậy.
Lại chẳng được hạn chế phi pháp. Như Kinh Phạm Võng nói: “nếu Phật-tử, đều đã có lòng tin thọ giới của Phật, hoặc quốc vương, hoàng tử, các quan, bốn bộ đệ tử tự ỷ thế lực cao quý, phá diệt giới luật Phật-pháp, lập ra điều luật chế, hạn chế bốn bộ đệ tử của Phật, không cho xuất gia hành đạo, cũng không cho tạo lập hình tượng Phật và Bồ-tát, cùng tháp và kinh luật.
Lời phụ: Hạn chế phi pháp là ỷ vào thế lực hay chính quyền ủng hộ mà tự ý lập ra các điều cấm chế trái lời Phật dạy, tự sửa đổi giới luật và thêm thắt theo ý mình, khiến cho bốn chúng xuất gia cũng như tại gia trở ngại việc tu đạo và hành đạo. Ỷ thế chuyên quyền áp bức người, không cho truyền bá Phật pháp, phát hành kinh tượng, v.v... Minh Giáo Tung Hòa-thượng nói: Tôn chẳng gì tôn bằng đạo, đẹp không gì đẹp bằng đức. Người có đạo đức tuy là kẻ thất phu cũng không phải là cùng, kẻ không có đạo đức, tuy là đấng vương giả cũng không là thông. Người như Bá Di, Thúc Tề xưa kia là người chết đói, đời nay nếu người ta lấy đó để so sánh thì mọi người đều mừng. Những vị bá vương như Kiệt, Trụ, U, Lệ xưa kia là đấng nhân chủ, đời nay nếu người ta lấy đó để so sánh thì mọi người đều giận.
Lại đặt ra chức quan đổng lý hạn chế tứ chúng, và lập sổ bộ ghi số Tăng, bắt tỳ-kheo Bồ-tát đứng dưới đất, còn bạch y ngồi tòa cao, làm nhiều việc phi pháp như binh nô thờ chủ. Hàng Bồ-tát nầy chính nên được mọi người cúng dường mà trở lại bắt làm tay sai của các quan chức, thế là phi pháp phi luật.
Lời phụ: chức quan đổng lý gần tương đương như chức giám tăng vậy. Hàng bạch y tức là người tại gia mà cậy thế ỷ quyền lên ngồi trên trước, chẳng coi chúng Tăng ra gì, cống cao ngã mạn, lại còn bắt hàng xuất-gia phục dịch như kẻ làm công, ấy là trái phép vậy. Quả báo về sau đọa vào ác đạo, chịu thống khổ thật không lời gì có thể nói hết được. Lộng pháp một thời mà chịu tai ương muôn kiếp, vì thế kẻ có chức quyền chẳng thể không thận trọng. Thiền Lâm Bảo Huấn nói: “tính mệnh của người khoèo (què chân) thì nhờ vào gậy, mất gậy thì ngã. Tính mệnh của kẻ qua đò nương vào thuyền, mất thuyền thì đắm. Phàm người ở đời, tự mình không duy trì lấy đạo đức ở nội tâm, lại nương cậy vào quyền thế ở bên ngoài, nhất đán cái thế đó mất đi, đều không thể tránh khỏi cái họa khuynh đảo.
Nếu quốc vương và các quan nhân đã phát lòng lành thọ giới của Phật, thì chớ làm những tội trái pháp Tam-bảo ấy. Nếu cố làm thì phạm “khinh cấu tội.”
Lời phụ: đây là câu kết, khuyên những người có lòng thọ giới rồi thì cố gắng ủng hộ Tam-bảo, giúp đỡ chúng Tăng, cứu giúp chúng sanh thì không phước gì lớn hơn vậy. Còn không được như vậy thì cũng chớ gây hấn, tự tạo luật phi pháp, giới hạn sự truyền bá Phật pháp thì tội không gì lớn hơn vậy. Phần nhiều thấy người học, vì theo đuổi sự vật mà quên mất đạo, trái chỗ sáng mà đi vào chỗ tối. Bởi thế liền trang sức chỗ bất tài của mình, lấy đó làm trí mà dối người. Cưỡng chế chỗ chẳng kịp của người mà khinh người, lấy đó làm cao. Làm như vậy để dối người mà chẳng biết đâu có thể dối trá được bậc tiên giác, đem như vậy mà che đậy người mà chẳng biết đâu có thể che đậy được phần công luận.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com