- Lời mở
- 01. Nẻo chân tâm
- 02. Về đất
- 03. Cõi người ta
- 04. Bụi giữa đời
- 05. Nhập cuộc
- 06. Một cuộc cờ
- 07. Chốn dại khôn
- 08. Cỏ và hoa
- 09. Rỗng lặng
- 10. Tiếng vỗ một bàn tay
- 11. Bốn người bạn đồng hành
- 12. Quán trọ thân tâm
- 13. Dáng vẻ thời gian
- 14. Cầm chầu
- 15. Hát đổ khay
- 16. Nợ ân tình
- 17. Đời cung nữ
- 18. Lửa tình
- 19. Bụi tình
- 20. Chuyển hóa
- 21. Lạc
- 22. Miền an trú
- 23. Hành Giả
- 24. Dạo giữa đời
- 25. Bến đợi
- 26. Bờ bên kia
- 27. Duyên tu
- 28. Tu giữa bụi trần
- Bạt
- Đọc TU BỤI của Trần Kiêm Đoàn
- Vài cảm nghĩ viết vội về truyện dài TU BỤI của Trần Kiêm Đoàn
- Cổ mộc giữa đời (thơ)
Tu bụi
Trần Kiêm Đoàn
Chương hai mươi lăm
Bến đợi
Tuổi năm mươi thì đi; tuổi sáu mươi thì chạy; tuổi bảy nươi thì bay; tuổi tám mươi nằm chờ trên cửa nguyệt. Hoa Đà đã ví von, so sánh tuổi đời với sự rơi xuống mỗi ngày một nhanh, trên đường xế chiều tiến về phía cận kề với bệnh tật và cái chết. Trong nhóm Vườn Thảo Dược, Phạm Xảo là người cảm nhận rõ nhất điều đó trong lứa tuổi bảy mươi.
Thời xông pha chiến trận, một Phạm Xảo tướng quân trung niên nhìn mọi sự, kể cả hạnh phúc lẫn gian nguy và thử thách qua lăng kính màu hồng. Tưởng như đầu có bị đối phương chém rụng giữa sa trường thì sử sách và cuộc đời sẽ dựng mọc lên đầu khác. Muôn vạn nẻo đường đời trong tầm mắt theo tháng ngày ít dần đi và thu nhỏ lại. Đến tuổi bảy mươi thì chỉ còn có một con đường đơn độc và lạnh lùng nằm vắt vẻo bên bờ sống chết. Bến đợi nằm ngay trước mắt. Phạm Xảo góp mặt thưa dần trên những cánh đồng dược thảo. Rồi một hôm, Phạm Xảo vắng mặt luôn ba ngày mà không ai hay biết vì đâu. Mọi người dáo dác đi tìm và bắt gặp Phạm Xảo ngồi im bất động, quay mắt vào tường trong ngôi miếu bỏ hoang trong vùng cây già của Thái Ấp.
Trên đường về, Phạm Xảo đi thong dong trong im lặng bên cạnh những người anh em. Thầy Tiều hỏi:
- Ba ngày qua quý hữu đi đâu?
Phạm Xảo trả lời mà không giải thích:
- Chẳng đi đâu cả, chỉ ngồi định tâm trong ngôi miếu cổ thôi thầy ạ.
Thầy Tiều lắc đầu:
- Ý tôi muốn hỏi cái tâm của quý hữu kia.
Phạm Xảo trả lời ngay:
- Thân và tâm đều ở một chỗ.
Thầy Tiều nói bằng lời vui phơi phới:
- Hà, hà. An định được vậy là tốt lắm.
Tâm An xen vào:
- Thế nào mới là không tốt, thưa thầy?
Thầy Tiều đáp:
- Tâm viên, ý mã. Nghĩa là tâm con người hiếm khi được an định mà nhảy nhót chuyền cành như con vượn và ý cũng tung vó chạy quanh như ngựa. Không tốt khi xác thân đó mà tâm ý lại bỏ đi.
Tâm An không tán đồng:
- Cái xác chỉ là tấm thân tứ đại thô lậu. Tâm ý mới là đáng quý. Nếu tâm ý bỏ cái xác thô lậu để chu du những cảnh giới đẹp đẽ của thánh thần trời đất thì có tốt không ạ?
- Không có khổ đau thì làm gì có an lạc. Không có địa ngục thì đâu có niết bàn. Không có vô minh thì không còn đạo Phật vì đạo Phật là con đường chuyển mê thành giác. Phật bất ly thế gian. Tánh Phật không nằm trên cõi trời mà nằm trong cái thân xác thô lậu ấy của con người. Nếu tâm ý đã tự tách ra và lên đến được cõi Trời thì cớ sao lại phải quay về để chui vào cái xác thân thô lậu ấy để làm gì đã chứ?!
- Thưa thầy, nhưng có rất nhiều người và bản thân đệ tử Tâm An này cũng đã có lúc nhập thiền xuất hồn lên đến tận cõi trời Đâu Suất.
Thầy Tiều hỉ hả:
- Đẹp không?
- Dạ, đẹp lắm thầy ơi!
- Đẹp giống gì?
- Ồ, đẹp còn hơn cả Đại Nội và cung vua nữa kìa.
Giọng thầy Tiều càng trở nên trào lộng:
- Chắc vua Trời cũng mưới mấy ông thợ kép xây Hoàng Thành Huế lên cảnh trời Đâu Suất để xây dựng thiên đình đó.
Biết thầy Tiều chẳng xem chuyện xuất hồn, xuất vía vào đâu, Tâm An tức mình hỏi vặn lại cho bằng được:
- Ôi, thầy mà không tin thì kẻ tiểu sanh này xin hỏi rằng, nếu không có thật thì hình ảnh ở đâu mà hiện ra đẹp đẽ đến thế?
Thầy Tiều đáp gọn lỏn:
- Ma ảnh!
Tâm An kêu lên:
- Nghĩa là ma quỷ sáng tạo ra hình ảnh đó ư?
- Lòng ham muốn của mình vẽ nên hình ảnh và phát ra từ cái tâm mơ tưởng chứ có ai ngoài ta đâu. Sự tin tưởng vu vơ, sai lầm gọi là “ngụy tín” càng lâu ngày, càng lôi kéo, lay động cái tâm mình. Đến một lúc nào đó, ta bỗng tự mình thuyết phục mình điều chính mình đã tin tưởng vu vơ trong bao lâu ấy chính là sự thật, là chân lý rạng ngời.
Tâm An quyết hỏi cho bằng được cái “chân lý rạng ngời” đích thật là gì:
- Thưa thầy, thầy là người đem trọn cuộc đời tu theo đạo Phật. Vậy thì chân lý cùng tột mà thầy đang đi tìm là gì?
Thầy Tiều lại bật cười trước vẻ mặt nghiêm trọng của Tâm An, thầy nói dễ dãi:
- Là chúng ta đang đi về nhà đây này.
Tâm An lại nhăn nhó:
- Thôi tội quá thầy ơi! Thầy đừng đùa nữa.
Thầy Tiều cũng làm bộ nhăn nhó theo khuôn mặt Tâm An nhưng vui đùa trong lời nói:
- Hoan hỷ! Hoan hỷ! Tâm An đang đi trên đường chân lý vui vẻ, thẳng băng lại quẹo qua con đường nhăn nhó, gập ghềnh rồi, tội chưa!
Sự lặng lẽ của Phạm Xảo làm cho những lời phân tích, luận bàn thành xa lạ. Có vẻ như mọi người đang trong một thế giới của lời nói là bạc, im lặng là vàng.
Tiếng ngựa hí làm mọi người ngạc nhiên khi vừa về đến con đường dẫn vào cổng Thái Ấp. Một cổ xe song mã dáng quen quen không có chủ đang đứng trước cửa ngõ dinh ông Hoàng tự bao giờ. Trí Hải vừa qua khỏi cổng chính thì đã gặp hai người nữ hầu bưng khay lễ vật đứng chờ. Một vị cao niên trong sắc phục lão quan xuất hiện, ngoắc tay cho hai người bưng khay lễ vật đến gần nhóm Dược Viên của Trí Hải. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, vị lão quan rót hai chén rượu trên mâm lễ với một tấm thiệp đã được trang trọng để sẵn trên đó và chắp tay cung kính thưa:
- Bẩm Hoàng thân đại nhân và chư vị. Hạ quan thừa lệnh quan Thượng thư bộ Hình đệ trình thiệp xin yết kiến.
Trí Hải chắp tay chào vị lão quan và tiếp tấm thiệp. Thì ra là Lê Trung Ẩn. Vị quan đầu triều về luật pháp này muốn gặp riêng Trí Hải và Phạm Xảo. Trí Hải phê “thuận” vào thiệp và ngỏ ý với vị lão quan mời quan Thượng thư bộ Hình vào khu nhà kiếng. Nơi đây, không khí an tịnh và thân mật chứ không lễ nghi quan cách như khung cảnh tại tiền sảnh của dinh ông Hoàng. Cả Trí Hải và Phạm Xảo đều tỏ vẻ ngạc nhiên trước cách hành xử mang tính lễ nghi một cách khác thường của Lê Trung Ẩn. Thường khi, Ẩn một mình một ngựa, quần áo thường ngày, nhẹ nhàng đến thăm Trí Hải. Chưa bao giờ ông đến với Trí Hải bằng cung cách nhà quan cả.
Những người vệ sĩ và hầu cận vẫn đứng nghiêm cẩn trong tư thế đã được xếp đặt đúng lễ nghi. Khi cả 3 người gồm Trí Hải, Phạm Xảo và Lê Trung Ẩn đã an vị trong ngôi nhà kiếng, nằm gọn giữa mầu xanh mát của cây lá thiên nhiên, chủ nhân lên tiếng bằng giọng thân tình thường lệ, không quá câu nệ lễ nghi khách sáo như đối với một vị quan triều:
- Mời chư vị dùng trà. Hôm nay huynh đến đây chắc không phải để bàn chuyện văn chương, thế sự như thường lệ phải không ạ?
Lê Trung Ẩn không cười vui như mọi khi mà nghiêm trang ngỏ lời:
- Tôn huynh nói đúng. Lần này, xin được gác viêc riêng ra ngoài việc công. Chúng tôi đến với tư cách là người của bộ Hình trong Lục Bộ của triều đình. Tuân chỉ đương kim hoàng thượng thi hành mật chỉ của tiên đế đã ban trước khi băng hà.
Trí Hải lờ mờ đoán ra giây mơ rễ má về trường hợp Phạm Xảo và vua Gia Long, điềm nhiên trả lời:
- Việc công là trọng. Quan Thượng thư cứ theo quốc pháp mà thi hành. Giao tình giữa chúng ta vốn quý nhưng chẳng nên câu nệ trong lúc này.
Lê Trung Ẩn tươi mặt tiếp lời:
- Tôn huynh bao giờ cũng chu đáo. Trước hết, cá nhân tôi xin được bày tỏ lòng bái phục đối với lão tướng quân Phạm Xảo. Thật tôi không ngờ bao lâu nay được gần gũi một ngọn núi Thái Sơn mà vẫn tưởng là hòn non bộ. Mãi cho đến khi tiếp nhận mật chỉ của tiên đế từ tay Hoàng thượng, tôi mới sửng sốt nhận biết lão gia bên cạnh Hoàng thân là danh tướng Phạm Xảo.
Đứng dậy quay về phía Phạm Xảo, Lê Trung Ẩn thi lễ:
- Xin tướng quân nhận nơi đây tấm lòng ngưỡng mộ chân thành của riêng tôi. Là một người bạn tâm giao với Hoàng thân, tôi đã đến đây sinh hoạt như người nhà. Nếu lâu nay có điều gì thất lễ, kính mong tướng quân đại xá cho.
Phạm Xảo khoát tay:
- Tướng quân hay lão già hầu cận cũng chỉ là tên gọi tạm thời cho tôi hay một người nào đó. Cái giao tình chân thật mới là quý. Quan Thượng thư chấp nhất chuyện nhỏ nhặt làm gì.
Lê Trung Ẩn bày tỏ một sự trang trọng thân tình:
- Thật là quý hóa. Cám ơn tấm lòng độ lượng của tướng quân. Hôm nay tôi đến đây có nhiệm vụ thông trí và bàn bạc về ba điều mà tiên đế đã di chỉ phải thi hành đúng vào ngày tướng quân lên tuổi thọ bảy mươi. Thứ nhất, là cấp một trăm mẫu đất ruộng nhất đẳng điền để làm bổng lộc cho lão tướng hưởng dụng trong thời gian tuổi già sức yếu. Thứ hai, là cáo bạch trước khi lão tướng còn sinh tiền rằng, ngày tướng quân qua đời, triều đình phải đem nghi lễ đại thần làm quốc táng. Và thứ ba, là sẽ thiết đại triều nghi để phong tôn tước xứng đáng với công lao to lớn mà tướng quân đã tận trung phục vụ bên cạnh tiên đế trong bao nhiêu năm để đánh thắng Tây Sơn, thống nhất sơn hà.
Phạm Xảo như không chú ý đến lời của Lê Trung Ẩn. Ông nhìn lên những hàng cây du với dáng nghĩ ngợi. Trong đáy mắt một dũng tướng chiến trường xưa đã phai mờ gươm giáo, nhưng cái anh hùng chiến trận vẫn còn vang vọng đâu đây.
- Thưa tướng quân, trong ba điều di chỉ của tiên đế, chẳng hay tôn ý của tướng quân như thế nào ạ?
Câu hỏi của Lê Trung Ẩn làm Phạm Xảo phải quay về với thực tế. Ông đáp lời:
- Cả ba điều đều không áp dụng đúng vào trường hợp của cá nhân tôi, thưa quan Thượng.
- Nghĩa là…? Tướng quân có thể giải thích rõ thêm được chăng?
- Thứ nhất, ở tuổi này rồi, tôi chỉ cần một miếng đất bằng cái giường con để chôn khi chết chứ làm chi mà cần đến cả trăm mẫu nhiều thế! Thứ hai, đạo làm tướng như đạo làm người. Làm người không khó nhưng sống đúng đạo làm người thật khó. Không có tang lễ nào vinh quang hơn cho người làm tướng bằng những huy chương vô hình mà chiến tích và đồng đội mình đã ngã gục trên chiến trường hay còn sống sót tặng cho mình. Những công thần lương đống như Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt mới xứng với nghi lễ đại triều và sự sắc phong tôn tước, nhưng rồi cuối cùng cái chết của họ còn bi thảm hơn là kẻ thất phu. Riêng tôi thì nẻo đi về của những chiến trường xưa đã khép. Lòng tôi đã an tịnh như hài nhi tóc bạc. Tôi coi danh lợi như khói như sương. Xin quan Thượng thư về cung bẩm với Hoàng thượng là tôi rất đội ơn tiên đế và Hoàng thượng. Nửa đời làm tướng, nửa kiếp làm tôi kết lại, tôi chỉ mong xin được một đời làm người. Khi đến ngày xuôi tay nhắm mắt, tôi chỉ mong được ra đi như một ngọn lá rụng về đất im ắng, nhẹ nhàng và thanh thản.
Cả Trí Hải và Lê Trung Ẩn cùng trân trọng nhìn về phía Phạm Xảo. Mái tóc trắng phao và chòm râu bạc trắng phụ họa thêm cho lời nói cổ kính của viên lão tướng.
Lê Trung Ẩn ra hiệu cho tất cả quan quân hầu cận tả hữu lui ra. Như một trách nhiệm đạo nghĩa mang ít nhiều kịch tính đã đóng xong, những người làm chứng sẽ đồn đãi ra ngoài công luận về sự thủy chung, tôn trọng hiền thần của vua quan đương vị vốn đã từng bị mang tiếng là bạc đãi trung thần.
Còn, một mình với Trí Hải và Phạm Xảo, Lê Trung Ẩn khơi lại chuyện xưa:
- Nếu đêm đại tiệc ở Ngự Viên với vua Gia Long ngày đó mà không có Hoàng thân Trí Hải, chắc chắn tôi không phải là tôi bây giờ.
Trí Hải hỏi lại, giọng trầm xuống như lời tâm sự:
- Huynh tiếc?
- Cũng chẳng lầm mà cũng chẳng mấy may. Nếu có chăng điều đáng tiếc là càng làm quan, càng xa cái gốc của mình và dần dần đi đến chỗ không biết mình là ai.
- Bây giờ so với ngày ấy, huynh đã mất đi và được những gì?
- Mất gia tài thực sự bên trong của riêng mình và được những hình tướng vay mượn đầy mình đeo nặng bên ngoài.
- Sao lại thế?
- Thế là thế đó tôn huynh à. Một thời đầy lý tưởng dậy trời và nhiệt tình tuổi trẻ. Thuở ấy, thí còn trong suốt không nương nhờ; tâm còn an trú trong lý tưởng cao xa. Tuy chưa thực chứng tâm không, vô ngã nhưng hướng đi khai phóng ấy sao mà đầy tính thuyết phục, lay động tâm thức con người đến thế.
- Huynh biết đến đạo Phật từ bao giờ?
- Từ nhỏ tôn huynh ạ. Nhưng tôi theo đạo Nho mà không theo đạo Phật.
- Ngày đó và cả bây giờ, cả hai chúng ta không hề nhận mình là người theo đạo Phật nhưng cái tâm chúng ta đã nương theo một con đường “minh đức”, một tinh thần hóa giải là nét tinh yếu của Phật giáo.
Lê Trung Ẩn bồi hồi nhắc chuyện cũ:
- Tôn huynh và tôi đã nắm tay nhau, ôm chầm nhau như anh em tiền kiếp. Thực lòng chúng ta không câu chấp Bắc Nam, không nép mình sau biên cương mới cũ.
Gió đưa lá dáo dác ẩn hiện một cách mơ hồ. Trí Hải trầm ngâm nhìn ra bên ngoài ngôi nhà kiếng, hồi lâu mới lên tiếng:
- Thời gian đã làm cho chúng ta già hơn hay khôn ngoan, từng trải hơn?
Lê Trung Ẩn trầm giọng thành lời tâm sự:
- Từ sau đêm Ngự Viên, cái “tâm không” an nhiên ấy đã bị cái “trí hữu” đối đãi này làm mờ mịt. Giữa chợ đời của công danh, quyền lực, vật chất đối mặt với lòng ham muốn, hận thù, cố chấp… đã từng bước, từng khắc, từng ngày làm cho cái tâm mây trắng của chúng ta thành vẩn đục mất rồi. Tôi làm quan Thượng thư; càng gần vua hơn càng có nhiều dịp quỳ lạy và phải giữ gìn ý hơn người khác. Làm quan nhỏ như người cỡi bò, lỡ sa chân thì cũng còn gượng dậy được. Làm quan to như người cởi ngựa, đã ra roi phóng nước đại mà lỡ sẩy bước thì thân mạng khó toàn. Làm quan đầu triều như cỡi xe phượng hoàng lên trời mà người cầm lái là con trời, là thiên tử. Cỗ xe và chim phượng không bao giờ có thật nên “cỗ xe” chỉ có hành khách và người lái. Vua trực tiếp lái quan đầu triều nên quan triều như ngồi trên đầu voi. Lỡ lầm là vong mạng!
Sự ví von ngộ nghĩnh làm cả ba người cười xòa, gần gũi nhau hơn.
Trí Hải nhận xét:
- Như thế làm quan khó hay đi tu khó?
- Tu là sửa mình mà làm quan là sửa người. Muốn sửa người đúng hướng thì phải sửa mình trước đã.
- Như thế thì theo huynh muốn làm quan thì phải đi tu trước đã?
- Tu hay làm quan chỉ là hình tướng; mà hình tướng là giả tướng, chả có gì quan trọng đáng kể. Điều cốt tủy là tu và làm quan không phải là hai trạng thái mâu thuẫn nhau trong cùng một con người. Đời Trần hầu như nhà nào cũng có người đi tu; hơn một nửa quan triều sống và hành xử theo tâm thức và phong thái nhà tu. Tu không phải là lánh đời mà lánh cái đáng lánh ở đời. Trần Hưng Đạo là một nhà tu. Giặc chiếm non sông thì treo áo nhà tu ra cầm quân giữ nước. Đất nước thanh bình thì khoác lại áo nhà tu.
Mời Lê Trung Ẩn một chén trà bằng cả hai tay, Trí Hải hỏi một cách đùa vui
:
- Thế thì có chăng quan Thượng thư bộ Hình của chúng ta đây cũng là một nhà tu?
Quan Lê đùa lại:
- Nhà tu của nhà tu Hoàng thân đại nhân ạ.
- Nhà nào lớn hơn, nhà nào cao hơn thế, hả quan?
- Lớn hay nhỏ không phải là độ lớn của cái nhà mà là tính “dụng” của cái nhà. Cao hay thấp không phải là thước đo của cái nhà mà là tính “trọng” của cái nhà. Nhà tu không phải nhân dáng, là cái áo, là điệu bộ trình diễn bên ngoài mà là cái phẩm chất tu hành ở bên trong. Làm quan chấp pháp của triều đình, đôi khi tôi phải dùng nhà tù để nhốt những nhà tu vì trong những nhà tu đó đã chứa sẵn chủng tử hay mầm giống của nhà tù.
- Chủng tử của nhà tù trong nhà tu là gì vậy?
- Là sự tham dục bọc trong chiếc áo màu khả kính; là sân hận nhốt trong cái đầu thánh thiện; là si mê gói giữa lời chân kinh.
- Huynh bỏ tù nhà tu là lỗi đạo.
- Nhà tu chân chính là lương tri cuộc sống tâm linh của con người. Hiểu được điều đó nên tôi không bao giờ dám động đến nhà tu. Tôi chỉ tạm nhốt lại cái biến chất thô nhám, cột trói lại cái vọng tính hoang dại của một người phạm tội khi vẫn còn khoác áo nhà tu mà thôi. Nếu một người nào đó cứ khư khư bám chặt vào cái phẩm chất đã bị biến tướng và suy đồi đó thì cứ vào nơi giam giữ, buông tay thì trở ra. Đơn giản thế thôi.
- Huynh ạ, người cầm đầu pháp luật của một nước như huynh mà lý luận như thế là hàm hồ và áp đặt. Đánh đập một người nóng giận hồ đồ mà bảo rằng chỉ trừng trị sự bạo động và hồ đồ chứ không hề động đến thân thể của ông ta là ngụy luận, không thể chấp nhận được.
- Ô hay! Tôn huynh quên là tôi đã nói ở phần trên rằng, tu là sửa mình mà làm quan là sửa người đó sao. Nếu một người làm tốt thì mãi mãi anh ta là người tốt và ngược lại thì hóa ra con người là một nguyên khối không thay đổi được hay chăng? Thái tử Tất Đạt Đa và đức Phật Thích ca cũng chỉ là một người. Nếu thái tử không tách rời tính vương giả, tham ái và hưởng thụ ra khỏi mình để xuất gia tìm đạo thì làm sao có đức Phật Thích Ca?
- Vậy thì theo huynh, sức mạnh nào làm cho con người xoay chuyển đến hướng này hay hướng khác?
- Hình như tôi còn nhớ rằng, tôn huynh đã có lần đã nói đến một sức mạnh tổng hợp, dồn tụ qua muôn vạn chặng đường cho đến ngày hôm nay; và hôm nay cũng chỉ là một chặng đường trong muôn một. Hôm nay vừa là tụ điểm, vừa là khởi điểm cho một dòng sinh thái chảy luân lưu trong suối nguồn vô hạn và vô biên của vũ trụ, của tạo hóa.
Trí Hải nhận xét:
- Vâng, tôi thấy càng rõ tụ điểm của sự sống đó khi ngâm mình trong suối Bản Lai. Dòng nước như dòng sống cứ trôi chảy không ngừng. Nước chỉ một dòng nhưng sẽ trong vắt khi qua đá thanh, sủi bọt đục ngầu khi qua bến cạn bùn đất, vỡ toang thành sợi khi lao ra khỏi ghềnh đá, róc rách khi vào khe núi, lạnh băng khi vào lòng đất, ấm lên một chút khi chảy qua thân tôi. Và cứ thế, dòng nước cứ mãi luân lưu, biến tướng không ngừng.
Lê Trung Ẩn tiếp lời Trí Hải:
- Càng suy tưởng trong vắng lặng, càng cảm nhận để “thấy” tụ điểm và khởi điểm như tôn huynh nói là một mắc xích của sự sống cứ trôi chảy triền miên mà không một sinh vật nào tránh khỏi. Ai muốn gọi sức mạnh đó là gì cũng được. Dẫu cho gọi tên là trời, là đất, là đạo, là thái cực, là nghiệp, là số phận, là định mệnh… Hay là gì đi nữa thì cũng chỉ có Một Lực Uyên Nguyên hay Suối Nguồn Vũ Trụ từ vô thủy đến nay mà thôi.
Trí Hải nhớ lại khái niệm “Suối Nguồn Vũ Trụ” trong nửa năm sống trên núi Kim Phụng, hỏi Lê Trung Ẩn:
- Lực Uyên Nguyên hay Suối Nguồn Vũ Trụ đó là vĩnh hằng, không bao giờ biến đổi hay sao?
- Tất cả mọi vật đều dựa vào nhau mà thay hình đổi dạng; mà sinh diệt không cùng tận. Khi tụ điểm của Lực đó xuất hiện ở đời này, trong thế giới này, nó có thể thay hình đổi dạng tùy theo điều kiện mà nó trụ vào hay dính mắc vào. Như ánh sáng khi còn ở khối tinh cầu trên cao kia thì gọi là mặt trời. Nó chiếu qua rừng mây thành vòng cầu ngũ sắc. Nó chiếu xuống đại dương thành hoa nước lung linh. Nguồn sáng tưởng như là tuyệt đối, sống đời đời, nhưng thật sự nó thay đổi trong từng khoảnh khắc.
Trí Hải nhìn đuôi tóc bạc của Lê Trung Ẩn lọt ra ngoài áo mũ nhà quan. Lên tiếng với bạn mà có cảm tưởng như đang nói với chính mình:
- Sống thực sự là ý thức được mình đang hiện hữu. Trong hiện hữu biết được mình cần phải làm gì để cho dòng sinh mệnh chảy qua chặng đời này được tốt hơn, trong sáng hơn, đầy năng lực hơn trước khi chảy vào tương lai thì gọi là…tu.
Trong khi Trí Hải và Lê Trung Ẩn phân tích và trao đổi những suy nghĩ riêng của mình thì Phạm Xảo vẫn âm thầm ngồi canh bếp lửa than hồng nấu nước nóng pha trà. Lê Trung Ẩn sà xuống ngồi cạnh bếp hồng, lên tiếng:
- Mời tướng quân ngồi dùng trà cho vui. Chúng tôi là chỗ bằng hữu thân tình lâu ngày không gặp nên có quá nhiều điều suy nghĩ để nói với nhau. Mong đại huynh châm chước đến nhé.
Ánh than hồng hắt lên tóc râu bạc trắng của Phạm Xảo thành màu cổ đồng pha sắc đỏ. Trong vòng một năm trở lại, Phạm Xảo càng ngày càng trở nên ít nói đến độ làm mọi người phải ngạc nhiên. Ông thường thức rất khuya và thích ngồi xếp bàn định tâm ngoài trời. Không ai hay ông ngủ lúc nào vì khi mọi người chuẩn bị đi ngủ thì ông vẫn còn thức và khi có người đầu tiên dậy thì thấy Phạm Xảo đã ngồi trong sương không biết đã bao lâu rồi. Có ai thắc mắc thì ông chỉ cười mà không nói. Những đồ dùng cá nhân của Phạm Xảo ngày một giản lược đến khi chỉ còn ba bộ áo quần, cái gối, cái mền, chiếc chiếu. Gia sản quý nhất của Phạm Xảo có vẻ như là bài kinh Bát Nhã viết bằng chữ Phạn và chữ Hán với nét chữ cố gò bó một cách chân phương nhưng vẫn còn cực kỳ bay bướm. Bài kinh viết trên một vuông gấm nhỏ cũ kỹ lâu đời được lồng trong khung kính mà Phạm Xảo treo ngay trên đầu giường.
Thư pháp viết trên vuông gấm rõ ràng có hai mảnh. Mảnh trên hình như đã bị ai xé rách. Mảnh dưới được tạm thời nối kết với nảnh trên bằng một đường chỉ khâu nhỏ, mảnh mai.
Mỗi đêm trước giờ đi ngủ và mỗi sáng ngay sau khi thức dậy, Phạm Xảo thường đưa mắt nhìn vuông gấm với vẻ đam mê và đắm đuối của người tình si mê về một đối tượng chưa hề gặp mặt. Đôi môi ông mấp máy. Tiếng vọng chưa thành lời. Nhưng cái âm vang từ chữ, từ lời, từ ý, từ cái không mênh mông của không chữ, không lời, không ý cuốn hút ông, lôi kéo ông, buông lơi ông và thả ông phiêu bạt về với chính ông an trú giữa cõi bao la không bến bờ ghé lại. Phạm Xảo buông tay, buông tay, buông tay… không biết vịn nơi đâu. Trong thầm lặng muôn đời dậy lên tiếng gọi huyền bí “Bờ Bên Kia. Hãy qua bờ bên kia!”.
Nguồn: Phương trời cao rộng 20