Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hai vị thành tựu giả ở Tse-Tscholing

28/05/201318:23(Xem: 10719)
Hai vị thành tựu giả ở Tse-Tscholing
Con Đường Mây Trắng


Hai Vị Thành Tựu Giả Ở Tse-Tscholing

Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch


Nhờ uy tín cao với tính cách là vị ẩn tu và đạo sư thiền định, với thời gian, Adscho Rimpotsché trở thành nhà lãnh đạo tinh thần của Tse-Tschoking, cho nên cả vị tái sinh của sư trưởng chết cách đó nhiều năm (lúc thời gian chúng tôi ở đó thì cậu vừa lên chín) cũng nhìn ông với cặp mắt kính phục và để cho ông dẫn dắt cho đến ngày lấy lại cái già giặn của mình để nhận trách nhiệm tu viện trưởng. Adscho Rimpotsché là một trong những “Repa”, người mặc áo trắng theo cách Milarepa. Đó là người không mặc áo choàng đỏ đậm của một vị tăng sĩ mà choàng một chiếc áo trắng có viền đỏ đậm của một vị tăng sĩ mà choàng một chiếc áo trắng có viền đỏ. Và cũng như Milarepa, ông không cạo tóc mà đội một cái mũ dài trên đầu. Hai tai ông đeo vòng làm bằng vỏ sò xoắn ốc màu trắng theo cách một du sĩ khổ hạnh, như các vị thành tựu giả ngày xưa hay đeo.

Và vị tái sinh trẻ tuổi tại Tse-Tscholing cũng là hiện thân của một vị tất địa từ quá khứ xa xôi, đó chính là Saraha, một trong những nhà thơ lớn huyền bí vào thời đó(thế kỷ thứ bảy sau Công nguyên). Ngược với Adscho Rimpotsché, Saraha mang áo choàng tăng sĩ và vị gia sư dạy ông, người có lòng tha thiết như một bà mẹ chăm sóc con nhỏ, là một tỉ-kheo đã thọ giới. Và vị phụ tá cho Adscho Rimpotsché trong buổi lễ điểm đạo chúng tôi cũng là một vị tỉ kheo, còn phần lớn các vị sống trong tu viện đều là người có gia đình cả. Họ cũng mặc áo choàng đỏ của tăng sĩ, nhưng sống với gia đình trong các cốc nhỏ riêng biệt nằm gần tu viện. Trong các dịp lễ, tất cả mọi thành viên của tu viện tụ họp trong chánh điện, và trong những dịp đặc biệt thì tái sinh của Saraha lên ngồi trên tòa của mình và dù còn nhỏ tuổi, cậu đã thực hiện vai trò của mình một cách ung dung và vững chãi.

Thật kỳ lạ khi thấy sự ngây thơ trẻ con hợp nhất với cái minh triết già giặn trong cậu bé nhỏ này và đứa bé trong cậu trực tiếp đổi qua thái độ của một ông già như thế nào rồi trở lại sự hồn nhiên của một đứa trẻ sinh động. Vị gia sư của cậu nói với chúng tôi, rằng cậu lấy lại tri kiến cũ hết sức nhanh chóng. Cậu có thể đọc thuộc lòng cả cuốn kinh. Vị phụ tá sư trưởng cũng kể cho chúng tôi nghe người tái sinh trẻ tuổi này đã trở lại tu viện xưa của mình như thế nào.

Cậu được sinh ra trong một làng nằm ngay dưới Dungkar Gompa và khi bắt đầu biết nói, cậu đã nhắc đến một tu viện nằm trên núi, nơi đó cậu đã từng là tăng sĩ. Khi cậu cứ nhắc hoài chuyện đó thì tất nhiên dân chúng trong làng nghĩ đến Dungkar Gompa vì người ta có thể thấy nó từ dưới lũng. Thế nhưng cậu từ chối ý này một cách quyết liệt. Tình cờ vị phụ tá Tse-Tscholing nghe tin này, lúc đó thì cậu mới ba bốn tuổi; và là vì lúc đó chưa tìm ra tái sinh của sư trưởng Tse-Tscholing nên ông cùng vài tăng sĩ già đến làng, nơi cậu ở. Họ nói chuyện được với cậu bé đang chơi gần nhà, nhưng không cho biết ý định. Vì người Tây Tạng rất thích trẻ con nên không có gì lạ khi các du sĩ tỏ ra thích thú nói chuyện với trẻ khi nghỉ dọc đường. Vị phụ tá mang theo một cái bọc đựng pháp khí như các vị lạt ma hành cước thường mang và trong số đồ đạc đó có vài thứ của riêng của vị sư trưởng lúc sinh thời. Vị phụ tá tìm cớ mở bọc cho cậu bé nhìn từng đồ đạc trong đó. Thấy cậu bé tỏ vẻ quan tâm nhìn các vật dụng đó, vị phụ tá hỏi cậu có muốn vài món trong đó không và thích cái gì. không chần chừ gì cả, cậu lấy một cái chuông đã bịhư hại đôi chút, mặc dù có các chuông khác không hư và đẹp hơn nhiều nằm bên cạnh. “Tại sao con muốn cái chuông cũ này? Vị phụ tá hỏi, “Ở đây có nhiều chuông tốt hơn nhiều? Con không muốn lấy cái đẹp hơn sao?. “Không” - cậu bé trả lời - “con thích cái chuông cũ của con hơn”. “Nhưng làm sao con biết đó là cái chuông của con”, vị phụ tá ngạc nhiên hỏi. - “Vì ngày nọ chuông bị rớt và bị bể một miếng nơi vành”, cậu bé nói rồi ngửa chông lên cao và vị phụ tá thấy một miếng mẻ nơi vành trong của chuông, điều mà trước đó ông không biết.

Chuyện này về sau được người hầu cận của vị sư trưởng ngày xưa xác nhận, ông nhớ lại chuyện xảy ra. Ông cũng khẳng định nhận xét của cậu là chuỗi tràng hạt mà cậu nói là của mình, chuỗi đó thiếu một hạt đá xanh, hạt này là hạt cuối của 108 hạt gỗ. Mỗi một vật của vị sư trưởng ngày xưa đều được cậu nhận ra ngay, và từ chối các vật không phải của ông trước kia mặc dù những vật đó giống hệt nhau.

Chuyện đáng để ý nhất là lúc cậu được thừa nhận là tái sinh của vị sư trưởng ngày trước, cậu được đưa về lại Tse-Tscholing. Khi vào phòng dành cho vị tu viện trưởng, cậu nói: “Đây không phải chỗ tôi từng ở, tôi nhớ là chỗ trên đỉnh núi”. Cậu có lý: phòng cậu từng ở nằm phía trên của tu viện, trên mỏn đá, nhưng nó đã bị cháy, vốn nó làm bằng đá ở nửa phần dưới, phần trên bằng gỗ. Còn cái mái nhô ra được lát gỗ mỏng và được đá đè lên như các loại nhà nhỏ trên núi Alpes tại Thụy Sĩ hay Tirol.

Cũng như tại Dungkar Gompa, trong thời gian ở Tse-Tscholing, người ta cũng cho chúng tôi một phòng thờ riêng rất đẹp. Nhưng theo tinh thần tự do của phái Kargyutpa, cho phép lạt ma độc thân lẫn có gia đình lưu trú, người ta không đòi Li Gotami phải ở ngoài tu viện. Nhờ thế mà chúng tôi ở trong phòng thờ lớn này, trong đó tượng của Liên Hoa Sinh là quan trọng nhất, xung quanh có nhiều kinh sách giáo pháp mật điển của Liên Hoa Sinh và của các vị kế tục, cất giữ trong những kệ sách mạ vàng. Những tác phẩm này được biết với tên Terma (báu vật), vì chúng là vật báu phải chôn kín hay giấu trong hang động vào thời kỳ Phật giáo bị bức hại (như thời kỳ của nhà vua Langdarma), và theo truyền thống thì khi thời gian chín muồi, chúng sẽ được các vị nối dòng về sau khám phá. Giáo pháp Tử Thư, một trong những tác phẩm quan trọng mang tầm kinh điển của toàn cầu với tên Luận vãng sinh Tây Tạng thuộc về các báu vật đó.

Lý do mà Adscho Rimpotsché cho chúng tôi ở trong một phòng thờ chính của tu viện không phải chỉ do lòng hiếu khách và sự tin cậy: nó có nghĩa là ông không chỉ quí trọng chúng tôi mà đã chấp nhận chúng tôi là thành viên trong tăng đoàn của mình. Chúng tôi hết sức xúc động khi nghĩ rằng, trong lúc ông sống trong chòi nghèo nàn, không chút trang trí thì chúng tôi ở trong một phòng với cột kèo trang trí sang trọng, xem ra để dành cho một vị vương tước chứ không phải cho người học trò đơn sơ.

Một bên của phòng thờ gồm có một khung gỗ với nhiều tấm kính như ta thường thấy các vê-ran-đa kiểu xưa của Ấn Độ. Nhờ thế mà chúng tôi nhìn ra được khoảng sân rộng rãi của tu viện và các tòa nhà được xây như những bậc cấp tựa vào sườn núi; giữa các tòa nhà đó là những cây thông cao, cờ cầu nguyện và các tháp. Chúng tôi cũng thấy phòng thờ và ở dành cho vị tái sinh trẻ tuổi, cậu ở trong phòng với nhiều tranh thanka quí giá, bàn thờ khắc chạm và các bàn nhỏ; và chúng tôi cũng thấy nhà nhỏ của vị gia sư, nhìn qua giống như nhà cho búp-bê với kiến trúc bằng gỗ thanh nhã và được vẽ rất đẹp.

Mỗi buổi tối vị gia sư cùng cậu tái sinh đi vòng quanh tháp và tu viện, chuỗi hạt trong tay và miệng tụng thần chú; vị gia sư long trọng đi trước và cậu bé vui vẻ hồn nhiên đi sau. Xem ra cậu để tâm đến chim chóc bay lượn xung quanh hay con chó nhỏ gặp trên đường đi mà cậu bế lên tay và vuốt ve nó, đến lúc vị gia sư nhìn lui và nhắc cậu hãy nhớ việc mình làm. Người ta có thể thấy vị via sư thật ra cũng thông cảm trẻ con vẫn thích chơi với chim chóc hay chó con. Chúng tôi chưa hề thấy ông nghiêm với cậu mặc dù việc giáodục cho một vị tái sinh thường nghiêm khắc hơn các tiểu tăng khác nhiều.

Vị tái sinh của Saraha là một cậu bé khác thường trong mọi phương diện. Giả như chúng tôi k biết cậu là hóa thân thì chúng tôi cũng thấy cậu vượt hơn hẳn mọi trẻ cùng tuổi khác rồi, vì khuôn mặt cậu hết sức thông minh. Cặp mắt cậu đầy sinh động và dáng đi có cái ung dung tự nhiên. Trong buổi lễ khi ngồi trên tòa trong điện, cậu rõ ràng là một Rimpotsché (đạo sư) rồi; và khi tiếp chúng tôi trong phòng riêng, cậu có một sự hòa lẫn duyên dáng giữa sự cao trọng và cái tò mò. Khi Li Gotami vẽ chân dung trong phòng cầu nguyện của cậu - mà đằng sau là các tranh thanka quí giá và các pháp khí khác nhau dành cho vị trí tâm linh của cậu - thì cậu tỏ ra rất quan tâm đến việc này, cậu hết ngại ngùng và nói chuyện tự nhiên lúc nghỉ vẽ. Rõ ràng là cậu thích thú cái mới của chuyện này. Đồng thời cậu cũng là người mẫu rất tốt, ngồi yên một chỗ trong lúc được vẽ, không tỏ ra có chút mệt nhọc hay thiếu kiên nhẫn.

Ngày nọ, sau một buổi tuyết rơi dữ dội, trong lúc thưởng thức phong cảnh nhìn qua cửa sổ, bỗng nhiên chúng tôi thấy nhiều thân thể trần truồng từ phòng thờ đi ra và nhảy vòng vòng xung quanh tuyết trắng phau, sau đó lăn nhiều vòng; còn chúng tôi thì lạnh run ở trong phòng sang trọng nhưng không được sưởi này. Các thân trần truồng đó không ai khác hơn là vị tái sinh trẻ tuổi và hai cậu khác cùng tuổi đang chơi đùa với nhau. Sau khi lăn lăn lại trên tuyết, họ kéo nhau lại vào phòng, có lẽ để sưởi; nhưng ít lâu sau họ lại kéo ra, lặp lại trò chơi vài lần rồi mới chán.

Chúng tôi vui thích thấy rằng, dù học hành và chịu nhiều kỷ luật, sự rèn luyện thân thể và trò chơi đùa thiếu niên không thể bị giảm, mặc dù tính chất tâm linh cao độ của việc dạy dỗ, người ta vẫn không câu nệ. Ắt hẳn trò chơi tuyết này có mục đích tập luyện cho thân thể cứng cỏi và chuẩn bị cho phép nội nhiệt về sau mà trong đó hành giả phải chứng minh đủ khả năng dùng nhiệt trong thân mà chống lại cái lạnh, qua sự chế ngự du già lên thân và tâm. Thế nhưng chúng tôi thấy không nên hỏi vị gia sư hay bất cứ ai khác về chuyện này để các cậu này khỏi bối rối, nếu đây chỉ là trò chơi trẻ con.

Ngoài chuyện tu tập hàng ngày, chúng tôi có chuyện làm để khỏi phí thời giờ. Có nhiều kinh sách để học hỏi, trích dẫn và ghi chép thêm, làm bản in gỗ và bản sao các bích họa. Trong phòng thờ đối diện với phòng mình, chúng tôi vui mừng thấy các bích họa rất đẹp của tám mươi bốn vị thành tựu giả, chúng tôi cho tôi cơ hội họa lại để hoàn thiện công trình tranh tượng của tôi, tiếp nối công việc lúc trước về đề tài có tính lịch sử quá trình này.

Bên ngoài tu viện cũng có nhiều sự kiện để vẽ lại, chụp hình và vì thế không có lúc nào chúng tôi được nghỉ. Ngoài ra chúng tôi có nhiều câu chuyện thú vị về những khía cạnh khác nhau của truyền thống tâm linh và phép tu thiền định với Adscho Rimpotsché, với vị phụ tá, gia sư của vị tái sinh và một vài người khác. Trong những người đó thì đặc biệt vị giữ điện chính, người mà mỗi ngày mang nước, đèn và thắp nhang cũng như chùi dọn các pháp khí và phòng ốc sáng trưng. Ông làm những việc này không những một cách cẩn thận mà còn xem nó là phép tu và với lòng tin tuyệt đối, nên nơi trán ông có một cục u thường xuyên; nó sinh ra do vô số lần lễ lạy mà mỗi ngày ông cúng dường các bậc giác ngộ và các hiện thân các vị hộ pháp cho trí huệ siêu việt. Đó là những vị hộ pháp cho các dòng truyền thừa, trong đó có Đại hắc (Mahakala), Kim cương thủ (Vajrabhairava), Thời luân (Kalacakra) Hô Kim cương (Hevajra), Đại cực (Mahasukha). Đại cực là một trong những vị hộ thần đặc biệt của dòng Kargyutpa, vị này cũng được thờ cúng trong dòng Gelugpa và các dòng khác, được xem là biểu tượng chính của một hệ thống kinh thiền định sâu sắc - mà bản thân tôi cũng nghiên cứu suốt một năm. Vì lý do đó mà cho vị này và man-đa-la liên hệ có một khám thờ riêng được trưng bày bên cạnh Liên Hoa Sinh.

Tại Dungkar Gompa, chúng tôi còn tìm thấy một bức hình nổi của man-đa-la này, được hoàn thành một cách chi li với 164 vị thần và các chi tiết khác. Rất tiếc hình này bây giờ nằm trong một góc tối của chính điện, bị bọc lại bởi một khung gỗ và phủ kín nên không thể nghiên cứu kỹ thêm những như không thể chụp hình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]